nhưng cũng
không ít ngôi Chùa mộc mạc gắn với làng quê của dân gian.Nếu bạn đến du
lịch Huế mà bỏ sót những điểm du lịch tâm linh đặc sắc này thì thật
lãng phí, nhiều chùa ở Huế đã đi vào lịch sử Huế, gắn liền với nhiều sự
tích, nhiều câu chuyện ly kỳ hấp dẫn.
Chùa Thiên Mụ
Chùa Thiên Mụ đi vào từ cổng chính
Sân sau chùa
Thiên
Mụ là một trong những chùa được nhắc đến đầu tiên khi bạn đến Huế. Quá
trình xây dựng Chùa là một, nhưng những tương truyền về lý do xây dựng
ngôi chùa thì nhiều. Chuyện kể rằng khi chúa Nguyễn Hoàng đang đi tìm
đất để định đô, đến khu vực ngọn đồi bên cạnh dòng Hương này thì gặp một
bà lão tóc bạc trắng. Chúa hỏi thăm đường bà lão, lúc đó bà lão đưa cho
chúa một nén hương và dặn rằng : “Ngươi nãy cầm nén hương này xuôi theo
dòng sông, đến nơi nào mà nén hương này cháy hết, thì nơi đó chính là
nơi mà ngươi đang cần đến”. Theo lời bà lão, chúa Nguyễn Hoàng đã xuôi
theo dòng Hương đến địa phận Kinh thành Huế bây giờ thì nén hương cháy
hết. Chúa bèn dừng lại tại đó, mở đất, xây thành lập nên vương triều Nhà
Nguyễn tồn tại hơn 200 năm qua 13 triều đại kế tiếp nhau. Nhớ ơn bà lão
đã chỉ đường cho mình, chúa Nguyễn Hoàng đã cho xây dựng 1 ngôi chùa
tại địa điểm mà chúa đã gặp bà lão để thờ và đặt tên là chùa Thiên Mụ
(tức bà mụ nhà trời).
Nhưng
trong thực tế, ở đây đã từng tồn tại một ngôi chùa của người Chàm – di
tích được nhắc đến trong sách Ô châu cận lục của Dương Văn An vào năm
1553. Nhưng phải đến năm 1601 với quyết định của chúa Nguyễn Hoàng, chùa
mới chính thức được xây dựng. Việc xây chùa của chúa Nguyễn Hoàng cũng
gắn liền với một truyền thuyết khác.
Truyền
thuyết xưa kể lại rằng : Đồi Hà Khê rất thiêng, khoảng đời nhà Đường có
viên đại tướng tên là Cao Biền từng đi khắp các nơi núi non sông biển
nước ta xem nơi nào có khí linh thiêng thì tìm cách yểm đi. Cao Biền
thấy trên đồi Hà Khê có khí thiêng, bèn đào sau chân đồi để cách mạch
đi, khiến cho linh thiêng về sau không cư tụ được. Đêm hôm đó bỗng có
một người đàn bà thể sắc trông thì còn trẻ nhưng mái tóc bạc phơ, mình
vận áo đỏ ngồi dưới chân đồi than vãn, rồi cất tiếng nói to: “Đời sau
nếu có bậc quốc chủ muốn bồi đắp mạch núi để làm mạch cho Nam triều thì
nên lập chùa thờ Phật, thỉnh cầu linh khí trở về nơi núi này để phúc dân
giúp nước, tất không có gì phải lo”. Người đàn bà ấy nói xong biến mất.
Từ đó gò đất được gọi là núi Thiên Mụ.
Chùa Thiên Mụ nhìn từ ngoài vào
Khoảng
năm 1601, Nguyễn Hoàng tức chúa Tiên, vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng
Trong sau khi rời kinh đô Thăng Long đem quân vào đây định kế lâu dài,
ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở
mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này.
Chùa
Thiên Mụ (còn gọi là Linh Mụ) nằm trên một ngọn đồi xã Hà Khê (cũ) mặt
nhìn xuống dòng sông Hương, như thể đầu rồng ngoảnh lại, cách Cố đô Huế
về phía Tây khoảng 5 km. Xưa kia nơi đây là một quả đồi hoang thuộc làng
An Ninh, huyện Hương Trà, nay là phường Hương Long, thành phố Huế. Dưới
con mắt của các nhà phong thủy thì vị trí của chùa Thiên Mụ quả là nơi
đắc địa hiếm có. Chùa nằm trên ngọn đồi có nhiều cây cối xanh tốt, phía
sau là những dãy gò đống nối dài, trước mặt là dòng sông Hương như dải
lụa ôm sát chân đồi tạo nên sự hài hòa thơ mộng giữa kiến trúc với thiên
nhiên. Chùa có khuôn viên rộng tới gần 4 ha, được bao bọc bởi tường
gạch chu vi hơn 800m, phía trước là tháp đình, phía sau là điện miếu,
tất cả đều toát lên vẻ trang nghiêm, huyền ảo.
Tháp Phước Duyên
Tháp
Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ.
Tháp cao 21m, gồm bảy tầng, được xây dựng ở phía trước chùa. Mỗi tầng
tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên
tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng. Phía trước
tháp là đình Hương Nguyện. Chùa Thiên Mụ hiện có hai quả chuông. Một quả
chuông được đúc vào năm Canh Dần (1710) đặt trong một ngôi nhà bát giác
phía bên phải tháp Phước Duyên (nhìn từ trong ra). Chuông cao 2,50m,
đường kính miệng 1,40m, cân nặng 3.285 cân (tương đương 1.986 kg). Trên
chuông có khắc bài minh của chúa Nguyễn Phúc Chu “chú nguyện mưa thuận
gió hòa, quốc thái dân an”. Chuông này hiện nay chỉ được đặt như một
pháp khí của chùa mà không đánh. Còn chiếc chuông đang làm nhiệm vụ giữ
nhịp thời gian của “tiếng chuông Thiên Mụ” hiện nay được đúc vào năm Gia
Long thứ 14 (1815), đặt trên lầu chuông bên trái cổng Tam Quan, để đi
vào điện Đại Hùng.
Quả chuông được đúc vào năm Canh Dần (1710), pháp khí của nhà chùa
Chuông Thiên Mụ đang sử dụng, đúc vào năm Gia Long thứ 14 (1815)
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương
Chùa
Thiên Mụ còn gắn liền với một câu chuyện tình bi thương, một sự tích
đau buồn mà đến nay vẫn còn lưu truyền, người dân Huế thường lấy đó để
lý giải nguyên do tại sao những đôi tình nhân thường ít khi cùng nhau
tới đây để cầu khấn.
Tương
truyền, vào thời Nguyễn, có một cặp trai gái yêu nhau thắm thiết. Cô
gái là con nhà có quyền lực, danh giá, có đủ cả thục, hiền, lễ, nghĩa,
đức, trinh. Còn chàng trai thì mồ côi, nghèo khổ. Do đó cuộc tình của họ
bị nhà cô gái phản đối kịch liệt. Suốt 5 năm trời, họ vừa lén lút hẹn
hò nhau, vừa ra sức thuyết phục bên nhà gái tác hợp cho mối lương duyên
nhưng không được. Họ đưa nhau đến chùa Thiên Mụ cầu xin trời phật phù hộ
để được sống bên nhau trọn đời trọn kiếp. Tuy nhiên suốt 5 năm tiếp đó,
nhà cô gái không những không thay đổi thành kiến, mà còn ép cô lấy một
vị quan nhất phẩm trong triều. Bị ép tới đường cùng, và cảm thấy không
còn con đường nào để hai người được ở bên nhau, chàng trai và cô gái hẹn
nhau ra bờ sông Hương trầm mình tự vẫn. Họ mong rằng khi sống không
được ở bên nhau, thì lúc chết sẽ được gắn bó mãi mãi.
Sân sau chùa Thiên Mụ
Thật
ác nghiệt thay, nước sông Hương dìm chết chàng trai. Nhưng cô gái trôi
dạt vào bờ và được các ngư dân cứu sống. Từ đó, cô gái bị gia đình giam
lỏng trong nhà. Cô luôn tìm cách tự tử để đi theo chàng trai nhưng không
thành. Thời gian trôi qua, nỗi đau mất người yêu dần nguôi ngoai, cô
gái theo sự sắp đặt của gia đình, kết hôn với vị quan nhất phẩm nọ và
sống cuộc đời sung túc, đầy đủ. Oan hồn chàng trai nằm dưới đáy sông
Hương chờ mãi không thấy người yêu, hận cho số phận uất trắc của mình,
liền “nhập” vào chùa Thiên Mụ “bục” cho những đôi tình nhân đến đây cầu
duyên đều bị chia tán vĩnh quyết đôi đường đôi ngả. Những ai đang phòng
đơn gối chiếc, đến đây thành tâm khấn vái, nhất định sẽ sớm gặp được
người trong mộng. Nhưng đã có người yêu rồi mà dắt nhau tới chùa, ắt sẽ
đứt sợi tơ duyên.
Dưới chân Tháp Phước Duyên, nhìn ra phía trước chùa Thiên Mụ, phía trước chùa là dòng sông Hương với một khoảng không rộng lớn.
Chùa Từ Đàm
Là điểm kết thúc của hành trình rước Phật mỗi kỳ Phật Đản từ quốc tự Diệu Đế đến Từ Đàm, chùa Từ Đàm luôn là trung tâm của ngày lễ Đản sanh.
Ngôi
chùa này tọa lạc ở số 01 đường Sư Liễu Quán, phường Trường An, thành
phố Huế. Thuở sơ khai đây chỉ là ngôi thiền thất được ngài Minh Hoằng –
Tử Dung, vị Thiền sư Trung Hoa dựng vào cuối thế kỷ XVII (khoảng năm
1690) vào đời chúa Nguyễn Phúc Thái, đặt tên là Ấn Tôn với ý nghĩa lấy
sự truyền tâm làm tông chỉ. Năm 1703, chúa Nguyễn Phúc Chu sắc phong cho
chùa là Sắc tứ Ấn Tôn Tự. Đến năm 1841, vua Thiệu Trị sắc chỉ đổi tên
“Từ Đàm Tự” tức đám mây lành, tượng trưng cho đức Phật như mây lành, đem
bóng mát đến cho thế gian., cho ngôi chùa Việt Nam.
Dù
là một ngôi chùa cổ song hiên nay kiến trúc chùa lại không cổ, sở dĩ
như vậy là do chùa đã được xây lại, mở rộng ra, cùng với phong trào chấn
hưng Phật giáo năm 1935 để trở thành trụ sở cho Hội Phật giáo của cả
xứ Trung kỳ. Ngôi chùa lúc ấy có nhà tiền đường, mái ngói, ba gian, rộng
7,4m, dài 18m. Gian trong cùng thờ tượng đức Phật Thích Ca ngự trên tòa
sen, tay bắt ấn Tam muội. Tượng bằng đồng, cao khoảng 1,30m, do hai ông
Nguyễn Khoa Toàn và Nguyễn Hữu Tuân thực hiện năm 1940.
Ngày 04-7-2006, chùa Từ Đàm
lại tổ chức tái thiết lại ngôi chánh điện với chiều dài 42m, chiều
ngang 35,9m gồm hai phần, dưới là tầng hầm dùng làm hội trường, trên là
ngôi chánh điện, kiến trúc theo mô hình trùng thiềm điệp ốc, ba gian hai
chái, kiểu kiến trúc truyền thống của chùa Huế.
Cổng tam quan chùa được xây dựng năm 1965, phía trong là cội Bồ đề.
Cội Bồ Đề trong sân chùa, dưới gốc Bồ Đề là bức tượng của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị
Cây
Bồ đề này có nguồn từ cây Bồ đề chính tại Ấn Độ, nơi đức Phật Thích Ca
thành đạo quả vô thượng giác, đã được nhà sư Mahinda (nguyên thái tử,
con vua A Dục) đem giống sang trồng tại Srilanca (Tích Lan) khi qua
truyền đạo tại đây vào thế kỷ III trước Tây Lịch. Trưởng lão Narada,
người Tích Lan, lấy giống từ cây Bồ đề ở Tích Lan cùng bà Karpelès trong
phái đoàn Phật giáo Campuchia tặng Hội Phật học Trung phần và trồng tại
đây trong dịp sang thăm Huế năm 1939. Cây bồ đề cổ thụ, to bằng cả bốn,
năm vòng tay, tỏa bóng mát xuống sân, vững vàng, tượng trưng cho sức
sống Phật giáo giữa lòng dân tộc.
Đây là những hình ảnh của ngôi chính điện vừa được tái thiết lại và nhà giảng, thư quán,..
Chính điện mới vừa được tái thiết
Tháp
Ấn Tôn bảy tầng cao 27m, nơi đặt tượng Phật bảy đời trong quá khứ. Bảo
tháp này thể hiện sự phát triển, vươn lên của Phật giáo tỉnh Thừa Thiên –
Huế.
Nhà giảng
Thư quán Từ Đàm
Từ Đàm trong đêm lễ Phật Đản
Lễ rước Phật trong ngày Phật Đản đến Từ Đàm
Mặc
dầu không phải là ngôi chùa vào loại cổ nhất Việt Nam, nhưng Từ Đàm đã
được nhiều người ở khắp đất nước biết đến do vai trò quan trọng của chùa
trong công cuộc chấn hưng và phát triển của Phật giáo Việt Nam thời kỳ
cận đại và cuộc đấu tranh vì hòa bình và tự do tín ngưỡng.
Chùa Báo Quốc
Chùa
Báo Quốc tọa lạc trên đồi Hàm Long trên đất xưa gọi là làng Thụy Lôi,
gần với xóm Lịch Đợi. Từ đây nhìn xuống hướng đông là đường Điện Biên
Phủ (con đường dẫn lên đàn Nam Giao) và nhìn về hướng bắc là ga xe lửa.
Chùa do Hoà Thượng Giác Phong, người Quảng Đông, Trung Quốc, khai sơn
vào cuối thế kỷ 17 dưới đời vua Lê Dụ Tông và đặt tên là Hàm Long Tự.
Sau đó Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát ban sắc tứ Báo Quốc Tự vào năm 1747.
Hiện vẫn còn tấm biển vàng thếp vàng và những bức liễu từ thời ấy. Thời
Tây Sơn chùa bị sử dụng làm công xưởng.
Năm
1808 để báo hiếu mẹ là Hiếu Khương Hoàng Thái Hậu, vua Gia Long trùng
tu chùa, xây tam quan và đúc một đại hồng chung nặng 826 cân ta, cao
1,4m, đường kính 1,2m nay vẫn còn. Vua đặt tên là Thiên Thọ Tự, nhưng về
sau vì lăng Gia Long cũng gọi là Thiên Thọ lăng nên vua Minh Mạng đổi
lại tên như cũ. Vua Minh Mạng trùng tu chùa vào năm 1824 và vua Tự Đức
góp phần tôn tạo vào năm 1858. Khu mộ tháp có tháp tổ Giác Phong và và
các vị kế thế như Phổ Tịnh, Viên Giác, Diệu Giác.
Ảnh trong chùa Báo Quốc
Chùa Từ Hiếu
Chùa
Từ Hiếu nằm khuất trong một rừng thông chập trùng trên một vùng đồi của
xã Thủy Xuân. Khuôn viên chùa rộng chừng 8 mẫu, phía trước có khe nước
uốn quanh chảy róc rách đêm ngày, phong cảnh rất thơ mộng. Trước cổng
chùa có ngôi tháp cao 3 tầng được xây dựng vào năm 1896 dùng làm nơi
tàng trữ kinh tượng theo sắc chỉ của nhà vua. Cổng chùa được xây theo
kiểu vòm cuốn, hai tầng có mái che và ngay trước con đường lát gạch để
vào chánh điện là một hồ bán nguyệt xinh xắn ngát hương sen và những con
cá cảnh đủ màu bơi lội tung tăng. chùa Từ Hiếu có ba căn hái chái,
trước là ngôi chính điện thờ Phật, sau là Quảng hiếu đường. Đặc biệt ở
khu nhà hậu có án thờ Tả quân đô thống Lê Văn Duyệt cùng con ngựa gỗ và
thanh đại đao của ông.
(Ảnh huebc97)
Chú tiểu đang chẻ củi trong chùa
Hồ trước mặt chùa Từ Hiếu
Ngoài
cảnh trí tuyệt vời, xung quanh ngôi chùa Từ Hiếu còn có khá nhiều lăng
mộ các vị phi tần của các chúa Nguyễn. Do địa thế đẹp, yên tĩnh lại
không xa thành phố của Huế nên nơi đây thừơng là nơi hẹn hò của giới
trẻ, là điểm vui chơi dã ngoại của thanh niên Huế vào những ngày nghỉ,
ngày lễ. Chùa Từ Hiếu là một trong những ngôi chùa cổ đón khách du lịch
trong và ngoài nước đông nhất cố đô Huế.