03/10/2010 22:00 (GMT+7)
Số lượt xem: 5278
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bản đồ Tỉnh Gia Lai

Địa Lý

Diện tích: 16.212 km2.
Dân số (2004): 1.048.231 người.
Tỉnh lỵ: Thành phố Pleiku.
Các huyện: An Khê, Ayun Pa, Chư Păh, Chư Prông, Chư Sê, Đức Cơ, Ia Grai, Kbang, Krông Pa, Kong Chro, Mang Yang.
Dân tộc: Việt (Kinh), Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ Triêng...

Gia Lai là một tỉnh miền núi - biên giới nằm ở phía Bắc Tây Nguyên trên độ cao 600 m - 800 m (1,800 ft - 2,400 ft) so với mặt biển. Phía Bắc giáp tỉnh Kon Tum, phía Nam giáp tỉnh Đắc Lắc, phía Tây giáp Cam-Pu-Chia với 90 km (56 miles) là đường biên giới quốc gia, phía Đông giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên.

Gia Lai có khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên, chia làm hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm 21° C - 25° C. Vùng Tây Trường Sơn có lượng mưa trung bình năm từ 2.200 mm - 2.500 mm (87 - 98 in), vùng Đông Trường Sơn từ 1.200 - 1.750 mm (47 - 69 in). Khí hậu Gia Lai giống như khí hậu tỉnh Kon Tum và Đắk Lắk với hai mùa mưa nắng theo gió mùa.

Tỉnh có trục quốc lộ 14 nối với Quảng Nam và các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ; trục quốc lộ 19 nối với các tỉnh duyên hải miền Trung từ Qui Nhơn đến Pleiku và đi các tỉnh Đông Bắc Cam-Pu-Chia; quốc lộ 25 nối với Phú Yên. Thành phố Pleiku nằm trên ngã ba giao lộ của quốc lộ 19, quốc lộ 14, quốc lộ 25, cách cảng Qui Nhơn 180 km (113 miles) đường bộ, cách Sài Gòn 541 km (338 miles). Tỉnh có sân bay Pleiku khá lớn.

Gia Lai là đầu nguồn của nhiều hệ thống sông đổ về miền duyên hải Cam-Pu-Chia như sông Ba, sông Sê San và các con suối khác. Vùng đất Gia Lai có nhiều suối hồ, ghềnh thác, đèo và những cánh rừng nguyên sinh tạo nên những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ thơ mộng mang đậm nét hoang sơ nguyên thủy của núi rừng Tây Nguyên. Đó là rừng nhiệt đới Kon Ka King, rừng Kon Cha Rang nơi có nhiều động vật quí hiếm; thác Yaly hùng vĩ; thác Xung Khoeng hoang dã ở huyện Chư Prông; thác Phú Cường thơ mộng ở huyện Chu Sê.

Nhiều con suối đẹp như suối Đá Trắng, suối Mơ và các danh lam thắng cảnh khác như bến đò "Mộng" trên sông Pa, biển hồ Tơ Nưng trên núi mênh mông và phẳng lặng - núi Hàm Rồng cao 1.092 m (3,087 ft) mà đỉnh là miệng của một núi lửa đã tắt.

Thắng Cảnh

- Thác Xung Khoeng: Cách thành phố Pleiku hơn 30km (19 miles) về phía Tây Nam, thuộc địa phận huyện Chư Prông. Thác Xung Khoeng hùng vĩ cao khoảng 40 m (120 ft) Từ xa đã nghe thấy tiếng ầm ì, nước đổ từ trên cao xuống như một dải lụa trắng. Mặt thác lớn, trải rộng và tương đối bằng phẳng. Hai bên bờ, cây cối mọc um tùm. Phía sau thác là nền trời xanh thẳm cao lồng lộng.

Nước đổ xuống uốn cong theo triền đá mềm mại, đập vào các tảng đá nổi lên trên mặt nước tung bọt trắng xóa. Nước chảy len lỏi trong các khe đá, trên thảm cỏ xanh làm thành một vùng hồ nước trong vắt, sát với các vách đá xung quanh. Thác Xung Khoeng là nơi nghỉ ngơi thú vị của du khách vừa ngắm nhìn vẻ hùng tráng của thiên nhiên, vừa hít thở không khí trong lành mát mẻ giữa núi rừng hùng vĩ.



- Biển Hồ Tơ Nưng: Cách thành phố Pleiku về phía Bắc 6 km (4 miles) đường chim bay. Biển hồ Tơ Nưng nguyên là một miệng núi lửa ngừng hoạt động đã hàng triệu năm để lại. Hồ có hình bầu dục, diện tích 230 ha. Nước hồ quanh năm đầy ắp, xanh trong có thể nhìn rõ từng đàn cá bơi lội dưới nước. Hồ có độ sâu từ 20 m (60 ft) đến 40 m (120 ft). Đây là vựa cá, hàng năm cung cấp cho Pleiku hàng trăm tấn cá. Phong cảnh xung quanh hồ thật ngoạn mục, từ những bụi cây ven hồ, tiến hót của các loài chim lảnh lót mỗi buổi sớm mai. Kế đó là những cánh rừng bạt ngàn, những ngọc đồi uốn lượn trập trùng... Những chiếc thuyền độc mộc lướt trên mặt nước. Biển hồ Tơ Nưng được ví như hạt ngọc của Pleikhu và của cả Tây Nguyên.



Kinh Tế

Kinh Tế

Số đồng bào Thượng sinh sống ở Gia Lai đông nhất, rồi đến người Kinh. Người Thượng trong tỉnh thuộc các sắc tộc chính là Djarai (Gia Rai) Bahnar, Rhadé; ngoài ra là các sắc tộc phụ như Tolo, Bahnar, Alo Kone, Djarai Arap... Đồng bào Thượng và Kinh sống rất cần cù nhẫn nại, luôn luôn hòa hợp với nhau. Ba tôn giáo chính là Thiên Chúa, Phật, thờ phụng Tổ Tiên và Thần Linh.

Vì Gia Lai có quá nhiều rừng và lưu lượng nước sông bất thường nên việc canh nông tại đồng bằng không đủ cung ứng trong tỉnh. Nhiều nơi chỉ trồng lúa được một mùa, nơi nào có đập nước như quận Lệ Trung thỉ canh tác hai mùa. Đồng bào Thượng trồng lúa lốc và lúa Thượng (một loại nếp). Các loại hoa màu phụ là khoai, sắn, ngô và rau. Các loại cây kỹ nghệ được trồng nhiều như cao su, cà phê, trà, bông và mía...

Lâm sản có nhiều gỗ quí như cẩm lai, trắc, sao, dầu... và cũng có nhiều dã thú. Khoáng sản gần như không khai thác được mỏ gì. Đời sống của dân chúng thường tập trung vào các ngành buôn bán liên quan đến việc khai thác lâm sản.

Lịch Sử

Trước đây Gia Lai là vùng rừng rậm hoang vu chỉ có đồng bào Thượng sắc tộc Djarai (Gia Rai)sinh sống.

Thời Pháp thuộc, đồng bào Thượng nổi lên kháng chiến. Tháng 2-1907 Cuénot mang quân đến Pleipang. Dân quân Bahnar đánh trống báo động khắp vùng, rồi rào làng và cấm chông. Dùng tên độc chống cự mãnh liệt. Năm 1911, viên công sứ quân Pháp ở Kontum cho người điều tra về tình hình an ninh và kinh tế vùng này. Đến năm 1913, quân Pháp đặt một tòa đại lý hành chính ở đây do người Pháp cai quản. Năm 1914, đồng bào Thượng nổi lên chống bắt đi phu và giết lính Pháp. Năm 1918, đồng bào Gia Lai tấn công các đồn bót và giết tên công sứ Pháp.

Ngày 12-2-1929 Gia Lai tách khỏi Kontum để trở thành một tỉnh riêng biệt.

Di Tích

Quần Thể Di Tích Tây Sơn Thượng Đạo: Là di tích của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, gồm có:

Đình An Khê tại thị trấn An Khê (huyện An Khê), nơi tụ tập nghĩa quân và dấy binh khởi nghĩa của ba anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ.

Gò Chợ huyện An Khê, nơi giao lưu buôn bán của Nguyễn Nhạc để lấy tiền nuôi quân và tuyển mộ binh sĩ.

Hòn Đá ông Bình (Huệ) huyện An Khê, nơi ngồi nghỉ sau đợt luyện quân của ông Huệ.

Hòn đá ông Nhạc huyện An Khê, nơi ngồi nghỉ của ông Nhạc sau mỗi đợt luyện quân của ông Nhạc.

Vườn Mít - cánh đồng Cô Hầu huyện K.Bang, vùng căn cứ lo việc hậu cần, nơi cung cấp lương thực cho nghĩa quân.

Kho tiền - nền nhà ông Nhạc huyện Kong Choro, nơi cất giữ lương thực, tiền tệ cho cuộc khởi nghĩa và là nơi ở của ông Nhạc trước khi cuộc khởi nghĩa nổ ra và hiện nay chỉ còn lại nền nhà.

Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn với người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ là một điểm sáng của lịch sử Việt Nam. Ngày nay, nhiều người dân Việt Nam và cả những người nước ngoài luôn quan tâm đến sự kiện lịch sử này.


Chùa Bửu Nghiêm: Chùa được xây dựng năm 1964 tại số 200 đường Duy Tân, phường Diên Hồng, thành phố Pleiku. Đến năm 1978 ngôi chánh điện chùa được trùng tu. Trong những năm gần đây, Hòa Thượng Thích Từ Hương, trụ trì chùa, đang tiếp tục công việc tu sửa, mở mang ngôi chùa cùng với các hoạt động văn hóa từ thiện tại địa phương.

Chùa Bửu Thắng: Chùa tọa lạc ở số1A đường Sư Vạn Hạnh, phường Hội Thương, thành phố Pleiku. Chùa được xây dựng trong thời kỳ chấn hưng Phật Giáo vào những năm 1930. Chùa xây dựng trên một khu đất rộng 3.168 m2 (28,512 square ft). Chùa được trùng tu lớn vào những năm 1960, 1964 và 1992.

Lễ Hội

Lễ Hội Đâm Trâu: Đây là ngày hội phổ biến ở nhiều dân tộc Tây Nguyên, là sinh hoạt văn hóa dân gian nổi bật nhất. Nhiều loại hình văn hóa được huy động tham gia lễ hội này. Lễ hội được tổ chức tại nhà Rông. Con trâu là vật hiến tế Thần Giàng. Sau các nghi thức cầu Thần linh về chứng giám lòng thành của bà con và nhận lễ vật, trâu được mang ra cột giữa sân, trẻ con, người già, trai gái cùng nhau nhảy múa, tiếng nhạc cồng chiêng nổi lên. Một đội đâm trâu gồm những thanh niên trẻ khỏe được trang bị giáo mác và nghi thức đâm trâu được diễn ra. Sau đó buôn làng mổ trâu ăn mừng. Lễ Ăn Trâu thường được tổ chức từ 2 đến 3 ngày vào những dịp đặc biệt của buôn làng hay của mỗi gia đình và bao giờ cũng có sự tham gia hào hứng của các cộng đồng.

Lễ Ăn Cơm Mới: Được tổ chức tại nhà riêng hoặc nhà Rông sau vụ thu hoạch của đồng bào Ba Na ở hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai. Lễ được tổ chức để tạ ơn Thần lúa và lễ hội mừng mùa thu hoạch mới, cầu mong cho ruộng nương ngày càng nhiều thóc lúa. Dân làng cúng Thần lúa bằng heo hoặc gà trước khi sử dụng lúa để ăn hoặc mang đi biếu. Lễ ăn cơm mới được tổ chức đơn giản và không tốn kém.

Lễ Hội Đổ Giàn: Tổ chức vào ngày 15/7 âm lịch hàng năm tại chùa Bà, làng An Thái, huyện An Nhơn. Ngoài ý nghĩa lễ Vu Lan -lễ báo hiếu nhà Phật, đây còn là hội đua tài của các võ sĩ của các làng võ quanh vùng. Trong lễ hội có nhiều sinh hoạt văn hóa, đặc biệt là hát bội. Phần chính của hội là tranh tài cướp heo quay, vật cúng Thần từ trên giàn cao tung xuống mang về cho làng mình. Người thắng cuộc là người được nhân dân quý trọng.

Ngoài ra, ở Gia Lai cũng có lễ Bỏ Mả, lễ cúng đất làng giống như các dân tộc sống ở các tỉnh Kon Tum và Đắc Lắk.











Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp