14/12/2012 14:22 (GMT+7)
Số lượt xem: 65629
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Sau khi thông tin về cuộc đấu giá tranh vẽ Phật hoàng Trần Nhân Tông được TS Nguyễn Nam công bố cùng với bài khảo cứu bước đầu (Tuổi Trẻ 5-8), tập san Suối Nguồn gợi ý và TS Nguyễn Nam đã hoàn tất công trình nghiên cứu bức thư họa quan trọng này.


Toàn văn công trình được công bố trên kỳ 7 tập san Suối Nguồn vừa phát hành.

Tập san Suối Nguồn đăng toàn bộ công trình nghiên cứu Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ - Ảnh: L.Điền

"Mong sao người Việt ở khắp nơi không ngại nhọc công tìm thấy và công bố các tài liệu liên quan đến văn hóa, lịch sử, di sản của nước nhà"
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn

Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn - người sưu tập cổ vật và có thâm niên khảo cứu về di vật văn hóa. Ông Sơn cho biết:

- Đối với tôi, một người yêu thích cổ ngoạn lâu nay, tôi nhận thấy cổ vật Lý Trần còn lại bấy nay chỉ là đồ gốm, bia đá, chứ các hiện vật bằng giấy như tranh, sách thì rất hiếm. Khi TS Nguyễn Nam công bố bức tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ, tôi mừng khôn xiết, vì nghĩ rằng một di sản văn vật có gắn với tiền nhân nước mình còn lại là rất hi hữu.

Khi bản chụp bức tranh được lưu truyền trên mạng Internet, tôi cũng có chia sẻ cho nhiều người bạn cùng xem. Trong khi lâu nay hình ảnh Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) chỉ nhìn thấy qua bức tượng đá ở bảo tháp Huệ Quang ngoài Bắc, thì với bức tranh này, lần đầu tôi nhìn thấy hình ảnh Phật hoàng Trần Nhân Tông qua nét vẽ truyền thần, thấy được nghi vệ triều đình nhà Trần, thấy hình ảnh nhân vật, phong cảnh nước non...

* Sau khi xem tranh và đọc công trình nghiên cứu của TS Nguyễn Nam, ông nghĩ gì về các yếu tố thật - giả và chi tiết nào khiến ông chú ý?

- Sau khi đọc công trình của TS Nguyễn Nam, tôi tin rằng có thật bức tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ vẽ Phật hoàng Trần Nhân Tông. Vì vua Càn Long là người mê tranh, đã sưu tập bức tranh này vào cung, trên tranh lại còn có những họa gia, những trí thức đỉnh cao đã chấp bút cho ý kiến vào tranh.

Chỉ có điều bất ngờ là không hiểu sao Trần Quang Chỉ - người từng sở hữu tranh và mời nhiều trí thức khác viết lời tán, dẫn cho tranh - lại nhầm lẫn ở chỗ cho rằng Trần Nhân Tông là con của Trần Cảnh. Theo thông tin từ công trình này, Trần Quang Chỉ là người Việt Nam, được gọi là “người học Phật sông Lô”, sông Lô là một tên của sông Nhị Hà, tức là ông này ở Hà Nội. Trong Minh Thực Lục có ghi nhận Trần Quang Chỉ từng đi trong đoàn người An Nam đến triều đình nhà Minh nạp cống.

Như vậy, rất có thể ông này thuộc dòng tôn thất nhà Trần, không rõ Trần Quang Chỉ sang định cư ở Trung Quốc lúc nào, và quan trọng hơn, tại sao ông lại nhầm nhân thân của vua Trần Nhân Tông như vậy.

Bài ký của Dư Đỉnh trên tranh có nêu chi tiết “Người Nam Giao vẽ sự việc một thời này”, như vậy có thể tranh do người Việt mình vẽ. Và Trần Quang Chỉ cũng là người Việt, lại là người viết bài dẫn cho tranh. Như vậy, tôi nghĩ rất có thể bức tranh được vẽ vào triều Trần. Điều này có cơ sở, bởi nhà Trần là triều đình có quan tâm đến hội họa. Trong Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi nhận ba sự kiện liên quan đến tranh vào đời Trần, chứng tỏ nhà Trần có chơi tranh, lại biết thưởng tranh, biết giá trị của tranh, từng dùng tranh làm vật ban thưởng cho các quan. Các quan cũng phẩm bình tranh, chứng tỏ họ am hiểu hội họa.

* TS Nguyễn Nam giả định Trần Giám Như là tác giả để nghiên cứu, điều này có đủ thuyết phục?

- Dòng lạc khoản (dòng chữ nhỏ ghi ngày tháng và tên người vẽ tranh - PV) ghi tên Trần Giám Như trên tranh có thể là thông tin được chép lại từ dòng lạc khoản chính đã bị hư hỏng hoặc bị cắt mất lúc bồi tranh. Bức tranh này được bồi lại nhiều lần và có thể người bồi tranh trong một lần nào đó nhận thấy dòng lạc khoản chính không còn giữ lại được, nên họ đã ghi lại thông tin của lạc khoản ấy vào một vị trí khác trên tranh như một cách sao lại cho đời sau được biết. Đây là một cách hiểu, và theo hướng đó thì thông tin “Trần Giám Như tả” vẫn có độ tin cậy để tham khảo, nghiên cứu.

* Như vậy tác phẩm này vẫn còn những tồn nghi chờ giới nghiên cứu tiếp tục làm sáng tỏ?

- Trước hết, bản thân tôi rất quan tâm đến ba người họ Trần: Trần Giám Như, Trần Đăng và Trần Quang Chỉ, liệu họ có mối quan hệ thân tộc nào không và liệu có liên quan gì đến tôn thất nhà Trần - những người đã sang định cư trên đất Trung Quốc không?

Còn về lai lịch bức tranh, tôi đoán định có thể tranh vẽ từ đời Nguyên, nhưng không công bố rộng rãi đến danh sĩ đương thời, vì đề tài vua Trần Nhân Tông còn úy kỵ với triều đình nhà Nguyên (nhà Trần ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông - PV), mãi đến thời nhà Minh, vào năm Vĩnh Lạc, tranh này mới được công bố và được các danh sĩ đề tựa, tán tụng...

Tôi cũng nghĩ đến một khả năng bức tranh này được vẽ từ đời Nguyên và vẽ tại Thăng Long nhân một sự kiện xuất sơn cụ thể nào đó của vua Trần Nhân Tông, kèm theo nhiều lời tán tụng ca ngợi vua. Sau khi Trần mạt, con cháu nhà Trần mang sang Trung Quốc, và những lời ca ngợi kia bị cắt đi cùng với lạc khoản có ghi các thông tin cần thiết. Sau này, các trí thức Trung Quốc đã viết lại lời đánh giá bức tranh như đã thấy.

Những đoán định ấy chỉ có thể làm rõ nếu có thêm tài liệu, mong sao người Việt ở khắp nơi không ngại nhọc công tìm thấy và công bố các tài liệu liên quan đến văn hóa, lịch sử, di sản của nước nhà để người nghiên cứu đi gần đến chỗ chính xác trong công việc.

Lam Điền thực hiện (Theo TuoiTre)

Âm lịch

Ảnh đẹp