08/07/2011 20:49 (GMT+7)
Số lượt xem: 155595
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Người Việt Nam và giấc mơ Việt Nam



Giấc mơ "đem lửa đốt trời" của người Trung Quốc

Thật thú vị khi được chạm vào đề tài "Giấc mơ Trung Quốc" (của người Trung Quốc) trên diễn đàn báo chí Việt Nam. Có những lĩnh vực mà Trung Quốc đã cụ thể hoá được "giấc mơ" của mình, và họ đang khuếch trương "sức mạnh mềm" bằng tất cả những gì có thể.

Người Trung Quốc có vẻ dễ chịu với lý thuyết "sức mạnh mềm" của Joseph Nye. Vì dẫu gì, trong một thế giới mà Trung Quốc cần thể hiện vai trò lớn hơn (thậm chí lớn nhất), thì "văn hoá" vẫn là một khẩu hiệu làm cho nhiều người "yên tâm" hơn.

Văn hoá là "siêu chính trị", thế nên nhiều tỉ đô-la được Trung Quốc đầu tư cho Thế vận hội Bắc Kinh, và buổi khai mạc diễn ra đúng vào ngày 8/8/2008. Người Trung Quốc "mê tín" số 8, nên tập trung sức vào quảng bá Thế vận hội Bắc Kinh như quảng bá một "vạn lý trường thành" của kỷ nguyên mới. Dù mộng nhỏ hay mộng lớn thì đối với Trung Quốc, họ cũng phải vươn đến tầm chữ "Phát".

Sau Thế vận hội Bắc Kinh, không ít nhà bình luận trên thế giới ca ngợi màn biểu diễn "sức mạnh mềm" ấy mà quên mất một điều rằng, trong tư tưởng, nhận thức của người Trung Hoa, không có cái gọi là "mềm nguyên chất". Nếu tách biệt điều này, người ta sẽ "cả tin" và "ngộ nhận".

Người Mỹ đã tiến gần đến một nửa sự tỉnh táo khi hiểu ra "sức mạnh mềm" này. Và người Trung Quốc cũng chỉ tiến gần đến một nửa sự tự mãn khi không đủ bình tĩnh để thấy rằng "sức mạnh mềm" không phải độc quyền của bất cứ quốc gia nào.

Thế giới ngày càng sinh động hơn bởi sự lớn mạnh của "chủ nghĩa đa thuyết": thuyết sự giẫy chết của châu Âu, thuyết thời đại mất Chúa, thuyết nước Mỹ suy tàn, thuyết Nhật Bản chìm đắm, thuyết Trung Quốc sụp đổ (trỗi dậy, đe dọa, trách nhiệm)... Từ những thuyết ấy mà gợi ra "thuyết cảnh báo" cho không chỉ riêng ai.

Trong tiến trình lịch sử, người Việt tiếp cận thường xuyên với bài học "nước xa, lửa gần", nên hiểu từ trong ruột hiểu ra, dù Trung Quốc có "trốn hình trong nắng chói" thì họ cũng không thể từ bỏ giấc mơ "đem lửa đốt trời". Đánh mất giấc mơ ấy, Trung Quốc sẽ sống "thiếu mục tiêu". Và cái gì cổ xuý cho lối sống "thiếu mục tiêu" cái đó không được coi là "bản sắc Trung Hoa".

Vì thế, dù đạt được nhiều thành quả, "ngôi hậu" vẫn là giấc mộng ám ảnh Trung Quốc. Đất thì ngày càng chật. Người thì ngày càng đông. Tài nguyên thì có hạn. Trong khi, đám "học trò mặt trắng" nhiều đời nay đã lỡ miệng ê a: "Chẳng chỗ nào không phải là lãnh thổ của nhà vua" (mạc phi vương thổ); "không có thần dân nào không phải thần dân của bệ hạ" (mạc phi vương thần). Mới nghe về "Giấc mơ Trung Quốc", cứ ngỡ Trung Quốc đang muốn "hoá bướm" để thần tiên hoá khu vườn mộng của Trang Tử. Nhưng Trang Tử là người triển khai lý thuyết vô vi, mà vô vi thì "không chỗ để trụ", mọi vật đều xuất hiện "tự nhiên nhi nhiên", dù có vẽ vời ra sao thì mộng cũng chỉ là mộng thôi.

Trung Quốc hẳn phải theo đuổi một giấc mộng khác với giấc mộng của Trang Tử. Bao đời nay, Trung Quốc vẫn chỉ thống nhất hai việc chính: "trị quốc" và "bình thiên hạ". Lần giở sử sách, Trung Quốc phát hiện lại "Người thầy vạn đời" của mình. Và Khổng Tử hiện về như một ngôi sao sáng, có thể kết hợp với tư tưởng hiện đại để Trung Quốc tiếp tục hoàn thành giấc mộng muôn đời kể trên.

Giấc mơ Việt Nam

Lên sẵn kế hoạch cho giấc mơ. Mơ nào cũng thành hiện thực thì ai mà chẳng muốn mơ. Và có người thắc mắc, Trung Quốc mơ mộng nhiều đến nỗi viết cả một cuốn sách dày về giấc mơ của mình, tại sao không thấy Việt Nam mơ mộng gì cả, họa chăng có mơ đi nữa thì chỉ là giấc mơ lẻ tẻ, tự phát?

Năm 2005, Thiền sư Nhất Hạnh nói đến giấc mơ Việt Nam như sau: "Giấc mơ Việt Nam là các quốc gia lân cận, kể cả Trung Quốc, biết thương mến và thưởng thức cái đẹp và cái dễ thương của đất nước, văn hoá và con người Việt Nam mà không còn có ý muốn xâm hại nhau, tại vì người Việt đã học được cách bảo vệ sông núi, văn hoá và con người của mình bằng nếp chung sống hoà bình, bằng tình huynh đệ, bằng tài ngoại giao, bằng nếp sống tương trợ với các nước chung quanh mà không tin rằng chỉ có vũ khí, quân sự mới làm được chuyện ấy".

Giấc mơ của vị thiền sư này tỉnh quá. Lạ! Vì trong giấc mơ mà biết mình "đã học được cách bảo vệ sông núi".

Hơn 7 thế kỷ trước, Tuệ Trung Thượng Sĩ (Trần Tung) từng nói về giấc mơ thế này: "Đắp xây trong mộng, Tỉnh giấc hư vô. Mộng tạo nên nào nhỏ nào to. Tỉnh hết sạch nào tơ nào tóc". Mộng thì cứ mộng nhưng phải biết tỉnh. Tỉnh để "mở tầm mắt" mà "tiến tới", mà "Hét"!...

Suy nghiệm về lẽ đời, Tuệ Trung Thượng Sĩ đặt câu hỏi: "Kẻ mất trước là ai? Kẻ được sau là ai?", trong tình cảnh "Hai cái 'tâm' sai khác và một cái 'mệnh' như nhau" (Phàm thánh bất dị). Câu hỏi đã nêu ra phạm trù "được - mất" (họa - phúc) và tư duy quá trình "trước - sau" để nhìn ra lý thuyết nhân quả trong mối tương quan giữa "ai và ai". Tuy vậy, làm gì cũng để cốt "thoả ý muốn của ta và được đúng chỗ của ta", "sống chết dồn ép ta có ngại chi đâu" (Bài ngâm cuồng phóng).

Trung Quốc đang ồn ào về "sức mạnh mềm" hoành tráng ở sân trước, nhưng sân sau của họ là cuộc khủng hoảng lớn về môi trường sống. Rất khó để nói đến một "Trung Quốc trách nhiệm" ở lĩnh vực đáng quan tâm hơn cả về tương lai của con người trên hành tinh xanh, khi Trung Quốc chiếm ¼ dân số thế giới. Người Mỹ phần nào đã "tiếp thị không công" cho "sức mạnh mềm" Trung Quốc, bởi họ thường nhắc đến Trung Quốc như một ví dụ điển hình cho sự "trỗi dậy".

Nhưng đã từ lâu, dù sức mạnh quân sự, kinh tế có mang đến cho Trung Quốc một bộ mặt khác, thì họ cũng không dễ dàng gì chi phối được các nước nhỏ hay các vùng lãnh thổ chung quanh để hiện thực hoá "giấc mơ" đầy tham vọng đó. Nhiều vùng lãnh thổ tiếp giáp với Trung Quốc đã tạo được cho mình một giá trị, bản sắc văn hóa riêng mà "sức mạnh mềm" của Trung Quốc không có nhiều điều kiện để ảnh hưởng.

Lịch sử thành công của Trung Quốc vẫn chủ yếu là lịch sử của "sức mạnh cứng" thông qua con đường của chiến tranh (đô hộ). Thực tế, tư tưởng Nho giáo được truyền vào một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam cũng bằng con đường này. Trung Quốc không thể làm gì hơn trước một Ấn Độ vững như bàn thạch, dù lý thuyết "trung tâm" từng mon men để tìm cách xâm nhập vào đất Ấn.

Không những thế Trung Quốc còn chịu sự ảnh hưởng to lớn của văn hoá, ngôn ngữ Ấn trên chính sân nhà của mình. Không có Ấn Độ, Trung Quốc không có hệ thống ngôn từ giàu có như bây giờ. Không có Ấn Độ, Trung Quốc không có "tôn giáo", dù từ nhiều đời nay, Trung Quốc luôn cố gắng đẩy lý thuyết của Lão Tử, Khổng Tử lên tầm "tôn giáo" của nhân loại.

"Sức mạnh mềm" chỉ là 3 phần bề nổi, còn "sức mạnh cứng" vẫn là 7 phần bề chìm trong "giấc mơ Trung Quốc". Nhưng càng "trốn hình trong nắng chói", để cổ vũ "sức mạnh mềm", Trung Quốc càng chứng tỏ việc "đứng không đúng chỗ" và chính họ đang sa lầy vào "cái bẫy văn hoá", khi những luồng "sức mạnh mềm" từ phương Tây đang từng ngày tràn vào lối sống của tầng lớp trẻ Trung Quốc như "gió vào nhà trống".

Đó chính là đòn "hồi mã thương" của lý thuyết "sức mạnh mềm". Và chính khi phải tìm về với tư tưởng Khổng Tử (làm đại diện cho "bản sắc"), là lúc Trung Quốc không còn hình ảnh nào phù hợp hơn để chọn lựa. Nên nhớ lại, tư tưởng Khổng Tử từng hơn một lần bị ghẻ lạnh ở đất Trung Hoa.

Việt Nam tiếp biến những luồng tư tưởng của Ấn Độ một cách tự nhiên như nước hòa với sữa. Nhưng Việt Nam "gặp gỡ" Trung Hoa (và sau này là phương Tây) không hề là tự nguyện. Trong thời đại khẳng định nền độc lập, tự chủ, Việt Nam "tiếp biến", "gạn đục khơi trong" những nguồn tư tưởng tích cực của Trung Hoa, nên trải qua nhiều thế kỷ nay, Việt Nam vẫn tồn tại trước những ngọn gió lạnh buốt da từ phương Bắc và những cái đầu nóng luôn đe dọa đến nền hoà bình lâu dài.

Đặc thù trong tư tưởng Khổng - Mạnh là nêu cao tinh thần "nhân trị", "đức trị", nếu quay về với tư tưởng Khổng - Mạnh mà xa rời những giá trị căn bản này, chính Trung Quốc mới là nước "bỏ an tìm nguy", tự gây bất ổn cho chính mình.

Khi được hỏi về việc "dùng công án cũ để làm gì?", Trần Nhân Tông trả lời: "nhất hồi niêm xuất nhất hồi tân" (mỗi lần chạm đến lại thành mới tinh). Thế thuật ngoại giao Trung Hoa dù có gia giảm liều lượng "cương - nhu" ra sao, thì họ cũng không bao giờ rời xa tư tưởng cai trị "Nho - Pháp".

Trung Quốc đã quay về với Khổng Tử, đã chạm tay cái cái cũ. Nhưng Trung Quốc đang làm gì để cho tư tưởng Khổng Tử mới hơn? Nếu như Trung Quốc đang khẳng định sức mạnh quân sự, kinh tế làm sức mạnh lớn nhất để áp đặt lên trật tự thế giới, thì Trung Quốc đang tự dùng gậy đập vào lưng mình, vì đây chính là điều Trung Quốc đã từng phê bình phương Tây khi yếu thế. Và như thế, tư tưởng Khổng - Mạnh dù được "chạm đến" thì cũng không ra ngoài trạng thái "bình" cũ mà "rượu" cũng không hề mới hơn.

Thực tế lịch sử cho thấy những điều Trung Hoa không dùng, hay dùng không tới nơi tới chốn, thì nước khác lại "muợn"dùng. Đại Việt vừa tập trung mọi nguồn lực để bảo vệ nền độc lập tự chủ, vừa xây dựng văn miếu thờ Khổng Tử và đã từng vận dụng tư tưởng Nho học vào đường lối trị quốc. Nhưng khi giặc Minh xâm lược nước ta, Nguyễn Trãi đã dõng dạc đập thẳng vào bộ óc xâm lược đó bằng việc nêu cao chí khí của dân tộc: "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, Lấy chí nhân mà thay cường bạo".

Như thế, tư tưởng Khổng - Mạnh không phải sở hữu riêng của người Trung Hoa. Trung Quốc từng mở nhiều hội thảo quốc tế để đẩy lý thuyết Khổng Tử lên tầm ảnh hưởng khu vực, nhưng điều gì đã trở thành giá trị sống, điều đó thuộc về tất cả mọi người. Đó là lý do Trần Nhân Tông nói "dùng lại" mà luôn thấy mới, mới hơn cả người từng "sở hữu" nó.

Đọc và hiểu quá khứ dân tộc mình

Trung Quốc là một nước lớn. Người Việt Nam chưa bao giờ phủ nhận điều này. Lịch sử Việt Nam là lịch sử của những cuộc chiến tranh, nên khát vọng hòa bình của người Việt rất cao, nhưng không phải vì thế mà người Việt nao núng trước một Trung Hoa kềnh càng và nặng nề trong từng bước chân "Nam tiến". Việt Nam ý thức điều đó hơn ai hết, và để diễn tả những khái niệm đẩy về phía vô cực, Nguyễn Công Trứ từng so sánh: "Thiên thượng thiên hạ vô như Phật. Nhỏ không trong mà lớn không ngoài".

Trung Quốc đang muốn, rất muốn "lớn", thậm chí "lớn nhất". Nhưng Việt Nam đừng bắt chước ai đó tham cái "lớn" ở bên ngoài, mà bỏ quên cái "nhỏ" (tinh tế) ở bên trong. Nhỏ mà không có trong đó là vô cực của vi diệu. Nhỏ đó không làm cho chúng ta tự ti. Nhỏ đó đem đến cho chúng ta sự vận chuyển linh hoạt. Cần nương vào cái nhỏ của thế núi hình sông để nuôi chí lớn và phát huy đại nghĩa.

Bao nhiêu đời nay, người Việt vẫn cần mẫn với "giấc mơ nhỏ" ấy để bồi dưỡng sức dân và xây dựng nguồn nội lực dân tộc. Sự tinh tế mà mất đi thì bản sắc Việt Nam lu mờ. Việt Nam hãy đi về cực ngược lại để làm trong trở lại những dòng sông, làm xanh trở lại những cánh rừng, làm sạch chính mình cho môi trường sống trong sạch. Bởi Việt Nam làm sao có thể hoá rồng khi cụ rùa (huyền thoại) vẫn còn phải bất thường nổi lên vì tảo độc?

Biết người biết ta thì mới có thể vận dụng sự uyển chuyển trong ứng xử ngoại giao. Trung Quốc đang tả xung hữu đột với "sức mạnh mềm", vì họ biết nối quá khứ vào hiện tại. Vậy muốn "đọc" được bản sao ứng xử của Trung Quốc, Việt Nam phải đọc được quá khứ của chính mình, để hiểu ông cha mình đã vận dụng những gì để "dõng dạc" với họ.

Sử chép, năm 1285, quân Nguyên Mông sang xâm lược nước ta, gặp phải sự kháng cự quyết liệt của quân dân nhà Trần, giặc tan vỡ. Vua Trần Nhân Tông trông thấy thủ cấp của Toa Đô thương hại mà nói: "Người làm tôi phải nên như thế này", rồi cởi áo ngự, sai quân đem liệm chôn, nhưng sau đó lấy đầu Toa Đô tẩm dầu để răn, vì cớ Toa Đô đã mượn đường vào cướp nước ta.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói về sự kiện này: "Than ôi! Câu nói ấy của vua thực là câu nói của bậc đế vương. Nói rõ đại nghĩa để người bề tôi muôn đời biết rằng trung với vua, chết vì phận sự là vinh, tuy chết mà bất hủ, mối quan hệ lớn lắm vậy. Huống chi lại cởi áo ngự, sai người liệm chôn nữa. Làm vậy có thể khích lệ sĩ khí để trừ giặc mạnh là phải lắm".

Một nước nhỏ như Đại Việt, hàng năm phải triều cống Trung Hoa nhưng từng dùng chính những luận điểm về nhân nghĩa để nhắc nhở về hành vi bá đạo của Trung Hoa. Trong An Nam chí lược, Lê Tắc có chép về cuộc đi sứ của Trương Lập Đạo sang An Nam vào năm 1292, lúc vua Trần Nhân Tông còn đang ở ngôi, như sau:

Lập Đạo nói: "Đức Thiên tử trùm cả bốn biển, lòng nhân như vua Nghiêu, vua Thuấn, nỡ lòng nào đưa quân lính tới chém giết. Chỉ vì trước kia luôn luôn giảng về lễ, mà quốc vương trước không hề khi nào nghe lệnh, thành thử sinh ra hiềm khích, khiến cho dân điêu tàn, nước tan vỡ, là tự mình tạo lấy vậy; chứ triều đình thượng quốc không tham chiếm đất đai của khanh, chính là do cái tội không chịu nhập triều mà tạo ra vậy".

Thế tử nói: "Năm vừa qua, đại quân qua đây, đốt phá nhà cửa, đào cả mồ mả ông cha nhà tôi, khiến cho hài cốt linh lạc".

Lập Đạo ngụy biện: "Năm xưa Thiên tử sai Giả Thiết Mộc Nhĩ, vua Vân Nam, đánh nước Miến Điện, có lời dụ bảo không được đốt nhà cửa, cung điện, không được đào mả..., vua Vân Nam kính y như lời dụ chỉ; đến khi đại quân tới nước thì vua Miến Điện trốn mất, vua Vân Nam không hề chém giết ai, nhà cửa chùa chiền, cung thất vẫn để nguyên, vua Miến Điện cảm phục, đầu hàng rồi sai người con trai đúng kỳ hạn vào chầu và cống hiến. Còn như Trấn Nam Vương xuất quân đánh nước An Nam, Thiên tử cũng ra lời chỉ dụ như khi đánh nước Miến Điện, nếu không, thì cung thất này đâu còn nữa".

Khi đang nói câu chuyện thì cận thần Đinh Củng Viễn đỡ lời rằng: "Thiên tử đã có ý tốt như thế, thì trước kia, không động đến đồ binh khí chẳng là càng tốt hơn ư?". Lập Đạo nạt rằng: "Kẻ tạo nên mối họa cho nước An Nam, chưa chắc không do bọn ngươi, đạo trời cao rộng, ngươi làm gì mà biết được?". Rồi bọn Lập Đạo tức giận phất tay áo đứng dậy".

Lúc mới đến, Lập Đạo giở màn "lòng nhân", nhưng khi bị vặn hỏi thì chỉ còn biết nói vu vơ về "đạo trời cao rộng" mà không thể khua môi thêm một lời nào về nhân nghĩa.

Như vậy "đọc" và "hiểu" quá khứ của chính dân tộc mình có phải là một phần quan trọng trong giấc mơ Việt Nam? Mọi con thuyền lớn dù có ghé vào Việt Nam với bất kỳ mục đích gì thì thuyền ấy cũng sẽ lại đi ra biển. Nhưng những cơn gió mùa Đông Bắc thì luôn thất thường, cứ gặp dịp là tràn xuống.

Giấc mơ của Việt Nam là giấc mơ nhìn thấy rõ người hiền không phải là người không tham, mà người hiền là người có điều kiện để tham nhưng không tham. Từ cổ chí kim ai là người có nhiều điều kiện để tham? Từ cổ chí kim, người Việt cũng chỉ chiến thắng quân xâm lược khi từ vua đến dân đều hiểu rằng "tham" là mầm tai họa. Quan tham càng nhiều thì quốc chính càng thương tổn, quốc dân càng rối loạn.

Tuệ Trung Thượng Sĩ chính khi "lui về" đã tâm sự: "Đa tàm thân trọc phùng thì trọc. Tiểu lại tâm thanh ngộ quốc thanh" (Đã thẹn nhiều cho tấm thân nhơ đục, gặp thời buổi nhơ đục. May thay còn nhờ có chút lòng trong sạch, gặp được nước nhà trong sạch".

Vậy "Có chút lòng trong sạch", "gặp được nước nhà trong sạch" sao không thể là một giấc mơ Việt Nam?

Thái Nam Thắng

(Theo Tuần Việt Nam)


Âm lịch

Ảnh đẹp