28/07/2011 23:14 (GMT+7)
Số lượt xem: 38488
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Giải thưởng Ramon Magsaysay nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức giải quyết những vấn đề phát triển con người ở châu Á với sự can đảm và sáng tạo





Một phụ nữ dùng đèn năng lượng mặt trời ở làng Morabahda trên đảo Elephanta (Ấn Độ) Ảnh: AFP
Một kỹ sư Ấn Độ, một tổ chức từ thiện Philippines và một nhân viên xã hội Indonesia nằm trong số những người được trao giải thưởng Ramon Magsaysay – thường được mô tả như là Giải Nobel của châu Á – năm 2011 vì nỗ lực mang công nghệ xanh đến người dân nghèo.

Mang điện đến người nghèo

Một trong những cá nhân đạt giải thưởng này năm nay là ông Harish Hande, một kỹ sư Ấn Độ 41 tuổi. Ông được đánh giá cao vì những nỗ lực mang điện mặt trời đến một đất nước vẫn còn phân nửa người dân không có điện sử dụng.

Công ty Solar Electric Light Co. - được ông lập ra ở thành phố Bangalore năm 1995 - đã khai thác năng lượng mặt trời để thắp sáng cho khoảng 120.000 hộ gia đình nghèo, đồng thời cung cấp sự hỗ trợ tài chính và những dịch vụ khác cho họ. Công ty này hiện là một trong những nhà cung cấp công nghệ năng lượng mặt trời lớn nhất nước. Tổ chức Giải thưởng Ramon Magsaysay nhận định rằng ông Hande đã giải được bài toán khó lâu nay là người nghèo khó có thể tiếp cận được những công nghệ tốt nhất.

Trong khi đó, bà Tri Mumpuni, một nhân viên xã hội Indonesia 46 tuổi, được vinh danh sau khi tổ chức phi chính phủ IBEKA của bà xây dựng được 60 nhà máy điện nhỏ, sử dụng nước tại các hồ chứa để mang điện đến cho nửa triệu người dân. Bà Mumpuni và chồng từng bị phiến quân ly khai ở tỉnh Aceh bắt cóc trong lúc theo đuổi dự án mang điện đến vùng nông thôn ở Indonesia.

Tại Philippines, Tổ chức Alternative Indigenous Development Foundation (AIDF) được trao giải thưởng vì nỗ lực thiết kế, chế tạo và thúc đẩy sử dụng những công nghệ thân thiện với môi trường, giúp cải thiện cuộc sống người nghèo tại vùng nông thôn. Đơn cử, AIDF đã thiết kế một hệ thống đưa nước đến các hộ gia đình sống ở vùng cao, không sử dụng nguồn năng lượng bên ngoài mà vận hành nhờ vào dòng chảy của nước. Hệ thống này đã mang lại nhiều lợi ích cho các cộng đồng người nghèo trên đảo Negros trong thời gian qua.

Tạo ra làn sóng thay đổi

Bà Carmencita Abella, Chủ tịch Tổ chức Giải thưởng Ramon Magsaysay, hôm 28-7 cho biết 3 cá nhân, tổ chức nói trên đã thành công trong việc sử dụng công nghệ để cải thiện cuộc sống người dân tại đất nước mình, đồng thời tạo ra những làn sóng thay đổi khắp châu Á. Bà Abella nói với hãng tin AFP: “Thông qua việc tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề cấp bách, họ đang chứng minh được rằng sự quyết tâm, năng lực và tài lãnh đạo có thể thật sự thay đổi cuộc sống của các cá nhân, đồng thời thúc đẩy hành động của cộng đồng”.

Theo báo India Today (Ấn Độ), những người còn lại được trao giải thưởng Ramon Magsaysay năm 2011 gồm ông Hasanain Juaini, người mở một trường học Hồi giáo dành riêng cho các em gái ở Indonesia; bà Nileema Mishra, một phụ nữ cung cấp khoản vay cho những người nghèo ở Ấn Độ và ông Koul Panha, một nhà hoạt động người Campuchia.

Giải thưởng thường niên Ramon Magsaysay được mang tên vị tổng thống Philippines qua đời trong một vụ tai nạn máy bay vào tháng 3-1957. Giải thưởng này ra đời một tháng sau đó nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức giải quyết những vấn đề phát triển con người ở châu Á với sự can đảm và sáng tạo. Mỗi năm, có 6 cá nhân và tổ chức được trao giải thưởng này. Lễ trao giải thưởng Ramon Magsaysay năm nay sẽ diễn ra ở Manila (Philippines) vào ngày 31-8.

Phương Võ

Nguon: http://www.baomoi.com/Home/CNTT/nld.com.vn/Giai-Nobel-cua-chau-A/6712008.epi


Âm lịch

Ảnh đẹp