08/08/2011 15:23 (GMT+7)
Số lượt xem: 68825
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

TƯỚNG TRẠNG CỦA THẦN CHÚ MANI

Nhiều hành giả Mật giáo suốt đời trì niệm thần chú sáu âm với niềm tin không lay chuyển và lòng sùng mộ vô biên Đức Quán Âm Tứ Thủ. Một khi niềm tin đã kiên cố thì người ta không cần tìm hiểu thêm những góc cạnh khác của thần chú Mani. Tuy nhiên, để dọn đường cho những hành giả sơ phát tâm tu tập bước đi dễ dàng vào đạo lộ tinh tấn và trí huệ, trong sách này chúng tôi thiết nghĩ cần mô tả sơ qua về cái gọi là tướng trạng của thần chú Mani.

Thần chú Mani có 6 âm, mỗi âm có một ý nghĩa và công năng riêng. Khi trì chú thì những âm trong thần chú kết thành tràng hoa, trang hoàng cho sự giải thoát. Giờ đây chúng ta sẽ đi vào chi tiết.

Theo quan điểm Mật giáo Tây Tạng thì thần chú Mani được phân nghĩa chiết tự như sau:

OM có nghĩa là quy mạng, hướng cả 3 nghiệp thân, khẩu, ý về Phật pháp.

MANI có nghĩa là viên ngọc như ý của trí huệ.

PADME có nghĩa là bên trong hoa sen, tức là lòng Đại bi nảy nở tựa như hoa sen vươn lên khỏi bùn lầy.

HUM có nghĩa là ý nghĩa cao đẹp của cuộc sống.

Tóm lại, nội dung thần chú có thể tạm diễn dịch như sau: “Viên ngọc như ý trong hoa sen trí huệ giúp con thoát khỏi bùn lầy vô minh, làm cao đẹp cuộc sống.”

Theo giải thích của Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV trong tác phẩm “Kindness Clarity and Insight” thì:

OM: tạo bằng 3 chữ A, U, M tượng trưng cho thân, ngữ, tâm bất tịnh của hành giả, chúng cũng tượng trưng cho thân, ngữ, tâm thuần tịnh của một vị Phật.

MANI: viên ngọc, tượng trưng cho phương tiện đạt giác ngộ. Đại bi, Đại từ như là những viên ngọc như ý thỏa mãn nguyện vọng của chúng sinh muốn đạt giác ngộ cho mình và đem lại giác ngộ cho người khác.

PADME: hoa sen, trượng trưng cho Trí huệ, bởi hoa sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Khi thiếu trí huệ mọi rắc rối sẽ xảy ra với chúng ta

HUM: dấu hiệu hợp nhất của phương tiện và trí huệ để đạt được sự tịnh hóa hoàn toàn.

Tóm lại, qua thực hành hợp nhất giữa phương tiện và trí huệ, chúng ta có khả năng làm cho thân, ngữ, tâm bất tịnh của mình thành thân, ngữ, tâm thuần tịnh của một vị Phật.

Ngoài ra, theo giải thích của Đạo sư Tangtong Gyalbo thì:

OM: bao gồm năm trí siêu việt của chư Phật.

MANI: viên ngọc như ý (Bảo châu)

PADME: hoa sen. Hợp hai nghĩa này với nhau thì MANI PADME có nghĩa là “Ngài là Bậc Thủ Trì Liên Hoa và Bảo Châu” và đây cũng chính là tôn hiệu khác của Bồ Tát Quán Thế Âm.

HUM: có công năng bảo hộ chúng sanh trong sáu cõi luân hồi.

Tóm lại, ý nghĩa của thần chú Mani là: “Hỡi Bậc Đạo sư của năm thân Phật và năm trí Như Lai, Bậc Trì thủ Liên hoa Bảo châu! Xin Ngài hoan hỷ gia hộ chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi vượt qua thống khổ.”

Đạo sư Tangtong Gyalbo nhấn mạnh rằng, thần chú Mani có nhiều cách giải thích khác nhau. Nhưng khi trì tụng không nhất thiết phải nghĩ tới ý nghĩa. Trong cách tự nhiên, thần diệu của sáu âm tiết thần chú phát ra từ tâm hay khẩu sẽ dần dần truyền đến hành giả trí huệ và đại bi của Đức Quán Thế Âm. Từ đó, hành giả cũng sẽ lan tỏa đến những chúng sanh liên hệ với mình trong hiện kiếp hoặc tiền kiếp.

Nói chung, khi trì chú Mani thì chính ngay lúc ấy chúng ta đóng cửa luân hồi trong sáu nẻo, hướng đến cõi tịnh độ giải thoát. Tuy nhiên, tướng trạng của thần chú Mani không tách rời vị Bổn tôn là Bồ Tát Quán Thế Âm. Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV từng giải thích trong luận đề về giáo lý Phật giáo được trình bày ở trường Đại học Harvard (Hoa Kỳ) vào tháng 8 năm 1981 rằng, trì tụng thần chú trong bối cảnh quán tưởng Bổn tôn có công năng mạnh mẽ hơn.

Thế nào là quán tưởng Bổn tôn? Đó là linh ảnh của Đức Quán Âm Tứ Thủ mà hành giả quán tưởng trước mặt bằng cách hưng vận tâm thức, đồng thời cùng lúc trì niệm thần chú.

Sau đây là vài nét sơ lược về quán tưởng Bổn tôn.

Quán tưởng là cách thực hành thiền quán bằng việc niệm câu thần chú kết hợp với sự hình dung một vị Phật hay Đại Bồ Tát do hành giả tự chọn theo hướng dẫn của vị thầy. Đây là một pháp môn rất hữu hiệu của Mật tông.

Trước khi đi vào chi tiết, cần phải biết qua một vài khía cạnh ngữ nghĩa. Pháp quán tưởng đang được đề cập ở đây là sự quán chiếu và hình dung một đối tượng kính ngưỡng nhằm mục đích tu tập. Điều này khác hẳn với sự tưởng tượng đơn thuần là thêu dệt ra những hình ảnh mà mình ưa thích hoặc ham muốn, hoặc do sợ sệt... vốn đều không có nền tảng của sự quán chiếu. Sự tưởng tượng như vậy chỉ là viễn vông, không có ý nghĩa xác thực gì. Tuy nhiên, vì là một hoạt động của tâm thức nên sự tưởng tượng đó vẫn có những sức mạnh, tiềm năng mạnh mẽ của nó. Khi cường độ của sự tưởng tượng trở nên sâu sắc, mãnh liệt, nó có thể khiến cho chủ thể của sự tưởng tượng sẽ nhận thức thực tại giống như trong tưởng tượng của mình.

Trong nền kịch nghệ nhân loại, người ta biết đến loại hoạt động tâm thức này qua vở kịch nổi tiếng “Người bệnh tưởng” của Molière (1622-1673), một kịch sĩ tài hoa của nước Pháp. Trong vở kịch, nhân vật chính luôn ám ảnh mình bị bệnh nặng, nhưng thực tế anh ta không có bệnh. Hậu quả là anh ta gây ra nhiều trò dở khóc dở cười, và kết cuộc anh chết vì căn bệnh tưởng hoàn toàn không có thật của mình.

Trên sân khấu là vậy, nhưng trong thực tế cũng có không ít trường hợp tương tự. Chẳng hạn, khi ở nơi hoang vắng như nghĩa địa, rừng sâu, người lữ khách có thể sợ sệt vì tưởng tượng đến quỷ ma. Đến một mức độ nào đó, anh ta có thể thấy ma quỷ xuất hiện... cho dù thực tế đó chỉ là những cây khô hay các vật thể nào đó... Đó là do sự tưởng tượng trong tâm thức chi phối nhận thức về thực tại khách quan.

Phương pháp quán tưởng được nêu ra ở đây để gia tăng oai lực của thần chú là hoàn toàn khác, vì việc hình dung chính mình là vị Phật hay Bồ Tát (trong Mật giáo gọi là Bổn tôn) được dựa trên một nền tảng có thật là sự tương đồng về các phẩm tính tốt đẹp giữa bản thân hành giả với vị Bổn tôn được quán tưởng. Giải thích về điều này, Lạt-ma Thubten Yeshe khẳng định rằng, khi quán tưởng chính mình là Bổn tôn tức là ta đang kích hoạt những phẩm tính sâu xa tốt đẹp nhất có sẵn trong ta, cái gọi là Phật tánh, Chân như.

Đương nhiên, khi quán tưởng mình là Bổn tôn, chúng ta không phải tự dối mình, mà là thực sự đang làm hiển lộ những phẩm tính thiêng liêng vốn luôn hiện hữu trong ta. Trước hết, hành giả quán chiếu về những phẩm tính cao quý nơi vị Bổn tôn, như từ bi, trí huệ...; tiếp đến, hành giả quán chiếu về những phẩm tính đó đang tiềm ẩn trong chính mình, đang cần phải tu tập để hiển lộ, và qua đó hành giả thấy được sự tương đồng giữa vị Bổn tôn với chính mình. Hành giả càng “nhập vai” vào sự quán tưởng thì sự hình dung càng rõ nét và năng lực thần chú càng gia tăng, bởi đối tượng trì niệm thần chú lúc ấy không còn là phàm phu như chúng ta nữa, mà thông qua sức quán tưởng đã trở thành tương đồng với vị Phật hoặc Bồ Tát được quán tưởng.

Đó là phương pháp quán tưởng vị Phật bên trong. Nếu thấy khó thực hiện, chúng ta có thể chọn phương pháp đơn giản hơn là quán tưởng vị Phật bên ngoài.

Theo cách này, chúng ta tôn trí linh ảnh của vị Bổn tôn là Đức Quán Âm Tứ Thủ ngay trước mặt, với kích cỡ tùy chọn khoảng 9 x 12 cm hoặc 20 x 25cm. Ngồi xuống trên tấm đệm, thư giãn tâm trí rồi bắt đầu chiêm ngưỡng linh ảnh Ngài. Có thể nhìn ngắm Ngài chi tiết hoặc toàn diện. Có nghĩa là tập trung vào từng chi tiết như đầu, tay, chân, mão... của Ngài, hoặc nhìn ngắm toàn thể thánh tướng của Ngài. Trong khi tập trung chiêm ngưỡng linh ảnh, chúng ta niệm thần chú Mani.

Nói chung, việc trì niệm trong bối cảnh quán tưởng Bổn tôn sẽ phát huy tối đa công năng thần chú. Bởi lẽ lúc bấy giờ chúng ta bước vào kinh nghiệm của một niềm kiêu hãnh thiêng liêng là hóa thân một vị Phật, Bồ Tát. Tâm thức vượt thoát khỏi mọi giới hạn thông thường, được nâng lên một tầm cao giác ngộ. Tướng trạng thần chú do đó sẽ phát ra những ba động quang minh vi tế, khiến hành giả được trầm mình trong sóng lực tâm linh thần diệu. Từ đó có thể tương thông với bản nguyện bi mẫn vô song của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Mặt khác, khi trì chú Mani hành giả sẽ được các loài quỷ thần, dù thiện dù ác, đều hết lòng ủng hộ, không để những tai ương xâm hại đến chỗ ở, đừng nói gì vào tận cửa nhà. Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện đã xác quyết như thế trong Phẩm thứ 12.

Tướng trạng thần chú Mani còn được biểu hiện ở khẩu lực của hành giả. Sau những năm tháng trì niệm, khẩu ngữ của hành giả sẽ tuôn tràn những lời chánh ngữ, có ý nghĩa nội dung cùng với sức thuyết phục cao. Phong mạo của hành giả dần dần chuyển qua đạo phong cốt cách một cách tự nhiên không cần lưu tâm cố gắng. Đặc biệt là lòng từ bi nảy nở trong hành giả mỗi ngày một lớn theo công phu trì niệm thần chú Mani.

Những căn bệnh mãn tính tưởng chừng bất trị sẽ dần dần giảm xuống cho đến khi hoàn toàn khỏi hẳn. Trong trường hợp bệnh nan y không thể chữa lành, hành giả trì niệm thần chú Mani tuy vẫn có sự đau khổ về thân xác nhưng trong tinh thần không còn sự lo sợ, phiền não như trước kia...

Những biểu hiện đó cho thấy tướng trạng của thần chú Mani đã lộ xuất, chứng minh sống động công phu tu tập của hành giả.

Sẽ là thiếu sót nếu bàn về pháp thiền quán Bổn tôn mà không đặc tả thánh tướng của Đức Quán Âm Tứ Thủ. Trong bài nguyện nổi tiếng “Làm không gian ngập tràn lợi ích của chúng sinh”, Đạo sư Tangtong Gyalbo mô tả như sau:

“Quy y Phật, Pháp và Thánh Tăng.

Cho đến khi con thành Chánh giác.

Nguyện các công đức con tạo được.

Như bố thí, trì giới, vân vân...

Khiến con thành Phật để độ sinh.

Chúng con chúng sanh đầy hư không.

Đảnh đầu đều có hoa sen trắng.

Và vầng trăng hiện Mật từ Hrih.

Đấng chí tôn thánh giả Quán Thế Âm.

Khiết bạch quang minh rực năm màu.

Mỉm cười bi mẫn nhìn sanh chúng.

Ngài có bốn tay thật nhiệm mầu.

Hai tay trong bốn, trên chắp lại.

Hai tay phía dưới của Ngài cầm.

Đóa hoa sen trắng, chuỗi pha lê.

Lụa châu trang sức nghiêm thánh thể.

Choàng ngực da nai đội bảo quan.

Trên mão có Phật A-mi-đà.

Đang ngồi trong thế già phu tọa.

Vầng nguyệt sau lưng thanh tịnh soi.

Ngài là chân tính là diệu thể.

Tất cả nương về để quy y.

Nay con đảnh lễ Quán Thế Âm.

Bậc thánh hoàn toàn không khuyết vọng.

Thân báo thanh tịnh suốt một màu.

Đỉnh đầu nghiêm sức viên mãn Phật.

Bi mẫn từ tâm nhìn chúng sanh...”

Có lẽ thánh tướng của Ngài được miêu tả mới nhất là trong chuyện kể của Delog Dawa Drolma khi bà được may mắn du hành đến cảnh giới của Ngài. Đối chiếu với những gì miêu tả trong kinh điển đều thấy chính xác và giống nhau.

Âm lịch

Ảnh đẹp