Chương trình thuyết pháp được tính toán rất
cân đối, có Phật học cơ bản (lúc bấy giờ gọi là Phật học tinh yếu, Phật học phổ
thông), Phật học nâng cao (đi sâu vào các bộ kinh), Phật học ứng dụng (tìm hiểu
các tác phẩm văn học chịu ảnh hưởng Phật giáo)… Trong đó, có việc cân đối giữa
giáo lý, kinh tạng Bắc Tông và Nam Tông. Riêng giáo lý, kinh tạng Nam tông thì
do hai vị phụ trách (xin phép được gọi theo giáo phẩm lúc bấy giờ) là Thượng tọa
Thích Hộ Giác và Thượng tọa Thích Minh Châu.
Thượng tọa Thích Minh
Châu phụ trách giảng Trung Bộ kinh, một
trong các bộ kinh tạng Pali do chính thượng tọa phiên dịch.
Đến lúc đó, số lượng ấn
bản kinh tạng Pali do Thượng tọa Thích Minh Châu phiên dịch được phát hành chưa
nhiều, nên việc Thượng tọa giảng Trung Bộ
Kinh đã giúp ích rất nhiều Tăng Ni Phật tử trong bước đầu tiếp xúc với kinh
tạng Pali của Phật giáo Nguyên thủy.
Trong giảng khóa thời ấy,
mỗi vị thượng tọa có một phong cách giảng riêng. Ngoài số Tăng Ni Phật tử đi
nghe thuyết pháp đều đặn mỗi chiều chủ nhật, còn có một số lượng Phật tử là
thính chúng riêng của từng vị thượng tọa. Đó là do Phật tử quan tâm theo đề
tài, nhưng còn do việc nghe pháp phù hợp với phong cách giảng của từng vị thượng
tọa.
Thượng tọa Thích Minh
Châu có phong cách giảng hết sức đặc biệt, khác hẳn với tất cả các vị thượng tọa
khác.
Điều đầu tiên đáng lưu
ý là Thượng tọa Thích Minh Châu rất trang nghiêm trong việc thuyết pháp. Ngài
không bao giờ ngồi trên pháp tòa, mà đứng cố định tại một vị trí trên bục giảng.
Tay cầm micro của ngài cũng gần như cố định. Từ sự cố định của ngài toát ra một
vẻ thành kính triệt để khi giảng về kinh Phật.
Thượng tọa Thích Minh
Châu cũng không bao giờ pha trò trong khi thuyết pháp. Do đó, nếu không quen
nghe, thì sẽ thấy không sinh động, có phần buồn ngủ. Nhưng khi đã quen nghe thì
hiểu đó là sự nghiêm túc của ngài khi thuyết pháp.
Ngài cũng rất ít khi giảng
rộng ra ngoài ý kinh và giải thích là e có khi sai với ý Phật. Việc bám sát
kinh điển trong thuyết pháp của Thượng tọa Thích Minh Châu lúc bấy giờ là đến từng
câu, từng chữ. Ngài thuộc lòng Trung bộ
kinh khi dẫn lời kinh có đoạn lặp lại thì ngài dẫn luôn cả đoạn lặp lại,
không tự ý lược bớt đi cho đỡ dài dòng, rườm rà. Như thế, ngài tôn trọng văn
kinh đến từng chút một.
Lúc đó, số người nghe
Thượng tọa Thích Minh Châu thuyết pháp có phần nào đó không đông như đối với
các vị thượng tọa khác. Vì nghe thuyết kinh tạng nguyên thủy với đặc điểm lời
văn lặp lại như vậy thì tất nhiên là rất khó khăn trong việc nghe, dễ thấy rối
và nhàm chán. Tuy vậy, cử tọa nghe Thượng tọa Thích Minh Châu lúc bấy giờ thuyết
pháp rất chọn lọc, có nhiều nam giới, nhiều người ghi chép.
Trong bối cảnh như vậy,
những thời thuyết pháp của Thượng tọa Thích Minh Châu thường ngắn hơn một chút
so với các thời gian thuyết pháp của các vị thượng tọa khác.
Thượng tọa rất hiểu tâm
lý người nghe khi nghe thuyết giảng kinh tạng Pali nguyên thủy trong tinh thần
bám sát lời kinh như vậy.
Đã hơn 30 năm, tôi vẫn
còn nhớ buổi Thượng tọa Thích Minh Châu giảng về Sư tư hống đại kinh. Thượng tọa đứng nghiêm trang, cố định, một tay
cầm micro. Và cứ đứng trong một tư thế như vậy mà thuyết giảng cho hết bài
pháp. Lời kinh như thấm sâu vào thượng tọa, cứ vậy mà dẫn lại chính xác, không
cần văn bản cầm tay. Lúc đó, tôi thấy thật hạnh phúc, vì được nghe giảng kinh từ
chính người dịch kinh, với sự am hiểu có một không hai đối với kinh văn.
MT