18/12/2010 21:52 (GMT+7)
Số lượt xem: 4092
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Người Trung-Hoa có óc thật-tế trong đời sống hằng ngày và trong cuộc giao-thiệp xã-hội. Thật vậy, xét lối biểu-diễn lời chúc tụng cầu ước của họ trên giấy, trong tranh, trên vật dụng đồ đồng,

đồ gỗ, đồ ngà, đồ sứ, vàng bạc lưu truyền, từ bậc khanh tướng đến hạng dân nghèo, thì thấy một tâm-lý chung là ai cũng mong muốn được giàu sang hạnh-phúc. Trong đời người không gì hạnh-phúc bằng được sung sướng và may-mắn luôn, được tiền nhiều của lắm, có chức tước oai quyền, sống lâu để tận hưởng và thấy đông con nhiều cháu hiển đạt với đời. Những điều dùng chúc lẫn nhau ấy cốt cầu được như-ý để vui sống và nuôi hy vọng, còn được cùng không, đó là chuyện khác. Vậy ai cũng muốn được bình yên sung sướng, « phước, lộc, thọ toàn », « phú quý hữu dư », « thăng quan tấn tước », « liên sanh quý tử », hiển đạt với đời để « lưu danh hậu thế » ; chúng tôi lần lượt xét qua các lối biểu-diễn các lời chúc tụng ấy.

Có hai lối : lối tự-dạng viết trọn chữ trọn câu chúc ước, và lối tượng-trưng, dùng những hình vật tượng-trưng, hoặc những hình vật mà tên nó tương-tợ với tiếng cầu chúc, rồi ráp lại thành một câu khánh chúc.

Lối tự-dạng

Viết, vẽ, chạm, khắc, thêu, lộng trên giấy, lụa, cây, đá, vàng bạc, xương, ngà, đồ đồng, đồ sứ những chữ, những câu trọn vẹn, như :



« Như ý », « Bình an », « Phú quý », « đại kiết », « song hỉ », « tam đa », « Phú quý trường mạng », « Phúc, lộc, thọ toàn », « thọ tỉ Nam san », « phúc như Đông-hải », « liên sanh quý tử », « trạng-nguyên cập-đệ », « nhứt lộ liên thăng », « khánh lạc thăng bình », « bình yên như ý »...

Chữ viết đủ lối : chân, lệ, triện, thảo.

Ở xứ mình, có một dạo, người Sơn-Đông đi cùng làng khắp xóm, viết những chữ « Phước », « Lộc », « Thọ », « Phú »... bằng hình bướm bay, rồng lộn... Hai chữ « Phước », « Thọ » thì được họa-sĩ dùng nhiều, chế-biến đủ kiểu vẽ « hồi văn » « chạy bìa » các tiền-bàn, liễn chấn, bàn ghế, khay kỷ... cho thêm phần mỹ-thuật và ý-nghĩa. Ngoài Huế, có hai tấm bình-phong bằng danh mộc cẩn sứ, sắp một trăm chữ « Phước », một trăm chữ « Thọ », viết đủ lối: kiểu hình tròn, hình chữ nhựt, hình thuẫn,... để tượng-trưng lời chúc « bá Phúc », « bá Thọ »...

Lối tượng trưng

Có hai cách :

1.) tượng-trưng chánh-thức là dùng những hình vật có ý-nghĩa tượng-trưng rõ-rệt, như:

Rồng, chỉ sự thạnh-vượng, oai quyền, thuộc về của vua; Phụng thuộc về âm để dùng cho quý phái đẹp thuở xưa ; Lân, chỉ sự hiền lành, hòa-bình và cũng tượng-trưng « con quý » vịn theo bài thơ « Lân chỉ » trong kinh Thi ; quy hạc chỉ sự sống lâu, trường thọ.

Một đĩnh (thoi) vàng chỉ sự giàu có, nhiều vàng bạc ; cuốn sách, cây bút, sự học hành, hội họa. Cây tùng lá xanh mãi-mãi biểu-hiệu sự trường sanh vĩnh tồn, hoặc người quân-tử không đổi tiết.

Trái đào biểu hiệu sự sống lâu, bởi lấy tích bà Tây Vương Mẫu nói cây bàn-đào « ba ngàn năm mới nở bông, ba ngàn năm mới đơm trái » ai ăn được trái thì thọ đời-đời. Trái lựu tượng-trưng cho sự đông con vì nó có nhiều hột, mà chữ « tử » là « hột » cũng có nghĩa là « con ».


Một quyển sách Tàu chép chuyện tiên có kể một người, sau khi ăn nấm chi thấy trẻ lại ; người đạo-sĩ bảo anh ta rồi sẽ sống lâu bằng con quy, nên nấm chi, thường chạm trên cái « như-ý » tượng-trưng cho sự sống lâu. Bông thủy tiên, chỉ sự thanh-nhàn vô sự và tuổi thọ như ông « Tiên », ấy là phước thọ hoàn-toàn, cũng như bông « vạn-thọ », theo tên của nó dùng để cầu được sống « muôn năm ».

Con nhện biểu hiệu sự « vui » bởi có câu « tri-thù báo hỉ » là con nhện (tri thù) báo tin mừng.

Con « cóc ba chân » chỉ sự thi đậu lấy ý-nghĩa con thiềm-thừ (con cóc) ở trên cung trăng, mà trong cung trăng lại có cây quế, bộng quế thì trổ về mùa thu, mùa thu là mùa thi hội để đỗ trạng-nguyên.

Con châu-chấu (cào-cào) lại tượng trưng sự đông con, vịn theo bài thơ khen bà Châu Thái Tư không có tánh ghen nên các phi tần được ở chung nhau từng đoàn từng lũ và sanh con cái được nhiều như châu-chấu. Ông Nguyễn Văn Tố dịch bài thơ ấy như sau :

« Lông cánh con châu-chấu kia, nhiều nhung-nhúc ; đáng khen thay con cháu nó có dáng khoan thai ! »
« Lông cánh con châu-chấu kia, bay rào-rào ; đáng khen thay con cháu nó từng đoàn từng lũ ! »
« Lông cánh con châu-chấu kia, dày chi-chít ; đáng khen thay con cháu nó được vui vầy ! »

Cái « như-ý » như tên của nó chỉ sự ước mong như ý nguyện ; cái như-ý dùng tượng-trưng đây bằng ngọc, bằng ngà... dài cỡ một thước tàu (bốn tấc tây), chuôi phần nhiều làm hình nấm « chi », và hình mây. Nó không phải cái như-ý,




chuôi hình chữ « tâm » của nhà thiền thường cầm, trên có chép chữ, để phòng khi quên sót, hoặc để nhớ việc làm...
Vật tượng-trưng dùng câu chúc nầy, người mình cũng thường dùng, như cây trúc chỉ người « quân-tử » ! cây mai với chim hạc, sự thanh nhàn, ẩn dật :


« Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ, hạc là người quen »

2.) tượng-trưng giả-tá, tạm gọi như thế, là mượn những hình vật gì có tên đọc hơi mường-tượng với tiếng muốn cầu chúc mà tượng-trưng :

Con voi dùng chỉ điềm lành, bởi « voi » tên chữ là « tượng » mà lối phát-âm giọng Bắc-Kinh giống âm tiếng « tường » là « tốt lành, phước ». Cái « sanh », 笙 loại kèn xưa có 13 hoặc 16 ống,


chỉ sự « sanh sản » vì đồng âm với tiếng « sanh » là « sanh sản », mà cũng chỉ sự « thăng lên », vì tiếng « thăng », 陞 giọng Bắc-Kinh phát-âm là « Seng ». Đĩnh lại đồng-âm với tiếng định, bởi giọng Trung-Hoa đều phát-âm hai tiếng ấy là « Ting », nên dùng một đĩnh vàng để chỉ ý « nhứt định » Cái bình thì đồng-âm với tiếng bình là « bằng », cũng như cái yên ngựa (cũng đọc là an) là đồng-âm với tiếng yên (hoặc an) là « yên-tịnh ». Con mèo tượng-trưng sự sống lâu, bởi con mèo, chữ Hán là miêu mà giọng Trung-Hoa phát âm là máo, hơi giống âm tiếng « mạo » 耄 là ông già chín mươi tuổi. Sự sống lâu cũng tượng-trưng bằng hình con bướm, tên Hán là « hồ-điệp » mà chữ điệp giọng tàu phát-âm gần giống với tiếng « điệt », 耋 là ông già tám mươi tuổi.

Nhơn đây, xin nói sơ lối phát-âm của tiếng Trung-Hoa, giọng Bắc-Kinh để hiểu sự « đồng âm » chơi chữ của họ. Những tiếng « nhập thinh » của Hán-Việt (và của tiếng Trung-Hoa miền Nam) là những tiếng cuối vần có c, ch, p, t thì



giọng Bắc-Kinh phát-âm ra một nguyên-âm gằn mạnh. Như hai chữ « điệp », « điệt » trên, họ đều phát-âm là tie. Vì vậy mà ta thấy cây « kích » dùng tượng-trưng có sự « kiết » và « bậc, nấc » (cấp) bởi ba tiếng kích, kiết, cấp điều phát-âm là kie.

Bộng sen, tiếng Hán là « liên » 蓮 đồng âm với tiếng liên 連 là « liền theo, luôn luôn » ; bông sen lại còn có tên là hà 荷 mà giọng Bắc-Kinh phát âm là hồ, đồng-âm với tiếng « hòa » 和 , cũng phát-âm là hồ. Cuộn dây, tiếng Hán là lạc, và cái lục-lạc thì dùng để chỉ sự « vui mừng » (lạc 樂 là vui mừng). Còn cái hộp 盒 thì đồng-âm với tiếng « hợp » 合 là « hòa-hợp ».

Con dơi, chỉ sự phước, vì tiếng Hán là « Phúc » 蝠 (giọng Hán-Việt đọc bức) đồng-âm với tiếng « Phúc » 福 là « phước ». Hai tiếng nầy giọng Bắc-Kinh đều phát-âm là Fu ; vì vậy mà con dơi cũng tượng-trưng cho sự giàu có, bởi Fu đồng-âm với tiếng Phú 富 là « giàu có » (Fu). Vì vậy mà trái « phật thủ » cũng dùng tượng-trưng sự « giàu có », bởi tiếng « Phật », 佛 giọng Bắc-Kinh phát-âm Fù, gần giống với tiếng Phú là giàu. Sự « giàu có » cũng tượng trưng bằng con cá, tiếng Hán là ngư, 魚 giọng Trung-Hoa phát-âm là Yu (xin bạn đọc theo tiếng Pháp), đồng-âm với tiếng dư 餘 là dư-giả ; hữu dư là « có dư », là giàu có dư ăn dư để.









Con nai, tiếng Hán là « Lộc » đồng âm với tiếng « Lộc » 禄 là « phước, bổng lộc », nên dùng biểu-hiệu cho sự phước và sự làm quan. Cái vòng ngọc-thạch, tiếng Hán là Khánh, đồng âm với tiếng Khánh 慶 là « chúc thọ, mừng, phúc »...

Hai « đồng tiền » chỉ ý được « song tuyền (toàn) », bởi chữ tiền 錢 phát âm gần giống chữ tuyền 全 là toàn vẹn.

Theo lối nầy, ai muốn dùng vật chi tượng-trưng cũng được, nhưng thông-thường là mấy vật kể trên. Người mình cũng dùng trái đu-đủ để ước sự « đầy đủ luôn », trái sung, sự sung túc thạnh vượng, bông mai, được nhiều may-mắn, bông huệ được trí-huệ thông minh. Trồng cây « Phước dũ » để được « thêm phước », cây vạn thọ, cây thiên tuế, cây vạn niên tùng, cây đào tiên để cầu được sống lâu.

3.) Các vật tượng-trưng ấy, họa-sĩ mượn vẽ nên những bức tranh đẹp-đẽ ; ráp các vật đó lại thành một câu khánh chúc, như lối chơi đố chữ của Pháp (rébus)

a.- Chúc Phước là cầu chúc được hạnh-phước : bình yên, tốt lành, vui mừng như ý và đông con.

Vẽ hình con rồng với con phụng để chỉ điềm lành bởi câu : « Long phụng trình tường ».

Hình con voi tượng (tường) trên lưng mang cái giỏ cắm cây kích (kích : kiết) và cái « như-ý » là « kiết tường như ý ».

Hình một vòng ngọc-thạch (khánh) trên có chạm một cây kích (kiết) và ba cây nấm « chi » tương đối nhau (nấm « chi » thường chạm trên cái như-ý) ngụ ý câu « kiết khánh như-ý ».

Hình vẽ cái « bình », cái yên ngựa (an) và cái như-ý là chúc « [Bình an như-ý ».

Một tranh vẽ hai đứa trẻ mặt mày tươi vui, đứa cầm bông sen (hà : hòa), đứa ôm cái hộp ấn (hợp) ngụ ý là « hòa hợp lưỡng thần tiên ». Hoặc vẽ bông sen, cái hộp với cái như-ý là « hòa hợp như-ý ».

Con « dơi » (phúc) ngậm chữ thọ có tụi cột « hai đồng tiền » (song tuyền) là chúc « Phước thọ song toàn ».

Hình cây « bút lông » xuyên qua giữa cái bánh xe lăn để tượng-trưng sự « phải thành công như-ý », vì cây bút, tiếng Tàu phát-âm là « bất » đồng-âm với tiếng « tất 必 « mà họ cũng phát-âm là « bất ». Chính giữa bánh xe là trung 中 cũng đọc « trúng ». Hai vật ấy hiệp lại thành « tất trúng » là lời chúc « chắc chắn phải trúng, phải được, phải thành công ». Ý nầy còn được trình-bày một lối nữa : « một đĩnh » vàng (nhứt đĩnh : nhứt định để bên cái « như-ý » ráp thành câu nhứt-định như-ý » là « quả quyết phải được như ý muốn ».

Một bức tranh màu sắc sặc sỡ, tươi-tắn như thiệt, vẽ một chậu thủy-tiên (Phước, thọ) ở giữa, một bên con mèo tam thể (thọ) giỡn trái đào (thọ), một bên cái như-ý, là biểu diễn câu Phước Thọ như-ý.

Phước, theo người Trung-Hoa hiểu có năm thứ : sống lâu (thọ), giàu có (phú), được bình yên (khương ninh), chuộng đức hạnh (du hảo đức), và chết sau khi đã làm tròn phận-sự (khảo chung mạng). Vì vậy, chúc được « ngũ phúc » người ta vẽ năm con dơi bay. Theo ông Éd. Chavannes có một bức tranh vẽ hai đứa nhỏ đứng kề bên cái lu, một đứa cầm con dơi, một đứa đương khum xuống bắt con dơi khác, trên đầu ba con dơi túa bay, kế bên, hình ông Chung Quỳ, râu quai chảo đứng oai nghi, có tiếng trừ được quỷ ma. Tranh ấy ngụ ý « ngũ phúc » đã nắm được hai, và ngũ phúc có thần linh bảo vệ.

Được giàu sang yên lành là có phước ; càng hạnh-phước hơn là thêm được có con trai để nối dõi, con trai quý được nhiều và được hiển đạt.

Tranh vẽ đứa nhỏ vui-vẻ cỡi con lân là chúc được con quý, do bài thơ « Lân chỉ » trong kinh Thi : « ngón chưn kỳ lân » có nghĩa là con cháu vua, tức là con quý, hiền hậu nhân từ như kỳ-lân, chưn không giẵm cỏ tươi, không giậm trên con vật sống.

Một cái lọ sứ phía trước vẽ một người đàn-bà đẹp ngồi bên con mèo tam thể (thọ) có hai con bướm chập-chờn bay (thọ), phía sau, một người đờn-bà hai tay dưng trái lựu (đa tử) ; toàn thể ngụ ý chúc được đông con và được sống lâu đến tám chục tuổi (con bướm, điệp : điệt, chín chục tuổi (con méo, miếu (máo) : mạo)

Có con nhiều, năm đứa con trai đều hiển-đạt, lấy tích « nhà học Đậu ở Yên-Sơn đời Tống có năm người con trai, biết cách dạy-dỗ mà sau cả thảy đều thi đậu, vinh vang. Sách Tam Tự Kinh có câu : « Đậu Yên-Sơn, hữu nghĩa phương, giáo ngũ tử, danh cụ dương ». Vì vậy mà có bức tranh vẽ năm đứa nhỏ tranh nhau một cái mão có gắn « kim khôi » để ngụ ý : « ngũ tử đoạt khôi nguyên » (năm con đều đậu trạng nguyên).

Một đứa trẻ cỡi lân, một tay cầm bông sen, một tay cầm cái « sanh » là biểu-diễn câu « liên sanh quý tử » (sanh được nhiều con quý).

Chúc được nhiều con trai là theo tích tam đa xưa. Vua Nghiêu đi tuần thú đất Hoa, quan phong nhân ở đất Hoa chúc rằng : « Xin chúc thánh-nhân được phú, thọ, đa nam (giàu, sống lâu, nhiều con trai). Vì vậy có kiểu tranh vẽ trái phật thủ (phú), trái đào (thọ) và trái lựu để chúc « tam đa » : đa phú, đa thọ, đa nam.

Tranh « Tam đa đồ » còn vẽ ông già trán sói tay chống gậy (thọ), với nhiều trẻ, đứa cầm như-ý, đứa ôm hàm ấn, bốn đứa xúm nhau đọc sách.

b) « Chúc Lộc » là ước được có « lộc », làm quan hưởng bổng-lộc của Triều-đình. Tranh vẽ ông quan mặt đỏ, râu ba chòm đen, mặc áo xanh, tay cầm cái « hốt » là tượng-trưng chữ « Lộc », bởi màu xanh, chữ Hán là « lục » giọng tương-tợ với tiếng « Lộc », và cầm cái « hốt » ngụ ý là làm quan.

Muốn hưởng lộc triều-đình, phải làm quan, được làm quan phải thi đậu. Chúc thi đậu thì có bức tranh vẽ con cá chép vượt khỏi mặt nước, trước cái cửa thành đề « Long môn ». Ấy là câu « Lý ngư khiêu long môn » ; cá chép vượt vũ môn tam cấp, là ngụ ý là qua lọt qua kỳ thi : thi hương, thi hội, thi đình.

Tranh nhiều người định bẻ cành cây quế cũng ngụ-ý chúc thi đậu.

Làm quan thì ai cũng muốn được mau thăng quan, tấn tước, vì vậy mà hình vẽ một « bông sen » với cái « sanh » ngụ ý được « liên thăng » là « lên chức hoài hoài » bởi bông sen tiếng Hán là « liên » đồng âm với tiếng « liên » là « liền, luôn luôn » ; cái sanh thì đồng âm với tiếng « thăng » là « lên » mà giọng Tàu phát-âm là seng.

Một tranh khác thì vẽ « một con cò giữa đám sen ».

Đám nhiều bông sen ngụ ý sen sanh nhiều là « liên sanh ». Con cò tiếng Hán là « lộ », đồng âm với tiếng « lộ » là « đường đi », « đường làm quan » (hoạn lộ). Hiệp lại thành câu chúc : « nhứt lộ liên thăng ».

Được lên chức hoài, hoặc được « lên ba bực », ấy là sự ước muốn của các quan-lại. Nên bức tranh vẽ hình cái « bình » có cắm ba cây « kích » tượng-trưng câu « bình thăng tam cấp » ; kích với cấp giọng Bắc-Kinh đều phát-âm là kie.

Làm quan, thuở xưa thì ước lên chức thật cao như Thái sư, Thiếu sư : thái sư dạy vua, thiếu sư dạy thái-tử. Tranh vẽ một sư-tử mẹ (thái sư) với một sư-tử con (thiếu sư) để tượng-trưng ý ấy : tiếng « sư » là « thầy » đồng-âm với tiếng « sư » là con sư-tử.

c/ Chúc thọ.-

Những mong được phước, được giàu, được sang, đông con nhiều cháu hiển đạt với đời, nếu thêm được thật thọ nữa thì mới là hoàn toàn như nguyện. Sống lâu, được tám chín mươi tuổi chưa vừa, còn muốn « trường thọ », thọ cho đến chết rồi, tẩn trong hòm mà cũng kêu là cái « thọ » : thọ như quy hạc, « thọ đẳng quy hạc » ; thọ như hạc tùng, « tùng hạc trường xuân ». Ngoài nhưng bức tranh vẽ trái đào, con bướm, con mèo, nấm « chi », bông thủy-tiên, cây tùng, ông già sói trán như đã nói trên, còn có bức vẽ ông già tay chống gậy, tay cầm trái đào, đứng gần con hạc đậu trên cây tùng để tượng-trưng sự chúc « thọ ».

Bức tranh vẽ ba ông tiên, một ông thật già, trán sói, đứng giữa tượng-trưng chữ « thọ », hai ông trẻ đứng hai bên : một ông bận áo xanh tay cầm cái hốt tượng-trưng chữ « lộc », một ông bận áo đỏ tay cầm cái như-ý tượng-trưng chữ « phúc », vì màu đỏ là màu tốt. Tranh ấy ngụ-ý câu « Phúc, lộc, thọ, tam tiên ». « Phúc, Lộc, Thọ, toàn » còn tượng-trưng bằng hình vẽ ông già sói trán tay cầm như-ý, đứng bên con nai với cây tùng. « Bát tiên thượng thọ » thì vẽ tám ông tiên cỡi nai tay cầm trái đào, đã « bất tử » như tiên mà còn thêm « thượng thọ » (trăm tuổi) thì thật là trường thọ.




Những lời cầu chúc đã được như ý, nếu sống trong cảnh thái-bình thạnh-vượng thì thật hoàn-toàn hạnh phúc.

Nên bức tranh một đứa trẻ, đi rong chơi, tay cầm lồng đèn, trên ấy vẽ cái « bình », cắm ba cây « kích », cột chung với cái « sanh » và « vòng thạch » bằng một sợi dây có kết tụi biểu-diễn câu chúc « khánh lạc thăng bình » (nước được thái-bình, dân an cư lạc nghiệp) : cái vòng thạch tượng-trưng chữ « khánh » là chúc ; sợi dây cột, tiếng Hán là « lạc » đồng âm với tiếng « lạc » (là vui mừng) ; cái sanh, cái bình thì đồng-âm với tiếng « thăng » và tiếng « bình », thăng bình là « thái bình ».

Tóm lại, mấy lời chúc tụng và lối biểu-diễn lời chúc tụng của người Trung-Hoa chứng tỏ họ có một quan niệm thật tế về nhơn sinh : giàu sang, sung-sướng, đông con, sống lâu để tận hưởng trọn đời mình.

Sau, lâu đời, chế-độ xã-hội đổi thay, mấy câu chúc ấy lại trở thành sáo ngữ, huyền hão, viển-vông.

Tuy biết viển vông hão huyền, nhưng ở đời ai cũng mong được sự tốt, lành, để nuôi hy vọng. Vậy nhơn dịp Tết đến, chúng ta cũng nên mượn câu « khánh lạc thăng bình » để chúc nước nhà mau thấy cảnh thái-bình thạnh trị.


NGỌC-TOÀN
(Phỏng theo tài-liệu của Éd. Chavannes:
De l'expression des vœux dans l'art populaire chinois)
Khoa-học phổ-thông 62, 1.2.1953)
Attached Images
File Type: jpg caisanh.jpg (4.9 KB, 4 lượt xem)
File Type: jpg condoi.jpg (39.4 KB, 2 lượt xem)
File Type: jpg khanh.jpg (11.9 KB, 2 lượt xem)
File Type: jpg kich.jpg (2.9 KB, 2 lượt xem)
File Type: jpg nhuy.jpg (3.3 KB, 2 lượt xem)

Nguon: http://covattinhhoa.com/diendan/showthread.php?t=353


Âm lịch

Ảnh đẹp