31/07/2013 09:29 (GMT+7)
Số lượt xem: 51541
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Nghi Thức Tịnh Độ .

Thích Giác Tâm Biên Soạn .

Chùa Bửu Minh – Gia Lai năm 2000



phat a di da 1.jpg


Nghi thức Tịnh Độ - chương 06


PHÓNG SINH ĐƯỢC PHƯỚC LỚN

(Cố Hy Giai)

 

      Từ xưa đến nay các văn nhân hiền sĩ đều nhờ trồng căn lành từ  kiếp trước, cho nên khi sinh ra đã có một đoạn đời diệu dụng, nhập thánh siêu phàm. Chẳng giống như những người không có túc duyên thiện. Không buộc chặt vào công danh phú qúy, thì cũng quẩn quanh với hầu non thiếp đẹp, làm mai một hết cả căn lành. Tây Hồ vốn là một cái ao cổ để phóng sinh, về sau lấy chùa Hồ Tâm làm ao phóng sinh.

      Bởi không cấm  người đến mò đến bắt, cho nên ngay cả ao của chùa Hồ Tâm cũng chỉ còn là hữu danh vô thực. Năm Vạn Lịch, vùng Tây Hồ có một vị tú tài là vị danh nhân cực kỳ nổi tiếng, về sau đã trở thành Hòa Thượng hoằng pháp lợi sinh rất có ảnh hưởng. Người này họ Thẩm tên gọi Chu Hồng, xuất gia với pháp hiệu là Liên Trì. Cha của chàng lấy hiệu là Minh Tế sử sĩ, vốn là một dòng họ cao qúy ở Hàng Châu. Chàng lớn lên thông minh mẫn tuệ, hạ bút thành thơ, đi thi không bao giờ đỗ trước hoặc sau hàng thứ ba. Hai mươi tuổi  đã được bổ làm lẫm sinh (1). Công danh có thể nằm trong tầm tay. Cha mẹ vợ con đều mong đợi chàng đỗ đầu khoa giáp. Thế  nhưng chàng lại không hề mảy may để ý đến công danh.

Thời ấy có vị Hòa Thượng cao đức, tu hành chứng quả, biết được quá khứ vị lai cho biết rằng:

Kiếp trước chàng vốn họ Hứa, tên gọi là Tự Hành, làm quan Phủ doãn Phủ Lâm Xuyên, thanh liêm chính trực, say mê học Kiền trúc (2). Một hôm bỗng bị Minh Ty (3) bắt đi, nhìn thấy Diêm la Thiên  Tử  vái lạy tôn lễ pho tượng Vĩnh Minh Thiền sư.  Khi tỉnh dậy, ông bỏ nhà đi tìm. Tìm đến chùa Tĩnh Từ ở Tây Hồ, Vĩnh Minh Thiền sư  biết  rằng y ca sa và bình bát nên trao cho người này, rồi ngài đã viên tịch trước lưu bài kệ lại cho. Chàng nhìn thấy kệ, cũng lập tức hóa ngay. Rồi sau đó thác sinh vào nhà Thẩm Trạch. Hai mươi năm sau, người cha qua đời, vợ là Trương Thị cũng  bị bệnh mà chết. Chỉ còn lại bà mẹ là Chu Thị góa bụa ở nhà nên mẹ đã bắt chàng phải tục thú (4) với Thang Thị. Nàng Thang Thị  cũng có duyên với Phật. Buổi sớm mỗi ngày nhìn thấy chồng tụng xong kinh Kim Cương rồi mới xem sách, làm văn, nàng cũng  hiểu được đời là giả tạo nên không màng tới danh lộc. Vừa hay đêm giao thừa năm ấy, Hàng Châu làm lễ lớn phân chia tuổi tác theo tục lệ . Cả nhà già trẻ gái trai  đều tập trung lại uống rượu hoan hô, pháo trúc lưu tinh, sênh chiêng trống mỏ, ầm ào suốt đêm, gọi là giữ tuổi. Lúc đó Liên Trì cũng theo tục mà làm, nhưng nghĩ rằng, cha mẹ đều đã mất, người vợ trước cũng đã mất, phong cảnh thê lương quá. Thật là:

 

      Trong lòng vô hạn thương tình sự

      Bất nhẫn bên đèn uống rượu suông.

 

Thang Thị thấy trong lòng chàng không được vui,  chẳng thích uống rượu, liền gọi a hoàn pha một bình trà ngon để cùng uống với chồng. Đâu ngờ “Vật nhỏ xíu đã rơi qua lỗ kim thêu hoa”. A hoàn bưng trà ra, bỗng kêu lên kinh hoảng:

- Có qủy !

Rồi làm rơi vỡ tan bình trà. Hai vợ chồng đang nói chuyện vui, nghe thấy ở bên ngoài tiếng kêu “có qủy!” vội chạy ra nhìn. Quả thấy cái thây thẳng đuỗn, a hoàn nằm lăn  dưới đất. Chiếc bình pha trà mà thường ngày Liên Trì  qúy nhất, đã vỡ tan. Liên Trì nhìn thấy không kìm nổi, sắc mặt giận dữ, nói với vợ:

- Chiếc bình này ta dùng nó từ lúc ta còn nhỏ, kể đã hơn hai chục năm rồi. Không ngờ lại phân ly trong đêm hôm nay.

Thang Thị đáp:

- Tướng công ơi, nên biết vạn vật đều vô thường. Do đó không có duyên nào không ly biệt. Sự thành hủy của vật làm chi phải để ý tới.

Thật là:

Lời Phật vừa hé mở

Xúc động kẻ từ tâm.

Liên Trì nghe được hai câu này, thầm nghĩ:

- Lời nói này của nương tử chính hợp vơi chí ta lúc bình sinh. Tấm thân hư huyễn thật giống không hoa, quan âm trăm tuổi nhanh như chớp giật. Hễ nếu vô thường ồ tới khó tránh phân ly, rồi cuối cùng cũng  giống như chiếc bình kia.

Chàng đứng dậy cúi gập người, vái vợ một vái, nói:

- Bình trà tuy là việc nhỏ, nhưng cũng chính  là cái mõ gỗ kêu gọi người mê. Lời nói của nương tử quả thật là một vị sư già hiểu rõ cửa Thiền. Từ đây ta đã được ngộ, vội tỉnh giấc đời. Nương tử chính là người thầy của ta. Ý chí xuất gia của ta từ đây đã quyết !

Thang nương tử nói:

- Lời nói của thiếp vừa rồi chẳng qua chỉ là có ý bông lơn để khuyên chàng, sao chàng cho là thật mà muốn xuất gia? Năm nay chàng mới tròn ba mươi tuổi. Chờ đến sau năm mươi, khi công danh đã toại, việc con cái đã xong, thì hãy nên thi hành việc đó. Còn bây giờ một việc chưa thành, biết bắt đầu nói từ đâu cho được?

Liên Trì chỉ nói:

- Sự vô thường rất nhanh chóng, tấm thân khó vẹn toàn.

Tay lại viết bốn chữ ở trên bàn “Sinh tử đại sự” (5)  rồi không nói gì nữa.

Đã đến lúc gà gáy canh năm, phương đông dần dần trắng, bữa đó là nguyên đán năm mới. Bà cụ Từ là người hàng xóm, đã dậy sớm thắp hương, vái lạy thần thánh ở trong nhà, đọc một hồi kinh Phật, mở xem quyển Tâm kinh xong rồi khóa cửa, bước sang nhà họ Thẩm để chúc tết. Vừa hay nương tử thấy chồng muốn xuất gia, không còn cách  nào lưu giữ, nhân bà cụ Từ sang chơi, liền đem chuyện đánh vỡ bình trà tối hôm qua kể rõ ràng một lượt, nói:

- Con thấy quan nhân hôm nay muốn xuất gia, cho nên cảm thấy buồn !

- Ối dào! Điều đó có gì khó! Đại nương cứ yên tâm mời tướng công ra đây. Già có một lời muốn khuyên chàng, thì tự nhiên chàng sẽ chẳng xuất gia nữa.

Chỉ thấy Liên Trì từ bên trong bước ra, đọc một câu chúc tụng cụ Từ. Cụ Từ cười hi hi rồi đáp lễ:

- Thân già này đặc biệt đến đây vái chào chúc tết tướng công. Chúc tướng công năm nay đại đạt, thi đỗ cao khôi trong thiên hạ. Vừa nghe thấy đại nương nói, tướng công lại muốn bỏ nhà đi tu, không biết là thật hay hư?

Liên Trì nói:

- Sinh tử là việc lớn, nói thì phải làm. Đâu thể là lời giả được.

Cụ Từ  nói:

- Nếu quả tướng công muốn xuất gia thân già này có một câu xin bẩm. Già nghĩ  Thái thái sinh ra tướng công, chỉ mong tướng công làm quan viên tể tướng,  rạng rỡ cửa nhà, xuân thu tế tảo để khỏi tủi thẹn dưới  cửu tuyền. Tướng công làm như vậy có lẽ nào không phải là hư phí sự nuôi dạy  cuả mẹ cha.

Liên Trì đáp:

- Cụ nói phải. Con xin có một lời tạ tội với thế gian. Xin nói để cụ nghe.

Công ơn sanh dưỡng

Biển thẳm non cao

Gấm vóc trân tu đáp được nào?

Cha mẹ lìa trần cấu

Đạo con mới thành tựu !

Ôi chà chà !

Giải thoát xuất trần nhân lớn lao

Phàm tình đâu đã hiểu !

Cháu hiền cùng con thảo

Chân không, lẽ diệu mau tham cứu !

Bởi thế  nên đem

Năm sắc kim chương xóa sạch làu !

Cụ Từ lại khuyên giải:

- Xuất thế để trả ân, tướng công nói có lý! Thế nhưng đại nương mới lấy tướng công cũng chửa lâu, trong nhà không có người nương tựa, sao nỡ cắt đứt ân tình, vứt bỏ mà đi?

Liên Trì đáp:

- Con đã xuất gia, cũng không lo gì được nữa. Con lại có một lời nói để cụ nghe:

Vợ chồng duyên đẹp

Loan phượng mến yêu

Mối giây ân ái thuở nào tiêu ?

Mộng tình theo lẽo đẽo

Duyên hết lìa đôi nẻo !

Ôi chà chà !

Vấn vương vui hết lại buồn đau

Tam đồ thêm khổ não !

Xét rõ phá oan gia

Tìm cửa đạo mầu mau thóat tháo.

Bởi thế nên đem

Cá nước duyên kia xóa sạch làu !

Bà cụ lại khuyên:

- Vợ chồng cũng đã xong! Cổ nhân nói “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”(6) tướng công nếu có được một nam một nữ thì cũng là xong. Nhưng nay chưa người nối dõi, thế chẳng hóa để tuyệt nòi giống họ Thẩm hay sao?

      Liên Trì đáp:

      - Có con hay không có con cũng như nhau cả. Cụ không biết đó thôi. Để con lại nói cho cụ nghe:

Cháu con đeo đẳng

Như thịt bứu thừa.

Vì con cháu chịu kiếp trâu lừa !

Họ Đậu non Yên xưa

Ngày nay còn đâu nữa ?

Ôi chà chà !

Nghĩ lo trăm kế lại ngàn mưu

Cũng về nơi Ô hữu !

Trở lại tánh Bản lai

Dẫu rằng vạn kiếp trường xuân hảo !

Bởi thế nên đem

Con cháu kim lan xoá sạch làu !

      Bà cụ lại khuyên:

      - Tướng công ! Già nghĩ :  ba canh đèn lửa, mười năm bên cửa chịu cơ hàn, chăm chỉ như vậy, tất nên chiếm lấy đầu ngao, để khỏi uổng phí nam nhi chí khí. Nếu xuất gia chẳng bị người cười sỉ nhục hay sao?

Liên Trì đáp:

- Công danh  là việc chưa tới, sao lại trói  buộc thân mình. Con lại có vài câu đọc cho cụ nghe:

Công danh khoa bảng

Riêng chiếm ngao đầu

Vui mừng đắc ý buổi thanh thu !

Ấn vàng ngời tinh đẩu

Danh đẹp thơm trường cửu

Ôi chà chà !

Bao nhiêu thanh thiếu những mong cầu

Tóc xanh thành bạch thủ !

Khi tỉnh giấc hoàng lương

Một tiếng cười khan đời mộng ảo !

Bởi thế nên đem

Quý hiển công danh xóa sạch làu !

      Cụ Từ lại khổ sở khuyên bảo:

      - Tướng công đã nói công danh là chuyện vốn chẳng cần. Thế nhưng nhà cửa, ruộng vườn hiện tại, làm sao có thể vứt bỏ ngay cho được ?

      Liên Trì đáp:

      - Thưa cụ, cụ chẳng cần nhận rõ con mang họ Thẩm. Ruộng đất ngàn năm có tám trăm người chủ. Đó là vật ở ngoài thân, đâu có phải là trong ý con người.

      Thật là:

Của tiền giàu có

Xe ngựa nhà lầu.

Lẫy lừng thanh thế sánh vương hầu.

Khi cầu nhiều kiếp khổ

Lúc được lo nghiêng đổ !

Ôi chà chà !

Đạm thanh biết đủ thắng trân tu !

Áo gai dường cẩm tú !

Khoảng trời đất tiêu dao

Nhà rộng của nhiều đâu đủ báu ?

Bởi thế nên đem

Tài sản điền viên xóa sạch làu !

      Cụ Từ thấy Liên Trì nói lại, nói đi đều là lời từ chối. Nhưng cũng thực là những đạo lý lớn. Nên đã nói:

      - Tướng công! Những chuyện đó coi như đã xong. Chỉ là vì tướng công tài cao  như Ban Mã, học giỏi tựa Au Tô, nếu đi tu hành thì thật sự sẽ mai một mất học vấn một đời.

      Liên Trì cười nói:

      - Cụ không biết trước mặt Diêm Vương thì làm gì cần đến “Giả dã chi hồ”. Nói  ra chẳng làm cho cụ mệt phải suy nghĩ hay sao? Thật là:

Cầm kỳ văn họa

Tài sắc phong lưu

Gieo vàng tỏ ngọc vẻ tươi mầu !

Cờ thi hoa rượu đấu

Cầm ca dìu dặt tấu !

Ôi chà chà !

Gấm hoa xán lạn suốt canh thâu

Nhã nhạc lừng ngưu đẩu !

Già chết chợt đến nơi

Cấp cứu trầm luân ai đảm bảo ?

Bởi thế nên đem

Tài sắc văn chương xóa sạch làu !

      Liên Trì lại nói:

      - Ý con đã quyết ! Mong cụ đừng nói nhiều hơn nữa.

      Cụ nói:

      - Tướng công xuất thế là chân tình, là ý nghĩ siêu phàm. Sao già này có thể một mình khuyên giải được? Thế nhưng: công danh phú qúy chỉ làm mệt  nhọc xác thân. Già nghĩ những người xuất thế thì xuân chơi với hoa cỏ, hạ thưởng thức  hoa sen, kim cốc lan đình tuyệt ơi đẹp tuyệt ! Chỉ cần tồn giữ hảo tâm, làm nhiều việc tốt, ở nhà cũng có thể tu hành niệm Phật, dù già cũng có thể sớm tối tu hành, hà cớ gì có phải xuất gia mới được?

      Liên Trì nói:

      - Cụ vẫn chưa ngộ được, để con nói rõ cho cụ nghe:

Dạo chơi thắng cảnh

Thu đẹp xuân kiều !

Túi thi đàn rượu khắp ngao du !

Non nước vài thân hữu

Mưa khói mờ hoa liễu !

Ôi chà chà !

Ráng hồng suối bạc sánh phong lưu

Đâu nghĩ ngày mai hậu ?

Sáng tối thoáng qua mau

Thảng thốt quay đầu suy, bịnh, lão !

Bởi thế nên đem

Phong nguyệt tình vui xóa sạch làu !

      Cụ Từ bị cuộc nói chuyện với bảy khúc từ, nói ra miệng ngừng không thể nói gì được nữa. Ngồi mãi hồi lâu, nghĩ rồi lại nghĩ, liền nói:

      - Tướng công! Tuy là như vậy, thế nhưng nương tử còn niên thiếu, sớm chiều cô đơn triền miên, thật là bất tiện. Cần phải tính kế nào bền vững lâu dài. Xếp đặt cho nương tử sao thật thỏa đáng. Mong tướng công nghĩ kỹ cho. Già xin cáo biệt tại đây. Già nói nhiều thì có tội nhiều, tướng công chớ trách.

      Liên Trì nói:

      - Thưa cụ, cụ hãy ngồi lại,con còn muốn bàn thêm.

Liền nói với vợ:

      - Ta đã đạp  rách võng trần, đập tan bể ái, tự tìm đường ra. Cuối cùng nàng sẽ ra sao? Cũng mong nàng trợ duyên cho điều ước muốn của ta.

      Thang Thị liền nói:

      - Trung thần không thờ hai vua. Liệt nữ chẳng đổi hai chồng. Nam nữ tuy khác biệt, nhưng đường tu hành chỉ một mà thôi. Chàng đã đạp rách võng trần,lẽ nào thiếp lại không đem võng trần đạp rách? Chàng có thể đập tan bể ái, có lẽ nào thiếp chẳng dám đem bể ái đập tan? Chàng đã tìm được lối ra, lẽ nào riêng thiếp chẳng tự tìm được đường ra một lối? Cũng vẫn là cùng đến, cùng đi, cùng tu, cùng chứng mà thôi!

      Liên Trì nghe nói, vui lắm liền nói với cụ Từ rằng:

      - Con biết cụ chẳng có con trai con gái, chỉ ở một mình. Hôm nay may có cụ ở đây, cũng là thiện duyên  trời cho mượn. Hôm nay con trao nương tử phó thác cho cụ chăm sóc. Tất cả vườn ruộng cụ đủ độ thân. Chờ ngày con vân du trở lại sẽ dựng một am Phật  lại thắp hương tu hành.

      Rồi đến Đồ Đề học sứ, trả lại khăn đội đầu. Vị Đồ Đề học sứ kinh ngạc nói:

- Ngươi là một thiếu niên trẻ trung có tài học, cớ sao lại dùng tới chữ  "thoái lui" nhỉ.

Liên Trì đáp:

- Chí hướng của sinh viên không giống nhau! Nhìn công danh là việc nhỏ, sinh tử là  việc lớn.

Nói xong liền  bỏ đó, rồi ra về. Đồ Đề học không kìm được, than thở mãi. Liên Trì thu xếp hành lý, từ biệt ra khỏi cửa, đi theo phía Tây Hồ. Nhìn thấy hai ngọn núi Nam núi Bắc, vẫn chưa định được hướng đi. Bỗng va phải nhà sư điên, nhà sư một tay kéo Liên Trì kêu gào ầm ỹ. Liên Trì vội chào hỏi, nói:

- Đệ tử tuy chưa xuống tóc, nhưng cũng là người trong cửa Phật rồi.

Vị sư đó nhìn ngắm rồi mỉm cười nói:

- Đằng sau có người  gọi người trở về kìa.

Liên Trì quay đầu nhìn, thì  không thấy nhà sư điên đâu nữa. Chỉ thấy một mảnh giấy dài nằm ở dưới đất. Nhặt lên thì lại là hai câu thơ:

      Đến hang không cửa về đường cũ

      Lòng trải mênh mông một chữ thầy!

      Liên Trì nhặt tờ thiếp lên, không thấy nhà sư ấy đâu nữa. Trong lòng nghĩ:

      - Hoặc giả là duyên phận của ta nên xuất gia ở trong hang không có cửa. Vị thánh tăng này đã chỉ dẫn cho ta. Ta nghe nói ở đằng sau Nhạc Phần có một cái hang không có cửa. Ta nghĩ có lẽ là như vậy chăng. Còn câu thứ hai thì không có đầu, không có cuối, không tường luận được ra.

      Đem chữ họa ở trong lòng bàn tay rồi lại họa, liền nói:

      - Hiểu rồi! Chia ra bốn chữ để hợp lại thành hai chữ (7). Hai chữ "tâm sinh chẳng phải  là chữ "tính" hay sao ? (8) hai chữ "nhất đại" chẳng phải là chữ "thiên" hay sao? (9) Tính thiên chính là thầy của ta. Sao ta không tới hang không cửa để tìm thầy "Tính thiên" xem hư thực ra sao?

      Đi đến đầu Đại Phật, qua Cát Lĩnh, thẳng tới  Nhạc Phần đi về phía sau núi quanh co khúc khuỷu hồi lâu thì đến được Động Vô Môn. Nhìn bốn xung quanh quả nhiên có một ngọn núi đẹp. Có thơ làm chứng như sau:

      Núi chênh vênh nối trời cao chót vót

      Nguy nga thon thả tựa chân tiên

      Sán lạn như sao sa bơi lội dưới hồ sen

      Mở lối cho rồng xanh nằm đỉnh núi

      Thái Bạch đề thơ  muốn hỏi

      Lê tốt tươi sức dư bán cho tiên trời

      Sao chẳng được thu về danh và lợi

      Sao đến nay duyên chưa tỉnh duyên ơi!

                        (Hữu diện - Tây Giang Nguyệt)

      Liên Trì ngẩng đầu lên nhìn,  trên có một biển đề viết ba chữ "Vô Môn Động" (hang không cửa). Bên cạnh có một câu đối viết:

Vì sao đường có tìm đường không

Cửa có rõ ràng cứ bảo không

Liên Trì đứng ở cửa hang một lúc, chỉ  nhìn thấy cửa liếp đóng chặt, lạnh lẽo vô thanh, không dám gõ cửa gọi hỏi, chỉ ở bên ngoài trông ngóng. Bỗng nhìn thấy một vị sư già bước ra mở cửa, người này khoảng bẩy chục tuổi. Nhìn thấy phong độ Liên Trì, biết ngay là du khách ở trong thành, liền nói:

- Tướng công! Mời vào trong ngồi!

      Liên Trì vào cửa, trước lễ Phật sau mới ngồi, liền hỏi:

      - Ở Bảo sơn đây có Thiền sư tên gọi là Tính Thiên không ạ?

      - Không dám, chính bần đạo đây.

      Liên Trì đứng dậy vái chào. Tính Thiên không hiểu duyên cớ gì, vội vàng đáp lễ. Liên Trì nói:

      - Đệ tử đã từ lâu ngưỡng vọng lão sư đạo đức vô bờ bến. Đặc biệt đến đây xin được xuống tóc.

      Tính Thiên nói:

      - Tôi từ Thiểm Tây, Nam Ngũ Đài vân du tới đây, đã được ba năm rồi, lương thảo chỉ đủ một mình lão tăng dùng, cho nên không dám tiếp đãi đạo hữu, thu giữ đồ đệ.

      Túc hạ là người trong thành hưởng  dụng  quá nhiều vật  phẩm, làm sao chịu đựng  nổi cảnh giới ở chốn hoang lương này? Không nói là lão tăng không bằng lòng. Cho dù lão tăng bằng lòng, chẳng phải là họ hàng giàu có sẽ đến khuyên túc hạ trở về, thì cũng là túc hạ chẳng chịu nổi cảnh sống, sau này vẫn phải quay về tông tổ. Há không làm tăng thêm một tầng tội trạng của lão tăng hay sao? Cho nên không thể được.

      Liên Trì nghe xong bất giác cười:

      - Lời của sư phụ nói cực kỳ chí lý; chính bởi  vì đệ tử bỏ cửa nhà, cắt yêu thương để đến đây, hoàn toàn vì việc sinh tử đại sự. Chỉ cầu mong sư phụ thế độ cho. Cũng không dám cầu được trú ở đây.

      Tính Thiên đáp:

      - Ý niệm của túc hạ đã vững vàng. Ngày mai lão tăng sẽ xuống tóc cho là được.

      Liên Trì lấy chữ Phật Tuệ, suốt ngày nói về thiền lí với Tính Thiên. Chưa đầy mấy tháng, liền từ biệt Tính Thiên đi ra ngoài du hành. Đói ăn, khát uống, đi một mạch từ Sơn Đông, Hà Nam, Bắc Kinh, khắp một vùng rộng lớn. Nghe nói có vị Thiên Dung hòa thượng là một người thông tuệ, nên đã tìm đến thăm. Hòa thượng Thiên Dung chỉ mới nhìn thấy Liên Trì đã nói:

      - Làm phước niệm Phật !

      Liên Trì khấu đầu hỏi, liền trả lời:

      - Bước chân đi phải bước từng bước vững vàng.

      Lại bảo Liên Trì phải mau mau quay về phương Nam.

      Liên Trì trong tâm chưa hiểu lắm. Nghe tiếng Tiếu Nham Đại mở lớp giảng, Liên Trì lại tìm đến nhà thăm hỏi. Tiếu Nham Đại cười nói:

      - Chỉ cần người trì giới niệm Phật !

      Liên Trì nghe lời nói của hai Pháp sư, suy nghĩ suốt ngày, mà vẫn chưa hiểu được ý nghĩa sâu xa. Rồi đi thẳng tới Đông Xương, nhìn thấy một rừng cây rậm rạp, suối sâu, núi cao, cây cối um tùm, liền ngồi nghỉ ở dưới một gốc cây to trong chốc lát. Vừa mới nhập định đã nhìn thấy rất nhiều Phật Tổ đứng ở trước mặt, cũng có người đốt hương, cũng có người chắp tay vây xung quanh. Lát sau, lại có một đoàn ma thần đứng ở trước mặt, hình thù quái dị, kẻ cầm dao, người cầm kích, kẻ  cầm giáo, người cầm mâu, vây xung quanh chàng một lượt, rồi lại bỏ đi. Bỗng nhiên những ma, thần đốt hương, chắp tay đều biến mất. Những hình thù quái dị kia cũng đều hóa thành Phật cả. Chàng bừng tỉnh dậy mới biết là mình vẫn ngồi ở dưới gốc cây, nghĩ ngợi, suy xét, hoát nhiên  tỏ ngộ, nói:

      - Làm ma hay làm Phật vẫn chỉ ở một cái tâm. Hà cớ gì phải lật đật tìm kiếm gì ở đâu xa.

      Nói đoạn lại làm một bài kệ:

      Hai chục năm qua chuyện đáng nghi  

      Ngoài ba ngàn dặm gặp sự kỳ

      Đốt hương, lao kích, hồn như mộng

      Ma, Phật tranh giành những thị phi!

      Đọc xong câu kệ liền đứng dậy, khoác hành lý đi về phương nam. Đi được mấy ngày thì tới Nam Kinh, thân sức cảm thấy có chút mệt mỏi. Từ phía xa đã nhìn thấy hai nhà sư đi tới, không cưỡng được, đành đi theo. Lại thấy hai nhà sư đến trước mặt hỏi thăm đường:

      - Trưởng lão đi về đâu?

      Liên Trì đáp:

      - A di đà Phật. Tôi muốn đi về phương nam.

      Du tăng đáp:

      - Bần tăng cũng muốn đi về phương nam. Chúng ta cùng đi. Trên đường càng vui. Không biết  trưởng lão có muốn cùng đi không?

      Liên Trì đáp:

      - Cùng đi là tốt nhất!

Rồi họ cùng đi hai ba dặm đường.

Liên Trì quẩy gánh không sao đi kịp hai nhà sư đi không. Hai nhà sư liền bước lên nói:

- Chúng tôi thấy trưởng lão đi đường vất vả, hành lý rất khó khăn. Chi bằng để chúng tôi gánh giúp trưởng lão một vai. Một là để vai của trưởng lão được nhẹ nhàng. Hai là để trưởng lão kịp thở. Ngày mai ta lại cùng đi. Chẳng hơn là cứ diễn ra quang cảnh này, mà lại có thể làm nhỡ mọi người trong lúc đi đường.

Liên Trì thấy nhà sư nói khẩn thiết, liền nói:

- Đường đi gian nan vất vả, ai cũng vậy thôi. Sao lại để khó khăn cho pháp huynh được.

Nhà sư kia đáp:

- Cùng là người trong một hội, làm gì phải phân rẽ anh tôi? Chẳng qua chỉ là gánh giúp trưởng lão vài bước, tiếp thêm sức, khi mệt dừng lại, trưởng lão lại gánh tiếp.

Liên Trì cũng không nghi ngờ gì, liền đưa hành lý cho nhà sư gánh đỡ. Vừa mới tiếp lên vai, nhà sư kia liền du Liên Trì ngã uỵch xuống đất, rồi chạy nhanh như một mũi tên bật khỏi cung bay đi không ai đuổi kịp. Liên Trì cứ kêu gọi, than thở mà họ cũng không quay đầu trở lại, họ đi mất.

Liên Trì giãy giụa hồi lâu, không nhìn thấy bóng dáng họ nữa, trong lòng rất hối hận, buồn rầu, lo lắng, không biết ngủ ở đâu, rồi bước những bước mệt nhọc lên đằng trước. Tìm gặp được một khu rừng rậm trên viết chứ "Ngõa Quan Tự" (Chùa Ngõa Quan), liền bước vào nghỉ tạm mấy hôm. Từ trong chùa Ngõa Quan có hai nhà sư bước ra, thấy Liên Trì đến chỉ có người không, bất đắc dĩ phải cho nghỉ lại vài hôm. Đột nhiên, Liên Trì ốm nặng. Hai người sư đồ liền bàn bạc, lập ra một kế, giả vờ nói với Liên Trì: - Ngày mai có một trai chủ cần đến tĩnh dưỡng ở đây. Người ấy đến nhất định sẽ làm phiền trưởng lão nhiều. Để tôi dìu trưởng lão đến một nơi tương đối yên tĩnh một chút, lại dễ chữa bệnh.

Hai sư đồ dìu Liên Trì đến dưới chân tượng Thần Kim Cang, đặt trên nửa chiếc  chiếu cỏ, tiếng gió gào rít lạnh thấu xương, tuyệt không có một ai ra vào chăm sóc.

Liên Trì sa vào cảnh đó, không biết làm cách nào. Có một đạo nhân ở trong chùa nhìn thấy, cảm thấy bất an, liền nói:

-Mạng  sống con người ở trần thế là quý báu nhất. Vị Hòa Thượng này đang bị ốm ở đây, không người chăm sóc. Trước mắt thấy mạng sống đang mất dần ở dưới chân tượng Thần Kim Cang. Ta phải đem một chén thuốc sắc cho người này uống. Đó mới là hạnh từ bi của người con Phật. Rồi lập tức bốc sắc thuốc, đưa đến Liên Trì nói:

- Thưa sư phụ! Người có thể uống được thuốc không?

Liền đưa thuốc cho nói:

- Nằm ngủ ở dưới đất lạnh thế này, uống thuốc vào cũng ấm nóng được ngũ tạng.

Liên Trì nhận thuôc nói:

- Cảm ơn lòng tốt đã nghĩ đến, và xin đạo nhân đến chỗ Thẩm lão gia trong Lễ bộ nhắn tin rằng Hòa thượng Liên Trì Hàng Châu bị ốm ở đây. Xin đa tạ!

Đạo nhân nghe nói, giật mình

      - Ồ té ra Ngài là Liên Trì lão gia! A di đà Phật ! Sao không nói sớm để tránh khỏi sự  khổ sở thế này. Hai ba ngày trước Thẩm Lễ bộ đã đến khắp các Miếu, Đền, Chùa, Viện để tìm ngài! Hóa ra ngài ở đây ! Thật là bất kính! Bất kính! Để tôi đi báo cho!

      Thật là:

      Hạn lâu được mưa ngọt

      Xa quê gặp cố tri !

      Bạn có biết  Thẩm Lễ Bộ là ai không? Chính là Hàng Châu Thẩm Tam Châu, là anh của Liên Trì. Ngài đâu biết được Liên Trì vân du tới đây. Mấy hôm  trước có hai sư đồ cướp hành lý của Liên Trì, chia của không công bằng, cải cọ đánh nhau rồi bị đưa đến cửa nhà Lễ Bộ. Thẩm Công nhìn thấy hai nhà sư tranh nhau một cái túi đựng chăn, một người kêu "giữa đường bị nó cướp mất", một đứa nói "đánh bạc thua được người ta gán cho". Hai người tranh nhau mãi không chịu. Thẩm Công nói:

      - Đem túi chăn tới đây, ta xem sẽ rõ!

      Liền sai nha dịch đem túi chăn đến để khám xét, trong có một tờ độ điệp, xem tên là ai, liền biết, nên mới có sự tìm kiếm đó, trên độ điệp viết rằng:

      "Cấp cho nhà sư Chu Hồng ba mươi hai tuổi, huyện Nhân Hòa, phủ Hàng Châu được tới các  nơi hành đạo, để khi đi qua cửa quan, cửa khẩu không ai được cản trở. Độ điệp này phải được nha môn huyện dịch nghênh tiếp.

      Chuẩn thử"

      Thẩm Công xem xong, biết là người anh em nhà  mình liền giận dữ quát:

      - Túi chăn này rõ ràng là của Thẩm Liên Trì, hai tên nô trọc này, lấy được từ đâu? Liên Trì hiện đang ở đâu? Nếu khai giả mạo một chữ lập tức sẽ bị tội chết !

      Hai tên lừa đảo nhanh miệng nói liếng thoắng ấy, nghe lời Thẩm Bộ nói, giống hệt như gặp được rồng beo, liền nói như thể xương tóc dựng thẳng lên.

      - Lạy quan gia! Vị Liên Trì này là sư phụ của chùa chúng con. Bởi thương chúng con nghèo hèn không đủ tiền mua độ điệp, nên đã cho chúng con mượn để làm bùa hộ mệnh. Còn Liên Trì, hiện đang ở Hàng Châu.

      Thẩm Công nói:

      - Hai tên nô tài nói bậy! Chẳng phải là các ngươi lừa đảo định đoạt của hại người đó sao! Nhốt ngục, xét hỏi sau!

      Rồi lập tức sai người đi khắp bốn phương tìm kiếm tin  tức của Liên Trì. Cho nên chùa Ngõa Quan này cũng có người đến hỏi. Trong lòng  đạo nhân đã hiểu. Cho nên chỉ nghe thấy hai tiếng Liên Trì, đã vui vẻ cất gót đi ngay. Đến Lễ Bộ nha môn liền nói cho Trưởng ban biết là Liên Trì đang ở chùa Ngõa Quan. Thẩm Công nghe tin báo lập tức đánh kiệu tới chùa Ngõa Quan. Thật là buồn cười. Hai sư đồ chùa Ngõa Quan đang ở đó bàn bạc: Nhà sư ốm hôm  qua dìu tới đây, tuy không liên quan gì tới việc của ta. Nếu đã chết rồi thì cũng liên lụy lâu đấy!

      Nói chưa hết lời, đã thấy vị đạo nhân kia, hớt hơ hớt hải, thân đẫm mồ hôi, chạy vào chùa. Hai sư đồ không biết đạo nhân vì việc ấy mà hoảng sợ. Đạo nhân liền nói:

      - Các người còn chưa biết Hàng Châu Thẩm Liên Trì lão gia trú ngụ ở đây sao? Lễ Bộ sắp tới chùa đây thăm ngài đó.

      Hai người sư đồ liền mắng rằng:

- Mi chỉ là tên đạo nhân điên dại, chớ có nhìn thấy quỷ! Trong chùa chúng ta làm gì có ai  là Liên Trì ở đây! Thật là hoang đường!

Đạo nhân cười nói:

- Ở đây mà! Ta đã biết  rồi mà!

Hai sư đồ nói :

- Nếu quả ở đây thì mau đi mời người tới phương trượng. Nếu Lễ Bộ lão gia đến vái thì cũng dễ tiếp đón ngài. Thế bây giờ người ở đâu?

Đạo nhân lại nói:

-Ở đây mà!

Hai sư đồ phát bực lên nói:

- Ở đây là ở đâu?

Đạo nhân chỉ xuống chân tượng Thần Kim Cang nói:

- Hôm trước người được dìu đến đây, có phải không?

Hai sư đồ nghe nói vậy, hoảng sợ  đến nỗi ngây mặt không còn biết nói gì. Đồ đệ nói:

- Việc không nên chậm trễ! Tôi đã nghĩ ra một kế rồi, mau đi mời Liên Trì lão gia tới đây, cho nằm nghỉ ở trên phòng, rồi đành làm khổ nhục kế vậy. Đành cúi đầu van  lạy cầu xin người nói một lời trước mặt Thẩm lão gia. Hoặc nếu là người xuất gia từ bi sẽ khoan thứ cho bọn ta cũng chưa biết chừng.

Sư phụ nói:

- Chính phải!

Liền bước tới chân tượng Thần Kim Cang, dập đầu vái lạy:

- Chúng con mắt mù, không nhìn thấy Thái Sơn nên đã nhầm lẫn phút chốc, đã đưa lão gia chuyển tới đây, tội đáng vạn lần chết! Nay nghe nói Lễ Bộ lão gia tới đây vái chào, xin cầu mong lòng từ bi.

Cứ cúi gập đầu vái lạy mấy chục lần.

Liên Trì nói:

- A di đà Phật ! Tôi là người tu hành không để ý tới điều nhỏ nhặt ấy đâu.

Hai thầy trò sư đồ mời Liên Trì bước vào, lên lầu trên nghỉ ngơi. Một người pha trà Lục An thượng hiệu Mao Tiên Trà đem tới mời Liên Trì uống. Một người hun nóng chăn thơm đưa cho Liên Trì đắp. Đang sắp sửa bận rộn đã nghe tiếng Thẩm Lễ Bộ tới cửa chùa. Sư trú trì ra ngoài cửa đón vào. Hai nhà sư ỷ thế lực ấy, kinh sợ tới mức hai hàm răng va lập cập, hai chân đá vào nhau, chờ đợi Liên Trì gặp Thẩm Công. Sau khi uống hai cốc trà, không nói lời nào rồi mới đặt Thạch xưng trùy xuống!

Thẩm Công nhìn thấy người em bệnh tình quá nặng, liền gọi sư chủ đến, căn dặn:

- Chăm chỉ coi sóc, ngày lão gia khỏi bệnh sẽ được trọng thưởng. Sư chủ nhận mệnh đi ra, Thẩm  Công liền nói đến việc bắt được hai tên sư hôm nọ, rồi thấy độ điệp như thế nào, kể hết cho em nghe.

-Chẳng  biết là chăn áo của đệ như thế nào, lại rơi vào tay hai tên tặc ấy. Nay vẫn còn giam chúng ở đó, chờ bệnh của đệ khỏe mạnh, sau khi đối diện chất vấn thì sẽ đem giết chúng ngay!

Liên Trì nói:

- Tuy hai nhà sư đó không giữ luật nhà chùa, nhưng cuối cùng vẫn là đệ tử của cửa Phật . Hơn thế, chăn  áo của đệ đã thu về. Mong huynh khoan hồng tha tội chết cho họ!

Thẩm Công đáp:

- Đệ lấy ân báo thù, quả thật là tâm Bồ Tát. Khó quá! Khó quá! Ta sẽ thả chúng ra vậy.

Lúc đó Thẩm Công từ biệt Liên Trì về nhà, liền mời Thái y viện đến chùa, cắt thuốc điều trị. Hơn nữa lại có hai sư ở bên cạnh, lúc nào cũng ân cần phục dịch, chẳng mấy ngày sau, bệnh đã dần dần khỏi. Liên Trì liền đến Lễ Bộ nha môn từ biệt Thẩm Công, trở về chùa tạ ơn sư chủ, chuẩn bị hành lý về Hàng Châu.

Các sư tăng thấy người quyết ý ra đi, biết là có giữ cũng không được, liền vái trước lúc lên đường. Về tới Tây Hồ, vội đến hai núi Nam Bắc, chọn một nơi yên tĩnh để ở. Bỗng nhìn thấy một nơi trên đỉnh Ngũ Vân Sơn, núi vây cả bốn xung quanh, đường cong khúc khuỷu, rừng rậm um tùm. Vốn đó là nền cũ của chùa Cổ Vân.  Nam Ung Hy đời Tống  có một vị Đại Phiến hòa thượng, tài giỏi việc phục hổ nên mọi người gọi Ngài là Phục Hổ Thiền Sư. Ngôi chùa này do Ngài dựng lên. Thiên Uy có sắc cho tu sửa Thiền viện. Chẳng ngờ đến năm thứ bẩy Hoằng Trị, nạn hồng thủy tụ phát, điện các Phật tượng tất cả đều bị trôi chìm. Liên Trì tới đây đã là năm thứ sáu đời Long Khánh, yêu thích cảnh trầm mặc có thể tu hành, liền một mình lặng lẽ, dựng am cỏ, tọa mặc ở trong, ngày chỉ ăn một bữa cháo, trước ngực đeo một tấm bài sắt, trên bài đề chữ “Nếu sắt nở thành hoa, thì ta sẽ nói chuyện với loài người!”

Khi Liên Trì tới đây, Hổ lang được thuần phục. Từ đó mới có tiều phu vào núi  chặt củi.  Người đời nói rằng đó là công của Liên Trì. Chẳng những hổ không cắn người, mà còn tỏ vẻ thân thiện với người.Thiên hạ đều cho là chuyện kỳ dị.

- Lại có một Phục hổ Thiền sư nữa !

Phàm gặp những năm đại hạn. Liên Trì, tụng kinh cầu đảo liền gặp mưa ngọt. Người người đều nói Liên Trì là một vị Phật sống ở phàm trần.  Các vị đàn việt thí chủ (10), dù lớn dù  nhỏ, đều bố thí lương thảo tiền của, tình nguyện xây lại đền Vân Thê, mới cho rằng đó là hương hỏa vĩnh viễn, liền gánh đất gánh đá, chuyển gỗ chuyển gạch không chỉ một ngày mới thành Lan Nhã (11). Thế nhưng Liên Trì không thích nhà cửa lộng lẫy sang trọng, chỉ thích được yên lặng tĩnh mịch, đơn giản mà thôi cho nên bên ngoài không có cổng cao,  ở trong không có điện lớn. Thế mà trong thiền đường, tăng vẫn đông, pháp đường vẫn giữ được kinh luật. Bên ngoài xây ao phóng sinh, bên trong dựng nhà dưỡng lão, phía tây dựng nhà đón khách thập phương. Cầm nắm các việc đều có người theo chức, hàng ngày luân phiên trực giữ, đúng hạn thay đổi. Ban đêm có tuần tra gõ mõ tụng kinh niệm Phật. Lại có Ba đao lĩnh, Hồi tạo phong làm rồng hổ bao quanh. Đông cảng có Bích Quan phong, có suối Thanh Long. Bên cạnh phong hạ, phong trung có suối Thánh Nghĩa. Dưới chân Tây cảng có suối Kim Dịch. Ba suối đổ vào nhau trong sạch, ngọt ngào, mát mẻ, được gọi là “Vân thê lục cảnh” (sáu cảnh trên lầu mây), hợp thành đại tùng lâm là vậy. Quy ước của thanh quy tề chỉnh nghiêm túc, không được làm sai. Các việc ghi chép, tiếp tân, pha trà, nấu cơm, giữ kho, nấu thức ăn, làm vườn, quét dọn v.v… đều có nhân viên phụ trách, rất rõ ràng rành mạch. Sáu thời lễ Phật cho khách bốn phương,  các sĩ  đại phu, các tăng hành khổ hạnh, đến lễ bái trên tòa sen kể có hàng ngàn hàng vạn.

Tới lúc này Liên Trì mới mở miệng thuyết pháp:

- Đời người vô thường nhanh chóng, cần một lòng niệm “Nam mô A-Di-Đà Phật”, chỉ có sáu chữ. Nhưng chỉ cần miệng đọc tụng, niềm tin thật sâu sắc, ước nguyện tha thiết thì thụ dụng vô cùng. Nếu như nhất tâm bất loạn (tâm chuyên nhất không khởi vọng tưởng), tự nhiên sẽ sinh về thế giới Cực Lạc ở Tây phương.

Bên trong có một ngự sử Tả Tông Anh liền hỏi:

- Niệm Phật có ngộ được đạo không?

Liên Trì đáp:

- Sao lại không ngộ được? Hãy hỏi lại tính giác  của mình. Chính tính giác này sẽ thành đạo vô thượng. Nay lại cứ niệm tính của mình xem, sao lại không tỏ ngộ được? Phép niệm Phật này cực kỳ giản tiện, thẳng thắn. Những người tham thiền tự giác ngộ, là những bậc đại nhân căn khí thượng đẳng. Còn những kẻ phàm phu tục tử thì thấy tính khó lắm. Cho nên niệm Phật chính là mở rộng cửa pháp để  giáo hóa.

Người phú qúy thì nhờ hưởng dụng phước báo, nên phải niệm Phật.

Người bần cùng nhà nhỏ của ít, nên phải niệm Phật.

Người có con cháu cúng tế tổ tông được siêu thoát, nên phải niệm Phật.

Người không có con cháu, cô đơn côi cút, nên phải niệm Phật.

Người có hiếu đạo, yên phận cung dưỡng nên phải niệm Phật.

Nếu con là nghịch tử, quên ơn sinh dưỡng, chính phải niệm Phật.

Nếu người không bệnh tật, thân thể khỏe mạnh, nên phải niệm Phật.

Nếu người có bệnh, gần kề cõi chết, nên phải niệm Phật.

Những người già cả, sống chẳng được lâu, nên phải niệm Phật.

Những người trẻ trung, tâm tư thoải mái, chính nên niệm Phật.

Nếu đã xuất gia, tiêu dao ngoại vật, chính nên niệm Phật.

Nếu người thông minh, hiểu biết Tịnh thổ 12) , chính nên niệm Phật.

Những người ngu muội thô lỗ, không biết làm gì, chính nên niệm Phật.

Nếu muốn tham Thiền, Thiền là tâm Phật, chính nên niệm Phật.

Nếu đã ngộ đạo, ngộ được Phật tính, chính nên niệm Phật.

Tả ngự sử lại hỏi:

- Khi niệm Phật, cần phải có nhà cửa sạch sẽ trang nghiêm không?

Liên Trì đáp:

- Đừng nên câu nệ hình thức.

Người thích tĩnh, đâu cần đến gõ mõ đánh trống, chính nên phải tĩnh mịch niệm Phật.

Người sợ công việc, đừng tham gia thành đoàn lập hội, chỉ cần ở nhà đóng cửa niệm Phật.

Người biết chữ, nếu nơi ở không có chùa tu tập, ở nhà đọc kinh niệm Phật.

Đốt hương ngàn dặm, sao bằng ngồi yên tĩnh ở trong nhà niệm Phật.

Cung phụng quỷ thần, sao bằng hiếu thuận với cha mẹ mà niệm Phật.

Quảng giao với bạn ma, sao bằng niệm Phật cho thân tâm mình trong sạch.

Gửi vào ngân khố để sống, sao bằng hiện tại phóng sinh niệm Phật.

Nguyện cầu tai qua, sao bằng niệm Phật để sám hối tội lỗi mình, mà tự thân đổi mới.

Học tập văn chương ngoại đạo, sao bằng một chữ không biết mà đi niệm Phật.

Chẳng hiểu biết gì mà cuồng đàm viễn vông, sao bằng thật thà trì giới niệm Phật.

Mong cầu yêu qủy linh thông, sao bằng niệm Phật để tin vào gieo nhân gì gặt quả nấy.

Tả ngự sử nghe xong, đại ngộ rồi đi!

Khi Liên Trì nhìn thấy những người lớn bé già trẻ Hàng Châu thích sát sinh, liền cầm bút viết bảy điều quy tắc gọi là "Giới sát văn" (Văn nghiêm cấm sát sinh).

 

Một là: NGÀY SINH KHÔNG ĐƯỢC SÁT SINH.

 

Cha mẹ sinh ta đớn đau vô cùng. Ngày sinh ra ta chính là ngày cha mẹ chết dần đi. Nên phải cấm sát sinh mà nên ăn chay, làm nhiều điều thiện, khiến cho các tiên linh trong thân tộc sớm được siêu thoát, mong ước cha mẹ tăng thêm phúc thọ. Cớ sao lại quên nỗi đớn đau của mẹ, mà nỡ sát hại sinh linh.

 

Hai là:  SINH CON KHÔNG NÊN SÁT SINH

Không có con thì buồn, có con thì vui. Không nghĩ xem mọi loài cầm thú cũng biết yêu con như mình. Cớ sao người sinh ra con lại làm con của loài khác phải chết, tâm yên được sao? Than ôi, đứa trẻ mới sinh đã không tích phúc cho nó, mà lại sát sinh. Thế chẳng ngu ư?

 

Ba là: CÚNG GIỖ KHÔNG ĐƯỢC SÁT SINH

Cúng giỗ người đã mất hoặc tảo mộ vào tiết xuân thu, đều nên cấm sát sinh, để dành lấy phúc. Trước mặt có tám loại thực phẩm qúy để cúng, đâu thể  bới xương cốt dưới cửu tuyền lên mà ăn hay sao?

Sát sinh để cúng chính là nghiệt súc.

 

Bốn là: HÔN LỄ KHÔNG ĐƯỢC SÁT SINH

Việc cưới hỏi ở trên thế gian thì có lễ vấn danh, nạp thái (13) để thành chồng vợ. Sát sinh tổn phước ảnh hướng đến đời sống của đôi lứa. Lấy chồng vợ là mong ước được sinh con. Trước lúc sinh mà lại làm việc sát sinh. Lý nghịch quá chừng! Mong ước việc lành lại thực hành việc ác. Chẳng có lý nào như vậy?

 

Năm là: THẾT KHÁCH KHÔNG ĐƯỢC SÁT SINH

Ngày lành cảnh đẹp, chủ hiền đãi bạn, cơm rau đậu quả, không ảnh hưởng đến giáo lý từ bi. Cần gì lại giết hại mạng sống. Thù tạc béo nồng, sênh ca say sưa với huyết nhục, giết oan hại bao mạng ở trên mâm? Than ôi! Người có tâm có thể không thấy buồn ư?

 

Sáu là: CẦU TRỜI TAI QUA KHÔNG ĐƯỢC SÁT SINH

Người đời có tật sát sinh để tế thần, mong thần ban phước.  Không nghĩ rằng mình tế thần là muốn tránh chết để cầu sống. Giết chết mạng khác để mong mạng mình sống lâu, quả thật là nghịch thiên bội lý, thậm ác quá trời.

 

Bẩy là: BUÔN BÁN ĐỂ SỐNG KHÔNG NÊN SÁT SINH

 

Phàm con người chỉ vì mưu sinh, hoặc là đi săn bắt, hoặc xuống nước mò cá mò tôm, hoặc giết trâu bò lợn chó... chỉ vì kế sinh nhai. Nhưng ta xét  người không làm nghề này, cũng vẫn có cơm có áo, đâu có chết đói chết rét bao giờ. Làm nghề sát sinh sẽ bị oan oan tương báo. Lấy việc sát mà được giàu có thì trăm người chẳng có lấy một. Sinh tiền gieo nhân địa ngục làm sao tránh được quả báo mai sau. Không có gì nguy hại hơn thế. Sao không gắng mà đổi lấy nghề thiện lương có phải hơn không?

Liên Trì liền sai người thư ký lưu chuyển bài “Giới sát” này phổ biến rộng rãi trong thiên hạ. Rồi lại làm bài “Phóng sinh văn” khuyên người làm điều thiện. Đục một ao vuông ở trên để phóng sinh. Tự làm bia ghi ở am Trường Thọ. Có người hỏi:

- Cá rùa ngàn vạn, quần tụ một ao, giống như  tù ngục chẳng được thoải mái thì làm thế nào?

Liên Trì nói:

- Đem giết đi hay sao? Cá rùa sống chung một ao cũng giống như trên tòa sen có nhiều hòa thượng. Suốt ngày ngồi trong tĩnh thất, tu hành tự tại, nào có sư nào cho là quá khổ đâu!

Lại có người nói:

- Trong ao có một thìa nước, phóng được mấy loại sinh?

Liên Trì đáp:

- Đó là điềm triệu thôi. Ta có tâm phóng sinh, có lẽ nào mọi người lại không có tâm phóng sinh chăng? Một nơi phóng sinh để lan tới mười nơi, trăm nơi, nghìn nơi, vạn nơi, Hàng Châu tới Nam Bắc hai kinh,  từ hồ ao Giang Quảng đến núi Thiểm Hà Nam. Không chỉ có một chỗ phóng sinh, tất cả thiên hạ sẽ trở thành đất nước cực lạc.  Trên đời này sẽ vĩnh viễn không có tai họa binh đao, sát vận.

Một hôm, nhà sư họ Liên ở chùa Tĩnh Từ mời Liên Trì đến giảng kinh Viên giác ở Nam Bình năm mươi ba ngày, người đến nghe kinh đông như núi,  như biển. Có Ngu Đức Viên tiên sinh đi lại tốt với Liên Trì. Ngu Đức Viên thấy ao phóng sinh ở chùa Hồ Tâm đã sụt lở, liền yêu cầu Liên Trì chuyển đến Long Vương Đường. Nhìn thấy cảnh chùa Hồ Tâm ông không kìm nổi đã than rằng:

- Nơi đây ba ao sâu đã thành di tích cũ, nay cỏ mọc um tùm, trở thành bãi cỏ hoang. Lẽ nào chẳng đáng tiếc ư? Hơn thế, Tây Hồ vốn là một hồ cổ để phóng sinh. Đến nay ngư dân đêm ngày  giăng lưới bắt cá, không  một khắc nào ngơi. Cảnh  thật đáng thương!  Sao không đào lại Tam Đàm (ba ao sâu) để làm ao phóng sinh? Ví với ao Thượng Phương của đại sư, lại không rộng rãi hơn ư?

Liên Trì rất thích lời nói này, lập tâm sẽ hòan thành công đức đó. Liền cầu khẩn các sĩ đại phu ở Hợp Thành tỏ rõ đạo sáng đời nay, đứng lên lấy bùn đất rêu phong đắp đê quanh chùa, còn trồng thủy liễu ở trong hồ để làm nơi phóng sinh, xây dựng lại chùa cũ gọi là  Đức Sinh Đường, cửa núi vẫn gọi là chùa Hồ Tâm,  Hàng nghiêm đạo vương Ứng Càn đề biển ở trên. Chọn sư trông coi, cấm chỉ ngư dân không được vượt giới và bắt cá. Từ sau khi Liên Trì xây dựng lại nơi phóng sinh dó, dòng người cứ cuồn cuộn. Cũng có  người phóng sinh trong ngày sinh,  Cũng có người phóng sinh trong ngày sinh con. Cũng có người chọn ngày rằm, mồng một làm ngày hội phóng sinh. Tây Hồ đã trở thành Tây phương lạc quốc.

Liên Trì trở về Vân Thê, chỉ đóng cửa niệm Phật. Lúc nhàn rỗi thì trước thuật kinh  văn giới luật , hoặc thiết lập đưa ra những triết luận Du già (14) để phổ tế cô hồn. Đến năm Vạn Lịch thứ mười sáu, Hàng Châu đại hạn, rất nhiều người lập đàn cầu mưa. Tuyệt nhiên không có chút khí mây nào, thì làm  sao mưa nổi? Có người nói:

- Gần đây nghe nói có Liên Trì đại sư đạo hạnh cao đức. Sao chẳng đi mời người tới cầu mưa cho.

Liền cho mời mọi người ở thôn Phạn Chu Kiều  đến nhờ mời đại sư tới cầu mưa. Liên Trì nói:

- Không có phép thuật bùa chú, có hiểu cầu mưa là thế nào đâu.

Mọi người cho là ngài chối từ, nên tất cả đều quỳ xuống đất khóc rống lên. Liên Trì miễn cưỡng phải bằng lòng và theo dân chúng ra khỏi núi. Những người dân thôn hỏi đại sư dựng đàn như thế nào, mời rồng như thế nào. Ai ngờ đại sư tuyệt nhiên không có một hành động gì. Chỉ dẫn mọi người đi quanh đồng  ruộng, đọc ngàn vạn câu A Di Đà Phật. Từ khi Đại sư niệm Phật, liền có một đám  mây đen từ đông bắc kéo tới. Đến nửa đường thì có tiếng sấm ầm ầm vang lên từ trong mây. Đoàn người kịp đi quanh đồng ruộng một vòng, đã thấy nước mưa tuôn xuống, như nước trong bình chảy ra, ba bốn thước sâu. Tất cả lúa màu đều được sống lại. Càng tin là đại sư Phật lực quảng đại.

Năm sau, sóng nước dâng to, quật đổ cầu Chu. Nhân dân không thể đi lại được, phải cởi áo lội qua, có nhiều người đã chết đuối. Người  dân thôn lại mời đại sư cứu tế. Bỗng một hôm Tri phủ của bản phủ là Dư Lương Xu nghe tin đại sư ở Vân Thê đạo đức cao diệu, liền có ý muốn mời người tới  chủ trì cho việc đó. Người tự thân đến Vân Thê bái kiến đại sư. Chỉ nhìn thấy một con đường non xanh nước biếc, loan chướng (15) tầng tầng, biết rằng đây không phải là cảnh ở phàm trần. Trên cửa núi có tấm biển đề “Vân Thê”, hai bên có đôi câu đối:

Tìm ra đường trong mây biếc phủ

Núi ngọc từng khắp xứ về Am.

Tri phủ họ Dư nói:

- Quả thật là danh sơn thắng tích !

Đi tới trước chùa có người tri tân tiếp khách. Liên Trì lập tức ra nghênh tiếp. Bước vào phương trượng, chủ khách cùng ngồi. Dư Tri phủ mở đầu nói:

- Không vì việc gì khác! Chỉ bởi con nước triều lên to làm vỡ đê,  nên cầu Chu bị đổ, đi lại phải bơi lội. Không có kẻ sĩ đức hạnh chủ trì cho việc này, sao thể thành công lớn được. Bản phủ muốn nhờ hòa thượng tôn kính xây dựng lại cho, chẳng hay  tôn ý thế nào?

Liên Trì nói:

- Bần tăng là người xuất gia tu hành, vốn lấy việc cứu người làm gốc rễ, để lập hạnh cửa Thiền. Việc đắp đường, xây cầu đó chính là việc của nhà Tăng. Việc làm này không phân sang hèn, mỗi người quyên đều tiền của tám phân, tùy duyên giúp đỡ, thì có thể hoàn thành được.

Tri phủ trầm ngâm nói:

- Công thì lớn, góp thì ít, khó có thể hoàn thành sớm được.

Liên Trì nói:

- Của bố thí bất  luận nhiều hay ít, đều lấy tâm lực làm chủ. Tâm lực nhiều tất công thành bất hủ. Huống hồ tám  phân chỉ là lấy cái nghĩa của thần đất, lấy thổ phá thủy,  không có lý nào không thành.

Dư tri phủ nói:

- Hòa thượng nói lời bình dị, lý giảng tinh vi, người phàm đâu bì kịp.

Liền đó  gọi các môn tử mang đồ lễ ra, lấy tám chục lượng vàng đưa cho Liên Trì nói:

- Tạm có tám chục lượng,  giúp công dựng cầu, toàn nhờ vào Phật lực của Hòa Thượng cả.

Liền đánh kiệu về nhà. Các nhà hiếu nghĩa bốn phương, biết tin Liên Trì đại sư  khởi công dựng cầu, đều tới bố thí, góp được ngàn lượng vàng. Lúc khởi công dựng nền, mỗi lần hạ một cây đều đọc một trăm bài chú đại bi. Kể từ ngày khởi công đến ngày hòan thành cầu, con nước không dâng lên. Do đó thu được thành công lớn. Nhân dân đều cho là chuyện kỳ dị như thần.

Năm đó bà Thang Thị, bởi chồng trú trì ở Vân Thê, bà liền xây một am Phật bên cạnh cầu Thái Thị, lấy tên là “Hiếu nghĩa Vô ngại am”, một lòng thắp hương tu hành, lấy pháp danh là Thái Tố, đắc ngộ vô sinh liền viên tịch trước Liên Trì.

Kể từ ngày Liên Trì xuất gia đến nay đã được năm chục năm. Những sách trước thuật nổi tiếng trừ kinh sớ ra, ta tạm ghi những sách như Trúc song tùy bút, Loại lâm, Ngẫu bút, Kinh Di Đà sớ sao v.v… ngoài hai chục loại.

Bỗng một hôm người vào thành từ biệt các đệ tử và các bạn hữu cũ, nói:

- Bần tăng sắp đi nơi khác nên đến đây vái biệt.

Mọi người không biết duyên cớ vì sao. Về đến chùa người ra lệnh đặc biệt sửa trà canh, rồi nói chuyện từ biệt vơi các sư trong chùa. Mọi người  hỏi:

- Đại sư đi về đâu?

- Nơi này ta không ở được nữa.

Mọi người vẫn không biết lý do. Ngày hôm sau lên nhà lại nói với mọi người rằng:

- Ngày mai nhất định ta đi!

Mọi người giữ lại không nghe nghe. Ngài liền bước vào nhà phương trượng ngồi lặng yên, nhắm mắt, không nói. Mọi người mới tỉnh ngộ vây quanh đại sư. Đại sư mở mắt nói:

Kinh A Di Đà sớ sao, là thuyền từ đưa mọi người qua khỏi biển khổ sông mê, về miền Cực Lạc. Phải nên phổ biến rộng rãi làm lợi lạc cho quần sinh, không thể đoạn tuyệt. Mọi người phải nên chân thật niệm Phật chớ có đứng núi này trông núi nọ là được.

Nói xong liền tự viên tịch. Lát sau trong thành, ngoài thành, các đệ tử đều kéo đến để chịu tang đại sư. Họ nói:

- Đại sư di mệnh không cho phép mặc đồ trắng, thắt dây gai, làm lễ thế tục theo nghi thức thường lệ. Tất cả áo Y, Bát đều  phóng sinh làm phúc hết. Đại sư sinh năm Ất vị Gia Tĩnh, mất ngày mồng bốn tháng bảy năm thứ bốn mươi ba đời Vạn Lịch, giờ Ngọ! Mộ chôn ở chân chùa phía Tả lĩnh rồi xây Tháp ở đó.

Rừng núi trong thiên hạ chưa từng thấy ở đâu có cảnh trí tuyệt vời và thanh quy nghiêm túc như ở Vân Thê.

Ao phóng sinh,  ao Vạn công  ở Tây Hồ và ao Thượng Phương, ao Trường Thọ Vũ ở trong thành đến nay vẫn còn phóng sinh không ngớt. Đại sư há chẳng phải là một vị đại thiện tri thức ở Tây Hồ đó sao!

 

Chú thích:

 

Những người sinh ra và được hưởng lộc vì đỗ cai trong thi cử.

Kiền trúc: kiền là trời, trúc là An Độ, ý chỉ đạo Phật.

Minh ty: quan trông coi cõi âm.

Tục thú: lấy vợ nữa.

Sống chết là việc lớn.

Có ba tội bất hiếu, không có con nối dõi là  tội lớn nhất.

Nguyên văn: Vô môn quật lý quy nguyên lộ.

Chữ tâm và chữ sinh hợp lại thành chữ Tính là họ

Chữ nhất và chữ đại hợp lại thành chữ thiên là trời

Đàn việt thí chủ: đàn  việt tiếng Phạn là thí chủ, Đàn việt thích cũng có nghĩa là thí chủ.

Lan nhã: tiếng gọi tắt A lan nhã, có nghĩa là chùa.

Tịnh thổ: nước Phật, thế giới Cực Lạc ở Tây phương mà A-Di-Đà Phật ở  thì gọi là tịnh thổ.

Cửu tuyền: chín suối, nơi hương hồn ở sau khi  con người đã chết.

Du già: tiếng Phạn có nghĩa là tư duy, cổ An Độ có phái triết học  Du già.

Loạn chướng: thế núi cao và hiểm trở.

 


Âm lịch

Ảnh đẹp