Nghi thức Tịnh Độ - chương 07
CẢM NGHĨ VỀ
ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ
(HT.Thích Trí Quảng)
Kinh A Di Đà xuất phát từ kinh Quán Vô Lượng Thọ, theo đó
đức Phật xác định cuộc sống con người quá ngắn ngủi, nên Ngài chỉ người tìm về
nơi có thọ mạng lâu dài hay vô lượng thọ. Ngoài ra, kinh A Di Đà cũng phát sinh
từ tinh thần mong muốn thoát khỏi thế giới khổ đau này để trở về sống ở cõi Cực lạc vĩnh hằng.
Thật
vậy, Đức Phật Thích Ca nói kinh này cho vua Tần Bà Sa La và hoàng hậu Vy
Đề Hy nghe khi họ rơi vào tâm trạng khổ
đau cùng cực, mạng sống mong manh như chỉ mành treo chuông vì bị con là A Xà Thế
soán ngôi, nhốt vô ngục. Trong lúc khổ sở vô cùng, vua và hoàng hậu mới thấm
thía lời Phật dạy về cuộc đời là khổ, giả tạm, vô thường. Lúc trước, Phật cũng
dạy như vậy, nhưng còn ở ngôi vị có đầy quyền thế thì họ làm thế nào tin và
nghe theo Phật được. Phải đến lúc lâm vào hoàn cảnh bi đát, tuyệt vọng cùng đường,
họ chợt nhớ lời Phật dạy, thì không sợ khổ, sợ chết nữa và lóe sáng trước mắt nếp
sống vĩnh hằng, an lạc ở thế giới phương Tây của Đức Phật Di Đà.
Kinh A Di Đà được Đức Phật thuyết ở Xá Vệ,
lúc đó Ngài đâu còn ở Vương Xá mà nói
kinh này cho vua nghe. Có thể hiểu rằng trong cảnh ngộ khổ đau quá sức, vua và
hoàng hậu hết lòng hướng về Phật, tỏ ngộ được điều Phật dạy, liền được giải
thoát chứng sơ quả. Họ nghe Phật dạy là nghe bằng tâm thanh tịnh và Phật đến với
họ cũng bằng tâm thanh tịnh, từ bi. Vì vậy, kinh diễn tả là Phật hiện thân vô
ngục nói pháp cho vua. Có thể nói kinh Di Đà
thích hợp với hoàn cảnh khó khăn,
nguy hiểm; vì Phật nói kinh này trong lúc bình yên, nhưng thật sự lúc gặp nguy
biến, chúng ta mới cảm nhận ý Phật một cách sâu sắc.
Kinh Di Đà
được phát triển mạnh khi truyền sang Trung Quốc và được Ngài Cưu Ma La
Thập dịch ra Hán văn. Ngài Huệ Viễn lãnh hội yếu chỉ kinh và lập ra Tịnh độ
tông. Khi tông này truyền sang Nhật Bản, được Ngài Pháp Nhiên và Thân Loan triển
khai thành Tịnh độ tông và Chân tông, vẫn
còn phát triển mạnh đến ngày nay. Ở Việt Nam không thành lập Tịnh độ tông, nhưng hầu hết các chùa từ thời Lê - Nguyễn,
là thời kỳ đen tối của Phật giáo, đều có thờ cúng Đức Phật Di Đà. Cho đến thời cận đại, mặc dù chùa Việt Nam mang dáng dấp chùa Thiền và chư
Tăng đều nhận hệ phả của Thiền tông, nhưng đa số các chùa đều tôn
trí tượng Phật Di Đà, tụng kinh Di Đà và niệm hồng danh Phật Di Đà hằng ngày.
Phải chăng kinh Di Đà người thích hợp vì
chúng ta không thể nào ưa thích thế giới khổ đau, nhiều bất trắc này, nhất là
trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, mọi người hoàn toàn bất lực trước sóng gió
khó khăn bủa vây dồn dập. Từ đó, chúng ta dễ dàng ước mơ được sống trong một thế
giới an lạc. Rõ ràng có khổ, mới mong được an vui: bị bức ngặt trong hạn hẹp, mới
ước mong vĩnh hằng. Vì vậy, Đức Phật nói kinh này thích hợp với Ta Bà vì nơi đó
mạng sống ngắn ngủi, vạn vật vô thường.
Và xa hơn nữa, một số người diễn giải rằng
sau Phật diệt độ, ở đời mạt pháp, tất cả kinh điển của Phật đều mất hết, còn
kinh Di Đà tồn tại thêm 100 năm. Và cuối cùng, kinh Di Đà cũng mất, chỉ còn 6
chữ Nam mô A Di Đà Phật.
Điều này được lý giải theo nhiều cách khác
nhau. Nếu hiểu theo tinh thần tiêu cực, bi quan, họ cho rằng sau Phật diệt độ, giáo pháp sẽ mất lần cho đến ngày nào đó
thì bị tiêu luôn, không còn Phật pháp nữa. Bấy giờ, chúng ta chỉ còn cách duy
nhất thật đáng thương là niệm 6 chữ Nam mô A Di Đà Phật để được vãng sanh.
Tuy nhiên, theo tinh thần Đại thừa, đặc biệt
là theo kinh Pháp Hoa, đức Phật phương tiện hiện Niết bàn để mọi người tự nỗ lực
tu hành, không ỷ lại có Phật bên cạnh lo cho ta. Mục tiêu của Phật nhằm chỉ dạy
chúng ta con đường thăng hoa, phát triển xã hội, không phải đề ra tư tưởng tiêu
cực, dắt chúng ta vào ngõ cụt bi quan. Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật chỉ rõ
sanh thân Thích Ca có nhập diệt hay đó
là hình ảnh của mạng người ngắn ngủi mà Ngài thường nhắc nhở chúng ta, để đừng
sanh tâm bám víu, tham đắm với thân hữu hạn ấy. Tuy nhiên, Đức Phật cho biết
ngoài thân hạn hẹp, tạm bợ mà Ngài ứng hiện trên cuộc đời để độ sanh, Ngài còn
có Báo thân viên mãn, nghĩa là thân phước đức, trí tuệ vẹn toàn và Pháp thân
vĩnh hằng bất tử.
Đức Phật giới thiệu với chúng ta Phật Di
Đà có vô lượng thọ, vô lượng quang, vô
lượng công đức; hay nói cách khác, đó là tiêu biểu của Báo thân Phật. Sở dĩ Phật
Di Đà có 3 điều quý báu vô giá ấy vì Ngài đã trải qua vô lượng kiếp hành Bồ Tát
đạo, vun trồng hạt giống trí tuệ, hạt nhân khỏe mạnh và trồng cội công đức, mới
hình thành được thân phước đức, trí tuệ, tức Báo thân Phật. Điều đó mở ra cho chúng ta một định hướng
mới rõ ràng của Phật giáo Đại thừa, theo đó chúng ta nỗ lực dấn thân trên con
đường tự hành hóa tha, để phát huy trí tuệ, kéo dài mạng sống, tạo mọi lợi ích
cho đời, chứ không phải chỉ sống tiêu cực.
Thật vậy, trong kinh Bảo Tích nói rõ về tiền
thân Đức Phật Di Đà trải qua quá trình tu hành, tự cải tạo cuộc sống
thành tốt đẹp. Xưa kia, vì không có trí tuệ, Ngài cũng sống khổ đau, thọ mạng
ngắn ngủi. Nhưng nhờ nương lời Phật dạy, Ngài phát huy trí tuệ, trở thành Pháp
Tạng Tỳ kheo sáng suốt, giảio thoát, an vui và từ đó bước chân vào đời, cứu khổ
ban vui cho người, làm lợi ích cho đời, thi Ngài trở thành Pháp Tạng Bồ tát. Với
phước đức trí tuệ của Bồ tát, Pháp Tạng dấn thân vào việc xây dựng thế giới Cực Lạc. Đến khi viên
mãn hạnh nguyện Bồ tát, xây dựng xong Phật độ, Ngài trở thành Phật A Di Đà, làm
Giáo chủ Tây phương Tịnh độ. Những gì Đức Phật Di Đà đã làm để thay đổi cuộc sống khổ đau thành an vui, đổi
mạng sống ngắn ngủi thành lâu dài, thiết nghĩ
không có gì là khó hiểu đối với chúng ta ngày nay. Trước kia, người sống đến 70 tuổi thì hiếm,
nên người ta thường nói "Thất thập cổ lai hy". Ngày nay, chúng ta sống
đến 70, 80 tuổi là việc bình thường. Nếu có hiểu biết về y học, biết giữ gìn sức
khỏe, chúng ta kéo dài được tuổi thọ. Chỉ
một việc đơn sơ ấy, ta đã hình dung ra được đời sống ở thế giới Cực Lạc có vô
lượng thọ như thế nào.
Theo tinh thần Pháp Hoa, nếu giáo pháp Phật
cuối cùng chỉ gồm thu trong 6 chữ Nam mô A Di Đà Phật, thì điều đó có nghĩa là
đạo Phật sống còn, tồn tại dài lâu với 3 điều tiêu biểu quan trọng nhất: trí tuệ,
phước đức và sống lâu. Thiết nghĩ sức sống Phật giáo mang tính vĩnh hằngkhi
hàng đệ tử Phật trang bị vững vàng yếu tố trí tuệ tồn tại mãi mãi, còn hình thức
thì hữu hình, hữu hoại. Đức Phật dạy đệ tử Ngài lấy trí tuệ làm sự nghiệp là
nghĩa như vậy. Ngoài ra, đệ tử Phật hiện hữu để giúp đỡ và mang an vui cho người
làm lợi ích cho đời (là vô lượng công đức). Và chúng ta sống giản dị, nhưng khỏe mạnh và sống lâu (tức vô lượng thọ).
Kiến giải theo Pháp Hoa thì trí tuệ, công
đức, và sức khỏe tốt, sống lâu là thọ mạng của Phật pháp; nghĩa là chúng ta
sinh hoạt như thế nào để đạo Phật phải là biểu tượng của phước đức và trí tuệ.
Vì phước đức, trí tuệ rọi vô tâm chúng sanh thân thành pháp thân để Phật pháp tồn
tại. Nếu phước đức, trí tuệ không có, nghĩa là hiểu biết của ta không bắt kịp mọi
người, việc làm của ta chẳng lợi ích gì
cho đời và cuộc sống ta không bằng người, được coi như Phật nhập diệt.
Kết hợp Tịnh độ và Pháp Hoa nhìn về giáo
pháp Phật mang tính vĩnh hằng bất tử là Pháp thân và Báo thân, thể hiện trong
cuộc sống của hàng đệ tử Phật qua các thời đại. Vì vậy, dưới nhãn quan Pháp
Hoa, không phải rời bỏ thế giới Ta Bà đi đến thế giới cách đây 10 muôn Đức Phật
độ mới có Đức Phật A Di Đà. Thiển nghĩ sinh hoạt của con người văn minh ngày nay cũng phải
nhìn nhận rằng giáo lý chúng ta tuy đề cập nhiều vấn đề, nhưng nổi bật 3 vấn đề:
trí tuệ, phước đức và sống lâu. Đó là những gì Phật dạy có giá trị thiết thực
nhất trong mọi thời đại.
Tóm lại, trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật
Thích Ca vẽ ra cho chúng ta thấy khổ đau hay an lạc, sáng suốt hay mê muội, sống
lâu hay chết yểu, sống lợi ích cho đời hay vô dụng ..., đều do chính chúng ta
quyết định. Một trong những vị tu hành đi theo dấu chân Phật, triển khai tư tưởng
Tịnh độ theo chiều hướng tích cực nói trên có Tổ Huệ Đăng, Ngài dạy:
Y theo giáo pháp
Thích Ca,
Tự nhiên bổn tánh
Di Đà phóng quang.
Nghĩa là nếu hiểu rõ giáo pháp Thích Ca, ứng xử được tinh ba của giáo pháp trong
cuộc sống thì chúng ta tỏ ngộ được bản tánh Di Đà là bản tánh sáng suốt của chính chúng ta.
Chúng ta sáng suốt, tức Phật phóng quang, không phải Phật Di Đà bên ngoài phóng quang cho ta. Nương lời Phật
dạy, trí chúng ta được khai mở, sáng suốt, thì hết khổ đau, sống an lạc. Tinh
thần trong sáng sẽ chỉ đạo cho ta có được việc làm thánh thiện, lợi lạc cho đời
và sống an vui; đó là con đường mà Đức Phật Thích Ca, Phật Di Đà cùng chư Phật
mười phương đều trải qua khi hành Bồ tát đạo giáo hóa chúng sanh vậy.
PHỤ LỤC 3
Để diệt trừ phiền giận, nuôi dưỡng thương yêu, phước đức,
và đạt đến tuệ giác giải thoát. Ngòai pháp môn niệm Phật A Di Đà, thỉnh thoảng
trong thời khóa tụng niệm hằng ngày, qúy Phật tử cũng nên trì tụng, học hỏi
thêm các kinh: Kinh diệt trừ phiền giận – Kinh thương yêu – Kinh phước đức –
Kinh tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân.
Khóa lễ trì tụng:
Kinh Diệt Trừ Phiền
Giận, Kinh Thương Yêu, Kinh Phước Đức, Kinh tám điều giác ngộ của các bậc đại
nhân.
-
Kệ dâng
hương
-
Cầu nguyện
-
Kệ tán
phật
-
Đảnh lễ
-
Chú đại
bi
-
Kệ mở
kinh
KINH VĂN:
(Một trong bốn
kinh nói trên)
-
Kinh
Tinh Yếu Bát Nhã
-
Niệm Phật
-
Phát
nguyện (hoặc tụng bài sám nào tùy thích)
-
Chơn
ngôn quyết định vãng sanh
-
Hồi hướng
-
Tự quy y
Mười điều căn bản khi đọc
kinh Phật
Phát sinh lòng từ
khi đọc kinh
An mặc sạch sẽ,
giữ gìn miệng thơm khi đọc kinh.
Chỗ ngồi (và bàn
thờ nếu có) sạch sẽ khi đọc kinh.
Tư thế đứng hoặc
ngồi nghiêm trang khi đọc kinh.
Tập trung tư tưởng
lúc đọc kinh.
Đọc tròn chữ, rõ
ràng, không chậm, không nhanh.
Để ý lời kinh,
tránh đọc sai.
Giọng đọc không
thê lương cũng không cốt yếu ở du dương nhằm khoe giọng của mình tốt.
Quán xét ý nghĩa
kinh lúc đọc tụng.
Sau khi đọc kinh
luôn hồi hướng công đức cho mình, gia đình, đất nước và chúng sanh.
Mười điều căn bản khi niệm Phật
Mở rộng lòng từ
khi niệm Phật.
Chỗ ngồi (và bàn
thờ nếu có) trang nghiêm khi niệm Phật.
An mặc sạch sẽ,
giữ gìn miệng thơm khi niệm Phật.
Tư thế nghiêm
trang khi niệm Phật.
Tập trung tư tưởng,
quán hạnh nguyện của vị Phật hay vị Bồ
Tát mình đang niệm danh hiệu.
Niệm Phật không
chậm, Niệm Phật không gấp.
Tràng hạt là phương tiện đếm lời nguyện do đó không nên
cố chấp vào loại tốt, đẹp hay đặc biệt.
Lần chuỗi cùng một
nhịp với lời nguyện.
Niệm Phật đúng số
lần đã nguyện từ trước.
10) Sau khi niệm
Phật luôn hồi hướng công đức cho mình, gia đình, đất nước và chúng sanh.
Kinh diệt trừ phiền giận
Đây là những điều
tôi đã được nghe, hồi Phật còn cư trú trong tu viện Cấp Cô Độc, rừng Thắng Lâm,
tại thành Xá Vệ.
Hôm ấy, tôn giả
Xá Lợi Phất nói với các vị khất sĩ:
"Này các bạn
đồng tu, hôm nay tôi muốn chia sẻ với các vị về năm phương pháp diệt trừ phiền
giận. Xin các bạn lắng nghe và chiêm nghiệm".
Các vị khất sĩ
vâng lời và lắng nghe.
Tôn giả Xá Phất Lợi
nói:
- Năm phương pháp
diệt trừ phiền giận ấy là những phương pháp nào? (Chuông)
Đây là phương
pháp thứ nhất, này các bạn:
Nếu có một ai đó
mà hành động không dễ thương, nhưng lời nói lại dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà
mình lại sinh tâm phiền giận người đó thì mình phải nên biết cách quán chiếu để
trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.
Này các bạn tu,
ví dụ có một vị khất sĩ tu theo hạnh a lan nhã, ưa mặc y phấn tảo, một hôm đi
qua một đống rác bẩn có phân, nước tiểu,, nước mủ và các thứ dơ dáy khác, trông
thấy một tấm vải còn lành lặn. Vị ấy dùng tay trái cầm miếng vải lên và lấy tay phải căng nó ra.
Thấy miếng vải chưa bị rách thủng mà cũng không bị phân, nước tiểu, nước mủ và
các chất dơ bẩn khác dính vào, vị ấy liền xếp miếng vải lại, cất lấy, đem về
nhà để giặt sạch và may chung với các tấm vải khác làm y phấn tảo. Cũng như thế,
này các bạn tu, khi có một người mà hành động không dễ thương nhưng lời nói còn
dễ thương thì ta hãy đừng để tâm tới hành động của người ấy mà chỉ nên chú ý tới
lời nói dễ thương của người ấy, để có thể dứt trừ sự phiền giận của mình. Người
có trí phải nên thực tập như vậy. (Chuông)
Đây là phương pháp thứ hai, này các bạn:
Nếu có một ai đó
mà lời nói không dễ thương nhưng hành động lại dễ thương thì nếu là kẻ trí mà
mình lại sinh tâm phiền giận người đó thì mình phải nên biết cách quán chiếu để
trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.
Này các bạn tu, ví dụ như cách thôn xóm
không xa có một hồ nước sâu nhưng mặt nước lại bị rêu cỏ che lấp. Lúc bấy giờ có một người đi tới gần hồ, tự thân
đang bị sự đói khát và nóng bức hành hạ. Người ấy cởi áo để trên bờ hồ, nhảy xuống,
dùng hai cánh tay khoát rêu cỏ ra và khoan khoái mặc tình tắm rửa và uống nước
mát dưới hồ. Cũng như thế, này các bạn tu, khi có một người mà lời nói không dễ thương nhưng hành động lại dễ
thương thì ta hãy đừng để tâm nghĩ tới lời nói của người ấy mà chỉ nên chú ý tới
hành động dễ thương của người ấy thôi để có thể dứt trừ sự phiền giận của mình.
Người có trí phải nên thực tập như vậy. (Chuông)
Đây là phương
pháp thứ ba, này các bạn:
Nếu có một ai đó
mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương nhưng trong tâm vẫn còn
có chút dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận người đó
thì mình phải nên tìm cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.
Này các bạn tu,
ví dụ có một người đi tới ngã tư kia, kiệt sức, khát nước, thiếu thốn, nóng bức
và phiền muộn. Tại ngã tư ấy có một vết
chân trâu, trong ấy còn đọng lại một ít nước mưa. Vị này nghĩ: “Mặc dù nước
trong lỗ chân trâu ở ngã tư đường này rất ít, nhưng nếu ta dùng tay hoặc lá cây
để lấy thì ta sẽ có thể quấy cho nó đục ngầu lên và sẽ không uống được, do đó sẽ
không thể trừ bỏ được sự khát nước, thiếu thốn, nóng bức và phiền muộn trong
ta. vậy ta hãy qùy xuống, tay và đầu gối áp sát đất, dùng miệng mà uống nước trực
tiếp. Người ấy liền qùy dài xuống, tay và đầu gối áp sát đất, đưa miệng vào lỗ
chân trâu mà uống. Cũng vậy, này các bạn tu, khi thấy một ai đó mà hành động
không dễ thương và lời nói cũng không dễ thương, nhưng trong tâm vẫn còn có
chút ít sự dễ thương thì ta hãy đừng nên để tâm nghĩ tới hành động và lời nói
không dễ thương của người ấy mà hãy nên chú ý tới cái chút ít sự dễ thương còn
có trong tâm người ấy thôi để có thể dứt trừ được sự phiền giận của mình. Người
có trí phải nên thực tập như vậy. (Chuông)
Đây là phương
pháp thứ tư, này các bạn:
Nếu có một ai đó
mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương mà trong tâm cũng không
còn lại một chút gì gọi là dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền
giận kẻ đó thì mình phải nên tìm cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy
đi.
Này các bạn tu,
ví dụ như có một kẻ đi xa, trên con đường dài nửa đường bị bệnh. Khốn đốn, héo
hắt, cô độc, không bạn đồng hành, thôn xóm phía sau đã lìa bỏ lâu rồi mà thôn
xóm phía trước cũng còn cách đó rất xa, người đó đang lâm vào tình trạng tuyệt
vọng, biết mình sẽ chết ở dọc đường. Trong lúc ấy, có một người khác đi tới, thấy
được tình trạng này, liền ra tay cứu giúp. Người ấy dìu người kia tới được thôn
ấp phía trước, chăm sóc, chữa trị và chu toàn cho về các mặt thuốc thang và thực
phẩm. Nhờ sự giúp đỡ ấy mà người kia
thoát nạn. Sở dĩ người kia thóat nạn đó là nhờ ở lòng thương xót và lân
mẫn của người này. Cũng như thế, này các bạn tu, khi thấy một ai đó mà hành động
không dễ thương, lời nói không dễ thương mà trong tâm cũng không còn lại một
cái gì có thể gọi là dễ thương hết, thì ta phải phát khởi tâm niệm này: “Một
người mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương, mà tâm ý cũng
không dễ thương là một người rất đau khổ,
người này chắc chắn đang đi về những nẻo đường xấu ác cực kỳ, nếu không gặp được
thiện tri thức thì người ấy sẽ không có cơ hội chuyển hóa và đi về các nẻo đường
hạnh phúc.” Nghĩ như thế, ta mở được lòng thương xót và lân mẫn, diệt trừ được
sự phiền giận của ta và giúp được cho kẻ kia. Người có trí phải nên thực tập
như thế. (Chuông)
Đây là phương
pháp thứ năm, này các bạn:
Nếu có một ai đó
mà hành động dễ thương, lời nói cũng dễ thương mà tâm ý cũng dễ thương, thì nếu
là kẻ trí mà mình lại sanh tâm phiền giận hoặc ganh ghét với kẻ đó thì mình phải
nên tìm cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.
Này các bạn tu,
ví dụ cách ngoài thôn xóm không xa có một cái hồ thật đẹp, nước hồ đã trong lại
ngọt, đáy hồ sâu mà bằng phẳng, bờ hồ đầy đặn, cỏ xanh mọc sát quanh hồ, bốn
phía cây cối xanh tươi cho nhiều bóng mát. Có một kẻ kia đi tới bên hồ, khát nước,
phiền muộn, nóng bức, mồ hôi nhễ nhại. Người ấy cởi áo, để trên bờ hồ, nhảy xuống,
khoan khoái mặc tình tắm rửa và uống nước; tất cả những nóng bức, khát nước và
phiền muộn của mình đồng thời tiêu tán hết. Cũng vậy, này các bạn tu, khi thấy
một người mà hành động dễ thương, lời nói dễ thương mà tâm địa cũng dễ thương,
thì ta hãy nên nhận diện tất cả những cái
dễ thương của người ấy về cả ba mặt thân, khẩu và ý mà đừng để sự phiền
giận hoặc ganh ghét xâm chiếm ta. nếu không biết sống hạnh phúc với một người
tươi mát như thế thì mình thực không phải là một người có trí tuệ. (Chuông)
Này các bạn tu,
tôi đã chia sẻ với qúy vị về năm phương pháp dứt trừ sự phiền giận.”
Sau khi nghe tôn
giả Xá Lợi Phất nói, các vị khất sĩ vui mừng tiếp nhận và hành trì theo.
(Chuông)
(Trung A Hàm, kinh thứ 25)
KINH THƯƠNG YÊU
Những ai muốn đạt tới an lạc thường nên học
hạnh thẳng thắn, khiêm cung, biết sử dụng ngôn ngữ từ ái, những kẻ ấy biết sống
đơn giản mà hạnh phúc, nếp sống từ hòa, điềm đạm, ít ham muốn và không đua đòi
theo đám đông.
Những kẻ ấy sẽ không làm bất cứ một điều
gì mà các bậc thức giả có thể chê cười.
Và đây là điều họ luôn luôn tâm niệm:
Nguyện
cho mọi người và mọi loài được sống
trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi.
Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên
trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài
cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn
thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những
loài đã sinh và những loài sắp sinh.
Nguyện cho
đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng
ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn.
Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che
chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi
loài. (Chuông)
Ta hãy đem lòng từ bi không giới hạn của
ta mà bao trùm cả thế gian và muôn loài, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải,
lòng từ bi không bị bất cứ một cái gì làm ngăn cách, tâm ta không còn vương vấn
một chút hờn oán hoặc căm thù. Bất cứ lúc nào, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi
nằm, miễn là còn thức, ta nguyện duy trì trong ta chánh niệm từ bi. Nếp sống từ
bi là nếp sống cao đẹp nhất.
Không lạc vào tà kiến, loại dần ham muốn,
sống nếp sống lành mạnh và đạt thành trí giác, hành giả chắc chắn vượt khỏi tử sinh. (Chuông)
(Metta Sutta,
Sutta Nipata I)
KINH PHƯỚC ĐỨC
Đây là những điều tôi được nghe hồi đức Thế Tôn còn cư trú
gần thành Xá Vệ, tại tu viện Cấp Cô Độc,
trong vườn Kỳ Đà. Hôm đó, trời đã
vào khuya, có một thiên giả hiện xuống thăm Người, hào quang và vẻ đẹp của
thiên giả làm sáng cả vườn cây. Sau khi đảnh lễ đức Thế Tôn, vị thiên giả xin
tham vấn Người bằng một bài kệ:
“Thiên và nhân
thao thức
Muốn biết về phước
đức
Để sống đời an
lành
Xin Thế Tôn chỉ dạy.”
Và sau đây là lời
đức Thế Tôn:
“Lánh xa kẻ xấu
ác
Được thân cận người
hiền
Tôn kính bậc đáng
kính
Là phước đức lớn
nhất.
“Sống trong môi
trường tốt
Được tạo tác nhân lành
Được đi trên đường chánh
Là phước đức lớn
nhất.
“Có học, có nghề
hay
Biết hành trì giới
luật
Biết nói lời ái
ngữ
Là phước đức lớn
nhất.
“Được cung phụng
mẹ cha
Yêu thưông
gia đình mình
Được hành nghề
thích hợp
Là phước đức lớn
nhất.
“Sống ngay thẳng,
bố thí,
Giúp quyến thuộc,
thân bằng
Hành xử không tỳ vết
Là phước đức lớn
nhất.
“Tránh không làm
điều ác
Không say sưa
nghiện ngập
Tinh cần làm việc
lành
Là phước đức lớn
nhất.
“Biết khiêm cung
lễ độ
Tri túc và biết
ơn
Không bỏ dịp học
đạo
Là phước đức lớn
nhất.
“Biết kiên trì,
phục thiện
Thân cận giới xuất
gia
Dự pháp đàm học hỏi
Là phước đức lớn
nhất.
“Sống tinh cần, tỉnh
thức
Học chân lý nhiệm
mầu
Thực chứng được
Niết Bàn
Là phước đức lớn
nhất.
“Chung đụng trong
nhân gian
Tâm không hề lay
chuyển
Phiền não hết an
nhiên,
Là phước đức lớn
nhất.
“ Ai sống được
như thế
Đi đâu cũng an
toàn
Tới đâu cũng vững
mạnh
Phước đức của tự
thân.” (Chuông)
(Mahamangala sutta,
Sutta Nipata II)
Kinh tám điều giác ngộ
của các bậc đại nhân
Là đệ tử Phật thì nên hết lòng, ngày cũng
như đêm, đọc tụng và quán niệm về tám điều mà các bậc đại nhân đã giác ngộ.
Điều thứ nhất là giác ngộ rằng cuộc đời là
vô thường, cõi nước nào cũng mong manh, nhiều nguy biến. Những cấu tạo của bốn đại đều trống rỗng và có tác dụng gây đau
khổ, con người do tập hợp của năm ấm mà có, lại không có thực ngã, sinh diệt
thay đổi không ngừng, hư ngụy và không có chủ quyền. Trong khi đó thì tâm ta lại
là một nguồn suối phát sinh điều ác và thân ta thì là một nơi tích tụ của tội lỗi.
Quán chiếu như trên thì dần dần thoát được cõi sinh tử. (Chuông)
Điều thứ hai là giác ngộ rằng càng lắm ham
muốn thì lại càng nhiều khổ đau, rằng bao nhiêu cực nhọc trong cõi sinh tử đều do ham muốn mà có. Trong khi đó người ít ham
muốn thì không bị hoàn cảnh sai sử, lại cảm thấy thân mình và tâm mình được thư
thái. (Chuông)
Điều thứ ba là giác ngộ rằng vì tâm ta
rong ruổi chạy theo danh lợi không bao giờ biết chán cho nên tội lỗi ta cũng
theo đó mà càng ngày càng lớn. Các bậc Bồ Tát thì khác hẳn: họ luôn luôn nhớ
nghĩ đến phép tri túc, an vui sống với đời đạm bạc để hành đạo và xem sự nghiệp
duy nhất của mình là sự thực hiện trí tuệ giác ngộ. (Chuông)
Điều thứ tư là giác ngộ rằng thói quen lười
biếng đưa đến chỗ đọa lạc; vì vậy con người phải chuyên cần hành đạo, phá giặc
phiền não, hàng phục bốn loài ma và ra khỏi ngục tù của năm ấm và ba giới. (Chuông)
Điều thứ năm là giác ngộ rằng chính vì vô
minh nên mới bị giam hãm trong cõi sinh
tử. Các vị Bồ Tát thường xuyên nhớ rằng phải học rộng, biết nhiều, phát triển
trí tuệ, đạt được biện tài để giáo hóa cho mọi người, để cho tất cả đạt tới niềm vui lớn. (Chuông)
Điều thứ sáu là giác ngộ rằng vì nghèo khổ
cho nên người ta sinh ra có nhiều oán hận
và căm thù, và vì thế lại tạo thêm những nhân xấu. Các vị Bồ Tát biết thế cho
nên chuyên tu phép bố thí, coi kẻ ghét người thương như nhau, bỏ qua những điều
ác mà người khác đã làm đối với mình mà không đem tâm ghét bỏ những ai đã làm ác. (Chuông)
Điều thứ bảy là giác ngộ rằng năm thứ dục
vọng gây nên tội lỗi và hoạn nạn. Người xuất gia tuy sống trong thế tục nhưng
không nhiễm theo cái vui phàm tục, thường quán niệm rằng tài sản của mình chỉ là ba chiếc áo ca sa và một chiếc
bình bát, tất cả đều là pháp khí, rằng chí nguyện xuất gia của mình là sống
thanh bạch để hành đạo, giữ phạm hạnh cho thanh cao và đem lòng từ bi để tiếp xử
với tất cả mọi người. (Chuông)
Điều thứ tám là giác ngộ rằng vì lửa sinh
tử cháy bừng cho nên mọi loài đang chịu biết bao niềm thống khổ. Biết vậy cho
nên ta phải phát tâm Đại Thừa, nguyện cứu tế cho tất cả mọi người, nguyện thay
thế cho mọi người mà chịu khổ đau vô lượng,
khiến cho tất cả chúng sinh đều đạt tới niềm vui cứu cánh. (Chuông)
Tám điều nói trên là những điều giác ngộ của
các bậc đại nhân, Phật và Bồ Tát; những vị này đã tinh tiến hành đạo, tu tập từ
bi và trí tuệ, đã cưỡi thuyền pháp thân đến được bên Niết Bàn. Khi trở về lại
cõi sinh tử độ thoát cho chúng sinh, các vị đều dùng tám điều giác ngộ ấy để
khai mở và chỉ đường cho mọi người, khiến cho chúng sanh ai cũng giác ngộ được
cái khổ của sinh tử, lìa bỏ được ngũ dục và hướng tâm vào con đường thánh.
Nếu đệ tử Phật mà thường đọc tụng tám điều
này thì mỗi khi quán niệm diệt được vô lượng tội, tiến tới giác ngộ, mau lên
chính giác, vĩnh viễn đoạn tuyệt với sinh tử, thường trú trong sự an lạc. (Chuông)
(Bát Đại Nhân Giác
Kinh, 779
tạng kinh Đại
Chánh)
Nam mô Liên Trì Hải
Hội Phật Bồ Tát
(3 lần, 1 tiếng
chuông)
Phật nói kinh A Di Đà
Đây là những điều tôi đã được nghe Phật
nói vào một thời người còn cư trú ở tu viện Cấp Cô Độc, trong vườn cây của thái
tử Kỳ Đà. Hồi đó cùng ở bên Phật có một ngàn hai trăm năm mươi vị khất sĩ,
trong đó có những vị A La Hán đệ tử lớn của Phật mà ai cũng biết đến như các thầy
Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ca Diếp, Ca Chiên Diên, Câu Hy La, Ly Bà Đa, Châu Lợi
Bàn Đà Già, Nan Đà, A Nan Đà, La Hầu La, Kiều Phạm Ba Đề, Tân Lầu Lô Phả La Đọa,
Ca Lưu Đà Ni, Kiếp Tân Na, Bạt Câu La và
A Nậu Lâu Đà. Lại cũng có mặt các vị Bồ Tát đại nhân như Văn Thù, A Dật Đa, Càn Đà Ha Đề, Thường Tinh Tấn, và rất nhiều
vị Bồ Tát lớn như thế, cùng với chư thiên như Thích Đề Hoàn Nhân, nhiều đến vô
lượng, đều cùng có mặt. (Chuông)
Lúc bấy giờ Phật gọi thầy Xá Lợi Phất và bảo:
“Từ đây đi qua phương Tây, cách khoảng mười vạn ức cõi Phật, có một thế giới gọi
là Cực Lạc, trong cõi ấy có một vị Phật
tên là A Di Đà, hiện đang thuyết pháp.
“Này Xá Lợi Phất, đất nước ấy vì sao tên
là Cực Lạc? Bởi vì dân chúng trong nước ấy không biết khổ là gì, chỉ hưởng thụ
mọi thứ an lạc, cho nên cõi ấy được gọi là Cực Lạc.
“Này nữa, Xá Lợi Phất, ở nước Cực Lạc, có
bảy lớp lan can, bảy lớp lưới giăng, bảy
lớp hàng cây, tất cả đều được làm bằng bốn thứ châu báu, bao quanh giáp vòng,
vì vậy cõi ấy được gọi là Cực Lạc.
“Này nữa, Xá Lợi Phất, ở nước Cực Lạc, có
rất nhiều hồ thất bảo chứa đầy thứ nước có tám công đức, dưới đáy hồ toàn là
cát vàng; bốn bên hồ có những lối đi làm bằng vàng, bạc, lưu ly và pha lê; phía
trên các con đường ấy lại có vô số lâu đài, cũng được xây dựng và trang trí bằng
các chất liệu vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu và mã não. Sen trong
các hồ lớn như những chiếc bánh xe, sen xanh chiếu hào quang xanh, sen vàng chiếu
hào quang vàng, sen đỏ chiếu hào quang đỏ, sen trắng chiếu hào quang trắng,
hương sen tỏa ra vi diệu và tinh khiết.
(Chuông)
“Xá Lợi Phất, Nước Cực Lạc được tô điểm bằng
những cái đẹp như thế.
“Này nữa, Xá Lợi Phất! Ở nước Phật ấy người
ta thường được nghe nhạc từ hư không vọng xuống. Đất được làm bằng vàng ròng. Mỗi
ngày sáu lần có mưa hoa mạn đà la rơi xuống. Dân chúng nước ấy có thói quen buổi
sáng lấy lẵng hứng đầy các bông hoa mầu nhiệm ấy để đem đi cúng dường các vị Phật đang cư trú ở vô số các cõi Phật khác. Đến
giờ cơm trưa, mọi người đều về kịp nước
mình để ăn cơm rồi đi kinh hành. Xá Lợi Phất, nước Cực Lạc đẹp tuyệt vời như thế
đấy. (Chuông)
“Này nữa, Xá Lợi
Phất! Ở nước Cực Lạc kia, thường có nhiều
loại chim đủ màu rất kỳ diệu như Hạc Trắng, Khổng Tước, Anh vũ, Xá Lợi, Ca lăng tần già và Cọng mạng… Những
con chim ấy, sáu buổi mỗi ngày thường hót lên những thanh âm hòa nhã: Trong giọng
hót của chúng, người ta nghe được tiếng diễn xướng các pháp môn ngũ căn, ngũ lực,
thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần… Dân
chúng trong nước nghe được những pháp âm như thế đều nhiếp tâm trở về thực tập
niệm Phật, niệm Pháp và niệm Tăng.
“Xá Lợi Phất ! Thầy
đừng tưởng rằng các loài chim ấy đã được sinh ra trên căn bản nghiệp báo. Tại
sao? Tại vì ở nước Phật kia không có ba nẻo đường đen tối là: Địa ngục, ngạ qủy
và súc sanh. Xá Lợi Phất ! Ở nước ấy danh từ ác đạo mà còn không có, huống hồ
là sự thật về ác đạo. Những con chim kia đã được Phật A Di Đà biến hóa ra với mục
đích là làm cho pháp âm được tuyên lưu rộng rãi trong xứ của ngài. (Chuông)
“Xá Lợi Phất, ở
nước Phật ấy, mỗi khi có gió nhẹ xao động các hàng cây và các màn lưới châu báu
thì người ta được nghe những âm thanh vi
diệu, giống như là có trăm ngàn nhạc khí cùng được tấu lên một lần. Người dân nước ấy mỗi khi
nghe các âm thanh kia thì đều nhiếp tâm niệm Phật, niệm Pháp và niệm Tăng. Xá Lợi
Phất, nước Cực Lạc đẹp tuyệt vời như thế đấy.
“Xá Lợi Phất
! Thầy nghĩ sao? Đức Phật kia tại sao có
tên là A Di Đà? Xá Lợi Phất ! Tại vì Đức Phật ấy là ánh sáng vô lượng có thể
chiếu soi được tất cả các cõi nước trong mười phương mà ánh sáng ấy không hề bị
ngăn cách. Vì vậy nên ngài được gọi là A Di Đà.
“Hơn nữa, Xá Lợi
Phất ! Thọ mạng của Đức Phật ấy cũng như của dân chúng trong nước ngài là thọ mạng
vô lượng, vô biên kiếp A Tăng Kỳ, vì vậy cho nên danh hiệu của ngài là A
Di Đà.
“Xá Lợi Phất ! Từ
khi Phật A Di Đà thành đạo đến nay tính ra là đã mười kiếp. Này nữa, Xá Lợi Phất
! Số đệ tử Thanh Văn đã đắc quả A La Hán của Đức Phật ấy nhiều vô lượng, không
thể đếm được bằng toán học, số đệ tử Bồ
Tát của ngài cũng đông đảo như thế.
“Này Xá Lợi Phất
! Nước Phật kia đã được xây dựng bằng những
công đức đẹp đẽ như thế. (Chuông)
“Này nữa Xá Lợi Phất
! Tất cả những ai sinh về nước Cực Lạc đều có tư cách bất thối chuyển, trong số
ấy có nhiều vị đã là Bồ Tát nhất sinh bổ xứ. Số lượng của các vị này đông đảo
vô cùng, không thể dùng toán học mà kiểm
đếm được, ta chỉ có thể dùng danh từ vô số A Tăng Kỳ để diễn tả mà thôi.
“Xá Lợi Phất !
Chúng sinh mọi nơi khi nghe nói tới nước Cực Lạc đều nên phát nguyện sanh về nước
ấy. Tại sao? Tại vì sanh về nước ấy thì sẽ được sống chung và gần gũi vơi rất
nhiều các bậc thiện nhân cao đức.
“Xá Lợi Phất ! Những
kẻ thiếu phúc đức và căn lành thì ít hy vọng được sinh về cõi ấy. Vì vậy, Xá Lợi
Phất, người con trai lành hay người con gái lành nào muốn sinh về cõi ấy thì
khi nghe đến danh hiệu Phật A Di Đà phải nắm lấy danh hiệu ấy mà hết lòng thực
tập quán niệm theo phương pháp nhất tâm bất loạn, hoặc trong vòng một ngày, hai
ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày hay bảy ngày. Người ấy, đến khi lâm
chung, sẽ được thấy Phật A Di Đà và các vị thánh chúng nước ấy hiện ra trước mặt.
Trong giờ phút ấy, tâm ý người kia sẽ an
trú trong định, không hề điên đảo và tán
loạn, do đó người ấy được vãng sinh ngay về nước Cực Lạc.
“Xá Lợi Phất ! Vì
thấy được cái lợi ích lớn lao này cho nên tôi muốn nói với qúy vị rằng những ai
đang nghe tôi nói đây hãy nên phát nguyện sinh về nước ấy.
“Xá Lợi Phất, nếu
trong giờ phút hiện tại tôi đang ca ngợi những lợi ích và công đức không thể
nghĩ bàn của Phật A Di Đà thì tại phương Đông có các vị Phật A Súc Bệ, Phật Tu
Di Tướng, Phật Đại Tu Di, Phật Tu Di
Quang, Phật Diệu Âm và các vị Phật khác đông như số cát sông Hằng, vị nào cũng
đang ngồi tại quốc độ của mình, biểu lộ tướng lưỡi rộng dài của các vị, bao
trùm cả thế giới tam thiên đại thiên và
thốt lên lời tuyên bố thành thật của mình: “Này toàn thể chúng sinh các cõi,
qúy vị hãy nên tin vào kinh này, kinh mà tất cả các Phật trong vũ trụ đều đem hết
lòng xưng tán và hộ niệm”. (Chuông)
“Xá Lợi Phất, tại
phương Nam có các vị Phật Nhựt Nguyệt Đăng, Phật Danh Văn Quang, Phật Đại Diệm
Kiên, Phật Tu Di Đăng, Phật Vô Lượng Tinh Tấn, và các vị Phật khác đông như số
cát sông Hằng, vị nào cũng đang ngồi tại quốc độ của mình, biểu lộ tướng lưỡi rộng
dài của các vị, bao trùm cả thế giới tam
thiên đại thiên và thốt lên lời tuyên bố thành thật của mình: “Này toàn thể
chúng sinh các cõi, qúy vị hãy nên tin vào kinh này, kinh mà tất cả các Phật
trong vũ trụ đều đem hết lòng xưng tán và hộ niệm”. (Chuông)
“Xá Lợi Phất, tại
phương Tây có các vị Phật Vô Lượng Thọ, Phật Vô Lượng Tướng, Phật Vô Lượng
Tràng, Phật Đại Quang, Phật Đại Minh, Phật Bảo Tướng, Phật Tịnh Quang và các vị
Phật khác đông như số cát sông Hằng, vị nào cũng đang ngồi tại quốc độ của
mình, biểu lộ tướng lưỡi rộng dài của các vị, bao trùm cả thế giới tam thiên đại thiên và thốt lên lời tuyên bố
thành thật của mình: “Này toàn thể chúng sinh các cõi, qúy vị hãy nên tin vào
kinh này, kinh mà tất cả các Phật trong vũ trụ đều đem hết lòng xưng tán và hộ
niệm”. (Chuông)
“Xá Lợi Phất, tại
phương Bắc có các vị Phật Diệm Kiên, Phật Tối Thắng Âm, Phật Nan Trở, Phật Nhựt
Sanh, Phật Võng Minh và các vị Phật khác đông như số cát sông Hằng, vị nào cũng
đang ngồi tại quốc độ của mình, biểu lộ tướng lưỡi rộng dài của các vị, bao
trùm cả thế giới tam thiên đại thiên và
thốt lên lời tuyên bố thành thật của mình: “Này toàn thể chúng sinh các cõi,
qúy vị hãy nên tin vào kinh này, kinh mà tất cả các Phật trong vũ trụ đều đem hết
lòng xưng tán và hộ niệm”. (Chuông)
“Xá Lợi Phất, tại
phương Hạ có các vị Phật Sư Tử, Phật Danh Văn, Phật Danh Quang, Phật Đạt Ma, Phật
Pháp Tràng, Phật Trì Pháp và các vị Phật khác đông như số cát sông Hằng, vị nào
cũng đang ngồi tại quốc độ của mình, biểu lộ tướng lưỡi rộng dài của các vị,
bao trùm cả thế giới tam thiên đại thiên
và thốt lên lời tuyên bố thành thật của mình: “Này toàn thể chúng sinh các cõi,
qúy vị hãy nên tin vào kinh này, kinh mà tất cả các Phật trong vũ trụ đều đem hết
lòng xưng tán và hộ niệm”. (Chuông)
“Xá Lợi Phất, tại
phương Thượng có các vị Phật Phạm Âm, Phật Tú Vương, Phật Hương Thượng, Phật
Hương Quang, Phật Đại Diệm Kiên, Phật Tạp Sắc Bảo Hoa Nghiêm Thân, Phật Ta La
Thọ Vương, Phật Bảo Hoa Đức, Phật Kiến Nhứt Thiết Nghĩa, Phật Như Tu Di Sơn và
các vị Phật khác đông như số cát sông Hằng, vị nào cũng đang ngồi tại quốc độ của
mình, biểu lộ tướng lưỡi rộng dài của các vị, bao trùm cả thế giới tam thiên đại thiên và thốt lên lời tuyên bố
thành thật của mình: “Này toàn thể chúng sinh các cõi, qúy vị hãy nên tin vào
kinh này, kinh mà tất cả các Phật trong vũ trụ đều đem hết lòng xưng tán và hộ
niệm”. (Chuông)
“Xá Lợi Phất ! Thầy
nghĩ sao? Tại sao gọi kinh này là kinh mà
tất cả các Phật đều đem hết lòng xưng tán và hộ niệm?
“Sở dĩ như thế,
là vì những người con trai hoặc con gái
nhà lành nào nghe được kinh này và nghe được danh hiệu Phật A Di Đà, hết lòng
hành trì và thực tập theo phép niệm Phật thì những vị ấy sẽ được tất cả các vị
Phật hộ niệm, và tất cả sẽ đạt tới quả vị giác ngộ cao tột, không còn bị thối
chuyển. Vì vậy cho nên qúy vị hãy tin vào lời tôi đang nói,
và cũng là lời chư Phật đang nói.(Chuông)
“Xá Lợi Phất, nếu
có người đã, đang, hay sẽ phát nguyện sinh về nước Phật A Di Đà, thì người ấy
ngay trong giờ phát nguyện đã đạt được quả vị giác ngộ cao tột không thối chuyển
và đã có mặt tại cõi nước ấy rồi, không kể đến sự kiện là người ấy đã sinh,
đang sinh, hay sẽ sinh về đó.
“Xá Lợi Phất,
trong khi tôi đang ca ngợi công đức không thể nghĩ bàn của chư Phật, thì
chư Phật cũng đang xưng tán công đức không thể nghĩ bàn của tôi, và nói:
“Phật Thích Ca Mâu Ni thật là hiếm có. Ngay trong cõi Ta Bà đầy dẫy năm yếu tố
ô nhiễm là kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sinh trược, và mạng
trược mà Ngài có thể chứng đắc được quả vị giác ngộ vô thượng và còn tuyên thuyết
được cho chúng sinh những pháp môn mà bất
kỳ ở đâu, mới nghe qua người ta cũng rất khó mà phát sinh niềm tin”. (Chuông)
“Xá Lợi Phất ! Thầy
nên hiểu cho rằng cư trú trong thế giới
đầy năm loại ô nhiễm này mà đạt tới được quả vị giác ngộ vô thượng và còn diễn giải được cho mọi giới những pháp
môn rất khó tin như pháp môn này, đó là một việc làm quả là cực kỳ khó khăn”.
Nghe Phật nói
kinh này, thầy Xá Lợi Phất, tất cả các vị khất sĩ và mọi giới Thiên, Nhân, A Tu
La v.v… ai cũng phát lòng tin tưởng, tiếp nhận, làm lễ Phật và lui về trú sở của
mình. (Chuông)
(Sukhàvati - vyùha
sùtra)