03/10/2010 22:00 (GMT+7)
Số lượt xem: 5279
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bản đồ Tỉnh Đaklak

Tên "Đắk Lắk" nguyên là chữ "Dak Lak" thổ ngữ của sắc tộc M'nông. "Dak" có nghĩa là nước, "Lak" là "hồ nước".

Diện tích: 19.800 km2.
Dân số (2004): 1.958.712 người.
Tỉnh lỵ: thành phố Buôn Ma Thuột.
Các huyện: Ea H'leo, Ea Súp, Krông Năng, Krông Búk, Buôn Đôn, Cư M'gar, Ea Kar, M'Đrắc, Krong Pắc, Cư Jút, Krông Ana, Krông Bông, Đắk Mil, Krông Nô, Lắk, Đắk R'Lấp, Đắk Nông, Đăk Soong.
Dân tộc: Việt (Kinh), Êđê, M'Nông, Nùng, Tày, Gia Rai...

Tỉnh Đắk Lắk nằm trên cao nguyên Đắk Lắk, một trong ba cao nguyên lớn của Tây Nguyên, độ cao trung bình từ 400 - 800 m (1,200 - 2,400 ft) so với mặt biển, phía Bắc giáp Gia Lai, phía Nam giáp Lâm Đồng và Bình Phước, phía Tây giáp Campuchia, phía Đông giáp Phú Yên và Khánh Hòa.

Đắk Lắk là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất nước. Vùng núi cao từ 1.000 - 1.200m (3,000 - 3,600 ft) chiếm 35% diện tích của tỉnh. Vùng cao nguyên Buôn Ma Thuột cao 450m (1,350 ft), chiếm 53,5%, đất đỏ màu mỡ, khá bằng phẳng thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp dài ngày, chăn nuôi gia súc và trồng rừng. Ngoài ra còn có đất trũng phù sa (12%) trồng lúa và đồng cỏ tự nhiên.

Rừng Đắk Lắk có trữ lượng gỗ dồi dào và nhiều động vật quí hiếm đặc biệt là đàn voi hơn 300 con tập trung ở các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Lắc, Đắk Mil. Đắk Lắk có hàng trăm đồn điền cà phê, cao su, ca cao, chè, hồ tiêu, mía... Đắk Lắk có 3 hệ thống sông chính: sông Ba, sông Pê Sê Pôk và sông Đồng Nai.

Thị xã Buôn Ma Thuộc ở giữa vùng đông dân nhất Tây Nguyên. Thị xã ở độ cao 536 m (1,608 ft). Khu vực này có đông đồng bào Êđê. Buôn Ma Thuộc cách Hà Nội 1.410 km (881 miles), cách Sài Gòn 628 km (393 miles). Giao thông phía Bắc thị xã có đường 14 đi Pleiku (195 km (122 miles)), đi Kon Tum (244 km (153 miles)), nối với Đà Nẵng và qua Bình Phước, Bình Dương đến Sài Gòn. Phía Nam thị xã có đường 26 đi Ninh Hòa, Nha Trang (156 km (98 miles)); phía Tây là đường đi Bản Đôn (42 km (miles)); phía Đông là đường quốc lộ 27 đi Đà Lạt (193 km (26 miles)).

Đến Đắk Lắk du khách có thể đi thăm hàng chục ngọn thác hùng vĩ như thác Drây Sap, Diệu Thanh, Gia Long,... những hồ nước đẹp và thơ mộng như hồ Lắk, hồ Buôn Triết, hồ Ea Kao; các khu rừng nguyên sinh - vườn quốc gia Yok Dôn, khu lâm viên Ea Kao, thăm Buôn Đôn nổi tiếng với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi, các di tích lịch sử như tháp chàm thế kỷ 13, biệt điện của cựu hoàng Bảo Đại, hoặc tìm hiểu đời sống văn hóa các dân tộc ít người.

Thắng Cảnh

- Thác Đ'ray Sap: Thác ở cách thị xã Buôn Ma Thuộc 30 km. Theo tiếng Êđê, Đ'ray Sap nghĩa là thác khói. Bởi lẽ dòng nước từ trên cao đổ xuống thung lung ào ào tạo thành khói lớn, bụi nước bay là là như màu khói. Quanh năm suốt tháng cả một vùng vang vọng tiếng thác và ngập trong khói nước. Thác Đ'ray Sap là một thắng cảnh đẹp nhờ sự kết hợp giữa hai dòng sông Krông Knô và Krông Ana mà người Êđê và người M'nông gọi là sông Chồng, sông Vợ gặp nhau mà thành. Tình yêu của họ mạnh mẽ như dòng thác, đẹp đẽ như sắc cầu vòng ẩn hiện trong làn sương khói nước. Đ'ray Sap như một bức thành nước khổng lồ, hùng tráng giữa một vùng hoa nước long lanh.



- Bãi Đá Sông Krông Bông: Ở huyện Krông Bông có thác Krông Bông nổi tiếng đẹp. Trên đường đi đến thác giữa dòng sông có một bãi đá đặc biệt hấp dẫn đối với du khách, nhất là khách nước ngoài mỗi khi đi qua đây. Đó là một bãi đá với những tảng đá có hình thù, kích thước và màu sắc như những con voi khổng lồ, khiến cho du khách ngỡ như nhìn thấy một đàn voi đang vượt sông trong khu vực núi rừng Tây Nguyên.

- Thác Nước ở Đắk Nông: Nằm trên quốc lộ 14 cách thành phố Buôn Ma Thuộc khoảng 120 km (75 miles) về hướng Tây - Nam và cách Sài Gòn 230 km (144 miles), thị trấn Gia Nghĩa (huyện Đắk Nông) là điểm dừng chân của du khách từ Sài Gòn lên Buôn Ma Thuộc và ngược lại. Cách thị trấn Gia Nghĩa từ 7 - 8 km (4 - 5 miles) có các thác nước.

- Thác Diệu Thanh hùng vĩ gồm cụm ba thác: cụm thác chính lớn nhất cao 15 m (45 ft) giữa sông, cụm thứ hai phía bên phải và cụm thứ ba phía dưới thác chính. Nước réo quanh năm tung bọt trắng xóa. Hai bên bờ sông là những bãi đất bằng phẳng có nhiều cây xanh tỏa bóng mát. Phía Tây thị trấn Gia Nghĩa là thác Ba Tầng. Trong khoảng 40 m (120 ft) có ba thác liền nhau, nước phải chảy qua ba lần thác mới đến đáy suối.

- Thác Thủy Điện cách cầu Đắk Nông khoảng 7 km (4 miles) về phía hạ lưu. Thác cao 25 m (75 ft), nước đổ thành "dòng nhạt" và "dòng đậm". Về mùa khô nước cạn có đường đi phía sau thác giống thác Prenn (Đà Lạt). Ngoài ba thác trên còn có thác Đắk Nông gần cầu Đaktit cũng có vẻ đẹp thơ mộng hiền hòa. Đắk Nông còn có đồi thông ở Nam Nung, cao nguyên Jubát ở Quảng Sơn, rừng nguyên sinh, hồ nước trong, bãi cát bằng phẳng ở Trảng Ba... là điểm du lịch sinh thái dành cho du khách yêu thiên nhiên.


- Vườn Quốc Gia Yok Đôn: Yok Đôn là một trong những khu bảo tồn tự nhiên lớn nhất của Việt Nam, trên một diện tích 58.200 ha dọc theo con sông Sêrêpóc. Đây là nới cư trú của 62 loài động vật có vú, 196 loài chim, 40 loài bò sát, 13 loài lưỡng cư và 464 giống thực vật. Trong số 56 loài động vật hiếm thống kê được ở Đông Dương thì 38 loài có ở Yok Đôn. Yok Đôn nằm lọt vào giữa ba xã Krôngna, Eahuar và Eavel, khu vực sinh sống của các dân tộc ít người Êđê, Gia Rai, M'nông.

Kinh Tế

Đaklak có một vùng đồng bằng màu mỡ nhưng vì thiếu nước canh tác nên chỉ làm được một vụ mùa. Các hoa màu phụ là điều,hồ tiêu, ngô, khoai, sắn, lạc và trồng các cây kỹ nghệ như cà phê, cao su, keenaf. Cà phê Ban Mê Thuộc rất nổi tiếng. Rừng Daklak có nhiều lâm sản quí, nhất là các thứ gỗ và có đủ loại cầm thú. Riêng voi và cọp khá nhiều. Voi giúp thay thế sức kéo của dân chúng và cho một số xe vận tải chuyên chở nhiều đồ nặng. Mai rừng Daklak nhiều và đẹp vô cùng.

Nghề đánh cá hoạt động trên sông Krong Ana, Krong Kno và các hồ trong tỉnh, đặc biệt là những hồ thuộc quận Lạc Thiện. Dân chúng còn chuộng nghề nuôi cá chép, cá phi.

Khoáng sản trong tỉnh rất hiếm, chưa tìm ra quặng mỏ nào, ngoại trừ những hầm đá vôi ở các buôn Eatung, Ea Mirac, Ea Runol,... và đất sét ở các buôn Ea Ebu, Ea Tur, Buôn Kia... Nhà máy thủy điện tại thác Draying có khả năng cung cấp điện cho toàn thành phố Buôn Mê Thuộc và các vùng phụ cận.

Thủ phủ cà phê

Tuy cây cà phê không phải là cây nguyên sản, có xuất xứ ở Đắk Lắk nhưng do đã được du nhập vào trồng tại đây từ rất sớm và mảnh đất này đặc biệt phù hợp với việc canh tác cà phê. Cà phê Buôn Ma Thuột và Đắk Lắk luôn được đánh giá là có chất lượng cao, có hương vị đặc trưng; do đó thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột đã được thế giới biết đến; địa danh Buôn Ma Thuột cũng được nhiều người ví như một "thủ phủ cà phê" của Việt Nam do ở đây cây cà phê chiếm giữ một vị trí độc tôn, không loại cây trồng nào sánh được. Cây cà phê đã góp phần đưa Buôn Ma Thuột từ vị trí một thị xã tỉnh lẻ cao nguyên trở thành một thành phố sầm uất. Ở Đắk Lắk, một số vấn đề liên quan đến cà phê đã trở bản sắc văn hóa, như việc mời đi uống cà phê đã là một nét văn hoá rất đặc trưng của vùng này.

Lịch Sử

Dân chúng thường quen gọi tên tỉnh này là Buôn Mê Thuột hơn là Daklak. Theo truyền tụng, Buôn Mê Thuột trước có tên là "Buôn Ma Thuốt", thổ ngữ của sắc tộc Rhadé. "Buôn" là làng, ấp. "Ma" là cha. "Thuốt" là tên con của vị tù trưởng Êdê, ngày xưa đã lãnh đạo dân chúng chống lại những người Cam Bốt và Ai Lao thường tràn qua biên giới cướp phá. Vì vậy, "Buôn Ma Thuốt" được đặt tên để tưởng nhớ vị tù trưởng anh hùng tên Thuốt.

Daklak và Buôn Mê Thuột thuộc lãnh thổ Việt Nam từ trước thế kỷ thứ 14, nhưng chưa được triều đình quan tâm, vì thế chưa có cơ cấu hành chính tại đây. Sau khi quân Pháp đô hộ nước ta, chúng sát nhập Daklak vào nước Lào. Đến ngày 22-11-1904, Pháp lại đặt đất này thuộc Việt Nam và được sáp nhập vào Kontum.

Nhưng đồng bào ta không khuất phục quân thù. Năm 1893 quân Yersin tiến chiếm DakLak. Ba Tù trưởng Y Thu, M'Trang (bộ tộc Bih vùng Buôn Mblot) và Ama Jhao (bộ tộc Ktul) liền tập họp các dân làng Rhadé và M'nong đánh thực dân, đã khiến chúng phải chật vật, hao tổn nhiều nhân lực khi lên tới vùng Buôn Mê Thuột. Dân ta dựa núi rừng làm chiến khu, lấy dáo mác, cung tên làm vũ khí. Nhiều trận đánh ác liệt đã xảy ra tại khu rừng Bandon. Sau hai tù trưởng M'Trang và Ama Jhao sa vào tay giặc và bị giết.

Năm 1894, hai toán quân Pháp theo thung lũng sông Ba và sông Năng đến DakLak để tăng cường kế hoạch "bình định", bị đồng bào M'dhur chặn đánh nên phải rút về đồng bằng. Năm 1899, giặc xây xong căn cứ quân sự tại Bandon và cho tên Bourgoois mang quân đàn áp đồng bào Rhadé Kpa. Năm 1900, tên này lại đến chiếm buôn làng của đồng bào Bih, chuyên sống về nghề nông ở dọc theo hạ lưu sông Krong Ana và Krong Kno, nhưng bị tù trưởng Ngenh chống cự, rồi sau đó kêu dân trốn vào rừng, không để giặc cai trị.

Đến năm 1923, tỉnh DakLak được thành lập và đặt dưới sự cai quản của viên Công sứ quân Pháp tên Sabatier. Vì tham danh lợi, sau khi nhận chức tên công sứ này ngăn cấm không cho người Kinh lập nghiệp ở đây và cũng tìm cách ngăn chặn không cho các nhà tư bản Pháp đến lập đồn điền, để dễ dàng bóc lột đồng bào Thượng và mãi mãi là vua một cõi. Nhưng rồi y cũng bị doanh thương Pháp mua chuộc cấp trên chuyển đi nơi khác.

Dù rằng lệnh cấm này được bãi bỏ vào năm 1930, nhưng người Kinh nào muốn đến DakLak đều phải xin giấy phép hết sức khó khăn. Vào năm 1930, những cuộc nổi dậy của đồng bào ta ở miền Bắc và Nghệ An đã làm quân Pháp lo sợ, chúng liền cho xây một trại giam tù chính trị ở Buôn Mê Thuột và thành lập Tiểu đoàn Sơn cước để bảo vệ nơi này. Trước năm 1975, DakLak có bốn quận lớn là Buôn Mê Thuột, Lạc Thiện, Phước An và Buôn Hồ.

Di Tích

Chùa Khải Đoan: Là ngôi chùa của những người Việt sinh sống ở Đắk Lắk. Chùa được xây dựng năm 1951 - 1953 trên một khu đất thoáng rộng 89A đường Phan Bội Châu, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Ma Thuột. Chùa có kiến trúc theo kiểu chữ tam, trước cổng là tam quan, giữa là chính điện, sau là hậu tổ. Cổng tam quan gồm hai tầng với ba vòm cửa cao 7 m (21 ft), rộng 10,5 m (31.5 ft). Điện Quan Âm xây tách biệt với bố cục chính của chùa, hình lục giác với 6 cột trang trí hình rồng mây. Chính điện gồm hai phần, phần trước kiến trúc theo kiểu nhà dài của Tây Nguyên có cộ kèo nhà rường của ngườiViệt. Nửa sau xây theo lối hiện đại. Chính điện thờ Phật Thích Ca. Chùa có quả chuông nặng 380 kg bằng đồng đúc năm 1954.



Tháp Yang Prong: Là ngôi tháp cổ Chămpa duy nhất hiện còn ở Tây Nguyên, tháp nằm trong khu vực Bản Đôn, huyện Ea Súp, bên dòng sông Ea Leo. Tháp còn có tên là Tháp Chàm Rừng Xanh thờ thần Siva dưới dạng Mukhalinga (vị thần vĩ đại). Tháp có đáy vuông, đỉnh nhọn như củ hành khá đặc biệt, khác với các kiến trúc các tháp Chăm thường thấy ở các nơi khác. Tháp Yang Prông là một di tích văn hóa có giá trị ở Tây Nguyên.

- Buôn Đôn: Là quê hương của những người săn bắt và thuần dưỡng voi có một không hai của vùng Đông Nam Á. Buôn Đôn thuộc xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn, cách thành phố Buôn Ma Thuộc 50 km (31 miles). Buôn Đôn là một bản làng xinh đẹp, với những ngôi nhà sàn của những người M'nông, Êđê, Gia Rai, Khmer và Lào, nằm bên dòng sông Krông Ana, một nhánh rộng của dòng sông Sêrêpốc. Đây là một bản làng định canh, định cư từ hơn 100 năm trước và là chợ mua bán voi sầm uất và thịnh vượng của ba nước Đông Dương. Nơi đây có những ngôi nhà gỗ to lớn, được chạm khắc tinh xảo, cầu kỳ, xen lẫn ngôi nhà sàn sơn đỏ, mộc mạc.

Đến Buôn Đôn, du khách sẽ được gặp ông Y Prông E Ban, một dũng sĩ săn bắt và thuần dưỡng voi nổi tiếng, người đã đạt kỷ lục săn bắt và thuần dưỡng hơn100 con voi rừng. Ông sống trong một ngôi nhà nằm sát dòng sông Krông Ana, thiết kế theo lối kiến trúc dân tộc Lào. Nhà được làm từ một loại gỗ quí vì thế nó có giá trị tương đương với chục con voi tốt thời bấy giờ. Quay mặt ra phía dòng sông Sêrêpốc có một ngôi mộ bề thế, mộ của vua voi Y Thu. Ông Y Thu đã từng săn bắt, thuần dưỡng 180 con voi. Buôn Đôn hiện tại còn khoảng 40 con voi nhà. Khi đến Buôn Đôn, du khách còn có thể du ngoạn một chuyến trên dòng sông Sêrêpốc đi bằng voi, men theo bờ ra giữa cù lao để chiêm ngưỡng sự kỳ diệu của thác bảy nhánh, hoặc vào rừng quốc gia Yook Đôn để tham quan chim thú, cây rừng.

- Hồ Lắk Và Biệt Điện Bảo Đại: Hồ Lắk nằm trên tuyến đường giao thông giữa Buôn Ma Thuộc và Đà Lạt, cách Buôn Ma Thuộc khoảng 56 km (35 miles) về phía Nam theo quốc lộ 27, qua đèo Lạc Thiện 10 km (6 miles) đến thị trấn Lạc Thiện rẽ tay phải vài trăm mét đã thấy ngôi nhà nghỉ mát của cựu hoàng đế Bảo Đại ngày xưa.

Đây là nơi ông thường đến ngắm cảnh, săn bắn, nghỉ ngơi mỗi khi có dịp lên thành phố Buôn Ma Thuộc. Ngôi nhà nằm trên đỉnh đồi cao nhìn ra mặt nước của hồ Lắk. Hồ Lắk dài uốn khúc hệt như một dải lụa thiên thanh bao bọc lấy thị trấn Lạc Thiện. Hồ rộng trên 500 ha, được thông với con sông Kơ Rông Ana. Mặt hồ luôn xanh thắm in bóng rừng thông trên các ngọn đồi ven hồ. Xung quanh hồ là các cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với hệ động thực vật phong phú. Về mùa mưa, hàng trăm con suối, ngọn thác đổ nước về làm cho mặt hồ rộng thêm, sóng cồn lên như biển và dâng ngập hết cả các cánh đồng cỏ xung quanh.

Ra xa, nước sâu hơn là nơi ngự trị của các loài sen, súng. Sen ở hồ Lắk đẹp, che kín một dải dài trên mặt nước làm cho cảnh hồ thêm thơ mộng. Hồ Lắk là một thắng cảnh đẹp của vùng Tây Nguyên. Hồ vừa là nơi cung cấp nhiều cá, vừa là hồ chứa nước ngọt khổng lồ cung cấp nước cho hàng trăm ha ruộng nương, đồng thời còn làm cho khí hậu ở đây thêm phần mát hơn. Bên hồ Lắk có bản Jun, một buôn làng tiêu biểu của dân tộc M'nông. Đến đây du khách có dịp ngao du trên lưng voi để ngắm buôn làng, tham quan núi rừng Tây Nguyên.

Lễ Hội

- Hội Đua Voi Tây Nguyên: Lễ hội thường diễn ra vào mùa Xuân, khoảng tháng 3 âm lịch (vùng dân tộc M´nông, Êđe, Lào). Hội đua voi thường được tổ chức ở Buôn Đôn hoặc cánh rừng thưa ven sông Sêrêpốc. Bãi đua là một dãi đất tương đối bằng phẳng thường là khu rừng lớn có ít cây to đủ để 10 con voi giăng hàng đi cùng một lúc, chiều dài từ 1 - 2 km (0,6 - 1,2 miles).

Một hồi tù rút lên, theo lệnh điều khiển từng tốp voi đứng vào vị trí xuất phát. Khi có lệnh xuất phát thì những chú voi phóng về phía trước, cùng với tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng hò reo cổ vũ âm vang cả núi rừng. Khi cuộc đua kết thúc, những chú voi được giải, giơ cao chiếc vòi vẫy chào mọi người rồi ngoan ngoãn bước đi ung dung, đôi tai phe phẩy. Ngày hội đua voi là ngày vui lớn ở Tây Nguyên, nó phản ánh tinh thần thượng võ của người M'nông, một dân tộc đầy đức tính dũng cảm có kinh nghiệm trong những cuộc săn bắt voi rừng.

- Hội Xuân: Kéo dài chừng từ 2 đến 3 tháng, từ ngày đưa lúa vào kho đến ngày sấm rang đầu mùa. Đó là thời gian tạm dừng việc sản xuất để tham gia hội hè và thăm bạn bè. Buôn làng được sửa sang khang trang. Sóc (làng) nọ tiếp sóc kia, buôn nọ tiếp buôn kia mở hội đâm trâu. Đâm trâu cúng thần làng, đâm trâu xin thần phù hộ cho từng sóc, đâm trâu nhân lễ bỏ mả để hồn trâu theo người đã khuất về thế giới bên kia. Khách được xem những hội lễ với những trò vui diễn lại tích xưa từ thời Đông Sơn được tham dự những điệu múa, lời ca quyện tiếng cồng, chiên bi hùng của những con người nơi rừng núi. Người dân ở đây rất hiếu khách, đón tiếp khách rất ân cần nồng hậu và đầy tình nhân ái. Hội kéo dài từ tháng 10, tháng 11 đến tháng giêng, tháng hai âm lịch hàng năm.

- Lễ Lớn Khôn (MPUH): Lễ lớn khôn của dân tộc Êđe. Lễ kéo dài hai ngày hai đêm để xác nhận chàng trai Êđê đã đến tuổi trưởng thành. Lễ tổ chức ở các suối nước, trên đường và tại nhà của chàng trai. Nhiều nghi lễ dân tộc được tiến hành cùng với sinh hoạt văn hóa kể chuyện dân gian.

Ngoài các lễ hội kể trên, Đắk Lắk còn có các lễ hội khác như lễ Ăn Trâu, lễ cúng cơm mới, lễ Bỏ Mả như của các tỉnh bạn trên đất Tây Nguyên.








Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp