Theo đó, rõ ràng các hoạt
động “sân khấu” và “kịch trường” không có lợi cho việc tu tập, ảnh hưởng không
tốt đến tiến trình giải thoát.
Phim truyện, dù lành mạnh
đến đâu, vẫn có yếu tố kích thích tình cảm buồn/vui, yêu/ghét, thương/giận…, tạo
nên những vọng niệm, đưa đẩy người xem trôi lăn vào tham, sân, si.
Quan điểm trong kinh Phật
về lãnh vực “sân khấu”, “kịch trường”, rất rõ. Do vậy, khi làm kênh truyền hình
văn hóa đạo đức mang màu sắc Phật giáo, thiết tưởng cần tính đến điều này.
Khi vừa xem xong các
chương trình mang nội dung Phật giáo, mà hiện nay vẫn còn ít, người xem kênh An Viên lại bị đưa ngay khi xem tiếp
phim truyện với đủ hỷ, nộ, ái, ố…, thì quả là không thích hợp. Các chương trình
sẽ có xu hướng chỏi nhau. Các chương trình Phật giáo đi theo hướng hướng thượng,
xuất thế, thanh tịnh hóa, trong khi phim truyện lại kéo khán giả về khóc cười
ngụp lặn trong chuyện thế gian.
Phim truyện như thế sẽ
làm giảm đi thấy rõ tính chất Phật giáo của kênh truyền hình An Viên.
Do đó, đề xuất của khán
giả, dùng các chương trình thuyết pháp thay thế chương trình phim truyện là rất
hợp lý và nên được xem xét triển khai.
Bài kinh thể hiện quan
điểm của Đức Phật về “sân khấu” và “kịch trường” dưới đây là Kinh Puta, chương tám, Tương ưng thôn trưởng,
Kinh Tương ưng bộ tập II (số thứ tự 15) bản dịch của Hòa thượng Thích Minh
Châu, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành năm 1993 (trang 481).
“II. Puta
(S.iv,306)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), tại Trúc Lâm, chỗ
nuôi dưỡng các con sóc.
2) Rồi Talaputa, nhà vũ kịch sư (natagàmani), đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh
lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, vũ kịch sư Talaputa bạch Thế Tôn:
- Con được nghe, bạch Thế Tôn, các vị Đạo sư, Tổ sư thuở xưa nói về các nhà vũ
kịch, nói rằng: "Ai là nhà vũ kịch, trên sân khấu giữa kịch trường, với
các điệu bộ giả sự thật, làm quần chúng vui cười, thích thú; người ấy, sau khi
thân hoại mạng chung, sẽ sanh cọng trú với chư Thiên hay cười
(pahàsadeve)". Ở đây, Thế Tôn nói như thế nào?
- Thôi vừa rồi, này Thôn trưởng. Hãy dừng ở đây. Chớ có hỏi Ta về điều này.
4) Lần thứ hai, vũ kịch sư Talaputa bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, con có nghe các vị Đạo sư, Tổ sư thuở xưa nói về các nhà vũ
kịch, nói rằng: "Ai là nhà vũ kịch, trên sân khấu hay giữa kịch trường,
với các điệu bộ giả sự thật, làm quần chúng vui cười, thích thú; người ấy, sau
khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh cọng trú với chư Thiên hay cười". Ở đây,
Thế Tôn nói như thế nào?
- Thôi vừa rồi, này Thôn trưởng. Hãy dừng ở đây. Chớ có hỏi Ta về điều này.
5) Lần thứ ba, vũ kịch sư Talaputa bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, con có nghe các vị Đạo sư, các vị Tổ sư thuở xưa nói về các nhà
vũ kịch, nói rằng: "Ai là nhà vũ kịch, trên sân khấu hay giữa kịch trường,
với các điệu bộ giả sự thật, làm quần chúng vui cười, thích thú; người ấy, sau
khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh cộng trú với chư Thiên hay cười". Ở đây,
Thế Tôn nói như thế nào?
- Thật sự, Ta đã không chấp nhận và nói rằng: "Thôi vừa rồi, này Thôn
trưởng. Hãy dừng ở đây. Chớ có hỏi Ta về điều này". Tuy vậy, Ta sẽ trả lời
cho Ông.
6) Này Thôn trưởng, đối với những loài hữu tình thuở trước chưa đoạn trừ lòng
tham, còn bị lòng tham trói buộc, nếu nhà vũ kịch trên sân khấu hay trong kịch
trường, tập trung những pháp hấp dẫn, thời khiến lòng tham của họ càng tăng
thịnh. Này Thôn trưởng, đối với những loại hữu tình thuở trước chưa đoạn trừ
lòng sân, còn bị lòng sân trói buộc, nếu nhà vũ kịch trên sân khấu hay trong
kịch trường tập trung những pháp liên hệ đến sân, thời khiến cho lòng sân của
họ càng tăng thịnh. Này Thôn trưởng, đối với loài hữu tình thuở trước chưa đoạn
trừ lòng si, còn bị lòng si trói buộc, nếu nhà vũ kịch trên sân khấu hay trong
kịch trường tập trung những pháp liên hệ đến si, thời khiến cho lòng si của họ
càng tăng thịnh.
7) Người ấy tự mình đắm say, phóng dật, làm người khác đắm say và phóng dật,
sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh trong địa ngục Hý tiếu (Pahàso). Nếu
người ấy có (tà) kiến như sau: "Người vũ kịch nào, trên sân khấu hay giữa
kịch trường, với các điệu bộ giả sự thật, làm quần chúng vui cười, thích thú;
người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh cộng trú với chư Thiên hay
cười". Như vậy là tà kiến. Ai rơi vào tà kiến, này Thôn trưởng, Ta nói
rằng người ấy chỉ có một trong hai sanh thú: một là địa ngục, hai là súc sanh.
8) Khi được nói vậy, vũ kịch sư Talaputa phát khóc và rơi nước mắt.
- Chính vì vậy, này Thôn trưởng, Ta đã không chấp nhận và nói: "Thôi vừa
rồi, này Thôn trưởng. Hãy dừng ở đây. Chớ có hỏi Ta về điều này".
- Bạch Thế Tôn, con khóc không phải vì Thế Tôn đã nói như vậy. Nhưng, bạch Thế
Tôn, vì con đã bị các Đạo sư, các Tổ sư vũ kịch thời trước đã lâu ngày lừa dối
con, dối trá con, dắt dẫn lầm lạc con rằng: "Người vũ kịch nào trên sân
khấu hay giữa kịch trường, với các điệu bộ giả sự thật, làm quần chúng vui
cười, thích thú; người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với
chư Thiên hay cười".
9) Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn,
như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che
kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai
có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương
tiện trình bày, giải thích. Bạch Thế Tôn, con nay xin quy y Phật, Pháp và chúng
Tăng. Mong Thế Tôn cho con được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới!
10) Vũ kịch sư Talaputa được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới.
11) Thọ đại giới không bao lâu, Tôn giả Talaputa... trở thành một vị A-la-hán
nữa.