18/09/2010 10:02 (GMT+7)
Số lượt xem: 51568
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Nghi Thức Tịnh Độ .

Thích Giác Tâm Biên Soạn .

Chùa Bửu Minh – Gia Lai năm 2000



phat a di da 1.jpg


Nghi thức Tịnh Độ - chương 04


PHỤ LỤC 2

 

TIỂU SỬ PHẬT A DI ĐÀ

(Buddha Amita)

 

Hòa Thượng Thích Thanh Từ

 

      DANH HIỆU.  - Đức phật A Di Đà là vị giáo chủ ở cõi Cực Lạc phương tây A Di Đà có nghĩa vô lượng quang, vô lượng thọ. Nghĩa là hào quang và tuổi thọ của Ngài không thể lường được.

 

      TIỀN THÂN. - Thời đức Phật Thế Tự Tại Vương, có vị quốc vương tên Kiều Thi Ca nghe Phật thuyết pháp liền bỏ ngôi vua xuất gia làm Tỳ kheo hiệu là Pháp Tạng. Một hôm, Ngài đảnh lễ Phật cầu xin chứng minh cho Ngài phát 48 lời nguyện. Do nguyện lực ấy, sau này Ngài thành Phật hiệu A Di Đà ở cõi Cực Lạc. (Kinh Đại A Di Đà).

Lại, một thuở xa xưa ở cõi San Đề Lam có ông vua tên Vô Tránh Niệm. Do đại thần Bảo Hải khuyến tiến, nhà vua gặp Đức phật Bảo Tạng thành tâm cúng dường, quy y thọ giáo. Nhà vua phát nguyện sau này thành Phật sẽ làm giáo chủ một cõi cực kỳ trang nghiêm thanh tịnh  để giáo hóa chúng sanh. Đức phật Bảo Tạng thọ ký cho Ngài sau này sẽ thành Phật hiệu A Di Đà, cõi nước tên Cực Lạc ở phương Tây. Hiện giờ Ngài đã thành Phật và đang thuyết pháp tại đó. (Kinh Bi Hoa)

 

      HẠNH NGUYỆN. - Đức phật A Di Đà xưa phát 48 lời nguyện lớn, trong đó có lời nguyện sẵn sàng tiếp dẫn chúng sanh nào niệm danh hiệu của Ngài. Dù người ấy chỉ niệm 10 câu danh hiệu Ngài, Ngài cũng tiếp dẫn vãng sanh về cõi Cực Lạc.

 

      BIỂU TƯỚNG. - Đức phật A Di Đà thường thờ có hai tượng : Tượng ngồi kiết già trên tòa sen, tay kiết định ấn, tương tợ tượng Thích Ca. Tượng đứng trên hoa sen lơ lững trong hư không, bên dưới là bể cả sóng dậy chập chồng, mắt Ngài nhìn xuống, tay mặt đưa lên ngang vai, tay trái duỗi xuống như sẵn sàng chờ đợi tiếp cứu những người đang trầm nịch. Tượng ấy gọi là tượng Di Đà phóng quang.

 

      THÂM Ý. - Chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa tượng phóng quang nầy. Theo trong mật giáo giải thích : tay mặt Phật đưa lên biểu thị tứ thánh (Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật), tay trái duỗi xuống biểu thị lục phàm (Thiên, nhơn, A tu La, súc sanh, Ngạ quỉ, địa ngục). Nghĩa là Ngài sẵn sàng tiếp độ lục phàm đưa lên quả vị tứ thánh. Ý nghĩa hình tượng nầy, chúng ta thấy rõ hơn, qua bốn câu kệ tán dương Ngài :

Ái hà thiên xích lãng,

Khổ hải vạn trùng ba;

Dục thoát luân hồi khổ,

Tảo cấp niệm Di Đà.

 

                       

Tạm dịch :

Sông ái sóng ngàn thước,

Bể khổ dậy muôn trùng;

Kiếp luân hồi muốn thoát,

Sớm gấp niệm Di Đà.

      Chúng ta là những chúng sanh đang đắm chìm trong sông ái, nước mắt đau thương thống khổ tràn trề như bể cả. Đức Phật Di Đà đang đứng chực trong hư không đã duỗi cánh tay vàng chờ đợi cứu vớt chúng ta nhưng chúng ta có chịu ngoi đầu lên khỏi dòng sông ái, đưa tay cho Ngài cứu vớt hay không ? Hay cứ mãi lặn hụp trong sông mê bể ái, để Đức Phật mãi đợi chờ mà không có một sự đáp ứng nào ? Cánh tay vàng kia cứ duỗi thẳng đợi chờ, mà đàn con dại nầy mãi say mê lội đuổi bắt những hòn bọt, lặn mò bóng trăng. Để rồi bị sóng cuốn nước trôi càng ngày càng ra khơi, khiến người mẹ hiền kia đã lạc giọng kêu gọi. Kinh chép :

" Các đức Như Lai trong mười phương nhớ thương chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu con trốn mẹ thì cái nhớ ấy cũng không ích gì. Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con thì mẹ và con trong đời nầy, trong các đời sau quyết không xa nhau. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật thì trong hiện tại và ở tương lai nhất định thấy Phật, cách Phật không xa..."

(Kinh Lăng Nghiêm, chương Đại Thế Chí niệm Phật).

Hai người cùng hướng mặt về nhau mà đi, dù điểm xuất phát cách xa thế mấy, nhưng cũng được gặp nhau. Nếu hai người trở lưng mà đi, dù khi khởi hành họ ở bên cạnh nhau, song càng đi họ càng xa nhau. Đức Phật luôn luôn hướng về chúng ta, nếu chúng ta cứ né trốn Ngài thì làm sao gặp được Phật. Đáng lý chúng ta có cảm thì Phật mới ứng song ở đây Đức Phật sẵn sàng ứng, mà chúng ta không chịu cảm, thật đúng câu Phật quở: "Các ông là người mê muội đáng thương".

Người phát tâm tu tịnh độ chỉ cần tin chắc Đức Phật đang chờ đợi tiếp đón chúng ta về cõi Cực Lạc (Tín), gắng công niệm Phật (Hạnh), mong mỏi được sanh về cõi Phật (Nguyện). Có đủ ba yếu tố nầy nhất định sẽ vãng sanh về Cực Lạc.

Hình ảnh Đức Phật A Di Đà là hình ảnh mong chờ đón tiếp. Chúng ta phải sớm thức tỉnh nhận chân sự khổ đau, trong khi đang đắm chìm trong bể ái, để quay về với đức Từ bi. Phật là hiện thân cứu khổ, chúng ta là thực thể khổ đau. Một ngày nào chúng ta không còn đau khổ, ngày ấy Đức Phật sẽ không còn duỗi tay chờ đợi cứu vớt chúng sanh.

 

 

Giới Thiệu Về Tịnh Độ Tông

 

Thích Viên Giác

 

DẪN NHẬP

 Tịnh độ là mộ trong những phát môn tu tập phổ biến đối với người Phật tử tại nhiều nước như Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam. Giáo nghĩa tịnh độ tông thuộc hệ tư tưởng Đại thừa và xuất hiện vào thời kỳ Phật giáo phát triển.

      Phật giáo Nguyên thủy chú trọng tự lực, Phật giáo Phát triển (Đại thừa) đa dạng hóa đường lối tu tập nên có những pháp môn chú trọng tha lực, tức nhờ vào Phật lực mà thành tựu đạo quả hoặc vượt thoát khổ đau, lý tưởng như pháp môn Tịnh độ. Vì vậy, Tịnh độ là đường lối tu tập phổ biến, đáp ứng nhu cầu tâm linh về một đời sống vĩnh cửu và hoàn toàn giải thoát khổ đau của con người.

 

NỘI DUNG

I. Lịch sử và sự truyền thừa Tịnh độ tông

 

      Lý thuyết Tịnh độ được phát triển ở Ấn Độ,  là một đường lối tu tập nhưng không thiết lập tông phái, chỉ khi các kinh điển Tịnh độ truyền qua Trung Hoa  thì Tịnh độ trở thành tông phái.

Phật giáo truyền vào Trung Hoa vào cuối thế kỷ thứ nhất cho đến đầu thế kỷ thứ hai nhưng những kinh luận thuộc giáo nghĩa Tịnh độ phải đến thế kỷ thứ ba mới xuất hiện. Vào thời Ngụy (250), Ngài Khang Tăng Khải     (SangHavarman) dịch kinh Vô Lượng Thọ, cư sĩ Chi Khiêm (thời Tôn Quyền) dịch bộ Đại A Di Đà kinh. Đến đời Diêu Tần (thế kỷ IV), ngài La Thập dịch Phật thuyết A Di Đà kinh, còn gọi là Tiểu kinh A Di Đà, ngài Phật Đà Bạt Đà La (Giác Hiền) dịch Tân Vô Lượng Thọ kinh, Quán Phật Tam Muội kinh, ngài Trí Nghiêm dịch Tịnh độ Tam Muội. Thời Lưu Tống (thế kỷ V), ngài Cương Lương Da Xá (Kàlayàsas) dịch Quán Vô Lượng Thọ kinh, ngài Bồ Đề Lưu Chi (thế kỷ VI) dịch Vô Lượng Thọ kinh luận. Đặc biệt, ngài Thế Thân trước tác Vãng sinh Tịnh độ luận ..., đến đây giáo nghĩa Tịnh độ tông tương đối hoàn chỉnh. Ba tác phẩm được coi là nền tảng của Tịnh độ tông là kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, Kinh A Di Đà, cộng thêm tác phẩm Vãng sinh Tịnh độ luận của Thế Thân. Mặc dù chỉ một vài bộ kinh triển khai giáo lý Tịnh độ, nhưng rất nhiều kinh luận trong hệ thống giáo lý Đại thừa ca ngợi ngợi tư tưởng Tịnh độ, làm cho Tịnh độ tông  trở nên  phổ biến và nổi bật trong nền tư tưởng Phật học Trung Hoa.

      Lịch sử truyền thừa của Tịnh độ tông không theo đường lối thông thường là người trước truyền cho người sau như các tông phái khác, mà chỉ căn cứ vào sự đóng góp nhiều ít công cuộc xiển dương giáo lý Tịnh độ.

      Tịnh độ tông Trung Hoa, ngài Huệ Viễn  (333-416) được coi là người sáng lập. Ngài quê ở Nhạn Môn, 21 tuổi xuất gia làm môn đệ của ngài Đạo An. Ngài thông minh xuất  chúng, được ngài Đạo An khen ngợi. Vì hoàn cảnh loạn lạc, Ngài di cư xuống Tương Dương, sau đó trên đường hành đạo, Ngài đến Lô Sơn, thấy cảnh trí u tịch, phù hợp với chí nguyện tu hành, Ngài ở lại đó và thành lập chùa Đông Lâm. Ngài chủ trương tu tập pháp môn niệm Phật, ẩn dật tu hành không màng thế sự ..., nhất là quan hệ gần gủi với vua chúa.  Để phản đối sắc lệnh của nhà vua về việc người xuất gia vào chầu phải lạy, Ngài viết bộ Sa môn bất bái vương giả luận. Năm 402, Ngài lập ra Hội niệm Phật tại Lô Sơn, lấy tên là Bạch Liên  xã, đây là một hình thức tổ chức quần chúng tu tập, manh nha một đường lối tu Tịnh độ cho tứ chúng về sau. Tổ chức Bạch Liên xã không phân biệt tại gia hay xuất gia, cách tu đơn giản là thành kính lễ bái và niệm hồng danh Đức phật A Di Đà. Pháp tu của Ngài Huệ Viễn  đã tạo nên đường lối của Tịnh độ tông.

      Đến thế kỷ sau, ngài Đàm Loan (476-542) tiếp nối xiển dương pháp môn tịnh độ. Ngài cũng là người ở Nhạn Môn, tu học rất tinh cần, chuyên nghiên cứu chú giải kinh sách nhưng giữa chừng bị bệnh nặng, Ngài tìm thầy chữa bệnh,  nhân đó gặp đạo sĩ Đạo Hoằng Cảnh  dạy cho tiên thuật và giao cho 10 cuốn tiên kinh. Trên đường về phương Bắc gặp được ngài Bồ Đề  Lưu Chi (Bodhiruci) trao cho ngài những tác phẩm pháp môn Tịnh độ, căn cứ vào đó  Ngài chuyên tu Tịnh độ.  Ngài trước tác những bộ: Vãng sinh luận chú, Tán Phật A Di Đà kệ ... Ngài dạy chúng tu học và xiển dương giáo lý Tịnh độ, chú trọng yếu tố "Tín  tâm niệm Phật", đây cũng là sắc thái khác của Tịnh độ tông.

      Ngài Đạo Xước (562-645) có nhân duyên với ngài Đàm Loan dù sống cách nhau vài chục năm. Ngài đã tiếp nhận pháp môn Tịnh độ trong trường hợp đặc biệt. Ngài Đạo Xước xuất gia năm 14 tuổi, chuyên nghiên cứu về Niết bàn tông, một hôm đến chùa Huyền Trung núi Thạch Bích, đọc bia đá ghi chép sự tích ngài Đàm Loan thì sinh lòng  cảm kích, Ngài quay sang tu Tịnh độ và thường giảng dạy Quán vô lượng thọ kinh. Ngài nỗ lực giáo hóa dân chúng trong vùng tu Tịnh độ và là người chế ra tràng hạt  để dạy cách trì danh niệm Phật. Đối với nông dân, Ngài bày cách lấy hạt đậu đếm số niệm Phật gọi là "tiểu đậu niệm Phật". Ngài An lạc tập và một số tác phẩm khác, triển khai ý nghĩa tu dễ và tu khó để kết luận rằng tu Tịnh độ là dễ. Ngài biện minh ý nghĩa tha lực của Đức phật A Di Đà làm cho mọi người đều thích thú pháp môn này. Đệ tử của Ngài khá đông, xuất sắc  gồm có Thiện Đạo, Đạo Phủ, Tăng Điền ...

      Ngài Thiện Đạo (613-681) nối chí thầy mình xiển dương giáo lý Tịnh độ. Phật giáo đời Đường rất hưng thịnh, Tịnh độ tông cũng phát triển mạnh mẽ, phần lớn nhờ công lao của Thiện  Đạo. Ngài là người ở Lâm Truy, khi xuất gia tìm thầy học đạo, Ngài gặp Đạo Xước học pháp môn Tịnh độ. Sau khi thầy mất, Ngài về Trường An trụ trì chùa Quang Minh và chùa Từ Ân, giảng dạy và truyền bá pháp môn Tịnh độ. Ngài viết 10 vạn cuốn Kinh A Di Đà và vẽ 300 đồ hình tả cảnh Tịnh độ, làm cho thế giới Tịnh độ trở nên sống động và hiện thực trong tâm người tu  nên họ theo rất đông. Ngài trước tác nhiều kinh sách như Quán Vô Lượng Thọ kinh sớ, Vãng sinh lễ tán, Quán niệm pháp môn, Ban châu tán. Đường lối tu tập của Ngài được đời sau ca ngợi và trở thành một phương thức đặc trưng của Tịnh độ tông.

      Ngài Từ Mẫn (680-748) là một hành giả Tịnh độ khá nổi tiếng vào đời Đường, Ngài noi gương các vị tiền bối, lên đường "nhập Trúc cầu Pháp". Ngài ra đi năm 702 (thời Võ Tắc Thiên), đến Bắc Thiên Trúc (An Độ) gặp được hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát trao cho pháp môn Tịnh độ. Ngài ở Ấn Độ 18 năm mới về nước, được vua Huyền Tôn tặng danh hiệu "Từ Mẫn tam tạng". Ngài trước tác Vãng sinh tịnh độ tập để truyền bá pháp môn Tịnh độ mà Ngài đã lãnh hội trên đất Ấn, trở thành  một dòng tư tưởng  Tịnh độ độc lập. Tuy nhiên, hệ thống của Ngài không hưng thịnh lâu.

      Như vậy, hệ thống truyền thừa pháp môn Tịnh độ từ sơ khởi cho đến đời Đường không nối tiếp đời này qua đời khác mà tùy thuận vào nhân duyên của mỗi hành giả. Bắt đầu  từ đời Đường mới có sự truyền thừa, và rõ nét nhất phải chờ đến đời Tống. Sau này, các học giả phân chia đường hướng tu tập của pháp môn Tịnh độ thành 4 hệ thống:  Huệ Viễn chú trọng "Quán tưởng niệm Phật", Đàm Loan chú trọng "Tín tâm niệm Phật", Thiện Đạo chú trọng "Khẩu xưng niệm Phật", Từ Mẫn thiên về "Thiện căn niệm Phật".

      Đến đời Tống (960-1279), Phật giáo vẫn duy trì các hệ tư tưởng và truyền thống tu tập của  các tông phái. Tịnh độ tông mặc dù duy trì truyền thống độc lập của mình nhưng vẫn bị ảnh hưởng tác động của các hệ tư tưởng khác. Vào thời kỳ này, các tông  phái nói chung đều có xu hướng dung hợp, ví dụ Thiên thai tông chủ  trương kiêm tu Tịnh độ, đại biểu cho chủ trương này  có ngài Tuân Thức, Từ Lễ, Trí Viên. Luật tông cũng kiêm tu Tịnh độ do Ngài Nguyên Chiếu chủ trương. Thiền  tông cũng kiêm tu Tịnh độ  do Ngài Diên Thọ chủ trương... cho nên sắc thái Tịnh độ muôn màu muôn vẻ. Những Hội niệm Phật đua nhau xuất hiện, nổi bật là hội "Tịnh Hạnh xã" của Ngài Tĩnh Thường.

      Đời Minh (1360-1661), Tịnh độ tông được phát triển do các đại sư Vân Thê, Liên trì, Trí  Húc, nhất là hàng cư sĩ tu Tịnh độ phát triển mạnh phổ cập sâu rộng trong quần chúng. Đến đời Thanh, tư tưởng Tịnh độ dung hợp trong mọi pháp môn, tông phái. Những đại sư xiễn dương Tịnh độ có ngài Tĩnh Am – Thật Hiền (1686-1734). Ngài Ấn Quang ở cuối đời Thanh là một bậc cao đức truyền bá pháp môn Tịnh độ. Pháp môn Tịnh độ hưng khởi ở Trung Quốc, sau đó được truyền qua các nước Tây Tạng, Nhật Bản, Việt Nam, Triều Tiên được tiếp nhận nhanh chóng và phát triển mạnh  mẽ.

 

II. Giáo nghĩa Tịnh độ tông

    

Tịnh độ tông lấy 3 bộ kinh và 1 bộ luận làm nền tảng cho tư tưởng của mình: kinh "Vô Lượng Thọ" nói về tiền thân Đức phật  A Di Đà khi còn là Pháp Tạng Tỳ kheo đã phát nguyện 48 lời nguyện  để cứu độ chúng sanh, kinh Quán Vô Lượng Thọ nói rõ  phép quán tưởng niệm Phật, kinh A Di Đà miêu tả thế giới cực lạc đẹp đẽ trang nghiêm có Đức phật A Di Đà đang thuyết pháp, và bộ luận Vãng sinh Tịnh độ của Ngài Thế Thân tán thán và giảng về ý nghĩa của ba bộ kinh trên.

      Theo kinh Quán Vô Lượng Thọ thì giáo lý Tịnh độ đã được  Đức phật Thích Ca Mâu Ni thuyết cho hoàng hậu nước Kosala là Videhi. Bà bị chính con trai bà giam lỏng và chán nản vô cùng trước cảnh thế thái nhân tình.  Bà cầu mong Đức Phật cứu giúp vượt qua nổi khốn khổ này, Đức Phật đã xuất hiện và giới thiệu các quốc độ chỉ có an lạc không có khổ đau, bà chọn cõi Phật A Di Đà. Đức Phật dạy bà phương pháp niệm danh hiệu Phật để được vãng sanh về cõi ấy. Trong kinh tạng Nguyên thủy không đề cập đến chi tiết ấy, có thể nói kinh tạng Nguyên thủy ít quan tâm đến yếu tố tha lực. Đến thời kỳ đầu của Phật giáo Phát triển, ngài Nagasena đã đưa lý thuyết Phật cứu độ vào trong lý luận của mình, trở thành tiền đề cho tư tưởng Phật lực về sau.

Cực lạc thế giới, Hán dịch từ tiếng Phạn  Sukhànatì,  là nơi có hạnh phúc mà không có khổ đau. Cõi giới này do  Đức phật A Di Đà giáo hóa. Có thể nói thế giới Cực Lạc là một khái niệm khác của Niết bàn, vì Niết bàn  (Nirvana) có nghĩa là dập tắt hết mọi phiền não khổ đau. Trong ý nghĩa hẹp hơn thì đó là một thế giới hiện thực ở phương Tây,  khác với thế giới Ta bà đầy đau khổ này mà kinh A Di Đà gọi là "ngũ trược ác thế".

Thế giới Cực Lạc có những ưu điểm tiêu biểu như không có ô uế, không có phiền não, thọ mạng lâu dài, ăn uống tự có, có các thần thông ... Đất nước  rất đẹp được cấu tạo bằng các chất quý báu như vàng, ngọc, lưu ly ...; cây cối, ao  hồ, cung điện, đường sá  đều bằng các thứ báu, có ca nhạc như âm nhạc  cõi trời, các loài chim hót ca như thuyết pháp ... Tóm lại, đó là một thế giới lý tưởng, là môi trường tốt cho sự tu hành và đạt được hạnh phúc tối thượng.

Đức phật A Di Đà là vị giáo chủ của thế giới Cực Lạc. A Di Đà là danh từ dịch âm của Amitàbha, dịch nghĩa là Vô lượng quang, còn  Amitàyus  là Vô lương thọ. Vô lượng quang chỉ cho ánh  sáng vô lượng, biểu tượng cho trí tuệ viên mãn hay cho Pháp thân (Dharma-kàya). Vô lượng thọ chỉ cho đời sống vĩnh cửu, biểu tượng của đại định hay còn gọi là Giải thoát thân (Vinuktikàya). Với ý nghĩa danh hiệu như vậy, Đức phật A Di Đà tượng trưng cho sự sống  vĩnh cửu và giải thoát hoàn toàn khổ đau, đó là mục đích cao cả và hấp dẫn đối với con người ở mọi thời đại.

Theo kinh Vô Lượng Thọ thì Đức phật A Di Đà từng là một nhà vua. Sau khi mộ đạo, Ngài phát tâm xuất gia và trở thành vị Tỳ kheo tên là Pháp Tạng (Dharmàkara). Ngài quyết tâm tu hành thành Phật và phát  nguyện độ hết chúng sanh  trong cõi Cực Lạc của mình. Ngài lập 48 lời nguyện giúp chúng sanh giải thoát. Những nguyện quan trọng là nguyện thứ 18 : "Ví con được thành  Phật, mười phương chúng sanh muốn sanh về cõi nước con mà chí tâm tin mến niệm từ một niệm cho đến mười niệm nếu không được sinh thì con không thành bậc Chánh  giác. Chỉ trừ những kẻ tạo tội ngũ nghịch, hủy báng chánh pháp". Nguyện thứ 19: "Ví con được thành Phật, mười phương chúng sanh phát Bồ Đề tâm, tu các công đức, dốc lòng phát nguyện muốn sanh  về cõi nước con, đến lúc mạng chung, ví con chẳng cùng đại chúng  vây  quanh hiện thân trước người đó, thì con không thành bậc Chánh giác". Nguyện thứ 20: " Ví con được thành Phật, chúng sanh khắp mười phương nghe danh hiệu con, nhớ nghĩ quốc độ con, vun trồng các công đức, rồi dốc lòng hồi hướng muốn sanh về cõi nước con nếu  không được toại nguyện thì con  không thành bậc Chánh giác" (Kinh Vô Lượng Thọ, Chân Thường dịch, Thành hội Phật giáo TP.Hồ Chí Minh ấn hành, 1992).

Qua nội dung 48 lời nguyện cho thấy con đường tu tập Tịnh độ dựa vào nguyện lực của Đức phật A Di Đà và nhất tâm niệm Phật là con đường tu dễ nhất, đó là lý do tại sao Tịnh độ tông được truyền bá rộng rãi nhất.

Con đường tu tập của pháp môn Tịnh độ dựa trên ba nguyên tắc:

 

1 - Niềm tin (Tín): Đây là điều kiện tiên quyết, không có niềm tin hay niềm tin không đủ mạnh thì không thể tu Tịnh độ được. Sự tin tưởng là nền tảng khởi lên ước muốn và hướng tâm về thế giới Cực Lạc. Như tất cả các pháp môn khác, niềm tin là mẹ của các thiện pháp và phát sinh công đức.

      Niềm tin của hành giả Tịnh độ rất rõ, tin rằng Đức phật A Di Đà và thế  giới Cực Lạc là có thực, Đức phật và Thánh chúng sẵn sàng tiếp độ chúng ta, chỉ cần chuyên tâm tin tưởng và niệm  Phật quyết chí vãng sanh thì chắc chắn được vãng sanh. Vì vậy, các kinh sách Tịnh độ và các hành giả Tịnh độ thường nói xác quyết chứ không có thái độ lưỡng lự, phân  hai.

 

2 - Nguyện lực hay tâm mong muốn (Nguyện):  Niềm tin ổn định sẽ đưa đến ước muốn vãng sanh gọi là ước nguyện. Mọi hoạt động tâm lý đều hướng về Tịnh độ, mọi ước muốn đều được kích thích bằng sự nhàm chán đối với cuộc sống uế trược và bất an này. Nếu ta còn ham muốn vật chất, tình cảm, tư tưởng của cuộc đời này thì ước muốn vãng sanh không mạnh. Nghiệp liên kết với đời sống này không giảm thì Tịnh độ không hấp dẫn ta được, nên có chán Ta Bà mới ước mong mãnh liệt về Tịnh độ được. Đó cũng là lý do tại sao người lớn tuổi ưa tu Tịnh độ hơn là giới trẻ.

      Biểu hiện của ước nguyện về Tịnh độ là mọi hành vi, lời nói và tâm ý đều phải thể hiện ước nguyện đó. Với lời nguyện mạnh mẽ từ bỏ uế độ vãng sanh Tịnh độ, mong có khả năng cứu độ  chúng sanh. Tâm nguyện như vậy mới tương ứng với tâm nguyện của Tịnh độ, mới có cảm ứng với Phật và Thánh chúng ở Cực Lạc.

 

3 - Hành trì (Hạnh): Khi tâm nguyện hướng về Tịnh độ thì mọi hành động, ngôn ngữ đều được tu tập liên tục, nghĩa là thành phương pháp niệm Phật, quán tưởng ... đều đưa đến hợp nhất thân khẩu ý, không để cho các đối  tượng của trần gian lôi kéo làm tâm bị tán loạn. Mọi công đức, thiện pháp ta có đều hồi hướng về Tịnh độ, thường thì hành giả thiết lập cho mình một thời khóa tu niệm, ví dụ như trong một ngày một đêm chia thành 6 thời khóa để tụng niệm, tạo cho mình tiêu chuẩn niệm bao nhiêu lần, nhờ hành trì mà hành giả có thể đắc định, thấy Phật và Thánh chúng cõi Cực Lạc.

 

      III- Phương pháp niệm Phật

      Mục đích của pháp niệm Phật A Di Đà là đưa đến nhất tâm, chế ngự mọi vọng tưởng của tâm. Niệm Phật là thực hành chánh niệm, như vậy bề mặt bản chất, pháp môn niệm Phật không khác biệt với thiền quán, là cốt lõi của các pháp môn.

 

      Phương pháp niệm Phật có 4 cách :

 

1-  Trì danh niệm Phật : Niệm danh hiệu Phật A Di Đà, hoặc niệm thầm hoặc phát âm thanh.

2-   

      2- Quán tượng niệm Phật : Niệm Phật và chăm chú nhìn vào tượng Phật, thấy rõ tướng tốt của Phật, hoặc tướng tốt của các Bồ Tát và Thánh chúng.

      3- Quán tưởng niệm Phật : Quán tưởng hình ảnh của Đức Phật A Di Đà cho đến khi thấy được linh ảnh của Đức Phật. Pháp quán này khác với quán tượng là không sử dụng hình ảnh bên ngoài. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ đề cập đến 16 pháp quán.

 

      4- Thật tướng niệm Phật : Niệm Phật đạt đến chỗ vô niệm, không còn chủ thể và đối tượng. Pháp quán này mang sắc thái Thiền hơn là Tịnh độ cho nên không phổ biến được.

 

      Phương pháp tu Tịnh độ được nhiều người chấp nhận và hành trì, nhất là Trì  danh niệm Phật, ai thực hành cũng được, có thể niệm lớn tiếng gọi là Cao thanh trì, niệm thầm gọi là Mặc trì, mấp máy môi mà không ra tiếng gọi là Kim cang trì. Người xưa còn đưa ra 4 sắc thái niệm Phật: hòa hoãn niệm là niệm từ từ không cần gấp, không nôn nóng, chỉ cần bền bỉ, có thể vừa làm việc vừa niệm Phật, không cần “Tu mau kẻo trễ”; thứ hai là Truy đảnh niệm, là đưa câu niệm Phật nằm trên đỉnh cao của dòng tâm thức, nghĩa là niệm Phật luôn hiện tiền, không bị chi phối bởi công việc, quyết chí cao, ấn định thời gian và cần có kết quả rõ; thứ ba là Thiền định niệm, tức trụ tâm vào định rồi sử dụng  tâm định ấy mà niệm Phật. Đây là lối tu dựa trên cơ sở truyền thống nguyên thủy, khi tâm đạt định, hướng tâm ấy về tam minh, ở đây hành giả hướng tâm về cõi Tịnh độ và Đức Phật A-Di-Đà; thứ tư là Tham cứu niệm, là cách niệm Phật ảnh hưởng thiền công án, như nêu câu hỏi: Niệm Phật là gì? Sự nung nấu nghi tình đến đỉnh cao sẽ bùng vỡ ý thức và giác ngộ. Sắc thái này mang dấu ấn của Thiền hơn là của Tịnh độ.

 

KẾT LUẬN

 

Tịnh độ tông chú trọng vào niềm tin của cá nhân và sự cứu độ của Đức Phật A-Di-Đà. Pháp  tu chủ yếu là niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà và quán tưởng đến thế giới Cực lạc. Đây là một tông phái được phổ biến rộng rãi nhất và cũng được nhiều tông phái khác  phổ biến và hành trì. Pháp môn niệm Phật là con đường tu tập khá phù hợp với nhiều căn cơ khác nhau. Thực ra Pháp môn niệm Phật có từ thời Phật giáo Nguyên thủy, Đức Phật dạy các đối tượng quán niệm trong đó niệm Phật là đứng đầu, vì đây là đối tượng dễ đưa tâm vào chánh niệm, trong Phật giáo Nguyên  thủy, ý nghĩa về Phật lực đã được bao hàm trong pháp niệm Phật. Qua thời kỳ tiền Đại thừa, luận sư Nagasena (Na Tiên Tỳ kheo) chủ trương thuyết cứu độ qua cuộc vấn đạo của vua Milinda (hoàng đế Hy Lạp). Vua cho rằng không thể chấp nhận được khi một người ác lại được cứu độ nếu y tin tưởng vào một vị Phật vào đêm trước ngày chết. Nagasena đáp: “Một hòn đá dầu nhỏ cách mấy vẫn chìm trong nước, nhưng một tảng đá vẫn nổi trên nước nếu đặt lên thuyền”. Về sau, các luận sư Đại thừa triển khai triệt để hơn về thuyết Phật cứu độ và qua kinh điển, Tịnh độ tông tiêu biểu rõ cho luận thuyết ấy.

Con đường giải thoát của đạo Phật căn bản là ở tâm, tức là nỗ lực cá nhân, pháp môn Tịnh độ vẫn không ngoài đường lối ấy, hòn đá lớn nhờ thuyền chở mà nổi trên nước,  nhưng vận chuyển hòn đá ấy lên thuyền phải là công phu tự thân, để có được 10 niệm nhất tâm và sự cứu độ của Phật, hành giả phải có công phu tích lũy lớn, nghĩa là có một quá trình tu tập. Sau này, khi các tông phái khác phát triển đã ảnh hưởng đến tư tưởng Tịnh độ, nhất là tư tưởng Tịnh độ tại tâm như  “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ”  làm cho pháp môn Tịnh độ có tính tự lực nhiều hơn, nhưng có lẽ đó không phải là bản ý của Tịnh độ tông.

Để kết luận xin dẫn lời bàn về niệm Phật  của nhà vua, Thiền sư Việt Nam thời Trần là Trần Thái Tông trong tác phẩm Khóa hư lục: “Người niệm Phật có ba bậc: bậc thượng trí thì tâm tức Phật chẳng nhờ tu chứng, thân Phật là thân ta không có hai tướng, tánh tướng không hai, tịch mà thường còn, còn mà chẳng biết. Đó là hoạt Phật. Bậc trung chí phải nương vào niệm Phật, chú ý chuyên cần, niệm Phật không  quên tự nhiên thuần thiện. Niệm thiện đã hiện niệm ác liền tiêu. Niệm ác đã tiêu duy còn niệm thiện. Bởi niệm ý niệm niệm niệm tất diệt. Khi niệm đã diệt, ắt về chánh đạo. Tới khi mạng chung được vui Niết bàn. Bậc hạ trí thì miệng chuyên niệm lời Phật, tâm muốn thấy tướng Phật, thân nguyện sinh nước Phật, ngày đêm siêng năng không thoái chuyển. Sau khi mạng chung thì nhờ  thiện niệm đó được sinh sang nước Phật, nghe Phật nói pháp mà chứng đạo Bồ đề” (Khóa hư lục, HT.Thanh Kiểm dịch, Thành hội Phật giáo TP.Hồ Chí Minh ấn hành, 1992). Ngài kết luận 3 hạng người trên đây sâu cạn khác nhau nhưng mục đích và kết quả là một, tuy nhiên bậc thượng trí nói thì dễ làm thì khó, bậc trung trí nếu chuyên cần nỗ lực sẽ thành tựu trong đời này nhưng nếu nghiệp nặng chưa dứt thì khó thành tựu, bậc hạ trí lối tu lấy niệm Phật làm nấc thang bước từng bước vững chắc được qua nước Phật rồi thì chí nguyện sẽ thành. Vậy muốn thành tựu cái siêu việt phải bắt đầu bằng cái đơn giản.

 

 

NĂM ĐIỀU QUAN YẾU

TU TẬP PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ

 

      Phép niệm Phật là một phép rất nhiệm - mầu, trên nhờ có Phật-lực-hộ-trì, dưới nhờ có công-phu tu tập của mình nên chắc chắn mau thành hiệu quả.

      Nhưng người tu niệm cần phải biết những chỗ cốt yếu như sau nầy thời trên con đường tu tập mới được nhiều phần lợi ích.

 

I- PHÁT TÂM

      Người niệm Phật cần phải xét biết "lầm lạc luân hồi" là khổ mà phát - tâm niệm Phật, cầu cho dứt sạch tâm-niệm giả dối mê lầm của chúng sanh, đặng ra khỏi vòng sanh tử và chứng được pháp thân thanh tịnh của Phật. Có phát-tâm như vậy thời mới thiệt là niệm Phật, chớ nếu vì cầu danh cầu lợi, cầu phép lạ, cầu trường sanh mà niệm Phật, thì dầu niệm bao nhiêu cũng phí công, vô hiệu-quả.

 

II -TRÌ GIỚI

      Người phát - tâm tu hành cần phải giữ giới, vì có giữ giới mới phát sanh ra thiền-định và trí-huệ, dứt trừ được nguồn gốc mê lầm và chứng được Phật-tánh.

      Tùy theo địa-vị của mỗi người, giới-tướng có khác, những ai đã thọ giới chi, thì cần phải gắng sức giữ gìn chẳng được phạm giới, nhứt là bốn giới: sát, đạo, dâm, vọng. Bốn giới ấy, người niệm Phật, ai ai cũng phải giữ trọn, nếu lỡ có phạm, thì phải tin chắc nhơn-quả, ghê sợ cho mình, sanh lòng hổ thẹn, thành tâm sám-hối, phát-lộ tội mình trước Phật, thề quyết chẳng tái-phạm, và phát nguyện độ thoát tất cả chúng sanh khỏi phạm những tội lỗi như mình. Thành-tâm sám-hối như vậy trong bảy ngày hoặc trong một tháng, ba tháng, một năm, cho đến khi được thân-thể nhẹ nhàng, tâm-thần khoan khoái, hoặc nằm chiêm bao thấy Phật, thấy cảnh Tịnh-độ, hoặc thình lình trong khi nghe kinh hiểu rõ đệ-nhứt nghĩa-đế  của chư Phật thì mới hết tội.

 

III - LY DỤC

      Người tu hành cần phải ly-dục, nghĩa là lánh xa năm món: sắc, thanh, hương, vị, xúc, ở thế gian có thể mê hoặc người đời, xui khiến sanh lòng ưa muốn. Các món ấy, từ sắc đẹp đàn-ông đàn-bà cho đến tiếng hay giọng tốt, mùi thơm vị lạ, vân vân. Đều có thể  làm cho người đời mê đắm, sanh nhiều tội lỗi, nên cần phải phát-tâm lánh xa,  không ưa muốn nữa.

      Muốn ly-dục, người niệm Phật phải xem cõi đời là cõi tạm và hàng ngày phát nguyện cầu sanh về Tịnh-độ.

 

IV - TRỪ PHIỀN NÃO

      Một cái ly nhớp dầu đựng nước trong, nước ấy cũng hóa ra đục; người niệm Phật, nếu không trừ phiền-não, thời dầu niệm bao nhiêu cũng hóa ra niệm chúng sanh cả. Vậy nên người niệm Phật cần phải phát-tâm dứt bỏ các phiền-não. Phiền-não tuy nhiều, nhưng rút lại cũng không ngoài sáu món:

Tham: Tham nghĩa là cái chi mình ưa thì muốn cho có; đã có thì khư khư giữ chặt, lại muốn cho có thêm xấp năm xấp bảy.

Sân: Sân là lòng bất-bình với những việc không hợp ý, thường phát sanh ra thù hiềm hờn giận.

Nghi: Nghi là nghi ngờ dụ dự: hoặc nghi các pháp sâu xa mình không thể chứng được hoặc nghi  mình nghiệp-chướng nặng nề không thể tu đặng.

Mạng: Mạng là kiêu-mạng: Hoặc vì mình hơn mà khinh người, hoặc vì mình đồng với người hay mình thua người mà nghĩ là mình hơn, hoặc biết mình thua người mà vì chỗ thua của mình, sanh ra lòng kiêu-mạng, không chịu kính nhường. Mà nhứt là chưa hiểu đã tự cho là hiểu, chưa ngộ đã tự cho là ngộ, chưa chứng đã tự cho là chứng, tự tôn tự đại, không chịu tham học kinh-điển, không chịu hỏi han những bậc thiện-tri-thức, ôm cái mê lầm mà tự hại mình, lại hại đến người khác.

Si: Si nghĩa là si-mê. Si-mê có nhiều món:

a) Si-mê theo thói quen, nghĩa là mê theo rượu chè cờ bạc, theo thuốc phiện, theo thuốc lá, theo nước mắm, theo ớt và các thói quen khác đến nỗi ghiền-nghiện  không thể rời bỏ.

b) Si-mê theo văn chương, chỉ lo ngâm  thơ làm phú, ti ti rung đùi cùng trăng thanh nước biếc.

c) Si-mê theo học-thuật-thế-gian, chỉ chấp theo những học-thuật giữa đời mà không chịu tham-học  chơn-lý.

d) Si-mê theo Phật học, chỉ học thuộc những câu khẩu-đầu-thiền, chỉ tầm chương trích cú, mà không chịu tham-cứu nghĩa lý.

e) Si-mê theo giấc ngủ, theo sự lười biếng.

g) Si-mê theo sự hành-động. Thân chỉ tưởng đi chơi chỗ này chỗ khác không chịu ở yên; miệng chỉ ưng cãi cọ lý lẽ, ca hát ngâm nga; tâm-thần chỉ ưng nghĩ việc này sang việc khác, không định vào một chỗ, đều là những lối si-mê theo sự hành-động.

Si-mê theo sự tín-ngưỡng, nghĩa là dầu biết sự tín-ngưỡng của mình không hiệp lý, nhưng cũng cứ nắm bắt chỗ tin sai lầm không chịu thay đổi.

 

 Mê chấp: Mê-chấp có hai món là Pháp-chấp và ngã-chấp.

 

a) Pháp-chấp là chấp những sự vật thấy được biết  được là thiệt  có mà không rõ toàn-thể các pháp đều do nghiệp-thức biến hiện, chỉ vì nghiệp mình là nghiệp người nên hóa ra thấy có cảnh-giới của nghiệp người đó thôi.

b) Ngã-chấp là chấp thiệt có cái ta mà không biết cái ta là giả dối không thiệt, chỉ nương với hoàn-cảnh nên in tuồng là có, chớ không phải thiệt có.

 

Sáu món phiền-não vừa nói trên cần phải dứt  sạch cho tột nguồn tột gốc. Khi mới phát tâm phải quyết định bỏ hẳn như nước miếng đã nhổ ra rồi; đến khi nó muốn phát-khởi trở lại thời phải tự nghĩ không lẽ liếm lại nước miếng đã nhổ mà đoạn trừ cho cùng tột  tất cả các phiền-não.

 

V - ĐIỀU HÒA

      Người niệm Phật, trong khi phát-tâm cầu Phật-pháp đặng thóat ra khỏi vòng sanh tử và cứu độ chúng sanh, cần phải giữ lòng quyết định mạnh mẽ, không kể sống chết, chuyên giữ một niệm là niệm Phật thời nhứt định chỉ nhận một cái chơn-như Phật-tánh trùm khắp ba đời mười phương, trong ấy bản-lai vốn không có thế giới chúng sanh, làm sao còn có đặng những món phiền-não!

      Những người muốn niệm Phật, trước hết cần phải  điều hòa thân tâm cho thơ thái thời trong sự tu hành mới mau có hiệu-quả. Những lối điều-hòa thân tâm kể ra sau nầy:

 

      1. Điều hòa sự ăn uống: Ăn uống cốt nuôi thân cho sống để mà tu tập. Nếu ăn quá no thì sanh ách, thân thể nặng nề, hơi thở mạnh gấp, ngồi niệm không yên. Nếu ăn quá ít thì mình gầy bụng đói, ngồi niệm cũng không bền được. Lại vì những vật hôi nhớp thường làm cho tinh-thần mê mẫn, những vật khó tiêu thường hay sinh bệnh, nên các người tu hành cần phải ăn uống cẩn thận chừng đổi thời mới an tâm vui lòng mà đêm ngày  trì-niệm.

 

      2. Điều hòa giấc ngủ: Vẫn biết khi ngã-chấp chưa hết, còn nhận thân nầy là thân của mình, thì đến khi mỏi mệt tất phải buồn ngủ;  nhưng người tu niệm cần phải tập ít ngủ để cho tâm-thần thường được sáng suốt. Khi tập, nếu  có buồn ngủ thời phải nghĩ: thân người là vô-thường, có sống đặng bao lăm, nếu không lo tu tập, chỉ lo ngủ cả đời, thời biết bao giờ cho thành đạo chứng quả.

 

      3. Điều hòa thân-thể: Người tu niệm muốn ngồi  niệm Phật được lâu, cần phải liệu thế mà ngồi cho thân-thể được phần thư-thái. Chỗ ngồi phải mềm mại êm đềm, dầu ngồi lâu bao nhiêu cùng không tê không nhức. Như ngồi bán-già thì xếp chân, để bắp chân mặt trên bắp chân trái (hoặc chân trái trên chân mặt), kéo lại cho sát bên mình, ngón chân ngang bắp vế. Rồi mở rộng cổ áo, thắt lưng, để bàn tay mặt trên bàn tay trái, rồi xếp hai cánh tay sát bên mình. Tay chân để y vậy, uốn mình năm, bảy lần cho giãn xương cốt, rồi ngồi thẳng lưng, không cong đằng trước, không ngửa đằng sau. Sau rồi sửa đầu cho thẳng, sóng mũi ngay hàng với rún, không xiên bên này bên kia. Mặt ngó thẳng ra trước, không cúi xuống, không ngưởng lên; con mắt nhắm lại vừa không thấy ánh sáng bề ngoài thời thôi. Phải ngồi yên như vậy, vững vàng như ngọn núi, mình đầu tay chưn không được lay động.

 

      4. Điều hòa hơi thở: Khi vừa ngồi thẳng chưa nhắm mắt, nên hít không khí vào nơi lỗ mũi, rồi hả miệng thở ra chậm chậm; thở hai ba lần như  vậy rồi mới nhắm mắt. Đến khi ngồi im phải soi xét hơi thở, đừng cho mạnh gấp có tiếng, đừng cho bức-tức không thông, đừng cho thô-phù không êm, phải thở một cách thông suốt nhẹ nhàng êm đềm kín đáo như hơi thở con rùa. Hơi thở điều-hòa được rồi mới khởi sự niệm Phật.

 

      5. Điều hòa tâm-trí: Điều-hòa tâm-trí tức là niệm Phật. Niệm Phật nên niệm khoan  thai, mỗi hơi thở chừng một hai chữ; tai phải chăm chú nghe tiếng niệm Phật.

      Trong khi chuyên-chú niệm Phật, như thấy tinh-thần lóng nghe không rõ ràng, đầu muốn gục xuống thì phải để tâm nơi lỗ mũi mà niệm. Còn khi nghe tâm muốn loạn động thân không yên ổn, nghĩ nhớ việc ngoài, thời phải để tâm nơi rún mà niệm đặng trừ các loạn tưởng. Khi nghe trong ngực hơi tức thì phải bớt chuyên-chú để cho tâm được khoan thai. Khi tâm trí hơi nhác, mình muốn  ngửa nghiêng hoặc miệng chảy nước miếng, thời phải chuyên-chú nhiều thêm để đối-phó. Hễ có bịnh gì thì trừ bịnh ấy, đến khi hơi thở nhẹ nhàng, thân-thể điều hòa, tâm niệm chuyên-chú về nơi niệm Phật không tán loạn, thì lần lần vào được thiền-định.

      Ngồi niệm như vậy càng lâu càng tốt. Khi muốn thôi niệm thì phóng tâm không chuyên-chú nữa, mở miệng thở vài ba hơi dài, lắc mình nhẹ nhẹ vài ba lần cho huyết lưu thông; rồi uốn vai, uốn lưng, lần đến tay, đến đầu, cổ và đến hai chân; lấy  hai tay thoa cùng cả mình, xoa tay cho nóng mà hấp hai con mắt rồi từ từ mở mắt. Đợi một chặp cho trong mình bớt nóng thì mới đứng dậy. Nếu đứng dậy gấp thì hay sanh chứng nhức đầu, chân tay hay tê nhức, về sau khó ngồi lâu được.

      Người  tu niệm cần phải giữ đủ các phép như vậy mà tu trì; đến như cảnh giới trong định thì gặp cảnh giới gì cũng phải lấy tâm bình-thường  mà đối-phó, chẳng nên tự nghĩ là chứng  là ngộ mà mang tội tăng-thượng-mạng. Lại thường thường cần phải coi mục "Ngũ-ấm-ma" trong kinh Lăng-Nghiêm, hoặc hỏi han những bực thiện-tri-thức, mới  chắc khỏi những điều lầm lạc.

      Nam-mô A-Di-Đà Phật, những điều dặn trên đây đều theo phương pháp trong Tiểu-chỉ-quán của Ngài Thiên-Thai chớ không phải lời hung ức của chúng tôi; người đồng nhơn gắng noi theo mà tu  niệm, đặng cùng nhau đồng sanh về Tây phương Cực-Lạc thế giới.

                       

VIÊN ÂM TẠP CHÍ   (1934)

 

      ( Độc giả so sánh văn chương bài Giới thiệu về Tịnh độ tông viết năm 2000 với bài Năm điều quan yếu tu tập pháp môn tịnh độ viết năm 1934 của Viên Âm Tạp chí. Chúng ta thấy tiếng Việt của chúng ta bước một bước khá dài trên con đường chuẩn mực trong sang ).

 


Âm lịch

Ảnh đẹp