Tâm bão


HOÀNG CÔNG DANH
18/06/2013 14:18 (GMT+7)
Số lượt xem: 107181
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Vào hồi 5 giờ sáng hôm nay, ngày 26 tháng 9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,4 độ vĩ Bắc; 110,1 độ kinh Đông, cách  bờ  biển  Đà Nẵng  – Quãng Ngãi khoảng 120km, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh đến cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây – Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 đến 15km.  Đến 19 giờ hôm nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,6 độ vĩ Bắc; 108,3 độ kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Quảng Bình – Đà Nẵng, và tràn vào đất liền…



Tam baoTiếng báo hiệu thảng  thốt vang lên từ chiếc ra-đi-ô đặt trong tịnh thất của ngôi chùa nhỏ. Lúc ấy mới sáu giờ, trời chưa sáng hẳn. Sư thầy vừa tụng xong hồi kinh đầu ngày, đang vặn nhỏ lại mấy cây đèn dầu trên bàn thờ, nhỏ đến mức mỗi chúp lửa chỉ còn bằng hạt đậu xanh. Điệu Sanh biết thầy có thói quen nghe đài buổi sớm nên ngay sau khi dứt chuông  vãn hồi, điệu đã rời chánh điện, lui vào tịnh thất bật đài lên. Và tin bão đến.

Nghe tin, thầy không bất ngờ lắm, vẫn an nhiên vặn nốt ba cây đèn còn lại. Tháng Chín là mùa mưa bão, xưa nay vẫn vậy, lạ gì đâu mà phải giật mình hay nao núng. Chuyện đâu đã có đó. Bây giờ ngoài trời vẫn đang mưa đấy thôi, lúc âm ỉ khi ào ạt. Mưa kiểu dằng dặc của mùa đông xen lẫn từng đợt mưa trộ của tiết hè. Mưa tứ cố vô thân, xạo bên này xạc bên kia, chẳng biết đâu mà lần.

Sư thầy kéo lại tà áo cà-sa cho bớt lạnh rồi bước vào tịnh thất, vừa đến cửa đã chạm phải điệu Sanh luống cuống chạy ra.

- Có bão, thầy ơi!

- Không sao đâu, gió mùa ấy mà – vừa nói thầy vừa chỉ tay ra vườn cây bao bọc quanh nương chùa – đã có cây cối ngăn bớt, con đừng lo chi cả.

Thực tình, nói không lo là để cho điệu Sanh khỏi sợ, chớ thầy cũng có chút hoang  mang. Ở chùa thì chẳng sao, nhưng còn bà con quanh vùng nữa, không lo hóa ra mình vô tâm. Hai hôm trước thầy đi qua đồng, thấy xóm làng đang vào vụ hè-thu. Lúa vàng chen lẫn lúa xanh. Cả cánh đồng thênh thang như thế mà mới gặt được có vài thửa; còn lại nhà thì chờ lúa chín, nhà thì chờ nắng lên mới cắt về phơi phóng. Thầy không làm ruộng vì đất chùa hẹp, chỉ trồng được vườn cây săng lẻ xen vài gốc cổ thụ. Nhưng xuất thân từ con nhà nông nên thầy hiểu cái khó khăn của nghề  trông chờ “ơn trời mưa nắng phải thì.”

Thầy vặn âm lượng chiếc ra-đi-ô to lên nghe tin tức, chặp hồi nhà đài lại cắt ngang bản tin để thông báo tin bão khẩn cấp, các công điện khẩn của chính phủ và lãnh đạo tỉnh. Nghe thế cũng ấm lòng hơn, vì chẳng ai nỡ bỏ đồng bào mình trong cuộc thiên biến. Quan chức, xưa nay vẫn bị tiếng là vô tâm, nhưng đến lúc hoạn nạn thì tự dưng cái tình người nó trỗi dậy mạnh mẽ.

Mải nghe  tin tức, trời đã sáng hẳn tự lúc nào. Gió lặng. Cây trong vườn tạm thời đứng yên, chỉ còn lá vẫn nhỏ những giọt mưa xuống nền đất ẩm.

Chị bán  vải, “người quen” của  sư thầy, bước  vào chùa, cởi chiếc áo mưa mỏng ra rồi vái chào. Nhiều lần chị đến thăm chơi, thành  ra sư thầy cũng coi chị như một Phật tử thân tín. Và lần nào gặp nhau, cả thầy cả chị đều nở nụ cười thanh thoát sau nghi thức chắp tay chào vốn dĩ của nhà chùa.

- Mưa quá thầy ạ! – vừa nói chị vừa đưa tay vuốt lẹ khuôn mặt ướt đẫm nước, vẫn còn vài giọt bám ở dưới tai và hai bên sóng mũi.

- Chị vừa dưới nhà lên hay đi đâu ghé vào? Mưa gió thế này…

Thầy hỏi một câu mà như không hỏi, rồi bỏ lửng câu nói ngang  đó, trong lúc tay đang pha ấm trà. Mưa thì mưa, gió dẫu gió, cũng phải làm ấm trà mời khách cho ấm cái đã. Chính cái vẻ điềm nhiên tự tại của nhà sư mà chị hay đến chùa. Bởi cứ hễ gặp thầy, dù chưa nói chuyện gì thì chị vẫn cảm thấy sự an tâm, một nguồn động viên chân thành đến kỳ lạ.

- Con ở dưới nhà, thức dậy từ sớm cơ. Nhưng nghe tin bão đến. Chợ đò chắc cũng ế ẩm nên không ra mở quán. Trời thế này người ta lo cái ăn chứ ai nghĩ đến chuyện làm đẹp mà chăng lụa vải ra bán, phải không thầy?

Chị cúi xuống, xách túi đồ đặt  lên bàn. Một đùm muối mè với hai chai xì dầu.

- Cái này con đem lên cho thầy với chú Sanh. Ngày mưa rét, rau ráng trong vườn chùa không tiện kiếm. Với lại, biết đâu được, nhỡ mà lũ thì vẫn có cái ăn. Nghĩ thế nên con rang vội ít muối mè đem lên. Cái tính con nó thế, sống một mình nên cứ hay phải lo trước. Thầy đừng trách.

Mấy chữ “sống một mình” mà chị vừa nói khiến thầy cảm thương  quá. Hồi điệu Sanh chưa vào chùa, thầy vẫn sống  một  mình đó thôi. Song, bên  thầy còn có những  bức tượng  Phật và Bồ-tát nên  chẳng  thấy cô quạnh. Còn bây giờ, khi nghe chị nói, tự dưng mắt thầy như trôi về phía căn nhà nhỏ của chị, ở đó đồ đạc đầy đủ nhưng  vẫn thiếu những  hình người. Một bức ảnh kỷ niệm ngày cưới thì chị đã gỡ xuống, tháo khung gỗ, cuộn tấm hình lại từ bữa ly dị với anh.

Chị đặt tách trà xuống, tay vẫn chưa hết lạnh khiến tách trà gõ tiếng cụp vào mặt bàn. Sư thầy thoáng giật mình.

- Cảm ơn chị. Thế này thì phiền chị quá! – chợt thấy lời vừa nói hơi khách sáo, thầy tiếp – mùa này mà có muối mè ăn vừa ngon vừa chắc bụng lắm! Hồi trước, bà cụ nhà tôi cứ hễ trời trở gió là đem đậu lạc ra rang, rồi giã muối hột trộn thành  một hũ to. Thế này này. Thầy khoanh hay bàn tay quanh ấm trà. Nghĩ lại, thấy các cụ nhà mình cũng mẹo ra phết. Chẳng thế mà người ta bảo, ngày đông không chăn ăn cơm mè cũng ấm.

Ngoài trời mưa tạm ngớt, gió phạt qua vườn cây viu viu âm thanh rất nhỏ. Cái khoảng lắng của ông trời ấy thật dễ sợ. Cứ như đang lũ mà có nắng là nước lên chứ đừng tưởng bở là trời tha. Hay như ở xứ Bạch Dương vào mùa tuyết rơi, ngày nào trời nắng là rét buốt như rút xương đầu ngón tay chứ chẳng phải chơi, ai không biết cứ mặc phong  phanh  ra đường  thì nguy to. Và cũng chính lúc trời yên thế này, lòng người ai biết được, đang cuộn sóng mạnh mẽ, có thể nói ra hết nỗi niềm của mình.tam-bao

- Cứ đến mùa mưa lũ con lại sợ, thầy ạ! Cái hồi anh ấy mới đi khỏi nhà, mùa lũ đầu tiên nước tràn vào ngang đầu gối, con phải dùng cái bàn như căn nhà thu nhỏ, mọi sinh hoạt tất tần tật trên đó cả. Lắm lúc cứ muốn lao đầu xuống nước cho xong!

Nói đến  đấy, chị cúi xuống, buồn.  Sư thầy  châm thêm nước vào tách trà. Thầy chẳng biết an ủi chị như thế nào, chỉ góp chuyện.

- Ở đời, sống khó mà chết cũng chẳng dễ đâu. Chết chưa chắc hết khổ, có khi chính cái sự liều lĩnh dại dột ấy lại tạo khổ nghiệp  cho kiếp sau. Chi bằng cố gắng sống, chứ tìm đến cái chết thì chẳng khác nào lối sống buông  thả. Lạ thế, con người ta cứ nghĩ chết là hết, ừ thì hết thật đấy, nhưng vẫn chưa xong.

Gió nổi một đợt, thốc mạnh, đánh bạt cánh cửa sổ gập sát vào bức tường. Chị xin phép ra về.

- Con hiểu ý thầy rồi. Tranh thủ trời lặng mưa, con chạy ù về tháp lại mấy cánh cửa đã. Cũng may bão số bốn không đi thẳng vào vùng này, thầy ạ! Mình chỉ bị ảnh hưởng thôi.

Đúng như lời chị nói, bão không đánh trực diện. Hiện giờ nó đang ở ngoài khơi và có xu hướng đi chếch lên phía Bắc, nhằm vào hòn đảo Hải Nam. Ở vùng này cùng lắm chịu ảnh hưởng gió kha khá và nước trên thượng nguồn đổ về gây lũ nhỏ. Thầy có một kinh nghiệm đoán bão. Cứ ra giêng, thầy thường  đi quanh  mấy lùm tre, tìm những chồi măng. Chồi măng mọc ngoài thì không sao, nhưng hễ nó mọc vào giữa bụi tre là năm ấy bão to. Có lẽ kinh nghiệm ấy thuần túy suy luận, rằng người ta thường nói vững như tre trước bão giông, bây chừ mụt măng nó mọc giữa bụi thì chứng tỏ gió mạnh khiếp lắm. Thế nhưng từ dạo ra Tết đến nay, mấy lần thầy đi khắp lũy tre trong xóm, coi thật tỉ mẩn mà vẫn không thấy một mụt măng nào, thật khó đoán định.

Đài lại chen ngang  tin bão. Vẫn ổn định hướng đi, có thể bão đã lạc ra khỏi địa phận nước Việt. Nhưng cấp trên vẫn thúc giục nhân dân đề cao cảnh giác, không được chủ quan. Tính trời khó lường, như lòng người vốn khó đo vậy.

Suốt cả ngày hôm ấy lòng thầy cứ hoang mang. Lúc nhà đài kể chuyện lãnh đạo tỉnh đang đi thăm các gia đình neo đơn là thầy lại nhớ đến chị. Cũng cảnh neo đơn, một thân một phận. Mà người sống cô đơn hay làm liều lắm, cứ nghĩ không còn gì để mất.

Đến trưa, mấy cây chuối sau nương chùa chúc xuống, tại mưa mấy ngày nay làm long đất, thêm ít gió là chúng bị quật ngã. Điệu Sanh xin sư thầy chặt số chuối ấy đóng chiếc bè, nếu có lũ thì chèo chơi. Chuyện đóng bè mùa lũ hầu như ai ở nông thôn đều biết, nó như cái thú vui của trẻ con khi nước về. Thầy cũng có một tuổi thơ như thế, chặt chuối đóng bè chèo quanh  sân. Còn bây giờ, khi nghe  điệu Sanh đòi đóng  bè, thầy lại nhớ câu thơ của cụ Nguyễn Du: “Tiền Đường thả  một  bè lau cứu người”. Có khi thầy phải đóng chiếc bè chuối, có lũ còn chèo quanh xóm coi giúp được ai chút gì cũng nên.

Trời tối sớm, mọi hôm giờ này kênh AM đang  phát chương trình văn nghệ, riêng hôm nay tạm hoãn để phát tin tức gió bão khắp nơi. Hai thầy trò ăn bữa cơm chiều sớm hơn mọi ngày. Bữa cơm chay ngày gió đạm bạc, có thêm chén muối mè mà chị bán vải vừa đưa đến hồi sáng. Suốt bữa điệu Sanh chỉ ăn mỗi thức ấy, dùng muỗng vãi mè lên trên chén cơm mà xắn từng cục như ăn xôi.

Cơm sớm, tụng  kinh cũng sớm. Hôm nay chỉ tụng kinh cầu an thôi. Điệu Sanh mừng thầm, vì kinh cầu an tụng nhanh, chứ không như tụng kinh bộ, cứ ngồi miết suốt buổi.

Mưa ngoài trời nặng hạt thêm, gió quật mạnh từng đợt sát phạt, ngọn gió sắc lẻm như roi cước quất vào da trâu. Cứ vu vu… vút… vút. Thầy đi quanh  chùa, kiểm tra cửa ngõ một lần nữa cho an tâm rồi mới lên giường đi nằm. Hôm nay hai thầy trò ngủ chung một giường cho ấm. Sanh thích ngủ với thầy lắm. Nằm với thầy chẳng khác nào ngủ chung với ông nội, hè thì ông phẩy quạt, đông thì ông ủ ấm cho.

Thầy kéo chiếc mền che lên ngang  cổ. Điệu Sanh thỉnh thoảng  cứ rụt đầu vào trong mền, ngộp quá lại thò đầu ra. Ngoài vườn gió vỗ vào bức tường cái rạt. Sanh giật mình, nghiêng  người qua vòng tay ôm lấy thầy, dúi nguyên khuôn mặt vào bên sườn sư thầy.

Nằm một  hồi, thầy  cứ trằn  trọc, điệu  Sanh cũng chưa chìm giấc, thật khó ngủ, cứ thiêu thiếu cái gì ấy.

Kể chuyện đi, mỏi mồm ắt sẽ ngủ. Ngày trước bà nội Sanh bảo thế.

- Thầy ơi, hồi con ở làng. Trời lũ là cả nhà lại ngủ chung  một chiếc giường. Mạ nằm sát trong  vách, ba nằm phía ngoài vì lâu lâu phải thức dậy canh chừng nước lên. Con nằm lọt thỏm ở giữa, ấm lắm!

Sư thầy chợt thương điệu Sanh quá chừng. Trẻ con thích nằm giữa mẹ cha, để quay bên nào cũng có tình thương. Còn giờ đây, điệu chỉ có một phía ấm áp, là sư thầy. Mà cái sự ấm áp ấy nó cũng không bằng tình mẫu tử được.

Bất chợt Sanh kéo mền xuống, ngóc đầu lên nói nhỏ:

- Thầy ơi! Hồi nãy sao không bảo chị ấy ở lại đây ngủ cho vui. Về dưới nhà chị ở một mình, giờ chắc cũng chưa ngủ được đâu.

Ý nghĩ hồn nhiên của Sanh thật chẳng trẻ con chút nào. Bằng chứng là thầy đang xúc động mạnh. Ừ, biết đâu cho chị ấy ở lại đây. Không cần ngủ chung  đâu, bảo  chị nằm  bên  giường  của Sanh thôi cũng  được. Chùa vắng, có thêm người càng đỡ hẻo chớ sao. Thậm chí, nếu có chị đang  ở đây, thầy cũng cho phép  điệu Sanh qua nằm cùng chị, để lây lan một chút tình cảm của người mẹ, thứ mà cả chị lẫn Sanh đều thiếu thốn.

Càng nghĩ, thầy càng thấy tội cho điệu Sanh. Giá cái hồi đó thầy đừng nhận Sanh thì bây giờ đỡ áy náy. Bữa ấy thầy cứ ngỡ Sanh ham cảnh chùa, rồi vài bữa chán ngay thôi, ai dè điệu ấy có căn tu, mắc duyên với Tam bảo đến vậy. Sư thầy nghiêng  người qua phía điệu, vòng tay ôm lấy Sanh và vuốt nhẹ dọc sống lưng. Điệu Sanh đã ngủ, chốc chốc hít vào nhẹ rồi thở ra thật mạnh, kiểu đang vào giấc ngủ sâu thường  thấy ở trẻ con. Thầy vẫn chưa ngủ được, hai mắt chẳng thấy mỏi, đành vói tay sang lấy chiếc ra-đi-ô, vặn từ từ nút mở cho tiếng loa đủ nghe.

Tin khẩn cấp, bão đột ngột rẽ hướng Tây và đã vào gần đến bờ, nghĩa là hướng về vùng đất liền nơi thầy đang sống. Hèn chi đầu hôm đến giờ gió cứ mạnh hẳn, thầy mải nghĩ chuyện đâu đâu quên theo dõi, cứ ngỡ đợt gió cuối cùng nó mạnh thế thôi.

Ngoài sân lá đánh vèo vèo, điệu bay cuộn xoáy thật tròn của đám  lá si, lát sau đã táng  xuống  sân loẻng xoẻng. Sư thầy ngồi nhổm dậy, một ý định bất ngờ mới ập đến, cũng mạnh  chẳng  kém gì cơn bão. Khẽ đắp lại chiếc mền, cẩn thận  bọc quanh  người điệu Sanh, thầy bước xuống khỏi giường. Thắp cây đèn lên, cho lửa đỏ vừa hạt đậu. Mở một cuốn sách ra, đặt cây bút ở giữa, kiểu đang  đọc dở. Việc này thầy đã từng làm trong những đêm khuya dậy đi vệ sinh, để lỡ điệu Sanh bất thình lình thức giấc mà không thấy sư phụ thì an tâm ngủ tiếp. Nhưng lần này, hình như thầy có ý đánh lừa điệu Sanh, bước đi cứ rón rón rén rén, lật trang sách cũng ngoái lui coi có làm Sanh trở giấc không.

Xong, thầy bước ra khỏi tịnh thất, khép cửa thật nhẹ. Thật ra là giằng lấy cánh cửa từ bàn tay khổng lồ của ngọn gió đang chực đóng sập lại. Khoác vội chiếc áo mưa, thầy đi nhanh ra cổng chùa. Mặc kệ gió đang làm mình làm mẩy với cây cối trong vườn chùa, thầy đi về phía con người. Theo đường mòn hướng xuống xóm chợ, là cái nơi đông mặt người khắc khổ mà thầy ít khi đến. Ở đấy có một khuôn mặt đang hiển hiện dần trong đầu thầy, nước da trắng trẻo tái nhợt đi, chắc lạnh lắm. Rõ ràng khuôn mặt chị bán vải, hồi sáng còn tươi tỉnh mà bây chừ trắng bạch  quá thể, mấy đường  gân trên  trán thâm  tím lại. Người ta bán vải nhưng có khi lại khốn đốn vì thiếu áo quần ủ ấm cũng thường. Nói vạ miệng, không phải cám treo heo chết đói, song, đàn bà họ nghĩ cho người khác thì nhiều mà lại vô tâm với chính mình lắm. Khuôn mặt ấy cứ rõ dần rạng dần lôi thầy đi giữa xoáy gió đêm bão.

Cũng nhanh  như bão, thầy đã đứng  trước cửa nhà chị. Rét run người. Chiếc áo mưa đẫm ướt mặt trong, dính chặt vào chiếc áo choàng nâu tu sĩ thành một tấm mút nhẫy nước, hay là giống chiếc khăn mù xoa của ai đó lau dòng nước mắt không ngớt. Khi đặt tay vào cánh cửa, ổ nắm khoá kim loại lạnh toát truyền một luồng khí khiến thầy sực tỉnh. Ban đêm tự dưng mò đến nhà người ta. Mò, nó thô thiển thật, nhưng cái từ ấy tự thầy nghĩ ra. Lại nữa, đến nhà một người đàn bà không chồng con. Dào ôi, mưa gió thế này ai ở nhà nấy, sức đâu ra đường mà sợ người ta biết. Việc thầy làm đây, chỉ có trời biết đất biết và… Phật biết. Mà trời đất biết, nếu thương thầy thì đừng có làm cuồng phong như thế; còn Phật biết, chắc cũng sẽ lượng thứ cho thầy.

Vặn nắm cửa hoặc gõ cửa cho lịch sự? Không, không được làm thế – thầy tự nhủ. Hay là lấy cái đèn pin nhỏ trong  túi ra, rọi qua khe hở cửa, xem chị ấy thế nào bên trong? Có phải khuôn mặt trắng dã như thầy vừa tưởng  tượng  ra, với đường  gân  thâm  tím của người sắp lả đi vì rét mướt. Cũng không được, như thế chẳng khác nào… tên ăn trộm.

Mưa gió ôm nhau dập mạnh, một tấm tôn lợp phía ngoài hiên đã bung  thép  buộc, cuộn chéo góc đè lên tấm kia. Đứng thế này thì ích gì, làm một việc nào đó nhanh lên. Thầy tự thúc giục mình rồi bỏ hết mấy ý định lúc nãy. Xem ra thầy vẫn ngại, vẫn sợ phạm một điều răn đe nào đó của hàng tu sĩ. Biết đâu được khi cánh cửa mở, thầy đi vào nhà, và từ đó đi ra khỏi chùa. Lối vào chốn này thực chất là lối ra của chốn kia mà thôi.

Lắc đầu cho mọi ý nghĩ bay theo bão, thầy đi vòng quanh nhà, tay sờ vào từng chỗ cửa. Thấy đã nêm nẹp chặt chẽ. Rồi thầy lẹ làng rời căn nhà, hướng về ngôi chùa. Trên đường về, vẫn hy vọng chị ấy đang yên ổn ở trong căn nhà, hoặc hay hơn thì chị ta sang nhà hàng xóm ngủ nhờ. Chỉ có một trong hai trường hợp đó thôi. Nghĩ vậy cho yên tâm.

Đường về có vẻ xa hơn lúc đi, thầy đếm được từng bước chân nặng trịch. Nước mưa xoàm xoạp dưới chân. Có chỗ hố gà, thầy sỉa chân, nước bùn bắn lên tận mặt. Chẳng nhớp! Mưa sẽ rửa sạch ngay thôi mà. Chỉ có điều bùn ấy như bay vào miệng, trôi theo  cổ đi vào trong sâu thẳm nội tâm khiến thầy lớ lớ cồn cào. Bản tin nhà đài phát suốt ngày giờ chỉ còn đọng lại trong thầy hai chữ, và dội lên theo  từng ý nghĩ vẫn hai chữ ấy. Tâm bão. Là tâm mình có bão chắc?

Cùng lúc ấy, ở trên chùa, có một người đàn bà cũng vừa bước đến cửa giữa, nắm tay vào ổ kim loại, lạnh toát. Rồi cũng không dám xoay ổ hoặc gõ cửa. Chần chừ chốc lát đành đi quanh chùa mà kiểm tra từng ô cửa sổ xem đã nêm nẹp chắc chắn chưa. Và ra khỏi cổng chùa, theo hướng chợ lần về. Cũng xen lẫn những ý nghĩ lo toan.

Chẳng biết trên đường trở về, hai người có gặp nhau không nữa?!

Có thể  gặp, vì chung  một  con  đường  nhỏ, lại đi ngược chiều hướng  về nhau. Hơn nữa đêm  nay mọi người ai đã ở nhà nấy rồi, một bóng người trên đường dễ dàng  nhận  ra lắm. Mà cũng có thể không gặp, vì mưa to gió lớn, ai cũng chăm chắm đường mình đi, sức đâu để ý đến người ta làm gì.

Chẳng biết nữa!

Chỉ có điều chắc chắn là bão đã vào sát bờ biển. Dù có suy yếu đi nhưng  tâm bão vẫn nhằm  theo  hướng Tây. Nghĩa là tâm đang hướng về phía đất liền, nơi có con người sinh sống. ■


Âm lịch

Ảnh đẹp