14. Cách tu hay nhất
Có một vị tăng cứ đi vòng xung quanh tu viện Peltring mãi vì nghe nói
rằng có người nhờ thế mà đạt được thánh kiến. Ngày qua ngày vị tăng nọ
cứ đi hoài như thế đến lúc gặp đại sư Geshé Tempa. Vị đại sư vỗ lưng vị
tăng tội nghiệp và nói: "thật ra thì đi vòng quanh một thánh địa cũng
được đấy, nhưng tốt hơn là nên tu học yếu tính pháp Phật".
Nghe xong, vị tăng gật đầu và bắt đầu đọc kinh sách nằm lòng và tụng
niệm. Không bao lâu sau, Geshé Tenpa trở lại, lại vỗ lưng vị tăng và
nói: "tụng kinh đọc sách thì cũng được đấy, nhưng tốt hơn là nên tu học
pháp Phật bao trùm rộng khắp’.
Vị tăng suy nghĩ rất lâu. Cuối cùng vị đó bắt đầu tu tập thiền định. Tất
nhiên sau đó Geshé Tenpa lại tìm vị đó ngồi thiền định trong một góc
nhà, vị đó đang dùng toàn lực để không nghĩ ngợi tới điều gì cả. Vị đại
sư nói "a, con đang thiền định, hay thật đó, nhưng tu tập đúng pháp Phật
đích thực thì hay hơn nhiều’.
Bây giờ thì vị tăng hoàn toàn mất phương hướng. Không có phép nào mà ông
không tu. ‘nhưng bây giờ con phải làm gì nữa đây, thưa thầy?’. –‘buông
bỏ những gì con đang bám giữ’, Geshé Tenpa nói, ‘lúc đó, con chính là
con và cái đơn giản này chính là bước khởi đầu và cũng là mục đích’.
15. Đạt-lai Lạt-ma và người chăn trừu
Cách đây khoảng ba trăm năm, Kelsang Gyatso(11),Đạt-lai Lạt-ma thứ bảy
là người hay rời bảo tháp của mình trong điện Potala và đi vào trong dân
chúng để tìm hiểu đời sống và nguyện vọng thực sự của thần dân.
Nhờ mặc áo quần bình thường của một kẻ hành hương, kéo mũ thật thấp, vị
Đạt-lai Lạt-ma, hiện thân của đức Quán Thế Âm, đã đi một mình mà không
ai biết trong các đường phố Lhasa và bắt đầu hành cước về những vùng xa.
Ngài đi từ làng này qua làng nọ, sau đó đến hồ nước mặn Yamdrok Tso
khoảng miền Trung Tây Tạng và nơi đó ngài gặp một người chăn trừu ít khi
gặp tha nhân, mừng rỡ mời Ngài ăn tối và cùng ngủ dưới trời khuya, xung
quanh là đám trừu cho chút hơi ấm.
Hừng đông, sau bữa ăn sáng bên bếp lửa, Đat-lai Lat-ma chào tạm biệt và
nói: nếu ngày nào bạn có về thánh địa Lhasa thì cứ hỏi nhà của Kelsang
Gyatso, bạn sẽ được tiếp đãi ân cần’. Người chăn trừu hỏi lại: làm sao
một người như tôi, không biết đọc biết viết mà có thể tìm ra nhà bạn
trong kinh đô đông đúc như thế’. Người lữ hành đáp: tôi tin bạn. Nhưng
tên Kelsang Gyatso cũng không đến nỗi vô danh tại Lhasa. Hãy hứa với
tôi, bạn sẽ thăm tôi để tôi đền đáp lòng tốt của bạn’.
Nhờ lời mời này mà người chăm trừu quả nhiên lên đường viếng Lhasa vài
năm sau. Như mọi người hành hương, ông luôn luôn cầu nguyện và nghiêng
mình tới đất cúi lạy phương hướng mình sắp đến. Vài tháng sau, ông đến
một công trường lớn gần điện Potala. Với giọng địa phương Yamdrok, ông
kêu réo mọi người: nào, nhà của Kelsang Gyatso đâu? Ai biết không? Sao?
Ông ta trốn đâu rồi? Tôi đến thăm ông ta đây!’.
Tiếng ồn ào kêu réo làm hai người bảo vệ của điện chú ý và bắt kẻ làm ồn
này đem về tra vấn giam giữ. Thế nhưng, người chăn trừu không hề sợ và
nhất định kể lại câu chuyện khó tin đó. Kelsang Gyatso đã mời ta mà. Các
ngươi điên rồi sao, đám dân thành phố vô dụng’.
Nhiều người biết chuyện này và cuối cùng đến tai Đat-lai Lat-ma. Ngay
tức khắc, Ngài ra lệnh cho người chăn trừu miền Yamdrok đến.
Người chăn trừu đang ngồi trong ngục tăm tối thì được đưa ra ngoài. Với
hai vị Lat-ma cao cấp đi theo hai bên và bước lên vô số bậc thamg, kẻ
chăn trừu nọ xuyên qua bao đường quanh co, qua bao nhiêu phòng cầu
nguyện, cuối cùng đi vào phòng tiếp khách của vị nguyên thủ quốc gia.
Ở đó, Đat-lai Lạt-ma thứ bẩy đã ngồi đợi sẵn, trên ghế hoàng triều và
chào đón người chăn trừu với niềm vui hội ngộ. Qua bao nhiêu cung điện,
người chăn trừu đã không nói được vì kinh ngạc; do vậy cũng không còn
hơi sức đâu để hỏi làm sao người hành hương năm xưa lại chóng giàu như
thế. Ông cúi đầu ba lần, như mọi người Tây Tạng đều làm trước một vị
Lat-ma và đặt dưới chân Kelsang Gyatso một tấm khăn trắng xem như phẩm
vật.
Sau đó ông ngồi trên nền đá lạnh trước Đat-lai Lạt-ma và nhìn Ngài thân
thiện. Ngài chỉ một ghế bên cạnh, bọc bằng thảm len mời ngồi. Nhưng
người chăn trừu khoát tay: không, tôi không ngồi đâu. Ghế đó làm bằng
thảm lụa sang trọng, có hình Man-da-la. Ghế đó là chỗ ngồi của ông trời.
Tôi không dám ngồi đâu’. Mắt Đat-lai Lạt-ma ngời lên những ánh sáng từ
bi và quí trọng. Người chăn trừu phấn khởi nói tiếp: và bạn, Kelsang
thân mến, bạn ngồi trên một thứ ghế bằng nhung lụa gì khó hiểu. Bạn làm
tôi nhớ có những con trừu thích leo lên trên một đỉnh đồi cao rồi không
xuống được nữa. Bạn cần tôi giúp bạn xuống đây không?’.
Không, Đạt-lai Lạt-ma tự xuống một mình và ngồi bên cạnh người chăn trừu
miền Yamdrok. Người này nói tiếp, góp vài ý để sửa đổi trong cung điện
to lớn nhưng lạnh như băng này của chủ nhà, Nền nhà lạnh quá mức’, ông
ta nói, ‘nhưng không sao, khi về lại Yamdrok rồi, tôi sẽ kiếm ít lông
trừu gửi lại đây cho bạn đỡ lạnh chân. Tôi sẽ cho một con Yak(trâu)chở
lông trừu lại, hứa với bạn đấy’.
Đat-lai Lạt-ma vui vẻ nhận lời và sau đó cho người hầu cận rút lui để
một mình truyện trò với người chăn trừu. Cả hai cười vui và kể những
chuyện đã xảy ra trong ba năm qua. Lúc đó Đat-lai Lạt-ma cũng chưa kể
thật tung tích của mình. Sau đó ăn uống xong, người chăn trừu đứng dậy
nói: bây giờ tôi muốn xuống chợ xem quang cảnh hàng hoá ra sao mà người
ta kể tôi nghe rất nhiều. Sau đó tôi sẽ đi chơi và xem thắng cảnh ở
Lhasa. Mà, Kelsang ơi, bạn đừng giận tôi nhé, nhưng nhà bạn quá sang và
không được thoải mái lắm. Tôi thích ngủ trong một túp lều hay giữa trời
sao với đàn trừu hơn’.
‘Trước khi bạn đi’, Đat-lai Lạt-ma nói,’ bạn được lựa và lấy một phẩm
vật trong số các thứ mà tôi phải trông coi. Bạn bè thì đối xử như thế’.
Thay vì đòi đi các phòng của cung điện để tìm một tượng Phật bằng vàng,
một tấm tranh lụa xưa hay một cổ vật treo tường thì người chăn trừu đáp:
nào vàng, bạc, lụa là, như tôi đâu có cần thiết, phải không?’. Cả hai
đều cười và người chăn trừu nói tiếp: bạn biết không, tôi chỉ muốn có
một chóp mũ trên đầu như bạn cũng như sợi dây đỏ để buộc lại, y như
bạn’.
Đạt-lai Lạt-ma hỏi cẩn thận: "bạn phải gội đầu và xoa dầu mới được
đấy”.-“ôi đâu cần”. Đạt-lai Lạt-ma cho đem lược đến. Ngài cất mũ của
mình và kéo sợi dây đỏ đang mang ra ngoài. Sau đó ngài tự tay chải cái
đầu đầy chấy rận của anh chàng này và tết lại thành bím. “Nghi thức đòi
tôi phải mang hai cái bím trên đầu”, Ngài giải thích,”nhưng không có ai
giúp nên tôi chỉ thắt tóc bạn lại thôi, và sẽ gắn thêm tóc tôi vào tóc
bạn để chóp mũ này nằm chắc trên đầu”.
“Mang cái chóp mũ này thì dễ cho tôi thôi”-người chăn trừu vui vẻ.”Bạn
thật là một anh chàng tốt bụng, Kelsang, nhưng bây giờ tôi phải từ biệt,
phải xỏ giày đi đây. Đừng bực mình vì tôi không ở lâu được nhé”.
Với chóp mũ trên đầu, anh bạn người Yamdrok vui sướng khi rời khỏi cung
điện lạnh lẽo. Ngang đến cửa anh ta còn quay lại kêu to: Xem chừng con
trâu sẽ đến. Có thể vài tháng nữa thì lúc đó các phòng của bạn đều ấm
cả. Cứ tin đi .
Vì câu chuyện này mà Đat-lai Lạt-ma thứ bảy vẫn còn nhắc nhở đến người
chăn trừu mãi, mà ngài gọi là Bạn thân Yamdork-Pa”.và cũng vì câu truyện
này mà ngày nay tất cả ngươi chăn trừu vùng Yamdrok đều mang một bím
tóc và một sợi dây cột tóc màu đỏ.
16. “Mũi ngựa” ra đi
Tại miền Đông Tây Tạng, không xa một tu viện nọ có một tu sỹ khất thực
đã già, biệt danh là "mũi ngựa”. không ai ưa nổi vị tu sỹ này, từ dáng
điệu cho đến thái độ hàng ngày. Ông ta chỉ làm được công việc duy nhất
là tìm nơi lông chó và đám ăn xin các thứ như chấy rận nhưng không để
giết mà cứu chúng được sống.
Ngày nọ, tu viện cũng xua đuổi ông vì xem ra ông không chịu học tập kinh
sách gì cả. Ông đành ngồi trước cửa tu viện, miệng lẩm bẩm cầu kinh và
bắt chấy cho chó.
Sau đó miền Đông Tây Tạng chịu một nạn dịch khủng khiếp và các bác sĩ
cho rằng bệnh này do một loại bọ đen gây ra. Thế nhưng cả bác sỹ lẫn các
Lat-ma cao cấp đều bó tay, không ai chặn đứng được nạn dịch lan tràn.
“Mũi ngựa” cũng lâm bệnh nặng và nhiều người thấy rằng ông lâm bệnh sau
khi thực hành phép Tonglen’ suốt ngày đêm bên đống lửa của mình.
Tonglen là một phép tu bằng cách chú tâm cao độ và cầu nguyện để mình
được chịu thay cho sự đau khổ và ác nghiệp của người khác, các ác nghiệp
đó thể hiện lên thân thể của chính mình. Tonglen là một phép tu bí mật
của các vị Bồ-tát, là các vị đã thệ nguyện không màng đến sự giải thoát
của bản thân mình trước khi mọi loài hữu tình khác được giác ngộ.
Sau đó người ta đồn rằng “Mũi ngựa’ đã hành trì phép tu Tonglen với lòng
vị tha tuyệt đối vì ông chỉ vừa lâm bệnh thì loài bọ đã biến mất và
bệnh dịch cũng chấm dứt. Người ta cho rằng’Mũi ngựa” đã chịu nhận toàn
bộ ác nghiệp của cả vùng và mọi người chuẩn bị cho cái chết của ông bằng
một buổi lễ long trọng. Các vị Lat-ma cao cấp tụng các kinh luận bardo”
và cầu cho tâm thức người chết được tiếp dẫn về cõi Tịnh độ của Phật.
Nhờ nhiều dấu hiệu đặc biệt mà các Lat-ma thấy rằng “Mũi ngựa” đã được
Liên Hoa Sinh (12)(Padmasambhava) tiếp dẫn trong khoảnh khắc lúc chết.
Các vị đó cũng nhờ thiên nhãn thấy rằng “Mũi ngựa” đã được thác sinh về
cõi Tịnh độ phương Tây Nam và báo thân các vị Phật và Bồ tát đại bi đã
bao bọc chung quanh tâm thức “mũi ngựa’.
Liên hoa sinh hỏi ngay thần thức “Mũi ngựa” như sau: ngươi đã giúp cho
những ai được giác ngộ, kể từ ngày ta gửi ngươi đi Tây Tạng?”
“Mũi ngựa” mở bàn tay ra và chỉ cho đức Phật(Liên Hoa Sinh) hàng ngàn
con chấy. Nhìn thấy như thế, các vị đại sư và Bồ-tát bỗng toả hào quang
rực rỡ như mặt trời từ bi, biến thành ánh sáng thuần tuý và đưa “Mũi
ngựa” vào cõi Vô lượng quang, là nơi ngài còn lưu trú tới ngày hôm nay.
17. Tu sĩ trên cột cờ
Drukpa Kunley(13) là một tu sỹ ngang tàng, từng tu học theo trường phái
Drukpa Kagyu. Ông không hề sợ khi bóc trần các trò lừa đảo hay nịnh bợ
trong các giới tu học, kể cả trong các trường phái tiếng tăm hay tu viện
lâu đời. Lúc sinh tiền, ông đã nổi tiếng là một đại sư Mật tông, đã
giúp nhiều người tầm đạo thấy sự thật một cách dễ dàng.
Lần nọ ông đi ngang qua sân một tu viện đang cử hành lễ lạc long trọng.
Hàng trăm nhà sư đang ngồi theo phẩm trật trong thế liên hoa, miệng tụng
kinh kim cương, là kinh giảng giải thể tánh cuối cùng của tạng vật.
Ngày hôm đó, xem ra ông không có gì để làm nên không ai mời, mà ông cứ
vào tu viện, chắc là để mang chút mới lạ vào đời sống buồn tẻ trong đó.
Mặc dù Drukpa Kunley có dáng điệu như một tên khùng đi lại ngớ ngẩn
nhưng rõ ràng ông phát ra một sức thu hút đặc biệt, khác với các vị tu
sĩ khác. Đối với người Tây Tạng thì dấu hiệu đặc biệt của người đắc đạo
chính là sự chú tâm sắc sảo và một chút hóm hỉnh kín đáo. Cũng vì thế mà
ngày đó người ta đã thừa nhận ông cho đến thế kỷ 20 này vẫn còn xem ông
như một vị thánh.
Các vị sư đang rầm rì nghiêm trang tụng kinh thì Drukpa Kunley đi ra
giữa sân và nhanh nhẹn leo lên cột cờ, nhanh như một con sóc mà chung
quanh không ai để ý. Lên đến đỉnh cột, ông quạt hai cánh tay như muốn
bay và giả kêu tiếng chim. Các vị sư cố giữ tĩnh tâm tụng kinh tiếp tục,
nhưng tiếng ồn ào trên đỉnh cột đã phá vỡ buổi lễ.
Các vị sư cố gắng tự chủ, kiên trì tụng kinh, chống lại ảnh hưởng của
ngoại cảnh. “nhờ sức mạnh của kinh này mà các yếu tố bất thiện sẽ tự
rút”, các vị tụng đọc liên tục. Lời kinh này xem ra có hiệu quả vì ông
tu sỹ bốc đồng nọ trèo xuống thật, mặt mày nhăn nhó.
Các vị sư phấn khởi đọc tiếp: sức mạnh do sự chú tâm sẽ loại bỏ u minh
ra khỏi chúng ta . Vừa tụng xong câu này, người tu sỹ dở hơi nọ leo
thẳng lên cột và kêu to làm ai cũng nghe thấy:
“Con vẹt không thể chú tâm,
Vì, dù nó có tụng kinh kệ ngàn lần,
Nó cũng không bao giờ hiểu
Ý nghĩa đích thực của kinh."
18. Đầu bếp giác ngộ
Ngày xưa có một người đầu bếp tên là Ma-Tschen-La, ông sống trong một
trong những tu viện lớn nhất Tây Tạng và mỗi ngày phải nấu nướng cho
hàng trăm người ăn. Năm này qua năm khác, lúc nào ông cũng đứng dưới thứ
thịt trâu hun khói và cứ quậy mãi cái nồi to tướng, nấu thức ăn và trà
bơ bổ dưỡng cho các vị đồng tu.
Ai cũng mến Ma-Tschen-La, chỉ vì muốn được hàng ngày sống trong bếp của ông, trong đó chứa đựng một thứ năng lực kì diệu.
Sau khi ông chết, tu viện tổ chức một buổi lễ hết sức trọng thể, chỉ
dành riêng cho các đại sư, dù rằng mọi người đều biết, đối với
Ma-Tschen-La thì vứt xác cho kiến mối hay kên kên ăn thịt thì cũng chẳng
hề gì.
Trong buổi lễ, xác của Ma-Tschen-La được chất lên một giàn hoả, các vị
sư ngồi xung quanh bắt đầu tụng niệm và châm lửa. Khi ngọn lửa vừa đến
đỉnh đầu, người ta thấy xuất hiện một hào quang ngũ sắc. Sau đó xuất
hiện vòng thứ hai, thứ ba, rồi không ai đếm nổi bao nhiêu vòng ngũ sắc
đã xuất hiện trên xác người đầu bếp. Qua dấu hiệu này, người ta mới nhận
ra, người đầu bếp ngày trước là một vị thánh vô danh suốt hàng chục
năm.
Ngay sau đó người ta kể vô số chuyện về người đầu bếp đắc đạo, đã thực
hiện được thánh quả mà kẻ khác chịu bao nhiêu khổ nhọc mà cũng vẫn chưa
đạt được.
Người ta kể rằng, Ma-Tschen-La, trước khi trở thành đầu bếp, là người đã
từ bỏ mọi tham cầu, chỉ cần cái đang có sẵn. Ông đã nhận ra rằng mọi
cầu mong đều chỉ vô ích, một ngày kia đã từ bỏ tư tưởng về một cái ta,
tự mình trở về thể tánh chân như và thể nhập trong đó.
Người ta kể rằng Ma-Taschen-La không hề bám giữ hay từ chối bất cứ điều
gì và vì thế cũng chẳng cử hành bất cứ nghi lễ gì, cũng chẳng học tập
kinh điển làm gì. Nói thế nhưng cũng có người phản đối ngay, tiết lộ
rằng từng nghe Ma-Tschen-La hay niệm danh hiệu Quán Thế Âm và nữ thần
Tara.
Dù gì đi nữa người ta vẫn cho rằng ông đầu bếp là người sớm đắc đạo hơn
ngài phương trượng; ngày nay chuyện về Ma-Tschen-La vẫn còn được nhắc
nhở. Ma-Tschen- từ Tây Tạng có nghĩa là “đầu bếp” và Ma-Tschen-La là
người đầu bếp cho tất cả mọi người cần đến.
19. Tên trộm hối cải
Patrul Rinpoche(8) là người truyền đạo ở mọi nơi mà ngài đặt chân đến.
Có lần Ngài đến Zamthang và được một người đàn ông nghèo khổ tặng cho
một móng ngựa bằng bạc vì quá cảm kích Ngài. Người đó đặt tặng phẩm dưới
chân ngài và ép Ngài phải nhận. Tặng phẩm bằng bạc này là vật quý giá
duy nhất mà người đó sở hữu, nhưng ông ta cũng biết rằng mình dâng cúng
món này sẽ tạo được một công đức cao quý ở một cấp khác.
Một tuần sau đó, Patrul lại lên đường đi từ làng này qua làng khác mà
trong một vùng ít dân như ở Tây Tạng thì gần như đi từ nhà này qua nhà
khác. Lần này Patrul bị một tên trộm theo dõi, y đã thấy Patrul nhận
tặng phẩm quý giá nọ.
Patrul đi trong hoàng hôn, lòng không chút vướng bận và khômg có mục
đích nào khác hơn là kiếm một chỗ ngủ dưới bầu trời sao. Tại một nơi,
Patrul kiếm một hang kín gió và nhắm mắt ngủ. Tên trộm đợi một lát, sau
đó từ từ bò đến chỗ ngủ, mò mẫm bình nấu trà, rồi túi xách vai và cuối
cùng mò đến bộ áo dài bằng nông trừu, trong đó Patrul nằm cuốn tròn vì
cái lạnh ban đêm.
“Ka-hô”, vị đại sư lầm bầm, “Ngươi mò cái gì trong áo của ta đấy?”.
“Cái móng ngựa bằng bạc đâu rồi? Tôi biết, ông giấu trong áo”.
“Trời đất “, Patrul thở dài, “Xem này, ngươi làm cái gì với cuộc đời
ngươi thế? Ngươi theo ta suốt cả dặm đường, qua bao nhiêu cảnh vắng vẻ
trơ trọi, chỉ vì cái miếng kim loại đó sao. Nghe đây, hãy đi lui hết
đường cũ, tìm cho ra chỗ ta đốt lửa, nơi ta giảng pháp và ngủ tối tại
Zamthang. Giữa đống tro và mấy viên đá, ngươi sẽ thấy miếng bạc đó. Ta
dùng nó để kê bình trà”.
Tên trộm không hề tin những gì Ngài nói, nhưng vì y kiếm hoài không ra
nên đành trở về chỗ cũ, cuối cùng y tìm thấy ngọn đồi con, nơi Patrul đã
nói chuyện với dân làng Zamthang. Tên trộm quả nhiên đào trong tro ra
miếng bạc quí, y nhìn ngắm một hồi lâu. Nhưng bây giờ, khi miếng bạc đã
vào tay, tên trộm không còn thấy vui sướng nữa. “ôi”, y than thầm, “ Rõ
ràng ông Patrul này không còn quan tâm đến của cải thế gian nữa và ông
đúng là một đạo sư đích thực. Còn ta, nghiệp báo vốn đã xấu xa rồi bây
giờ còn gây thêm ác nghiệp ăn trộm đồ của ông nữa, trong tương lai chắc
phải chịu trừng phạt khủng khiếp”.
Tên trộm biết hổ thẹn đó đứng dậy và lên đường đuổi theo Patrul. Ba ngày
sau, tìm thấy ngài trong khung cảnh hoang vắng, y chạy theo kêu réo.
Patrul gọi lại :”Máu tham của ngươi vẫn còn hay sao? Ta đã chỉ ngươi tìm
miếng bạc. Ngươi còn muốn gì nơi ta?”.
Tên trộm nước mắt đầm đìa, quì xuống chân Ngài: "tôi, tôi đã thấy miếng
bạc, nhưng tôi làm gì vói nó đây? Vì nó mà tôi đánh mất bao nhiêu điều
trọng đại khác. Hãy nghe lời sám hối của tôi, ông là một đạo sư đích
thực, hãy tha thứ cho tôi’.
Patrul nói: "Không cần thiết. Hãy trở về với nội tâm của ngươi, hãy qui y
Phật, đó là tâm thức sâu kín nhất của ngươi; hãy qui y Pháp, đó là nhận
thức của chưPhật; hãy qui y Tăng, đó là toàn thể những người cũng muốn
học hỏi nhận thức đó”.
Tên trộm nghe lời một cách thành tâm và Patrul nhận y làm đệ tử ngay tại
chỗ. Vài năm sau, có kẻ nhắc lại câu chuyện này trong làng Zamthang.
Một nhóm người nghe xong nóng tính mang gậy guộc đến nhà tên trộm và lôi
y đến gặp lại Patrul đang ở gần đó.
“Thả nó ra”, Patrul kêu lên khi thấy các tín đồ hành hung đệ tử của
mình, “các ngươi không biết rằng khi đụng đến người khác cũng là đụng
đến ta chăng? Cái tự tính trong mỗi người chỉ là một với nhau, dù cho tự
tính này mang nhiều dạng hình khác nhau, mỗi lúc mỗi khác, lúc nào cũng
mới mẻ. Các ngươi không thấy sao?”.
Lời nói của Patrul có một năng lực mạnh mẽ làm ngay lúc đó có nhiều
ngươi đạt tuệ giác và đã nhận ra được một phần của chân như vốn không
thể nắm bắt.
20. Ba điều ước
Ngày xưa có một nông dân nghèo tên là Dorje, hàng ngày phải vật lộn với
miếng đất khô cằn, chịu bao nhiêu khổ nhọc mới có miếng bánh mì. Mỗi
ngày Dorje đi làm về thì lại không được lời an ủi nào của vợ mình, vì
Pemala vợ ông lúc nào cũng chê bai, không chịu làm kiếp vợ một ông nông
dân. Nhiều đêm trước khi đi ngủ, Dorje chỉ mong có điều duy nhất là bà
vợ ngày nào đó sẽ câm luôn. Ông cầu nguyện thật sự điều đó, ngoài ra ông
không còn biết điều gì cao quí khác.
Một buổi sáng, lúc Dorje còn đang cày thửa ruộng lúa mì thì bỗng nhiên
có một bóng người đàn bà từ xa đi tới. Người đó phát ra hào quang như
một bà tiên, Dorje lập tức quì xuống xin ban phước.
Bà tiên cho Dorje hơn cả một điều ước: "Ngày hôm nay, ba điều ước của
ngươi sẽ thành hiện thực”. Bà tiên nói xong liền biến mất ngay trước mặt
Dorje.
Dorje run rẩy đặt cày xuống và đi thẳng vào nhà. Trời còn sớm nên Dorje
biết rằng sẽ bị vợ mắng chửi, nhưng ông phải kể cho vợ mình nghe đã gặp
bà tiên và đã được bà ban cho ba điều ước. Trong mọi trường hợp, ông cần
có thì giờ để bàn bạc với vợ, và làm sao đạt được điều tốt nhất từ cơ
hội vô song này.
Dorje vừa tới cửa nhà nằm trên đồi thì Pemala bước ra và bắt đầu trách
móc:”Ông muốn cái gì đây, đồ bị gạo? Vợ ông không có gì trong bụng cả mà
ông lại đi chơi, đồ mũi khoai tây”.
Đúng là Dorje có cái mũi to đùng nên nghe thế ông không nhịn được giận
dữ. Bước vào bếp, ông la lên: "Mũi khoai tây. Ta mong cái mũi ta to như
cái bếp này để ngươi biết thế nào là một lỗ mũi to”. Vừa nói xong thì
cái mũi của Dorje phồng lên to tướng, to mãi, to mãi và đè bẹp hai vợ
chồng khốn khổ vào vách tường.
‘Cứu tôi với, cứu tôi với’-Pemala la lên một cách tuyệt vọng và Dorje
sực nhớ ra, nói “ta mong rằng, ta không có mũi nữa”. Ngay tức khắc điều
đó thành sự ttực. Bấy giờ trên khuôn mặt của Dorje chỉ còn một lỗ đen
khủng khiếp.
Pemala vừa thở vừa nhìn sửng sốt khuôn mặt của chồng. Dorje sờ lên mũi
và thò tuột tay vào trong đầu mình. Ông rên rỉ:” ôi, lẽ ra đừng bao giờ
gặp ngươi mà lại hay, bà tiên đáng nguyền rủa’.
Ba lời ước của ông đã thành sự thật. Vợ chồng ông sống bình thường như
không hề gặp bà tiên, cũng không nhớ những gì của một ngày đáng nhớ đó.
21. Làm sao cho phải
Tu sĩ Ấn Độ Srona là người rất chịu khó học tập thiền định. Ngày nào ông
cũng nhập định, từ bỏ mọi tư tưởng và xúc cảm, tập nhận ‘cái không’.
Tuy thế ông chẳng đạt được tiến bộ nào.
Ông càng tìm cách thư giãn thì lại càng căng thẳng. Ông càng muốn không
nghĩ ngơị gì thì ý tưởng lại càng hỗn loạn. Cứ thế kéo dài, ngày nọ ông
nghe nhắc đến đức Phật Cồ-đàm, một vị đạo sư của trời và người, một vị
đã đạt mức thiền định cao nhất đang ở gần đó. Ông liền lên đường đi gặp
Phật Cồ-đàm xin giúp đỡ.
‘Chắc hẳn ngươi còn nhớ, lúc còn trẻ, ngươi là một nghệ sỹ chơi đàn
Sitar, ngươi lên đàn như thế nào?”- Phật hỏi ngay vì ngài biết rõ quá
khứ của người tới trước mặt ngài.
“Ồ, tất nhiên rồi’, Srona bối rối trước cái nhìn của Phật.
Phật mỉm cười nói tiếp: "Đàn muốn hay thì dây phải thật căng hay thật chùng?”
“Không quá căng mà cũng không quá chùng, bạch Thế tôn”, Srona trả lời.
“Sức căng cần thiết nằm đâu ở giữa hai thái cực. Thì cũng như thế, ngươi
nên thực hành thiền định”, Phật nói tiếp, “Nằm chính giữa, một bên là
sự chú tâm, bên kia là sự thư giãn, đó là bí quyết của trạng thái thiền
định tỉnh giác, trong đó người vượt qua hoạt động của tư tưởng và rơi
vào trạng thái của tâm thức uyên nguyên. Đừng quan tâm gì đến có kết quả
hay không kết quả. Cứ tu tập, tu tập và tu tập rồi một ngày nào đó,
ngươi sẽ tự tìm thấy cái ở giữa là chỗ nào cho ngươi”.
Lúc nữ thành Tây Tạng Machig Labdrong(14) nghe câu chuyện này bà đọc bài kệ:
“Hãy để mình rơi trong dạng tự nhiên
Của là-như-thế;
Có ích gì khi thắt núi hư không?
Trước hết tập thư giãn với sự tỉnh giác,
Sau đó cũng bỏ luôn sự chú tâm
Và cuối cùng bạn không bám giữ bất cứ điều gì.
Hãy để mọi sự xảy ra
Thế nào cũng được,
Và hãy yên nghỉ trong dạng
Mà bạn vốn xưa nay đã nằm trong nó."
22. Về sự tái sinh
Khoảng một ngàn năm sau khi Phật Cồ-đàm từ trần thì giáo pháp đã có
nhiều phát triển trong giới trí thức Ấn Độ. Một trong những luật sư xuất
sắc thời đó là Chandra, người vừa có cái thư thả của bậc giác ngộ, lại
có cái tài hùng biện và lý luận sắc sảo của một người trí thức. Vì thế
ông cũng được nhiều người ủng hộ, và những kẻ khác ý kiến thì lại rất
gờm.
Ngày nọ, một pháp sư Ấn Độ tổ chức cuộc tranh luận trong một ngôi đền
với sự có mặt của Chandra; lúc đó các cuộc tranh luận như thế rất hiện
hành. Cuối cùng, các vị đứng đầu các giáo phái có mặt lần đó, có cả các
vị theo chủ nghĩa vô thần và nhà vua đều thừa nhận Chandra là người
thắng cuộc tranh luận. Sau đó vị pháp sư nọ cho rằng "việc Chandra thắng
cuộc chưa chứng minh được giáo pháp đạo Phật là ưu việt. Nhiều nhất họ
chỉ nói rằng Chandra là người có tài hùng biện thôi”.
Nghe nói thế thì mọi người đều đồng ý, kể cả Chandra. Vị pháp sư nọ quả
quyết không hề có bằng cớ về sự tái sinh và như thế, nguyên lí “nghiệp
lực, nhân quả” cũng không đứng vững, "nếu không chứng minh được có kiếp
trước thì không thể thừa nhận có kiếp sau”. Vị pháp sư thách đấu
Chandra: "nếu bạn có bằng cớ chứng thực về sự tái sinh, tôi sẽ cùng toàn
bộ đệ tử theo Phật giáo hết”.
Chandra nhắm mắt im lặng hồi lâu, làm như suy nghĩ điều gì . Sau đó ông
cười: "được, nếu nhà vua chịu làm chứng thì ngay hôm nay ta sẽ chết và
sẽ chủ động tái sinh theo một cách để chứng minh được có sự luân hồi”.
Vị pháp sư nọ ngạc nhiên và chấp nhận, tuy thế ông vẫn không tin rằng
Chandra chịu hy sinh mạng sống quí giá này chỉ để chứng minh điều này.
Chandra nhờ nhà vua và cận vệ cho mang vào một chiếc áo quan bằng đồng.
Sau đó ông vẽ lên trán một dấu hiệu màu đỏ, ngậm một hòn ngọc trai trong
miệng và nằm vào áo quan chờ chết. Chỉ vài phát sau ông đã từ bỏ thân
thể và nhà vua cho niêm phong áo quan.
Chandra là người đã từ bỏ ảo giác về sinh tử nên ông chủ động nhập mẫu
thai ngay trong đêm đó của một phụ nữ ở gần đền. Sau đó Chandra được
sinh ra, có dạng của một hài nhi bình thường.
Chỉ một thời gian sau người ta đồn đại vợ của một người Bà-la-môn sinh
một đứa con trai, trên trán có dấu đỏ, dấu hiệu của hiền nhân và miệng
ngậm một hạt ngọc trai.
Nhà vua cùng cận vệ liền đến ngay thăm đứa bé. Sau khi kiểm soát, nhà
vua trở về mở áo quan ra thì viên ngọc trai trên miệng đã biến mất và
dấu đỏ trên trán của Chandra cũng không còn.
Đúng như lời hứa, pháp sư nọ cùng đệ tử theo Phật giáo và rất gần gũi
với cậu bé trai ngày càng lớn. Cậu bé được cha mẹ đặt tên là
Chandragomi.
Sau đó Chandragomi trở thành một luận sư, diễn giả danh tiếng thời đó.
Trong viện đại học Na-lan-đà ông đại diện cho quan điểm riêng của mình
về Phật giáo và tranh luận với Nguyện Xứng(Chandrakirti) cũng là một
luận sư xuất sắc. Sau bẩy năm tranh luận không phân thắng bại,
Chandragomi thú nhận rằng chính đức Quán Thế Âm(6) bất tử đã bày vẽ cho
ông trả lời các câu hỏi hóc búa của Chandrakirti. Nghe thế Chandrakirti
cười lớn và thú nhận trước quần chúng rằng lý luận của ông lại được đức
Văn Thù Sư Lợi (16)chỉ bày cho.
23. Sự trói buộc dẫn đến ảo giác
Trong thế kỷ thứ mười, Naropa(17) là khoa trưởng tại đại học Na-lan-đà ở
Bihar Ấn Độ. Một ngày nọ, Naropa nhận ra rằng phải vượt qua giới hạn
của tư tưởng, nếu thật sư ïmuốn thực hiện lời daỵ của giáo pháp. Dù
kiến thức của Naropa rất được khâm phục tại Bihar, nhưng ông đã từ bỏ ảo
giác của kiến thức đơn thuần, Naropa lên đường đi kiếm một vị đạo sư.
Tại Bengal ông gặp Tilopa(18) đang ngồi trên bờ một dòng sông. Tilopa là
một tu sỹ sống hoang dã, ăn thức ăn dư thừa và các thứ cá sống mà ông
có tài bắt tay không. Naropa nằm xá dài để biểu lộ lòng hâm mộ đối với
Tilopa. Sau đó ông từ từ đến gần, xin Tilopa vài lời khai thị.
“Ngươi kiếm cái gì?”, Tilopa hỏi, đưa cặp mắt đầy gân máu nhìn chằm chằm.
“Tôi tìm kiếm sự tự tại và giác ngộ hoàn toàn”, nhà hiền triết đáp.
“Cái gì trói buộc ngươi, ngươi muốn thoát khỏi cái gì?”, Tilopa lầm bầm hỏi.
“Muốn thoát tất cả, bạch ngài”.
“Cái trói buộc ngươi không phải là cảnh vật ngoại giới, Naropa. Chính sự
bám víu của ngươi buộc chặt ngươi. Hãy bỏ tất cả và trở thành tự do”.
Nghe xong, Naropa bỗng thức tỉnh và đại ngộ. Vui mừng trước kết quả lời mình, Tilopa đọc bài kệ:
“Chỗ nào có trói buộc níu kéo.
Chỗ đó còn khổ đau.
Chỗ nào còn yêu ghét,
Chỗ đó còn giới hạn.
Chỗ nào còn dự định và tư tưởng,
Chỗ đó tính Nhị nguyên lên ngôi,
Vì mọi phân biệt chỉ sinh vô minh
Tất cả tư tưởng, kế hoạch và tìm cầu hiểu biết,
Đều chỉ là những trò chơi giả tạo.
Mọi tham cầu hay từ khước,
Chỉ làm ngươi trở thành nô lệ của chính ngươi.
Cái sáng rực vĩnh viễn không bị ô nhiễm,
Chính là tâm thức uyên nguyên,
Tâm thức đó sinh ra tư tưởng,
Rồi thu nhận nó vào lại, xem như không có gì xảy ra cả.
Vì vậy, tốt nhất hãy yên nghỉ trên điều không hề biến hoại.
Nơi bất sinh bất diệt và hoàn toàn diệu dụng”.
Naropa còn phải trải qua mười hai lần thử thách và thuần thục một số
phép tu rồi một buổi sáng nọ, Tilopa thình lình nhảy nén từ sau lưng
lại, lấy giầy đánh vào mặt Naropa. Cơ sửng sốt bất ngờ này đánh thức
Naropa đã từ từ mệt mỏi, bỗng nhiên hốt ngộ chân như tuyệt đối và tiếp
nhận phép Đại Ấn quyết(Mahamudra), là phép ấn quyết đưa hành giả trở vế
với tự tính. Với phép này, Naropa đã trở thành truyền nhân của Tilopa và
về sau được may mắn có một truyền nhân xứng đáng là Marpa(2), nhà dịch
thuật, rồi vị này lại truyền cho con người hoan lạc Milarepa(1).
Dòng truyền nhân liên tục từ đời này qua đời khác đến ngày nay vẫn còn.
Dù chúng ta không biết đến họ, phải biết đó là một sự may mắn cho hậu
thế.