08/09/2012 16:02 (GMT+7)
Số lượt xem: 44412
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

V­­­ới Hòa thượng Minh Châu, một đại sư đã ra đi. Một đại sư cỡ ấy, thế hệ chúng ta chỉ có vài vị. Vài vị, nhưng là những ngọn đuốc soi sáng đường đi cho cả một nửa thế kỷ. Hôm nay, ngọn đuốc gần như là cuối cùng ấy đã tắt. Đã tắt, để nói với chúng ta, như Phật đã nói khi nhập diệt: Hãy tự thắp đuốc lên mà đi.



HT Thich Minh Chau

Thế hệ chúng ta đang mồ côi đại sư, nhưng chính tình trạng mồ côi đó giúp chúng ta trưởng thành. Đừng than khóc, Phật đã dạy khi nhập diệt. Hãy sống như đại sư đã sống, hãy nói như đại sư đã nói, hãy làm như đại sư đã làm. Chúng ta mồ côi đại sư nhưng chúng ta không mồ côi hình ảnh của đại sư. Hãy thấy hình ảnh đó trước mắt để sống đẹp, nói đẹp, làm đẹp trên con đường đạo mà chúng ta dũng mãnh bước tới.

Hình ảnh đó, may thay, lúc nào cũng linh hoạt, sống động trong suốt cả nửa thế kỷ, trước đây cũng như bây giờ, khi ngọn đuốc không còn nữa. Đó là một hình ảnh đặc biệt, lạ lùng, mà không một đại sư nào trên thế gian này có được: hình ảnh của Đức Phật Di Lặc. Ai thấy Hòa thượng Minh Châu, dù chỉ một lần, dù chỉ thoáng qua, cũng đều thốt ra một lời kinh ngạc, thán phục, kính mến: “Thầy giống như Đức Phật Di Lặc!” Hòa thượng đã đến với thế gian này và để lại thế gian này, để lại cho chúng ta, hình ảnh từ bi, hạnh phúc của Đức Đương lai Hạ sanh.

Vào đầu thế kỷ thứ 5 sau Tây lịch, nhà chiêm bái Pháp Hiển đã kể lại như sau trong ký sự hành hương nước Phật của mình: Phía Tây nam một ngọn núi cao cách thành Nagara nửa do tuần, Đức Phật đã để lại cái bóng của Ngài trong một hang động. Đứng cách xa mươi bước, người ta có thể trông thấy cái bóng giống hệt như Phật thật với thân sắc vàng chói. Khi đến gần hơn, cái bóng mờ dần. Các quốc vương ở nhiều nước đã phái những họa sĩ tài ba đến vẽ lại cái bóng đó nhưng không ai có thể ghi lại được. Pháp Hiển xác nhận cái bóng ấy vẫn còn được thấy lúc ông đi chiêm bái. Hai trăm năm sau, Huyền Trang cũng được trông thấy và ghi lại sự lạ. Bóng ấy được tôn thờ ở Nagarahara như một xá-lợi, như một thánh tích.

Chúng ta không được cái may mắn của Pháp Hiển, Huyền Trang. Nhưng chúng ta đâu có mồ côi bóng Phật! Bóng Phật có lúc nào không ở trước mắt chúng ta! Thương tiếc đại sư, chúng ta cũng hãy nói với nhau và với chính ta như vậy: hình ảnh đại sư vẫn là ngọn đuốc soi đường - ngọn đuốc ta cầm trong tay. Tai ta nghe đại sư nhắc nhở: hãy sống đẹp, nói đẹp, làm đẹp. Và như vậy thì bao giờ cũng gặp được Đức Phật Di Lặc, bao giờ cũng hoan hỷ, an lạc, hạnh phúc. Hạnh phúc cho ta, cho xã hội, cho đất nước.

* GS Cao Huy Thuần ( theo:Báo Giác Ngộ, số 658)


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp