20/08/2012 08:20 (GMT+7)
Số lượt xem: 117858
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nhà thơ, GS-TS Hoàng Quang Thuận.





"Thi Vân Yên Tử" của nhà thơ Hoàng Quang Thuận là một tập thơ gồm hai phần riêng biệt đã được xuất bản trước đó là "Thi Vân Yên Tử" (gồm 63 bài) và "Ngọa Vân Yên Tử" (gồm 80 bài). Có thể nói, đây là tập thơ chỉ viết về phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và Phật tích của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử...

Lời tòa soạn: Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Quang Thuận, Hội viên Hội Nhà văn ViệtNam là một cộng tác viên thân thiết của Báo VNCA. Những tập thơ của ông được xuất bản trong mấy năm trở lại đây đã được giới thiệu trên VNCA và nhiều tờ báo, tạp chí văn nghệ trong cả nước. Ngày 8/8 tới đây, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam sẽ diễn ra cuộc Hội thảo "Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử" do Tạp chí Nhà văn đứng ra tổ chức. Nhân dịp này, chúng tôi giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của nhà phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên về tập "Thi Vân Yên Tử" (NXB Giáo dục, 2010) của nhà thơ Hoàng Quang Thuận.

"Lạc đạo tùy duyên"

"Thi Vân Yên Tử" của nhà thơ Hoàng Quang Thuận là một tập thơ gồm hai phần riêng biệt đã được xuất bản trước đó là "Thi Vân Yên Tử" (gồm 63 bài) và "Ngọa Vân Yên Tử" (gồm 80 bài). Có thể nói, đây là tập thơ chỉ viết về phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và Phật tích của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Trong toàn bộ tập thơ có 86 bài thất ngôn tứ tuyệt, 1 bài lục ngôn ("Vua Phật"- tr 75), 49 bài thất ngôn bát cú, 6 bài thất ngôn thập nhị cú và 1 bài ngũ ngôn ("Ân hận"- tr 69). Bài ngũ ngôn này dường hơi xa chủ đề so với 142 bài thơ còn lại. Bài thơ miêu tả việc đoàn tăng ni, Phật tử trên đường đến chùa Giải Oan, gặp người dân bắt được con cầy hương có đôi mắt sáng long lanh, nhưng đoàn du khách đã không mua để phóng sinh cho nó. Sau đấy về nhà cứ "ân hận" mãi, không sao ngủ được.

Sự ưu trội của các bài thất ngôn tứ tuyệt cho chúng ta thấy rõ một điều là tính khẩn thiết của các chủ đề cần phải đề cập đến đã không cho phép tác giả kéo dài thời lượng mỗi bài. Đối với thể loại Đường luật, dù chính thể hay biến thể, phần lớn đều ngắn (4 hoặc 8 câu), nhưng đòi hỏi trước hết là đảm bảo được cấu trúc: đề, thực, luận, kết và phải hàm súc, nói được những điều cần phải nói và quan trọng hơn là cần phải chuyển tải được những điều mà chủ thể sáng tạo gửi gắm thi hữu trong mỗi bài thơ.   

Ở vào thời buổi mà người ta nhao nhao đi tìm hướng đi mới cho thi ca Việt, thay vì điều đó, chất Thiền trong con người Hoàng Quang Thuận cứ "ào ào tuôn chảy" như là sự kế nghiệp các bậc chân tu xưa. Cảm hứng tuôn trào từ chốn Thiền định Yên Tử đã khiến vị Phật tử "tân binh" này chỉ còn biết chép lại trên giấy, mà không mấy bận tâm đến việc thay đổi thể tạng, định hình hài, mũ mão cho thơ.

Đối với Hoàng Quang Thuận không có ma quỷ nào đưa lối, dẫn đường cả, mà chỉ có Thần, Phật phù hộ độ trì từ khi ông phát tâm nguyện làm một đệ tử trung thành nơi cửa Thiền, để rồi từ đấy những vần thơ thấm đẫm chất linh nghiệm báo ứng của tiền nhân hiện về.      

Bìa tập "Thi Vân Yên Tử" do NXB Giáo dục ấn hành.
Xét về khía cạnh chủ đề ta có thể thấy "Thi Vân Yên Tử" khá phong phú. Cụ thể sự phân chia các chủ đề trong "Thi Vân Yên Tử" như sau: Các bài thơ nói về vua quan nhà Trần gồm có 12 bài, Phật tử 22 bài, Phật tích 42 bài, địa danh 47 bài, chim thú 5 bài, cây cối 2 bài và các chủ đề khác 13 bài. Tổng số 143 bài.    

Như vậy có thể thấy hai chủ đề về Phật tích và địa danh chiếm ưu thế chi phối quá trình sáng tạo của nhà thơ, 89 bài, chiếm khoảng 2/3 tập thơ. Trong quá trình viết và hoàn thành tập thơ, dù diễn ra trong một thời gian không phải là dài, nhưng dường như nhà thơ Hoàng Quang Thuận không thể nào cưỡng nổi được mãnh lực từ những "dấu xưa", nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã về đây thiền định, lập nên Thiền phái Trúc Lâm và đã viên tịch về cõi Niết Bàn cũng chính tại nơi đây.

Hữu xạ tự nhiên hương

"Cư trần lạc đạo thả tùy duyên" là câu mở đầu bài thơ "Cư trần lạc đạo phú" của Đức vua, Phật Hoàng Trần Nhân Tông làm cách đây hơn 700 năm còn để lại đến ngày hôm nay cho hậu thế: "Sống giữa phàm trần, hãy tùy duyên mà vui với đạo/ Đói thì ăn, mệt thì ngủ/ Trong nhà sẵn của báu, đừng tìm đâu khác/ Đối diện với cảnh mà vô tâm, thì không cần hỏi thiền nữa".

Có thể nói, đây là bài thơ nói rõ quan điểm của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông về đạo Phật cũng như việc tu hành đối với tăng ni, Phật tử. Hơn ai hết, Phật Hoàng Trần Nhân Tông quan niệm đạo Phật tồn tại như một lẽ tự nhiên. Phật có ở mọi nơi, từ cây cối, trăng hoa, núi non, sông nước,... mọi lúc, bất luận là sáng, trưa, chiều, tối hay ban đêm, trong bao la vũ trụ này đều có Phật cả. Chỉ có điều tâm người có đủ tịnh, lòng người có đủ sáng để nhận ra Phật hay không. Phật ở ngay trong chính lòng ta. Phật chuộng tâm hơn chuộng tính và tài, chuộng lẽ tự nhiên hơn sự gò ép. Đối với con người ta "đói thì ăn, mệt thì ngủ", đấy là Phật. Phật chủ trương sống trên cõi phàm trần này, vốn có nhiều nhiễu tặc, trắc ẩn, nhưng người có tâm thì phải biết "tùy duyên" phận mà vui với đạo, với đời "Cư trần lạc đạo thả tùy duyên" là như thế. Nếu một người đứng trước cảnh vật và cuộc đời mà không động lòng trắc ẩn, "vô tâm" thì đừng bao giờ tra vấn "thiền" ở đâu.

Theo tôi biết, hai tập thơ "Hoa Lư thi tập" và "Thi Vân Yên Tử" được in và tái bản bốn lần bằng tiếng Việt và tam ngữ Việt - Pháp - Anh với số lượng in lên đến  25.000 bản và đã được phát hành trong hơn chục năm qua. Riêng "Hoa Lư thi tập" cũng đã được NXB Giáo dục in 8.000 cuốn và được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp.

Còn Giáo sư Hoàng Hữu Đán đã bỏ ra hai tháng ròng say mê ngồi dịch thơ "Thi Vân Yên Tử" ra tiếng Pháp. Dù tuổi cao, sức đã yếu, nhưng Giáo sư dường như không cưỡng lại được chất thiền trong hai tập thơ trên. Ông còn bảo: "Tôi ăn Tết năm hổ bằng "Thi Vân Yên Tử".

Ông Phạm Khắc Lãm, Nguyên Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam đã tức cảnh sinh tình: "Tôi tưởng theo anh thăm Yên Tử/ Nào ngờ lạc bước chốn thi vân/ Hoàng Quang cửa Phật soi câu chữ/ Thuận dòng rửa sạch chốn bụi trần". Đến nay, đã có hàng chục tờ báo ở Trung ương và địa phương, từ báo Nhân Dân, An ninh Thế giới, Văn nghệ Công an, Hà Nội mới, Thể thao & Văn hóa, Sài Gòn Giải phóng đến các Báo Hạ Long, Quảng Ninh,... đều đã có bài đăng tải về "hiện tượng thơ Hoàng Quang Thuận". Thậm chí có người còn cho rằng: "Giữa thời buổi thơ in ra nhan nhản, chủ yếu xoay quanh đề tài tình yêu hoặc co vào suy tưởng chiêm nghiệm cá nhân, đôi khi rối mù tắc tị… thì "Thi Vân Yên Tử" và "Ngọa Vân Yên Tử" như một áng mây lành, thoát tục, trong trẻo đến lạ lùng dắt người đọc vào chốn Bồng Lai, rũ bỏ bụi trần trở về với bản ngã thiện tâm trong mỗi con người,…" (xem bài của Thái Doãn Hiểu trên phongdiep.net).

Tập thơ cũng đã đến tay bạn bè quốc tế: Chánh văn phòng phủ Tổng thống nước Cộng hòa Pháp L. Heritier thay mặt ngài Tổng thống Jacques Chirac phúc đáp tác giả: "Xin ông hãy tin rằng ngài Tổng thống đã xem và thưởng thức những bài thơ hay và rất cảm xúc đó" (thư Paris, 20/8/1998). Bộ trưởng Văn hóa và Thông tin Pháp Traumanm chia sẻ: "Những bài thơ rất hay được viết từ cảm hứng ở vùng Yên Tử đã làm tôi say đắm… Tập thơ ấy là bằng chứng mối quan hệ trao đổi văn hóa giữa hai nước chúng ta" (thư Paris ngày 20/8/1998). Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đọc tập thơ và gửi thư tay trân trọng cảm ơn tác giả. Thư ký Hoàng cung Thụy Điển Kung L. Hovstaterna khẳng định: "Chúng tôi đánh giá cao sự cao siêu sâu sắc về những vần thơ của ông" (thư Stockholmngày 3/3/2000)…

Từ nhiều năm nay, không ít tác giả than phiền rằng, thực trạng văn hóa đọc, nhất là đối với thơ đang "xuống cấp" trầm trọng, rất đáng báo động. Vậy nhưng nếu nhìn vào tổng số bản in và phát hành của "Hoa Lư thi tập" và "Thi Vân Yên Tử" của nhà thơ Hoàng Quang Thuận thì có lẽ tình hình lại không đến mức phải bi quan đến vậy. Vì chỉ trong khoảng 10 năm, tập thơ được in và tái bản tới bốn, năm lần, mỗi lần hàng ngàn cuốn, rồi được làm thành độc bản giả da..., thế thì đâu đến nỗi ế ẩm. Hơn thế, cả hai tập thơ đều được những người lớn tuổi, các tăng ni, Phật tử khắp cả nước đón nhận rất trân trọng. Đặc biệt, đến Tổng thống Mỹ, Pháp và Thư ký Hoàng cung Thụy Điển đều đã đọc và có thư cảm ơn kèm theo nhận xét, thì làm sao có thể nói thơ "ế" được.

Trên đất Việt và đối với người Việt, hiện chúng ta còn quá ít nhà thơ đi theo khuynh hướng Thiền mà Hoàng Quang Thuận đã làm, đem đến cho độc giả của mình những giá trị tâm linh thực thụ, một phẩm chất ẩn tàng trong tâm thức văn hóa Việt, thay vì mải đi kiếm tìm ở đâu đó và chạy theo những cái không phải là của mình. Chính Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã từng dạy: "Trong nhà sẵn của báu, đừng tìm đâu khác" rồi đó sao.

Theo tôi, Hoàng Quang Thuận đã chọn được một hướng đi đúng. Xin chúc ông gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong nghiệp chân tu và chân thơ của mình


  Đỗ Ngọc Yên


nGUON:  http://www.baomoi.com/Home/SachBaoVanTho/vnca.cand.com.vn/Chot-ngo-Thi-Van-Yen-Tu/9141647.epi


Âm lịch

Ảnh đẹp