29/04/2011 09:17 (GMT+7)
Số lượt xem: 2112
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Câu chuyên võ sư Lê Minh Khương "đấu" với VNA chưa có hồi kết, các quan trẻ sắp về xã và "cái gân" đạo đức xã hội lại tiếp tục bị cứa... là những lát cắt buồn, đầy kịch tính mà Phát ngôn và Hành động tuần này day dứt muốn giãi bầy cùng bạn đọc.


"Thượng đế phải đòn"


Hiếm có một câu chuyện nào khi xuất hiện trên mặt báo lại gây ầm ĩ suốt tuần qua như câu chuyện võ sư Lê Minh Khương, HLV Đội tuyển Quốc gia Taekondo trên chuyến bay số hiệu VN1169 của Hãng Hàng không QG VN Airlines từ Hà Nội đi TP.HCM, bị cưỡng chế xuống Đà Nẵng.

Câu chuyện mở đầu có vẻ đơn giản: Do điều kiện thời tiết xấu, máy bay phải hạ cánh tại Đà Nẵng vào lúc 1h03 đêm để đợi thời tiết tốt hơn và bay tiếp. Ông Lê Minh Khương xin xuống vì không muốn đợi. Nhưng vì việc tiếp dầu cho máy bay nhanh nên cơ trưởng không đồng ý cho khách xuống Đà Nẵng. Trước đó, ông đã đưa cuống vé cho tiếp viên. Khi đồng ý đi tiếp, ông Lê Minh Khương đòi lại chiếc cuống vé.

Nhưng diễn biến tiếp theo của việc đòi chiếc cuống vé và kết cục xử lý lại không đơn giản. Mới đây, ông Khương bất bình tố cáo trên báo chí, ông bị một số cán bộ an ninh ở sân bay Đà Nẵng lên máy bay hành hung, giật tóc, bẻ tay, chích roi điện, đến mức quần áo ông rách, điện thoại vỡ, người bầm tím và họ cưỡng chế ông rời khỏi máy bay.

Nghe chuyện ông, ai cũng nhắc tới một câu từng được coi là khẩu hiệu của các ông chủ kinh doanh: "Khách hàng là Thượng đế", "Khách hàng luôn luôn đúng". Dĩ nhiên câu khẩu hiệu đó, nhằm nhấn mạnh đến tận cùng cái tinh thần trách nhiệm phục vụ khách hàng- những thượng đế đã đem lại công ăn việc làm và lợi tức cho các ông chủ. Được phục vụ như thế hẳn các "Thượng đế phải cười"- như tên một bộ phim Mỹ rất hay cách đây đã lâu.

Nhưng đó là về mặt lý thuyết thôi, còn như trường hợp này, thượng đế Lê Minh Khương, đang bay trên trời, bị đòn và...và buộc rơi phịch xuống thực tiễn- mặt đất.

Trước sự tố cáo của thượng đế Lê Minh Khương, ông chủ VNA cũng lại cho biết: Ông Lê Minh Khương có hành vi gây rối đòi xuống tàu tại Đà Nẵng, đòi ra khỏi tàu, la hét lớn.

Chuyện lùm xùm giữa HLV Lê Minh Khương và VNA gây ồn ào dư luận thời gian qua

Đương nhiên sự việc đến mức độ "sư nói sư phải, vãi nói vãi hay" thì buộc cả 2 phía phải có những người làm chứng.

Làm chứng cho VNA có 3 khách thương gia, ngồi khoang hạng VIP, điển hình là bà Eileen Tan quốc tịch Singapore, hiện là Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Singapore tại TP HCM, Tổng GĐ Cty Viking Travel.

Làm chứng cho ông Lê Minh Khương, cũng có 3 người ngồi khoang phổ thông: Đạo diễn điện ảnh Trần Lực, 2 anh em ca sĩ Quang Hà- Quang Cường. Họ rất bất bình khi chứng kiến hành vi của các cán bộ an ninh của Cảng vụ HK miền Trung, và đồng tình với lời tố cáo của ông Lê Minh Khương. Ca sĩ Quang Hà còn bức xúc hơn nữa, khi tố cáo, bố của võ sư Lê Minh Khương, đã 70 tuổi, vừa mới lên tiếng bảo vệ con trai, lập tức ông cũng bị bẻ tay ra sau.

Nhưng nếu đọc kỹ các thông tin trên báo chí, sẽ thấy rằng cả 2 phía nhân chứng đều đang như "thầy bói sờ voi", bởi những gì diễn ra ở khoang VIP thì các nhân chứng khoang phổ thông không thể chứng kiến và ngược lại...

Vì "sờ voi" mà các nhân chứng "thầy bói" cũng kéo luôn cả xã hội vào cùng sờ. Chẳng biết chú voi có nhột không, chỉ biết dư luận xã hội bị nhột nặng, và rất bất ngờ, hình ảnh xấu lại...nghiêng về VNA.

Số đông dư luận, người ta có phần bênh vực ông Lê Minh Khương- người yếu thế. Nhân việc này mà một loạt những vụ việc khác về cung cách phục vụ của VNA, do vị thế là hãng hàng không quốc gia, độc quyền nên sinh ra thói độc đoán và thiếu văn hóa cũng được moi ra. Không chỉ thế, các trang mạng xã hội thống kê đầy đủ hàng chục vụ việc của đội ngũ tiếp viên, phi công buôn lậu, vi phạm pháp luật bị xử lý được đăng trên các báo: Pháp luật TP HCM, Tuổi Trẻ, Sài Gòn giải phóng, Pháp Luật VN... Đó là cái mất mát đầu tiên.

Dư luận xã hội nghi ngờ luôn cả tư cách nhân chứng của VNA. Ngay lập tức, diện mạo bà thương gia Eileen Tan được đưa lên mạng, với những hình săm trổ rồng rắn rất hầm hố, chạy chi chít trên tấm lưng trần, và lời nói (bằng tiếng Anh) xúc phạm ca sĩ Quang Hà- nhân chứng của ông Lê Minh Khương, còn hầm hố hơn: "Câm miệng lại cái đồ lại cái man rợ". Nhìn hình bà, người ta hiểu cái ngôn ngữ ấy thật phù hợp.

Rồi người ta lại phát hiện ra Công ty của bà là đại lý vé máy bay, trong đó có VN Airlines. Bà không biết tiếng Việt. Vậy thì bà hiểu ra sao những điều ông Lê Minh Khương nói với cô tiếp viên, để mà cầm bút ký vào văn bản làm nhân chứng cho VNA? Với cái cách "quân ta bênh quân mình", ngay từ đầu, sự làm chứng đã bị vô hiệu hóa.

Mới đây, báo Dân Việt lại có thông tin, xuất hiện tình tiết mới, trong 1 biên bản được lập, có dấu hiệu ghi chèn vào là đã trả cuống vé máy bay cho ông Lê Minh Khương. Nhưng thực tế đến bây giờ ông Lê Minh Khương vẫn chưa có được cuống vé đó.

Sự việc chưa đâu vào đâu, thì ông Lê Hoàng Dũng, phát ngôn viên của VNA khẳng định chắc như đinh đóng cột trên báo Dân trí: "Hiện VNA đang chờ kết luận cuối cùng về sự việc từ Cục Hàng không VN để ra văn bản chính thức cấm bay đối với ông Lê Minh Khương. VNA từ chối vận chuyển hành khách này trên tất cả các chuyến bay hãng khai thác ở trong nước và quốc tế. Trong một vài ngày tới, văn bản cấm bay sẽ chính thức được đưa ra".

Nhưng ông này lại quên mất rằng theo Nghị định mới số 81/2010 về an ninh hàng không dân dụng, thì VNA chỉ có quyền lập danh sách đề nghị, còn quyền quyết định cấm bay phải là Cục Hàng không VN cơ. Người phát ngôn cho hãng mà lại không nắm được cả thẩm quyền, thì sự phát ngôn bừa như trên liệu có phải là góp phần "gây rối' thêm tình hình vốn đã như canh hẹ?

Dù số đông dư luận xã hội có phần bênh vực kẻ yếu thế là ông Lê Minh Khương, thì việc điều tra, phân xử đúng sai, phải trái vẫn còn phải chờ vào các cơ quan chức năng có thẩm quyền, do vụ việc xem ra ngày càng phức tạp, mặc dù ông Lê Minh Khương chỉ muốn VNA có một lời xin lỗi.

Bởi liệu đối tượng bị kiện của ông Lê Minh Khương có phải là VNA, hay phải là Cảng vụ HK miền Trung? Việc ông Lê Minh Khương đòi lại cuống vé liệu có phải là hành vi gây rối? Khái niệm gây rối hay gây mất trật tự (nếu có) của ông Lê Minh Khương cần phải được mổ xẻ kỹ càng và khách quan. Nó có liên quan đến lỗi làm mất vé và cách hành xử thiếu thiện chí của tiếp viên, mà Thanh tra Cục HK đã thừa nhận mới đây? Gây rối là hành vi có mục đích rõ ràng, còn gây mất trật tự chỉ là hậu quả của sự thiếu kiềm chế trong ứng xử.

Dù vậy, lẽ phải không thuộc về kẻ yếu được bênh vực theo cảm tính của con tim, hay thuộc kẻ mạnh có quyền năng chi phối lợi ích con người. Lẽ phải dựa trên cơ sở pháp lý của những quy định mang tính chế tài, đã được ghi nhận trong Nghị định 81/2010, và sự điều tra cặn kẽ, khách quan của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Chỉ đáng buồn, sự việc của VNA với ông Lê Minh Khương phản chiếu một hiện tượng tâm lý và ứng xử văn hóa phổ biến giữa người với người trong xã hội VN hiện nay: Chuyện chả có gì mà cũng thành ầm ĩ thế?

Người viết bài này đặt câu hỏi: Giả dụ đi, lỗi thuộc về ông Lê Minh Khương, thì VNA có lỗi gì không nhỉ? Chẳng lẽ cách hành hung thô bạo, vô lý với cả cha con ông Lê Minh Khương của mấy cán bộ an ninh lại là "hoàn thành nhiệm vụ"? Và mới đây, một thông tin có phần hài hước được VnExpress tung ra, có thể ông Lê Minh Khương bị cưỡng chế nhầm. Vì thời điểm đó, có 1 vị khách cũng to tiếng la hét (?)

Nếu vậy, thì VNA đúng là dở khóc dở cười.

Với việc lùm xùm xảy ra giữa VNA và ông Lê Minh Khương, từ bé xé ra to- là thêm một lần nữa thương hiệu và uy tín của VNA- rất to cũng dễ thành... rất bé.

Các quan trẻ... cắm sào đứng đợi

Ngày 24-4, ViệtNamNet đưa tin "Dưới 30 tuổi có thể làm 'quan xã'"? Đọc kỹ, mới hay đây là một Dự án của Đoàn TNCSHCM, nhằm tuyển chọn và đưa 600 trí thức trẻ, dưới 30 tuổi, có trình độ đại học trở lên về làm phó chủ tịch các xã thuộc 62 huyện nghèo nhất nước. Dự án có tổng kinh phí 194 tỷ đồng.

Nếu đạt thành tích xuất sắc, giúp địa phương hoàn thành các mục tiêu kinh tế xã hội, các quan xã này có thể được đề bạt lên những vị trí cấp cao hơn, không cần chờ hết 5 năm dự án. Trước khi về xã họ sẽ được huấn luyện nghiệp vụ quản lý nhà nước cấp xã trong 2 tháng về chức năng quyền hạn, kỹ năng quản lý cơ bản cấp xã, đi thực tiễn cơ sở.

Nhưng nghĩ cho kỹ, thì đây không phải là một cách làm mới mẻ gì. Thậm chí nó quá cũ kỹ, bởi tư duy những người quản lý, điều hành và đề xuất.

Trong quá khứ, các ngành Y tế, Giáo dục cũng từng có chủ trương tung quân về cơ sở. Ngành Y tế đưa bác sĩ về tuyến xã. Ngành Giáo dục đưa giáo viên miền xuôi lên miền núi, với cam kết rất rõ ràng: Giáo viên nữ sau 3 năm, giáo viên nam sau 5 năm phục vụ, sẽ được chuyển về miền xuôi. Kết quả ra sao?

Với ngành Y, một đặc thù không thể thiếu- bác sĩ cần có môi trường, phương tiện, thiết bị kỹ thuật để phát triển tay nghề. Không biết bao nhiêu năm qua, chủ trương này có hiệu quả thế nào, chỉ biết người dân tuyến xã có việc gì, từ bé như con mắt bị đau, cho đến to như bụng của bà bầu đến kỳ sinh nở... đều đổ về bệnh viện tuyến trung ương. Không biết bác sĩ tuyến xã nhiều người tài năng nảy nở hay thui chột đi, khi giờ nhiều người chỉ làm việc của một y tá, y sĩ cơ sở?

 

Ảnh: Hà Nội mới

Với ngành Giáo dục, phải ghi nhận có hàng vạn người thầy đã hy sinh cả tuổi xuân của họ ở những vùng khó khăn. Nhưng khi đã hết thời hạn phục vụ, có bao nhiêu người thầy tóc bạc, hết cả tuổi xuân cũng chưa được chuyển về xuôi theo như cam kết của ngành GD. Đến nỗi có không ít người thầy chua chát cho rằng họ đã bị... lừa. Nhiều người khác chấp nhận bỏ nghề, phí cả tiền bạc lẫn công sức đào tạo của xã hội.

Và nay, Đoàn TNCSHCM chủ trương tung quân về tuyến xã. Cho dù lần này, sự hứa hẹn "ngon" hơn- làm quan chứ không làm dân!

Ấn tượng nhất là câu phát ngôn của ông Dương Văn An, Bí thư, Trưởng Ban tổ chức TƯ Đoàn: "Các trí thức trẻ không phải cam kết không tham nhũng, không nhận hối lộ... nhưng..." . Có nghĩa là ông An cũng đã lường trước được căn bệnh phổ biến của các quan chức hiện nay, dù là cấp xã?

Không biết có bao nhiêu trí thức trẻ ưu tú sẽ làm đơn tình nguyện về với các xã khó khăn như niềm tin lạc quan của đồng chí Bí thư. Chỉ biết với dự án này, các đồng chí Trung ương Đoàn TNCSHCM lại ghi thêm thành tích làm phong trào vào sổ vàng truyền thống.

Nổ như phong trào, thì cũng dễ xẹp như phong trào. Đó là thực tế của rất nhiều phong trào trong xã hội VN lâu nay vốn rất thích... phong trào, vì nó kêu, nó dễ nổi bật. Chỉ sự lãng phí, và hiệu quả thật thì...lặng chìm.

Người viết bài này vẫn mong cho Dự án hàng trăm tỷ tiền thuế của dân đóng góp có được hiệu quả. Nhưng cũng tự đặt câu hỏi: Đến bao giờ, thì tư duy và cách làm của đoàn thể này đổi mới, trẻ như tên gọi của họ- Trung ương Đoàn TNCSHCM?

"Cưa gân" đạo đức xã hội

 

Ngày 24-4 mới đây, một vụ án đau lòng xảy ra khiến xã hội sững sờ: Nhân viên Công ty TNHH Du lịch sinh thái Nam Qua (thuộc khu du lịch hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt) phát hiện chú voi Back Khăm, 38 tuổi của công ty đã bị sát hại dã man.

Tại hiện trường, người ta thấy, kẻ ác đã tháo dây xích cột voi, dắt voi vào một khu rừng rậm cách đó khoảng 3km, buộc chân trước vào một cây rừng rồi dùng rìu cố chặt đứt gân 2 chân sau của voi. Hình ảnh voi Back Khăm nằm chết thảm với 2 chân sau bị chặt đứt gân đỏ lòm máu, trên một vùng rộng cây cối bị quần nát, cho thấy Back Khăm đã phải trải qua những giờ phút tột cùng đau đớn. Người viết bài này đã không dám nhìn lâu. Vì quá thương cho con vật ngây thơ, tội nghiệp, và kinh hãi, phẫn uất trước tội ác con người

Cạnh xác voi, người ta phát hiện một lưỡi búa (rìu) dài khoảng 20cm. Trong khi đó, 2 bộ phận quý nhất là ngà và đuôi voi vẫn còn nguyên- có thể kẻ thủ ác chưa kịp lấy vì sợ bị phát hiện.

Liệu đây có phải là con voi xấu số cuối cùng bị sát hại thê thảm chỉ vì lòng tham và sự mê muội không?

Voi Back Khăm bị cứa đứt gân đến chết

Trước đó 4 tháng, voi Back Khăm đã bị 2 lần kẻ ác tấn công với những vết chém nham nhở dã man, nhờ được chạy chữa kịp thời nên qua khỏi. Nhưng rồi, con vật cuối cùng vẫn không qua khỏi, khi lòng tham vô độ của con người biến thành tội ác tối tăm, man rợ.

Tàn phá rừng đến cạn kiệt, săn bắt thú rừng quý hiếm- hết hổ, gấu rồi nay đến voi, những giống loài nổi tiếng là chúa tể muôn loài trong rừng xanh đã không thoát khỏi số phận bi thảm dưới bàn tay những tên đồ tể nơi đồng bằng, thành phố. Người đọc nghĩ gì khi xem thông tin này: Hiện tại Đà Lạt còn lại 5 con voi nhưng đều bị trộm cắt mất ngà và đuôi. Back Khăm là con voi đực cuối cùng duy nhất tại Đà Lạt còn nguyên ngà và đuôi, nay đã bị giết hại.

Còn những kẻ thủ ác sẽ nghĩ gì, khi nghe tin Back Khăm được hỏa thiêu, với toàn bộ ngà và đuôi còn nguyên vẹn. Chúng đã động thủ, giết đi một con vật có ích, vô tội, vốn rất hiền lành với con người, nhưng vẫn không đạt được mục đích của lòng tham. Cuộc đời thật sắc sắc, không không. Tưởng là được mà vẫn là mất. Tưởng là có mà vẫn là không. Tưởng là giàu mà rất có thể vẫn trắng tay. Chỉ có một điều tin chắc- chúng sẽ hưởng trọn vẹn sự quả báo.

Những người am hiểu chuyên môn nghi ngờ, kẻ sát hại Back Khăm phải là kẻ từng tiếp xúc rất gần gũi với nó trong một thời gian dài. Bởi nếu là người lạ sẽ rất khó có thể tiếp cận và dắt voi vào rừng sâu. Chao ôi, Back Khăm thông minh vậy, mà sao lại ngây thơ tin ở lòng tốt "ảo" của con người, để đến nỗi bị lừa và dẫn vào chỗ chết. Ở nơi suối vàng dưới tít tắp ngàn sâu, có lúc nào Back Khăm ân hận về lòng tin mù quáng của mình, đã khiến chính mình mang họa?

Đã bao lần chúng ta phải đọc những cái tin về sự sát hại các cá thể động vật quý hiếm? Không nhớ nữa. Vì chưa cần đọc, chỉ cần đi dạo ở ngay các đô thị lớn, các thị trấn miền núi, đâu thiếu những nhà hàng ngang nhiên quảng cáo bán thịt rừng quý hiếm, cũng là ngang nhiên chặt, chém pháp luật?

Còn khi giở trang báo giấy, báo điện tử hàng ngày, có bao nhiêu vụ án, tội ác của chính con người gây ra cho con người, của chính con người gây ra cho con vật?

Voi Back Khăm bị cứa đứt gân đến chết. Hay chính "cái gân" đạo đức xã hội vốn đã quá nhiều thương tích một lần nữa, cũng đang bị cứa đau đớn?

Ai sẽ là người băng bó cho những vết thương đạo đức xã hội đây?

Nguon: http://www.baomoi.com/Home/AnNinh/tuanvietnam.vietnamnet.vn/PNHDThuong-de-phai-don-va-cua-gan-dao-duc-xa-hoi/6160094.epi


Âm lịch

Ảnh đẹp