17/11/2010 21:12 (GMT+7)
Số lượt xem: 11109
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Niên khóa 1973 – 1974, Đại học Khoa học Huế mở một số tín chỉ gọi là “Tín chỉ nhiệm ý Thẩm mỹ học về Âm nhạc, Kịch nghệ”. Trịnh Công Sơn dạy về âm nhạc, tôi dạy về kịch nghệ (Về việc này, Ông Tạ Quang Sum, hiện nay cộng tác tại trường Trung học phổ thông - bán công Trần Hưng Đạo, Cam Ranh, Khánh Hòa, có viết lại trong một bài viết hai trang nhan đề là Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dạy đại học ở Huế và chính ông từng là sinh viên theo học lớp ấy).

Cũng trong niên khóa này, Trịnh Công Sơn và tôi cùng đi dạy ở Đại học Cộng đồng Duyên Hải Nha Trang, cũng với nội dung chương trình như ở Huế, có Đinh Cường dạy cùng.

Gia đình Trịnh Công Sơn rời ngôn nhà ở tạm trên đường Công Lý (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) về 47C Duy Tân (nay là đường Phạm Ngọc Thạch) và anh sẽ ở đây cho đến khi qua đời.

1974. Trịnh Công Sơn viết bài văn bản:

Thư gửi cho người đang ở trong tù hay đã bị thủ tiêu? (Thư gửi Ngô Kha, dài 7 trang viết tay, bản nháp với nhiều bôi xóa, trên giấy 20x32)
TUYÊN CÁO về việc bắt giữ giáo sư Ngô Kha cuối năm 1972. Tuyên cáo mở đầu như sau: “Nhân danh tình thân hữu và đồng nghiệp của giáo sư thi sĩ Ngô Kha, chúng tôi, một nhóm anh em văn nghệ sĩ cùng nhà giáo của thành phố Huế, trân trọng gửi đến đồng bào toàn quốc tuyên cáo sau đây...” Tuyên cáo gồm 4 điểm nhằm phản đối việc giam giữ nhà thơ Ngô Kha.

1975. Giải phóng thành phố, rồi cả miền Nam.

Trịnh Công Sơn ở Sài Gòn.

Thư Sài Gòn 18.5.1975 Trịnh Công Sơn gửi Bửu Ý: “Mình cũng đang dự định về Huế sinh hoạt cùng anh em. Đợi ít lâu nữa xem nếu hoàn toàn không có gì để sinh hoạt tại Sài Gòn thì mình sẽ dứt khoát về Huế”.

Trịnh Công Sơn ở Huế, tại ngôi nhà cũ đường Nguyễn Trường Tộ. Tại đây, Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường và tôi gặp Nguyễn Tuân và Nguyễn Đình Thi.

1976 – 1978. Những bài hát mới sáng tác của Trịnh Công Sơn: Con Đường Mùa Xuân, Trả Lại Đời Quê Hương, Mười Năm Cây Lớn Quanh Đây, Như Hòn Bi Xanh, Gánh Rau Về Chợ.

Nhóm “Ca Khúc Chính Trị” ra mắt thể nghiệm lần đầu vào cuối năm 1978. Hội Trí thức yêu nước có hội trường ở 43 Nguyễn Thông, Sài Gòn.

1979. Trịnh Công Sơn từ giã Huế. Căn hộ của Trịnh Công Sơn nay là chỗ của Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ.

Vào TP.HCM, Trịnh Công Sơn chơi thân với giới văn nghệ sĩ đây: Nguyễn Quang Sáng, Sâm Thương…

Một số bạn Huế đã vào hẳn Sài Gòn; Đinh Cường, Tôn Thất Văn.

1980. Thư Thành phố Hồ Chí Minh 10.3.1980 Trịnh Công Sơn gửi Bửu Ý: “Tết đã qua đi khá rộn ràng ở trong này và với gia đình mình là một cái Tết vui vì không còn nặng lòng về một vấn đề gì nữa”.

Bạn Lữ Quỳnh vào hẳn Thành phố Hồ Chí Minh, giống như Trịnh Công Sơn và Đinh Cường.

Sơn viết những bài mới:

Chiều Trên Quê Hương Tôi.
Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên.

Thư Thành phố Hồ Chí Minh 27.11.1980 Trịnh Công Sơn gửi Bửu Ý thúc giục tôi rời Huế: “Nếu chỉ để có một chỗ đứng tốt và thuận lợi thì Đại học Huế đã đủ nhưng để sống, và có cảm giác tối thiểu về sự tham dự của mình trong cuộc sống, thì phải là Sài Gòn”.

1981. Thư Thành Phố Hồ Chí Minh 24.2.1981 Trịnh Công Sơn gửi Bửu Ý nói về chuyện lấy vợ: “Ông với mình hình như đã lỡ đà, và khách quan mà xét thì có một cái gì đó khá anormal đối với cuộc sống bình thường”.

1982. Trịnh Công Sơn phổ nhạc bài thơ Mẹ đi vắng của Nguyễn Quang Dũng con của Nguyễn Quang Sáng.

Trịnh Công Sơn đi thực tế ở Daklak. Cuối năm, ngày 23. 9. lại viết thư cho tôi: “Mình vừa đi một vòng miền Tây và gần biên giới Campuchia. Về viết xong nhạc cho một phim tài liệu (…) Năm nay viết cho 7 phim cả Hà Nội lẫn Sài Gòn”.

Anh viết bài: Về Giữa Đồng Hoang

1983. Trịnh Công Sơn và Đinh Cường ra Huế. Cùng đi có Phạm Trọng Cầu, Hoàng Hiệp và Trần Long Ẩn.

Đây là năm bạn bè nghĩ rằng Trịnh Công Sơn sẽ lấy vợ và người phụ nữ ấy có tên là C.N.N.

Thư Thành Phố Hồ Chí Minh 30.7.83, Trịnh Công Sơn gửi Bửu Ý: “Moi sẽ làm đám cưới trong tháng tới. Cố gắng vào thì vui hơn”.

Dự định cưới vợ (lần thứ nhất) không thành.

1984. Tôi vào Sài Gòn thăm Sơn.

Trịnh Công Sơn gặp Nguyễn Tuân ở Sài Gòn.

Thời gian này anh làm nhạc phim nhiều.

1985. Đầu năm này, tôi lấy vợ không còn “tôn thờ chủ nghĩ độc thân” nữa, vô tình để Trịnh Công Sơn độc thân “lẻ bóng”.

Trịnh Công Sơn gửi thư ngày 29.5.1985, từ Leningrad về cho tôi: “Mình ở Matxcơva một tuần, sang đây 4 ngày. Tối nay, về lại Matxcơva để chuẩn bị về lại Việt Nam. Thời tiết đẹp. Đêm trắng bắt đầu. Bửu Chỉ đang ở Matxcơva nhưng không gặp. Chúc vợ chồng ông hạnh phúc”.

Tôi gặp một sinh viên Khoa Văn, năm 3, Đại học Tổng hợp Huế, tên là Lý Bá Linh để hỏi tôi tài liệu để làm một luận văn về Trịnh Công Sơn.

1986–1988 Trịnh Công Sơn lên Đà Lạt theo lời của Tĩnh hội Phụ nữ Lâm Đồng và viết Tình Khúc Ơ–bai.

Trịnh Công Sơn quen với cô bạn người Nhật tên là Yoshii Michiko. Cô này bỏ ra 4 năm học tiếng Việt để hiểu ca từ của Trịnh Công Sơn. Luận án của cô về Trịnh Công Sơn sau này đạt điểm 17/20 là điểm cao nhất trước nay ở Đại học Paris 7.

Một người bạn thân vong niên qua đời: Nguyễn Tuân (1987). Chương trình Nhạc tiền chiến lần đầu tiên được tổ chức sau ngày giải phóng ở Huế, tại trường Hai Bà Trưng, đêm Noel 1987, với thích giả hạn chế.

Năm 1988, Đại hội Văn nghệ thành phố Huế lần thứ nhất có sự tham dự của Trịnh Công Sơn, Hoàng Hiệp.

Trịnh Công Sơn triển lãm tranh chung với Đinh Cường, Tôn Thất Văn tại nhà mình 47C Phạm Ngọc Thạch Thành phố Hồ Chí Minh.

1989. Đầu năm khai mạc phòng tranh Đinh Cường, Đỗ Quang Em, Trịnh Công Sơn tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trịnh Công Sơn đặt chân lên Paris và trình diễn ở Nhà Việt Nam. Có Nguyễn Quang Sáng, Thanh Hải, Michiko, tôi.

1990. Trịnh Công Sơn ghé Huế một ngày để quay phim với đoàn làm phim của BBC.

Anh làm quen với á hậu báo Tiền Phong tên là V.A.

Tôi viết bài “Thay lời tựa” cho tuyển tập ca khúc Trịnh Công Sơn.

Trịnh Công Sơn triển lãm tranh.

Anh lại thúc giục tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh làm báo. Trong thư TP. HCM 1980 anh viết cho tôi: “Phòng tranh khá thành công (...) Phòng tranh được tất cả các báo nhắc đến và được xem là phòng tranh đẹp nhất từ sau 1975 (...) Trong này Nguyễn Quang Sáng đang xin chuyển tờ Tác Phẩm Mới thành một tờ văn học. Nếu được, mình có đề nghị ông làm thư ký tòa soạn hoặc phó tổng biên tập gì đó để có một việc làm phù hợp với khuynh hướng văn học trong ông...”

1991. Ngày 21.1, Trịnh Công Sơn từ thành phố Hồ Chí Minh viết thư cho tôi, nhắc lại chuyện làm báo: “Anh em chuẩn bị làm một tờ tạp chí văn học lấy tên là NGƯỠNG CỬA. Nguyễn Quang Sáng ra họp hội nhà văn ở Hà Nội. Và được ban chấp hành hội đồng ý làm tờ phụ trương của Tác Phẩm Mới ở Sài Gòn. Đã được sự nhất trí ở ngoài kia để ông làm thư ký tòa như moa yêu cầu. Nguyễn Quang Sáng chủ bút. Ban biên tập gồm Trịnh Công Sơn, Sơn Nam, Nguyễn Duy. Quanh tòa soạn là Sâm Thương, Lữ Quỳnh, Trịnh Cung,...”

Chương trình vạch ra trên đây cũng không thành.

Trên đài phát thanh nước ngoài. Phạm Duy nói chuyện về Nửa thế kỷ âm nhạc. Khi nói về nhạc tình, ông cho rằng Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ nổi bậc nhất trong những năm 60.

Nhà thơ Vũ Ngọc Trác qua đời ở Vỹ Dạ, Huế.

Mẹ của Trịnh Công Sơn mất, một vết thương tâm linh của anh sẽ không bao giờ lành hẳn.

1992. Đường xa vạm dặm, ca khúc tưởng niệm mẹ.

Thư Thành phố Hồ Chí Minh 2.1.1992 Trịnh Công Sơn gửi cho Bửu Ý: “Rất cám ơn hai bài hát đã dịch. Nếu có thì giờ chọn thêm cho mình vài bài nữa thì rất hay. Mình sẽ nhờ ca sĩ hát thử”. (Trước đây tôi có dịch một số bài hát của Trịnh Công Sơn đăng lên báo Le Monde. Nay tôi dịch thử hai bài Ru Ta Ngậm Ngùi và Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ theo cách có thể hát trực tiếp bằng tiếng Pháp).

Trịnh Công Sơn đi Canada.

1993. Trịnh Công Sơn kết thân với Hồng Nhung.

Hồng Nhung hát bài Vẫn Mãi Tìm Nhau được đưa vào cuốn phim của Trần Phương.

Dao Ánh, em gái của Diễm Xưa từ Hoa Kỳ về Sài Gòn nguồn cảm hứng mới cho bài Xin Trả Nợ Người sẽ do Cẩm Vân hát.

Ca khúc Ngủ Đi Con được tổ chức Nhật tuyển chọn hát tưởng niệm hai thành phố Nagasaki và Hiroshima bị bom nguyên tử trong Thế chiến 2 do ca sĩ Takaishi hát.

Bài Huyền Thoại Mẹ được các tổ chức phụ nữ trân trọng.

Cuối năm, Trịnh Công Sơn ra Huế.

1994. Em gái của Trịnh Công Sơn là Trịnh Vĩnh Trinh hát và phát hành băng video Ru Tình.

Ký giả Jean – Claude Pomonti của báo Le Monde viết bài về Trịnh Công Sơn và đưa ảnh Hồng Nhung lên báo.

Patrick Sabatier, trên báo Libération, viết bài Kẻ du ca bất khuất của Việt Nam.

1995. Trên báo Le Monde ra ngày 2.3.1995, Jean – Claude Pomonti lại viết bài: Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ ngợi ca niềm yêu đời ở Việt Nam.

Năm này, anh ra Huế hai lần. Cố đô tổ chức hai đêm “Trịnh Công Sơn – Những bài ca không năm tháng”. Trịnh Công Sơn được tiếp đón niềm nở: biểu ngữ tại phi trường, biểu ngữ tại khách sạn.

Một người vong niên thân thiết thứ hai qua đời: nhạc sĩ Văn Cao.

1996. Trịnh Công Sơn lại ra Huế tham gia làm giám khảo cuộc thi “Duyên dáng cố đô”.

1997. Thi sĩi Định Giang báo tin cho tôi biết Trịnh Công Sơn yếu lắm, được đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy, hàng ngày có bốn, năm bác sĩ theo dõi, và người nhà đã đánh điện gọi các em ở Canada về.

1998. Trịnh Công Sơn “thoát hiểm” đi Singapore.

Tháng ba, anh ra Huế dự khai trương khách sạn Morin, thực hiện băng video “Ca Huế trên sông Hương”, bày tỏ ước muốn xây dựng “Nhà nguyện tình yêu”.

Cô Kim Anh, một việt kiều ở Tiệp Khắc về, nghiên cứu lời ca của Trịnh Công Sơn.

Lại một nhạc sĩ bạn thân từ giã cõi đời: Phạm Trọng Cầu.

Bài hát Đêm thấy ta là thác đổ của Trịnh Công Sơn do tôi dịch ra lời Pháp, đăng ở tờ tin tức Bulletin de Liaison số tháng 7.1998.

Trịnh Công Sơn cho ra mắt các ca khúc:

Có Duyên Không Nợ
Tiến Thoát Lưỡng Nam

Bùi Giáng, nhà thơ anh em tình nghĩa qua đời! Trịnh Công Sơn ghi vào sổ tang những lời cười cợt nhân sinh;

Bùi Giáng Bàng Dúi Búi Giàng
Ô hay trăm ngõ bàng hoàng lỗ không
Lỗ không trời đất ngỡ ngàng
Hóa ra thi thể là ngàn hư vô
... Nhớ thương vô cùng là từ
Là từ vô hạn ứ ừ viển vông.

Gần cuối năm, ông Nguyễn Thế Hữu, vừa thôi giữ chức Giám đốc Đại học Huế, nhắc lại với tôi một câu của ông Nguyễn Văn Hạnh viết trên một tờ báo nào đó: “Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ số một của thế kỷ”.

1999. Đến lượt Thái Bá Vân, người bạn kết thân kể từ khi anh từ Hà nội và dạy Đại học Nghệ thuật Huế từng đợt từ năm 1978–1981, từ giã chúng tôi.

Khánh Ly từ Hoa Kỳ về Việt Nam thăm Trịnh Công Sơn.

Ca khúc mới:

Đi Mãi Trên Đường
Thiên Sứ Bâng Khuâng (phổ nhạc một bài thơ của Trịnh Cung)

2000. Ca khúc Đồng Dao 2000.

“Festival Huế 2000” là một sự kiện văn hóa của cả nước. Trịnh Công Sơn về tham dự cùng các bạn Sâm Thương, Phạm Phú Ngọc Trai.

Trở về Sài Gòn, Trịnh Công Sơn được đưa vào bệnh viện.

Xuất viện anh tham gia triển lãm tranh với hai bạn Đinh Cường và Bửu Chỉ.

Ca khúc mới: Muôn Trùng Biển Ơi.

Cuối năm, một người bạn thân ở Huế qua đời: thi sĩ Định Giang.

2001. Sự mất mát cuối năm ngoái làm anh mất tinh thần. Tuy nhiên đầu năm có một cuộc điện đàm ngắn giữa Trịnh Công Sơn ở Sài Gòn và Bửu Ý ở Huế:

TCS: Sơn đây. Chúc năm mới.

BY: Chúc sức khỏe. Giọng của ông khá tốt.

TCS: Sáng sớm giọng có khác. Lâu nay moa liên tục súc miệng nên giọng có đỡ. Nếu tình hình như thế này thì bác sĩ nói không còn cần cắt polype trong họng nữa.

BY: Sức khỏe của ông coi bộ có khá lên đó. Này Sơn, ông khởi sự viết hồi ký chưa?

TCS: Cũng định viết, nhưng lối này bác sĩ không cho mình làm việc. Mới đây, vì tiểu đường mình bị hiện tượng não khô, gây ra bệnh quên và không nhận ra người quen.

BY: Dần dần khỏe nên viết hồi ký đi. Hay là thuê người, mình đọc họ ghi lại.

TCS: Ờ. Đầu năm thăm hỏi vậy thôi.
(Bửu Ý, Nhật Ký XV, trang 34)

Tình hình “giọng khá” ấy chỉ được mấy hôm.

Tết Tân Tỵ, anh bị thần kinh tọa khá nặng và nhập viện từ trước Tết.

28.2.2001. Sinh nhật cuối cùng của Trịnh Công Sơn. Anh ngồi xe lăn, chân trái khỏe, chân phải yếu và bị mẻ xương.

Tháng 3, Trịnh Công Sơn gặp bác sĩ Bernard Neuhaus, chuyên gia chỉnh hình người Thụy Sĩ, ngược với các bác sĩ Việt Nam can ngăn anh tập đi. Bác sĩ này ra Huế gặp tôi nhắc lại trường hợp Trịnh Công Sơn không nên tập đi nhưng vẫn phải di động, tốt nhất là cử động trong bể tắm.

Giữa tháng 3, mấy anh em của Trịnh Công Sơn Huế. Tôi bảo phải làm gấp bể tắm trong vườn nhà.

Ngày cuối cùng của tháng 3, Nguyễn Đắc Xuân ghé tôi lúc sập tối và bảo tình trạng sức khỏe của Trịnh Công Sơn xấu lắm rồi.

1.4.2001. Trịnh Công Sơn mất.


Âm lịch

Ảnh đẹp