Cơ chế của sự
nhìn
Một sớm mai, có thể sau một giấc ngủ nhiều mộng mị, khi mở mắt ra, hành động
nhìn của chúng ta quả là một bản năng rất tự nhiên đến nỗi chúng ta không hề ý
thức được điều đó. Con người xem thế giới như ở bên ngoài bản thân mình, như một
cái gì đó để suy ngẫm trong trí tưởng tượng. Thế giới bây giờ trở thành đối
tượng khách thể và được điều khiển bên trong sân khấu của tư duy thay vì nó là
một hiện thực có hình tướng ở bên ngoài. Cũng chính động thái được vận hành như
vậy, nên khi khách thể hóa thế giới thì ta lại càng có nguy cơ đánh mất đi cái
cảm giác tiếp xúc trực tiếp với thế giới, một loại cảm giác mà con người có được
với tư cách là kẻ tham dự trực tiếp bên trong lòng thế giới.
Tuy nhiên, không thật đơn giản như vậy, những
nghiên cứu sâu sắc hơn của khoa học về "cơ chế cái nhìn" đã cho thấy động thái
nhìn thực ra mang tính chủ quan rất cao và nó không phải là một sự "chụp ảnh".
Thông thường phần lớn cái mà chúng ta nhìn thấy đều phát lộ ra từ những cái ta
muốn tìm hiểu. Điều này cho thấy không có một phân biệt giữa hành vi nhìn trong
trí não với cái nhìn qua đôi mắt, hai hành động này tác động qua lại, nối kết
với nhau. Nói theo cách nói của kinh điển Phật học nó không phải một mà chẳng
phải hai.
Theo kiến thức khoa học về thần kinh não bộ thì khả
năng nhìn thế giới phụ thuộc mạng lưới hoạt động phức tạp giữa mắt và bộ não mà
căn bản là "đường dây thông tin liên lạc" bên trong các vô số vùng khác nhau của
não bộ.
Bước đầu tiên, những tín hiệu từ đầu dây thần kinh
đi vào bộ não, ở đó nó phân rã thành ba nhánh đi vào ba trung tâm cách biệt: não
giữa, tiểu não và phần vỏ não phụ trách thị giác. Riêng phần vỏ não lại chia ra
thành nhiều trung tâm khác nhau, mỗi trung tâm phụ trách một chức năng nhìn tách
biệt. Sự nhìn thấy một đối tượng nào đó thực sự chỉ diễn ra trong quá trình xử
lý tại nhiều vùng khác nhau của vỏ não phụ trách thị giác như vùng có chức năng
nhận dạng, chức năng khu vực nhận diện có màu sắc, về sự chuyển động.v.v...
Bước tiếp
theo, các thông tin khác nhau thu nhập từ đối tượng nhìn sẽ được tích hợp lại để
thành một cái nhìn toàn thể và bộ não lập tức tạo ra một loạt các phỏng đoán và
nghi vấn. Chẳng hạn khi một chiếc lá rơi ngoài khung cửa thực ra mắt chỉ thấy
một loạt cả đường nét, một khu vực chuyển động, những mảng màu sắc.v.v. Tích hợp các thông tin đó lại với nhau ta mới
thấy thực sự rơi của chiếc lá.
Thông thường, thông tin không chỉ có chuyển từ đầu
dây thần kinh thị giác tới bộ não mà còn có hàng loạt nghi vấn được gởi từ bộ
não tới mắt. Hai dòng thông tin này gặp nhau dọc theo các đầu dây thần kinh thị
giác. Tại nơi đây, tín hiệu truyền từ não bộ xuống sẽ thẩm vấn những dữ liệu thô
được gởi lên và bảo đảm rằng chỉ có những thông tin có ý nghĩa và chuyển đến
vùng não bộ phụ trách thị giác. Có thể gọi sự hoạt động này là "lọc thông tin
thị giác" để bộ não không quá tải bởi mọi thứ mà mắt phát hiện. Nó chỉ quan tâm
đến những thông tin thích hợp với quang cảnh mà nó cố gắng tạo dựng.
Một khi những thông tin đã tới vỏ não sẽ tạo dựng
nên một giả thiết mới về thế giới bên ngoài, thì lúc đó bộ não sẽ chỉ huy điều
động mắt thu lượm những dữ liệu mới để xác nhận giả thiết đó hay làm rõ những gì
trong hình ảnh đã nhìn thấy.
Nhiều khi cái mà ta nhìn thấy không hẳn là cái đang
ở trước mắt mà là cái đã được tái hiện từ trí nhớ và từ sơ đồ thị giác của bộ
não. Chẳng hạn khi nhìn các vết rạn trên mặt tường có thể trông giống một hình
người con gái đang xoã tóc, có khi giống một con ngựa đang phi.v.v. Trong những
tình huống như vậy, các sơ đồ thị giác của não đã phóng chiếu những hình ảnh bên
trong trí óc lên thế giới xung quanh. Sơ đồ này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như
sự trưởng thành con người với bề dày của sự trải nghiệm, bản năng của di truyền,
của môi trường sinh hoạt.
Hành vi của cái nhìn bao hàm cả hành động tra vấn
thường xuyên đối với thế giới bao quanh và sau đó là cách giải quyết những nghi
vấn đó và đến phần mình, những giả thiết thị giác do con người tạo ra về thế
giới, phần lớn hình thành trong hoàn cảnh mà ta có mặt trong đó. Điều này nói
lên một thực tế, chúng ta chỉ quen với những giá trị được nhận thức bởi mắt,
tai, thường nghiệm. Tất cả giá trị phổ quát thường là tập hợp theo số đông được
chấp nhận bởi nhiều cá thể.
Tỷ như câu chuyện một nhà thiên văn học Trung Hoa,
khi ông nhìn lên những ngôi sao gần nhau bên kia bờ sông Ngân, ông liên kết
chúng lại thành hình ảnh cô gái dệt lụa. Ông gọi đó là chòm sao Chức nữ. Ông có
thể cười thầm khi nghe một nhà thiên văn Hy Lạp, cũng nhìn chòm sao đó, lại gọi
là một cây đàn Thất huyền.
Việc quan sát thế giới chung quanh trên các đối
tượng, hiện tượng... là hoạt động rất tự nhiên của con người từ lúc mới chào đời
và đã có từ ngàn xưa, dần dần trở thành hoạt động khoa học. Mãi đến thế kỷ 20,
con người mới đạt nhiều thành quả kiêu hãnh về trí tuệ. Và chính niềm say mê
điên cuồng này khiến con người đã suy tôn khoa học có khả năng điều khiển và
kiểm soát thế giới, với niềm tin rằng nhân loại sẽ có một thế giới tốt đẹp cho
chúng ta và con em chúng ta. Thực tế cho thấy, chúng ta đang thưởng thức chủ
nghĩa lạc quan này với một nhúm muối mặn và với đôi mắt sâu thẳm nhìn vào một
màn sương mù mịt. Có quá nhiều bí ẩn trong thế giới thực tại. Hy vọng tìm hiểu
được bản chất của thực tại có lẽ chỉ là ảo tưởng. Nhà bác học N–Bohr, một trong
những trụ cột Vật lý hiện đại đã nhắn nhủ:
Mục đích của khoa học là làm tăng thêm và sắp xếp kinh nghiệm của chúng ta. Nó
không có mục đích phát hiện ra cốt lõi thực của hiện tượng.
Chúng ta đã rơi từ niềm tin xác định tan biến dần
thành sự hoài nghi của bất định.
***
Cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm, khi giảng cho
chúng sinh về "bản chất thế giới", một trong những việc đầu tiên của Đức Phật là
phân tích về hoạt động quan sát. Nội dung được ghi lại trong bộ kinh nổi tiếng –
kinh Lăng nghiêm.
Cái nhìn trong
Phật học
Thế giới trong quan niệm Phật học bao gồm tất cả
cái đang hiện hữu bên trong con người cùng với toàn thể cái hiện diện bên ngoài.
Nói khái quát theo cách phát biểu quen thuộc, thế giới là toàn bộ chủ thể bên
trong và những đối tượng khách thể bên ngoài. Chủ thể bên trong là ta, khách thể
bên ngoài là thực tại khác biệt ta. Tuy vậy, không có lằn ranh nhất định giữa
bên trong và bên ngoài. Chẳng hạn khi ta đưa bàn tay lên thì cái tay là đối
tượng của mắt, nó là sắc, là thuộc cảnh trần và vì vậy nó thuộc bên ngoài. Lại
nữa, ta bỗng nhiên thấy nổi buồn chợt đến trong lòng, cái buồn đó là đối tượng
của ý, nghĩa là trở thành pháp trần. Vậy tâm đang ở bên trong (chủ thể) nay
chuyển ra đối tượng bên ngoài?
Đây không phải là một kiểu lý luận, mà là một sự
thật. Sự thật này giúp ta bỏ sự phân biệt trong và ngoài. Vậy thế giới trong ý
nghĩa Phật học vận hành như thế nào? Đó là sự vận hành hỗ tương giữa ba nhóm:
– Lục căn: nhãn, nhỉ, tỷ, thiệt, thân và ý
– Lục trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp
– Lục thức: nhãn thức, nhỉ thức, tỷ thức, thiệt
thức, thân thức và ý thức
Ba nhóm gọi chung là 18 giới. Giới có nghĩa là
chủng loại, tuy có mối quan hệ với nhau nhưng tác dụng có sự khác biệt rõ ràng.
Với 12 giới đầu còn gọi tên khác là 12 xứ với chức năng 6 căn tiếp xúc với 6
trần hiện khởi trong ý căn, sinh ra tác dụng nhận thức là 6 thức giới. Như thế,
chủ thể là 6 căn, đối tượng là 6 trần và 6 thức là do căn và trần hòa hợp mà
hình thành.
Sự phân loại theo tác dụng của nhận thức theo thể
thống này khác biệt với các nhà duy vật phân tích. Họ cho rằng, nhận thức của
chúng ta hoàn toàn là sự tác dụng mô phỏng trong hệ thần kinh được tiếp nhận từ
ngoại cảnh, tức là chỉ có căn và cảnh mà không có sự sinh khởi của thức, tác
thành nên hoạt động nhận thức.
Như vậy, ba nhóm căn, trần cảnh, và thức giới, cùng
thành lập và cùng hiện khởi, và khi chúng tương giao
với nhau tác thành những chuỗi vận hành của sự sống và cũng từ đó sinh ra vạn
pháp trong thế giới
tâm – sinh – vật lý. Một cách tổng
quát, có thể chia thành chủ thể và đối tượng. Chủ thể là 6 căn: mắt, tai, mũi,
lưỡi, thân và ý căn. Đối tượng là 6 trần cảnh: sắc, thanh, hương, vị, xúc và
pháp. Đây là cách phân loại theo nhận thức luận và như vậy nhận thức sinh khởi
được là nhờ nương vào 6 căn bên trong có vai trò chủ thể và 6 trần là đối tượng.
Tuy vậy, sự vận hành là vấn đề khá phức tạp tế nhị
trên toàn diện của tiến trình tâm – sinh – vật lý. Chẳng hạn khi bàn về cái
nhìn: mắt tiếp xúc với sắc (đối tượng vật chất), xúc này chỉ hình thành khi hợp
tác của nhãn thức, điều này được hiểu ngầm rằng bộ ba gồm mắt, sắc, nhãn thức
tập khởi vận hành để sau cùng là một hình ảnh của sắc được ghi lại mà ta gọi là
pháp. Pháp này tức khắc chiêu dụ nên các cảm giác hoặc là trung tính (xả thọ),
hoặc là khó chịu (khổ thọ) hoặc là dễ chịu (lạc thọ). Các trạng thái khổ, lạc mà
xúc giác con mắt sinh khởi thuộc về thân thức, do chức năng của thân thức nơi
mắt (hay còn gọi là cái biết của mắt).
Ta thử cảm thực sự vận hành này qua mấy dòng thơ
của nhà thơ tiền chiến Thế Lữ trong "Giây
phút chạnh lòng" viết tặng nhà văn Nhất Linh, tác giả của tiểu thuyết "Đoạn
tuyệt". Bối cảnh không thời gian: Dừng chân trên bờ sông xa vắng, vào một chiều
lành lạnh gió heo may, đưa mắt ngắm một bóng mây ở tít chân trời, tác giả lại
bất chợt nhớ về một kỷ niệm nhạt nhòa của ngày xưa yêu nhau:
“Rồi có khi nào
ngắm bóng mây
Chiều thu đưa
lại gió heo may
Dừng chân trên
bóng sông xa vắng
Chạnh nhớ tình
ta trong phút giây".
Cũng trong cái bất chợt như vậy mà trong một chiều
nắng nhạt, mùa hạ của đất trời xanh tươi, cây cối chưa ngả màu vàng vọt, nhưng
nhà thơ Thâm Tâm trong "Tống biệt hành" đang nhìn hoàng hôn lại cảm thấy thấm
đẫm một nỗi buồn ly biệt
"Bóng chiều
không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng
hôn trong mắt trong".
Rõ ràng mắt (hay các căn khác) là một loại vật chất
rất vi tế mà các nhà sinh vật học gọi là thần kinh thị giác, Phật pháp gọi là
tịnh sắc căn có chất ngại nhưng khó nhận biết. Ý căn, cũng là vật chất rất vi
tế, nhà sinh lý học gọi là hệ thần kinh não bộ, là tổng khu của hệ thần kinh. Ý
căn có mối liên kết với 5 căn còn lại, nó tiếp nhận thông tin từ 5 căn đưa vào
và cũng điều khiển làm cho 5 căn hoạt động. Nó không chỉ là vật chất mà nó còn
là cơ sở để tinh thần hoạt động, khác hẳn với các nhà duy vật luận
cho rằng: "Tinh thần do vật chất sinh ra"....
Đối tượng của ý căn là pháp cảnh, pháp là đối tượng của
tâm, khi không thấy, không nghe , nội tâm cũng duyên với cảnh giới như: thọ,
tưởng và hành, nên gọi là pháp trần. Ý căn sinh khởi
ý thức là sự tổng hợp nên nhận thức.
Khổ
cũng như lạc là một
cảm thọ. Nếu không có
cảm thọ thì không có lạc, có khổ. Cảm thọ là nhận vào, thâu nạp vào một cảm giác mà chúng ta
thường đồng nhất với cái tôi, kinh Kim
cương
gọi là ngã tưởng. Ngày xưa, có người
hỏi tôn giả Xá Lợi Phất, một đại đệ tử bên
cạnh Đức Phật rằng: làm sao có hạnh phúc được khi không còn cảm thọ? Ngài đã
trả lời lại một cách sâu sắc "không có cảm thọ mới chính là hạnh phúc". Đây là phát ngôn của bậc
đạt Đạo. Còn phàm phu như chúng ta thường nhạy cảm đối với cái gì liên hệ đến
cái "tôi" cho nên cảm thọ của họ rất manh động dễ gây bất an cho mình, cho
người.
***
Trở lại sự vận hành của cái nhìn: khi mắt thấy sắc
(đối tượng vật chất) lúc đó "cái thấy" chỉ có xả thọ thôi, còn xúc giác của mắt
thuộc về thân thức mới thọ khổ hay thọ lạc.
– Xả thọ tức cảm giác bình thường không vui, không
buồn. Thông thường con người khó chịu nổi cái êm ả, vô vị đó, nên tâm thường
khởi lên cái lăng xăng, tạo tác tìm thú vui, mộng tưởng, ước vọng.v.v.. mà Đức
Phật gọi là "hành". Hành bị điều động bởi dục ái. Dục ái chiêu cảm sắc, thanh,
hương, vị, xúc trong hiện tại, chiêu cảm kỷ niệm, hồi tưởng trong xa xăm quá
khứ, chiêu cảm đến ước mơ tưởng tượng, vời vợi ở tương lai. Đây cũng chỉ là cái
khổ tâm lý rất vi tế, gọi là "hành khổ".
Thi sĩ Bùi Giáng, ông đồng thời là một nhà biên
khảo triết học Tây phương, có một đời sống rất lạ lẫm. Bề ngoài tỏ ra an nhiên
tự tại, buông xả thị phi, xem đời như sương khói mộng ảo, đôi khi muốn phủi cả
bụi thu mờ bằng đôi tay gầy guộc, nhưng tâm thức lắm khi còn vướng nợ trần gian.
Ông thao thức:
"Một đời lận đận
đo rồi đếm
Gối mỏi người đi
đứng lại ngồi".
hoặc là:
"Những nhịp bước
bên đường, còn dội mãi
Vang về đâu
không vọng lại hồi âm".
– Xả thọ đã như
vậy, còn lạc thọ thì sao?
Khi cái nhìn từ đôi mắt lại đưa đến cảm giác vui
hay thọ lạc, khuynh hướng con người là muốn giữ cái niềm vui đó, đây
chính là cái mà Phật học gọi là hữu ái.
Hữu ái thuộc về tâm tham, làm nền tảng
cho đoạn kiến. Rõ ràng ta thủ đắc một
cái gì đưa đến cảm giác lạc, thì muốn giữ cái sở đắc đó lại, nhưng cái sở đắc
này cũng như vạn pháp đều tiềm ẩn trong nó sức công phá của luật vô thường. Vậy
ta bất an, nỗi khổ chợt đến.
Nữ sĩ Bà Huyện Thanh Quan đã không giữ được cảm xúc
khi đứng nhìn lại thành quách xưa cổ in bóng một thời vàng son trong nỗi đời
hưng phế:
“Lối xưa xe ngựa
hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài
bóng tịch dương”.
Hoặc giả, say đắm, chấp chặt niềm vui quên cả thời
gian như đang lắng động, Vũ Hoàng Chương thi sĩ viết:
"Nắng ngả còn
chưa tin là chiều
Lá đổ còn chưa
là mùa thu".
Trái lại, khi cái nhìn dẫn đến cái khổ phát sinh,
thường thì bản ngã có ý chống lại, muốn lẫn tránh hay loại trừ nỗi khổ đó, hay
không muốn nó tồn tại, danh từ Phật học gọi là
Phi hữu ái. Phi hữu ái thuộc tâm sân,
là nền tảng cho đoạn kiến.
Chẳng hạn thời tiết mùa hè thường nóng nực lúc ta
đang làm công việc gì đó nên tỏ ra bực tức khó chịu. Như vậy đã khổ nơi thân,
lại thêm khổ nội tâm, cái khổ chồng chất thêm lên. Đem cái phi hữu ái mà chồng
lên cái khổ thì tạo nên cái khổ – khổ.
Khổ thọ
thuộc về sinh lý là có thực, nhưng cái khổ – khổ thuộc về tâm lý thì chỉ là ảo
giác không có thực, cho nên khi nhìn thẳng vào
khổ – khổ tâm lý đó thì ảo giác sẽ mất đi.
Chẳng hạn, khi có công việc cần làm, đi qua ngã tư
gặp đèn đỏ, ta cảm thấy thời gian dừng lại lâu quá, trong lòng nôn nóng bực bội
khổ tâm. Rõ ràng, ta khởi lên ảo tưởng
(tư tưởng không đúng về thực tế) để rơi vào một ảo giác, rồi lại khởi lên một ảo tưởng để loại trừ các ảo giác đó.
Rõ thực cái tâm lăng xăng cứ chạy lòng vòng.
Có thể tóm tắt rằng từ cái nhìn ban đầu dẫn đến cảm
thọ:
+ Càng cố gắng duy trì lưu giữ cái lạc thọ càng
phát sinh hoại khổ do hữu ái hay tâm tham đưa lại.
+ Càng nóng vội diệt khổ thọ càng gia cố thêm khổ –
khổ do phi hữu ái hay tâm sân đem lại.
+ Càng lăng xăng tạo tác vì xả thọ, càng gây thêm
hành khổ do dục ái hay tâm si điều động.
Khổ, lạc
hay thọ xả chỉ là cảm thọ, đơn thuần, tự nhiên và khách
quan. Các loại cảm thọ này khác nhau ở mỗi người. Khi
ảo tưởng phản ứng lên cái cảm thọ khách quan ban đầu (xả, khổ, lạc) thì tác
động làm cho nó trở thành cảm thọ tâm lý chủ quan khổ – khổ, hoại khổ và hành khổ có bản chất hoàn toàn là
ảo giác.
Có thể thấy rằng, khi đang trong cảm giác khổ, lẽ
ra ta nhìn thẳng minh bạch vào cái khổ mà không khởi tâm, phê phán thêm bớt,
đánh giá để sự bất mãn, mong muốn diệt khổ không có điều kiện chiếm lĩnh, phô
diễn lấn át, vô minh và ái dục không thể tham gia điều động.
Nhưng làm thế nào, pháp môn nào có thể làm cho tâm
không khởi lên được. Đây là điều bất khả đối với chúng ta. Khi đối tượng được
xúc, thọ, tưởng nhận diện, thì lập tức ngay sau đó là sự phản ứng tích cực của
tư. Tư tự nó trung tính, nhưng khi ở trong
tâm bất thiện thì chính nó điều động các tâm sở bất thiện để đưa ra hành vi phản
ứng đầy dẫy tham, sân, si. Ngược lại ở trong tâm thiện thì nó dẫn đầu các
tịnh quang tâm sở
biểu hiện thành các điều lành.
Thực ra, trừ khi ở trạng thái thụ động lúc ngủ say,
chứ lúc nào con người lại không có thái độ, tức đã khởi tâm rồi. Thậm chí đối
với người có tâm hôn trầm và tâm yên tĩnh, chính là đang khởi tâm si mê chứ
không phải không. Ngài Huệ năng có dạy: "Đối cảnh tâm sở khởi" và cũng có lần
trước câu hỏi "Bạch Thế Tôn, nếu tất cả tâm không khởi thì
sẽ không có tất cả khổ", đức Phật dạy rằng "Chớ có nói vậy, chỉ không nên khởi tâm bất thiện mà thôi". Vậy thật
rõ ràng, chúng ta phải thấy, phải biết và ứng xử theo thể, tướng, dụng để thích
nghi chứ không chấp một bên mà sinh ra có chỗ trụ tâm.
Theo quan điểm Phật học, điều gì làm sinh khởi
tham, sân, tà kiến cho mình, cho người thì gọi là
bất thiện. Điều gì làm sinh khởi vô tham, vô sân và chánh kiến thì gọi là
thiện.
Chúng ta có thể hiểu thêm hơn nữa điều này qua định
nghĩa của Đức Phật:
"... Phàm pháp
nào thuộc về phần thiện, tất cả những pháp ấy lấy như lý tác ý làm căn bản, lấy
như lý tác ý làm chỗ quy tụ, như lý tác ý
được gọi là tối thượng đối với những pháp ấy".
(Tương ưng V)
Như vậy, các pháp bất thiện là liên hệ căn bản đến
phóng dật và phi như lý tác ý. Còn nếu chúng ta tinh cần để chánh kiến tác ý
trên khổ, vô thường, vô ngã thì các bất thiện sẽ dần dần bị đoạn diệt.
***
Mọi người đều cho rằng khoa học và công nghệ đồng
nghĩa với tri thức, với thông tin và hơn nữa sự tăng trưởng
và tích tụ thông tin ngày càng trở nên vô hạn. Mặc dù công nghệ đã mang lại
nhiều yếu tố tích cực to lớn đối với đời sống nhưng nó cũng gây nhiều hậu quả
tàn phá đến khốc liệt nghiêm trọng. Khoa học, và công nghệ đã chứng tỏ rằng nó
có thể tác động vào thế giới chứ không thể làm chủ được thế giới.
Khoa học
càng không thể tạo ra một nền đạo lý nào cả. Chỉ có những phẩm chất thiện (như lời dạy của Đức Phật) của con người mới có thể định hướng
được sức tác động vào thế giới chúng ta. Phẩm chất thiện bao hàm một nội dung
được sinh khởi từ suy niệm tâm linh. Sự suy niệm hay nỗ lực tinh thần dẫn đến
một biến đổi sâu sắc về cách thức cảm nhận thế giới và tác động vào thế giới của
chúng ta. Chỉ cần thấy rằng con người thường xuyên chịu sự chi phối, điều động
bởi thói ích kỷ, và đồng thời thấy rõ được tính ích kỷ này bắt nguồn từ sự vô
minh có từ vô thuỷ trong sự vận hành đời sống chúng ta.
Vô minh hàm ý là hiểu biết nhầm lẫn về bản chất
thực sự của con người và của thế giới. Vô minh không ám chỉ thiếu kiến thức, hay
không am tường một lý thuyết, một học thuật, một chuyên môn.v.v... Chẳng hạn
như:
+ Nhận lầm thực tại vốn không có ngã (không có tự
tính) mà cho là có ngã. Sự chấp có ngã này đã dựng nên màn sương dày đặc những
vọng tưởng, nên gây đau khổ cho con người. Vì rằng chỉ với thực tại vô ngã nên
thế giới được sinh khởi và tồn tại. Ta thử chứng thực nguyên lý này bằng một số
quan sát.
. Vì cacbon (C) và sắt (Fe) do vô tự tính nên có
hợp chất gang, thép được tồn tại.
. Vì hư không là không có tự tính nên có khi tối,
khi sáng; có khi mưa, nắng và bốn mùa vận hành thay nhau.
+ Nhận lầm sự tham đắm ngũ dục, ru ngủ trong khoái
lạc là khổ do không bao giờ thỏa mãn. Chẳng hạn, có người đã hoàn toàn thoát
khỏi cảnh nghèo rồi, nhưng khi cầm khúc bánh mì trên tay thì kỳ ức đói nghèo năm
xưa vẫn hiện về trong tâm thức họ. Đau khổ chỉ dẫn đến đau khổ, vì đau khổ chỉ
dựa trên đau khổ mà tồn tại. Nó chỉ có thể sinh trưởng trên dòng suy nghĩ miên
man bất định của lo âu, toan tính, sợ hãi. Thế mà cho là hạnh phúc, là vui
sướng.
Nhà thơ Nguyên Sa viết:
"Anh chỉ ngồi
nhìn sao khuya rung động
Nghe bờ môi tát
cạn những hơi thở yếu dần".
hoặc:
Từng hy vọng đã bay theo từng hy vọng
Không biết có
phải vì nhát cuốc tháng ngày đã phạt cỏ đùa chơi?
Một đời sống tốt đẹp đích thực lúc nào cũng đòi
hỏi đến sự hài hòa giữa hai chân lý tương đối và tuyệt đối hay giữa phương tiện
và cứu cánh. Nói về chân lý tương đối thì bất kỳ điều gì chúng ta thấy, nghe,
xúc, chạm đều tỏ ra quan trọng bởi chúng đang tồn tại. Để tồn tại trên cõi đời
này chúng ta cần phải làm việc, cần có nơi ăn chốn ở, cần tiền để sinh hoạt. Sự
tiến bộ về mặt vật chất cũng được nhấn mạnh trong giáo lý của đạo Phật. Đức Phật dạy rằng: "Một
trong những điều quan trọng là phải thấu đáo chân lý thế tục".
Chân lý thế tục còn gọi là
chân lý tương đối và vì tất cả mọi hiện tượng đều là tương đối, hạnh phúc và đau
khổ cũng tồn tại như vậy. Tuy vậy xét ở phương diện tuyệt đối hay tối thượng thì
nó lại không đúng và thực sự không tồn tại. Chẳng hạn, đây là cái bàn lớn theo
nghĩa đủ chỗ xếp đặt được 100 cái cốc, nhưng
lại quá nhỏ cho 1000 cái cốc, có nghĩa cái bàn không phải lớn cho mọi lúc. Lớn,
nhỏ đều phụ thuộc vào mục đích sử dụng hay nói cách khác kích cỡ cái bàn chỉ là
tương đối. Xét một cách tuyệt đối, cái bàn thực sự không tồn tại như nó xuất hiện.
Do đó khi nói đến vô ngã thì ta đã nói đến sự thật của cuộc đời, nói đến một
chất dinh dưỡng tối thượng của hạnh phúc và an lạc. Đây là một sự tỉnh thức,
thấy được đời sống luôn luôn sinh khởi và hiện hữu trong dòng vận hành của nhiều
nhân duyên tan –
hợp.
Thậm chí, trên bước đường tìm kiếm danh vọng, phú
quý giàu sang thì cái "tôi" có thể đóng một vai trò quan trọng nhưng trong sâu
thẳm của nội tâm thì ôm ấp cái tôi, lấy cái tự ngã làm trung tâm thì những tính
khí của tự ngã sẽ biến tướng con người thành kẻ si mê, kiêu mạn, thích sống với
mộng tưởng hão huyền, thúc đẩy lao vào những cuộc tranh chấp hơn thua, lang
thang, dong ruỗi theo những khát vọng bên ngoài chẳng khác nào tìm kiếm chân lý
của đời sống dựa trên những khát vọng hình hài .
"Ai công hầu, ai
khanh tướng
Trong trần ai, ai
dễ biết ai"
(Đặng Trần Thường)
Ta
hình như đang nghe vang vọng âm thanh tiếng thở dài của một cuộc đời lắm thăng
trầm, đang cuốn vào vòng xoáy vô hình làm khuấy động sự
bình an nội tại, một sự an lạc sâu thẳm
bên trong tâm hồn có ý nghĩa cho đời sống của kiếp người.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ai- tỳ- đạt-ma Câu Xá: Acarya Vashybandhu,
Tuệ Sỹ dịch và chú dịch
NXB Phương Đông 2012.
2. Kinh thủ Lăng Nghiêm: Tâm Minh – NXB Tôn
Giáo 2009
3. Huyền thoại Duy – Ma – Cật:
Tuệ Sỹ – NXB Phương Đông 2007
3. Từ Xác định đến Bất định: F–David Peat
Phạm Việt Hưng dịch – NXB Trí thức
2005