Niệm tưởng vô chấp
"Vì tất cả các pháp hữu vi đều vô thường, nên quán viên mãn nhất là quán tâm vô chấp."
Như kinh "11 niệm tưởng phải có" đã nhấn mạnh, tốt hơn hết là không nên
có tâm chấp trước đối với bất cứ pháp hữu vi nào, vì tất cả các pháp hữu
vi đều vô thường.
Chúng ta đã xác định rằng vạn pháp đều không có tự tánh, và điều này áp
dụng cho đối tượng được nhận thức cũng như chủ thể nhận thức.
Tánh Không của mọi pháp như đối tượng nhận thức nói chung đã được đề cập
ngay từ phát biểu thứ nhất, và trong câu thứ ba, chúng ta vừa xác định
rằng ngay cả chủ thể nhận thức (tâm) cũng rõ ràng là không có tự tánh.
Nhưng mặc dù tất cả các pháp, đối tượng cũng như chủ thể nhận thức, đều
không có tự tánh, một kẻ phàm phu nếu không được chỉ dẫn sẽ nhận biết
hoàn toàn trái ngược. Ở nơi không có một thực thể nào, phàm phu – ở đây
chỉ cho một người chưa hiểu tánh Không – sẽ nắm bắt, vướng chấp là có
một tự tánh, một cái gì hiện hữu biệt lập. Để sửa đổi lối nhận thức hoàn
toàn sai lầm này, phải làm sao hiểu được tánh Không. Nhưng không phải
ai cũng có thể hiểu được, ít nhất là trong thời gian đầu. Do đó, phải
tìm cách giúp đỡ những ai chưa hiểu được rằng tự tánh không hề có, những
ai chưa chứng được tánh Không. Do đó mới có câu phát biểu thứ tư.
Để giúp đỡ những ai chưa hiểu được, nhất là chưa từng nghe đến tánh
Không, phương pháp tốt nhất là dẫn dắt họ lưu ý đến bản chất vô thường
của các pháp hữu vi.
"Pháp hữu vi" là các pháp do nhân và duyên mà sinh, và theo phân tích
thì pháp nào xuất phát từ nhân và duyên cũng đều là vô thường. Như vậy,
thấy được bản chất của pháp hữu vi là vô thường tức là ý thức được rằng
không có pháp duyên sinh nào lại có thể ở trong một trạng thái bất biến
dù chỉ trong một niệm. Thật ra, trong từng niệm đều có hiện tượng sinh
và diệt [liên tục] xảy ra.
Hãy lấy thí dụ một sự vật có mặt ở thời điểm C. Pháp này là kết quả của
các nhân và duyên gặp nhau ở thời điểm B, và chính nó có thể làm nhân
cho một pháp tiềm tàng khác ở thời điểm D. Nhưng cho dầu ta có quan sát
thấy một sự liên tục tiếp diễn giữa các thời điểm C và D, pháp D vẫn
không phải là pháp C: có một sự biến đổi đã hiện hành.
Nói cách khác, sự hiện hữu trong thời gian của một pháp vô thường chỉ
kéo dài trong một niệm, không hơn không kém, và điều này áp dụng cho tất
cả các pháp hữu vi, kể cả các pháp mà chúng ta thấy là hấp dẫn vô cùng.
Ngay cả những đối tượng mà chúng ta gọi là tuyệt diệu hay thù thắng cũng
phải tuân theo quy luật tự nhiên này: chúng ta có cảm giác là chúng
hiện hữu lâu dài, nhưng đó chỉ thuần túy là một ảo kiến của thị giác, vì
trong từng niệm, chúng là một hiện tượng mới vừa được sinh ra để rồi
diệt đi ngay sau đó.
Ta có thể kết luận: Đối với một vật phù du dường ấy, khởi tâm chấp trước có ích lợi gì?
Nói một cách chính xác hơn, "một niệm" có nghĩa là gì? Trong ngôn ngữ
hằng ngày đó là một chữ hơi mơ hồ, nhưng trong ngôn ngữ triết học Phật
giáo có nhiều phương pháp để đo lường.
Trong kinh điển thường đề cập đến "khoảnh khắc búng móng tay" để so
sánh, nói đúng hơn đó là khoảng thời gian mà một con người, với tất cả
các quan năng tâm vật lý lành mạnh, cần có để tri nhận một cái búng móng
tay. Một niệm kéo dài bằng 1/65 thời gian một cái búng móng tay. Đó là
cách nói thông thường nhất trong Phật giáo. Nhưng các luận bản Đại thừa
còn đi xa hơn nữa và xác định rằng một niệm còn ngắn hơn thế nhiều, vì
chỉ lâu bằng 1/365 của một cái búng móng tay. Quý vị có lẽ cũng đồng ý
với tôi rằng khoảng thời gian như thế thì không lấy gì làm lâu lắm!
Nói như thế rồi, hãy trở lại với đề tài của chúng ta, tức là pháp vô
thường nào cũng chỉ kéo dài vỏn vẹn không quá một niệm duy nhất. Và cho
dầu niệm ấy có tương đương với 1/65 hay 1/365 của một cái búng móng tay
thì cũng là quá ngắn ngủi, chúng ta không cần phải lưu tâm tới sự khác
biệt ấy làm gì. Tại sao lại nương dựa vào một cái gì hết sức phù du, bấp
bênh như thế? Nếu chúng ta muốn nương dựa vào một cái gì, thì cũng nên
chọn một chỗ dựa vững vàng hơn một chút chứ! Nếu chúng ta dựa vào một
cái gì phải sụp đổ ngay lập tức, chúng ta sẽ ngã nhào theo ngay. Đó là
điều có thể xảy ra cho chúng ta nếu chúng ta cứ muốn luyến chấp vào
những hiện tượng chóng tàn. Suy nghĩ đi! Chỉ 1/365 của một cái búng móng
tay!
Nói lên tất cả những điều này có ý nghĩa gì? Có nghĩa là bất cứ pháp hữu
vi nào bản chất cũng không vững chắc, nghĩa là không thể tin cậy được!
Thân thể, của cải sở hữu, cả thanh danh của chúng ta nữa, v.v... cũng
đều có cùng bản chất này.
Hãy trở lại lập luận ban nãy. Điểm xuất phát là sự nhận biết rằng cái gì
hiện hữu cũng đều là Không: Tất cả mọi hiện tượng đều không có tự tánh
hay thực thể. Thế nhưng đại đa số hữu tình, tức là toàn bộ những người
phàm phu vẫn chưa hiểu sự vắng mặt của tính chất tuyệt đối nơi mọi sự
hữu, nên họ tiếp tục có một lối nhận thức hoàn toàn sai lầm đối với sự
vật, hoặc có vẻ như ngược ngạo: Nơi không có tự tánh, phàm phu chấp lấy
một cái có tự tánh; họ thấy có thực hữu nơi không có gì chắc chắn; nơi
chỉ có hiện tượng vô thường thì họ lại chấp chặt vào những hữu thể mà họ
tưởng là vĩnh cửu; và nơi chỉ có đau khổ, họ lại thấy có hạnh phúc. Vì
cái chuỗi nhận thức sai lầm đó, phàm phu bị kềm kẹp trong khổ đau. Họ
thật sự chịu đựng khổ đau – điều này không thể phủ nhận được.
Việc quan trọng là làm sao giúp họ thoát khỏi khổ đau. Làm thế nào bây
giờ? Cách thứ nhất, dễ thực hiện nhất, như đức Phật đã dạy, là làm sao
để khi những ai bước vào giây phút cuối của cuộc đời được dẫn dắt phát
khởi tâm vô chấp, với căn bản là tánh chất vô thường vốn được chứng
nghiệm nơi mọi hữu tình, và phổ quát hơn nữa, nơi tất cả các hiện tượng
tạo tác.
Đây là một cách khuyến khích chúng ta suy nghĩ sâu xa hơn về bốn cái
"ấn" của triết học Phật giáo, nhất là hai ấn đầu tiên. Xin nhắc lại cho
những ai chưa biết Tứ pháp ấn là gì:
1. Tất cả các hành (pháp hữu vi) đều vô thường.
2. Tất cả các pháp hữu lậu (bất tịnh) đều là khổ.
3. Tất cả các pháp đều vô ngã.
4. Niết Bàn là tịch tĩnh.
Khi đức Phật khuyên chúng ta nên quán niệm vô chấp, đồng thời Ngài cũng
muốn kêu gọi mọi người khơi dậy niệm "buông xả" đối với thế giới Ta-bà.
Nhấn mạnh trên bản chất vô thường của các pháp hữu vi và bản chất khổ
đau của các pháp hữu lậu không khác gì miêu tả Khổ diệu đế.
Về chữ "xả", chúng ta gặp một vấn đề về dịch thuật ở đây. Trong tiếng
Tây Tạng, chữ này hàm ý chán ghét một điều gì ghê tởm, đến độ chỉ còn có
một ý muốn duy nhất là vứt bỏ nó đi. Chữ "xả" ở đây có thích hợp để gợi
lên khái niệm này chăng? Có lẽ là không, nhưng chúng ta vẫn giữ nó, vì
nó đã quen được dùng.
Đức Phật gợi ý nên phát khởi một tâm niệm buông bỏ – nhàm chán đến độ
buồn nôn – đối với thế giới Ta-bà, cho đến nỗi là bằng mọi giá phải trốn
chạy, phải thoát ly ra khỏi cái vòng luân hồi vốn do nghiệp lực và các
phiền não tác động. Muốn thế, ta phải suy lường những tai hại của sự
luân hồi trong các kiếp sống duyên sinh. Muốn xa lánh một hoàn cảnh nào
đó, ta phải thấy những khía cạnh xấu xa của nó. Do đó, một trong các
phương pháp để có thể phát khởi tâm buông xả và ý muốn thoát ly ra khỏi
toàn bộ thế giới Ta-bà là suy nghĩ sâu xa hơn về bản chất vô thường của
mọi vật - một trong những điều tệ hại nhất của thế giới Ta-bà.
Tốt nhất là nên hành động có hệ thống, đi từ phạm trù này đến phạm trù
khác. Vậy thì, đời sống của chúng ta bị vô thường chi phối, cho đến nỗi
dưới khía cạnh ấy, đời sống chúng ta chỉ thuần túy hư ảo, bởi vì nó
không có thực chất. Cũng thế, thân thể ta không thể tin cậy được vì quá
mong manh tạm bợ và cũng không có tự tánh. Hiển nhiên, của cải sở hữu
cũng nằm dưới sự vô thường, tức là không có thực thể. Những người thân
của ta cũng trong hoàn cảnh đó.Và cuối cùng, toàn bộ thế giới Ta-bà cũng
không ra ngoại lệ vì tất cả các hợp thể cũng như các thành phần của hợp
thể đó đều không có thực thể tuyệt đối.
Tư duy như thế, cũng như tư duy về lý vô thường, theo ý tôi là đặc biệt
thích hợp với các xã hội Âu - Mỹ, vì nơi ấy khái niệm về vô thường rất
dễ nhận biết. Nhờ sự tiến bộ của khoa học, khái niệm này đã được chứng
minh trong các phòng thí nghiệm đến nỗi không những các chuyên gia đã
phải chấp nhận mà công chúng cũng đồng ý nữa. Nếu không suy nghĩ đến thì
sự thật này không trình hiện rõ ràng trước mắt chúng ta, nhưng chỉ cần
chịu để tâm đến, chúng ta có thể quán chứng hiện tượng vô thường một
cách dễ dàng.
Ngày xưa, khi chưa có những máy móc kỹ thuật tân tiến như hiện nay,
người ta vẫn phải tìm phương tiện để suy tư về vô thường. Ngài A Đề Sa
đã tuyên bố rằng để thực hiện được điều đó, nhất là đối với cuộc sống,
tốt nhất là hãy ra bờ sông, ngắm dòng nước chảy và tự bảo rằng, cũng y
như thế, dòng đời của chúng ta cũng trôi mãi không bao giờ ngừng.
Hiện nay chúng ta không cần phải đi đâu xa. Thường thì ai cũng có nơi cổ
tay một món vật có thể đóng vai trò người thầy tuyệt hảo cho mình, vị
thầy giỏi nhất của pháp môn vô thường. Tôi muốn nói đến cái đồng hồ đeo
tay. Miễn là nó chạy, thì các cây kim của nó di động không ngừng trên
mặt kính. Sự di động không ngừng này biểu trưng cho thời gian đang trôi
qua. Điều chúng ta cần làm là nối kết sự kiện này với chính chúng ta,
thì chúng ta sẽ hiểu rằng cuộc đời của mình cũng đang trôi qua một cách
không kém vô tình như thế.
Quý vị có biết ngài Kelsang Gyatso, Đạt-lai Lạt-ma thứ 7 (1708-1757)
từng nói gì không? Ngài nói: "Ngay khi chúng ta sinh ra, cuộc sống không
thể dừng lại nữa, và chúng ta không ngừng chạy hết tốc lực đến cái chết
của mình. Đúng, chúng ta đang sống đó, nhưng như một tên tử tội đang bị
lôi đến pháp trường, chúng ta đang trên đường trực chỉ đến cái
chết.Thật đáng sầu não lắm thay!"
Tử tội! Quý vị cũng biết là hiện thời rất nhiều tội nhân đang bị xử tử.
Suy nghĩ kỹ, đó không phải là sự thật hay sao? Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 7
đã miêu tả tình trạng hiện thời của chúng ta một cách chính xác. Chúng
ta đã sinh ra, và ngay sau đó chúng ta bị cuốn hút vào dòng trôi chảy và
cả vào cuộc đua với thời gian. Đừng mong rằng mình có thể chặn đứng nó
lại, dẫu trong khoảnh khắc. Không có vấn đề tạm nghỉ, không thể có
chuyện đó! Sinh ra có nghĩa là bắt đầu chạy, mà còn chạy hết tốc lực
nữa, về trạm cuối – cái chết.
Phải, chúng ta nói là chúng ta đang sống. Đúng vậy. Mà những người đang
sống là chúng ta đây bị bắt buộc phải bước, đúng hơn là phải chạy trên
một con đường dẫn đến cái chết một cách chắc chắn. Thật sự chúng ta
giống như những tên tử tội đang bị lôi đến pháp trường.
Quý vị hẳn cũng nhớ trong kinh "Phổ Diệu", đức Phật đã nói y như thế.
Vừa mới nhập thai xong, ngay giây phút thứ hai, tất cả chúng sinh đều
phải tiến đến tử thành, từng giây từng phút, không có một lúc nào tạm
ngừng nghỉ được. Còn gì đúng hơn?
Nhưng phải có sự thụ thai. Tất cả những điều này đều sẽ không thể xảy ra
nếu không có sự ra đời. Tôi xin nhắc lại là theo nhãn quan Phật giáo,
sự ra đời xảy ra đồng thời với sự thụ thai. Ngay từ giây phút một người
ra đời, ngay lập tức, tiến trình [chạy đua] bắt đầu và tiếp tục không
ngừng cho đến cái chết, "không một lúc nào tạm ngừng", như đức Phật đã
thuyết. Không có chuyện ngừng nghỉ xả hơi trong phút chốc. Sống là một
cuộc hành trình đi tới, phút này nối tiếp phút kia, ngày này nối tiếp
ngày kia, khởi điểm là lúc sinh ra và điểm kết thúc là cái chết.
Giữa quý vị, chắc hẳn có một vài người đang tự bảo: "Trời đất! Rinpoche
đang nói gì kìa? Thầy không ngừng nhắc đi nhắc lại là chúng ta sẽ chết,
chết không có lối thoát. Thầy nói gì đâu toàn chuyện dễ sợ, kinh khiếp
quá! Ngày lễ cuối tuần nắng đẹp thế này mà thầy làm cho mất vui hết,
thật là phí của!"
Tôi không hề có ý định hù dọa quý vị, làm cho quý vị ưu tư lo nghĩ không
phải lúc như thế! Vấn đề là nhìn thẳng vào sự thật. Cái chết là một
thực tại "được khoa học chứng nghiệm". Quý vị nghĩ sao? Quý vị có nghĩ
rằng đây là một sự thật không thể chối cãi hay chúng ta còn có thể đặt
nghi vấn? Thật sự, không những đây là một sự thật đã được kiểm chứng mà
còn có thể nói thẳng rằng đây là một sự thật quá rõ ràng! Tuy nhiên, dù
sự thật đã rành rành trước mắt, nhưng không phải ai cũng muốn thấy. Tuy
rõ biết việc này có thật, nhưng có người muốn quay mặt nhìn chỗ khác hay
che mắt đi để khỏi thấy.
Theo tôi, đó không phải là một thái độ đúng đắn cho lắm. Nhưng vì ở đây
chúng ta đông người, rất có thể có nhiều vị có ý kiến hoàn toàn khác
biệt về vấn đề này! Tôi biết thế vì xưa kia tôi có một người bạn đồng
nghiệp khi còn dạy ở trường Ngôn ngữ và Văn Minh Đông Phương (LanguesO).
Ông ta tốt nghiệp đại học và là một "khoa học gia chân chính", ông ta
tự giới thiệu như thế, thì chắc hẳn là phải đúng. Tóm lại, đó là một
người tự xưng giữa công cộng là mình có một lối tiếp cận rất khoa học.
Một hôm trong câu chuyện, tôi đề cập đến cái chết và lý vô thường, thì
ông bạn đồng nghiệp ấy la toáng lên:
– Đừng bao giờ, đừng bao giờ nói với tôi những chuyện đó, tôi không muốn
nghe nhắc đến. Tôi biết là nó có thật, tôi biết là ai cũng có ngày phải
chết nhưng tôi không muốn nghĩ đến trước. Không bao giờ!
Từ chối nhìn vào sự thật và không muốn nhắc đến chắc chắn không phải là
biện pháp tốt nhất. Gần giống như một người bệnh nặng và đau đớn, lấy
thí dụ là bệnh ung thư ở thời kỳ trầm trọng. Hãy tưởng tượng là người ấy
đang bị căn bệnh hoành hành rất thống khổ. Người ấy cảm thấy xấu hổ và
không muốn nhắc tới nên giữ kín bệnh tình, không dám nói thật cho thân
nhân biết. Tại sao? Hơn nữa, càng giấu giếm không lo chữa trị, bệnh càng
trầm kha. Chờ lâu không chịu khám bác sĩ thì bệnh càng ngày càng khó
chữa, và có thể không còn chữa được nữa cũng nên.
Khi ta có gì lo lắng trên phương diện sức khoẻ, thay vì làm con đà điểu
vùi đầu xuống cát để khỏi thấy rồi tự bảo "chuyện gì rồi sau hẵng hay,
tôi không muốn nghĩ tới, và càng không muốn nói tới nữa", lo đối trị
ngay lập tức không phải là khôn ngoan hơn sao? Chuyện đầu tiên phải làm
là gặp bác sĩ để được chẩn bệnh.Và sau khi khám nghiệm, thử máu... và
tìm ra bệnh, thì phải tuân hành những phương pháp trị liệu được đề nghị.
Phải thử qua tất cả. Với một chút may mắn, có thể thuốc này hay thuốc
kia sẽ có công hiệu, nhờ thế hoặc ta lành bệnh hẳn hay được thuyên giảm,
và điều ấy rất tốt. Nếu chúng ta ở vào một thời kỳ quá trầm trọng hay
vướng phải một căn bệnh nan y, bởi vì chúng ta đã thử làm tất cả những
gì cần làm và đã nhìn thẳng vào sự thật, ta sẽ không có gì phải hối
tiếc. Lúc đó, ta phải chấp nhận sự thật.
Trong trường hợp đó, một Phật tử nên nghĩ tới luật nhân quả, nghĩa là sự
quan hệ giữa nghiệp lực và sự báo ứng. Theo ý tôi, hành động như thế
tốt hơn vì hợp lý hơn.
Trong trường hợp ta là một người thực tế và đã hành động một cách chín
chắn, có trí tuệ, thì ta phải biết vì mình là một con người, tức là một
pháp hữu vi, và chính vì lẽ đó nên vô thường. Dầu muốn dầu không, bản
chất của chúng ta là chỉ có thể sinh và diệt từ niệm này đến niệm khác,
nghĩa là chúng ta không thể trụ trong hai niệm liên tiếp một cách bất
biến. Chắc chắn có những sự thay đổi diễn ra trong chúng ta, và chúng ta
không thể kháng cự lại được. Sự việc diễn tiến một cách máy móc.
Bởi vì mọi sự diễn ra như thế, ta không làm được gì, từ chối không muốn
thấy và nhất là từ chối không muốn nghĩ đến sẽ không ích lợi gì cho ta
cả. Tốt hơn hết là sự việc ra sao thì hãy thấy nó là như vậy, và tự
chuẩn bị cho cái việc mà ta không tránh được ấy. Dầu chúng ta là ai đi
nữa cũng nên mở mắt ra và thấy rằng mình nằm dưới sự chi phối của luật
vô thường thì tốt hơn. Chính vì thế, nếu chúng ta chấp nhận sự luân hồi –
như các Phật tử và nhiều người khác – chúng ta sẽ tự nhủ: "Chắc chắn là
tôi sẽ chết. Đó là vì tôi đang chịu luật luân hồi [thô], và cả luật
luân hồi [vi tế] đang diễn ra từ sát-na này đến sát-na khác. Nhưng hễ
còn sống, tôi sẽ cố gắng tận dụng tối đa thời gian còn lại."
Trạng thái tâm thức đó sẽ cho phép chúng ta thành tựu những việc quan
trọng hơn nhiều, tức là đi thẳng vào việc chính yếu thay vì mất thì giờ
vào những chuyện vô bổ. Là Phật tử, chúng ta có thể nói: "Trước khi thần
chết đến rước, ta phải tu tập thế nào để không còn phải trôi lăn trong
sinh tử một cách thụ động nữa mà trái lại đạt được giải thoát. Lý tưởng
nhất là đạt được một sự tự do hoàn toàn đối với vấn đề luân hồi. Nhưng
dầu cho không làm chủ được tình thế, ít nhất ta phải làm sao sử dụng
phần đời còn lại để sau khi chết nắm chắc phần thắng mà hướng đến một
cõi tái sinh tốt, thuận lợi cho ta tiếp tục nỗ lực tiến đến mục đích."
Nếu chúng ta không chấp nhận thuyết luân hồi, và tin tưởng rằng chỉ vỏn
vẹn có một đời sống độc nhất tức là cuộc sống này đây, thì chúng ta vẫn
có lợi lạc nếu ý thức được bản chất vô thường của mình, để có thể lợi
dụng tối đa cuộc sống hiện tại. Bằng cách đó, đến giờ phút cuối cùng,
chúng ta sẽ không còn gì để hối tiếc và có thể tự nhủ rằng: "Ta đã hoàn
thành những gì mà ta muốn làm nhất" hay là "Ta đã chu toàn bổn phận",
hoặc kết luận rằng "Ta đã làm hết sức của mình, ta không hối tiếc gì
nữa".