, tôi
còn thích làm những thứ liên quan đến trò chơi như con diều, cái kiện,
cái vụ,… và những cái quen thuộc như đôi đũa, cái rổ,… Không có cái gì
làm cho ra hồn, chỉ trừ một việc được mẹ tôi tín nhiệm, đó là gói bánh
in.
Chuyện gói bánh in thì cũng liên quan đến chuyện làm lồng đèn, vì
cùng đòi hỏi giấy màu. Nếu chuyện gói bánh in là chuyện… thiêng liêng vì
cúng kỵ, chuyện Tết, thì chuyện làm lồng đèn cũng quan trọng lắm, vì
làm để treo trong mùa Phật đản. Hồi đó chỉ có hai loại lồng đèn: lồng
đèn ngôi sao và lồng đèn ú. Thôi thì mình chọn cái dễ: làm lồng đèn ú.
Bây giờ so sánh cái lồng đèn ú do con nít làm hồi đó với lồng đèn ngày
nay thì cũng giống như đem cái đèn dầu huê kỳ leo lét chọi với đèn huỳnh
quang sáng ngời. Làm lồng đèn hồi đó thì tự kiếm lấy mọi thứ, được
chăng hay chớ. Cây tre, cây hóp không xa lạ gì, nhưng từ thiên nhiên cho
đến thành phẩm nan tre không phải dễ đối với đứa trẻ, rồi giấy màu cũng
khi có khi không vì… tiền mô? Rồi đồ dán, có thể chút bột nếp, hoặc cơm
nhão. Khó nhất là bộ khung cho thật chỉnh, sau đó dán giấy cho căng
đều. Rốt cuộc, đèn cũng xong, cũng được thắp lên, cũng kính mừng Phật
đản.
Chiếc lồng đèn ú tự làm thuở nhỏ ở thị xã Quảng Trị, giờ đã lùi quá
xa trong cuộc đời tôi. Sau này khôn lớn ở Huế, những chiếc lồng đèn trở
lại với tôi mỗi mùa Phật Đản, và trong lòng tôi dậy lên niềm vui khi
thấy phố phường xuất hiện những gánh lồng đèn tràn đầy màu sắc, rực rỡ
trong nắng ban mai. Những chiếc lồng đèn ngôi sao nhiều kích cỡ, góc
cạnh đàng hoàng, có tua, có kim tuyến, có hình Đức Phật đản sanh, được
bán với giá phải chăng, đã làm cho Huế vào mùa Phật đản thật sớm. Và đến
ngày 14 và rằm tháng Tư âm lịch, cả thành phố sáng rực với cờ Phật giáo
và lồng đèn, nhất là ban đêm. Tôi còn nhớ những hội hoa đăng không chỉ ở
chùa Từ Đàm và các ngôi tổ đình, hoặc các khuôn hội, mà kể cả tư gia,
đặc biệt tại hai nơi: khu vực cầu Kho Rèn với trang hoàng màu sắc và ánh
sáng vô cùng rực rỡ, và khu vực cống Thanh Long lôi cuốn người xem đông
như hội, với thiết kế rất sống động cảnh thái tử Tất-đạt-đa đêm khuya
trốn khỏi kinh thành, cùng với người hầu Xa-nặc phi con ngựa Kiền Trắc,
quyết ra đi tìm con đường giải thoát cho chúng sinh.
Bẵng một thời gian, mùa Phật đản trôi qua trong thinh lặng. May thay,
cùng với đất nước đổi mới, các chùa và Phật tử Huế mới trở lại mừng
Phật đản với cờ và lồng đèn rực rỡ. Lồng đèn ngày nay kiểu dáng phong
phú chứ không chỉ là lồng đèn ngôi sao và lồng đèn ú, không chỉ dùng vật
liệu là tre, giấy mà còn khung nhôm, gỗ, thép, vải, lụa, giấy nhựa,… và
ánh sáng, thôi thì muôn màu, nhấp nháy, sống động. Tuy nhiên, sao tôi
vẫn cứ không quên lồng đèn ú, đơn sơ, mộc mạc, chân tình… Thì đây rồi,
lồng đèn ú đây rồi, không chỉ lẻ tẻ vài cái, mà khắp nơi, ở làng Lựu Bảo
(phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế), nơi chuyên
sản xuất bánh tráng. Khác với quang cảnh ban ngày với những dàn phơi
bánh tráng trắng tinh lấp loáng dưới ánh nắng, những đống củi ngổn
ngang trong vườn; những đêm của Tuần lễ Phật đản, trên những con đường
đất và đường bê tông chạy sâu vào thôn xóm, những chiếc lồng đèn ú cách
khoảng đều đặn, trên những hàng chè tàu – loại hàng rào của một thuở
thanh bình ở làng quê – lung linh ánh sáng đỏ vàng khiêm tốn, cùng góp
mặt với cờ Phật giáo, với lồng đèn ngôi sao trước nhà. Thuần thành thay
những chiếc lồng đèn ú! Trong đêm trăng đầy sao và với ánh sáng của
những chiếc lồng đèn ú như thế, chúng tôi cùng theo chân các đạo hữu
đi lên chùa Kim Sơn cao cao trên đồi trong tiếng chuông chùa ngân nga.
Những mùa Phật đản của những năm sau này, Phật tử và nhân dân Huế
hân hoan với những hình thức trọng thể và đầy ý nghĩa như Lễ Rước Phật,
hoa đăng trên sông Hương, thuyền hoa, xe hoa, như lễ đài tại chùa Từ Đàm
và các lễ đài tại cửa ngõ hai đầu thành phố, như tuyệt tác Bảy đóa hoa
sen trên sông Hương mà nay đã trở thành truyền thống và biểu trưng của
Phật giáo Huế, nhưng sao tôi vẫn ước ao Phật tử mình trang hoàng cờ đèn
nhiều hơn nữa, và đặc biệt, treo càng nhiều càng tốt những chiếc lồng
đèn ú dọc bên đường phố thị hay thôn xóm, như cùng thể hiện và lan tỏa
niềm vui của người Phật tử trong ngày lễ trọng đại nhất của mình. ■
Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 152-Phật Đản | CAO HUY HÓA