15/03/2011 18:01 (GMT+7)
Số lượt xem: 2378
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Giác Ngộ - Tôi viết bài này khi nhận được lịch biếu của Báo Giác Ngộ, có hình ảnh các tượng Phật mỹ thuật ở nhiều chùa khác nhau. Hình ảnh các tượng Phật đều rất đẹp, đẹp đến nao lòng.


Muốn xem những tượng Phật như vậy trong không gian thực tế (3 chiều, tại nơi an vị thay vì xem trên ảnh giấy), chúng ta phải đến nhiều ngôi chùa khác nhau, ngoài Bắc, trong Nam…

cuupham.jpg

"Lạc viên Cửu Phẩm" - Đại Tòng Lâm (BRVT)

Chúng tôi có ý tưởng là nên chăng, ở những ngôi chùa có vườn rộng, có thể tạo tác bản sao các pho tượng Phật, Bồ tát có giá trị mỹ thuật cao theo đúng kích thước nguyên bản, hoặc thu nhỏ theo tỷ lệ nhất định và đồng nhất, tôn trí trong vườn chùa, để khách thập phương vừa có dịp chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo giá trị, vừa có thể cung kính lễ bái đồng thời tăng thêm vẻ đẹp của vườn chùa, biến vườn chùa thành một vườn trưng bày tác phẩm nghệ thuật, nâng cao giá trị ngôi vườn chùa.

Vườn tượng là một hình thức không gian mỹ thuật hài hòa với vẻ đẹp thiên nhiên, đã có truyền thống lâu đời.

Vườn tượng có rất nhiều dạng. Có khi trưng bày tác phẩm điêu khắc nói chung. Có khi chỉ trưng bày tượng bán thân theo chuyên đề. Có khi trưng bày tượng của riêng một tác giả…

Vườn tượng Phật giáo đã có ở nhiều nước Đông Nam Á, Phật giáo Nam tông…

Một số chùa ở Việt Nam cũng dựng các tượng Phật trong chùa, như tượng Phật Di Đà, tượng Bồ tát Quán Thế Âm…, nhưng là tượng lớn, và chỉ có ít tượng, nên chưa thành vườn tượng Phật.

Chúng tôi hướng tới một mô hình vườn tượng phong phú nhiều pho tượng, rộng đẹp, có tính mỹ thuật cao, trang nghiêm, thiêng liêng, vừa có tính chất cơ sở thờ tự ngoài trời đồng thời có tính chất một bộ sưu tập tượng Phật sao chép những tượng Phật có giá trị nhất trong nước và trên thế giới, hình thành những trung tâm điểm hành hương chiêm bái.

Trước hết cần có một khu vườn rộng, đẹp, nhiều kỳ hoa dị thảo.

Phải có một bản thiết kế do họa sĩ thực hiện, chi tiết hóa tượng nào, kích thước ra sao, đặt ở đâu.

Vườn tượng Phật khác ở cách tôn trí thờ phượng tượng Phật trong vườn chùa từ trước đến nay là chú trọng đến sự đa dạng mỹ thuật. Thí dụ sẽ có rất nhiều tượng Bổn sư khác nhau, mô phỏng nhiều nguyên bản khác nhau.

Trước các bức tượng có bàn thờ nhỏ, có sân gạch là chỗ lễ lạy.

Quanh tượng có lối đi vòng để đi nhiễu Phật theo truyền thống Phật giáo.

Có bảng đá chú thích rõ xuất xứ tượng Phật, dựa theo nguyên bản ở chùa nào, nước nào, niên đại nguyên bản, bản tượng sao chép do họa sĩ nào thực hiện, kích thước y hệt hoặc rút gọn theo tỷ lệ ra sao, chất liệu của bản sao chép, ảnh chụp nguyên bản…

Bên cạnh đó, có thể là thông tin về hành trạng vị Phật, Bồ tát hay Thánh tăng được tạc tượng.

Tượng được đặt xen kẽ với tiểu cảnh hay thành hàng ngang (như vườn tượng các danh nhân ở Quy Nhơn).

Không chỉ là tượng, mà trong vườn tượng có thể là phù điêu hình Phật, chư Bồ tát và Thánh tăng đắp nổi.

Cả khu vườn tượng Phật là một công trình mỹ thuật tâm linh, là một dạng "điện thờ trong vườn, vườn trong điện thờ", không phải chỉ là việc đặt ảnh tượng chư Phật, Bồ tát với bát nhang, như có ý kiến từng hiểu lầm.

Vườn tượng nên được thiết kế để thiện tín đi theo một lộ trình nhất định, hợp lý, trước tiên là tượng Thánh tăng, La hán, sau đó đến tượng Bồ tát, sau nữa đến tượng chư Phật và cuối cùng là tượng Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Đó là một lộ trình vừa thiền hành, vừa đến chân tượng là lễ bái, là một lộ trình có tính chất tu tập.

Hay hơn nữa là vườn tượng xây dựng trên triền đồi, triền núi. Vườn tượng có thể được thiết kế tốt hơn theo xu hướng mở, tức là có thể mở rộng diện tích, bổ sung liên tục bộ sưu tập tượng Phật quý sao chép.

Cũng có thể nghĩ đến việc hoàn thiện những thắng tích đã có như Thích Ca Phật Đài, Đại Tòng Lâm… thành vườn tượng, cũng như đề xuất các khu dịch vụ du lịch xây dựng vườn tượng Phật. l

Hồ Phước Vinh

Nguon: http://giacngo.vn/vanhoa/phatgiao/2011/03/15/767409/


Âm lịch

Ảnh đẹp