LỬA TỪ BI


QUÁCH GIAO
09/07/2013 18:58 (GMT+7)
Số lượt xem: 949
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Sáng ngày 11 tháng 6 năm 1963, tại ngã tư Phan Đình Phùng, Lê Văn Duyệt  lúc 9 giờ, ngọn lửa thiêu thân của Bồ tát Quảng Đức đã bùng lên:

  



Lửa! Lửa cháy ngất Toà Sen!

Tám chín phương nhục thể trần tâm hiện thành THƠ, quỳ cả xuống.
Hai Vầng Sáng rưng rưng
Đông Tây nhòa lệ ngọc
Chắp tay đón một Mặt Trời Mới Mọc
Ánh Đạo Vàng phơi phới, đang bừng lên dâng lên...


Nhục thân của Bồ tát Quảng Đức  biến thành biển lửa dâng cao phong trào đấu tranh chống lại cường quyền của Phật giáo đồ miền nam Việt Nam dưới thời Ngô Đình Diệm. Cuộc đấu tranh bất bạo động chuyển sang giai đoạn tích cực hơn theo ngọn lửa từ bi, không còn riêng gì người Phật tử mà muôn vạn trái tim cùng hướng về tự do hòa bình.

Nam mô Đức Phật Di Đà
Sông Hằng kia, bởi đâu mà cát bay?
Thương chúng sinh trầm luân bể khổ
NGƯỜI rẽ phăng đêm tối đất dầy
Bước ra, ngồi nhập định, hướng về Tây
Gọi hết LỬA vào xương da bỏ ngỏ.

Lời thơ, ý thơ khởi đầu đời sống tâm linh bị dập vùi tàn ác.

Sáu ngả luân hồi đâu đó
Mang mang cùng nín thở
Tiếng nấc lên ngừng nhịp Bánh Xe Quay.
Không khí vặn mình theo, khóc oà lên nổi gió;
Người siêu thăng... Giông bão lắng từ đây,
Bóng người vượt chín từng mây
Nhân gian mát rợi bóng cây Bồ Đề

 “Gọi hết lửa vào xương da bỏ ngõ” để “nhân gian mát rợi bóng cây bồ đề”. Ngọn lửa từ bi là như vậy đó.

Đã 50 năm trôi qua, ngọn lửa Từ Bi vẫn luôn luôn tỏa sáng. Mặc dù “vần điệu của thi nhân chỉ còn là rơm rác” nhưng mỗi khi đọc lại bài thơ lòng người con Phật lại hừng ánh lửa

“Thơ cháy lên theo với lời kinh

Đồng loại chúng con nắm tay nhau tràn nước mắt
Tình thương hiện Tháp Chín Tầng xây.

Hình Bồ Tát tự thiêu được nhà báo phóng viên ảnh người Mỹ tên Malcolm Browne chuyển về cho tờ Nữu Ước Thời Báo (New York Times). Tấm hình ngay lập tức được phổ biển rộng rải khắp thế giới. Và nhà báo David Halberstam đã viết những câu: “ Phía sau tôi có thể nghe thấy tiếng khóc tấm tức của những người Việt Nam. Tôi quá ngỡ ngàng tới mức không khóc nổi, quá bối rối để nghĩ tới chuyện ghi chú hay phỏng vấn ai, quá bàng hoàng không nghĩ nỗi điều gì…Khi bốc cháy cơ thể ông ấy vẫn lặng phắc, cũng không phát ra một tiếng kêu, trái hẳn với những người đang khóc rấm rức chung quanh” .

chi muc.jpg

Tấm hình và bài văn đã làm xúc động hàng triệu tấm lòng độc giả trên thế giới. Đây là 1 trong 10 tấm hình thời sự chính trị gây ảnh hưởng lớn trong lịch sử nhân loại. Đồng thời nhiếp ảnh gia Việt Nam Nguyễn Văn Thông cũng phổ biến những tấm hình do tác giả chụp được (những bức ảnh này mãi sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ mới được phổ biến rộng rãi).

Sau đó bài thơ Lửa Từ Bi của nhà thơ Vũ Hoàng Chương xuất hiện trên nhiều phương tiện: đọc miệng, in ronéo, và chép tay chuyền cho nhau. Đầu tiên bài thơ gởi cho nhật báo Tự Do Gài Gòn vào ngày 23/7/63 nhưng bị kiểm duyệt bỏ trọn bài. Sau đó văn phòng chùa Xá Lợi in thành nhiều bản in ronéo và phổ biến trong giới Phật tử nhân ngày chung thất bồ tát Quảng Đức.

Bài thơ chuyển tải được tấm gương của Bồ Tát tự thiêu vì Đạo pháp và là bài thơ khởi đầu cho nguồn văn học, nghệ thuật bùng lên ca tụng sự kiện bi hùng của Bồ Tát để nguyện theo gót  Người trên công cuộc đấu tranh của phong trào Phật giáo.

Bài thơ được nữ thi sĩ  người Bĩ tên Simone  Kuhmen de la Coeillerie dịch ra Pháp ngữ. Đồng thời hai nhạc sĩ Nguyễn Hải và Hà Lan Phương  đã phổ nhạc bài thơ. Dưới chế độ kiểm duyệt và khủng bố của chính quyền họ Ngô đối với cuộc đấu tranh của Phật giáo rất khốc liệt, thì tấm hình, bài thơ là nguồn văn hóa, nghệ thuật nêu cao tấm gương sáng chói rạng ngời của Bồ Tát Quảng Đức quả là một thành tích có một không hai. Nhiều bài thơ ca tụng, nhiều lời nhạc tri ân, nhiều hình ảnh đấng Bồ Tát tự thiêu được âm thầm phổ biến khắp nơi.

Bài thơ Lửa Từ Bi tuy chưa phải là một áng văn chương tuyệt tác, song đó là một tấm lòng, một lời ca tụng chân thành của một nhà thơ Phật tử trước tấm gương vị Pháp thiêu thân. Bài thơ như một ngọn pháo bông rực rở báo hiệu khởi đầu cho một mùa thơ ca tụng công đức của Bồ Tát Quảng Đức.

Trong suốt 50 năm qua, ngọn lửa Từ Bi của Bồ Tát Quảng Đức không bao giờ tàn trong trái tim người Phật tử. Những bức tượng nặn bằng đất, đẻo bằng đá và đúc bằng đồng được dựng lên khắp nơi, trong những ngôi chùa đã từng in dấu chân của Bồ Tát

Trước lúc hiến thân vì đạo pháp bồ tát Quảng Đưc có để lại 5 bài thơ di bút. Trong bài “Cùng hàng Phật tử qui y, thế độ và xuất gia” có đoạn:

Gia Định, Sài Gòn hởi các con

Hà Tiên, Cai Lậy Thầy vẫn còn

Nam Vang, Núi Lớn Thầy ghi dấu

Khánh Hòa đệ tử vẫn ân son.

 Lòng người Phật tử Khánh Hòa luôn tưởng nhớ đến Thầy, lòng sắc son cùng Thầy. Phần lớn các chùa như chùa Long Sơn, chùa Từ Tôn (Hòn Đỏ), chùa Thiên Tứ, chùa Linh Sơn v.v… đều có tượng bồ tát Quảng Đức. Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa có tạp chí Quảng Đức. Hằng năm các chùa trong tỉnh đều có tổ chức buổi lể tưởng niệm Bồ tát, qui tụ nhiều tăng ni Phật tử về tham dự.

Và hôm nay tại tổ đình Linh Sơn thôn Hiền Lương  xã Vạn Đức huyện Vạn Ninh tỉnh Khánh Hòa, nơi Bồ Tát Quảng Đức trụ trì trong tám năm (1940 -1948)  một ngôi nhà làm toàn bằng gỗ để kỷ niệm Bồ Tát Quảng Đức được hoàn thành. Tổ đình Linh Sơn trước đây chỉ là một vùng đất hoang vắng, rừng tiếp với biển. Vào thời vua Lê Hiển Tông thuộc thế kỷ 18 có vị Hòa Thượng Đại Bửu mang pháp hiệu Kim Cang Đại Lão Tổ Sư đến ngồi tu thiền dưới gốc một cây kén cổ thụ lối đầu thôn. Thấy nơi đây phong cảnh u nhã, đại sư quyết định ở lại đại đạo hoằng hóa nên ra công xây dựng một ngôi phạm vũ, hoàn tất vào năm Cảnh Hưng thứ 22 (1761) đặt tên chùa là Sa Long Tự. Năm Tự Đức thứ 21 (1867) chùa bị cháy và được xây cất lại. Sau khi trùng tu, chùa đổi tên là Linh Sơn Tự.

 Bồ Tát Quảng Đức là vị sư tổ thứ 6.

Hiện nay các công trình xây dựng chùa của Bồ Tát vẫn còn: các cột ba biểu, ngôi cổng tam quan, miếu cô hồn và ngôi nhà tu niệm (ngôi nhà này mới đây đã bị sụp đổ vì mục nát) được thay thế bằng một ngôi nhà gỗ. Ngôi nhà gỗ gồm toàn danh mộc. Trong 70 cây cột có đến 64 cây cột bằng gỗ mít rừng (một danh mộc có tên trong nhóm gỗ quí). Mỗi cây to có đến một người ôm cao đến 5 thước. Các cây xiêng, đính, kèo, đòn tay rui mè đều là danh mộc như trắc, soan, ché v.v… và nhất là có một số gỗ huỳnh đàn.

 Hòa thượng Trụ trì Thích Thiện Dương, đệ tử đời thứ 8 đã đích thân vào rừng vùng núi Vạn Ninh, là một vùng núi nổi tiếng về trầm hương của tỉnh Khánh Hòa, cùng với các thợ rừng có tên tuổi đi tìm và đem về trong suốt 14 năm ròng rã. Sự chuyển vận vừa bằng sức người, sức trâu. Sân sau chùa, gần bên cây kén cổ thụ, gian trại mộc được thành lập, qui tụ các thợ mộc nổi danh về ngày đêm xẻ gổ, đục bào. Công việc xây dựng mãi đến 4 năm mới hoàn thành.

Nền nhà được lát bằng gạch bát tràng, màu đỏ dịu dàng, thấm mát từ lòng đất lạnh lên bàn chân trần của người thăm viếng. Khách sẽ ngồi tưởng niệm Bồ tát trên lòng đất lạnh, trong không khí thoáng mát của thiền môn; lòng khách như lắng chìm trong  một khí vị thiền viện xa xưa, lòng như  nghe được lời kinh cầu nguyện của vị Bồ tát thiêu thân vì Đạo.

Trong ngôi nhà này các vật dụng của Bồ tát như:  áo choàng ngồi để tụng niệm, áo choàng đứng khi hành lễ cùng với chiếc mũ cổ kính và rất nhiều di vật còn lại của người. Đặc biệt còn có những bức liễn do các chùa trong ngoài tỉnh dâng tặng khi chùa làm lễ đón nhận sắc phong của triều đình Huế về sắc tứ cho chùa. Bản khắc gỗ bằng chữ Hán bức thư gởi đến các chùa trong và ngoài tỉnh mời tham dự lễ đón nhận sắc tứ cho chùa. Ngoài bức tượng đúc bằng đồng còn có quả tim bất diệt bằng đá ngọc bích.

Năm nay, tổ đình Linh Sơn sẽ tổ chức lễ hiệp kỵ chư vị tổ sư vào 2 ngày 23, 24, tháng năm, năm Quí Tỵ và đồng thời lúc 9 giờ ngày 24 là ngày khánh thành ngôi nhà gỗ kỷ niệm Bồ Tát Quảng Đức tại tổ đình Linh Sơn thôn Hiền Lương huyện Vạn Ninh tỉnh Khánh Hòa. Xin thay mặt cho Tổ đình Linh Sơn kính mời tất cả quí vị vui lòng đến tham dự lễ hiệp kỵ và tham quan ngôi nhà cùng các di vật của Bồ tát Quảng Đức.

Nam mô A Di Đà Phật

QUÁCH GIAO

                                                             ()()()()

 


Âm lịch

Ảnh đẹp