Nếu
tìm nguyên do từ đâu sinh ra “thầy cúng”, thì điều chắc chắn là từ yếu tố bên
ngoài cũng có, và từ chính Phật giáo trên bước đường hoằng hóa của mình cũng
có. Dầu du nhập từ bên ngoài, nhưng một bộ phận Phật giáo đã chấp nhận thầy
cúng. Vì vậy, chúng ta phải bàn luận vấn đề như một việc bên trong đạo Phật.
Thầy
cúng hôm nay không phải từ trên trời rơi xuống đùng một cái, hay mới nhập khẩu
từ nước nào, mà thầy cúng Việt Nam hôm nay phát sinh từ lịch sử hàng ngàn năm
của Phật giáo Việt Nam. Thậm chí có thể bắt đầu từ thời điểm xa xôi hơn khi
Phật giáo còn đi qua chặng đường Trung Quốc.
Cũng
không phải Phật giáo Bắc Tông mới có thầy cúng. Xem những phim ma Thái Lan,
Campuchia…, cũng thấy có nhà sư thực hiện các nghi lễ riêng để tác động đến ma
quỷ, đến cõi âm, đến thế giới siêu nhiên theo thỉnh nguyện của tín đồ, không
khác gì Phật giáo Bắc Tông. Có điều nhà sư Nam tông Thái Lan, Campuchia… dùng
những động tác khác, ngôn ngữ khác mà thôi.
Đã
là thầy cúng, nói chung là phải làm khác thường. Thầy cúng là làm việc tác động
vào cõi âm, thần thánh, ma quỷ, Phật trời, nên không thể bình thường đơn giản
như thường ngày. Không gian phải khác (trang trí hết sức đặc thù), y phục cũng
khác (sặc sở hơn), âm thanh cũng khác (có thể thêm nhạc lễ). Tổng hợp tất cả
lại thì cũng khá phức tạp. Đó là việc đương nhiên, ắt phải, không thể khác đi
được. Nó phát sinh trong quá trình một bộ phận tu sĩ Phật giáo đáp ứng những
yêu cầu của tín đồ vào những thời điểm nhất định và được duy trì tiếp nối.
Điều
rất rõ ràng là khi cúng bái phát triển, thì đạo Phật trở nên suy thoái. Ở đây,
cần thấy mối quan hệ đặc biệt giữa một bên là cúng bái và một bên là tu học,
hoằng pháp. Hai bên có thể cùng phát triển song song trong lòng Phật giáo,
nhưng đồng thời cũng có mâu thuẫn. Khi nghiêng về cúng bái, thì ắt có một sự
lệch lạc nào đó. Ở đây, xin tạm dùng một cụm từ để thể hiện tình trạng người tu
sĩ Phật giáo lúc làm thầy cúng, là “phù thủy hóa”. Trong cúng bái, nhà sư Bắc
Tông lẫn Nam Tông đều toát lên một đặc điểm chung: có yếu tố ma thuật? Mà Phật
giáo khi vướng vào những cái đó, thì không thể giữ được tính chất của một đạo
trí tuệ. Đây là tình trạng trước chấn hưng Phật giáo.
Một
trong những nội dung cơ bản của Chấn hưng Phật giáo là giải cúng bái, loại trừ
thầy cúng. Quá trình chấn hưng Phật giáo là quá trình phân biệt thầy cúng và
tăng sĩ, rõ nét nhất là ở Nam Bộ. Giáo hội Tăng già Nam Việt là quá trình một
số vị Tăng sĩ thiên về tu học hoằng pháp tách rời khỏi hình thái thầy cúng, để
lại một số ngôi chùa, một số vị thầy thiên về cúng bái.
Năm
1963, quá trình này trở nên sâu sắc hơn khi các vị là “thầy cúng” đứng ngoài Ủy
Ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo và có những hoạt động hợp tác tích cực với chính
quyền Ngô Đình Diệm. Điều này, dẫn đến những hệ quả tiếp theo ở Phật giáo miền Nam thời gian
sau đó. Tiếp tục công cuộc chấn hưng Phật giáo một phần là tạo sự phân biệt
giữa một số giáo hội Phật giáo bên ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Sự chia tách phân biệt này dẫn ít
nhiều đến sự phân biệt và kỳ thị đối với phía được coi là thầy cúng.
Đây
có thể coi là một cuộc thử nghiệm quan trọng giải quyết vấn đề thầy cúng. Kết
quả tích cực cũng có mà kết quả tiêu cực cũng có. Một bên là Giáo hội
tự hào với tầm vóc thời đại, với các tu sĩ được đào tạo từ Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ…,
với trong tay một trường đại học, cho ra đời nhiều xuất bản phẩm, nhiều công
trình nghiên cứu, dịch thuật, có một số không nhỏ Phật tử trí thức…
Và
một bên là những giáo hội nắm trong tay quyền quản lý các chùa cổ, nhà sư thiên
về cúng bái và những Phật tử có xu hướng tương ứng.
Hệ
quả tiêu cực hiện lên rõ ràng, đó là sự chia cắt Phật giáo Việt Nam thành từng
mảnh. Hệ quả tiêu cực cũng nằm ở chỗ là phía thầy cúng vẫn tồn tại và có những
sự phát triển nhất định.
Mặt
kết quả tiêu cực còn nằm ở chỗ, dù cắt rời ra 2 phía, tách riêng với thầy cúng,
nhưng mầm mống thầy cúng vẫn tiềm ẩn và trỗi dậy âm thầm trong lòng phía Giáo
hội có trường đại học, có các thượng tọa tiến sĩ viết những công trình nghiên
cứu bằng tiếng Anh…
Như
thế, cuộc thử nghiệm giải quyết vấn đề thầy cúng trong khoảng hơn 20 năm ở miền
Nam
không đạt được kết quả mong muốn. Đây là điều Phật giáo Việt Nam chúng ta cần chú ý, để rút ra
những kinh nghiệm cần thiết.
Sau
sự kiện thống nhất năm 1981, sự chia cắt đã nói ở trên không còn. Tình hình lại
ngả sang một hướng mới.
Thầy
cúng như một yếu tố trong sinh hoạt Phật giáo có xu hướng trỗi dậy. Theo chúng
tôi, nó không phải được đánh dấu bằng những sự kiện gần đây, mà sớm hơn, với
một thiền sư học giả, một trong những sáng lập viên của trường đại học do Phật
giáo quản lý tại miền Nam, đã dạy qua nhiều đại học lớn trên thế giới, tác giả
hàng trăm cuốn sách, trong đó có nhiều công trình nghiên cứu giá trị và những
tác phẩm best seller viết bằng tiếng Anh, hoằng hóa nhiều năm ở nước ngoài, trở
lại Việt Nam tổ chức một đàn tràng cúng bái lớn chưa từng có. Lần đầu tiên, một
Phật tử miền Nam
như tôi được thấy một không gian cúng bái hết sức đặc biệt, trắng lớp cả sân
chùa Vĩnh Nghiêm. Đến dự khai đàn và bế đàn có rất đông Phật tử là trí thức và
thanh niên, những người hâm mộ thiền sư.
Ý
nghĩa của việc này là gì? Thực sự, điều gì đã xảy ra? Đó là ranh giới thầy cúng
– tăng sĩ giảng sư, đã hình thành mấy mươi năm trước đã xóa nhòa hoàn toàn? Cố
gắng giải quyết vấn đề thầy cúng bằng cách tách rời, phân biệt cuối cùng đi đến
một kết quả hết sức đặc biệt, có tính chất tiêu biểu điển hình, và đáng nói là
cũng không do tác nhân bên ngoài nào.
Ghi
nhận điều này, chúng tôi không có ý coi đó là điều không hay.
Đã
đến như thế, thì việc cử nhân, tiến sĩ Phật học cuốn vào quá trình thầy cúng hóa
là chuyện không tránh khỏi, không đáng ngạc nhiên.
Cũng
như thế, trong bối cảnh kiêm nhiệm hiện nay, có vị giảng sư vừa rời bục giảng
Học viện Phật giáo Việt Nam, thì đến ngay một đàn tràng cúng bái, đội mão mang
hia, tay vẫn cầm giáo án đại học Phật học, cũng là điều bình thường.
Giải
pháp chia tách thầy cúng bằng nhiều giáo hội mấy chục năm trước không xong nay
thì làm sao tách rời thầy cúng – tăng sĩ
học giả trong một con người.
Cách
đây khoảng 30 năm, tôi cũng đã thấy một vị sư Nam tông trong phòng đầy sách vở,
theo yêu cầu của thí chủ, thực hiện việc tác động đến cõi âm bằng cách “cảm xạ
học”, thực chất cũng là một kiểu thầy cúng. Vị sư dùng một con lắc dao động
treo dưới một sợi dây, cũng nhuốm màu ma thuật, không bình thường theo kiểu
“phù thủy hóa” đã nói ở trên (1).
Vì đây là bài viết nêu vấn đề, ghi nhận vấn đề, cung
cấp cho bạn đọc những cái nhìn phát hiện sự việc, nên xin phép chỉ nói đến đây.
Vấn
đề có tầm vóc hàng thiên niên kỷ cho nên nói đến hướng giải quyết, thì cũng rất
xa vời. Nếu có chăng, chúng ta hôm nay chỉ có thể đi từng chặng nhỏ, trên tiến
trình giải quyết lâu dài và đầy khó khăn.
(1) Cũng vậy, khi có một số Phật tử trẻ đề nghị tôi lên
tiếng về sự kiện đàn tràng cúng bái ở chùa Viên Giác, quận Tân Bình, TP.HCM,
tôi đã không đáp ứng. Vấn đề rất phức tạp, một cái nhìn tổng thể chưa hình
thành, thì bình luận đúng sai phải quấy một sự kiện không thể là việc dễ dàng
đơn giản.
Dù
sao, những đàn tràng cúng bái cầu an vẫn có một chút gì đó tích cực hơn so với
những đàn tràng cúng bái cầu siêu có số lượng cũng như quy mô từng đàn tràng lớn
hơn nhiều, và có tác dụng đưa đạo Phật về hướng “đạo của người chết”.