LẠM DỤNG HAY LỢI DỤNG?
Suy nghĩ riêng của chúng tôi không phải hoàn toàn khác, tuy nhiên,
vẫn coi nguyên nhân của vấn đề là ở chỗ khác. Vấn đề thầy cúng, về cơ
bản, trách nhiệm không phải ở nhà chùa, mà nó nằm ở vấn đề sư giả, một
dạng sư giả khác. Do đó, ở đây việc lạm dụng nghi lễ tuy có thể có,
nhưng là thứ yếu. Vấn đề thật sự nằm ở chỗ lợi dụng nghi lễ Phật giáo.
Không xác định rõ là vấn đề nằm chủ yếu ở bên trong nhà chùa hay
bên ngoài nhà chùa, thì Phật giáo Việt Nam chúng ta sẽ lúng túng trong
cách giải quyết. Hệ quả của việc định vị vấn đề không chính xác thường
là sự hạn chế của việc không giải quyết được vấn đề ở phần gốc, phần
lõi, mà chỉ có thể chạm đến phần ngọn, phần vỏ…Nếu thế, thì vấn đề vẫn
còn và tiếp tục phát triển.
Thực ra, nếu vấn đề thầy cúng còn nằm ở bên trong nhà chùa, thì vấn
đề ít nặng nề và dễ giải quyết. Vì việc giải quyết vẫn nằm trong tay
Phật giáo Việt Nam. Phật giáo Việt Nam vẫn giữ quyền chủ động.
Còn như vấn đề nằm bên ngoài nhà chùa, thì vấn đề trở nên phức tạp
hơn nhiều. Nó đã trở thành một vấn đề xã hội có liên hệ đến Phật giáo.
Giải quyết một vấn đề xã hội bên ngoài nhà chùa phải phụ thuộc vào nhiều
yếu tố khách quan, và dương nhiên không dễ đạt kết quả mong muốn. Lạm
dụng nghi lễ là một vấn đề có thể còn nằm trong nội bộ Phật giáo. Còn
lợi dụng là việc do một chủ thể ngoài Phật giáo tiến hành, vì khi đó
chính Phật giáo bị lợi dụng.
Ở vấn đề thầy cúng, theo chúng tôi, có cả hai mặt, lạm dụng và lợi
dụng. Nhưng phần lợi dụng là nguy hiểm hơn, khó giải quyết hơn.
LỢI DỤNG NHƯ THẾ NÀO?
Lợi dụng nghi lễ Phật giáo, đúng ra là lợi dụng hình thức Phật
giáo, không hẳn là lợi dụng nghi lễ Phật giáo. Vì phần lớn “nghi lễ”
được dùng không phải nghi lễ Phật giáo, chỉ có một phần nhỏ là nghi lễ
Phật giáo.
Chỉ dùng một phần nhỏ là nghi lễ Phật giáo thì không thể gọi là lạm dụng được, mà rõ ràng là lợi dụng.
Trường hợp sau đây không phải là hiếm. Nhiều lần, tôi nghe nói có
thầy tụng kinh cầu siêu bằng…cải lương, có đủ cả, từ vọng cổ xàng xê cho
đến dân ca. Lý cây bông, Lý Đất giồng… mới du nhập vào cải lương. Và
thực tế, không ít lần tôi gặp hiện tượng như thế. Thầy đây cũng không
loại trừ đến từ chùa, nhưng phần lớn đến từ am, miếu, thất hay cả nhà
riêng có gia đình sống chung. “Thầy” thường hớt tóc đinh, đắp y đỏ, hay
có thể nhiều màu, đội mão tỳ lư, thoáng trông thì có vẻ trang nghiêm,
nhưng chân có thể mang dép lê, dép nhựa…, càng đến gần thì vẻ xốc xếch
hiên lên càng rõ nét.
Chúng ta có thể dùng từ nào để gọi kiểu thầy này, thay vì dùng từ
thầy cúng? Thầy cũng dâng hương lên bàn thờ Phật, nhưng không tụng kinh,
mà hát cải lương, cùng với ban đờn ca tài tử mà thầy đưa theo. Thời
gian cúng rất dài có khi đến rất khuya, nên ở những trường hợp mà tôi
nhìn thấy, gia chủ không có mặt, chỉ còn thầy hát cải lương và dàn nhạc.
Thường là những thầy cúng như thế mang theo loa, ampli, nhưng không
phải loa thùng, mà loa sắt dùng trong cổ động tuyên truyền, để đưa âm
thanh đi xa, có thể đến mấy km trong đêm thanh vắng.
Không gian cúng đơn giản hay phức tạp tùy thầy. Có thầy mang đến
tượng Phật A Di Đà rất to, có thầy mang đến tượng Bồ Tát Địa Tạng trong
trang phục như thầy. Có thầy bày rạp, đốt đèn, treo phướn… chiếm cả một
đoạn đường.
Như đã nói, thầy cúng loại đang nói đến ở đây sử dụng nghi lễ Phật
giáo một cách tối thiểu, nên không thể nói là lạm dụng quá mức cần
thiết. Thầy cúng chỉ lợi dụng hình tượng Phật, hình tượng Tăng (thầy) và
nhu cầu cúng. Thầy cúng dạng sư giả được cấu tạo như vậy.
Vì thế, thầy chỉ niệm qua vài danh hiệu Phật cho có, rồi hát cải
lương từ sáu câu vọng cổ đến tân cổ giao duyên, với những bài tân nhạc
sửa lời. Có thể coi là một kiểu nhạc chế (còn cải lương việc đặt lại lời
là điều đương nhiên). Nội dung lời bài tân nhạc, được diễn đạt theo lời
mới, có nội dung đề cao chữ hiếu, nhắc nhở công lao người quá cố,
thương tiếc đau buồn và có cả cầu vãng sinh cực lạc. Thế nên có những
bài tân nhạc đặt lời như:
“Cha không chết đâu cha
Cha chỉ về Phật đang mong
Cha vẫn sống an vui trong lòng Chư Phật với Chư Bồ Tát” (1)
Hay:
“Vùng trời nào đó cha đã bay lên
Là miền lạc bang thơm ngát hương sen” (2)
Một số người theo đạo Phật “bình dân”, quen với kiểu đặt lời lại các bài tân nhạc như “Tình Bắc duyên Nam” thành “Tình Pháp duyên Tăng”, hay “Ai bảo chăn trâu là khổ” thành “Ai bảo ăn chay là khổ”, “Ai bảo đi tu là khổ”
thì cũng nghe… lọt lỗ tai (?). Còn một số không nhỏ, nghe qua tiếng loa
sắt đưa đi xa, thì phải cố nhịn cười. Phía gia chủ nghe thấy có Phật có
Bồ tát thì bằng lòng với “nghi lễ” đó.
Thầy cúng kiểu như thế, thì đương nhiên là cúng dịch vụ. Cúng càng
nhiều thì số tiền phải trả càng lớn, có thể nhiều thầy chia ca, cúng cả
ngày, nếu có yêu cầu. Ở đây, có sự lạm dụng nhưng không phải lạm dụng
nghi lễ mà lạm dụng cúng. Ở đây, nghi lễ và cúng là 2 việc khác nhau rõ
ràng. Mà đúng ra, đó là hát đám ma, không phải cúng.
Phật tử chúng ta đều biết, việc cầu nguyện do chư Tăng Ni tiến hành
vừa phải trang nghiêm, vừa phải thanh tịnh. Chư tăng ni phải là người
có giới đức, có đạo hạnh, việc cầu nguyện phải thành tâm, không để vướng
vào động cơ vật chất, lợi lạc thế gian.
Cúng theo kiểu miêu tả ở trên, còn tệ hơn mở băng mở dĩa phát kinh
Phật, vì những bài hát cải lương hay tân cổ giao duyên mà thầy cúng
(thường là sư giả) hát không có gì để bảo đảm nội dung đúng theo Phật
pháp, mà chỉ cốt tạo sự mùi mẫn, sướt mướt, không khác gì khóc mướn.
“Thầy” sau khi cúng xong, trong giờ tạm nghỉ, thì cởi áo, phanh
ngực có thể nhâm nhi rượu đế với đồ nhắm, ngồi vào sòng bài, hay cười
nói bỗ bã... Theo tôi, đến mức này thì thầy cú rõ ràng chính là một kiểu
sư giả.
Do vậy, đây là một vấn đề xã hội có liên hệ đến đạo Phật, có ảnh hưởng xấu đến đạo Phật, không còn là vấn đề nội bộ Phật giáo.
Lời khuyên nên tránh xa loại thầy cúng kiểu này là một lời khuyên
đương nhiên. Đáng ra, không nên gọi họ là “thầy”, mà chỉ nên gọi là
“thợ” cúng.
Đánh giá họ là một dạng sư giả (thường không tu chùa, không thọ
giới, không giới điệp…) thiết tưởng chỉ dừng lại ở việc gọi tẩy chay
tránh xa là chưa đủ. Cộng đồng Phật giáo chúng ta nên tìm đến những biện
pháp có hiệu quả hơn để giải quyết hiện tượng lợi dụng Phật giáo này.
(1) Sửa lời từ bài hát “Anh không chết đâu em”
(2) Sửa lời từ bài hát “Cho một người vừa nằm xuống”.