LỜI NÓI ĐẦU
Thần chú là một đặc trưng của giáo pháp Phật
giáo Mật tông, bởi vậy nên gọi là Mật chú thừa hay là Kim cang thừa.
Trong Mật chú thừa, hình tượng vị Phật mà các hành giả tu tập thiền quán
Bổn tôn thường chọn nhất có lẽ là hình tượng đức Quán Âm Tứ Thủ, và
thần chú do Ngài tuyên thuyết là thần chú Mani cũng được nhiều người thọ
trì nhất, còn gọi là thần chú Lục tự đại minh hay thần chú Sáu âm. Từ
xưa đến nay đã có biết bao thế hệ hành giả Mật chú thừa sử dụng thần chú
Mani làm nền tảng tiến tu và nhận Bồ Tát Quán Âm là Bổn tôn thiền quán.
Mật gia Song Nguyễn là nơi tịnh cư thực hành Mật giáo của người viết, cũng noi theo những tấm gương đó.
Trong những năm tháng thực hành pháp môn trì chú song song với pháp quán
tưởng Bổn tôn, người viết cũng như những đồng môn khác như đạo hữu Mật
Diệu, Mật Hải, Mật Tuệ, Mật Tấn, Mật Hạnh... đều cảm nhận được không ít
lợi lạc trong đời sống, cả về mặt tâm linh cũng như thể chất. Thật sự
không thể kể hết được ân phước gia hộ từ Bổn tôn, Đạo sư, Dakini, là
suối nguồn tâm linh đã mang đến cho chúng tôi tất cả những gì có thể gọi
là quý giá của kiếp người, bao gồm cả niềm hạnh phúc trong đời sống
hằng ngày cũng như những pháp vị được trải nghiệm qua từng thời khóa
hành trì!
Với tâm nguyện là niềm vui nên chia sẻ với mọi người, tựa như ổ bánh
ngọt thơm ngon muốn nhiều người cùng ăn chung cho biết mùi vị, người
viết không ngại tài sơ trí thiển, cố dồn tâm lực vào tác phẩm này để
chia sẻ những nhận thức của mình về thần chú Mani, cũng như những trải
nghiệm tâm linh trên đường tu Mật giáo mà bản thân đã kinh qua, mong có
thể giúp ích ít nhiều cho những ai chưa biết đến Mật giáo, những ai có
thiện cảm với Mật tông, cũng như những ai đang là hành giả Mật giáo.
Trong tác phẩm “Một đời người, một câu thần chú” này, người viết cố gắng
thể hiện những quan kiến Mật giáo về pháp môn trì niệm thần chú Mani từ
nhiều khía cạnh khác nhau. Khi trình bày, người viết cố gắng y cứ theo
những luận chứng trong kinh điển để tránh tình trạng “tri kiến lập tri”,
tức là luận giải chủ quan của cá nhân mình. Tuy vậy, về sự vi diệu của
thần chú Mani thì có lẽ chỉ chư Phật mới có thể luận bàn rốt ráo. Vì
vậy, người viết khó có thể tránh được nhiều sai sót, khuyết điểm. Rất
mong quý bạn đọc gần xa niệm tình tha thứ, người viết chân thành cảm
kích. Được chút thiện hạnh nào, người viết xin nguyện hồi hướng về cho
mọi chúng sanh hữu tình, vô tình trong pháp giới.
Mật gia Song Nguyễn
Phật lịch 2552
Thinley Nguyên Thành
Cẩn chí
ĐẠI SĨ LIÊN HOA SANH (tức GURU RINPOCHE) Đạo sư của nhiều thế hệ hành giả Mật giáo
ĐẠI THÀNH TỰU GIẢ LONGCHENPA
và các vị đệ tử dòng truyền thừa Nyingma
ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA XIV
Lãnh tụ tinh thần của Phật giáo Tây Tạng