Con đường nhỏ trưa này
Lâu lắm rồi tôi mới lại ngồi xuống chiếc bàn viết nhỏ của mình. Tôi nhớ
chiếc khung cửa sổ chứa bầu trời xanh ngoài kia. Tôi nhớ cái không gian
bốn mùa chuyển biến theo năm tháng. Nhớ những ngày mát trời tôi thường
mở tung cửa sổ cho nắng và gió vào đây, nằm im thành những vệt sáng trên
bàn hoặc thỉnh thoảng lật vội vã vài trang kinh cũ. Bạn biết không, gió
của mỗi mùa đều có một mùi hương riêng. Vào mùa hạ gió mang một mùi nồng
ngây ngây của lá cỏ hong nắng. Tôi nhớ mùi lá chín mục ẩm ướt ướp trong
gió lành lạnh vào mỗi cuối thu. Mùa xuân, gió chở đầy hương bụi phấn
hoa. Thời gian trôi ra vào căn phòng viết nhỏ của tôi mang theo cả một
không gian mênh mông ngoài kia.
Hạnh phúc và đổi thay
Chiều hôm qua, tôi và đứa con gái năm tuổi ngồi chơi sau sân nhà. Nó
chạy loăng quăng dẫn đứa em trai hai tuổi của nó đi hái những chiếc bông
vàng bỏ vào giỏ. Chơi một hồi bỗng nó chạy lại hỏi tôi: “Ba, sau khi ba
chết rồi ba với má sẽ đi đâu?” Và nó muốn biết là nó sẽ còn gặp lại tôi
hay không. Tôi mỉm cười nhìn nó trả lời. Nó có vẻ hài lòng lắm, cười toe
toét và rồi lại rủ đứa em nó chạy đi nơi khác. Chiều có nắng nhuộm đỏ
cam hàng cây cao đứng sau nhà và vàng cả sân tôi. Có những lúc tôi cảm
thấy mình không phải làm gì hết, chỉ muốn ngồi cho thật yên.
Đời sống chung quanh ta đôi khi có những mất mát lớn và có những đổi
thay nho nhỏ. Trong đó có hạnh phúc và khổ đau. Dầu ta có cố gắng làm gì
đi chăng nữa, đời sống vẫn phải đổi thay, vì nó là vậy. Tôi ít còn cảm
thấy xúc động nhiều khi nhìn một hạnh phúc đi qua, vì tôi ý thức rằng
qua không có nghĩa là mất. Nhìn cho kỹ thì cuộc đời được làm bằng những
hạnh phúc nhỏ, nếu ta cứ khư khư ôm giữ lấy một hạnh phúc thôi thì có lẽ
thiệt thòi cho ta nhiều lắm.
Mấy đứa con của tôi giờ cũng đã chóng lớn. Nhớ mới ngày nào đây tôi vẫn
còn bồng ẵm đặt chúng vào nôi. Có nhiều lần tôi ngồi yên nhìn chúng chơi
với nhau, ánh mắt ngây thơ của chúng tô đẹp cuộc sống. Chúng nó giờ mỗi
đứa cũng đã bắt đầu có một tâm tánh riêng, như ta thuở nào. Tôi hiểu bạn
muốn nói gì, nhưng đôi khi tôi thấy những gì tôi muốn nói với chúng
nhiều khi thật sự không cần thiết. Chúng rồi sẽ lớn và trưởng thành như
tôi, như bạn, như những cây tùng, cây anh đào ngoài sân nhà. Chúng ta có
làm gì khác hơn đâu? Tôi nghĩ, làm cha mẹ là sự tu học của một đời.
Cũng đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp đi lại con đường nhỏ quanh bờ hồ nơi
tôi làm. Con đường thiền hành xưa, lâu ngày bước lại thấy mới tinh. Bầu
trời có hàng cây cao đổ bóng mát, có nắng ấm, gió khởi lên theo mỗi bước
chân tôi làm gợn sóng mắt hồ. Tôi đi ngang qua một bụi cây nhỏ ríu rít
tiếng chim hót, ngồi lại trên một chiếc ghế gỗ nhìn mây và nước lặng
yên.
Mấy tuần bị ốm, tôi được dịp tiếp xúc lại với hạnh phúc của mình. Tôi
nói hạnh phúc vì nó có bao giờ nằm ngoài khổ đau đâu bạn. Những hạnh
phúc thật sự của ta, nó tầm thường và bình dị hơn ta nghĩ nhiều lắm.
Hạnh phúc là những gì bạn đang có trong giờ phút này. Bạn chắc cũng có
những hạnh phúc nho nhỏ. Đừng xem thường chúng bạn nhé, chúng bao giờ
cũng sâu sắc hơn ta tưởng. Sau những ngày bệnh, nếm lại được một tách
trà thơm, được đứng thẳng người dậy, được bước chân ra ngoài, được nhìn
cây lá... tôi cảm thấy hạnh phúc lắm.
Con đường nhỏ trưa này
Tôi nhớ câu chuyện về thiền sư Đạo Nguyên. Một hôm, vị thầy của ngài Đạo
Nguyên thấy ông đang ngồi học kinh, liền hỏi ông học kinh để làm gì. Đạo
Nguyên đáp: “Dạ, con học vì muốn biết các vị tổ ngày xưa đã làm gì.” Vị
thầy hỏi: “Chi vậy?” Đạo Nguyên đáp: “Vì con muốn được thoát khỏi khổ
đau của kiếp người.” Vị thầy lại hỏi: “Chi vậy?” “Vì con muốn cứu giúp
mọi loài trong cuộc đời này, chúng sinh có nhiều khổ đau quá!” “Chi
vậy?” Vị thầy hỏi tiếp. “Rồi một ngày nào đó con sẽ trở lại quê hương
con, con muốn giúp dân làng của con.” Vị thầy lại hỏi: “Chi vậy?” Sau
cùng, Đạo Nguyên câm lặng, ngài không còn gì để nói nữa hết.
Bạn nghĩ sự thinh lặng của ngài Đạo Nguyên ấy là gì? Tôi nghĩ vị thầy đã
giúp ngài trở về tiếp xúc lại với cái nguyên nhân sâu xa nhất của ông.
Cái nguyên nhân ấy thật ra không có một lý do nào để diễn đạt hết, vì
chúng đều sai sự thật. Ta chỉ có thể ngồi thật yên để thấy thôi phải
không bạn! Sự tu tập của ta chỉ có thể có nghĩa là ta phải thật sự có
mặt trong giây phút hiện tại này. Nếu bạn thật sự muốn mình được là
những gì mình muốn, bạn hãy có mặt trong bây giờ và ở đây. Chỉ cần đứng
thẳng lên vững vàng trong giây phút hiện tại, thái độ ấy sẽ mở ra cho
bạn thấy những gì mình cần phải làm. Và sự tu tập của ta bắt đầu từ hành
động đó.
Tôi không nghĩ ta có thể sống trong cuộc đời này mà hoàn toàn giải thoát
được những khó khăn hoặc khổ đau. Chúng ta có thể tin và quan niệm đó là
mục tiêu của sự tu tập. Nhưng đôi khi chính quan niệm ấy lại mang đến
cho chúng ta những khổ đau không cần thiết. Chúng có thể dẫn đến một sự
trốn tránh khổ đau hơn là đối diện và chuyển hóa nó.
Và cũng vì vậy, tôi không thể nói rằng tôi tu tập là vì tôi muốn được
hạnh phúc, được khoẻ mạnh. Vì tôi biết mình sẽ không thể nào khoẻ mạnh
và hạnh phúc mãi. Khổ đau là khi ta tự đặt cho sự tu tập của mình một
mục đích. An lạc là vấn đề tiếp nhận chứ không phải kết quả của một sự
tìm kiếm. Bạn hãy nhìn lại cuộc sống của bạn đi. Chúng ta đã có biết bao
nhiêu những nỗi vui, buồn, thuận, nghịch, thành công và thất bại. Nhưng
ta vẫn sống và thở. Vì bản chất của ta là an lạc. Nhưng đôi khi chúng ta
cũng cần phải biết mở rộng ra để tiếp nhận những hạnh phúc chung quanh
mình. Chúng có thể nuôi dưỡng và nhắc nhở ta nhiều lắm.
Tôi muốn rủ bạn đi chung với tôi trên con đường nhỏ buổi trưa này. Dấu
tích của mùa Đông mấy tháng trước đã hoàn toàn nhạt phai. Cây cầu gỗ bắt
ngang một con rạch nước nhỏ dẫn ra hồ, hai bên bờ cây lá um tùm. Có
những ngày im gió, mặt hồ phẳng lặng như một tấm gương. Tôi thấy mây
trắng thong dong trôi trong lòng nước. Chúng ta sẽ tập đi những bước
chân cho thật yên. Những lúc ấy, hạnh phúc là vậy và chỉ có thể là vậy
thôi bạn nhỉ. Tôi thấy được đời sống của mây, nước, của những viên sỏi
nhỏ dưới chân, của những chiếc lá vàng khô của mùa thu trước, bên bờ hồ
sóng vỗ nhẹ.
Có những lần sau một buổi đi dạo, trở về tôi thấy đời sống thật an ổn.
Bạn hãy thử tập đặt những bước chân thật yên trong hiện tại đi. Chắc nơi
bạn ở cũng phải có một con đường thiền hành thật đẹp nào đó, có mây
trắng, gió mát, nắng ấm và lá xanh. Hạnh phúc và khổ đau chỉ là những ý
niệm. Và khi ta tiếp xúc với thực tại thì ý niệm hoàn toàn không cần
thiết.
Một người bạn kể cho tôi nghe, có một lần chị lên núi cao vào buổi sáng
sớm, chị bất ngờ được nhìn một mặt trời bình minh đỏ thật huy hoàng.
Không gian thênh thang trong giây phút ấy chỉ có một mình chị, trời và
núi. Trở về với đời sống hằng ngày chị vẫn nhớ mãi hình ảnh ấy.
Cuộc đời có những cái hay, cái đẹp chân thật cho dầu ta có mặt để chứng
kiến hay không. Dầu bạn có đang mang một khổ đau nào đó, cuộc đời này
vẫn có một thực chất an ổn và hạnh phúc. Bạn chỉ cần mở lòng ra để tiếp
nhận mà thôi. Tôi nghĩ, nếu những hạnh phúc mà ta đang có trong tay vẫn
là chưa đủ, thì có tìm kiếm thêm bao nhiêu nữa cũng sẽ không bao giờ là
đủ đâu bạn nhỉ!
Bước đi bằng một sơ tâm
Tôi nghĩ mỗi người chúng ta cần có một ngày cho riêng mình. Một ngày mà
ta sẽ không cần nghĩ gì đến ngày mai hoặc quá khứ. Gia đình, bạn bè,
công việc... chắc chắn sẽ vẫn còn đó, đứng vững, tồn tại mà không cần
ta. Một ngày mà ta không cần phải lo giải quyết hoặc tìm kiếm giải pháp
cho một vấn đề nào hết. Chúng ta sẽ đi trong thiên nhiên, đến ngồi bên
những chiếc ghế đá công viên, xem lá đổi màu, nhìn hoa nở, mây bay hoặc
ánh mắt thơ ngây của những em bé, trong một thời gian không bao giờ hết,
tiếp xúc với sự sống đang có mặt chung quanh ta. Một ngày như vậy chắc
chắn sẽ làm tươi mới lại con người của mình.
Tôi nghĩ các khóa tu học là một dịp rất tốt để ta có được những ngày vô
sự như thế. Những ngày ta có thể nhìn lại hiện hữu chung quanh mình bằng
một con mắt mới. Thiền sư Shunryu Suzuki có nói đến sơ tâm, tức bản tâm
của một người mới bắt đầu, nó giúp ta kinh nghiệm được mỗi giây phút như
là mới tinh. Bạn biết không, cái thấy của ta bắt đầu trở nên giới hạn
khi ta không còn thấy cuộc sống này, những gì đang xảy ra chung quanh
mình, là nhiệm mầu nữa. Chính cái thấy giới hạn ấy đã che giấu, không
cho ta tiếp xúc được với thực tại. Có những người nói rằng, sau một thời
gian đi các khóa tu, họ không còn cảm thấy hạnh phúc và an lạc như buổi
ban đầu nữa! Tôi nghĩ có lẽ đâu đó trong sự tu tập, cái sơ tâm ngày nào
của họ đã bị phai mờ. Trên hành trình tu tập của ta, mỗi bước chân đều
phải là bước đầu tiên bạn nhỉ.
Trong những khóa tu, nếu có dịp, bạn nên ra ngoài thiền đường, tìm một
con đường nhỏ để đi thiền hành, để những bước chân của bạn làm dậy những
làn gió mát. Những bước chân an tĩnh sẽ làm tĩnh lặng không gian và tâm
thức. Vạn vật sẽ trở thành mới tinh.
Câu chuyện của ngài A-nan
Một hôm đức Phật bảo ngài A-nan: “Sắp đến giờ ăn rồi, thầy hãy cầm bình
bát vào thành khất thực đi.” A-nan thưa: “Dạ.” Phật nói: “Thầy cầm bình
bát đi khất thực, phải nhớ theo đúng nghi thức của chư Phật bảy đời
trong quá khứ.” A-nan hỏi: “Thưa, thế nào là nghi thức của bảy đời chư
Phật?” Phật gọi: “A-nan!” “Dạ.” Phật bảo: “Thầy hãy cầm bình bát đi đi!”
Tôi nghĩ những bước chân của ngài A-nan chắc phải là vững chãi và thảnh
thơi lắm. Hãy cứ cầm bình bát mà đi! Chúng không thể còn là ý niệm nữa
mà phải là một thực tại sáng tỏ.
Sau mấy ngày bệnh, bước ra ngoài tôi thấy những cụm mây trắng trong hơn,
những chiếc lá xanh hơn, những viền nét rõ ràng hơn. Đứa con gái tôi
chạy chơi trên sân, hái những bông cỏ vàng đem chia cho em nó đang đủng
đỉnh theo sau. Đối với chúng, hoa nào cũng đẹp, chiếc lá khô nào cũng
hấp dẫn. Có lần nhặt được đâu đó một cành cây khô nhỏ rất tầm thường,
nhưng nó quý lắm, bắt tôi phải cất giữ cho nó. Tôi về để trên đầu tủ
sách của mình. Lâu rồi chắc nó cũng đã quên. Nhưng tôi vẫn còn cất giữ
cho nó. Có lẽ một ngày nào đó lớn khôn rồi, đứa con gái tôi sẽ không còn
mê chơi với những hoa vàng cỏ dại. Ngày ấy tôi sẽ mang cành cây khô ngày
xưa trả lại cho nó. Biết đâu rồi nó sẽ tìm lại được một hạnh phúc của
ngày xưa. Còn bạn và tôi, chúng ta có còn nhớ được hạnh phúc ngày nào
của mình không hở bạn?