17/11/2010 21:12 (GMT+7)
Số lượt xem: 11301
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trích (từ trang 15 đến 40)

III. Ngày tháng trôi qua
(Những dấu mốc, một đời người)

Những dòng tiểu sử Trịnh Công Sơn, nhiều bài báo và tuyển tập đã ghi lại. Có thêm những bài sửa sai, cải chính. Còn có nhiều tác giả viết kỹ từng giai đoạn, trong số đó có Nguyễn Đắc Xuân, Đặng Tiến, Nguyễn Thanh Ty.

Tôi chỉ mong bổ sung một số nét hoặc nhấn mạnh vài điểm thôi.


28.2.1939 Trịnh Công Sơn chào đời tại Buôn Ma Thuột, tỉnh Daklak.

Hai năm trước, bố mẹ anh lên đây lập nghiệp. Năm sau, sinh con trai đầu lòng, không nuôi được. Năm tiếp theo, Trịnh Công Sơn chào đời, xem như con trưởng.

1943. Gia đình về lại Huế, ở vùng Bến Ngự. Đây là một vùng đất xanh tươi, nhờ một con sông đào chảy qua các nơi có những cái tên đã đi vào thơ, nhạc: Nam Dao, Bến Ngự, An Cựu. Ngoài ra, còn là nơi có nhiều chùa chiền. Tiếng chuông và lời kinh thấm dần vào lòng anh từ rất sớm.

Tại đây, Trịnh Công Sơn lớn lên, học các lớp tiểu học ở trường Trần Quốc Toản với Hoàng Phủ Ngọc Tường và ở trường Nam Dao với Lê Gia Phàm. Hai người bạn học này, và là bạn thân xưa nay của Trịnh Công Sơn, hiện đang ở Huế. Lê Gia Phàm là nhạc sĩ, thích hát những bài của bạn mình. Hoàng Phủ Ngọc Tường, một tên tuổi thơ văn nổi tiếng của cả nước, tính cho đến nay người viết nhiều hơn cả về Trịnh Công Sơn.

Tại ngôi nhà Bến Ngự, ngày nay gia tộc có dựng bàn thờ Trịnh Công Sơn.

Năm 1949–1950. Thân sinh của Trịnh Công Sơn hoạt động cách mạng bí mật và bị tù tội nhiều lần. Anh có viết: “...Tại Huế, mẹ tôi và tôi thay nhau đi thăm nuôi và năm 1949 tôi được vào nhà lao Thừa Phủ ở cùng ba tôi một năm trước khi cả gia đình cùng kéo nhau vào Sài Gòn”.

Được tự do, thân sinh của Trịnh Công Sơn vào Sài Gòn.

Trịnh Công Sơn thi tiểu học.

1951–1956. Gia đình vào ra Sài Gòn - Huế.

Tại Huế, gia đình ở đường Hàng Bè (Huỳnh Thúc Kháng) rồi ra đường Gia Long (Phan Đăng Lưu).

Lên trung học, Trịnh Công Sơn học toàn trường Pháp: ở Huế là trường Lycée Francais (bạn cùng lớp là Nguyễn Trần Kiềm, Lê Quang Phùng, Trần Văn Thọ, Bùi Văn Diệm, Kim Tước sau này là ca sĩ, rồi đổi sang trường Providence (trường có tên Việt là Thiên Hựu, ở đây bạn cùng lớp là Bửu Văn, anh của hoạ sĩ Bửu Chỉ), chỉ học 2 năm tại trường này.

Tháng 6 năm 1955, thân sinh của Trịnh Công Sơn bị tai nạn xe, qua đời. Trịnh Công Sơn quy y ở chùa Phổ Quang, pháp danh Nguyên Thọ.

Năm 1957, Trịnh Công Sơn chơi nhiều môn thể thao (chạy, tạ, judo,...). Nhưng chính năm này, tập luyện với em, anh bị thương khá nặng và phải dưỡng thương gần hai năm tại Huế. Không ngờ thời gian nằm bệnh này khiến anh có nhiều thì giờ rảnh rỗi, mơ mộng, xem chiếu bóng, nhìn ngắm thiên nhiên.

Đây là thời vàng son của một số tên tuổi điện ảnh lừng danh, đa số là của Hollywood: Clark Gable, Robert Taylor, James Dean, Montgomery Clift, Marilyn Monroe, Janet Leigh, Ava Gardner, Kim Novak... với những cuốn phim đã trở thành cổ điển: Cuốn theo chiều gió, Phía đông vườn địa đàng, Điệu vũ trong bóng mờ...

Nổi bật hơn hết là tài tử James Dean như một hình tượng thanh niên mới mẻ, độc đáo, một thanh niên lầm lì, không quan tâm đến một cái gì rõ rệt, luôn luôn xung động, khó sống với người xung quanh và xã hội.

Đây cũng là một hiện thân của chủ nghĩ hiện sinh phương Tây, chưa phải là một loại hiện sinh phá phách, đánh đổ, chỉ mới là loại hiện sinh thụ động, chán chường, đứng bên lề xã hội.

“Xi nê” là món giải trí hấp dẫn nhất, và gần như độc nhất (nếu không kể cà phê) đối với thanh niên Huế lúc bấy giờ.

Trịnh Công Sơn đàn ghi-ta và bắt đầu sáng tác.

Những bài đầu tiên mang tên Sương Đêm và Chơi Vơi đều chưa ấn hành.

Hè năm này tôi tình cờ gặp Trịnh Công Sơn lần đầu. Lúc bấy giờ tôi đến chơi ở nhà một người bà con ở đường Gia Long. Mấy cô em vui hát với nhau. Nửa chừng có một thanh niên từ nhà sát cạnh nhảy sang từ bao lơn và xin hát cho vui. Người ấy là Trịnh Công Sơn. Hai nhà láng giềng có quen biết nhau. Đó là lần đầu tiên Trịnh Công Sơn và tôi gặp nhau, rất tình cờ, thoáng chốc, ngoài sự giới thiệu, không giữ ấn tượng sâu đậm nào về nhau.

Đại học Huế được thành lập. Huế trở thành “thành phố Đại học”. Thuận tiện cho bản thân tôi và cũng là sự hân hoan của gia đình, vì tôi phải khỏi phải vào Sài Gòn học.

Lứa sinh viên trạc tuổi tôi trở thành lớp sinh viên đầu tiên của thành phố, được dân chúng biệt nhãn phần nào, thấy con đường tương lai rộng mở trước mắt, lòng đầy nhiệt huyết, sẵn sàng đi đầu trong những sinh hoạt xã hội.

Giới giáo sư đại học hồi ấy có hai người đặc biệt gây nhiều ấn tượng và ảnh hưởng đối với sinh viên, đó là ông Nguyễn Văn Trung và ông Lê Tuyên. Ông Trung có công rất lớn: du nhập triết học phương Tây hiện đại, chuyển dịch và sử dụng tiếng Việt tài hoa, dù ông ở Bỉ về. Ông diễn thuyết, chủ trương tạp chí Đại học mà ông là cây bút nòng cốt, giới thiệu những sự kiện văn học và tư tưởng của phương Tây và trong nước. Ông Lê Tuyên phụ trách văn học Việt Nam, có những chương trình nghiên cứu tổng hợp dựa trên phương pháp phân tích, có đi sâu tỉ mỉ, bao quát từ cổ văn như Chinh phụ ngâm đến Tự lực văn đoàn, sử dụng một lối hành văn và từ vựng tân kỳ, độc đáo (tác giả của tiểu thuyết Những ngày hoang dại) gây ảnh hưởng đáng kể cho một thế hệ thanh niên ở Huế, trong đó có nhà thơ Ngô Kha.

Năm 1957 này tôi vừa học ở lớp Dự bị Đại học Văn khoa vừa dạy ở trường Quốc Học, Hoàng Phủ Ngọc Tường dạy ở trường Đồng Khánh (tức là Hai Bà Trưng bây giờ).

Đúng lúc này, tác giả Pháp được giới văn nghệ, học sinh, sinh viên ưa chuộng hơn cả là Albert Camus vừa đang quang với giải Nobel văn chương. Người ta càng nô nức tìm đọc và bàn tán về các tác phẩm của nhà văn này như Kẻ xa lạ, Sa đọa, Huyền thoại Sisyphe.
Ở miền Nam nổi bật lên một tạp chí văn học giá trị là Sáng tạo quy tụ nhiều ngòi bút thơ văn, biên khảo, phê bình có uy tín như Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Nguyên Sa, Tô Thùy Yên, Nguyễn Nghiệp Nhượng... Sự đóng góp của nhóm này có thể sánh với Tự lực văn đoàn ở giai đoạn trước.

1958. Trịnh Công Sơn thi đậu Tú tài bán phần ở Đà Nẵng.

Tiếp theo, anh vào Sài Gòn học tiếp ở trường Chasseloup Laubat.
Năm này anh cho ấn hành ca khúc Ướt Mi (nhà xuất bản An Phú) – Hà Thanh hát.

Vào Sài Gòn, anh dần dần làm quen với không khí văn nghệ ở đây, vào phòng trà nghe hát và khiêu vũ. Đối với cậu học sinh từ Huế vào, các cô “ca-ve” (vũ nữ) hiện ra trong ánh đèn mờ tăng thêm hấp lực. Anh làm quen với cô Thúy “Tàu lai”, có cảm tình với cô. Đồng thời anh chú ý đến một ca sĩ xanh xao từ một cõi xa xôi vọng về: đó là cô Thanh Thúy, xuất hiện về đêm ở phòng trà Văn Cảnh, để rồi khuya về đi về “ngõ tối” ở đường Cao Thắng. Thanh Thúy bằng chất giọng riêng của mình, đã đưa bài hát Ướt mi vào lòng người.

Trịnh Công Sơn bắt đầu quen biết với Nguyễn Văn Liễu từ Nha Trang ra Huế học trường Cao đẳng Mỹ thuật thuộc Viện Đại học Huế. Anh này làm thơ ký tên Thương Nguyệt và vẽ ký tên Trịnh Cung. Và bài thơ Cuối cùng cho một tình yêu của anh được Trịnh Công Sơn phổ nhạc. Đây là một bài thơ siêu thực với tứ thơ mới mẻ, từ ngữ táo bạo lúc bấy giờ (“hai bàn tay đói”, “một linh hồn rỗi...).

1959. Trịnh Công Sơn đi đi về về Sài Gòn và Huế.

Bài ca Thương Một Người ra đời, thấm đậm hình ảnh Thanh Thúy.

Ở Huế, thời gian này Trịnh Công Sơn lại rung động theo hình ảnh một thiếu nữ mảnh mai, N.T.B.D. Hình ảnh này sẽ vương lại trong trí óc anh có lẻ lâu dài hơn cả, như một vết thương không bao giờ lành hẳn.

Năm này, Đinh Cường từ Sài Gòn ra Huế học Cao đẳng Mỹ thuật và sẽ là người bạn thân của Trịnh Công Sơn.

1960. Ca khúc Hoa buồn thành hình nhưng không được Trịnh Công Sơn công bố.

Tin nhà văn Pháp nổi tiếng mấy năm gần đây là Albert Camus qua đời vì tai nạn gây xúc động trong giới văn nghệ tại miền Nam.

Một ca khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn ra đời: Diễm xưa, một ca khúc đánh dấu đặc biệt trong đời anh và sẽ có hậu vận bền lâu.

1961. Năm của ca khúc Tuổi Đá Buồn.

Trịnh Công Sơn có cảm tình với một thiếu nữ thuộc những hoa khôi của thành phố Huế: P.T, năm này học lớp cuối trung học tại trường Quốc Học (từ trường Đồng Khánh sang).

1962. Trịnh Công Sơn thân với một giáo sư đại học ở Pháp về: Đỗ Long Vân, đồng thời thân với vài giáo sư nước ngoài: Eric Wulff (Đức), Christian Cauro (Pháp).

Ngô Kha cho ấn hành tập thơ Hoa Cô Độc, do họa sĩ Rừng (Nguyễn Tuấn Khanh) vẽ bìa.

Trịnh Công Sơn rời Huế đi Quy Nhơn theo học trường Sư phạm. Trường mới thành lập và đây là khóa “thường xuyên” đào tạo giáo sinh trong hai năm.

1963. Nhóm bạn thân thiết mỗi người một nơi: Trịnh Công Sơn ở Quy Nhơn, Ngô Kha nhập ngũ ở Thủ Đức, Hoàng Phủ Ngọc Tường ở Huế, Đinh Cường đi Dran, tôi ở Sài Gòn làm báo và dạy học. Đinh Cường thư từ thường xuyên nhất với Sơn. Và Sơn có dịp thăm tôi ở Sài Gòn, xem như gặp nhau lại và thân nhau kể từ đây. Tôi lên Bảo Lộc ở lại với Sơn mấy ngày và khi Sơn đi dạy, tôi ra ngồi ở Câu lạc bộ Bảo Lộc.

Năm này, nhiều ca khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn được sáng tác liên tiếp nhau:

Biển Nhớ
Nhìn Những Mùa Thu Đi
Nắng Thủy Tinh
Dã Tràng Ca (trường ca)
Ông Tiên Vui (đồng dao)
Ông Mặt Trời (đồng dao)

Đây cũng là năm “khổ nạn” của Huế. Chính quyền Sài Gòn tấn công vào chùa chiền khắp nơi. Nhiều sinh viên thanh niên Phật tử bị bắt và theo Thái Kim Lang lúc ấy sinh viên thuộc lòng bài Nhìn Những Mùa Thu Đi, cứ hát đi hát lại bài hát này suốt ba tháng ròng, khiến chị nghĩ đây mới thật sự là tình ca đánh dấu trong đời sống sáng tác của Trịnh Công Sơn.

1964. Ở Huế, sinh viên thanh niên tranh đấu có nơi gặp mặt riêng mệnh danh là “Tuyệt tình cốc”.

Thời gian này, Trịnh Công Sơn sáng tác các ca khúc:

Gọi Tên Bốn Mùa
Hoa Tím (chưa công bố, theo lời của Cao Hữu Điền).

Trịnh Công Sơn lên Bảo Lộc dạy học sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Quy Nhơn. (Nguyễn Thanh Ty là người bạn biết rõ giai đoạn này của Trịnh Công Sơn).

Một số ca khúc khác cũng ra đời trong giai đoạn này:

Chiều Một Mình Qua Qua Phố (bán bản quyền cho ca sĩ Duy Khánh)
Vết Lăn Trầm
Lời Buồn Thánh (trong bài này lẫn lộn hình ảnh người bạn đồng nghiệp Nguyễn Văn Ba bị tử nạn đột ngột và dáng vẻ e ấp của nữ sinh có tên là Ngà trên đường đi đến nhà thờ, theo lời của Nguyễn Thanh Ty).

Thời gian ở Bảo Lộc góp phần thai nghén một số bài trong tập Ca Khúc Da Vàng:

Gia Tài Của Mẹ
Đàn Bò Vào Thành Phố
Người Già Và Em Bé
Người Con Gái Việt Nam Da Vàng

1965. Đây là thời điểm chiến sự ở miền Nam trở nên ác liệt. Quân Mỹ đặt chân lên miền Nam.

Phong trào đấu tranh dâng cao.

Trịnh Công Sơn dấn thân rõ nét và bắt đầu “xuống đường”.

Đinh Cường triển lãm tranh ở Đà Lạt. Một số anh em có mặt ở phòng tranh này, trong đó có: Trịnh Công Sơn, tôi, Nguyễn Xuân Thiệp, Tôn Nữ Kim Phượng, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đỗ Long Vân, Eric Wulff, Christian Cauro.

Trịnh Công Sơn đến thăm tôi mấy lần ở Cư xá sĩ quan Chí Hòa Sài Gòn.

Anh đi Đà Lạt, và lần đầu tiên gặp Khánh Ly đang hát ở hộp đêm Tulipe Rouge.

Anh về Sài Gòn hát ở trụ sở sinh viên, gần Hồ Con Rùa và hát cùng Khánh Ly ở sân bỏ hoang Trường Đại học Văn khoa. Kể từ đây, Trịnh Công Sơn bỏ hẳn dạy học, Khánh Ly cũng từ giã Đà Lạt về Sài Gòn hát, và đặc biệt thích hát trước tập thể thanh niên.

1966. Thư Đà Lạt 11.2.1966 Trịnh Công Sơn gửi Bửu Ý ở Sài Gòn:“Moi (*) đã lên nằm đây. Có giấy gọi khóa 22. Đã gửi về Nha động viên lệnh gọi kèm theo tờ hoãn dịch cũ để nhờ xét lại.

Đã dịch xong tất cả các bài ca chưa? Nếu rồi, gửi nhanh lên giúp moi gửi về Huế cho kịp. Gửi lên Nguyễn Xuân Thiệp Đài phát thanh Đà Lạt. Nhờ chuyển cho Trịnh Công Sơn (...)”
------------------------
(*) Moi, toi (tôi-anh/ tớ-cậu) - tiếng Pháp; một cách xưng hô thân tình, phổ biến trong giới trí thức miền Nam thời bấy giờ.

Thư Đà Lạt 18.3.1966 Trịnh Công Sơn gửi Bửu Ý ở Sài Gòn: “Đã nhận được những traductions của toi gửi lên (...) Đã gửi tất cả về cho Christian ở Huế (...)”

Tôi đã dịch được một số bài hát của Trịnh Công Sơn và Christian Cauro gửi cho báo Le Monde.

Thời gian này, Trịnh Công Sơn viết nhạc kịch lấy tên là Du mục và niềm tuyệt vọng cho một bạn viết kịch ở Sài Gòn.

Nhà xuất bản An Tiêm gom góp một số ca khúc của Trịnh Công Sơn in thành tuyển tập Ca khúc Trịnh Công Sơn, huyền thoại Tình Yêu và Thân Phận, và Đinh Cường vẽ bìa.

Một số ca khúc được hát nhiều:

Tình Nhớ
Lại Gần Với Nhau

Phong trào phật giáo bị đàn áp mạnh.

1967. Ấn hành “lậu” tập Ca Khúc Da Vàng với những bài được truyền miệng nhiều trước đó:

Người Con Gái Việt Nam Da Vàng
Đại Bác Ru Đêm
Tình Ca Của Người Mất Trí
Đi Tìm Quê Hương

Cái chết đau thương của Nhất Chi Mai thuộc tổ chức “Thanh niên phụng sự xã hội” khiến cho Trịnh Công Sơn xúc cảm viết ca khúc Hãy Sống Giùm Tôi.

Lệnh tổng động viên đến với những thanh niên lứa tuổi của anh. Anh phải sống chui rúc. Hội Họa sĩ Trẻ Sài Gòn trở thành một nơi lui tới, đồng thời cũng là nơi ẩn náu của thanh niên trốn lính.

Cuối năm, sự cố súng nổ vào sinh viên đang hội họp tại Đại học Văn khoa Sài Gòn đánh dấu bước khó khăn gia tăng trong hoạt động tranh đấu của sinh viên.

Trịnh Công Sơn gặp tôi nhiều lần tại đường Lý Thái Tổ Sài Gòn, nơi tôi ở chung với Giám đốc Nhà xuất bản An Tiêm, cũng là nơi lui tới thường xuyên của Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn.

Trịnh Công Sơn trở ra Huế hát cùng với sinh viên ở đây.

1968. Ấn hành Kinh Việt Nam của Trịnh Công Sơn gồm 12 bài, cũng thuộc dạng “in lậu”, có những bài như: Dân Ta Phải Sống, Dựng Lại Người Dựng Lại Nhà, Hãy Đi Cùng Nhau, Chờ Nhìn Quê Hương Sáng Chói, Ta Đã Thấy Gì Đêm Nay, Sao Mắt Mẹ Chưa Vui, Đồng Dao Hòa Bình, Nối Vòng Tay Lớn...

Trịnh Công Sơn và Khánh Ly trình diễn ở Huế.

1969. Tuyển tập Ta Phải Thấy Mặt Trời được tác giả in, lấy tên Nhà xuất bản Nhân bản.

Tình hình chính trị ở Sài Gòn phức tạp. Việc bắt bớ xảy ra thường xuyên. Trịnh Công Sơn và hai em trai thuê một căn gác ở đường Bùi Thị Xuân.

Sơn một mặt sống chui nhủi, mặt khác bận rộn với việc trả lời phỏng vấn và ký hợp đồng thu đĩa với nhiều hãng Mỹ và Nhật. Bài Diễm Xưa được vào chung kết cuộc thi các bài hát nước ngoài ở Nhật Bản và bài Ngủ Đi Con chiếm “đĩa vàng” đã phát hành trên hai triệu đĩa. Trả lời một cuộc phỏng vấn của Trần Hữu Lục, anh bảo chỉ hưởng tác quyền trong số hai trăm ngàn đĩa mà thôi, đến sau 1975 hãng tiếp tục trả tác quyền và năm 1979 là đợt trả cuối cùng.

Mấy người bạn đưa gia đình vào Sài Gòn: Đinh Cường, Christian Cauro.

Trịnh Công Sơn và tôi ở lại Huế, có khi ở miệt mài tại nhà người bạn là La Quang Thanh.

Một trường trung học tư thục mở ra tại Huế: Trường Hưng Đạo. Hiệu trưởng là Nguyễn Ngọc Minh. Trường tập hợp một số giáo viên (thời bấy giờ gọi là giáo sư) yêu nước, thiên tả: Ngô Kha, Lê Khắc Cầm, Lê Quang Cư, Đặng Ngọc Vịnh, tôi. Trịnh Công Sơn nhận dạy nhạc ở đây để gần với học sinh.

Cuối năm, Trịnh Công Sơn vào lại Sài Gòn nhân dịp phong trào Hát Cho Đồng Bào Tôi Nghe ra mắt tại trường Nông lâm Súc Sài Gòn.

1970. Trịnh Công Sơn mở đầu chương trình Hát Cho Hòa Bình cho sinh viên, học sinh Huế.

Anh trình diễn và giới thiệu Tự Tình Khúc ở Trung tâm Liễu Quán Huế.

Trịnh Công Sơn vào lại Sài Gòn. Anh thân với nữ sĩ T.D. Đi Đà Lạt và tại đây phổ nhạc bài thơ Ngày nay Hàng thị của Nguyễn Xuân Thiệp, bài này chưa công bố.

1971. Trịnh Công Sơn, Khánh Ly và Phạm Duy diễn ở trường Quốc gia Âm nhạc Huế.

Tổ chức thêm đêm hát tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế chung quanh bức tượng hoành tráng của Phan Bội Châu do nghệ sĩ điêu khắc Lê Thành Nhơn sắp sửa hoàn tất.

Trịnh Công Sơn tham gia công tác xã hội và đóng góp cứu giúp đồng bào Quảng Trị.

1972. Anh mổ polype ở thanh quản.

Chiến trường Nam Lào hừng hực lửa, vào khoảng thời gian được mệnh danh là “mùa hè đỏ lửa”.

Nhà xuất bản Nhân bản của Trịnh Công Sơn in tập Phụ Khúc Da Vàng gồm 9 bài, trong đó có:

Một Ngày Vinh Quang, Một Ngày Tuyệt Vọng
Xác Ta Xác Thù
Chưa Mất Niềm Tin
Đợi Có Một Ngày...

Giai đoạn 1965–1972, “nhạc phản chiến” trở thành nguồn cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của Trịnh Công Sơn.

Ở Huế xảy ra một biến cố: đại đức Thích Chơn Thể tự thiêu ở công viên trước mặt trường Đồng Khánh. Đây là một sự hy sinh cầu nguyện hòa bình.

Dịp này một số anh em viết một số bài hỗ trợ phong trào hòa bình: Trịnh Công Sơn, Ngô Kha, tôi,...và đưa bài vào Sài Gòn cho tạp chí Đối Diện. Các bài này điều bị kiểm duyệt bỏ.

Bài của Trịnh Công Sơn là nhạc phẩm Ngọn Lửa (riêng nhan đề tôi nhớ không chắc), chưa công bố.

Trịnh Công Sơn cùng vài người bạn đi Đà Lạt: La Quang Thanh, Phạm Nhuận, tôi.

Anh ghé thăm Trường trung học Bùi Thị Xuân, được học sinh đón tiếp hết sức nồng nhiệt. Tại Đà Lạt, anh gặp lại một số bạn nữ: Thanh Sâm, Tôn Nữ Kim Phượng, Vân Linh. Nhưng có một phụ nữ đặc biệt, P.T.L, là nguồn cảm hứng để viết Như Cánh Vạc Bay.

1973. Ra đời ca khúc Phôi Pha, theo lời của Cao Hữu Điền và người hát đầu tiên là Thu Cúc.

Tôi chuẩn bị thành lập đặc san Thiên hạ, mời một số cây bút cộng tác.

Thư Sài Gòn 28.6.1973 Trịnh Công Sơn gửi Bửu Ý: “Chuyện làm báo cũng lý thú lắm (...) Sẽ gắng viết bài (...) Về chuyện mời một số người địa phương viết nên cẩn thận hơn. Dù là một tờ báo địa phương nhưng nên tạo cho nó một cung cách tốt đẹp hơn để dễ có một phổ biến rộng rãi và thích nghi”.

Trịnh Công Sơn gửi cho tôi 3 bài văn xuôi viết tay trên giấy 20x32:

Những định mệnh kỳ lạ (7 trang)
Mở lời theo điệu (3 trang)
Có nghe ra điều gì (7 trang)

Tờ đặc san trải qua nhiều phen vận động và các thủ tục xin phép cuối cùng không ra mắt được.

Hiệp định Paris được ký kết
Trịnh Công Sơn - Một nhạc sĩ thiên tài


Âm lịch

Ảnh đẹp