Đang xuất hiện những việc làm, hành vi, bài viết truyền bá tư tưởng
sùng ngoại (kể cả về lối sống, ăn uống, đi lại, ăn mặc, nhà cửa, việc
làm, dạy con cái, đến cả tư duy, quan niệm sống, quan niệm điều hành
quản lý xã hội…).
Điều nhức nhối là họ cứ làm như những gì của cha ông,
của dân tộc đều là thứ lạc hậu, trì trệ, là thứ không đáng xem, đáng
nói.
Gần đây xuất hiện nhiều scandal của giới trẻ, văn nghệ sĩ, của những
người được coi là “người của công chúng”. Các cuộc xô xát vì váy áo,
những bộ ảnh nóng, những cuộc chửi rủa, “ném đá” người khác, các fan
phát cuồng vì thần tượng… tràn ngập trên báo mạng, báo in, đến mức tưởng
như cuộc sống xã hội không có gì khác đáng quan tâm.
Bên
cạnh đó đang xuất hiện những việc làm, hành vi, bài viết truyền bá tư
tưởng sùng ngoại (kể cả về lối sống, ăn uống, đi lại, ăn mặc, nhà cửa,
việc làm, dạy con cái, đến cả tư duy, quan niệm sống, quan niệm điều
hành quản lý xã hội…). Điều nhức nhối là họ cứ làm như những gì của cha
ông, của dân tộc đều là thứ lạc hậu, trì trệ, là thứ không đáng xem,
đáng nói.
Đó
chỉ là những biểu hiện nhìn thấy được. Nhưng điều mà không phải ai cũng
cảm nhận được là không ít giá trị văn hóa Việt Nam đã và đang bị thay
đổi trong đời sống hằng ngày, thay đổi trong từng con người, trong từng
gia đình, trong quan niệm của các tầng lớp xã hội.
Câu hỏi đặt ra: Đó có phải chúng ta đang bị đồng hóa văn hóa khi hội nhập?
Văn
hóa có tính phổ quát ở mức độ nào đó, nhất là trong khu vực mà điều
kiện khí hậu, thổ nhưỡng, phương thức sản xuất gần nhau. Nhưng văn hóa
có những nét khác biệt – tính bản sắc mà ở đó tồn tại sự cắm rễ với các
mạch ngầm riêng. Hơn nữa, thái độ cảnh giác, tự vệ luôn có trong tư duy
tự thân của mọi nền văn hóa. Nó là tâm thức, là căn cốt của mỗi nền văn
hóa. Những điều đó làm nên sắc thái, nền tảng của một nền văn hóa, để
phân biệt văn hóa dân tộc này với văn hóa dân tộc khác, tạo nên sức sống
mạnh mẽ, đáng tự hào, tự tôn và phải đấu tranh gìn giữ.
Nền
văn hóa Việt Nam có sức mạnh riêng, bởi có từ tâm thức truyền từ đời
này qua đời khác, không khuất phục sức mạnh kinh tế hay sức mạnh quân
sự. Cha ông ta đã tạc vào lịch sử bản sắc văn hóa dân tộc khi khẳng định
Việt Nam “Vốn xưng nền văn hóa đã lâu” (Nguyễn Trãi). Cả nghìn năm các
triều đại phong kiến phương Bắc tiến hành các cuộc xâm lược Việt Nam, và
cùng với đó là quá trình những làn sóng đồng hóa văn hóa Việt theo lối
nô dịch thô bạo, vừa man rợ vừa ngọt nhạt. Song, sức mạnh tự thân của
văn hóa Việt Nam vừa chống lại mạnh mẽ, vừa ảnh hưởng (tiếp nhận, tiếp
biến) có ý thức, đã làm cho cuộc đồng hóa của các triều đại phong kiến
phương Bắc thất bại. Nói cách khác, trong lịch sử Việt Nam có sự giao
thoa phức tạp giữa các giá trị văn hóa khác nhau bởi hoàn cảnh lịch sử.
Quá trình đó diễn ra những lần tiếp thu, tiếp biến vừa có tính chống lại
một cách đau đớn vừa có sự tiếp nhận những tinh hoa để hoàn thiện dần
những giá trị văn hóa Việt mới, đầy bản sắc nhưng đa dạng mà gốc rễ
không hề mất đi.
Từ
cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, âm mưu đồng hóa văn hóa Việt Nam đi
kèm theo gót giày của đội quân xâm lược của thực dân Pháp với sự hào
nhoáng và những vết nhơ của mặt trái văn minh phương Tây. Giữa những
biến thiên xô bồ và hối hả của các nền văn hóa thời kỳ đó, Hồ Chí Minh
là biểu hiện của chu trình giao thoa, tiếp biến văn hóa nhân loại một
cách toàn bích. Ở Người, những tinh hoa văn hóa phương Đông, văn hóa
Việt Nam và văn hóa phương Tây được kết hợp ở mức hoàn thiện. Trong tình
thế Việt Nam tù đọng và không đủ sức chống đỡ cũng như chọn lọc yếu tố
văn hóa mới đầu thế kỷ XX, cuộc cách mạng vô sản do Chủ tịch Hồ Chí Minh
khởi xướng và lãnh đạo thành công là minh chứng hùng hồn về văn hóa
Việt Nam đã tiếp biến để bước lên một cao trình mới – văn hóa “Thời đại
Hồ Chí Minh” – chưa từng có trong lịch sử.
Như
vậy, văn hóa dân tộc Việt Nam qua quá trình giao thoa, tiếp biến theo
hướng tích cực không phải là thứ nhập cảng thuần túy. Đó là sự tự tôn
dân tộc một cách khoa học, đề cao sự độc lập, chủ quyền lãnh thổ và chủ
quyền văn hóa.
Ngày
nay, trong xu thế toàn cầu hóa nhiều người nêu ra “hoàn cảnh” để lý
giải việc vay mượn văn hóa người khác làm cái của mình một cách thô
thiển mà quên bản sắc văn hóa dân tộc. Bản chất của cách lý giải đó là
sự ngụy biện, mà ngụy biện thời nào cũng có. Sự giao thoa và tiếp biến
văn hóa là đương nhiên trong quá trình phát triển của lịch sử, nhưng mặt
tích cực là nó đã tiếp biến những yếu tố văn hóa ưu việt để làm cho văn
hóa của dân tộc phong phú hơn. Dù là thời kỳ lịch sử nào thì những
người không coi trọng văn hóa tự thân, chỉ chăm chăm mượn cái khác mình
và coi đó là tiêu chuẩn của giá trị, đều là bị đồng hóa, bị nô dịch.
Thông thường, phía bị đồng hóa, bị nô dịch luôn ở thế bị động nhưng cũng
có nguyên nhân là từ sự… tự đồng hóa, tự nô dịch. Bị đồng hóa và tự
đồng hóa khác nhau. Khi bị đồng hóa, phía bị đồng hóa ở thế yếu còn khi
tự đồng hóa là đã có sự biến chất tự thân. Điều này quả thật vô cùng
nguy hiểm.
Bị
đồng hóa, bị nô dịch văn hóa trước hết thể hiện rõ nhất ở lối sống, lối
ứng xử, trong cách tiếp nhận và thay đổi quan niệm về giá trị vật chất,
tinh thần của từng cá nhân, từng gia đình và từng tầng lớp xã hội. Sự
nô dịch tăng cao thì từng tế bào (cá nhân) của xã hội sẽ lây lan nhanh
chóng và tạo thành trào lưu bị nô dịch văn hóa. Nhiều người đã đón nhận
những yếu tố văn hóa ngoại lai không chọn lọc, không đào thải. Vậy nên
sự du nhập thô thiển đã dẫn đến những hệ lụy, những bi kịch của mở cửa
hội nhập. Trên thế giới hiện nay không thiếu những trường hợp như vậy.
Người ta hứng khởi tìm cách ca ngợi, đánh bóng, thậm chí bốc thơm những
cái khác mình, người ta lấy cái khác mình để so sánh bằng cách cố tình
tạo ra sự chênh lệch (đưa cái khác mình lên cao, ngược lại thì vùi dập
giá trị của chính mình), và đương nhiên qua đó họ coi cái gì ngoại nhập
cũng là ưu việt. Thái độ cuồng nhận cái gì khác mình nghĩa là đặt mình
vào tâm thế bị nô dịch – về bản chất đó là quan điểm, thái độ mang đậm
chất nô dịch. Tuy nhiên, thái độ cấm đoán, bài xích những gì không giống
mình, cũng đáng chê trách, lên án như thái độ bị nô dịch. Bởi bài xích
những tinh hoa của người khác có nghĩa là đã tự đặt mình vào tâm thế thù
địch với thế giới bên ngoài, như vậy sẽ không có phát triển.
Khái
niệm “bá quyền văn hóa”, “xâm lăng văn hóa” đã hình thành từ lâu. Tùy
từng giai đoạn lịch sử mà sự bá quyền văn hóa, xâm lăng văn hóa có những
phương pháp khác nhau. Trước kia sự bá quyền, xâm lăng văn hóa thường
song hành cùng việc chiếm đoạt đất đai, lãnh thổ; ngày nay nó song hành
cùng những cuộc xâm lăng kinh tế, bằng sự tràn ngập phim ảnh, sách báo,
văn hóa phẩm, thời trang… Trên ti vi Việt Nam tràn ngập phim Trung Quốc,
phim Mỹ, phim Hàn; trên đường phố tràn ngập cách mặc theo phong cách
các ban nhạc Hàn Quốc, ban nhạc Mỹ; trong ứng xử xã hội tràn ngập quan
niệm và tư duy thực dụng… Một trong những phương pháp hữu hiệu nhất là
dùng phương tiện truyền thông để xâm lăng văn hóa. Đặc biệt, khi
internet trở thành phổ cập thì dòng chảy của những cuộc bá quyền, xâm
lăng văn hóa trở nên mạnh mẽ, tưởng chừng vô tận và không hề có biên
giới, nó đánh vào từng tế bào tư duy của cá nhân, nhất là người trẻ
tuổi. Ngày nay không cần súng đạn mà chỉ bằng cách mềm mại như nhung,
lúc chậm rãi, lúc ồ ạt, những cuộc xâm lăng văn hóa trên thế giới đã
diễn ra với những kết quả khủng khiếp.
Nhiều
thanh niên ở Việt Nam ngày nay sống không có lý tưởng. Sự tiếp nhận văn
hóa từ lớp trẻ đang phổ biến là xu hướng hưởng thụ. Họ cuồng nhiệt tiếp
nhận những yếu tố văn hóa ngoại lai không có giá trị nhân văn, thẩm mỹ
để sống gấp, sống hưởng thụ và coi như vậy mới là hợp thời thượng. Họ
cảm thấy xấu hổ khi không sống theo thần tượng như bạn bè họ. Tình trạng
này dẫn đến nhiều giá trị xã hội bị đảo lộn, thậm chí bị vùi lấp và bị
dè bỉu, giẫm đạp. Bản thân nền văn hóa Việt Nam có khả năng chống lại sự
nô dịch của văn hóa ngoại lai đồng thời tiếp nhận tinh hoa văn hóa để
phát triển, nhưng những cá nhân lại không phải lúc nào cũng có khả năng
đó.
Gần
đây, do mặt trái của văn minh công nghiệp là tư duy vật chất (lấy vật
chất làm thước đo hiệu quả), lấy nhịp sống gấp hưởng thụ nhanh làm biểu
tượng của sự năng động và cấp tiến, làm đảo lộn hàng loạt giá trị truyền
thống, ở một số quốc gia đã xuất hiện xu hướng tìm về với các giá trị
văn hóa dân tộc. Đó là một xu hướng khi mà người ta sau một thời gian
mải mê đi tìm cái lạ của phương Tây lại muốn quay về những nền tảng có
từ trước trong lớp trầm tích của dân tộc và trầm tích của chính mình
đang còn rất nhiều giá trị. Đó cũng là một chiều khác, chiều hài hòa để
giữ thế ổn định. Vấn đề quan trọng là sự hài hòa phải lan tỏa ở phạm vi
rộng hơn, tức là hài hòa giữa giá trị văn hóa truyền thống và giá trị
văn hóa ngoại nhập để bảo đảm sự cân bằng, sự tiếp nhận, bổ khuyết, hỗ
trợ nhau những giá trị tích cực để phát triển lên những cấp độ mới.
Có
thể khẳng định, ở bình diện tổng thể văn hóa Việt Nam ngày nay không bị
đồng hóa mà đang tiếp tục giao thoa, tiếp biến để phát triển lên cấp độ
mới. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể yên tâm rằng văn hóa của dân
tộc không bị ảnh hưởng yếu tố tiêu cực của văn hóa ngoại lai, bởi nhiều
cá nhân thay đổi quan niệm về giá trị sẽ dẫn đến thay đổi ở mức độ nào
đó trong các tầng văn hóa của nền văn hóa Việt. Vì vậy nguy cơ bị đồng
hóa văn hóa là có thật. Phải thẳng thắn để thấy rằng ở một bộ phận xã
hội đã và đang bị đồng hóa, bị nô dịch văn hóa. Nếu không có những giải
pháp hữu hiệu từ vĩ mô đến cụ thể thì sự lây lan từ một bộ phận này đến
các bộ phận khác sẽ gia tăng. Và đến lúc nào đó thì sự bị đồng hóa, bị
nô dịch văn hóa ở diện rộng sẽ xảy ra. Đó là việc không thể coi thường,
buộc chúng ta phải tỉnh táo khi đối mặt.
Tô Phán
Nguồn link: hanoimoi.com.vn/newsdetail/Suy-ngam/544853/đoi-mat-voi-nguy-co-bi-dong-hoa-van-hoa!.htm
Nguồn link: hanoimoi.com.vn/newsdetail/Suy-ngam/544853/đoi-mat-voi-nguy-co-bi-dong-hoa-van-hoa!.htm