Nhiều hình thức tạo vườn cảnh trên thế giới đã được Phật giáo Việt Nam
du nhập, đã có nhiều vườn tượng Phật trở thành nơi hành hương của đông
đảo Tăng Ni Phật tử.
Tuy nhiên, dường như hình thức vườn di sản kiến trúc thu nhỏ vẫn chưa được chú ý khai thác để quảng bá kiến trúc nhà chùa, quảng bá văn hóa Phật giáo.
Vườn di sản kiến trúc thu nhỏ là hình thức xây dựng mô phỏng các công trình lớn, thu nhỏ một tỷ lệ nhất định, thường có chiều cao trên dưới 1 mét (có thể có khác biệt tùy theo khu vườn), sắp xếp lại trong một khuôn viên, để khách tham quan. Đây có thể coi là dạng nửa điêu khắc, nửa kiến trúc.
Hình thức này được nhìn thấy ở nhiều nước, trong đó, có nhiều kiến trúc tôn giáo, nhiều nhất là nhà thờ thu nhỏ.
Ở nước ta, đã có một số di sản vườn kiến trúc, trong đó, được nhắc nhiều là vườn mô phỏng Đại nội Huế và các lăng tẩm vua Nguyễn.
Chùa Việt Nam vốn có kiến trúc hết sức độc đáo, mỗi chùa một vẻ, tạo nên kiến trúc đặc trưng cho Phật giáo Việt Nam trải dài từ Bắc chí Nam. Đó là một di sản nghệ thuật kiến trúc quý giá, cần có những phương thức giới thiệu thích hợp, giúp cho mọi người, đặc biệt là Tăng Ni Phật tử có thể cảm nhận đầy đủ vẻ đẹp của những ngôi chùa Việt Nam, sự phong phú của văn hóa kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
Chúng ta đã có dịp làm quen với bộ sưu tập ảnh “Việt Nam danh lam cổ tự” của nhà nhiếp ảnh Võ Văn Tường.
Đề xuất của chúng tôi là Phật giáo Việt Nam hướng đến việc tạo dựng Việt Nam danh lam cổ tự trong một khu vườn di sản kiến trúc thu nhỏ. Đó là một khu vườn tập họp kiến trúc thu nhỏ của những ngôi chùa từ Bắc vào Nam, từ vùng núi non đến miền đồng bằng, từ vùng ven biển đến hải đảo xa xôi. Đó là một dạng Việt Nam danh lam cổ tự bằng mô hình trong vườn.
Chùa chiền không chỉ là cảnh để tham quan, mà còn là nơi để chiêm bái. Vườn di sản kiến trúc chùa thu nhỏ sẽ là một nơi hành hương độc đáo của Tăng Ni Phật tử Việt Nam. Trong một cuộc thăm viếng, khách thập phương có thể hành hương chiêm bái thậm chí có thể đến hàng trăm ngôi chùa, với đủ kiểu kiến trúc.
Chúng tôi đề nghị 2 phương án sau:
1) Giáo hội Phật giáo Việt Nam xin được cấp một khu đất trong hoặc gần các thành phố lớn, các khu du lịch… Khu đất như vậy có thể không lớn lắm, nhưng thuận tiện đón khách du lịch. Ở khu đất đó, Phật giáo Việt Nam xây dựng mô hình kiến trúc thu nhỏ của khoảng vài chục ngôi chùa đẹp nhất, tiêu biểu nhất trong lịch sử kiến trúc Phật giáo Việt Nam, kể cả những ngôi chùa đã bị tàn phá, như chùa Báo Thiên, Hà Nội chẳng hạn. Chức năng của vườn di sản kiến trúc thu nhỏ này là giới thiệu với khách thập phương, nhất là khách nước ngoài di sản kiến trúc chùa Việt Nam, một bộ phận của di sản văn hóa Việt Nam, văn hóa Phật giáo Việt Nam.
2) Một ngôi chùa lớn, một đại thí chủ tìm một mảnh đất xa hơn, nhưng lớn hơn nhiều lần để xây dựng hàng trăm kiến trúc chùa Việt thu nhỏ, kể cả những ngôi chùa mới xây cất như chùa Bái Đính và kể cả mô hình những ngôi chùa dự định xây cất trong tương lai (bản trưng bày tại vườn là mô hình triển lãm lấy ý kiến). Khu vườn di sản kiến trúc chùa rộng lớn này sẽ có toàn bộ mô hình những ngôi chùa đã được sách ảnh Việt Nam danh lam cổ tự thể hiện. Tất nhiên, một ngôi vườn lớn như vậy sẽ được xây dựng dần. Ngôi vườn sẽ được bổ sung không ngừng với những mô hình kiến trúc chùa mới. Dần dần, bộ sưu tập kiến trúc chùa thu nhỏ sẽ trở nên hết sức phong phú trong khi vẫn tiếp tục bổ sung.
Phật giáo Việt Nam chúng ta đã có những ngôi chùa vĩ đại như Bái Đính, thì thiết tưởng cũng cần một dạng vườn sưu tập mô hình kiến trúc chùa làm nơi chiêm bái cho khách thập phương, nơi tham quan của khách du lịch.
MT