Nhẫn


Cao Huy Thuần
10/06/2011 10:00 (GMT+7)
Số lượt xem: 1706
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Hôm nay là lễ thành hôn của hai cháu. Hai cháu sắp đeo nhẫn cho nhau. Tập tục cưới hỏi gần đây đồng hóa chiếc nhẫn với chữ “nhẫn”, bác muốn nhân dịp này nói với hai cháu về chữ “nhẫn” trong Phật giáo để hai cháu phân biệt với chữ “nhẫn nhục” mà xã hội thường dùng qua cách giảng của Nho gia ngày trước.


Thời bác đi học- và có lẽ ngày nay cũng vậy - không ai không biết chuyện Hàn Tín và Câu Tiễn. Nho gia ngày trước lấy hai chuyện này để giảng về  cái “dũng” của bậc anh hùng. Hàn Tín thuở  hàn vi bị bọn du đãng ngoài chợ bắt lòn trôn. Ông lòn. Ông lòn, vì ông biết ông đang nuôi chí lớn chinh phục thiên hạn. Câu Tiễn còn nuốt nhục hay hơn thế nữa, cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Đánh Ngo bị thua, bị Phù Sai bắt về nước làm tôi tớ, Câu Tiễn dám nếm cả phân của vua Ngô để Phù Sai tin mà tha cho về nước. chục năm sau, Câu Tiễn cất binh, diệt cả nước Ngô, Phù Sai cùng đường, tự vẫn.

Câu Tiễn và Hàn Tiến đáng để đạo đức học của Nho gia ngày trước tôn vinh như một bộ mặt khác của dũng khí. Bất khuất là dũng. Mà nuốt nhục để nuôi chí lớn cũng là dũng. Bộ mặt thứ nhất, ai cũng thấy, cũng phục. Bộ mặt thứ hai, khó thấy hơn, và khó phục, vì ai biết được người kia nuốt nhục vì lẽ gì, vì chí lớn hay vì khiếp sợ? Phải chờ cho đến khi người ấy thành đạt mới biết anh ta nuốt nhục, còn không thành đạt thì ai cũng nghĩ là nuốt sợ.

Bởi vậy, thiếu gì người mượn chuyện Hàn Tín, Câu Tiễn  để biện minh cho thái độ nuốt nhục vì sợ. Có khi cả một dân tộc đeo mặt nạ Câu Tiễn, Hàn Tín để tự đánh lừa mình. Nhà  văn Lỗ Tấn của Trung Quốc đùa bỡn kiểu nuốt nhục anh hùng rơm đó khi sáng tác nhân vật AQ nổi tiếng thế kỉ trước. AQ có cái sẹo to tướng trên đầu, khi nổi giận thì sẹo đỏ ửng lên, gợi hứng cho dân trong làng tha hồ chọc ghẹo. Mỗi lần bị ghẹo AQ nhìn vào mặt đối thủ để đánh giá, nếu kẻ ấy nhiều sức thì y tự vinh váo bỏ đi, cho rằng cái sẹo của mình là vinh diệu, là danh giá, mấy ai may mắn có được. Thế nhưng lắm đứa vẫn chưa chịu thôi, cứ túm cái đuôi sam của y dúi đầu vào tường thình thình bốn năm cái liền rồi mới chịu tha. AQ đứng ngẩn người ra, nghĩ bụng: “Nó đánh mình thì khác gì nó đánh bố nó!” Rồi lại đắc thắng, hớn hở, tự phong cho mình cái chức người giỏi nhịn nhục bậc nhất thiên hạ.

Hồi  đầu thế kỉ 20, khi các đế quốc châu  Âu xâu xé Trung Quốc, nhiều nhà cải cách đã cùng với Lỗ Tấn cười dân tộc Trung Hoa tự cao về văn hóa của mình y như AQ tự cao về cái sẹo trên đầu. Và y như AQ, vênh vang nuốt nhục. Giờ đây, Lỗ Tấn có thể an tâm yên giấc: cái thời nếm phân ấy đã qua rồi.

Bác kể lại chuyện xưa, vì hiện nay chữ “nhẫn” rất được phổ biến trong xã hội ta, dưới dạng chữ hán đóng khung trên giấy điều. Dư luận có kẻ khen người chê. Người chê sợ rằng văn hóa ta ngày nay khuyến khích thái độ thụ động, dễ cam chịu, vô cảm trước bất công, dối trá. Họ nói: Trong một xã hội đặt nặng bổn phận trên quyền lợi, đề cao “ nhẫn” là khuyến khích sự tuân phục, cúi đầu, hèn. Hoặc hèn mà tự biết, hoặc hèn kiểu AQ.

Người chê có cái lý của họ để lo. Thế  nhưng, dù đứng trên mặt hành động hay trên mặt triết lý, dù ở Đông hay Tây, tư tưởng về  “nhẫn” không hề dung chứa một thái độ tiêu cực, và đây là điều bác muốn nói đến trước tiên. Ví dụ nổi bật nhất mà ai cũng nghĩ đến, khi so sánh giữa Đông và Tây về mặt tư tưởng, là trường phái stoicienn của cổ Hy Lạp mà châm ngôn là: “chịu đựng; đừng làm gì cả”. Thoạt nghe, tưởng thụ động, tưởng đầu hàng số phận. Không phải! Đừng làm tức là làm! Làm “theo tự nhiên”. Họ chủ trương: phải hành động “theo tự nhiên”. Như thế mới thật sự tự do. Như thế mới sống toàn vẹn. Họ đưa ra một hình ảnh cụ thể: con chó cột sau cổ xe, mà xe lại chạy ngoằn ngoèo, với sợi dây thừng cột cổ đủ dài để có chút tự do qua lại, nhưng không dài đủ để chạy đâu tùy thích. Khuynh hướng của chó, cũng như ta, là chạy rông theo chân. Nhưng, bị cột sau xe, thái độ tốt nhất cho nó là ngoan ngoãn chạy theo cổ xe thay vì để xe lôi đi. Bởi vì chó càng cưỡng lại xe, sợi dây tròng cổ càng thắt lại. Ta cũng vậy, họ nói, chống lại những biến cố trong cuộc đời chỉ đưa đến đau khổ mà thôi. Cách duy nhất để làm nhẹ bớt khổ là “ chịu đựng sự cần thiết”, là hành động “theo tự nhiên”.

Nhưng “ theo tự nhiên” là tích cực, không phải tiêu cực! Giữa ta và con chó buột dây, họ  cắt nghĩa, có một sự khác biệt căn bản: ta có  lý trí, con chó thì không. Hành động “theo tự nhiên” là hành động bằng cách vận dụng lý trí thế nào để lý trí của ta phù hợp với lý trí của vạn vật. Vì thế mà ta vẫn có tự do, có tự do chọn lựa, không phải chọn lựa số phận mà chọn lựa cách thức gánh vác số phận và yêu mến nó. Sự việc đến như thế nào thì cứ hãy muốn nó như thế ấy; ôm cả cuộc đời vào lòng dù cuộc đời mang đến cho ta cái gì. Đừng chờ đợi gì cả, đừng trồn tránh gì cả, hãy bằng lòng với hành động hiện tại. Như thế thì ta sống hoàn toàn tư do, không gì làm ta rối loạn.

Không gì làm ta xao động, không gì làm ta bận lòng: đó là lý tưởng sống của phái stoicien. Truyền thuyết về Epictète, hiền nhân lỗi lạc trong phái đó, kể: khi ông bị hành hạ đến sắp gãy chân, ông chỉ nói với người đang hành hạ ông: “Chú sắp làm chân tôi gãy đấy”. Và khi chân ông gãy thật, ông nói: “Thấy chưa, đã nói rồi”. Không rối loại, ngay cả trong đau đớn cùng cực. Thế thì sá gì bão tố bên ngoài của cuộc đời! Ai có thể hành động tích cực hơn?

Cũng vậy, người hành nhẫn trong Phật giáo cũng không xao động. Trong kho tàng chuyện tích về bồ tát, bao nhiêu chuyện kể khổ nhục mà bồ tát phải chịu, lóc thịt, chặt tay, móc mắt... có bao giờ bồ tát biến sắc mặt đâu! Khác nhau là ở động cơ: bồ tát hành động vì thương xót, hiền nhân Hy Lạp chịu gãy chân vì “theo tự nhiên”, cuộc đời đưa đến cái gì thì vui lòng chấp nhận cái ấy. Khác trên nội dung cảu triết lý, hai bên giống nhau trên nỗ lực chịu đựng phi thường. Ai dám nói đó là thụ động?

Nỗ  lực chịu đựng cảu Câu Tiễn không phi thường đến mức ấy nhưng chừng đó cũng đủ để sử sách ghi lại một tấm gương nhẫn nhục đáng soi. Một mình ông đủ để thách thức bất cứ ai dám nói nhẫn nhục là thụ động. Nhưng nhẫn nhục của nhân vật lịch sử này khác xa nhẫn nhục của Phật giáo và không nên lấy ông làm lý tưởng cho chiếc nhẫn cưới. Cũng như không nên và không thể sống chung với nhau theo quan niệm cuộc đời cho gì hưởng nấy và sẵn sàng chịu đựng gãy chân với nhau. Cả hai thái độ sống ấy nên ngừng lại nơi ngưỡng cửa, không có ích gì cho đời sống lứa đôi. Chiếc nhẫn của hai cháu mang một ý nghĩa khác, thích hợp với hạnh phúc gia đình, giản dị, cụ thể. Đó là ý nghĩa mà Phật giáo mang lại.

Trong Phật giáo, bước đầu của nhẫn nhục là dẹp bỏ  sân hận, giận dữ trong lòng. Gặp người mắng nhiếc, ác hại, tuy ta đủ sức đáp trả, thân vẫn không đối phó bằng bạo lực, miệng vẫn không thốt ra lời hung ác, nhưng cốt nhất là ý không để bùng lên sân giận. Tại sao? Vì nhiều lẽ, nhưng cụ thể nhất là trong các phiền não, giận là nặng nhất. Nặng đến nỗi Phật phải nói lên bài kệ:

       Giết giận, tâm an ổn

       Giết giận, tâm không hối

       Giận là gốc của độc

       Giận diệt mọi điều thiện

       Giết giận, chư Phật khen

       Giết giận thì không buồn

Làm sao giết giận, làm sao dẹp bỏ sân hận không cho bùng lên trong ý? Kinh sách nói nhiều lắm, nhưng tựu trung không ngoài công năng vận dụng trí tuệ và từ  bi. Khoan nói đến trí tuệ, hãy nói từ bi mà thôi, hạnh nhẫn nhục trong Phật giáo đã khác xa cách hiểu thông thường rồi. Trong tâm của người thực hiện nhẫn nhục, thật sự chỉ có một lòng thương xót mà thôi, thương cả người làm nhục mình. Tất nhiên đó là lý tưởng, lý tưởng của những bậc mà Phật giáo gọi là bồ tát, nhưng đó là lý tưởng mà ai cũng noi theo, dù chỉ thực hiện một đôi phần, nếu muốn tránh phiền muộn. Trên mặt lý tưởng, lòng thương của bồ tát rộng lớn đến nỗi không còn cả sự phận biệt giữa người làm nhục và người chịu nhục, cả nỗi nhục cũng không còn.

Đó  là điều khác xa với Câu tiễn, Hàn Tín: hai vị này thấy nhục, ức đến tận cổ, nhưng nuốt nhục để nuôi chí phục thù, và nuốt như vậy hàng ngày, hàng giờ, suốt tháng, quanh năm, cả chục năm, không phút nào quên, cả trong giấc ngủ, sống chỉ để trả cái nhục. Tâm của bồ tát không thế, không thấy nhục, chỉ một lòng thương. Bồ tát làm chủ cái nhục. Cái nhục làm chủ họ Câu, họ Hàn. Nói cho cùng, điều mà ai cũng nên học nơi bồ tát là tự mình làm chủ cái tâm mình, không cho tâm xao động, dù nước sống gió ở bên trong hay sự việc ở bên ngoài. Vì vậy, trong Phật giáo, chữ “nhẫn nhục” không phải chỉ áp dụng cho “nhuc” mà cho cả những ngợi khen, tâng bốc, ca tụng, nghĩa là những điều thích thú. Ngài Long Thọ giải thích: Có hai hạng người đến với bồ tát, một là hạng người đến cúng dường cung kính, hai là hạng người đến mắng hại. Không giận những người mắng ác đã đành, bồ tát cũng không yêu hạng người cúng dường cung kinh. Tại sao? Tại vì hạng người ấy làm cho tâm ưa đắm: đó là thứ giặc mềm. với hạng người đó, bồ tát phải quán: không đắm, không yêu. Vậy thì đâu có phải vì sợ hãi, khiếp nhược mà ta phải nhẫn? Nhaanz là tâm không động đối với cả ham thích. Bồ tát “không” với cả hai, không sợ cũng không đắn, cho nên vượt tất cả khổ ách.

Tình thương của bồ tát có phải cao xa quá đối với người đời không? Cau trả lời là: có phải chúng ta có thể sống mà không cần lý tưởng chăng? Có phải xã hội có thể tồn tại nếu con người chỉ sống với nhau dưới luật ăn miếng trả miếng? cụ thể hơn nữa, hai cháu có thể lập gia đình với nhau mà chỉ biết thương mình chú không biết thương nhau? Và thương nhau là gì, nếu không biết quên mình? Và quên mình thế nào được, nếu không biết học làm chủ cái tâm, làm chủ xung động? Làm chủ xung động sao nổi, nếu không luyện chữ nhẫn? Đám cưới chính là lúc hai người học chữ nhẫn với nhau, học một cách cụ thể, học thường ngày, để hiểu rằng lý tưởng không phải cái gì xa vời, nó nằm ngay nơi bước chân hằng ngày của mình đi tới.

Ai cũng chúc hạnh phúc trong ngày đám cưới. Bác không biết hạnh phúc là vì bác cũng không định nghĩa được. Nhưng bác biết chắc chắn, biết tường tận, biết rành rọt cái gì chận đứng hạnh phúc, cái gì mở đường cho hạnh phúc. Cái chận đứng hạnh phúc mà mình phải tránh là nóng giận. Nóng giận là lửa; lửa thì đốt cháy tất cả. Đời sống lứa đôi là đời sống đầy chuyện vui, nhưng cũng đầy chuyện để giận. Tại sao? Vì thương nhau là khác nhau mà vẫn thương. Thương nhau là hai cái khác nhau tập sống chung với nhau. Khác nhau thì làm sao chẳng có lúc khỏi giận? Chí có hai giọt nước thì không làm đám cưới với nhau vì không đẻ ra được cái gì mới. Ngày và đêm khác nhau, vậy mà sống hài hòa với nhau để sinh ra vạn vật. Tại sao? Tại vì trong ngày có đêm và trong đêm có ngày. Mỗi khi hai cháu có chuyện giận, hãy tìm cách chận cơn giận lại, hãy nghĩ: trong anh có em, trong em có anh, giận nhau cũng như tự mình giận mình. Nghĩ như vậy và đừng để cho cái giận nó lôi mình đi. Đừng để cho nó làm chủ mình. Để mình làm chủ nó. Minh làm chủ nó được không? Bác quả quyết: được! Cái gì khiến mình làm được? Tình thương. Có tình thương thì làm gì cũng được.

Đó là chuyện phải tránh nếu muốn hạnh phúc. Bây giờ là chuyện phải làm: chuyện phải làm là phải biết xin lỗi. Đừng tưởng dễ. Khó lắm. Khó vì phải chiến thắng hai thằng giặc nhất định trói cái lưỡi mình lại, không cho nói: đó là cái thằng tự ái và cái thằng mặc cảm. Hai thằng giặc ấy kháo chặt cánh cổng của một vườn hao, không cho mình vào: đó là vườn hoa hạnh phúc. Hai thằng giặc ấy chất một đống gánh nặng trên vai mình, nặng đến nỡi không cho mình thở. Xin lỡi một lời hoặc bằng một cử chỉ là cánh cổng mở ra ngay, gánh nặng trút xuống liền. Bác không biết hạnh phúc là gì, nhưng bác biết cái cảm giác nhẹ nhàng, thư thái, khi nói xong được một lời xin lỗi, khi làm được một cử chỉ thương yêu. Kinh nghiệm cho bác biết: sau mỗi lần xin lỗi; hai người thương nhau hơn. Ai biết xin lỗi, người ấy hiểu chữ nhẫn.

Đó là ý nghĩa của chiếc nhẫn mà hai cháu sắp đeo vào ngón tay của nhau. Đừng nghĩ rằng nhẫn là nhịn nhục. Giữa hai người thương nhau, không có cái chuyện nhục. Giữa hai người thương nhau cũng không có cái chuyện chịu đựng. Nhẫn là trái ngược với tiêu cực, trái ngược với thụ động. Đang giận mà ngưng giận: không có gì tích cực hơn. Đang tự ái mà dẹp tự ái: không có gì dũng cảm hơn. Nhẫn là chiến thắng. Trao nhẫn cho nhau là trao cho nhau chiến thắng. Chiến thắng của tình thương.

Với  ý nghĩa đó, bác có thể chúc hai cháu hạnh phúc.


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp