31. Nghiệp cũ
Ngày xưa tại Kashmir có một tu sỹ Phật giáo tên Mirathi. Nhờ tu tập
thiền định lâu ngày, Mirathi có một số năng lực đặc biệt. Học trò của
Mirathi kể là ông có thể đứng trên không và xuất hiện một lúc ở nhiều
nơi khác nhau. Ông có tài đọc ý nghĩ của người khác, kể tiền kiếp của
người ta ra hoặc đoán biết những gì sắp xảy ra.
Mirathi kiên trì giữ qui định của tu sỹ Phật giáo là bất bạo động, ăn
chay trường. Sau buổi trưa Mirathi không ăn bất cứ thứ gì nữa cho đến
sang ngày hôm sau.
Một ngày nọ Mirathi nhóm bếp trong túp lều của mình và đổ vào đó các
loại đất đỏ, đất vàng để làm màu nhuộm áo. Vị tu sỹ già đang ngồi khuấy
nồi nước thì có một đám nông dân đi qua, tìm hỏi một con bò chạy lạc.
Một nông dân nhìn nồi nước và la lên: "bây có thấy mấy miếng thịt đỏ,
thịt vàng này không. Tên già này đã bắt con bò làm thịt và đang nấu nồi
xúp”.Các nông dân khác không cần hỏi dài dòng, chụp đầu Mirathi đang im
lặng không nói lời nào và lôi cổ ông về làng.
Vị liên trưởng trong làng kết tội Mirathi ngay đêm hôm đó, không cần
biết đầu đuôi. Người tu sỹ bị xiềng hai chân, nhốt trong căn hầm tối
tăm. Mặc dù học trò của Mirathi kêu oan nhưng người ta vẫn xem là có
tội, vì ông không nói lời gì minh oan, rõ là một sự thú nhận.
Vài ngày sau, một kẻ chăn trừu tìm được con bò bị thất lạc. Một đám đông
ồn ào lập tức tới nhà niên trưởng đòi thả ngay Mirathi. Vị niên trưởng
né tránh trách nhiệm, giao cho cấp dưới thi hành và cấp dưới cho rằng
không phải trách nhiệm của mình rồi lại giao cho người thứ ba, thứ tư.
Cứ thế mà không ai giải quyết cả.
Mirathi cứ chịu cảnh tù ngục như thế, các đệ tử nộp đơn kiện đến nhà
vua. Sáu tháng sau, một học trò mới gặp được nhà vua và trình bày sự
tình, một người vô tội bị giam giữ vì không người nào thấy có trách
nhiệm thả ra.
Nhà vua hoảng sợ khi nghe câu chuyện, vì ông là người tin nơi luật
Nhân-Quả mà người Ấn Độ gọi là “Karma”. Ông tưởng tượng một vị tu sỹ
ngồi tù oan ức, thậm chí chết oan và các người có liên quan phải nhận
lãnh hậu quả trăm lần. Vương quốc của ông chắc là phải chịu thiên tai
bệnh tật. Ngay tức khắc vua ra lệnh thả vị tu sỹ và đưa về kinh đô.
Mirathi gầy mòn chỉ còn bộ xương, được hai người học trò dìu tới trước
mặt vua. Vua đã cho để sẵn ghế ngồi để tu sĩ không quì trước mặt mình.
Vua hỏi: "Làm sao chúng ta có thể chuộc lại nỗi lầm này? Làm sao ta có
thể xin Ngài tha thứ cho? Hay ta cho tất cả những người liên quan đều
chịu lại hình phạt này?
“Không”, Mirathi đáp bằng giọng nói chắc chắn, “Xin Ngài đừng trừng phạt
ai cả. Tôi phải chịu trách nhiệm về cái Khổ của tôi và tôi vui lòng
chịu đựng. Không ai trốn khỏi Nghiệp đuợc cả. Và như Ngài biết, Khổ
chính là kết quả tất nhiên của những hành động sai trái”.
Nhà vua ngạc nhiên hỏi:”Tại sao một tu sỹ cao thượng như Ngài mà còn chịu khổ?”.
Mirathi giải thích với quần thần rằng, trong một kiếp xa xưa, ông là một
tên gây nhiều tội nghiệt. Đặc biệt có một lần ông ăn trộm một con bò.
Bị dân làng đuổi theo, ông chạy vào sân của một ông già, để bò lại đó và
trốn thoát. Ông già bị lên án và bị giam đói sáu ngày liền.
“Vô số đời sống đã trôi qua từ đó”, Mirathi nói, “vô số lần tái sinh đã
để ta trả món nợ này. Nhưng chỉ đến đời này, ta mới lấy được vị trí của
ông già nọ và để tự mình sống được cái cảm giác vô tội mà bị kết án thì
như thế nào. Ác nghiệp của ta như thế đã xong và ta không có gì hơn là
lòng biết ơn sâu xa đối với các người liên quan và không bao giờ có cảm
giác hận thù ai”.
Nói xong, Mirathi cúi đầu chào và trở lại khu rừng mà cách đó sáu tháng
người ta đã bắt ông. Sau đó ông trở thành A-la-hán, là người đã vượt qua
tác động của nghiệp và là người không phải thực hiện điều gì trên cõi
đời này nữa.
32. Hai tên quỷ
Ngày xưa có hai người Bà-la-môn, bên ngoài trông rất thánh thiện nhưng
thực tế lại bị tham dục và giận giữ chi phối rất nhiều. Một người tên là
Pana, người kia là Nava, cả hai sống tại Ma-kiệt-đà(Magadha) Ấn Độ, chỉ
vài trăm năm sau Phật Cồ-đàm.
Hai người này ngày càng lộng hành, càng có thế lực và ham thích quyền
lực, cả xứ Ma-kiệt=đà ai cũng sợ hãi. Họ là tác giả của nhiều vụ cướp
của, giết người và tra tấn, chiếm đoạt của cải. Mãi đến khi quân lính
của nhà vua bắt được và tống giam hai tên này vào ngục thì dân chúng
trong vùng mới thở phào nhẹ nhõm và bắt đầu xây dựng lại cuộc sống.
Dần dần ngưòi ta quên đi Nava và Pana vì cũng không ai nghĩ trong ngục
thì hai người này làm được gì nữa. Thực tế lại là trong sự cô quạnh ngực
tù, hai người này lại càng rơi vào thế lực đen tối của cái ác và cả hai
đều nguyền rằng sau khi chết sẽ được tái sinh làm quỉ vương Yakscha.
Các của cải trộm cướp được, họ nhờ bộ hạ đem tặng các tu sỹ cao cấp, chỉ
với yêu cầu tu sỹ đó cầu nguyện cho người tặng. “mong thay các vị biếu
quà này được toại nguyện, dù tôi không biết đến các vị đó”.
Cầu sao thì được nấy. Pana và Nava chết trong ngục và thần thức của họ
đi vào thế giới ma quỉ. Bây giờ, đối với nạn nhân của họ, hai tên này
trở thành vô hình vô ảnh, tác hại của nó mới là ghê gớm. Không còn bị
thế giới vật chất chi phối, hai quỉ vương này đi vào từng nhà tại
Ma-kiệt-đà, ra lệnh vào những đầu óc chịu nghe va bắt đầu kích thích dục
vọng của dân chúng. Không bao lâu sau, Pana và Nava gây ra một bệnh
dịch tại đó và tìm mọi cách buộc những người có đức hạnh phải ra đi.
Tình hình cứ kéo dài như thế cho đến lúc một kẻ biết nhìn ra sự việc và
nguyên nhân mọi suy đồi trong nước và báo cho vị đạo sư giác ngộ
Savanasika(20)
Savanasika là tổ thứ ba của Phật giáo, lúc đó đã già, nhưng Ngài liền
lên đường đến Ma-kiệt-đà, ngồi thiền quán trong thế liên hoa ở một hang
núi mà hai vị quỉ vương này hay lui tới và vận dụng thần thông gọi họ
đến.
Hai vị này không để đợi lâu. Từ xa họ đã cảm giác hào quang của vị đạo
sư, họ không thích thú lắm nhưng không có cách nào khác hơn là phải đến.
Càng tới gần họ càng cảm thấy căm ghét và muốn ra sức đấu với thứ ánh
sáng này, ánh sáng xuất phát từ Savanasika. Với một đối thủ này, họ có
cảm giác chưa hề gặp.
Trước hang núi, hai vị quỉ dừng lại, vận dụng năng lực của căm ghét lên hang và tác động cho trần hang đổ xuống đầu vị đạo sư.
Savanasika vẫn an nhiên bất hoại trước hang động đổ vỡ và toát ra sự từ
ái của chính tri kiến vô thượng. Hai vị quỉ đâm ra lo sợ, vận dụng sức
công phá thêm một lần nữa rồi lần nữa nhung vị đạo sư vẫn ngồi yên giữa
đá sỏi bay mịt mù.
Hai vị quỉ đốt lửa, ném thẳng vào vị đạo sư một thân cây cháy hừng. Thay
vì rút lui, Savanasika cho khắp nơi đều biến thành biển lửa và gọi lớn:
"tự tính vốn không lay chuyển: không bị lực nào phá huỷ, không lửa nào
đốt cháy, không vật nào ngăn ngại”.
Nhưng dù tự tính, còn Pana và Nava cảm giác đau đớn vì lửa, lửa đang đốt
cháy thân họ, nóng gấp trăm lần lúc trước, mỗi giây dài như một kiếp.
Họ bò lết van xin Savanasika, thú nhận tội lỗi của mình và xin Ngài chỉ
cho cách thoát khỏi vòng vây hãm của bạo lực và thù hằn.
Trong lúc hai vị quỉ vương phải chịu cái đau đớn mà trước đó họ thản
nhiên gây cho người khác thì biển lửa đã tắt trong chân như. Chân Như đó
không có gì cả mà lại chứa đựng tất cả, từ đó Savanasika đã dùng năng
lực của tư tưởng để lấy ra biển lửa. Sau đó Ngài bắt đầu giảng cho hai
vị quỉ vương nguyên lý cơ bản của Pháp và từ phút đó hai vị này theo vị
đạo sư của mình như hai cái bóng biết sám hối.
Như tất cả mọi hiện tượng thế gian, dạng quỉ sứ của hai vị này một ngày
nào cũng sẽ chết đi và trong phút giây đó. Hai vị đi vào trong một tầng
thiền an lạc, trong đó hai vị cũng không thể lưu trú mãi. Tuy thế, vì
hai vị cũng đã trả ác nghiệp một phần, và vì thành tâm hướng theo ánh
sáng nên cuối cùng hai vị cũng được sinh vào một cõi sáng sủa.
33. Giấc mơ của một vương tử
Tại miền Bắc Ấn Độ cách đây khoảng hai ngàn năm trăm năm có một vương
quốc, do vua Udayi và hoàng hậu Vajra Devi trị vì. Vua và hoàng hậu có
một hoàng tử tên là Vajriputra(21), là người sẽ kế vị.
Vajriputra là một thiếu niên đẹp trai, thông thái và là con cưng của
hoàng tộc. Từ rất sớm, chàng tỏ ra quan tâm tu học tâm linh hơn là việc
cai quản triều đình, là việc mà người ta định trao cho chàng. mới chín
tuổi, chàng đã đặt những câu hỏi chỉ làm cho người khác nhăn trán và gây
phiền muộn vì không có vị tri thức nào trong triều có thể trả lời trôi
chảy.
Rồi như số phận đưa đẩy, ngày nọ vị A-la-hán Katyayana được mời vào
hoàng cung giảng pháp. Cậu thiếu niên Vajriputra chỉ vừa nghe giọng nói
đã xin vị A-la-hán nọ làm thầy của mình.
Vua và hoàng hậu đồng ý cho Vajriputra đến Katyayana tu học. Sau thời
gian thử thách, chàng được nhận làm tăng và thay vì mặc áo lụa, chàng
mặc y vàng của một người tỳ kheo. Sau đó thầy và người học trò cạo đầu
đi tu hành đến một vương quốc láng giềng. Người ta cho rằng, khi từ bỏ
gia đình và sứ xở lên đường, con người đã đi dược một nửa của đọan đường
thánh đạo.
Một buổi sáng nọ Vajriputra đi một vòng khất thực. Chàng đi qua các nẻo
đường nhỏ của kinh đô nước láng giềng này và gặp một phụ nữ còn trẻ,
người này ngoắc chàng đi vào một cái sân tràn ngập những hoa. Chàng ngần
ngừ đi theo. Sau vài bước, chàng đã ở trong sân cung điện của nhà vua
Prakanda, nhưng vì mới đến đây nên chàng không hề biết. Trên các phiến
đá quí, giữa các lùm cây, hoa và tiếng chim hót, các nàng cung nữ đang
giỡn đùa dưới ánh mặt trời ban mai. Thấy một tăng sĩ trẻ tuổi khả ái,các
nàng bật tiếng cười như ngọc và kêu gọi chàng cùng vào ngồi chơi.
Sau một thời gian khất thực, chàng tăng sĩ đói bụng được phục vụ đủ các
món thượng vị, được chiều chuộng săn đón và chàng ở lại lâu hơn mức cần
thiết. Đối với các nàng, Vajriputra thấy cũng nên đáp lễ bằng cách giảng
vài câu kệ về ý nghĩa cuộc đời, khuyên nên từ bỏ tính chất phù phiếm
của cuộc sống vô thường. Ngay cả với các câu hỏi đùa giỡn chàng cũng trả
lời hết sức nghiêm túc.
Trong lúc đó thì hầu cận nhà vua đã báo cáo các chuyện xảy ra trong
vườn. Nhà vua không tin nhưng thân hành đến xem sự thể. Vua núp dưới vòm
cây nhìn vào trong, không có cung nữ nào để ý cả, nàng nào cũng đang
say mê ngắm chàng tăng sĩ và cái miệng nói của chàng. Nhà vua tức giận
quay lại bảo hầu cận: "Đám cung nữ này thì ai chúng cũng mê mệt, còn như
ta đây minh triết hàng trăm lần mà chúng không hay. Để rồi xem”. Rồi
nhà vua cao giọng: "Tu sĩ mà quây quần với đàn bà con gái là hư hỏng
rồi. Cho nó hai chục hèo may ra tỉnh ngộ”.
Lệnh của nhà vua lập tức được thi hành. Sau đó Vajriputra bị đuổi ra
trước cổng thành, mặt mày nhăn nhó vì đau và tức. Chàng thề sẽ trả thù,
sẽ về ngay quê hương đem quân đi phá ngay lâu đài của Prakandas thành
bình địa.
Sau đó chàng về gặp thầy và kể lại câu chuyện.”Con không thể tiếp tục
làm tăng sĩ”,chàng cương quyết.”Con xin thầy cho trả lại trước y vàng và
cho phá mọi hạnh nguyện”.
Katyayana gật đầu đồng ý nhưng khuyên chàng nên nhẫn nhục, đừng thêm một
điều bất hảo bằng một điều bất hảo khác."Hãy nhớ đến lời dạy của đức
Phật Cồ-đàm”, vị A-la-hán đọc:
“Vui mừng hay đau khổ
mất mát hay thành công
tủi nhục hay vinh quang
hãy nhận tất cả với lòng bình thản,
không tham cầu cũng không ghét bỏ.
đó là con đường thoát
khỏi vương quốc của ảo giác”.
Chàng hoàng tử không muốn nghe những điều đó. “không, con đã quyết”,
chàng lầm bầm.-“con hứa hẹn quá nhiều, nếu từ nay chỉ biết bất bạo động
và lòng từ bi. Con phải bỏ lời nguyện này thôi, vì lũ côn đồ phải trả
những cái giá kiêu mạn của chúng”.
Katyayana gật đầu đồng ý, nhưng nhắc chàng rằng trời đã tối. "Con cũng
biết, ban đêm đi rừng thật bất trắc; đợi đến sáng mai hãy về, hãy nhận
phước lành của ta rồi sau đó con muốn làm gì thì làm”.
Vajriputra nghe lời thầy, nán lại một đêm, mỗi lần nhìn chiếc y vàng dính máu, lòng chàng còn hậm hực.
Trong lúc chàng tu sĩ trẻ tuổi ngủ say, vị A-la-hán từ bi dùng năng lực
trí tuệ chuyển cho chàng một giấc mơ nhiều ý nghĩa. Trong giấc mơ,
Vajriputra thấy mình về nhà và sau khi phụ hoàng mất, chàng được lên
ngôi. Chàng động viên binh sĩ và ra lệnh truy nã kẻ thù, biến lâu đài
của Prakandas thành bình địa.
Sự thể lại xảy ra khác hẳn: chàng thất trận bị cầm tù và bị xử trảm. Một
đám đông hò reo chỉ chực chờ đầu chàng bị chém. Trong phút cuối cùng
bỗng chàng thấy sư phụ hiền từ hiện ra, đầy tuyệt vọng chàng kêu cứu:
"Bạch thầy Katyayana, tha tội cho con, hãy cứu con!”.
Chàng sợ hãi tỉnh giấc, thấy thầy ngồi bên cạnh mình an ủi: "Đừng sợ bất
cứ mọi hình ảnh xuất hiện trong đời, con ạ. Tất cả chỉ là một giấc mơ.
Con còn nguyên vẹn cả…”
Bỗng, Vajriputra nhận ra rằng tất cả mọi hình ảnh vừa rồi lẫn cả những
biến cố có thực ngày hôm qua đều như nhau, chỉ như một cơn ác mộng. Sự
sân hận và lòng thù oán của chàng kéo nhau ra đi, với tri kiến mới lạ
đó, chúng biến đi như các đám mây dưới ánh mặt trời. Chàng cúi đầu ba
lần trước vị đại sư, chàng biết rằng cảm tạ bao nhiêu lần cũng không đủ
vị thầy đã dùng linh ảnh ngăn mình đi qua một quãng đời khác, một quãng
đời có lẽ sẽ rất khủng khiếp và sẽ đưa vô số con người vào khổ ải.
Rồi Katyayana đưa học trò mình đi vào chiều sâu của giáo pháp vô ngã để
nhận ra rằng mọi sự không có một bản thể gì riêng biệt đứng đằng sau.
Sau đó Vajriputra giác ngộ và càng thâm hiểu những gì đêm hôm đó mình đã
trải qua.
Về sau, Vajriputra trở thành một trong mười sáu A-la-hán, là những vị đã
truyền chánh pháp của Phật Cồ-đàm, mà ngày nay chúng ta còn biết ơn.
Người Tây Tạng cho rằng, những ai lòng còn sân hận, đầy thù oán và không
biết tha thứ thì hãy nên cầu vị A-la-hán Vajriputra, vì vị vương tước
một thời đầy kiêu mạn này biết cách xa lánh những tâm thức đó.
34. Milarepa, người ham ngủ
Thỉnh thoảng Lilarepa(1), người du ca đắc đạo cũng rời cảnh độc cư núi
rừng để về làng mạc Tây Tạng. Có lần ngài ngủ trong một tu viện, và vì
ngài trông như một kẻ tu khổ hạnh hoang dã, không ai biết đến nên các vị
Lat-ma cho Ngài nằm trước cửa một phòng nhỏ của vị tăng khác. Không ai
để ý đến Ngài cả.
Trong phòng vị tăng sĩ nọ nằm ngủ, còn Milarepa ngồi trước cửa, nhắm
mắt. Vị tăng nọ thật ra là kế toán trưởng của tu viện, lo lắng cho thu
nhập của tu viện, hôm nay không ngủ được. Ông đang lo ngày mai bán con
bò bao nhiêu tiền để có lời. Trong đầu ông tính toàn chuyện tiền bạc chi
phí, chi li từng bộ phận con bò.
Sáng hôm sau thì xem ra ông đã tính xong, chỉ trừ chưa biết giá cái đuôi
bò phải đòi bao nhiêu mới phải. Ông bực mình, lầm bầm cầu nguyện cho
đúng phép, thắp cây đèn mỡ bò lên, đốt hương trên bàn thờ rồi bước chân
ra ngoài, đạp nhằm lên người của Milarepa.
Thấy áo quần của Milarepa, ông lắc đầu nhìn con người đang nằm sóng soài
trên bậc cửa.”Mặt trời lên mỗi lúc một cao, còn ngươi mê ngủ đang nằm
đây, không thiền định cũng chẳng cầu nguyện cho lợi ích tập thể, mà tập
thể là người nuôi dưỡng ngươi”, ông càu nhàu phê bình, “Thế mà ngươi dám
nói mình là tu sỹ ư! Cho và nhận của ngươi là cái gì?”.
Milarepa đáp: "Thường thì ta không ngủ lâu như thế này. Nhưng đêm qua ta
chẳng được yên giấc vì suốt đêm phải tính lời lỗ về con bò, con bò hôm
nay phải bỏ mạng vì ta”.
Vị tăng nọ kinh ngạc không nói được lời gì. Mặt đỏ hồng, ông nghiêng
người trước Milarepa và cảm tạ. Ông đã nhận ra đây là một sứ giả của đức
Phật, Ngài đã gửi người đó đến đây để cho ông một bài học quan trọng
35. Hồ đầy châu báu
Taschi la một thanh niên thích nghe chuyện. Có lần chàng nghe chuyện gần
túp lều nghèo kihổ của mình có một cái hồ chứa đầy vàng bạc châu báu,
chàng liền lên đường tìm kiếm cho biết.
Hồ nằm trên núi giữa hai sườn đầy tuyết và rất khó đến. Ngoài ra người
ta còn bảo rằng , có một vị nữ thần canh giữ vàng bạc này. Vị này tu
không thù địch với người nhưng cũng không dễ cho ai lấy đi các thứ đó.
Là người tò mò và gan dạ, chàng sắm một cái túi và lên đường đi kiếm hồ.
Chàng leo lên tới hồ thì cũng vừa đuối sức và vui mừng thấy rằng, hồ này
không có màu xanh thẫm như các hồ khác ở Tây Tạng mà lại có màu vàng
rực.
Lòng đầy hy vọng, chàng leo tới bờ hồ thì vừa có một đám mây đen hiện ra
trên mặt hồ thành hình một nữ thần đáng sợ và lơ lửng trước mặt Taschi.
Taschi cũng dự đoán trước, chàng thu hết can đảm gọi lớn: "Nữ thần, ta
có thể lấy được bao nhiêu châu báu của người?”. Nữ thần nghiêng người
qua lại, phát ra muôn ánh sáng khác nhau trên mặt hồ. Sau đó vị ấy nói
bài kệ khó hiểu: "Người xứng đáng thì nhận mà không hỏi. Kẻ không xứng
đáng thì hỏi mà không nhận”.
Taschi trả lời: "Ta không hiểu Người nói, ta chỉ muốn lấy những gì ta thật cần thiết thôi”.
“Thế thì cứ lấy, cứ lấy đi rồi hãy thấy”. Sau đó vị nữ thần biến mất trong không gian.
Taschi thò hai tay vào nước lạnh như băng và không bao lâu đã kiếm được
ba thỏi vàng. “Juhu”, chàng nhảy lên mừng rỡ. Chàng liền cho các thỏi
vàng vào túi, đồng thời nghĩ ra một điều mới. “Lượm vàng ở hồ này thật
là khoẻ. Ta khỏi cần phải mang mấy cục vàng này về mà phải về ngay báo
cha ta biết, ông sẽ mang bao bố đến, thậm chí hai bao bố”. Chàng cất mấy
thỏi vàng dưới một cục đá bên bờ hồ rồi lên đường về nhà.
Chàng thuyết phục mãi người cha mới chịu tin, sợ còn khó hơn thuyết phục
vị nữ thần. Nhưng Taschi nói mãi ông cũng nghe và hai cha con leo lên
đỉnh núi để thăm lại hồ lần thứ hai.
Tới bờ hồ, vị nữ thần lại hiện ra, lơ lửng trên đầu hai người. “Ngươi
còn muốn gì nữa. Ba thỏi vàng không đủ cho ngươi ư”. Chàng ấp úng trả
lời: "Nhưng, cha tôi muốn thật sự thực sự tận mắt xem thế nào”. Chàng
nhìn quanh thì thấy viên đá và các thỏi vàng hồi trước đã biến mất,
chàng hỏi rụt rè: "Liệu cha tôi xin được ít vàng của Người chăng? Bọc
vàng của tôi hồi trước để ở đây không còn, chắc hồ đã lấy lại. Xin Người
cho chúng tôi mỗi người được lấy một ít rồi từ nay không bao giờ phải
xin điều gì nữa”.
Vị nữ thần nhấc tay gật đầu đồng ý và biến mất. Hai cha con hiểu ý nhau và bắt đầu mò vàng.
Chưa đầy phút sau, mỗi người trong tay đã lượm được ba thỏi vàng sáng
loáng. Họ nhìn nhau, mắt lấp lánh. Người này nói ra ý tưởng người kia:
"Ta cần ít nhất một con trâu kéo và toàn thể gia đình để chở số lượng
vàng này đi, dù chỉ một nửa. Cái ta đang có chỉ là đồ cỏn con, phải tính
một số lượng khác mới đuợc”.
Hai người vứt ngay túi vào hồ và vội lên đường về nhà. Cả nhà được gọi,
phân chia kế hoạch. Lúc đó trời đã tối chưa thể lên núi ngay được và bây
giờ cũng là lúc cả nhà ăn mừng sắp được một gia sản kếch sù. Tất cả
thực phẩm bia rượu để dành đều được đem ra ăn uống. Cả nhà say sưa bàn
kế hoạch tương lai, người cha đem lưỡi cày gỗ ra đốt, vì ông không bao
giờ muốn đi cày nữa.
Ngày hôm nay thì ai cũng kêu than nhức đầu và một lúc sau, cả nhóm mới
sửa soạn lên đường leo núi. Ngay con trâu mới mua hôm qua cũng không
chịu đi theo và cuối cùng chạy đi mất. Chưa hết, trong nhà cãi nhau dữ
dội vì việc đi đường nào, cuối cùng chia làm hai nhóm, một nhóm đi thẳng
đường lên núi, nhóm kia đi vòng cho bớt nguy hiểm.
Điều gì xảy ra thật thì không ai rõ, vì sau đó mỗi người trong nhóm kể
một cách khác nhau. Nhưng điều chung nhất là không ai tìm lại được cái
hồ đó cả, và có ai tìm đuợc thì cũng không còn cái hồ hồi trước với nước
trong vắt và các thỏi vàng, với vị nữ thần, vị chơi trò cút bắt cùng
con người.
36. Phép tạo linh ảnh
Tại một ngôi đền nọ có một đám đông người đang tụ tập để nghe lời khai
vị của một vị lạt-ma. Tại Tây Tạng, những buổi lễ đó có khi được gọi
là”điểm đạo” hay “chân truyền”. Trong buổi lễ đó, người tham dự thường
để dưới chân vị đạo sư một tấm khăn trắng, biểu lộ lòng sẵn sàng đón
nhậngiáo pháp. Các giới mộ đạo cũng hay mang theo thực phẩm hay các pháp
khí nghệ thuật. Người ta tin rằng càng sẵn lòng cho bao nhiêu sẽ đuợc
nhận bấy nhiêu. Giữa đám đông có một bà già, tay mang một kilo mỡ trâu.
Bà dự định sẽ mang tặng phẩm này dâng cúng và nhận được phước lành của
vị Lạt-ma ban phát.
Thông thường thì một buổi lễ chân truyền được chấm dứt bằng một nghi
thức, trong đó các vị chủ lễ rờ đầu của mọi người bằng một bình nuớc
thánh. Điều đó biểu tượng truyền tri kiến của thầy qua trò. Nhưng hôm
nay, số lượng người đến quá đông, đến nỗi Lạt-ma chủ lễ phải đề nghị mọi
người tự tạo hình ảnh trong đầu là Lạt-ma đã đặt bình nước trên đầu
mình rồi và như vậy là nghi lễ xem như xong. Phép này đuợc gọi là phéo
“tạo linh ảnh”và thường được Phật giáo Tây Tạng áp dụng trong lúc hành
trì thiền định. Đối với các vị tu sỹ tinh tấn rồi thì thực hành phép này
cũng như hành động đó đã thực tế xảy ra, như trong thế giới thật. Thậm
chí một số vị tu sỹ có thể vận dụng linh ảnh cho người khác thấy được
nghe thấy thực sự.
Tất cả các người hiện diện đều nghe lời vị Lạt-ma và tìm cách vận dụng
linh ảnh, xem như vị chủ lễ đã rờ đầu mình bằng bình nước thánh và tri
kiến của ngài đã chảy qua mình. Bà già nọ cũng thế, nhờ tu tập lâu ngày
đã tạo được linh ảnh, đã nhận được trí huệ vượt văn tự và hình thức vào
tâm.
Sau buổi lễ, các tín đồ lần lượt đi ngang trước vị Lạt-ma. Đến lượt bà
già, bà cầm kilo mỡ trâu trước mặt và nói bằng một giọng rất trầm như
giọng Lạt-ma: "Và đến phiên Ngài, bạch Lạt-ma, Ngài hãy tạo linh ảnh
trong tâm để nhận kilo mỡ trâu này, mỡ trâu đang nằm trong tay tôi đây”.
Vị Lat-ma mỉm cười, bà già tươi cười cho mỡ trâu vào túi và lên đường về nhà, lòng tràn đầy hỉ lạc.
37. Lạt-ma tái sinh
Khoảng một trăm năm sau khi Dodrup Chen(22) thứ nhất thiết lập thư viện
mang tên Ngài tại Golok thì người ta khám phá ra một đứa trẻ lên bốn, có
rất nhiếu dấu hiệu là Dodrup Chen tái sinh. Các Lạt-ma cao cấp cho mang
đứa trẻ vào tu viện, đặt lên ngai, xem là vị đạo sư cao cấp nhất. Đồng
thời các vị cũng chuẩn bị một buổi lễ ra mắt.
Trong buổi lễ, mới đầu câụ bé tròn mắt nhìn xung quanh, vì toàn bộ các
vị chức sắc đều mang lễ phục sực sỡ và tỏ vẻ hết sức cung kính với mình.
Trước cặp mắt ngưỡng mộ của mọi người, bỗng nhiên cậu đứng lên ngai và
niệm câu thần chú gọi Guru Rinpoche (đại đạo sư) với một giọng trẻ con.
Sau đó cậu bắt đầu múa, vận dụng mọi ấn quyết của Mật tông. Khi thấy
các vị Lat-ma đứng hàng đầu nhìn mình bằng cặp mắt hâm mộ, cậu bỗng sụp
mi mắt xuống và ngồi xuống ngai một cách lúng túng.
Các vị Lat-ma vui mừng hết sức vì chưa bao giờ cậu bé đã tiết lộ cho ai
nghe bẩy câu kinh bí mật để gọi Guru Rinpoche, đồng thời không ai còn
nghi ngờ gì nữa, đây là một vị tái sinh của một Lat-ma đắc đạo. Theo thứ
tự, các vị nghiêng mình ba lần sát đất trước mặt cậu bé, để dưới chân
cậu nhang đèn, khăn trắng và tặng phẩm khác.
Sau đó người ta đưa cậu bé đi suốt trong viện. Nhằm thử xem cậu nhớ lại
đến đâu, người ta chỉ để Dodrup Chen là người đầu tiên thành lập ngôi tu
viện, sau đó có hai vị viện trưởng khác, cũng là các vị đắc đạo, đến
rồi đi. Người ta muốn thử xem, liệu cậu bé chính là Dodrup Chen chăng.
Nửa chừng cả đoàn người đến một toà nhà nằm ngay giữa tu viện, một ngôi
đền thâm nghiêm được che bởi các năng lực siêu nhiên. Giữa chính điện
luôn luôn có một tăng sỹ chuyên đọc tụng các kinh sách truyền lại và tay
luôn luôn gõ trống. Đến điện cậu bé bốn tuổi đi thẳng vào đèn và thân
mật ngồi bên cạnh vị tăng đó. Mọi ngưòi đứng lại chen chúc nhìn xem từng
hành động của cậu bé. Cậu bé chưa biết đọc, biết viết, tay cầm một cuốn
sách tụng niệm, lật từ trang này qua trang khác, dường như kiếm một
điều gì.
Tiếng ồn ào ngưng bặt và tiếng trống cũng dừng vì bỗng nhiên cậu bé cất
tiếng đọc mật trú từ trong sách đó, mật trú chuyên gọi thần bảo hộ do
Dodrup Chen soạn cách đó khoảng trăm năm. Đặc biệt cậu bé bỏ không đọc
vài đoạn của mật chú phức tạp này.
Tất cả mọi người đều vui mừng: như thế tu viện đã tìm lại được người
sáng lập của mình rồi. Nhưng người vui mừng nhất là bậc trưởng lão trong
giới Lạt-ma. Ngài nhớ lại rằng, trong một lần xét lại mật trú, Dodrup
Chen đã cho rằng có một dòng là dư thừa và chính dòng đó đã bị cậu bé bỏ
qua không đọc.
Không ai ngạc nhiên là về sau Dodrup Chen, đạo sư thứ tư của tu viện
Golok rất sớm nổi danh vì cậu bé có khả năng lạ thường như đọc tâm ý
người khác, tiên tri và mọi thứ thần thông khác. Các vị Lạt-ma cũng để
cho cậu thực hành các thứ đó. Nhưng với số tuổi ngày càng lớn, con người
đắc đạo đó không còn thích biểu diễn các phép thần thông và vì thế ngày
càng giảm chuyện đó đi.
38. Drukpa Kunley ban phép cho một bức tranh
Tại Tây Tạng, khi hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật người ta thường nhờ
một vị Lạt-ma dùng gạo ban phép lành và điểm đạo cho bức tranh.
Ngày nọ, có một bà già tay cầm một bức tranh thanka(39),lên đưòng đến
một tu viện, xin gặp vị viện chủ để ngài ban pháp cho. Bức tranh trình
bày thần bảo hộ Sri Heruka và được cuốn tròn cho dễ cầm tay.
Tu viện nằm trên một ngọn đồi. Bà vừa đi vừa nghĩ, viện trưởng là một vị
đạo cao chức trọng, còn em của Ngài là Drukpa Kunley(13) lại là một
tăng sỹ phiêu bạt, thì lại không được như thế. Vị này sống không nhà,
nhưng không xa tu viện. Vừa nghĩ tới đó thì Drukpa Kunley xuất hiện như
một bóng ma từ sau một tảng đá và đứng trước mặt bà.
Drukpa Kunley nói giọng lễ phép, đó là điều bất ngờ đối với bà, hỏi bà
muốn lên tu viện làm gì. “Trên đó ông anh tôi ngồi như một lãnh chúa với
đám tùy tùng”, ông nói, “Ngoài ra chẳng có gì đáng coi trọng cả”.
Ai cũng biết thái độ của Drukpa Kunley đối vói các định chế tôn giáo
rồi, bà già cũng thế. Bà ngần ngừ, nhưng trước sức mạnh tự nhiên của
Drukpa Kunley bà không cưỡng nổi, nói rõ mục đích của mình, mở bức tranh
vẽ Sri Heruka cho xem.
“Cái bức tranh này mà bà muốn ban phép à?”, Drukpa Kunlay hỏi giọng ngớ ngẩn.
“Tất nhiên rồi”. Bà định nói thêm thì không ngờ người tu sỹ nọ thình
lình cởi quần ra tiểu tiện vào đó. “Đây, một người như ta thì ban phép
cho mọi thứ tranh ảnh thế này đây”. Nói xong, Drukpa Kunley quay người
đi mất.
Bà già hoảng hồn cuốn bức tranh quí giá lại và chạy lên núi. Bà tìm gặp
ngay viện trưởng và hổn hển kể lại hành đông kimh khủng của ông em.
Viện trưởng cười lớn. Ngài không thể giúp gì được. Ngài biết cái tôi
khác của Ngài, thể hiện trong dạng của ông em khác đời. Ngài biết rõ đứa
em phải làm thế, không thể làm khác.
“Hãy mở bức tranh ra”, Ngài nói giọng êm dịu. Bà già nghe lời một cách
miễn cưỡng. Và xem kìa, mặt bức tranh được tô bằng một lớp bụi vàng lóng
lánh.
“Sri Heruka đã tự mình ban phép cho bức tranh”, viện trưởng nói. “Bà không cần tôi nữa đâu”.
Bà già xuống núi, lòng còn chút phân vân. Cuối cùng bà treo bức tranh
dát vàng lên trên bàn thờ trong nhà và về sau bức tranh được dân làng
tôn thờ như một pháp khí.
39. Cái nhìn xấu ác
Có một ngưòi rút vào rừng núi miền Đông Tây tạng để thực hành phép tu
viễn ly. Người Tây tạng gọi phép tu đó là Chod(23); có nghĩa là “cắt
đứt” vì mục đích của phép này là cắt đứt mọi tư tưởng quán chiếu sai
lầm, thứ tư tưởng chỉ làm che đậy thể tánh trong sáng của tâm thức.
Buổi sáng, người đó rời lều kiếm một tảng đá để thực hành thiền định thì
người em gái mang lại một hũ sữa chua và thực phẩm cho ông. Người em
đợi đến buổi tối mà ông ta chưa về nên đặt bình sữa lại dưới bàn thờ và
trở về nhà.
Lúc ông tu sỹ nọ về tới túp lều thì trời đã tối và không thấy gì cả. Sau
bàn thờ chỉ có một ngọn đèn mỡ tí hon, chiếu một cài gì tròn tròn ông
chưa bao giờ thấy.
“Đó là con mắt của một con ma”, ông bỗng sợ hãi, nhưng cũng lúc đó ông
định thần nói: "Không, tất cả mọi sắc thể đều là Không và không có
thực”. Ông cẩn thận tháo túi đeo vai và đập lên con mắt, đồng thời lòng
tự nhủ kẻ tu phép viễn ly không sợ bất cứ điều gì ở thế giới này hay thế
giới khác.
Bình sữa nghiêng một bên và sữa chua văng tung toé mọi phía. Sắc trắng
của sữa chập chờn trong ánh sáng mờ mờ như hàng trăm con mắt ma quỉ.
Người đó sợ hãi đập loạn xạ, con mắt ma bây giờ đã dính lên túi sách và
lan ra khắp nơi. Người tu sỹ bỗng nhớ chỉ còn cách “cắt đứt”. Chỉ một
thoáng, ông tách lìa ra khỏi tâm thức đang bị vô minh che phủ, ở đây
hiện hành sự sợ hãi và nhận ngay ra tay mình đầy sữa. Cái nhìn của chính
ông đã thay đổi, hết lo sợ và thế giới cũng thay đổi theo. Ông cười to.
40. Cuộc đua ngựa bí mật
Cách đây khoảng 130 năm có một biến cố bí ẩn xảy ra tại Kham mà ngày nay
người ta còn nhắc nhở. Ngay tại Tây tạng cũng không dễ gì có chuyện ba
vị đạo sư đạo sư đắc đạo cùng nhau gặp gỡ một nơi mà lại báo cho mọi
người biết trước để già trẻ tụ họp tham gia cuộc vui. Hồi đó có ba người
bạn tại Kham, tuy không thuộc trường phái nào, nhưng lại được tôn kính
như các Lạt-ma cao cấp. Người thứ nhất tên gọiKhyentse(19), thứ hai là
Jamgon Kongtrul (24) và thứ ba là Chogyur Lingpa (25). Cả ba có chung
một đặc tính là trong mỗi ngưòi đều chứa đựng những kiến giải cao siêu
nhất, nhưng mỗi người lại đều có tính khí khác nhau và một cách riêng để
thức tỉnh, giáo hoá và giúp đỡ người khác.
Một ngày kia người ta đồn rằng ba người này sẽ tổ chức một cuộc đua ngựa
tại bờ sông Derge. Ai cũng ngạc nhiên về mục đích của trò này nhưng mọi
người đều nô nức đến xem, hy vọng có điều gì lạ.
Cuộc đua ngựa được tổ chức thật. Ba vị đạo sư đắc đạo ngồi trên lưng
ngựa, khán giả reo hò, nhưng họ phân vân không biết mình sẽ ủng hộ ai
thắng, hay liệu cuộc đua này chẳng có người thắng kẻ bại. Cuối cùng thì
người ta thấy rằng ngựa của Jamgon Kongtrul về cuối.
Mọi người lại cực kì ngạc nhiên khi thấy kẻ thua cuộc lại khóc ròng vì
người đắc đạo ai lại còn quan tâm đến chuyện được thua, huống hồ là một
cuộc đua ngựa. Người ta đoán rằmg có lẽ Jamgon Kongtrul già nhất trong
ba người và tính của Ngài cũng rất mềm mỏng vì vậy mà Ngài buồn chăng.
Ba ngày sau, Jamgon Kongtrul mới giải thích như sau: "ta khóc vì cuộc
đua có giá trị tượng trưng. Trong một linh ảnh ta đã được báo trước là
người thua là kẻ chết sau cùng và là kẻ cuối được vào cõi phật cuả Liên
Hoa Sinh”. “Ta sẽ phải sống dài hơn Khyentse vị tha và Chogyur Lingpa vô
song, đó là một điều đáng buồn”.
Đúng như Jamgon Kongtrul tiên tri, vị Lạt-ma này sống rất cao tuổi, sống
rất lâu sau ngày các bạn kia nhập diệt và phải đợi đến năm 1899 mời
được gặp các bạn trong cõi Phật Liên Hoa Sinh.