Thật vậy, quả là khó đổ hết sự xuống cấp đạo đức xã
hội là do nền giáo dục lạc hậu không làm tròn chức năng trồng người
trong điều kiện mảnh đất tưởng chừng màu mỡ nay đang trở nên khô cằn;
hay quy tội về lối sống thực dụng là do khuyết tật của kinh tế thị
trường tạo phân hóa xã hội quá lớn để rồi phải loay hoay tìm cách định
hướng thị trường.
Trong gia đình, ngoài xã hội, rồi chuyện làm ăn, chuyện đời sống,
chuyện đất nước, lắm khi đều mang một màu sắc ảm đạm, đưa suy nghĩ của
chúng ta đến tận cùng của nỗi thất vọng, chán chường.
Một câu hỏi thường xuyên đặt ra trong chúng ta: vì đâu nên nỗi? Trong
chừng mực, câu trả lời có thể tìm thấy qua chuyên trang "Giá trị sống"
với những bài viết xuất hiện hằng tuần từ ba năm nay trên Sài Gòn Tiếp Thị, một tờ báo đã để lại trong lòng người đọc nhiều dấu ấn sâu sắc về những vấn đề hệ trọng của đời thường.
Dưới tựa đề "48 cuộc trò chuyện về giá trị sống", cuốn sách trước mắt
chúng ta là sự tập hợp có chọn lọc một phần trong số các bài viết của
nhà báo Kim Yến, mà mong ước khiêm tốn của tác giả cũng chỉ nhằm được
chia sẻ cùng người đọc những cảm nhận khách quan về thực tế đời sống qua
các cuộc trò chuyện với những người đương thời, những câu chuyện tưởng
như rất riêng nhưng lại rất chung.
Bốn mươi tám nhân vật với bề dày kinh nghiệm sống và làm việc trong
các lĩnh vực khác nhau, đã gắn kết thành một bức tranh tổng thể có đủ
gam màu sáng tối về một xã hội đang chuyển mình.
Sử dụng nhuần nhuyễn thể loại phỏng vấn của báo chí, Kim Yến khắc họa
chân dung các nhân vật một cách trung thực, tái hiện tài tình từng cá
tính, tác phong và ngôn ngữ, đồng thời dành một không gian thoải mái cho
người đối thoại chia sẻ những trăn trở về các vấn đề có nhiều góc cạnh
nhất.
Các giá trị sống qua tập sách này là những thông điệp ẩn chứa bao
nhiêu điều nghịch lý và bất công, niềm vui và hy vọng với các trải
nghiệm của từng người trên con đường đi tìm ý nghĩa, mục đích cho đời
mình. Những chia sẻ của họ lắm khi làm chúng ta miên man suy nghĩ, thích
thú rút ra đôi ba bài học, ưu tư cho những truân chuyên phận người, tâm
đắc với một quan điểm phù hợp và đôi lúc xúc cảm với vẻ đẹp của tâm hồn
qua những dòng tâm sự.
Đặt vấn đề là để tìm lời giải, đa phần những cuộc trò chuyện trong
tập sách này không đi vào bế tắc mà là những gợi mở xuất phát từ tấm
lòng và thái độ trách nhiệm với cuộc sống, để chúng ta nhận ra điểm sáng
trong xã hội vẫn còn nhiều: "Cái ác là gió thoảng qua, cái thiện là
vĩnh cửu". Đó là những gì mà tác giả muốn gửi gắm đến người đọc của
mình.
Tốt nghiệp ngành Ngữ văn Đại học Tổng hợp năm 1981, Kim Yến nhanh chóng trở thành phóng viên tại Thông tấn xã Việt Nam.
Nhưng chẳng bao lâu chị lại nghỉ việc, vật lộn kiếm sống bằng nhiều
công việc khác nhau và chỉ trở lại nghề báo gần 20 năm nay qua tạp chí Phim, tạp chí Điện ảnh, báo Doanh nhân Sài Gòn và nay dừng chân ở báo Sài Gòn Tiếp Thị.
Cuộc đời "thiên ma bách chiết" và kinh nghiệm viết lách đã giúp Kim Yến
có điều kiện đi vào chiều sâu lĩnh vực văn hóa. Những năm gần đây chị
đã đạt được thành công trong việc vẽ chân dung những người đương thời
bằng ngòi bút với văn phong nhẹ nhàng, ngay cả khi đề cập những vấn đề
gay gắt trong đời sống.
- Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần