VƯỢT LUÂN HỒI VÀO TỊNH ĐỘ
Nhờ nguyện lực vô song của Bồ Tát Quán Thế Âm, thần chú
Mani của Ngài mang đến lợi ích cho vô lượng chúng sanh trong sáu cõi
luân hồi. Từ việc được nghe, đọc tụng cho đến trì niệm và quán tưởng,
liên hệ đến sáu âm Om mani padme hum đều được lợi lạc không thể nghĩ
bàn.
Tuy nhiên, do căn cơ của mỗi người đều khác biệt, cho nên cần biết
phương pháp hành trì thần chú Lục tự đại minh này để phát huy hết nội
lực của mình.
Cũng như những hoạt động tâm linh khác, phương pháp hành trì thần chú
Mani nên đi từ mức độ dễ đến khó, từ giản đơn cho đến tinh tế. Song, ở
bất kỳ trình độ nào mà hành giả có sự chuyên chú, nhất tâm đều sẽ triển
khai được thần lực của thần chú. Tất cả hoạt động của thân, ngữ, tâm để
phát ra câu thần chú Mani một cách đều đặn, thường xuyên gọi là “trì
chú”. Giờ đây chúng ta đi vào từng cấp độ một: thần chú thông dụng, đại
thần chú, đại minh thần chú, vô thượng thần chú, vô đẳng đẳng thần chú.
1. Thần chú thông dụng: hành giả đọc, tụng, trì niệm sáu âm Om mani
padme hum bằng khẩu và ý. Khẩu là đọc hoặc tụng, ý là niệm thầm trong
tâm trí.
2. Đại thần chú: Cách trì chú cũng như trên nhưng bổ sung thêm thủ ấn.
Trong kinh “Mật giáo Đà la ni thủ ấn đồ tập”, thủ ấn đi kèm theo thần
chú Mani là “Quán Âm Thanh Cảnh Ấn”.
3. Đại minh thần chú: Cách trì chú cũng như cách thứ hai nhưng khi trì
chú, hành giả dùng cách niệm kim cương vào ra theo hơi thở. Thở vào niệm
Om mani, thở ra niệm Padme hum.
4. Thần chú vô thượng: Cách trì chú cũng như cách thứ ba nhưng hành giả
cần đi thêm một bước nữa là quán tưởng hình ảnh Bổn tôn (Quán Âm Tứ Thủ)
ở trên đầu hoặc trước mặt.
5. Thần chú vô đẳng đẳng: Cách trì chú giống cách cách thứ ba nhưng ở đây hành giả quán tưởng chính mình là vị Bổn tôn.
Như đã nêu trên, trong 4 oai nghi của con người thì khi ngồi theo thế
kiết già hành giả sẽ trì chú có hiệu quả nhất. Trong trường hợp đi
đường, lái xe, ngồi xe buýt, máy bay... hoặc ngồi chờ ai đó nơi công
sở... hành giả nên sử dụng cách trì chú thứ nhất là tiện lợi nhất. Cách
trì chú thứ tư và thứ năm tức là “thần chú vô thượng”, “thần chú vô đẳng
đẳng” khó thực hành hơn. Chỉ khi nào thuần thục quán tưởng trong thiền
phòng hoặc thiền đường rồi mới có thể áp dụng ở những nơi khác.
Chúng ta đã biết công năng không thể nghĩ bàn của thần chú Mani. Tuy
nhiên, tùy theo mỗi cấp độ mà hiệu quả có phần khác nhau. Thuần thục ở
hai cấp độ của “thần chú thông dụng” và “đại thần chú”, hành giả phát
huy được thần thông thông thường (kính ái, tăng ích, tiêu tai, hàng
phục, câu triệu).
Ở cấp độ “thần chú đại minh” khi đã thuần thục, tâm thức của hành giả
hòa nhập với cõi trời Sắc giới (đạt định từ cấp một đến cấp bốn). Lúc
này, hành giả đạt được thắng trí, có thể khai triển thần thông dễ dàng
và lợi mãnh hơn hai cấp độ đầu.
Ở cấp độ của “thần chú vô thượng” (có nghĩa là không gì cao hơn) hành
giả bắt đầu bước vào mép cửa của thần thông tối thượng là trí huệ
Bát-nhã.
Sau khi thuần thục ở cấp độ “thần chú vô thượng” hành giả đi vào căn nhà
trí huệ Bát-nhã như nó là của mình, cho nên gọi là “thần chú vô đẳng
đẳng” (không gì có thể so sánh được). Trong giai đoạn trì niệm này, hành
giả dần dần thẩm nhập trí huệ Bát-nhã mà cụ thể là các loại trí huệ
như: đại huệ, minh huệ, diệu huệ, pháp huệ, trí huệ biện tài vô ngại,
trí huệ tổng hợp. (Geshe Achaya Thubten Loden viết trong tác phẩm “Biển
Phương tiện và Trí huệ bất khả phân).
Ở đây cần giải thích trí thứ sáu là “trí huệ biện tài vô ngại”, còn gọi
là “Tứ vô ngại biện”, tức là bốn loại tài trí biện luận không bị ngăn
ngại như sau:
1. Pháp vô ngại biện: rõ biết tất cả các pháp không ngăn ngại, từ các
pháp của hàng Thanh văn, Duyên giác cho đến hàng Bồ Tát hay chư Phật.
2. Nghĩa vô ngại biện: rõ biết nghĩa lý không ngăn ngại, tuy có phân ra
ba thừa khác nhau biết rõ là rốt ráo chỉ quy về một thừa chân thật,
không thấy là có tướng khác nhau.
3. Từ vô ngại biện: khả năng sử dụng ngôn từ không ngăn ngại, đối với một pháp vẫn có thể tùy nghi sử dụng vô số tên gọi.
4. Nhạo thuyết vô ngại biện: khả năng thuyết pháp không ngăn ngại, có
thể vì chúng sanh hoan hỷ diễn thuyết tất cả các pháp, khiến người nghe
vui thích.
Bảy trí huệ trên thành tựu, hành giả sẽ được Ngũ trí Như Lai: đó là Diệu
quán sát trí, Đại viên cảnh trí, Bình đẳng tánh trí, Thành sở tác trí
và Pháp giới trí. Lúc đó gọi là trí huệ của vị Phật chánh đẳng chánh
giác.
Trên con đường Bồ Tát Đại thừa, hành giả phải đi qua tuần tự năm con
đường đạo gọi là “ngũ đạo lộ”, tức là trải qua 51 nấc thang tu tiến,
nhưng trong Mật thừa thì pháp môn trì chú cũng giúp cho hành giả tự
nhiên được đi qua các đạo lộ đó. Đây là luận giải của Đạo sư Tultsim
Gyaltsen, đại hành giả Mật tông của Tây Tạng, xuất thân từ tu viện
Ganden, sáng lập ra Đại học Phật giáo Mật tông Thubten Dhargye Ling, ở
Long Beach, bang California, Hoa Kỳ.
Ngài cho rằng “Đại thần chú” liên hệ đến Tư lương đạo (giai đoạn tích
lũy), “Đại minh chú” liên hệ đến Gia hành đạo (giai đoạn chuẩn bị), “Vô
thượng thần chú” liên hệ đến Kiến đạo (giai đoạn thấu hiểu) và “Vô đẳng
đẳng thần chú” liên hệ đến Thiền định đạo (giai đoạn tu tập), được chỉ
ra trong năm đạo lộ phải đi qua của Bồ Tát Đại thừa. Từ đây có thể cho
chúng ta thấy giá trị vô song của thần chú Mani.
Qua luận giải, chúng ta đã nhận thức sâu sắc về tướng trạng của thần
chú, công năng cao siêu vi diệu của thần chú. Nhưng để được như vậy,
chúng ta phải sử dụng “Ba phương tiện tối thượng”:
– Thứ nhất là chuẩn bị tâm qua việc phát tâm Bồ-đề.
– Thứ nhì là pháp thực hành chính yếu, tức là trì niệm thần chú Lục tự đại minh không xao lãng.
– Thứ ba là kết thúc mỗi thời khóa hành trì chúng ta đều hồi hướng công đức vì lợi ích của tất cả chúng sanh.
Trong tác phẩm “Diệu pháp đạt Giác Ngộ” Đạo sư Dilgo Khyentse nhấn mạnh:
“Ba phương tiện này phải được ứng dụng cho bất cứ pháp thực hành nào, dù
chỉ là trong giai đoạn phát sinh hay giai đoạn thành tựu của Mật giáo,
hoặc đối với pháp hành Đại thủ ấn, Đại toàn thiện, Trung đạo. Thiếu một
trong Ba phương tiện này thì không thể đạt được kết quả tốt.”
Cụ thể chi tiết của nghi quỹ hành trì thần chú Mani được trình bày rõ ràng như sau:
Phương tiện thứ nhất:
Trong đạo phục nghiêm trang, hành giả ngồi kiết già hoặc bán già trên tọa cụ xướng ngôn:
“Đệ tử là... xin quy y Đạo sư, quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng từ đây
cho đến khi giác ngộ tối thượng! (3 lần) Để giải thoát chúng sanh khỏi
lục đạo luân hồi, đệ tử hôm nay thực hành trì chú Mani, xin Đức Bổn tôn
chứng minh và gia hộ!”
Phương tiện thứ nhì:
Hành giả đi vào phần chính cũng tác bạch Bổn tôn:
“Giờ đây đệ tử bước vào phần chính của trì chú, xin Đức Bổn tôn gia trì thần lực.”
Hành giả bắt đầu trì chú
Tùy theo trình độ, mỗi hành giả trì niệm các cấp độ thần chú khác nhau.
Riêng “thần chú vô thượng” và “thần chú vô đẳng đẳng” có phối hợp quán
tưởng Bổn tôn bên ngoài và bên trong nên hành giả cũng cần tiến hành
tuần tự theo diễn trình sau đây:
– Đối với Bổn tôn bên ngoài, hành giả quán tưởng trên đầu một hoa sen
lớn màu trắng hoặc màu khác tùy theo sở thích, trên đó là một chủng tự
Hrih tỏa hào quang. Lúc này, hành giả bắt ấn triệu thỉnh và niệm tinh
túy thần chú là 3 âm : OM AH HUM. Liền sau đó linh ảnh của Quán Âm Tứ
Thủ hiện lên từ chỗ chủng tự. Bấy giờ trong tâm thức hành giả, thánh
tướng của Ngài dần dần xuất hiện đầy đủ những tướng hảo chánh và phụ.
– Nếu không quán tưởng được như trên hành giả chỉ cần đọc bài nguyện
“Làm không gian ngập tràn lợi ích của chúng sanh” của Đạo sư Tangtong
Gyalbo là Bổn tôn sẽ xuất hiện trên đỉnh đầu. Trong bối cảnh có Bổn tôn
lấp lánh hào quang, đôi mắt bi mẫn nhìn chúng sanh, hành giả trì niệm
thần chú Om mani padme hum.
– Để quán tưởng Bổn tôn bên trong, hành giả dùng thủ ấn thỉnh nhập niệm
Om ah hum, hình dung Bổn tôn trên đầu hòa nhập với ta thành một. Bấy giờ
hành giả mang thánh tướng của Bổn tôn với đầy đủ những tướng chánh và
phụ của Bồ Tát đẳng giác. Lúc này, hành giả trì niệm thần chú Mani cũng
không gì khác biệt với Đức Quán Âm Tứ Thủ tuyên thuyết thần chú. Muôn
ngàn tia sáng đủ màu phóng xuất ra từ hành giả trong thân tướng Bồ Tát
làm lợi lạc chúng sanh muôn loài đang khổ đau và mong cầu giải thoát.
Ánh sáng màu trắng làm lợi lạc cho những người thân (cha mẹ, ông bà, anh
em... đã chết) ở vị trí bên tay trái hành giả; ánh sáng vàng làm lợi
lạc cho những người thân đang còn sống, ở bên tay phải hành giả; ánh
sáng màu đỏ làm lợi lạc cho những kẻ thù, kẻ đối nghịch, ở phía trước
mặt hành giả; ánh sáng màu xanh làm lợi lạc cho bằng hữu của hành giả, ở
phía sau lưng; ánh sáng màu tím nhạt làm lợi lạc cho những oan hồn uổng
tử, ở về phía sau chót.
Công phu càng sâu dày, thần chú của hành giả càng phát ra công năng mãnh
liệt, cho đến khi hành giả và vị Bổn tôn trở thành tương thông hợp
nhất. Đây là công phu của “thần chú vô đẳng đẳng”. Sau thời thiền, hành
giả quán tưởng những ánh sáng năm màu ấy biến thành hàng ngàn, hàng vạn
quả cầu nhập vào tim hành giả. Từ đây, hành giả trong thánh tướng Bổn
tôn thể nhập vào tim Phật A-mi-đà ở trên cao, đang chứng minh sự gia trì
của hành giả trong thánh tướng Bổn tôn đến tất cả chúng sanh. Sau đó,
toàn thân Phật A-mi-đà biến thành ánh sáng hoàng kim, phóng xuất về trụ
xứ Tây phương Cực lạc. Hành giả an trú trong trạng thái đó cho đến khi
không còn tập trung được nữa.
3. Phương tiện thứ ba
Hành giả bắt ấn xả thiền rồi đọc kệ hồi hướng:
“Nguyện đem công đức này.
Hướng về khắp tất cả.
Đệ tử và chúng sanh.
Đều trọn thành Phật đạo.”
Đạo sư Dilgo Khyentse dạy rằng:
“Khi công đức được hồi hướng, quả tốt của công đức sẽ gia tăng liên tục
thay vì tàn lụi dần, như chất men theo thời gian sẽ nảy nở thêm. Khi
hành giả hồi hướng, nên ý thức rõ ràng về việc hồi hướng của mình, giống
như đang dâng lễ vật cho từng chúng sanh một. Không nên nghĩ rằng công
đức được chia ra cho mọi chúng sinh, mà là mọi chúng sanh đều sẽ nhận
được trọn vẹn công đức đó...”
Tóm lại, mọi hoạt động tâm linh dựa trên ba phương tiện tối thượng này,
thì dù một việc nhỏ nhặt cũng sẽ mang lại cho hành giả những lợi ích vô
cùng. Đây là nền móng giúp cho hành giả xây dựng lâu đài Giác ngộ ở Cực
lạc Tây phương.