Vọng tâm thì chỉ có chết
thôi! Mình làm tượng mà mình bê bối thì người ta mất niềm tin. Tự mình
không xứng đáng là mình đang phỉ báng Phật.
Tượng Phật Di Lặc tại Núi Cấm - An Giang
Nhắc đến điêu khắc gia Thụy Lam, người ta nghĩ ngay
đến những pho tượng Phật mang tầm kỷ lục, nổi tiếng nhất là pho tượng Bồ
tát Quán Thế Âm tại Bãi Bụt - Đà Nẵng (cao 70m), tượng Phật Di Lặc tại
Núi Cấm - An Giang (cao 33,6m), tượng Phật Thích Ca Niêm hoa vi tiếu tại
thiền viện Vạn Hạnh - Đà Lạt (cao 24m), tượng Phật A Di Đà tại chùa
Vĩnh Tràng - Tiền Giang (cao 23m), cùng hàng chục pho tượng Phật, Bồ tát
đã và đang thực hiện khác tại các tỉnh Khánh Hòa, Bình Phước, Vĩnh
Long, Bến Tre, Phú Quốc - Kiên Giang, Bạc Liêu… Ông cũng là tác giả của
ngôi tháp Lửa từ bi tại Tổ đình Quán Thế Âm - Phú Nhuận, TP.HCM và là
đồng tác giả của pho tượng Gà chín cựa tại làng K’long - thôn Darahoa,
Đức Trọng, Lâm Đồng.
Nghiễm nhiên, điêu khắc gia Thụy Lam, tên thật là
Phạm Dân Chủ, trở thành người nổi tiếng. Rất nhiều bài báo đã viết về
ông, "một ông già ốm nhom, ít nói", và gọi ông là "người tạc nên những
nụ cười của Phật" với không ít những câu chuyện bí ẩn về tâm linh. Dù
vậy, ở tuổi 65, ông vẫn cho mình là "kẻ thích lang thang" hơn là một
nghệ nhân, thậm chỉ có người còn gọi ông là một "gã điên". "Tôi nói
chuyện với mấy thầy thì được, chứ nói chuyện với mấy người thế gian, họ
nói tôi điên", ông tâm sự.
Người bán ve chai trở thành nhà điêu khắc
Thụy Lam sinh năm 1945, quê ở xã Long Sơn, Tân Châu,
An Giang. Ông theo cha mẹ sang Campuchia sinh sống và được gửi vào học
trường dòng Thiên Chúa giáo. "Cha mẹ tôi cho rằng học ở đó nghiêm túc và
khắt khe hơn", ông nói. Năm 1970, do tình hình chính trị bất ổn, gia
đình ông trở về Việt Nam sinh sống. Và, khởi nghiệp từ một người phụ
việc, ông đã trở thành người thầy với rất nhiều đệ tử - những đệ tử gọi
ông một cách thân thương là "Sư phụ".
Điêu khắc gia Thụy Lam
- Được biết, thân sinh ông muốn ông học để trở thành thầy giáo, nhưng do nhân duyên nào mà ông lại là một nghệ nhân tạo tượng?
- Thuở nhỏ tôi đã có năng khiếu hội họa. Tôi thích
lang thang vẽ vời và nặn tượng hơn là dạy học. Tôi đứng lớp được một
thời gian rồi bỏ nghề, theo phụ việc cho một số giáo sư ở Trường Cao
đẳng Mỹ thuật Gia Định. Được họ hướng dẫn, tôi đi vẽ cho các phòng trà,
nhà hát. Tôi đam mê nghề này nên vừa làm vừa học. Một lần, khi phụ việc
cho các giáo sư ở một khách sạn nọ, có một pho tượng Mỹ nhân ngư ở dưới
nước bị hư, các giáo sư vì xích mích nên không làm mà bảo tôi sửa. Trước
đó, tôi chưa đụng đến điêu khắc bao giờ, nhưng nhờ vào những kiến thức
và kinh nghiệm học lỏm được, tôi đã hoàn thành bức tượng một cách tốt
đẹp.
- Nhưng, từ một người phụ việc đến một điêu khắc
gia, mà lại là điêu khắc gia Phật giáo, thưa ông, phải chăng là một
chặng đường khá xa?
- Từ một người đi bán ve chai thì đúng hơn! Vì sau
năm 1975, nhờ gia đình có được một số vốn, tôi đi bán ve chai, một nghề
"thịnh hành" thời bấy giờ. Lúc đó tôi gặp nhà thơ Trụ Vũ (cũng đi bán ve
chai), biết tôi có năng khiếu hội họa nên bác đã giới thiệu tôi xuống
"sở rác" ở Pháp viện Minh Đăng Quang (quận 2 bây giờ) để làm việc. Ở đó,
tôi trang trí mái đao và vẽ cây bồ đề.
Cảm nhận cuộc sống của quý sư ở Pháp viện thanh đạm
và nhẹ nhàng, không bon chen lừa lọc như cuộc sống bên ngoài, tôi rất
thích và thường ở chùa. Các sư thương mến nên hay cho tôi đồ ăn thức
uống, nhất là đưa sách Phật cho tôi đọc - chủ yếu là các loại sách Phật
giáo do người phương Tây viết. Thích ở chùa, thích vẽ tranh Phật, vẽ cây
bồ đề, thích đàm đạo với các sư, nên những yếu tố cũng như triết lý
sống Phật giáo tự nhiên huân tập vào trong tôi.
Một thời gian sau, tôi về chỗ ông Bảy Chánh, một nhà
điêu khắc nổi tiếng tại khu tạc tượng Phú Lâm, để học nghề. Thấy tôi có
năng khiếu, chăm chỉ học tập cộng với cái tâm thuần phác, nên ông nhiệt
tình chỉ dạy. Ông nói: "hướng dẫn hết cho mày thì sau này sẽ có lợi cho
Phật giáo!".
Ban đầu, từ vẽ cây bồ đề đến vẽ và làm đủ loại, tới nay tôi chỉ duy nhất làm tượng Phật mà thôi. Từ "công án" đến "pháp tu tạo tượng"
Tượng Đức Bổn Sư tại TV. Vạn Hạnh, Đà Lạt - Ảnh: Bảo Toàn
Dường như đam mê vẫn chưa đủ để một người có năng
khiếu trở thành tác giả của rất nhiều pho đại Phật - mà Thụy Lam sinh ra
như thể chỉ để làm tượng Phật. Và dù chưa bao giờ tác ý, ông vẫn là
người "chế tác" nên rất nhiều kỷ lục. Nhiều pho đại Phật khởi đầu từ bàn
tay người khác, song cuối cùng "tác giả" lại thuộc về ông, như pho
tượng Phật A Di Đà chùa Vĩnh Tràng, pho tượng Quán Thế Âm tại bán đảo
Sơn Trà, Đà Nẵng. Thế nhưng, có một điều rất đặc biệt là khi hỏi về
những công trình của mình, ông lại nhớ rất ít. Thậm chí khi công trình
Đại Phật Di Lặc tại núi Cấm được xét và "trao nhầm" kỷ lục cho "tác giả"
khác, ông cũng không mấy quan tâm. Ông nói: "Cuộc đời họ thèm kỷ lục,
nhưng tôi chỉ thích cảnh chùa; ở chùa tôi thấy mọi thứ đều huyễn ảo - nhạn quá trường không, ảnh trầm hàn thủy… Việc
tôi làm là tôi làm thôi chứ tôi không nghĩ ngợi gì xa vời. Mình làm cái
nào ra cái nấy, Phật đã chỉ dạy rõ ràng rồi". Thậm chí, khi có người
bức xúc về việc người ta bán hàng quán ngổn ngang, kể cả việc xây cổng
phá vỡ cảnh quan tại chân Phật Di Lặc ở núi Cấm, ông chỉ mỉm cười: "Tôi
chỉ là người làm tượng Phật thôi, còn những cái kia là chuyện chúng
sinh!".
- Thưa ông, phải chăng sự huân tập nếp sống văn
hóa Phật giáo đã giúp ông có được một đời sống thanh thản cũng như những
công trình vĩ đại như ngày hôm nay?
- Đúng là tôi đã được học rất nhiều từ các sư, các
thầy và từ các điển tích Phật giáo. Nhưng thực ra bản thân tôi cũng gặp
phải một "công án" khó - một công án dành cho riêng tôi. Đó là lần nọ,
một vị sư thấy tôi vẽ và hỏi: "Anh vẽ để làm gì?". Lúc đó tôi không đáp
được. Câu hỏi như một công án, và đi theo tôi suốt. Lần khác, chứng kiến
việc Giáo sư Trương Định Ý (người tạc pho Đại Phật Niết bàn tại núi Tà
Cú, Bình Thuận) cạo đầu tu hành, tôi đã vô cùng thắc mắc. Thầy Trương
Định Ý là người chỉ dạy cho tôi nhiều kinh nghiệm điêu khắc. Gặp thầy,
tôi hỏi: "Sư phụ còn gì để chỉ dạy không?"; ổng nói: "Mô Phật đi!". Đúng
là "phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng", vậy tôi vẽ để làm gì?
- Vâng, đó quả là một công án, nhưng còn tạc tượng… ông tạc để làm gì?
- Tôi tạc là tôi tạc thôi. Mọi người đều làm việc, và tôi cũng làm việc. Người ta sao mình vậy!
-Nhưng công việc của ông có phần đặc biệt?
- Đúng là tạc tượng thì phải để hết cái tâm của mình
vào trong đó. Mà tôi làm tượng là làm cho chúng sinh lễ bái chứ có phải
làm cho tôi đâu! Cho nên khi làm tượng, tôi phải cắt đứt hết mọi chướng
duyên, chỉ tập trung vào công việc. Tất cả mọi thứ phải để nó trôi đi
nhẹ nhàng như gió thoảng. Tâm mình phải tịnh, không vọng động gì cả.
Vọng tâm thì chỉ có chết thôi! Mình làm tượng mà mình bê bối thì người
ta mất niềm tin. Tự mình không xứng đáng là mình đang phỉ báng Phật. Làm
tượng Phật cũng như tu thiền. Nên người xây chùa thì có pháp môn xây
chùa, người làm tượng thì có pháp môn tạo tượng!
- Phật dạy có tám vạn bốn ngàn pháp môn tu, vậy có phải "pháp môn tạo tượng" là pháp môn tu của riêng ông?
- Thực ra tôi cũng tà ma ngoại đạo lắm chứ chưa tu
hành gì đâu. Nhưng khi làm tượng, tôi phải giữ thân tâm cho thanh tịnh.
Tâm thanh tịnh thì mới làm tốt được. Vì khi làm tượng Phật lớn, mình
không thể tuân theo tiêu chuẩn sách vở, mà phải làm bằng kinh nghiệm và
trực giác. Ví dụ, chỉ tính cái răng của Phật Di Lặc ở Núi Cấm thôi cũng
đã to 4 tấc rồi (mà cái mình tôi thì chỉ hơn 2 tấc!); còn nụ cười của Bồ
tát Quan Âm ở Bãi Bụt rộng đến 1,4m, con mắt rộng 1,2m! Mình phải quán
không gian theo nhiều chiều chứ không chỉ có ba chiều. Tượng ở Bãi Bụt
nguyên thủy có diện không đẹp, nhưng khi sửa diện thì lại trật tâm… Nếu
tâm không tịnh và không nhờ Phật lực gia hộ thì khó lòng làm nổi. Tôi
chỉ tập "làm Phật" chút đó thôi!
- Mỗi khi làm tượng Phật, ông hầu như luôn ở gần
tượng và thường ẩn mình trong một cái thất tạm bợ. Ông thường "nhập
thất" như thế bao lâu, và điều đó giúp ích gì cho việc tạo tượng?
- Mọi người nói đùa về cái thất của tôi là "tuyệt
tình cốc". Trước khi phác thảo về Đức Phật, tôi phải có và ấp ủ hình ảnh
Ngài trong lòng rất lâu. Tôi thường "nhập thất" vài ngày, vài tuần, có
khi cả tháng. Làm tượng Phật thì phải ra Phật. Đức Phật, dù thế nào đi
nữa, cũng phải có đủ Bi - Trí - Dũng. Cho nên phải thường xuyên quán
tưởng về ngài. Làm Chúa thì phải suy niệm về Chúa, làm Phật thì tất
nhiên phải quán tưởng về Phật. Quán tưởng ngày này qua ngày khác, quán
từng chi tiết một, cho đến khi Đức Phật hiện rõ ràng ra trước mắt mình.
Và đó là vị Phật của mình, vị Phật của dân tộc mình. Thấy rõ Phật rồi
tôi mới phác thảo và làm tượng.
Gương mặt Bồ tát Quán Thế Âm tại Bãi Bụt - Đà Nẵng
- Dường như nghệ nhân nào cũng ấp ủ một tác phẩm để đời. Còn ông, ông đã ấp ủ tác phẩm nào để lại cho đời chưa?
- Tôi không có gì cả thì lấy gì mà để lại!
-Họa sĩ Phượng Hồng cho rằng ông là người làm
tượng vĩ đại nhất Việt Nam. Một vị Hòa thượng cũng bảo rằng, sau khi thu
thập và so sánh hầu hết các pho tượng Phật Di Lặc trên khắp đất nước,
Hòa thượng thấy pho tượng Phật Di Lặc tại Núi Cấm - An Giang là đẹp
nhất. Là người "chế tác nụ cười Phật", ông có thể chia sẻ những kinh
nghiệm quý báu của mình cho những ai muốn trở thành nhà tạo tượng?
- Quả thực, tôi không bao giờ giấu nghề. Tôi đã trao
hết tất cả những gì mình có cho học trò. Nhưng Đức Phật từng nói, có
những cái không cho được và cũng không nhận được. Nếu chúng ta chỉ căn
cứ vào kinh điển diễn tả về 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của Phật để làm
tượng thì không ổn. Chúng ta phải biết quán tưởng và tự thể nhập vào Đức
Phật của mình. Phải có một hình tượng Phật gần gũi với dân tộc Việt
Nam, từ màu da, nụ cười cho đến mí mắt. Nên mình vừa phải dựa vào kinh
điển, vừa phải quán tưởng. Tổ ong cho dù rất đẹp thì muôn đời vẫn chỉ là
tổ ong, còn tác phẩm của con người thì phải có tính sáng tạo, phải sống
và phải mới. Cái đó cũng giống như sự thực chứng trong việc tu tập vậy,
không thể cho và nhận được!
Tinh hoa hội họa nằm ở trong kinh Phật. Như có lần,
Đức Phật hỏi một vị Tỳ kheo rằng: Thế nào là một bức tranh tuyệt tác? Vị
Tỳ kheo trả lời: Một bức tranh tuyệt tác là một bức tranh được vẽ bằng
tâm thức. Đức Phật nói thêm: Nhưng cái tâm còn tuyệt tác hơn bức tranh
đó nữa!
-Xin chân thành cảm ơn ông. Nhân dịp năm mới, kính chúc ông luôn an lạc, luôn sáng tạo, luôn sống và luôn mới!
Quảng Kiến thực hiện ( Nguyệt San Xuân Tân Mão-2011- số 178)