04/06/2012 11:38 (GMT+7)
Số lượt xem: 133287
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong khi chèo xuồng trên Nong Pa Fa (hồ ba ba), thấy quầng sáng kỳ lạ thoắt ẩn thoắt hiện ở lỗ thông phả xuống mặt hồ, tò mò Buon Non bám theo dây leo lần tìm trên vách núi nhiều lần và cuối cùng phát hiện cửa hang Phật Thăm Pa Fa rất nhỏ lẩn khuất giữa đám cây bụi.


Chúng tôi đặt mục tiêu của chuyến đi là viếng thăm những nơi linh thiêng ở xứ sở được xem là đất Phật. Hàng loạt địa danh nổi tiếng được các thành viên trong nhóm xướng tên.

Cuối cùng chúng tôi chọn điểm mới bóc tem là hang Phật theo sự gợi ý của Hùng - một tay đam mê khám phá những vùng đất lạ. Anh đã sống ở Lào hơn 10 năm, thông thạo tiếng Lào như tiếng mẹ đẻ.

Viếng chùa bàn chân Phật

Từ thủ đô Viêng Chăn, chiếc Toyota Vigo xuôi theo quốc lộ 13 về phía Nam Lào. Đường phẳng lì và vắng nên chưa đầy hai tiếng đồng hồ bay gần 200 km. Hùng ra hiệu cho lái xe dừng lại và dẫn chúng tôi vào tham quan ngôi chùa Phabat Phonsanh nổi tiếng linh thiêng ven quốc lộ, thuộc địa phận tỉnh Borikhamxay.

Chùa rộng 12ha với nhiều tòa tháp, tịnh thất, điện thờ. Tòa tháp cổ càng uy nghi với dãy núi điệp trùng phía xa xa; bức tượng Phật nằm rất lớn được sơn son thếp vàng sống động và đặc biệt nơi đây có dấu tích bàn chân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Theo lời một nhà sư ở Phabat Phonsanh, dấu chân Phật được tìm thấy ở khu vực phía đông vào tháng 3-1933 (Phật lịch 2476) có chiều dài 2,4m, rộng 1,2m, mang biểu tượng bánh xe luân hồi, hoa sen và 108 loài vật ở viền bàn chân.

“Ngôi chùa này là linh địa hành hương của đông đảo Phật tử trong và ngoài nước, nhất là Thái Lan và Việt Nam” - anh Khamteum, cựu binh bộ đội Lào, người từng được phong danh hiệu Dũng sĩ diệt máy bay nói.

Những ngày trọng đại như Tết Bunbimay, Phật đản, Phật hóa thân…, người Lào tổ chức lễ hội lớn nhất ở That Luang (tòa tháp lớn đã trở thành biểu tượng quốc gia, được in trên tiền giấy và quốc huy của Lào), kế đến là chùa Phabat Phonsanh. Hàng ngày khi lái xe ngang cổng chùa, nhiều tài xế dừng lại chắp tay thành kính khấn nguyện cầu xin Đức Phật phù hộ thượng lộ bình an.


Leo thang dây lên hang Phật.

Hành lễ tại cầu Pakkading

Tiếp tục rong ruổi trên quốc lộ 13 khoảng 100km, chúng tôi đến cầu Pakkading. Bác tài Hatsaphone hãm bớt tốc độ vì mấy chiếc ô tô phía trước dừng lại trên cầu để tài xế đốt thuốc lá, lầm rầm khấn vái rồi thả xuống dòng sông.

Hatsaphone cũng thả một điếu thuốc xuống dòng nước để xin được thượng lộ bình an rồi giảng giải: Pakkading là cửa sông Nam Kading đổ ra Mekong tạo nên ngã ba sông khá ấn tượng, phía trái có dãy núi cao còn bên kia bờ sông là Thái Lan.

Cây cầu lớn (dài 350m, rộng 8m) bắc qua sông do Liên Xô tài trợ xây dựng năm 1985 cũng mang tên là Pakkading. Khi các chuyên gia Liên Xô chuẩn bị động thổ, trưởng bản đề nghị làm lễ cúng vì khu vực này rất linh thiêng nhưng họ không nghe. Sau đó có những tai nạn ngẫu nhiên nhưng dân bản cho rằng sông thiêng nổi giận.

Tuy nhiên, theo anh Khamteum thì thủ phạm gây ra những tai nạn đau xót cho những người làm cầu là cá tích điện. Loài cá này rất lớn, đầu cá nhưng mình rắn, da trơn, vằn vện, có khả năng tích điện rất mạnh. Chúng sống trong các hang nơi cửa sông, hiếm khi xuất hiện nhưng khi nơi trú ẩn bị quấy nhiễu thì chúng quẫy đạp mạnh và khi chạm vào ai thì người đó bị giật chết ngay tại chỗ.

Anh Hùng cũng cho biết: Vào mùa mưa lũ, nước dâng rất cao, sóng lớn và xuất hiện những xoáy sâu dễ gây đắm thuyền, chết người nên càng có nhiều lời đồn đoán hoang đường ở khu vực ngã ba sông này.

Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa hơn, do đó cánh lái xe người Lào thường đốt thuốc ném xuống sông mời thế lực siêu nhiên. Một số người còn bày hoa, trái cây, vàng mã… để cúng rồi thả trôi theo dòng nước.

Hành hương về hang Phật

Người địa phương bảo không nên chụp ảnh cầu Pakkading vì dễ khiến hà bá nổi giận gây họa nhưng chúng tôi vẫn cố chụp vài tấm. Sau đó, chiếc Vigo lại bon bon trên quốc lộ 13 thêm 162km để đến Thakhet - một trong những thành phố lớn của Lào với nhiều công trình xây dựng mang dấu ấn kiến trúc Pháp - rồi rẽ sang quốc lộ 12 chừng 4km đến bản Thakhuae.

Từ đó, ô tô còn phải vượt qua 9km đường đất đỏ bụi mù mới tới được hang Phật. Ven đường cây cối xanh um, xa xa là những dãy núi hùng vĩ; đặc biệt trên một quả núi có hình mặt người thiên tạo rất ấn tượng.

Đường vào hang Phật (còn gọi là Thăm Pa Fa) vẫn đang trong quá trình xây dựng nên chúng tôi phải lội bộ một đoạn khá xa băng qua các trảng cỏ xanh mượt và cây cầu nhỏ lắc lư uốn theo ao nước. Cầu gồm hàng trăm mảnh ván được kết lại với nhau bằng dây mây.


Ngọn núi có hình mặt người.

Dưới chân núi có bảng nội quy rất dài liệt kê mười mấy điều cấm khi vào hang, chẳng hạn không được mang túi xách; không hút thuốc, đánh bạc; không thắp nhang và đốt đèn cầy… có lẽ nhằm mục đích chống trộm đồng thời giữ vẻ tôn nghiêm và bảo vệ các pho tượng cùng thạch nhũ.

Đọc đến điều khoản phụ nữ phải mặc xà rông (váy truyền thống của phụ nữ Lào - PV) mới được vào hang, tôi không khỏi bối rối vì chưa sử dụng loại váy này bao giờ. May thay, dưới chân núi có một phụ nữ trung niên chuyên cho thuê xà rông chỉ với 2.000 kip/chiếc, tương đương 5 ngàn đồng Việt Nam. Chị khéo léo chọn chiếc hợp với màu áo và nhẹ nhàng quấn xà rông quanh bụng tôi.

Hang nằm ở lưng chừng núi với lối vào là một cái lỗ nhỏ được ngụy trang khá kín đáo chỉ một người chui lọt.

Buon Non bám theo dây leo lần tìm trên vách núi nhiều lần và cuối cùng phát hiện cửa hang rất nhỏ lẩn khuất giữa đám cây bụi. Ông phát quang bụi cây, chui vào hang và lặng người khi phát hiện có quá nhiều tượng Phật trong hang đá vôi tuyệt đẹp

“Ngày trước, muốn lên tới cửa hang phải dùng chiếc thang dây dài khoảng 20m. Nam giới leo không khó khăn lắm nhưng đàn bà, con gái quấn xà rông dài chấm gót mà chinh phục chiếc thang lắc lư theo mỗi bước chân quả không đơn giản. Những năm gần đây người ta cho xây cầu thang xi măng để leo lên miệng hang cho tiện mà thợ xây là người Việt Nam đó!” - ông Ka Si, một cựu binh hiện đang trông coi hang Phật nói.

Từng kề vai chiến đấu cùng bộ đội Việt Nam ở Pakse (tỉnh Champasak) nên ông rất vui khi gặp và nói chuyện với người Việt.

Quản lý hang Phật là ông Buon On (60 tuổi) cho hay cái hang này do ông Buon Non (56 tuổi, sinh sống tại bản Thakhuae) phát hiện năm 2004. Buon Non đã mất cách đây 3 năm nhưng trước đó ông Buon On đã từng gặp và được nghe Buon Non kể về chuyện khám phá Thăm Pa Fa.

Chuyện là trong khi chèo xuồng trên Nong Pa Fa (hồ ba ba), thấy quầng sáng kỳ lạ thoắt ẩn thoắt hiện ở lỗ thông phả xuống mặt hồ, tò mò Buon Non bám theo dây leo lần tìm trên vách núi nhiều lần và cuối cùng phát hiện cửa hang rất nhỏ lẩn khuất giữa đám cây bụi.

Ông phát quang bụi cây, chui vào hang và lặng người khi phát hiện có quá nhiều tượng Phật trong hang đá vôi tuyệt đẹp.


Tượng Phật cổ.

Cũng theo ông Buon On, ngành chức năng đã tiến hành thẩm định và kết luận hang Phật có 229 tượng cổ với nhiều chất liệu, kích cỡ gồm 16 tượng bằng vàng, 123 tượng bạc, 64 tượng đồng, còn lại điêu khắc từ đá và gỗ. Một số bức tượng Phật đứng tí hon chỉ 3-4cm nhưng cũng có tượng Phật ngồi cao hơn 1m.

Tượng được sắp xếp, bài trí từng cụm rất bài bản phù hợp với không gian huyền bí của hang và những mảng nhũ đá, măng đá, rèm đá nguyên sơ, nguyên thủy tuyệt đẹp; nhiều đoạn nhũ tạo thành những hình thù lạ mắt, như triết lý vi diệu cõi Thiền.

Chỗ này thạch nhũ tự nhiên như những chiếc lá mỏng xếp chồng lên nhau, chỗ khác thạch nhũ dạng sợi như những dây đá màu trắng rủ xuống từ vòm hang…

Người Lào rất hồn hậu, đời sống tâm linh phong phú nên tượng Phật ở xứ này cũng vô cùng đa dạng, muôn hình vạn trạng: Từ Phật có sắc diện thánh thiện đến Phật mang hình chim muông, mãnh thú, thủy vật, tiên cá… Thế nhưng toàn bộ tượng Phật trong hang này đều có gương mặt thánh thiện, bình dị hoặc nghiêm nghị, trầm tư; dáng vẻ thanh thoát.

Phải chăng những người sưu tầm, cất giấu tượng Phật đã định hình phong cách đầy chủ ý cho hang Phật ? Hiện thời gian hình thành hang Phật và tác giả của hang kỳ bí này vẫn còn là ẩn số và các nhà khoa học đang nghiên cứu. Tuy nhiên kết quả ban đầu cho thấy số tượng trong hang phản ánh hình ảnh của Phật giáo ở Lào cách đây không dưới 600 năm.

Đất nước Lào anh em đã phải hứng chịu nhiều cuộc chiến tranh. Kẻ thù ra tay tàn phá các ngôi chùa nhằm xóa bỏ tâm linh của người Lào và cướp các bức tượng cổ quý giá.

Những người yêu nước tìm mọi cách cất giấu tượng trong hầm hào, hang động… để bảo toàn tượng Phật khỏi khói lửa chiến tranh. Nhiều ý kiến cho rằng hang Phật này có thể được hình thành trong hoàn cảnh đó.

Tỉnh Khammuan đang mở một con đường nối Hang Phật với Thakhek - nơi có cầu hữu nghị lớn và đẹp nối với tỉnh Nakhon Phanom của Thái Lan. Con đường chưa hoàn tất nhưng Phật tử và du khách viếng Thăm Pa Fa đã nhộn nhịp vào những dịp lễ, tết. Hang khá hẹp nên mỗi lần chỉ có 30 người được vào; tuy thế, mọi người đã ngộ chữ Nhẫn khi xếp hàng dưới chân núi chờ đến lượt.

Theo Kim Anh - TPO

http://chuaphuclam.com/index.php?/tin-tuc/bi-an-hang-phat-tham-pa-fa.html


Âm lịch

Ảnh đẹp