25/08/2013 11:54 (GMT+7)
Số lượt xem: 1947
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

A- Duyên khởi.  Đạo Phật là Đạo cứu chúng sanh ra khỏi sáu cõi sinh tử luân hồi khổ đau, để đến các cõi Phật, là những cõi vô sanh, vô tử. Do đó chư Phật trong 10 phương thế giới Phật, đều thị hiện vào Tam giới, Lục đạo, để cứu khổ chúng sanh theo sở nguyện và phương tiện (giáo pháp, tâm đại từ bi, trí tuệ) của mình.


 

 Như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thị hiện vào cõi Ta bà, nói Pháp và hướng dẫn con Người tu tập giáo pháp, để giải thoát sanh tử, luân hồi. Đức Phật còn thuyết minh các kinh Dược Sư, Địa Tạng, để cho con người được biết sự cứu khổ bịnh tật của Phật Dược Sư đối với con người và sự cứu khổ chúng sanh trong các cõi Địa ngục, các loài Ngạ quỷ trong địa ngục và tại không gian cõi Người của Đức Phật Địa Tạng, để cho con người tự cảnh giác mà xa lìa các đường Ác. Đức Thích Ca Mâu Ni, cũng không quên nói về kinh A Di Đà cho loài Người ai muốn vãng sanh về nước Cực Lạc của Phật A Di Đà, thì lo mà tu Tịnh Độ. Đức Bồ Tát Quán Thế Âm nói thần Chú Đại Bi để cứu khổ nạn cho chúng sanh.

 

Link: http://www.phatgiaodaichung.com/Bai2010/2010mongsonthithuc.pdf
http://www.youtube.com/watch?v=0psgQIv0RsY

 

  Bên cạnh Đức Thích Ca Mâu NI lúc bấy giờ, có nhiều vị cổ Phật thị hiện trong Tăng đoàn của Phật, để trợ lực với Phật về một số giáo vụ quan trọng khác nhau. Như các Ngài A Nan (Thị giả Phật, nghe và thuộc lòng tất cả kinh Phật đã nói), Xá Lợi Phất (bên cạnh Phật thuyết Pháp), Ca Diếp, Mục Kiền Liên (được Phật chỉ cho cách cứu mẹ thoát kiếp Ngạ quỷ qua kinh Vu lan), Phú Lâu Na, Phổ Hiền, Văn Thù, Quán Thế Âm, v.v…Trong tất cả vị cổ Phật có mặt bên cạnh Đức Phật Thích Ca, thì Đức Phật Quán Thế Âm, được thấy nhiều hạnh nguyện Bồ Tát cứu khổ chúng sanh thật là đa dạng, bằng cách thị hiện nhiều thân tướng chúng sanh các cõi.

 

B- Xuất xứ :  

Tôi muốn nói đến Phật Quán Thế Âm thị hiện quỷ vương Tiêu Diện và xuất xứ Nghi thức “MÔNG SƠN THÍ THỰC CÔ HỒN”. Có 3 xuất xứ:

Một. Lúc Phật còn tại thế, một hôm, vào buổi chiều, Tôn giả A Nan đang tọa thiền tại bãi cỏ ngoài Tinh Xá Kỳ viên. Bỗng nghe có tiếng động, A Nan ngước mặt nhìn, thấy một con Quỷ có thân tướng mặt đỏ, lưỡi le dài tới rún, miệng tóe  lửa, râu ria xồm xoàm, tay cầm chĩa ba, quỳ xuống. Quỷ nói: “ Này A Nan, Ta là Quỷ Vương, thống trị các loài Ngạ Quỷ, nhưng Ta đang đói lắm ! Ta sẽ ăn thịt A Nan”. Nói xong, con Quỷ trườn tới. A Nan sợ quá, đứng lên, nói: “ khoan đã đừng ăn thịt Ta, Ta sẽ tính chuyện ấy sau cho Quỷ.” Nói xong, A Nan  chào  Quỷ Vương, đi vào Tinh Xá. Tại đây, A Nan  gặp Phật và trình bày hết đầu đuôi câu chuyện về con Quỷ mặt đỏ, lưỡi dài, miệng đầy lửa, đòi ăn thịt mình cho Đức Phật nghe.  Đức Phật nói: “ Không sao đâu, A Nan đừng sợ ! Quỷ, không thể ăn thịt người được. Để Như Lai chỉ cho  A Nan những cách cúng dường cho các loài Quỷ được ăn.” Những cách cúng thí ấy cho các loài Ngạ quỷ, Âm linh, Cô hồn…được ăn như thế nào, mà Đức Thế Tôn đã chỉ cho Ngài A Nan, đã được ghi trong kinh có tên “Kinh Diệm Khẩu”.

Hai.  Với lòng thương xót chúng sanh trong các cõi Âm vô bờ bến, bởi đại bi tâm và trí tuệ thâm sâu của các Đạo sư chân tu, Ngài thiền sư Bất Động đời nhà Đường, tại núi MÔNG, đã được vô số Ngạ quỷ, Âm linh, Cô hồn tìm đến Ngài, để xin Ngài bố thí cho ăn qua nhiều hiện tượng: như cứ vào những chiều chạng vạng, Ngài Bất Động thiền sư nhìn thấy những ngọn lửa lập lòa, ngắn, dài, run rẩy, chơi vơi dưới các thung lũng núi Mông, cùng với những âm thanh tru tréo, hú vang thật rùng rợn ! Rồi đến đêm khi Ngài vào ngồi thiền, thì nghe bên ngoài chung quanh chùa có những tiếng xì xào, gõ cửa, than khóc…

Trước những hình ảnh ma quái của các loài, Ngạ quỷ, Âm linh, Cô hồn hiện ra hằng đêm như vậy, Ngài thiền sư Bất Động  hiểu ý  các loài âm linh ấy bị đói, lạnh muốn Ngài cứu giúp cho được no, được ấm. Từ đó Ngài Bất Động quyết tâm đi tìm phương cách bố thí thực phẩm cho chúng sanh cõi âm được ăn bằng giáo Pháp Phật ( cam lồ pháp thực). Do vậy, Ngài Bất Động đã bỏ công tìm kiếm trong Đại Tạng kinh đời nhà Đường qua nhiều tháng. Ngài Bất Động đã bắt gặp cuốn kinh Diệm Khẩu.

Link: http://www.tangthuphathoc.net/kinhtang/1313.htm

 

Lễ Mông Sơn Thí thực tại Côn Sơn Kiếp bạc,

link: http://consonkiepbac.org.vn/t71/le-mong-son-thi-thuc

 

 

 Cách thức cúng Cô Hồn trong Kinh Diệm Khẩu.

 Trong kinh ghi rõ lời Đức Thế Tôn chỉ dạy cho Ngài A Nan nhiều tiết mục cúng thí cho các loài Ngạ quỷ được ăn bằng xúc thực, ý tư thực theo thứ tự như: mua sắm các thực phẩm nấu chín, bày biện lên bàn, có hương, hoa, trà, quả. Rồi chấp tay nhứt tâm phụng thỉnh chư vị cổ Phật đến đạo tràng cúng tế, để giúp chúng sanh cõi âm được ăn, uống, cùng nghe rõ lời kinh, lời pháp khai thị của chư Phật một cách trật tự và hanh thông. Bởi vì mỗi vị cổ Phật đều có uy lực riêng biệt thật siêu đẳng; như vị Phật Diện Nhiên Vương, có tên Tiêu Diện Đại Sĩ ( Phật Quan Thế Âm thị hiện) được phụng thỉnh trước tiên đến, để thống lãnh các loài cõi âm nói chung, đến đạo tràng trong trật tự.

Tiếp đến phụng thỉnh 13 vị Phật. 1-Án dà ra đế da ta bà ha”, có uy lực mở các cửa địa ngục do thông qua vua Diêm vương và Phật Địa Tạng. 2-Sau khi các loài Ngạ quỷ, Cô hồn ra khỏi địa ngục, được Đức Phật “ Bộ bộ đế rị dà rị đa rị đát tha nga đa da”mời và hướng dẫn tất cả vào đạo tràng. 3- Đức Phật “Án tam đà ra dà đà ta bà ha” đến nói pháp giải oan. 4- Đức Phật “Án, bát ra mạt lân dà nảnh ta bà ha”(Địa Tạng ) đến diệt định nghiệp. 5-Đức Phật “Án, a lổ lặc kế ta bà ha”(Quán Thế Âm) đến diệt nghiệp chướng. 6- Đức Phật “Án, bộ bộ đế rị dà rị đa rị đát đa nga đa da “ đến khai yết hầu. 7-Đức Phật “ Án, tam muội da tát đỏa phạm “ đến tam muội da giới. 8- Đức Phật “ Tát phạ đát tha, nga đa phạ lồ chỉ đế, án tam bạt ra, tam bạt ra hồng” đến để biến thực. 9- Đức Phật “ Tô rô bà da, đát tha nga đa da, đát điệt tha, án tô rô tô rô,bát ra tô rô, ta bà ha “đến biến nước thành cam lồ. 10-Đức Phật “ Án noan noan noan noan noan”đến nhứt tự thủy luân. 11-Đức Phật“Tam mãn đa mẫu đà nẩm án noan” đến nói pháp nhủ hải và phụng thỉnh 7 vị Phật : Đa Bảo, Bảo Thắng, Diệu Sắc Thân, Quảng Bát Thân, Ly Bố Úy, Cam Lồ Vương, A Di Đà, đến để hộ niệm, gia trì cho các thức ăn thức uống thành Tịnh pháp thực cho các giới Phật tử. Pháp thí thực cho các loài hữu tình. Cam lồ  thủy cho các giới Cô hồn.Tất cả 3 giới trên trong cõi âm được ăn, uống một cách hanh thông, dù ăn bằng xúc cảm, ý nghĩ, vẫn cảm thấy no nê. Nhưng, trước khi cùng ăn, ba giới Phật tử Hữu tình, Côhồn được nghe 7 vị Phật nói lời khai thị : Hãy phát nguyện xả bỏ lòng tham lam, quay về Tam Bảo và phát tâm Bồ đề, tức khắc được ra khỏi cõi u minh, sanh về Tịnh độ. Xong rồi, 3 giới cõi âm ấy được Tôn giả A Nan nói lời mời ăn, uống (Nhử đẳng Phật tử, Hữu tình, Cô hồn chúng…). Ngày xưa, thì Tôn giả A Nan tự thân tri hành hết các việc : phụng thỉnh chư Phật, triệu thỉnh các loài Ngạ quỷ, Cô hồn đến đạo tràng và mời ăn, uống. Cuối cùng Đức Phật 12-“Án mục lục lăng ta bà ha” đến nói pháp thí vô giá thực. Đức phật 13 “Án nga nga nẳng tam bà, phạ phiệt nhựt ra hồng” đến nói pháp phổ cúng dường.

  Nội dung nghi thức cúng thí thực cho các loài Ngạ quỷ, Cô hồn, mà Đức Phật đã nói cho Tôn giả A Nan, được ghi trong kinh Diệm Khẩu, chỉ bấy nhiêu trên, nếu không nói là cơ bản, đủ để cho các loài Ngạ quỷ, Cô hồn được ăn, uống, nghe Phật pháp, siêu sanh Tịnh độ do ở 13 vị cổ Phật và Bồ Tát Tiêu Diện Đại Sĩ, tất cả đều có uy lưc siêu đẳng gia trì, hộ niệm cho.

 

 Ý nghĩa Thần Chú. Qua uy lực siêu đẳng của 13 vị cổ Phật trong kinh Diệm Khẩu, cho ta thấy và hiểu thêm ý nghĩa của Thần chú, là siêu đẳng chú tuyệt đối, linh diệu chú không thể nghĩ bàn, không có ngôn từ giải thích, thì đó là Phật. Cho nên, Phật chính là Thần chú, Thần chú là Phật. Điều này được chứng thực qua bài kinh Đại Bi, thường gọi là “chú Đại Bi Đà La Ni” (tổng trì- năng trì, khả năng gìn giữ), gồm có 84 danh hiệu cổ Phật, do đó không giảng nghĩa được. Tám mươi bốn danh hiệu, trong đó có 32 hóa thân của Phật Quán Thế Âm. Danh hiệu cuối cùng 84, Ta bà ha, là Bồ Tát Tiêu Diện Đại Sĩ, (Phật Quán Thế Âm hóa thân).

Cũng được biết thêm một số vị cổ Phật quen thuộc, có mặt trong Thần chú Đại Bi như: Phật A Di Đà 26 (Ma hê ma hê rị đà dựng). Phật A Nan 47 (Bồ đà dạ bồ đà dạ). Phật Xá Lợi Phất 53, hóa thân nữ (Tất đà dạ). Phật Mục Kiền Liên 56 (Ta bà ha). Phật Ca Diếp 75 (Ta bà ha). Phật Phổ Hiền 77 (Nam mô a rị da). Phật Văn Thù Sư Lợi 78 (Bà lô cát đế). Trong 84 hình tượng hóa thân của chư vị cổ Phật ở kinh Đại Bi, thì 35 hóa thân Nữ, 49 thân Nam.

 


Lễ cúng Mông sơn thí thực tại chùa Từ Đàm Huế,

link: http://www.giaodiemonline.com/noidung_detail.php?newsid=1862

 

 

 Xuất xứ 3.

Nghi Thức Công Phu Chiều. Cũng từ nơi Thiền sư Bất Động, sau khi đọc hết nghi thức cúng thí thực cho Ngạ quỷ trong kinh Diệm khẩu, Ngài Bất Động giữ nguyên toàn bộ lời Phật dạy cơ bản, để làm nền tảng cho việc biên soạn thêm một số nghi thức tại chùa ở núi Mông, do đó được có tên “ NghiThức Mông Sơn Thí Thực Cô Hồn”. Tác phẩm đầu tiên:

1- Nghi thức Công phu chiều, dành riêng cầu siêu độ cho Cô hồn, Ngạ quỷ hằng ngày trong thiền môn (chùa). Trong đó gồm có kinh Di Đà để cầu siêu. Kinh Hồng Danh Bảo Sám để sám hối cho chúng sanh cõi âm nói chung. Tiếp đến Tiểu Mông Sơn (toàn bộ kinh Diệm Khẩu). Tuy nhiên Ngài Bất Động có thêm lời ngưỡng vọng, hướng về kính lễ lên : Đại phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh. Thường trụ thập phương Phật, Pháp, Tăng. Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát. Minh Dương Cứu Khổ Địa Tạng Vương Bồ Tát. Khải Giáo A Nan Đà Tôn Giả. Lời ngưỡng vọng, kính lễ này, nếu không nói rằng là lời báo ân và giới thiệu cho toàn thể bốn chúng đệ tử Phật hậu lai được biết nguyên nhân được có ra nghi thức cúng thí Cô hồn, Ngạ quỷ, là do hai vị cổ Phật Quán Thế Âm, A Nan và Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, mà có. Thứ đến, Ngài Bất Động làm lễ quy y Phật, Pháp, Tăng cho ba giới cõi âm, đó là Phật tử (đang làm thân Ngạ quỷ, Cô hồn bên cõi chết, do tu tập không chín chắn), Hữu tình và Cô hồn. Sau đó Ngài Bất Động nói lời khai thị cho 3 giởi Phật tử, Hữu tình, Cô hồn rằng : “ Đã tạo ra các nghiệp ác, đều do tham sân, si từ vô thỉ, từ thân, miệng mà sanh ra. Tất cả đều sám hối”. Ngài Bất Động còn tự thêm hai lời nguyện độ “ Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ…” “ Tự tánh chúng sanh thệ nguyện độ…” Sau cùng là những bài kinh Bát Nhã, Vãng Sanh v.v…(Ai muốn biết rõ Nghi thức Công phu chiều, thí thực Cô hồn, hãy xem trong Nghi Thức Tụng Niệm)

    2- Nghi Thức Cúng Thí Thực Cô Hồn (đặc biệt vào các lễ  Vu lan, Phật Đản…hay tại tư gia , khác với công phu chiều cúng cháo Cô hồn).

 Tượng Tiêu Diện Đại Sĩ trong chùa Vĩnh TràngMỹ Tho,

link: http://vi.wikipedia.org/wiki/Ti%C3%AAu_Di%E1%
BB%87n_%C4%90%E1%BA%A1i_S%C4%A9

 

   Vị Tăng chủ sám niêm hương, tụng lời phụng thỉnh Tiêu Diện Đại Sĩ, Đức Phật A Di Đà, Quán Thế Âm, Địa Tạng (có lời văn phụng thỉnh riêng ở 3 vị Phật nói trên, dài cỡ ¼ trang giấy.  Lời văn thỉnh ấy do các vị đạo sư chân tu Trung Hoa, VN- Huế chế tác). Tiếp đến triệu thỉnh các âm linh, Cô hồn và vô số vong linh con người trên quê hương mình đã bị chết nhiều cách khác nhau, như những lời : “ Nhứt tâm triệu thỉnh Pháp giới lục đạo, thập loại Cô hồn, hà sa nam nữ, lộ đồ tán mạng, thương vong hoạnh tử chỉ lưu…Nhứt tâm triệu thỉnh chiến tranh tử nạn, tù nhân uổng tử, chiến sĩ trận vong, hải tặc nạn nhân oan hồn, vân vân…đều triệu thỉnh hết. Đọc Điệp xưng tên gia chủ (tư nhân hay Hội Phật Giáo, đoàn thể nào đó) phát tâm cúng thí Cô hồn. Sơ hiến trà. Vị Tăng chủ sám và chư Tăng tụng toàn bộ nghi Mông Sơn Thí Thực Cô Hồn (hơn một nửa của kinh Diệm Khẩu và của thiền sư Bất Động biên soạn thêm ).

3- Nghi thức tang lễ : Nhập liệm, cầu siêu, tiến linh (cúng linh). Những nghi lễ này được xuất hiện, sau thời Thiền Sư Bất Động, do từ các vị đạo sư chân tu bên Trung Hoa và Việt Nam (Huế-Bình Định) biên soạn nhưng, một số Thần chú, bài sám phụng thỉnh Phật, Bồ Tát , triệu thỉnh hương linh cơ bản trong kinh Diệm Khẩu vẫn giữ nguyên. Chỉ thêm một số bài sám, Sớ, Điệp hay lời Pháp ngữ và cách thức cúng tế, lễ lạy, v.v…

4- Nghi Thức Trai Đàn Chẩn Tế Siêu Độ hay Bạt Độ.

Nghi thức Trai Đàn Chẩn Tế, được có ra, do các vị Đạo sư chân tu Trung Hoa và Việt Nam- Huế, Bình Định dựa vào tư tưởng cứu bạt của kinh Diệm Khẩu làm nền tảng. Rồi biên soạn, chế tác nhiều bản văn theo thể lục bát, thất ngôn, lục ngôn, ngũ ngôn, tứ ngôn, hai câu, hoặc một đoạn văn xuôi trong nghi thức. Những bài văn ngắn, dài này để tác bạchxướng ngôntántụng, phụng thỉnh chư Phậttriệu thỉnh thập loại cô hồn, âm hồn, các giới vong linh, và nói pháp ngữ. Số lượng những bài văn nói trên có đến hơn trăm, chưa nói đến nghi Mông Sơn Diệm Khẩu, là đằng khác. Trong số hằng trăm bài tán, tụng, phụng thỉnh…đó, thỉnh thoảng có đề cập đến hai vị Phật tối quan trọng, là Phật Quán Thế Âm và Phật A Nan. Được thấy trong hai bài: “Hội khởi Mông Sơn tối thắng duyên…..Giáo điển chơn thừa cứu đảo huyền. Nan Đà tôn giả nhơn nhập định. Cứu khổ Quan Âm thị Diện Nhiên.”(Ngài Tiêu Diện) Và bài “Tu thiết trai diên, A Nan nhơn duyên khởi, cứu khổ Quán Âm, thị hiện Tiêu Diện Quỷ,…” Phật Địa Tạng được vị sám chủ thỉnh nhiều lần hơn, bởi vì Ngài trong vai trò thăm viếng và hướng dẫn siêu độ cho chúng sanh trong địa ngục. Sở dĩ nghi thức Trai Đàn Chẩn Tế, được có đến cả trăm bài văn ngắn, dài như vậy, là vì được phát xuất từ 3 tư tưởng lớn: tâm đại Từ Bi của chư Tăng, phát nguyện lớn, siêu độ,  bạt độ .

Nói khác hơn, cứu vớt con người còn sống, được lên khỏi vực sâu cả chục mét, còn dễ hơn. Chứ cứu vớt các vong linh được ra khỏi địa ngục, chốn u minh, tăm tối, rất là khó! Bởi vì thân vô hình, luôn lung linh như mây, như gió, nhưng tâm thức vẫn cảm nhận mọi thứ khổ đau, đói khát, lạnh lùng. Tất cả do lúc sanh tiền, con người đã tạo nhiều tội ác, chưa có tâm thanh tịnh, còn nhiều tham, sân, si, ác kiến, đố kỵ, ngã mạn, ngã sở, v.v… Chính đó là Ngạ quỷ đói, địa ngục khổ, xiềng xích trói buộc, do tự thân của mỗi người tạo ra. Trong lúc sống trên đời có thân tướng đẹp, tai, mắt tinh anh, phương  tiện sống còn từ khả dĩ, đến giàu sang,…  mà không ngộ được đạo lý giác ngộ vô ngã, không ăn hiền, ở lành, không nghe lọt tai đạo lý giải thoát của Phật, không tạo đạo đức nhân bản (hiền hòa nhân hậu ). Huống hồ bên kia cõi chết bị mang thân Cô hồn, Ngạ quỷ, vong linh…do đang còn nguyên hiện những định nghiệp ác nói trên trong tâm thức. Chính là “Lá chắn đen tối”, làm sao có thể nghe được lời kinh, thấy được pháp thân Phật và Tăng ! Nhất hạng bị chết đột xuất (vô thường) bởi : bom đạn, máy bay, thuyền bè, tai nạn xe cộ, trúng gió, lộn thuốc, ngã té, chiến tranh, huyết áp v.v… Nếu vốn đang có tâm thanh tịnh trong sáng, thì tự siêu thoát. Bằng không, lại càng khổ đau, tăm tối, cho nên cứ ở mãi nơi cõi u minh, run rẩy trong tăm tối đó cả trăm năm, ngàn năm, bị đói khát, khổ đau, lạnh lùng !

Qua đây, cho ta thấy hằng trăm bài sám thỉnh, tác bạch, lời kinh, tiếng kệ, thần chú và chư Tăng tán, tụng, xướng ngôn, pháp ngữ, lễ lạy, bắt Ấn, Thủ xích xuống bàn, vang vọng, là những tiếng nói, âm điệu đánh thức  tâm ý Cô hồn, Ngạ quỷ trở về thực tại, suốt 4 tiếng đồng hồ của nghi thức Siêu độ, 5 tiếng Bạt độ trong nghi thức Trai Đàn Chẩn Tế. Chính là những phương tiện tối thắng, có kỹ thuật trong việc cứu vớt (độ) vô số Cô hồn, oan hồn, Ngạ quỷ, vong linh được thóat khỏi các cảnh địa ngục tối tăm, siêu lên các cõi trên(Tịnh độ, Nhân, Thiên) do uy lực của Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) phải nhân lên gấp 10 lần, mới có thể khai mở tâm thức u tối của  vô số Cô hồn, Ngạ quỷ, hương linh, trở thành trong sáng, tỉnh thức, thấy được Phật, được Tăng, nghe được lời Pháp phát lồ sám hối, là năng lực (chất siêu) làm vượt ra khõi các cõi địa ngục, Ngạ quỷ, siêu lên các cõi Phật, Trời, Người, Tiên, Thánh.

 

C- Khi nào và ai có thể tổ chức Trai Đàn Chẩn Tế ?

 

Mọi người các giới đều có thể, nếu có đủ khả năng phương tiện, cộng với tâm đại từ, đại bi, đại trí. Ba năng lực này là nền tảng có ra lễ Trai Đàn Chẩn Tế siêu độ hay bạt độ. Do vì biết được một cách rõ ràng các loại Cô hồn, Oan hồn, Ngạ quỷ, Vong linh trong các cõi địa ngục, vốn là con người, cho nên họ rất đau khổ, đói khát, lạnh lùng cô đơn, nên chi luôn mong cầu người sống là bà con, quyến thuộc, đồng hương nghĩ nhớ đến họ mà cho ăn, cho ấm, cởi trói cho họ được siêu thoát qua các kinh Địa Tạng, Lương Hoàn Sám, chứ không phải do nghe lóm. Biết được rõ ràng như vậy rồi, tâm cảm thấy xót thương vô cùng, liền ra tay tế độ bất vụ lợi, trong đó không mong cầu phước báo, huống nữa là tiền tài vật chất, lại càng không nghĩ đến. Nhất hạng, khi biết được nơi nào đó có hằng ngàn người bị chết bởi bão lụt, tai nạn tàu, xe, hỏa hoạn, và chiến tranh; như tại Đại Lộ Kinh Hoàng ở Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa, năm 1972, đã có hằng ngàn dân Việt Bắc, Nam chết tại đó do đánh nhau. Đến mùa Vu Lan 72, chư Tăng GHPGVNTN tỉnh Thừa Thiên Huế, đứng ra tổ chức Trai Đàn Chẩn Tế Bạt độ ngay tại đại lộ Kinh Hoàng ấy.

 

Trai đàn chẫn tế cô hồn,

link: http://www.buddhistedu.org/viet/phat-phap/nghi-le-phat-giao/291-y-nghia-trai-dan-chan-te-co-hon

 

   Nói tóm lại nghi thức Trai Đàn Chẩn Tế là một nghi thức tối thắng, thượng thừa về hai mặt: Phật tâm và giáo vụ chánh đạo, cộng với tâm biết xót thương  các loài âm linh, cô hồn, sẵn sàng dấn thân cứu khổ, do có tâm đại Từ Bi và trí tuệ. Cho nên, Tăng chủ sám ngồi đàn và tập thể kinh sư, phải là những bậc chơn tu, có đạo cao, đức trọng, uyên thâm Phật pháp, thông đạt những nghi lễ thiền môn, trong đó có Chẩn Tế (không bắt buộc). Và người tổ chức Trai Đàn, bất cứ ai trong Phật giáo (các Đạo khác không có nghi thức này), nhưng phải là người có tâm từ bi và sự hiểu biết rộng lớn về các kinh như đã nói trên, mà tổ chức Trai Đàn Chẩn Tế, để cứu vớt (siêu độ, bạt độ) chứ không  phải vì “TIỀN” mà tổ chức. Ai đó do thấy  Nghi thức Trai Đàn Chẩn Tế, là phương tiện siêu độ, bạt độ Cô hồn rất linh nghiệm và hiệu lực, nên được nhiều người đến dâng cúng tài vật và lễ bái, bèn đứng ra tổ chức để được lợi về vật chất, là việc làm thiếu tâm Từ Bi, Trí tuệ. Dĩ nhiên, mời chư Tăng đến hành lễ, là chư Tăng đến hành lễ thật chánh đạo và thanh tịnh tâm, giống như những người Lặn có kỹ thuật cao, mới có thể lặn sâu để vớt người lên. Hay là những phi công Trực Thăng giỏi, bay là đà trên mặt hố thẳm có nhiều cây cối chung quanh, thả dây xuống, kéo người lên. Cho nên chư Tăng được phước đức, là làm cho Cô hồn, Ngạ quỷ được ăn, được siêu. Còn gia chủ đứng ra tổ chức, không có phước, chỉ có tài vật, do vì khởi niệm lợi lộc  riêng tư, không nhắm vào sự siêu thoát cho các chúng sanh cõi âm. Nếu không nói là mượn Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) cho việc làm ăn, vì có người đã tổ chức Trai Đàn Chẩn Tế đến 3 lần.

Một câu chuyên khác. Trong một gia đình nhiều anh, chị, em. Anh gia trưởng nói với mọi người trong nhà rằng gia đình ta lâu nay  thường bất hòa nhau do những người cõi âm (ma, quỷ) chung quanh đây phá mình. Tôi sẽ tổ chức Trai Đàn Chẩn Tế, cung thỉnh chư Tăng đến hành lễ Bạt độ, để độ cho hết người cõi âm, thì gia đình ta sẽ an bình, thịnh vượng. Sau khi xong lễ Trai Đàn Bạt độ, ông gia trưởng tuyên bố đi ở chỗ khác, vì đã mua cái nhà mới rồi. Trước sự ra đi của ông, làm cho mọi người, ai cũng khóc lóc, van xin ông ở lại, ông vẫn đi. Sau đó, những người còn lại tiếng ra, tiếng vào với nhau. Trai Đàn nhằm mục đích để gia bình yên, thì lại bất an hơn trước. Qua đây, cho ta thấy con người được an hay bất an, là do tâm người, chứ không phải do Ma, Quỷ nào cả. Cũng như được thấy ông gia trưởng trong ngôi nhà kia, tổ chức Trai Đàn là nhằm mục đích lợi lộc nào đó cho cái nhà mới của ông, chứ không phải nhắm vào sự siêu độ cho giới Âm, hay cầu gia đình bình an. Mặc dù tâm ông không nghĩ đến siêu độ cho Cô hồn, Ngạ quỷ nhưng, các loài ấy vẫn được siêu, do chư Tăng có tâm thanh tịnh, hành lễ đúng chánh Pháp.

 

D-    Trai Đàn Chẩn Tế là cách Bố Thí lớn.

 

Cách thức Trai Đàn trên, được thấy rất phổ biến xưa nay tại VN. Người tổ chức là Tăng, Ni và Phật tử. Sự tổ chức Trai Đàn này nhằm vào cầu siêu độ , bạt độ cho thân nhân, là ông bà, cha, mẹ, anh, em trong tộc họ hai bên nội, ngoại đã qua đời lâu hay mới, được cầu siêu chung luôn một thể. Nơi Trai Đàn, tại tư gia hay tại một ngôi chùa. Ban kinh sư Huế hay Bình định cho cả 3 miền.

Trong lúc lễ Trai Đàn, gia chủ đem tiền, và các thứ vật chất khác …đến bố thí cho các  trẻ em khuyết tật, các cụ già neo đơn, các người nghèo ăn xin. Cũng như mua chim, cá phóng sanh. Bố thí 3 đối tượng: 1- Ngạ quỷ, Cô hồn. 2- Người còn sống. 3- Phóng sanh chim, cá cùng một lúc. Riêng các loài Cô hồn, Ngạ quỷ được bố thí cả 2 thứ, tài thí và pháp thí. Kể cả cúng dường chư Tăng, in kinh sách để ấn tống hay đúc chuông, tạo tượng Phật, để hồi hướng công đức cho thân nhân qua đời của mình. Mặc dù Trai Đàn là nhắm vào siêu độ cho thân nhân quá cố, nhưng các giới Cô hồn, người sống (tàn tật, nghèo khó…) chim, cá, tất cả được ân trim lợi lạc theo. Nhờ công đức đó mà chư Hương linh thân nhân, quyến thuộc của gia chủ được siêu thoát cùng lúc với các loài Cô hồn, Ngạ quỷ. Điều này được thấy vua Lương Võ Đế lập Trai Đàn Chẩn Tế, thỉnh chư Tăng tụng niệm, cầu siêu độ cho bà Hy Thị, vợ ông được siêu thoát kiếp Mãng Xà.

 

Thượng tọa Lệ Trang,

Link: http://tapchivanhoaphatgiao.com/blog/giao-luu/phap-hoi-trai-dan-chan-te.htmlhttp://www.youtube.com/watch?v=JL1PEYM5Q18

 

 

E- Thí Thực tại gia.

Người Phật tử tại gia, ai muốn cúng thí thực Cô hồn, cứ việc cúng. Nhưng phải thanh tịnh tâm, đọc tụng theo đúng nghi thức Tiểu Mông Sơn, có trong nghi thức tụng niệm, không cần phải tụng kinh Di Đà, Hồng Danh. Chỉ cần tụng Tiểu Mông Sơn, cũng đủ năng lực làm cho Cô hồn được ăn, được siêu. Bởi vì nghi thức Tiểu Mông Sơn, là cơ bản tối thắng của kinh Diệm Khẩu, có đầy đủ Bồ Tát Tiêu Diện và 13 vị cổ Phật trong đó như đã nói trên. Vật cúng thí chỉ cần một bát cháo lỏng, ly nước là đủ rồi. Muốn thêm các thứ bánh, trái cây…tùy ý, không sao cả. Phải đọc tụng đúng nghi thức Tiểu Mông Sơn, thì các Cô hồn, Ngạ quỷ mới ăn, uống được. Nếu van vái không, các loài cõi âm không hưởng được gì. Đã có lòng cúng Cô hồn, nên đọc tụng theo nghi thức Mông Sơn. Sẽ được Cô hồn hộ niệm cho thành công các việc.

Kính lời đến các Thiện hữu trí thức Phật giáo VN. Quý vị có thể đưa bài Mông Sơn Thí Thực này lên Websites, đặc san của quý vị, để cho những Phật tử nào chưa hiểu đến ý nghĩa và xuất xứ nghi thức, Mông Sơn Thí Thực Cô hồn, cũng như Trai Đàn Chẩn Tế, các nghi lễ cầu siêu…sẽ được hiểu. Quý vị có thể trích đoạn nào trong bài, xét thấy đủ ý nghĩa hơn, cứ tự nhiên.

 

A Di Đà Phật.

 

ĐỨC  HẠNH

 


Nguon: http://giaodiemonline.com/2013/08/mongsonthithuc.htm


Âm lịch

Ảnh đẹp