Hình minh họa vô tội vạ: Vạ này ai chịu?


Tác giả: CUNG TUY (THỰC HIỆN)
01/05/2011 06:07 (GMT+7)
Số lượt xem: 2032
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Việc lấy hình minh họa cho các bài viết một cách vô tội vạ, không chỉ vi phạm nghiêm trọng về bản quyền mà đôi khi còn mang tới tai họa cho cả nhân vật trong các bức ảnh đến nhiếp ảnh gia. Chuyện này lại mới xảy ra với một bức ảnh của tác giả Na Sơn được sử dụng một cách bất cẩn trên một tờ báo.


* Thưa anh Na Sơn, nhiều người đã rất ngạc nhiên khi thấy một bức ảnh của anh được đăng trong một bài báo có tựa đề Thâm nhập thế giới của "dân chơi pờ-rồ", chỉ có điều bức ảnh với hình một người phụ nữ vật vã đau đớn ấy chẳng liên quan gì đến nội dung bài viết. Là lỗi của anh hay của tờ báo đã chọn đăng bức ảnh ấy?

- Hôm ấy, tự nhiên có rất nhiều người quen, bạn bè gọi điện, nhắn tin "mách" về chuyện tấm ảnh, tôi cũng không tin lắm và nghĩ rằng họ nhìn nhầm thôi. Nhưng đến khi tận mắt mình thấy bài viết ấy trên nguoiduatin.vn thì quả thực tôi... sốc, rất sốc. Chuyện bị đạo (ăn cắp) ảnh thì tôi cũng gặp vài lần nhưng kiểu lấy ảnh dùng minh họa cho một nội dung chả liên quan, thậm chí bóp méo sự thật, gây phản cảm thế này thì quả thực tôi chứng kiến lần đầu.

Tấm ảnh ấy tôi chụp tháng 10/2008 bên ngoài Tòa án nhân dân TP.Hà Nội. Nhân vật trong bức ảnh lúc nghe tin chồng nhận án 2 năm tù giam, khi ấy, tâm trạng của chị rất kinh khủng: khổ đau đến cùng cực, khóc lóc, vật vã... Đây là một trong những tấm ảnh ưng ý nhất của tôi kể từ khi cầm máy đến giờ. Tấm ảnh được nhiều người biết đến, nhất là sau khi tôi mang nó tham dự triển lãm do ĐSQ Đan Mạch tổ chức 1 năm sau đó, còn nhân vật trong ảnh thì thích nó đến nỗi đã xin tôi một bản in khổ lớn để treo ở nhà.

Bức ảnh của nhiếp ảnh gia Na Sơn bị đưa "nhầm" vào một bài báo với nội dung không liên quan

Quay lại việc tấm ảnh bị dùng minh họa cho bài viết Thâm nhập thế giới của dân chơi pờ-rồ - là một bài phóng sự điều tra về các con nghiện ma túy tổng hợp. Tôi thực sự không thể hiểu được tại sao tờ báo nọ lại làm thế... Nếu chỉ là sự cẩu thả hay non kém thì theo tôi không phải vì dưới mỗi tấm ảnh của tôi, đăng ở bất kỳ đâu, tôi đều ghi chú thích rõ ràng, cụ thể về nội dung ảnh theo đúng tiêu chí của ảnh báo chí (Ai-Cái gì-Ở đâu-Khi nào-Như thế nào). Thế nên không thể nói là người lấy ảnh này không biết về nội dung của nó. Đây rõ ràng là một sự bóp méo thông tin nghiêm trọng. Bạn đừng nghĩ tôi đao to búa lớn nhưng tôi cho rằng đây thuộc vào phạm trù đạo đức nghề nghiệp. Người ta đã bất chấp những nguyên tắc cơ bản của nghề báo là trung thực và chính xác khi làm việc này.

* Đây không phải lần đầu tiên chuyện này xảy ra ở làng báo Việt, đáng nói là nó vẫn lặp đi lặp lại và kéo dài. Vậy theo anh, với quy định của luật báo chí hiện hành, thì tại sao việc này (lấy ảnh không xin phép) vẫn cứ được tiếp tục một cách công khai?

- Đây là một thực tế đáng buồn và xấu hổ. Luật về bản quyền, luật báo chí thì vẫn có quy định đấy nhưng nhiều đơn vị, cá nhân vẫn vi phạm. Đến cơ quan báo chí còn làm thế (ăn cắp, vi phạm bản quyền) thì bảo sao sự vi phạm bản quyền không diễn ra nhan nhản mọi nơi. Theo tôi, một nguyên nhân cơ bản là ý thức tuân thủ luật pháp trong lĩnh vực bản quyền rất kém càng thêm sự cẩu thả, dễ dãi của cơ quan quản lý, của ban biên tập. Góp phần không nhỏ để tình trạng này vẫn cứ tiếp tục diễn ra đó là thái độ thờ ơ, coi đó là "chuyện nhỏ" của mọi người. Tôi biết là có một số tờ báo ở Việt Nam đã phải đối mặt với chuyện bồi thường rất nhiều tiền cho báo chí nước ngoài vì đã tự ý dịch bài, lấy ảnh của họ đăng mà không xin phép. Nhiều tờ báo tôi xem thấy vẫn ghi chú thích "nguồn: Internet". Internet là ông phóng viên ảnh nào?

* Vậy thử đặt vấn đề, trong trường hợp tờ báo bỏ tiền ra mua ảnh của anh nhưng việc họ sử dụng vào nội dung gì, thì điều đó có sai hay không?

- Sai quá đi chứ! Báo chí là phải trung thực, khách quan, đâu có thể tùy tiện ép ý dùng theo cái mình muốn mà sai lệch nội dung của bức ảnh được. Ví dụ ảnh tôi chụp các em bé ngồi chơi ô ăn quan chẳng hạn, báo mua ảnh về lại dùng vào bài minh họa cho việc trẻ em nghịch bẩn mất vệ sinh thì rõ ràng là quá sai còn gì!

Ri Tong Il (ở trung tâm), người phát ngôn của Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Park Ui Chun đang trong vòng vây của báo chí bên lề của ARF-17 (17th ASEAN Regional Forum). Hà Nội, Việt Nam, 23/7/2010 (ảnh AP/Na Sơn Nguyễn)

* Không chỉ ở Việt Nam, ngay ở nước ngoài cũng có, như thời điểm này năm ngoái ở Hy Lạp có một người đàn ông kiện một hãng sữa 7 triệu USD về chuyện để hình ông ta trên lon sữa, trong khi hãng sữa này nhất quyết không chịu trả vì họ tuyên bố đã mua ảnh này từ một hãng thông tấn ảnh. Ở Việt Nam từng có trường hợp một tờ báo đăng ảnh một cô gái trong một bài thời sự về Mùa hè xanh, đáng nói là bức ảnh đã chụp từ 7 năm trước, cô gái ấy giờ đã có chồng và gia đình, ảnh tất nhiên là có bản quyền. Vậy từ 2 trường hợp trên theo anh nên xử lý thế nào là đúng?

- Ở trường hợp thứ nhất thì tôi nghĩ các hãng thông tấn nước ngoài họ tuân theo luật bản quyền rất chặt. Họ bán ảnh đó cho hãng sữa thì chắc chắn những vướng mắc về bản quyền bên trong rất hiếm khi xảy ra.

Còn ở trường hợp thứ hai thì đúng là thường thấy ở Việt Nam. Nó xảy ra khi bản thân người phóng viên ảnh không tôn trọng sự thật rồi đến biên tập dùng ảnh đó cũng không để ý và kiểm tra. Và nữa cũng là sự cẩu thả dễ dãi, nếu biết ảnh đó chụp từ lâu mà vẫn dùng cho bài mới, lại không chú thích rõ là ảnh chụp cách đây 7 năm thì đúng là không còn gì để nói.

* Nói gì thì nói, tôi thấy dạo gần đây, ảnh báo chí Việt đã ít nhiều có khởi sắc, anh có thấy vậy không?

- Tôi thì không lạc quan đến thế. Cũng đã xuất hiện nhiều tay máy tốt, tư duy báo chí sắc sảo, ảnh hiện đại và trình độ không thua kém nhiều so với khu vực hay quốc tế. Bằng chứng là trước đây, các hãng thông tấn quốc tế đều cử phóng viên ảnh của họ thường trú tại Việt Nam nhưng trong những năm gần đây, lực lượng ấy đã được thay thế bằng phóng viên ảnh nội địa.

Tuy nhiên, ở địa hạt các báo tờ, tạp chí trong nước, "đất" dành cho họ thì vẫn thế, không có nhiều để mà thể hiện. Ảnh báo chí ở ta vẫn chỉ được dùng để minh họa và không được đặt đúng vị trí quan trọng vốn có của nó. Tiền trả cho ảnh vẫn rất thấp so với công sức phóng viên phải bỏ ra, chưa kể họ còn gặp phải vô số chuyện mà chúng ta đề cập ở trên kia: ăn cắp ảnh, vi phạm bản quyền, minh họa sai nội dung tùy tiện...

* Muốn có một nền ảnh báo chí đúng chuyên nghiệp, theo anh cần điều gì từ nhiều phía?

- Bạn nói đúng là phải cần từ rất nhiều phía: các cơ quan quản lý báo chí, đào tạo, bản thân các tòa soạn, bản thân các phóng viên ảnh và cả người đọc nữa.

Chúng ta cần làm tốt từ khâu đào tạo ảnh báo chí mà hiện nay còn rất kém. Tôi không rõ năm nay đã có chuyên ngành Ảnh báo chí ở trong Học viện báo chí & tuyên truyền hay chưa nữa. Còn thực tế tôi thấy sinh viên tốt nghiệp đại học ngành nhiếp ảnh ra trường, để chụp được tấm ảnh rõ ràng, mạch lạc, có nội dung đã là điều khó tìm rồi huống gì đòi hỏi chụp được ảnh báo chí có chất lượng.

Về các tòa soạn thì theo tôi được biết, hiện nay chỉ mỗi báo Tuổi Trẻ là có chức danh biên tập ảnh thôi, còn gần 700 đầu báo, tạp chí ở ta không có người chính thức làm việc ấy. Một tờ báo chuyên nghiệp thì nhất định phải có biên tập ảnh đúng nghĩa (chứ không phải trưởng ban phóng viên ảnh).

Và một yếu tố hết sức quan trọng là tự bản thân người phóng viên ảnh phải chuyên nghiệp, phải nghiêm túc và cực đoan với nghề của mình. Một câu nói cũ nhưng vẫn đúng mọi thời đại đó là "Một tấm ảnh hơn ngàn lời nói" - chính người chụp ảnh phải ý thức được tầm quan trọng của công việc của mình chứ nếu chính bản thân họ cũng nghĩ rằng mình cũng chỉ là "phóng viên hạng 2" thì làm sao mà chụp ảnh tốt cho được.

* Cảm ơn anh.


Âm lịch

Ảnh đẹp