06/04/2012 21:18 (GMT+7)
Số lượt xem: 89264
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tiết Thanh minh là một khái niệm trong công tác lập lịch của các nước phương Đông chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa cổ đại. Là một trong số hai mươi tư tiết khí của các lịch Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên.


Ngày xuân con én đưa thoi
 
Thiều quang chính chục đã ngoài sáu mươi
 
Cỏ non xanh tân chân trời
 
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
 
Thanh minh trong tiết tháng Ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh
 
1. Tiết Thanh minh
 
Tiết Thanh minh là một khái niệm trong công tác lập lịch của các nước phương Đông chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa cổ đại. Là một trong số hai mươi tư tiết khí của các lịch Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên.
 
Lịch Việt Nam cổ đại, bị nhiều người lầm tưởng là âm lịch thuần túy nên rất nhiều người cho rằng nó được tính theo chu kỳ của Mặt Trăng quay xung quanh Trái Đất. Trên thực tế, lịch Việt Nam cổ đại là một loại âm dương lịch nên nếu giải thích theo thuật ngữ của lịch hiện đại ngày nay (lịch Gregory) thì nó được tính theo vị trí của Trái Đất trong chu kỳ chuyển động trên quỹ đạo của mình xung quanh Mặt Trời. Nếu tính điểm xuân phân là gốc (kinh độ Mặt Trời bằng 0°) thì điểm diễn ra hay bắt đầu tiết Thanh minh là kinh độ Mặt Trời bằng 15°. Do vậy, tiết Thanh minh thực tế được tính theo cách tính của dương lịch hiện đại và nó thông thường bắt đầu vào ngày 4 hoặc 5 tháng 4 dương lịch tùy theo từng năm.
 
Theo quy ước, tiết Thanh minh là khoảng thời gian bắt đầu từ khoảng ngày 4 hay 5 tháng 4 khi kết thúc tiết xuân phân và kết thúc vào khoảng ngày 20 hay 21 tháng 4 trong lịch Gregory theo các múi giờ Đông Á khi tiết cốc vũ bắt đầu.
 
2.  Tiết Thanh Minh Trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du:
 
Truyện Kiều là tên gọi phổ biến tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh (chữ Hán: 斷腸新聲) của đại thi hào Nguyễn Du. Tác phẩm này đã đưa Nguyễn Du lên hàng danh nhân văn hóa thế giới. Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, truyện được viết ra sau khi ông đi sứ nhà Thanh về và theo lời truyền thì Phạm Quý Thích đã cho khắc in vào khoảng từ năm 1820 đến năm 1825. Bản khắc in đó nay không còn nữa. Tác phẩm này được viết bằng chữ Nôm, gồm 3.254 câu thơ theo thể lục bát. Nội dung của truyện dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc. Hiện nay, ở Việt Nam lưu truyền một số dị bản của tác phẩm này. Bản nôm cổ nhất còn lưu giữ là bản "Liễu Văn Đường" khắc in năm Tự Đức thứ 19 (1866), mới phát hiện ở tỉnh Nghệ An.
 
Nếu tính tiết Đông chí là gốc thì tiết Thanh minh cách tiết này khoảng 105 ngày, còn nếu tính tiết Lập xuân là gốc thì Thanh minh cách tiết này khoảng 60 ngày. Tính theo âm lịch, nó rơi vào khoảng từ sớm nhất là giữa tháng Mão (tháng Hai) đến muộn nhất là giữa tháng Thìn (Tháng Ba). Cho nên, Nguyễn Du trong Truyện Kiều có câu:
 
Thanh minh trong tiết tháng Ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh
 
Tết Thanh minh diễn ra vào ngày tiết Thanh minh. Tại Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao thì tết này là một ngày quốc lễ. Còn ở các khu vực khác ở Đông Á như Việt Nam thì nói đến Tiết Thanh minh thì bao giờ người ta cũng nghĩ đến lễ tảo mộ và hội đạp thanh.
 
Năm nay Nhâm Thìn – 2012, Tiết Thanh minh vào ngày 14 tháng 3 năm Nhâm Thìn (tức ngày 04-4-2012). Nhân ngày Thanh minh, người dân các nước có nền văn hóa tương đồng và chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa đều có tục đi tảo mộ gia tiên và làm lễ cúng ông bà sau cuộc tảo mộ.
 
Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ. Nhân ngày Thanh minh, người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, dẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ mà theo suy nghĩ của họ là có thể phạm tới linh hồn người đã khuất. Đó là ngày xưa, còn bây giờ, mộ được xây đẹp, ốp đá, nên người đi tảo mộ không phải mang theo cuốc, xẻng nữa, và ở nghĩa trang sẵn sàng có những người phục vụ việc tảo mộ. Vì thế con, cháu bồi dưỡng cho người quét dọn mộ là xong.  Sau đó, con cháu thắp ba nén hương,  đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất.
 
Trong ngày Thanh minh, khu nghĩa địa trở nên rất đông đúc và nhộn nhịp. Các cụ già thì lo khấn vái tổ tiên nơi phần mộ. Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên, ông bà qua tục viếng mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này (có thể sớm hơn một, hai ngày vì nhiều lý do khác nhau) để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình.
 
Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, chăm sóc cẩn thận, còn có những ngôi mộ vô chủ, hoặc người thân lưu lạc tha phương, không người thăm viếng. Những người đi viếng mộ thường cũng thắp cho các ngôi mộ này một nén hương. Vì thế mới có cảnh Thúy Kiều thắp hương cho mộ Đam Tiên…
 
Trước đây, nam nữ thanh niên nhân dịp này đi du xuân, ngoạn cảnh nên mới có tên gọi hội đạp thanh (tức giẫm lên cỏ). Ngày nay, ở Việt Nam lễ hội này chính là dịp “Uống nước nhớ nguồn” nhớ ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ”
 
Đúng là:
 
Cây có cội mới sinh chồi nảy lộc.
 Nước có nguồn mới biển rộng sông sâu.
Người ta nguồn gốc từ đâu.
Có tổ tiên, cha mẹ rồi sau có mình”   
                                                           Tiết Thanh minh, 14-3-Nhâm Thìn (2012)

http://www.phattuvietnam.net/8/18467.html


Âm lịch

Ảnh đẹp