Nước giếng trong (Phần 2)


Tác giả: Cao Huy Thuần
09/11/2011 08:43 (GMT+7)
Số lượt xem: 170076
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trí thức của tôi cũng chỉ là sa mạc: tôi sẽ chết khát trong đó như chết khát trong bài thơ lớp ba, và sẽ không bao giờ nhảy vọt đến câu cuối nếu không có sự giao cảm của lòng tin. Trí tuệ sẽ khô cứng nếu không có lòng tin tươi mát.


Nếu thiền mà không ngược đời thì thềin đã chẳng phải là thiền. Tôi đi vào thế giới đó thì phải thay đổi giày mà đi: lấy chiếc giày chân phải mang vào chân trái, chiếc giày chân trái mang vào chân phải, hai chân lúc đó mới thoải mái.

Lúc đó mới thấy cái chuyện ngược đời chính là cái chuyện tại sao có bàn chân phải với bàn chân trái, tại sao có chiếc giày bên trái với chiếc giày bên phải, tại sao mỗi khi mang giày lại cẩn thận xem chiếc nào phải chiếc nào trái. Đứa trẻ lên ba có bao giờ phân biệt như vậy đâu! Thật Tánh Đại sư để lại bài thơ như thế này:

Với hai bàn tay trống, ta đi
Ấy thế mà trong tay ta lại có cái cuốc
Với hai chân đất, ta đi
Ấy thế mà ta đang cưỡi trên lưng con bò
Ta đang đi trên cầu
Kìa! Không phải nước chảy mà cái cầu đang trôi

Dưới nước có cái cầu đang chảy. Cụ Nguyễn Du đáng lễ phải viết lại câu thơ như thế này: Dưới nước cầu chảy trong veo. Bởi vì cụ không thấy được như vậy cho nên cụ cứ than thở hoài, sống bây giờ mà cứ khóc chuyện ba trăm năm sau. Bashô của Nhật học được cái ngược đời của thiền, lấy ngược nhìn xuôi, cho nên "những điều trông thấy" chẳng làm cho ông "đau đớn lòng" gì cả. Ngược lại, ông thoải mái với những chuyện trước mắt mà ông để hết tinh thần để thấy, để nghe. Có người hỏi ông: "Thế nào, ông mạnh giỏi không?" .Trả lời:

- Mưa tạnh thì rêu xanh hơn.

Lại hỏi:

- Cái đạo gì có trước khi rêu xanh?

Trả lời:

- Một con ếch nhảy vào nước: nghe tiếng đó đi!

Câu trả lời viết thành một bài thơ hài cú nổi tiếng:

Ồ! Cái ao xưa!
Một con ếch nhảy
Tiếng nước!

Không biết nghe, không biết thấy, thì cái ao có đó cũng như không, con ếch có nhảy cũng chẳng làm ai nghe tiếng nước đánh bõm. Không biết thấy thì Phật đứng trước mắt cũng chẳng thấy. Biết thấy, biết nghe thì tiếng nước thường tình cũng là một sự kỳ lạ mầu nhiệm. Thơ là gì, nhất là thơ hài cú, nếu không phải là ba bốn sự vật thường tình bỗng trở thành linh hoạt dưới mắt Bashô?

Một cành cây trụi lá
Một con quạ đậu trên cành
Hôm nay chiều thu.

Lang thang trong thế giới thiền xấc láo, ngỗ ngược, tôi chợt có một ý nghĩ đùa nghịch: đổi câu cuối của các chuyện thiền, nghĩa là câu quan trọng nhất, câu sống chết. Chẳng hạn như chuyện sau đây:

Cao Phong là danh sư thiền dưới đời Tống. Một hôm, sư phụ của ông hỏi bất thần: "Ai gánh giùm cho ông cái thân xác đã mất hết sự sống này?" .Cao Phong lúng túng, khổ sở không tìm ra câu trả lời. Ông loay hoay suy nghĩ nát óc trong mấy ngày đêm. Một buổi sáng, bước vào thiền đường, tình cờ nhìn lên bức họa chân dung Pháp Hiển, ông bỗng để ý đến hai câu thơ của Pháp Hiển viết dưới bức họa:

Suốt trăm năm - ba vạn sáu nghìn buổi sáng
Cũng cái lão già này cứ mãi vào ra!

Cao Phong bừng tỉnh. Sau đó, ông gặp lại sư phụ. Thầy hỏi: "Ai gánh giùm cho ông cái thân xác đã mất hết sự sống này?" Cao Phong trả lời: "Hô!". Thầy hươi gậy lên toan đánh. Trò gạt tay thầy ra: "Sư phụ không đánh tôi được nữa!" Thầy nói: "Tại sao không?" Trò không trả lời, bỏ đi. Hôm sau, thầy lại hỏi: "Mọi vật quy về một; vậy một quy về đâu?" Trả lời:

- Con chó kiếm nước sôi nơi cái chảo.

Thầy nạt:

- Ai dạy cho ông chuyện ngu xuẩn như vậy?

Cao Phong đủng đỉnh:

- Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng!

Giá như câu cuối này được kể dưới thời Tống, không chừng câu thơ đã đi vào sử sách chứ không phải chỉ nằm khiêm tốn trong Quốc văn giáo khoa thư!

Tôi kể thêm chuyện nữa:

Một ông sư hỏi Triệu Châu: "Một ngọn lửa thắp ra thành trăm ngọn lửa; vậy từ đâu đến cái ngọn lửa duy nhất đó? Vạn sự trở về Không, vậy Không trở về đâu?" Thầy đáp: "Lưỡi ta ngắn quá, không trả lời cho ngươi được." Trò hỏi: " Tại sao ngắn?" Trả lời" "Ở ngoài hay ở trong đều cùng một bản chất". Trò sụp lạy xin nói rõ hơn. Triệu Châu nạt:

- Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng!

Trong trường hợp ông thiền sư không muốn nói nhiều, tôi đề nghị một chuyện khác nữa như thế này:
Một ông sư hỏi Thủ Sơn: "Người xưa nói: có một chữ, một chữ duy nhất, mà nếu ta hiểu được thì có thể xóa hết tội lỗi đã phạm trong vô số kiếp. Chữ duy nhất và cuối cùng đó là gì?" Thủ Sơn trả lời: "Nó nằm ngay dưới mũi của ông." Lại hỏi:

- Nghĩa là gì?

- Nước giếng trong!

Hoặc là thế này, cho ngắn  gọn hơn nữa, hợp với khẩu khí thiền hơn:

Một ông sư hỏi Trường Sa: "Trong khi biến đổi sông núi đất đai, làm sao dồn tất cả các thứ đó vào cái tôi?" Thầy trả lời: "Trong khi biến đổi cái tôi, làm sao sản sinh ra đất đai sông núi?" Ông sư không hiểu. Thầy quát:

- Nước!

Tôi cũng có thể sáng tác một chuyện thiền của riêng tôi, rút cảm hứng từ những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống thường ngày: nấu cơm, rửa chén. Thú thật, mỗi lần nghe gạo sôi trong nồi điện, tôi thường tự hỏi không biết gạo đang sướng hay khổ, đang quằn quại trong sức nóng của điện như anh lính thú vất vả trong cực nhọc của núi rừng, hay đang vui cái vui của Phật dưới cội bồ đề, trong đêm cuối cùng, khi trời sắp sáng. Gạo sôi, sôi sùng sục, nước bốc hơi qua vung, rồi êm dần, lặng xuống, yên lặng. Khi nồi điện bật nút, tôi nghe gạo trong nồi reo lên: "Cơm!", và tôi thấy sao mai chợt sáng trên trời. Giác ngộ là lúc gạo bỗng thấy mình thành cơm? Đó quả thật là một bí mật sâu kín, bởi vì gạo làm sao thành cơm được nếu chất cơm đã không có sẵn nơi gạo? Anh lính thú cũng là một hạt gạo như Phật, vậy thì ai dám bảo anh đã không thành Phật qua một kinh nghiệm của riêng anh? Nếu không, tại sao anh bỗng nhảy vọt từ một nỗi khổ không rên la được với ai qua một hình ảnh hạnh phúc tuyệt vời?

Kinh Thập Địa tả trạng thái của Bồ-tát khi đạt đến tầng thứ tám của đời sống tâm linh bằng một hình ảnh rất đẹp: giống như người bơi thuyền ra biển, lúc mới xa bờ thì sóng lớn dồn dập, rần rộ muốn nuốt con thuyền, đập tan nó ra, cuốn phăng nó đi, xé nó thành trăm mảnh vụn, nhưng càng ra xa thì nước càng lắng, và ra đến giữa đại dương mênh mông thì sóng yên biển lặng, thuyền không một chút chèo chống mà vẫn trôi êm trên nước. Biển nào cũng là biển, trong bờ hay giữa khơi thì biển cũng chỉ là một; thuyền nào cũng là thuyền, nhấp nhô giữa sống hay êm ả giữa mênh mông thuyền đâu có phải là hai? Nếu ông thiền sư nào đó hươi gậy trên đầu tôi, hỏi: "Phật là ai?", tôi sẽ trả lời không suy nghĩ:

- Anh lính thú!

Và nếu ông hỏi tiếp: "Giác ngộ là gì?", tôi sẽ đáp không chút khó khăn:

- Nước giếng trong!

Có thể đạo Phật của tôi "trí thức" quá, đưa tôi đi quá xa một bài thơ dân dã. Có lẽ tôi phải lang thang trong một thế giới khác, có tiếng võng, có ca dao, có cổ tích. Giếng nước! Hình ảnh thân thuộc biết bao nhiêu! Kìa, có bóng ai thấp thoáng bên miệng giếng, có tiếng ai gọi: bống bổng bồng bông... Ấy, cô Tấm đang thả cơm xuống giếng cho con cá bống. Cô Tấm có một người dì ghẻ ác, một cô em gái hiểm; cô Tấm bị ngược đãi, nhưng cô tấm không kêu khổ, chỉ khóc. Cổ tích Việt Nam có một cô Tấm khóc rất dễ thương và một ông Bụt hiền như Bụt. Khi Bụt hiện ra, cô Tấm không ngạc nhiên, cũng không mừng rỡ, tưởng chừng như Bụt hiện ra là chuyện tự nhiên, như Bụt ở đâu đó, bên cạnh cô, cô khóc là Bụt hiện.

Tôi không biết khóc như cô Tấm, nhưng tôi có cảm tưởng Bụt vẫn hiện ra với tôi, nghĩa là trong tôi. Tôi biết một cách chắc chắn rằng hễ ai mời Bụt là Bụt đến, nhưng phải biết cách mời. Cách mời cũng giản dị thôi: chỉ cần sống như Bụt, sống như lời Bụt nói, sống như hình ảnh của Bụt. Sống như vậy thì cuộc đời sẽ là cổ tích.

Tam Tạng là cổ tích hay cuộc đời? Là cổ tích, vì ai chẳng biết chuyện ông Tam Tạng qua Tây Trúc thỉnh kinh, gặp đầy yêu quái dọc đường. Là cuộc đời, vì Tam Tạng là Huyền Trang. Tam Tạng là cổ tích đi vào cuộc đời, là cuộc đời đi vào cổ tích. Đây là đoạn Huyền Trang vượt qua sa mạc, do sử sách chép lại:

"... Chừng canh ba, pháp sư lén vượt được cửa ải Ngọc Môn, mừng lắm, đặt hành lý xuống nằm ngủ, cách người Hồ năm mươi bước. Mới nằm một lát, người Hồ rút dao đứng lên. Pháp sư ngờ người Hồ đổi dạ, ngồi dậy niệm đức Quan Âm. Thấy vậy, người Hồ về chỗ nằm ngủ. Gần sáng, người ngựa lại tiếp tục đi, nhưng được vài dặm thì người Hồ bảo không đi thêm được nữa, đi thì chết. Pháp sư đơn độc đi vào sa mạc, chỉ nhìn xuống người hay phân ngựa mà đi. Một lát bỗng thấy có mấy trăm quân binh diễu ra trước mặt, thoáng tiến thoáng lui, người ngựa cờ xí biến ảo liên hồi, nhìn xa thấy rõ, đến gần lại tan. Pháp sư mới nhìn nghi là giặc cướp, đến gần mới biết quái dị. Nhưng trong không gian có tiếng nói: cứ đi, đừng sợ.

Vượt qua bốn đồn canh, pháp sư đi vào đại sa mạc Mông Cổ. Đại sa mạc này dài hơn tám trăm dặm, trên không có chim bay, dưới không có thú chạy, nước không một giọt, cỏ không một lá. Một mình một ngựa, pháp sư chỉ niệm đức Quan Âm và bài Bát Nhã tâm kinh mà đi. Giữa đại sa mạc, gặp bao nhiêu hiện tượng quái dị vay bọc trước sau, pháp sư niệm bài kinh này thì tan biến liền, lại gặp bao nhiêu nguy khốn, niệm bài kinh này vượt qua hết thảy.

Pháp sư đi cỡ trăm dặm thì lạc đường, tìm suối Dã Mã không thấy. Lấy túi nước để uống thì lỡ tay, nước đổ hết trên cát. Quanh quẩn không biết hướng nào, bèn lấy hướng đông. Nhưng đi thâm mười dặm nữa, pháp sư tự nghĩ: mình đã nguyện chưa đến xứ Phật thì không lùi về hương sđông một bước, sao bây giờ lại quay về! Thà đi tới hướng tây mà chết, nhất quyết không quay về hướng đông để sống. Trở ngựa lại, pháp sư chuyên tâm niệm đức Quan Âm mà đi theo hướng Tây Bắc. Bấy giờ, cát nóng mênh mông, người ngựa đều lả, đêm thì yêu quái nhấp nhánh như sao, ngày thì cuồng phong cuốn cát, tung bay như mưa lũ. Pháp sư không nao núng gì cả, chỉ khổ vì khát quá, không đi được nữa. Đã bốn đêm năm ngày, pháp sư không có một giọt nước thấm môi. Cổ, miệng và bụng nóng gần chết. Quị xuống mặt cát nóng rát, pháp sư vẫn thầm niệm đức Quan Âm, thầm bạch: con đi đây, không cầu lợi lộc, không mong danh vọng, chỉ vì Phật pháp vô thường mà thôi, Bồ-tát là đức Từ Bi, thương người cứu khổ, con thế này là đang khổ đây, lẽ nào ngài không biết. Pháp sư tác bạch như vậy và không ngừng niệm danh hiệu của ngài. Nửa đêm hôm ấy là đêm thứ năm, đột nhiên có luồng gió mát thổi đến thân thể pháp sư; pháp sư nghe mát như tắm nước lạnh, nhờ vậy mà sáng mắt, ngựa cũng dậy được. Cơ thể đã thư, pháp sư thiếp được một lát, mộng thấy vị thần cao lớn bảo sao không gắng dậy, đi được mười dặm thì đột nhiên ngựa tự rẽ qua ngã khác, kéo lại cũng không chịu. Thêm vài dặm nữa, bỗng thấy cả mẫu cỏ xanh. Pháp sư cho ngựa ăn, lại đi mười bước thì thấy một ao nước, trong và ngọt. Uống rồi, người ngựa đều khỏe, nghỉ lại một ngày. Hôm sau múc nước, lấy cỏ, đi tới. Thêm hai ngày nữa, pháp sư ra khỏi sa mạc".

Tôi tặng câu chuyện này cho anh lính thú "hữu thân hữu khổ" của tôi. Trên rừng thiêng nước độc, chắc anh còn đau sốt liên miên, có khi không chừng kề cận cái chết. Tôi chắc anh chẳng biết ông thiền sư là cái ông gì, nhưng chắc chắn anh biết Bụt là ai, giọt nước Quan Âm mát như thế nào. Đừng nói anh lính thú kể chuyện không đầu không đuôi, câu kết lạ hoắc với câu tam câu tứ. Có cái gì lạ hoắc với sa mạc bằng ao nước đâu! Thế mà Tam Tạng bảo tôi viết bài thơ hài cú như thế này:

Sa mạc, sa mạc, sa mạc
Sa mạc
Nước!

Trí thức của tôi cũng chỉ là sa mạc: tôi sẽ chết khát trong đó như chết khát trong bài thơ lớp ba, và sẽ không bao giờ nhảy vọt đến câu cuối nếu không có sự giao cảm của lòng tin. Trí tuệ sẽ khô cứng nếu không có lòng tin tươi mát. Với trí tuệ mà thôi, chưa chắc tôi đánh hơi được mùi cỏ xanh như con ngựa của Huyền Trang. Chưa chắc tôi thấy được Bụt như cô Tấm. Chưa chắc tôi được là con cá nó vẫy vùng trong nước giếng trong.

Hết

http://tuanvietnam.net/2011-11-04-nuoc-gieng-trong-phan-2-


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp