Ý thức sự sống
Tháng mười hai, trăng rằm mười sáu thật to. Trăng tròn đứng yên trên đầu
hàng cây soi sáng con đường phủ đầy lá ướt vào nhà. Đang đêm mà tôi vẫn
có thể thấy được bóng của những cây thông đổ dài trên sân cỏ. Cái lạnh
mùa đông làm không gian có vẻ tịch nhiên, ánh trăng thêm vằng vặc. Trong
văn chương thiền người ta thường nói nhiều đến trăng! Chắc có lẽ vì
trăng bao giờ cũng an tĩnh, lặng lẽ sáng soi trong đêm tối.
Trời tháng mười hai, không gian chuyển sang mùa lạnh. Con đường buổi
sáng đầy khói sương mù. Mùa đông đêm dài. Vào những ngày rằm, trăng thật
sáng. Có những lần ngồi thiền một mình trong phòng, lúc mở mắt ra tôi
chợt nhìn thấy ánh trăng chiếu vào kệ sách ở góc phòng, tự bao giờ.
Những lúc ấy tôi có cảm tưởng như mình có dịp đối diện với một sự trống
không, thinh lặng bí mật nào đó. Một thứ tịch tĩnh nhưng không là cô
đơn. Một hạnh phúc an nhiên.
Bận bịu cuộc đời
Hôm qua tôi có dịp ngồi nói chuyện với một người bạn. Chúng tôi nói
chuyện trời đất, bốn mùa. Anh bạn bảo tôi rằng khoảng chừng năm mươi
tuổi anh sẽ nhất định bỏ hết chuyện đời để lo tích cực tu hành. Anh nói
bây giờ tuổi còn trẻ, việc đời bận bịu quá, anh khó có thể nào ngồi yên
được! Nghe anh nói, tôi chợt nghĩ, tu hành có nghĩa là ngồi yên chăng?
Mà nếu trong giờ phút này mình đã không ngồi yên được, thì hai, ba mươi
năm nữa, lý do gì mình sẽ có thể ngồi yên được? Thời gian qua chóng lắm,
hai, ba mươi năm nữa cũng chẳng là lâu.
Ở Tây phương, những thiền viện được xây trên các vùng đồi núi thật đẹp,
có những bãi cỏ chạy tít chân trời, có rừng cây xanh mát. Ở bên đây
người ta có rất nhiều phương tiện để tu tập. Trong truyền thống Phật
giáo Nguyên thủy, các vị thiền sư thường mở những khóa thiền kéo dài
nhiều tuần để hướng dẫn các thiền sinh đến tu tập. Những khóa thiền này
rất tích cực, thiền sinh thường phải thức dậy thật sớm mỗi ngày vào lúc
bốn, năm giờ sáng và chỉ đi ngủ sau mười giờ đêm. Chương trình được chia
thành những buổi tọa thiền và đi kinh hành xen kẽ nhau. Thiền sinh được
yêu cầu tuyệt đối giữ im lặng và lúc nào cũng phải theo dõi hơi thở và
từng hành động của mình trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, đánh
răng, rửa mặt...
Sau những khóa thiền tích cực nhiều ngày, ta có thể nhận thấy sức chánh
niệm của mình tăng trưởng và sự an lạc cũng sâu xa. Nhưng có phải chuyện
tu tập là từ bỏ hết những bận bịu của cuộc sống hằng ngày để được vĩnh
viễn ngồi yên một mình? Hay như người bạn tôi nghĩ, cuộc đời có hai giai
đoạn rõ rệt: trong cuộc đời và ra khỏi cuộc đời. Nếu mình cứ mặc tình
lăn trôi trong phố chợ, rồi một buổi sáng ta sẽ có thể rũ bỏ hết bổn
phận và nhẹ nhàng bước chân ra khỏi cuộc đời được sao!
Cuộc sống không biệt lập
Thật ra thì tôi không biết có ai có thể hoàn toàn độc lập tự mình tu mà
bất cần đến hoàn cảnh xã hội chung quanh! Và tôi cũng không biết có ai
có thể sống giữa cuộc đời này mà hoàn toàn không cần đến một nơi nương
tựa, ẩn náu cho tâm hồn mình! Sự sống và sự tu tập của ta, bạn không thể
nào ngăn chia ra làm hai được. An lạc và giải thoát đâu phải là một nơi
chốn nào mình sẽ đi đến, mà nó chính là con đường mình đang đi bây giờ,
phải không bạn? Tôi nhớ có một vị thiền sư viết bốn chữ Nho “dục an tắc
an” trên chụp đèn để trên bàn viết của mình. Câu ấy có nghĩa là “nếu
mình muốn có an lạc thì mình sẽ được ngay an lạc” trong giờ phút này,
chứ không phải chờ đến ngày mai, hay hai ba mươi năm nữa!
Tôi nhớ những buổi sáng ở thiền viện, có tiếng chim hót, có ánh nắng ấm
mặt trời chiếu tan sương mù bên ngoài cửa sổ. Sau một tuần thiền quán,
thực tập chánh niệm, không gian chung quanh bỗng dưng trở nên tươi mới
hơn. Vào ngày chót, thầy khuyên chúng tôi đem sự hành thiền của mình trở
về với đời sống. Tôi thường cho rằng ngồi thiền từ sáng đến tối là một
chuyện khó làm, nhưng thật ra ngồi thiền cho đều đặn mỗi ngày mới là một
chuyện khó bội phần hơn. Nhất là khi chung quanh ta có trăm ngàn việc
đòi hỏi sự chú ý của mình. Khóa thiền nhiều ngày giúp tôi thấy được sự
quan trọng và cần thiết của việc thực hành đều đặn mỗi ngày.
Sự tu tập của ta không thể nào là một việc làm biệt lập với sự sống.
Ngày bước chân vào thiền viện tôi ý thức được ngày mình sẽ bước chân trở
về với những bận rộn của đời sống. Tôi phải biết đem những an lạc, tươi
mát của tôi từ thiền viện vào với cuộc đời.
Ý thức được sự sống
Bạn có bao giờ thắc mắc, tự hỏi về ý nghĩa của cuộc đời là gì không? Bạn
có thật sự biết mình mong muốn gì trong cuộc đời này không? Tiền bạc,
danh vọng, sự nghiệp, nhàn hạ, sức khỏe chăng? Nếu bạn được ban cho cái
mà mình nghĩ rằng mình thật sự muốn đó, bạn có nghĩ là rồi mình sẽ được
hạnh phúc không? Ông Joseph Campell nói rằng, điều mà chúng ta muốn thật
ra không phải là những điều tôi vừa kể, nhưng những việc ấy giúp ta kinh
nghiệm và ý thức được sự sống của mình. Vì nhiều khi chúng ta đeo đuổi
những ham muốn, tạo dựng sự nghiệp, hoặc đi tìm những cảm giác khác
thường cũng không ngoài một mục đích ấy: để cảm nhận được rằng mình đang
sống. Ông muốn nói, cái mà bạn thật sự muốn chính là: kinh nghiệm được
sự sống này!
Mỗi năm tôi đều có dành ra một thời gian để đi tham dự các khóa tu.
Những khóa tu học nhiều ngày rất quan trọng. Nhưng sự tu tập thật sự bao
giờ cũng là ở giờ phút hiện tại này đây. Tôi vẫn cố gắng tạo cho mình
một thói quen là đi ngồi thiền vào mỗi tối. Sau một khóa thiền nhiều
ngày thì thời gian nửa tiếng hay một tiếng mỗi ngày thật ra chẳng có là
bao nhiêu. Nhưng nó rất là cần thiết. Nó giúp tôi dừng lại để nhìn, để
nghe, để cảm nhận và ý thức được rằng chính sự sống của mình là quan
trọng hơn cả.
Chánh niệm
Có lần, một người trong đại chúng hỏi thiền sư Nhất Hưu (Ikkyu): “Xin
ngài viết cho tôi vài câu phương châm của trí tuệ cao tột nhất.” Nhất
Hưu cầm bút lông viết “Chánh niệm”. Người đàn ông cầm lên đọc rồi nói:
“Chỉ có vậy thôi sao? Ngài có thể viết thêm điều gì nữa không?” Nhất Hưu
cầm bút viết thêm: “Chánh niệm. Chánh niệm.” Người đàn ông có vẻ hơi khó
chịu: “Thật tôi không thấy những gì thầy mới viết đó là cao siêu hay
minh triết ở chỗ nào hết!” Nhất Hưu lại cầm bút lên viết thêm: “Chánh
niệm. Chánh niệm. Chánh niệm”. Người đàn ông bây giờ thì lộ vẻ hơi giận
hỏi: “Ngài cứ viết ‘Chánh niệm’, mà ngài muốn nói nghĩa gì chứ?” Nhất
Hưu nhìn người đàn ông và từ tốn đáp: “Chánh niệm có nghĩa là chánh
niệm.”
Chánh niệm có nghĩa là có ý thức được sự sống mình, biết rõ những gì
đang xảy ra trong ta và chung quanh ta. Những khóa tu học tích cực nhiều
ngày giúp tôi nhận thấy được những gì đang xảy ra trong thân tôi, tâm
tôi. Đối diện với những khổ đau của cuộc đời giúp tôi hiểu được những gì
đang thật sự xảy ra chung quanh tôi. Cả hai phương diện ấy đều cần thiết
cho sự giác ngộ, chúng giúp tôi ý thức được sự sống của chính mình.
Chánh niệm nhỏ thì giác ngộ nhỏ. Chánh niệm lớn thì giác ngộ lớn. Đó là
công phu tu tập của cả một đời người.
Trời mùa đông, đêm sáng trăng tĩnh lặng. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Cơn
mưa mấy hôm trước khiến những lá vàng ướt trước sân nhà tràn ngập ánh
trăng. Nén hương thơm tôi thắp trên bàn đã tắt. Tôi đi mở thêm chút sưởi
cho ấm căn phòng.