Vì là một quốc gia Phật giáo nên đa số người Việt Nam từ nhỏ đã có thói
quen đi chùa tương tự như người phương Tây đi nhà thờ... Do vậy, thật
khó tưởng tượng rằng bạn có thể bắt gặp một thầy Tây dạy thiền cho người
Việt Nam.
Lại càng ngạc nhiên hơn khi có một ông cựu Giám đốc Điều hành đến từ Hà
Lan lại đang dạy thiền cho các doanh nhân Việt Nam. Điều này có vẻ
không tự nhiên vì thiền vốn xuất phát từ phương Đông và gia nhập sang
phương Tây chứ không phải ngược lại.
Thiền xuất phát từ thiền định của nhà Phật. Người tập thiền sẽ ngồi tư
thế hoa sen, một dạng ngồi dưới đất và bắt chéo hai chân trong khi kiểm
soát hơi thở, suy nghĩ, cảm xúc và những đặc điểm hành vi của mình.
|
Robert Bridgeman đang hướng dẫn các học viên thực hành thiền |
Trong 40 năm trở lại đây, có hơn 2.500 nghiên cứu về thiền từ hơn 200
trường đại học trên thế giới. Đại học Harvard (Mỹ) còn có hẳn một trung
tâm “Body & Mind” (Thân & Tâm). Họ nghiên cứu về tác dụng của
thiền lên cơ thể. Kết quả của các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiền có tác
dụng tích cực lên não.
Khi lợi ích của thiền đã được khoa học chứng minh, những người phương
Tây lý trí cũng không quan tâm nhiều đến nguồn gốc Phật giáo của thiền
nữa. Họ xem những giáo lý của Phật như một triết lý và phổ biến chúng
một cách rộng rãi.
Đối với người phương Tây, Đức Phật là một người bình thường như bạn và
tôi. Ngài đã khám phá được lợi ích tối cao của thiền học và từ đó truyền
bá tư tưởng của Ngài đến với mọi người. Chính Đức Phật đã nói rằng:
“Đừng tin những gì ta nói, hãy tự khám phá và trải nghiệm nó.” Người
phương Tây đã làm theo như thế.
Có vẻ như Phật chưa bao giờ có ý định trở thành một tôn giáo. Chỉ sau
khi Ngài qua đời, những người theo Phật mới tạo ra tôn giáo Phật và
truyền từ Ấn Độ sang châu Á, từ Nepal, đến Nhật, Mông Cổ và Thái Lan.
Ở những quốc gia này Phật giáo được hòa trộn với những tôn giáo bản địa
và theo thời gian, khía cạnh tôn giáo trở nên quan trọng hơn cốt lõi
triết lý của Phật. Các nghi lễ, kinh sách và cấp bậc theo tôn giáo trở
thành chuẩn mực.
Giống như phương Tây, ở châu Á cũng có phong trào chạy theo vật chất.
Các nền kinh tế đang trên đà phát triển, tiêu chuẩn sống nhìn chung tăng
nhanh và số người trở thành triệu phú quá nhiều. Người ta đi tìm hạnh
phúc qua những giá trị vật chất và tất cả những gì nằm ngoài bản thân
mình: danh vọng, tiền tài, công việc, xe hơi, đồ chơi công nghệ, hay nhà
cửa...
Có vẻ như sau 40 năm kể từ khi thiền được truyền sang phương Tây, giờ
đây nó đã tìm về châu Á, sau khi đã qua bộ lọc từ tôn giáo sang văn hóa,
để chỉ còn là một triết lý thuần khiết. Vậy nên, người châu Á hiện đại
đang gặt hái những hoa trái thơm ngọt từ những ích lợi của thiền mà
không nhuốm màu tôn giáo.
Và giờ đây, ở giữa lòng TP.HCM đã có một người Hà Lan tích cực trong
việc truyền dạy thiền cho chính người Việt Nam. Từ năm 2010 đến nay,
Robert Bridgeman đã hướng việc giảng dạy của mình đến đối tượng doanh
nhân. Cùng với một nhóm những doanh nhân Việt Nam có cùng suy nghĩ, ông
đã tổ chức những khóa workshop và seminar dành cho các tổ chức và đội
ngũ lãnh đạo.
Robert chia sẻ: “Tất cả bắt đầu từ một nhóm rất nhỏ cách đây 2 năm khi
chúng tôi mới đến TP.HCM. Tôi có cảm giác như đây chính là điều mọi
người đang cần đến ở thời điểm này. Cách chúng tôi biết đặt mình trong
môi trường này giúp chúng tôi đến gần hơn với cộng đồng doanh nhân Việt
Nam.
Những vị giám đốc điều hành và quản lý thường muốn nghe các chứng cứ
khoa học và giải thích logic hơn là những lý giải mơ hồ về tôn giáo. Vì
có nguồn gốc văn hóa Việt nên họ hiểu sâu hơn các khía cạnh của thiền và
nhờ vậy cũng tiến bộ nhanh hơn và đạt hiệu quả tốt hơn. Bản thân Robert
cũng đã từng là một Giám đốc Điều hành của một công ty xây dựng Hà Lan
khi khám phá ra thiền.
“Tôi bị kẹt cứng giữa công việc và bản thân. Tôi không hề hạnh phúc và
tôi có tất cả những thứ mà trái tim ao ước nhưng lại cứ có cảm giác tôi
đang sống một cuộc đời nào khác. Rằng có điều gì đó không ổn ở đây! Tôi
quyết định thay đổi và chỉ làm những gì thực sự tạo cảm hứng cho tôi một
cách sâu sắc.
Những năm gần đây tôi đã đi du lịch khắp thế giới. Tôi đã tìm học những
thiền sư ở nhiều tu viện và đền ở Nepal, Ấn Độ, Thái Lan và tất nhiên
là Việt Nam. Cách đây 2 năm, vị thiền sư đầu tiên của tôi bảo rằng tôi
đã sẵn sàng để hướng dẫn cho người khác và tôi đã đón nhận món quà này
bằng cả hai tay.” Robert cho biết.
Hiện ông sống tại Hà Lan nhưng vẫn thường xuyên bay về Việt Nam để thực
hiện những khóa seminar. “Chúng tôi bắt đầu với các CEO, nhưng sau đó
chúng tôi nhận ra rằng thiền cũng có tác dụng với mọi nhân viên dưới cấp
quản lý. Các CEO hiểu rằng việc tập thiền mang lại nhiều lợi ích cho
nhân viên như: giảm chi phí do tỉ lệ nghỉ việc thấp đi, tăng hiệu suất
làm việc và mức độ hài lòng của nhân viên".
Theo Nhịp cầu đầu tư