15/02/2011 17:30 (GMT+7)
Số lượt xem: 3519
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nghệ thuật Phật giáo có vai trò hết sức quan trọng trong văn hóa nhân loại, nó không chỉ đơn thuần là sự phác họa lại hình ảnh kim thân Đức Phật, mà thông qua đó các khái niệm Phật giáo được phản ánh dưới nhiều hình thức nghệ thuật như: điêu khắc, kiến trúc, hội họa v.v…


Trải qua gần 25 thế kỷ có thể nói sự phát triển của hệ thống nghệ thuật kiến trúc Phật giáo đa dạng và phức tạp, đặc biệt là trong hệ thống nghệ thuật Phật giáo phát triển. Đến nay vai trò của nghệ thuật Phật giáo vượt ngoài tính nguyên sơ của nó, như phản ánh hình ảnh Đức Bổn Sư, phác họa lại cuộc đời Đức Phật, phản ánh các khái niệm v.v…

Trong các lĩnh vực nghệ thuật Phật giáo, hình tượng Đức Phật luôn có một vai trò hết sức quan trọng, khi một người Phật tử, du khách đến thăm các ngôi tự viện; việc đầu tiên là phải đến lễ bái kim thân Đức Bổn Sư, nhưng một điều mà hầu hết chúng ta đã bỏ qua đó chính là hình tượng của Đức Phật đã có tự bao giờ, những trường phái nghệ thuật nào đã đặt nền móng cho sự phát triển hình tượng kim thân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, sự khác biệt những quan điểm về vấn đề khắc họa hình tượng Đức Bổn Sư như thế nào v.v…

Cách đây hơn 2.500 năm, khi Đức Phật tổ Cồ Đàm (Gotama) còn tại thế, hình tượng Đức Phật hầu như chưa xuất hiện và việc tạc tượng cũng không được ủng hộ bởi chính Ngài. Trong thời kỳ đó, các hàng đệ tử Phật lo ngại mỗi khi Ngài vắng mặt thì làm sao các hàng thiện tín có thể lễ bái, cúng dường Ngài; thế là họ dùng hình tượng cây Bồ Đề, dấu chân của Đức Phật, hay bánh xe pháp v.v… làm biểu tượng thờ cúng.

tuong phat nghe thuat GandharaTheo huyền sử, vào hạ thứ bảy (năm -583), trong thời gian ẩn cư trong vùng núi Samkassa, Đức Phật lên cung trời Đao Lợi (Tavatimsa) thuyết Vi diệu pháp (Abhidhamma) cho thiên chúng và thân mẫu Maha Maya nghe. Vì vắng mặt Phật quá lâu nên các hàng đệ tử đã tạc hình tượng Đức Phật để lễ bái, cúng dường. Nếu dữ kiện này có thật, thì có lẽ hình tượng Đức Phật đầu tiên đã xuất hiện dưới dạng tả thực dưới hình dạng con người, không còn là những biểu tượng của bánh xe pháp, cội cây Bồ Đề v.v… Nếu căn cứ theo lịch sử thì hình tượng Đức Phật xuất hiện khá muộn, sau khi Ngài nhập diệt, các hàng đệ tử chỉ dùng những hình tượng biểu trưng như bánh xe pháp, hình ảnh thái tử rời bỏ hoàng cung, cội cây Bồ Đề v.v… để lễ bái, xem như đã tỏ lòng tôn kính Đức Phật. Những nguyên nhân sâu xa trong việc dùng hình tượng, vật tượng trưng để thay thế kim thân Ngài dưới dạng hình người vì những lý do:

- Đức Phật tuyên bố sau khi Ngài nhập diệt, các hàng đệ tử hãy lấy giáo pháp làm thầy.

- Những người theo Phật giáo nguyên thủy tin rằng sau khi Đức Phật nhập diệt thì thân ngũ uẩn của Ngài không còn tồn tại nữa, chỉ còn lại xá lợi mà thôi.

- Đức Phật không khuyến khích các hàng đệ tử chỉ chú trọng vào việc lễ bái hình tượng của Ngài.

Trong suốt mấy trăm năm đầu sau khi Đức Phật nhập diệt, việc khắc họa Đức Phật dưới dạng hình người xem như là một sự mô tả không tôn kính, vì lẽ Đức Thế Tôn là Đấng toàn tri, diệu giác. Trong thời kỳ này, những nghệ nhân đã lấy những biểu tượng như vườn Lâm Tỳ Ni, cội Bồ Đề, bánh xe pháp, tháp v.v… Những nghệ nhân đã khắc họa toàn cảnh vườn Lâm Tỳ Ni, hoàng hậu Maya vịn cành cây Sala hạ sinh Thái tử Sĩ Đạt Ta; hoặc cảnh đức Bồ tát vượt sông Anoma để tầm đạo; toàn bộ khung cảnh Đức Phật chuyển pháp luân.

Có rất nhiều giả thuyết về nguồn gốc và sự hình thành hình tượng Đức Phật, nhưng cho đến nay các nhà nghiên cứu đều thừa nhận rằng thời kỳ Thánh tượng được bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ I trước công nguyên, mở màn cho trào lưu Thánh tượng này là trường phái nghệ thuật Gandhara (Càn đà la) và Madhura (Ma thâu la). Tiếp theo sau đó chính là thời kỳ phát triển của nhiều trường phái nghệ thuật hình tượng Đức Phật, mà nổi trội nhất là trong hệ thống nghệ thuật Phật giáo phát triển. Cho đến ngày nay, hình tượng Đức Phật đã phát triển và biến tấu rất khác xa so với thời kỳ nguyên sơ, chỉ có thể tìm thấy một sự tương đối đồng nhất ttrong hệ thống nghệ thuật Phật giáo nguyên thủy, không khác xa lắm so với thời kỳ Gandhara và Madhura, nhưng sự biến tấu cũng diễn ra ở những hoa văn, họa tiết, nét mặt v.v… ở những nước khác nhau như Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia. Như vậy, sự phát triển của nghệ thuật hình tượng Đức Phật đã phát triển qua hai thời kỳ chính:

- Thời kỳ phi thánh tượng khoảng thế kỷ thứ V – I TCN.

- Thời kỳ thánh tượng thế kỷ thứ I TCN – ngày nay.

Thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nghệ thuật hình tượng Đức Phật là thời kỳ thánh tượng, đặc biệt là hệ thống nghệ thuật Phật giáo phát triển đã làm nên sự bứt phá ngoạn mục trong nghệ thuật Phật giáo , đáng chú ý nhất là những hình tượng Đức Phật được khắc trong chùa hang Ajanta và Ellora, khu vực động Đôn Hoàng (Trung Hoa) và khu vực Đông Nam Á. Nghệ thuật hình tượng Đức Phật đã trở thành một bản sắc văn hóa cho những xứ sở chùa tháp, cho nghệ thuật Phật giáo và là tinh hoa nghệ thuật của văn hóa nhân loại.

* Ths Hoài Lan (Theo: Tạp chí Phật giáo Nguyên Thủy)



Âm lịch

Ảnh đẹp