Hôm nọ bất ngờ gặp
một vài người bạn thuở nhỏ ở “đây”… Họ hỏi tôi không thấy chán à? Sống với một
cái vòng luẩn quẩn mãi mà không thấy nhạt nhẽo hay vô vị sao?
Câu hỏi chẳng khó với
tôi. Tôi đã mường tượng câu trả lời trong đầu từ rất lâu rồi.
“Không! Dĩ nhiên là
không chán rồi! Cuộc sống là do mình lựa chọn mà và mình phải tự biết sống như
thế nào với nó chớ!”
Vâng! tôi là một nữ
tu… mọi người gọi tôi là “chú tiểu”…
Nhà tôi gần chùa, gần
lắm, gần đến nỗi mà mỗi lần muốn đến chùa, tôi chỉ cần thực hiện hai thao tác
là lấy đà và…phi qua một hàng rào nhỏ là tới nơi. Và tần suất tôi ở chùa mỗi
ngày còn lớn hơn ở nhà gấp nhiều nhiều lần.
Tuổi thơ tôi như thế,
quanh quẩn đâu cũng chỉ có ở một nơi duy nhất. Tôi thuộc nhiều kinh Phật, đọc
nhiều rồi thuộc thôi. Đến lớp lâu lâu tôi lại lớn giọng giảng giải cho đám bạn
về Phật pháp. Vì bọn nó chả biết gì cả, chỉ biết chắp tay thôi với tôi là chưa
đủ, còn phải hiểu nữa…bọn nó nhìn tôi chăm chú. Lắm lúc tôi tự hào kinh đi
được.
Dạo ấy, tôi thích
nhất là được líu ríu bên Sư phụ… Người chưa bao giờ xem chúng tôi là trẻ con cả….
“đừng có cắt tóc nghe chưa?để dài như vậy cho sư phụ” - Tóc tôi nuôi từ nhỏ,
dài và đen nhánh. Người hay vuốt tóc và khen hoài thôi nên khiến tôi tự đắc
lắm.
Tôi ưa quét lá…vừa
quét vừa nghêu ngao đọc mấy câu kinh kệ… Sư phụ bảo tôi là thiên thần quét lá
chỉ có một trên đời… nghe ngộ ngộ ghê… nhưng thích cực…
Tôi thích ánh mắt người nhìn sấp trẻ chúng tôi kể chuyện ở
trường, ở lớp một cách chăm chú. Cảm giác như… à! Mình cũng đang được một người
mà bao người nể trọng lắng nghe kìa… Sư phụ bảo đừng xem thường trẻ con, bạn
thì cũng phải có nhiều lứa tuổi, trẻ con cũng là bạn – những người bạn chưa lớn…
phải luôn tạo cho chúng cảm giác chúng cũng có tiếng nói riêng. Có lẽ ảnh hưởng
quá nhiều từ Sư phụ mà tôi có suy nghĩ già dặn hơn những đứa bạn cùng trang lứa.
Vậy nên, tôi sống biết nghĩ hơn là điều đương nhiên. Và cũng có lẽ, người là
một trong những lý do khiến tôi tin vào những quyết định của mình. Kể cả việc
xuống tóc…đi tu.
“Sao mày không đi tu
đi con?tao thấy mày chán ở nhà quá mà!”
“Má nói thiệt hả má?”
Vốn dĩ nhà tôi cũng
đông anh em. Má không muốn cho tôi đi, nhưng cũng chẳng ngăn.
Lúc đó má bất giác nói
đùa mà tôi lại tưởng thật. Thế là đi tu thôi.
“sư phụ muốn biết lý
do”
“con chưa phải lo cho
cuộc sống quá nhiều, chưa biết cảnh chạy theo miếng cơm manh áo, chưa trải đời.
Con muốn giữ nét trong sáng này mãi mãi để bước chân vào thế giới Phật pháp
nhiệm màu”
Người xoa đầu tôi,
hai sư trò cười xuề xòa.
Tôi tự vuốt tóc mình cười hồn nhiên “con không tiếc tóc
đâu…sư phụ bảo con đừng cắt…thì con có cắt mô…con cạo luôn mà”
Sư phụ đặt nhiều niềm
hy vọng vào đệ tử tôi lắm…điều đó tôi biêt. Sáng sớm hôm ấy tôi chính thức là
người của cửa Phật…
Nhà gần chùa quá,
bước một bước là đến, tôi không thiếu không khí gia đình, má sợ tôi đi tu rồi
khổ nên mua đồ qua thăm tôi hoài. Anh em bạn bè ghé mãi. Ốm đau, má tận tình
săn sóc, thuốc thang. Cuộc sống bây giờ chẳng khác gì trước kia là mấy. Chỉ
khác mỗi bộ tóc và cánh áo mà thôi.
Nhưng…thực sự tôi
thấy hành trình của mình sao quá trơn tru, sung sướng. Muốn đi là đi không
người ngăn cản, vẫn lúc nào cũng có gia đình ở bên chăm sóc, chở che. Đi tu như
tôi thì ai chẳng muốn. Thế này thì khác chi ở nhà còn hơn. Tôi muốn đi tìm một
phương trời khác. Nơi mà tôi chuyên tâm thấu hiểu giáo lý. Không còn vướng bận
tình cảm nhân gian quá nhiều. Có vượt qua khổ ải, mới giác ngộ nhiều điều. Tôi
muốn đi…
Tôi thưa với sư phụ
nỗi lòng của mình.
Người giật mình rồi
thoáng lặng đi khiến tôi lo sợ vô cùng.
Đêm hôm ấy, tôi trằn
trọc không ngủ được. Vì tôi biết có người chắc cũng đang như tôi.
Thế nhưng sư phụ để
tôi đi, năm ấy tôi mới mười lăm tuổi. Chứng kiến tuổi thơ tôi lớn lên, thấu
từng suy nghĩ từng hành động của một con bé là tôi, tôi nghĩ người tin vào sự
lựa chọn đó. Tôi sợ nhìn vào mắt sư phụ, nó buồn và xa xăm đến lạ. Nhưng hôm
ấy, tôi đã nhìn, nhìn thật sâu…
Tôi ra đi với quyết tâm cao nhưng còn run lẩy bẩy, có yếu
lòng nhưng không hề quay đầu lại…
Tôi chọn một ngôi
chùa khá xa là xa, nằm trên một đỉnh núi, cách ly hoàn toàn với những gì thân
quen…phù!thế là cuộc sống mới bắt đầu!
Tôi lờ đi nỗi nhớ
quê, nhớ gia đình, nhớ sư phụ…mà theo lẽ tự nhiên càng tự đánh lừa bản thân thì
càng lâm vào trạng thái sầu bi đến cùng cực…đôi khi tôi thấy cô độc lắm. Chỉ
muốn thoát khỏi cảnh sống ấy… Đầu óc lắm lúc mông lung cái suy nghĩ muốn quay
trở về trong vòng tay những người thân thương nhất…Thật quá khắc nghiệt cho một
sư cô chập chững tìm lối đi riêng như tôi…lúc đó sống với tôi chỉ còn gọi là
tồn tại.
Chùa tôi đến ở đã
xuống cấp rất nghiêm trọng, cuộc trùng tu cần rất nhiều kinh phí. Tôi giơ tay
tự đi tìm nguồn viện trợ nhưng không đi về đâu. Vì chùa tôi có quá ít người
biết đến. Nó nằm cách biệt là một hạn chế lớn. Và tôi cũng chỉ là một sư cô trẻ
hèn mọn…không có tiếng nói nhất định sao có thể thuyết phục được chúng sanh…đó
là một thử thách tôi cần vượt qua…nỗi đơn côi và sự vô hướng lúc bấy giờ xáo
trộn khiến tôi chao đảo đến bất lực…tôi nhốt mình vài ngày không ăn uống gì chỉ
để tụng kinh. Và đến một ngày, bỗng dưng Phật - làm - lòng –tôi- ấm -lại…
Tôi đả thông tư
tưởng, để lòng an tịnh, chuyên sâu học tập và nghiên cứu kinh Phật. Tôi còn
viết sách nữa. cố gắng viết xúc tích, gần gũi, bằng những gì tôi cảm nhận để dễ
đi vào lòng người. Kiên trì học hỏi và thu thập kiến thức mười phương. Tôi đi
nhiều nơi truyền đạo và đem tiếng lòng mình thổn thức tới mọi người… Dần dần
mọi người biết đến ngôi chùa tôi nhiều hơn…Sách tôi viết họ đọc và thấu hiểu nhiều hơn… họ tìm đến tôi nhiều hơn
và tôi được biết đến nhiều hơn… càng như vậy càng khiến tôi cố gắng thêm. Vì
tôi hiểu ra một điều…người có học thức và cách đối nhân xử thế đẹp là người có
tiếng nói và vị trí nhất định cho dù ở bất cứ đâu…Công cuộc ấy khiến tôi không
còn thời gian để vướng bận thêm bất cứ điều gì khác…đó là bước ngoặt lớn đầu
đời – lý trí đã lấn áp được tình cảm.
Thế nhưng dù bận rộn
tới đâu công việc tôi ưa thích nhất vẫn là ngồi tịnh tâm gõ chuông mỗi sáng
sớm, tiếng chuông vang vọng đánh vào tâm khảm tôi nỗi bình yên khó tả. Tôi
giành quét rác với Mẫu… tôi thích nghe tiếng lá khô sột soạt.
Ai trong chùa cũng
bảo mới tí tuổi mà sao như bà già, tôi cười nắc nẻ.
ở đây, tôi phải làm
quen lại với tất cả. vì sẽ không có sẵn mọi thứ để tôi dựa dẫm, ỷ lại nữa. tôi
học được cách giao tiếp chân thành. Dùng nụ cười làm phương tiện giao tiếp căn
bản. tôi tự thấy cứng cáp hơn, vứt bỏ vỏ bọc yếu đuối ngày nào
Tôi xin được giao
nhiệm vụ là làm đại sứ nhỏ, giao lưu và truyền tải thông điệp của Phật đạo với
mọi người. Tôi huy động được một tổ chức từ thiện lớn nhằm giúp ích cho xã hội.
Hoạt động khá mạnh và tôi là người đề xướng.
Có gì là nhạt nhẽo và
vô vị khi con người tự làm mới cuộc sống mình, tự sáng tạo và phát triển
thêm nguyện vọng tốt đẹp của bản thân. Chùa cũng là một xã hội khác, xã hội của
an lạc…và thầy chùa cũng là con người…đừng bắt họ phải an phận. Như tôi
đây, cũng cố gắng hoạt động tích cực, vì tôi không thích hai từ “an phận” đó.
Dĩ nhiên làm gì cũng phải có ích, và có giới hạn (cười).
Sư phụ viên tịch khi
tôi rời chùa được mười lăm năm, không quá ngắn cũng không quá dài, nhưng đủ để
tôi hiểu vì sao đạo Phật lại dễ dàng thấm sâu vào lòng người đến vậy, và vì sao
ngày ấy…người để tôi đi.
Người tu muốn tu
thành chánh quả không đơn giản…cần thời gian…và cả không gian nữa…họ phải trải
nghiệm nhiều thứ để tự rút ra bài học nhân sinh khiến bản thân cứng cáp hơn.
Tôi nhớ như in câu chuyện về cái kén bướm mà sư phụ kể tôi nghe năm nào.
“Một chàng trai tìm thấy cái kén
bướm. Một hôm anh thấy cái kén hé một lỗ nhỏ. Anh ngồi hàng giờ nhìn chú bướm
nhỏ cố thoát mình ra khỏi cái lỗ nhỏ xíu. Rồi anh ta thấy mọi việc không tiến
triển gì thêm. Hình như chú bướm không thể cố hơn được nữa. Và anh quyết định
giúp chú bướm nhỏ. Anh lấy kéo rạch cho cái lỗ to thêm.
Chú bướm dễ dàng thoát ra khỏi cái kén. Nhưng thân mình nó sưng
phồng lên, đôi cánh thì nhăn nhúm. Còn chàng thanh niên cứ ngồi quan sát cái
kén với hy vọng một lúc nào đó thân mình chú bướm sẽ xẹp lại và đôi cánh xòe
rộng hơn đủ để nâng đỡ thân hình…
Nhưng chẳng có gì thay đổi. Sự thật là chú bướm đã phải bò loanh
quanh suốt quãng đời còn lại với đôi cánh nhăn nhúm và thân hình sưng phồng. Nó
chẳng bao giờ có thể bay được. Có một điều mà chàng thanh niên kia chưa hiểu:
cái kén chật chội khiến chú bướm phải nỗ lực mới chui qua được cái lỗ nhỏ xíu
kia là quy luật tự nhiên tác động lên đôi cánh và cơ thể của bướm, giúp chú có
thể bay ngay khi thoát ra ngoài. Khi chàng làm động tác giúp đỡ nó tức là đã đi
ngược lại tự quy luật nhiên mất rồi và vì đi "đường tắt" nên chú bướm
tội nghiệp chẳng bao giờ đến đích được...”
Đừng bao giờ sống
cuộc đời phẳng lặng sẵn có mọi thứ…sẽ dễ dàng mất đi sức mạnh tiềm tàng và bẩm
sinh và ta chẳng bao giờ trưởng thành được.
Tôi yêu cuộc sống của
mình vì nó là do tôi chọn…chỉ một lần sống nên tôi cố gắng nố lực mỗi phút
giây…
Con thích pháp danh người đặt cho con vô cùng.
Nó như động lực để con phấn đấu.
“Thường Tại Tâm”…mọi
thứ thường phải ở trong tâm.
Con nay đã lớn rồi…
nhưng con vẫn muốn mãi mãi là người bạn chưa lớn của Người…Người nha...!
Con sinh ra đã an bài
là một thiên thần quét lá...và con yêu cái vòng luẩn quẩn của cuộc
đời mình…