26/02/2012 09:19 (GMT+7)
Số lượt xem: 115696
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Dưới ngọn núi Chùa xã Lạc Thịnh, Yên Thủy, Hòa Bình vốn thần bí được "trấn yểm" bởi một ngôi chùa cổ kính đang lưu truyền những câu chuyện lạ kỳ. Người ta coi đó là ngôi chùa thiêng nhất của người Mường mạn Hòa Bình.



Xây nhà cho Phật

Ngôi chùa cổ kính ấy có tên rất lạ - chùa Tác Đức, theo giải thích của người dân địa phương thì đó là nơi "tích lại đức hạnh theo dòng nước chảy". Sở dĩ như vậy, vì từ trên núi Chùa có một suối nước trong mát quanh năm chảy xuống phía dưới, không lúc nào ngưng.

Ngôi chùa có từ bao giờ thì không ai được biết. Người ta chỉ nhớ câu chuyện về hai anh em sống gần khu vực đó lên núi Chùa xẻ gỗ làm nhà, nhưng cây gỗ cứ mắc vào đá núi không thể nâng lên được.

Hai anh em liền quỳ xuống chân núi mà khấn thần phật phù hộ. Nếu nâng được cây gỗ lên họ sẽ lao gỗ xuống núi. Cây gỗ dừng chỗ nào họ sẽ xây chùa để cảm tạ Phật.

Cây gỗ lao xuống lưng chừng núi thì dừng hẳn. Anh em họ xuống dưới, lạ kỳ thay khi phát hiện cạnh cây gỗ là một tảng đá hình tượng Phật.

Hai anh em quỳ sụp xuống mà lạy, sau đó dựng một ngôi nhà nhỏ ngay tại tảng đá đó để thờ. Nhiều người thấy thiêng thì đến khấn vái xin lộc.

Hiện tảng đá hình tượng Phật vẫn còn. Nhưng từ tảng đá ấy, một đống mối đùn lên khá cao. Người dân liền chọn đống mối để xây gian chính điện cho chùa Tác Đức. Hằng ngày, người trông coi chùa đều phải dọn một phần đất từ đống mối ấy đùn ra ngoài.

Chùa Tác Đức nằm dưới chân núi Chùa.

Những câu chuyện lạ

Người xã Lạc Thịnh nói riêng và huyện Yên Thủy nói chung vẫn còn lưu truyền những câu chuyện lạ lùng, thậm chí không khỏi rùng rợn về sự linh thiêng của chùa Tác Đức.

Khoảng năm 1985, có hai anh em ruột người Thanh Hóa lên Yên Thủy mở lò rèn dao búa. Người anh tên Lân, người em tên Quỳ, họ chung nhau lò rèn lại gặp thời nên khá phát đạt.

Một hôm, ông Quỳ về quê Thanh Hóa thăm gia đình, khi lên thấy một số lượng dao đã rèn ra bị thất thoát. Ông Quỳ cho rằng, anh trai đã gian dối đem đi bán lấy tiền ăn chơi. Nhưng ông Lân lại chối đây đẩy nói là mình trong sạch.

Cuối cùng họ đưa nhau lên chùa Tác Đức để thề, nếu ai gian dối sẽ phải chết ngay lập tức. Chẳng ngờ khi thề xong về tới nhà, cũng là lúc ông Lân trút hơi thở cuối cùng.

Cái chết của ông Lân khiến nhiều người bàng hoàng, có người bảo ông Lân dại vì Tác Đức là ngôi chùa thiêng, không phải chốn để đùa cợt "lừa người dối Phật".

Theo thông tin tìm hiểu được, thi hài ông Lân được chôn ngay tại phố Sấu của Yên Thủy và mới được con cháu làm lễ "sang cát" để đưa về Thanh Hóa.

Hôm chúng tôi có mặt tại chùa Tác Đức, nhóm bà Nguyễn Thị Tám quê Kim Sơn, Ninh Bình cũng có mặt tại đó để làm lễ cầu may đầu năm.

Bà Tám cho hay: "Năm nào tôi cũng đến chùa Tác Đức dâng lễ. Chùa thiêng, cầu gì được nấy". Cháu của bà Tám là chị Nguyễn Thị Hồng lấy chồng đã 12 năm, thuốc thang khắp nơi mà vẫn không có một mụn con. Năm ngoái chị lên chùa Tác Đức khấn xin, sau đó đã sinh được một bé trai bụ bẫm. Năm nay, dù đứa bé còn nhỏ nhưng chị vẫn lặn lội tận Kim Sơn lên tạ Phật.


Pho tượng Phật cổ.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, số nhiều những câu chuyện thiêng tại chùa Tác Đức có liên quan đến thề thốt hoặc chuyện xin con hiếm muộn. Có lẽ vậy nên người ta hay gọi đó là "chùa thề" hoặc "chùa xin con".

Khu vực xã Lạc Thịnh vốn từ xưa đã nảy sinh tệ nạn trộm cắp, nhưng khu vực chùa Tác Đức thì không bao giờ bị đạo tặc "hỏi thăm". Không phải chùa không có đồ quý, nhưng theo người dân "trộm cũng phải sợ uy của chùa".

Ngay bên trong gian chính điện của chùa Tác Đức còn pho tượng Phật cổ khá lớn làm bằng đồng đen quý giá. Bức tượng ấy cũng đã tại vị ở chùa mấy trăm năm nay mà không kẻ gian nào dám lấy đi, dù chùa không lúc nào đóng cửa cài then.

Năm đời làm... sãi

Bà Bùi Thị Cậy hiện đang chịu trách nhiệm trông coi và hương khói tại chùa Tác Đức cho biết, gia đình bà đã năm đời làm sãi tại ngôi chùa thiêng này. Chùa của người Mường Hòa Bình khác biệt hẳn với các nơi, từ kiến trúc, thờ tự đến chức sắc quản lý.

Chùa Tác Đức được mệnh danh là "chùa không sư", vì từ khi hình thành tới giờ, khấn bái thần phật đều do một tay thầy cúng đảm nhiệm. Gia đình bà Cậy thuộc diện "hưởng lộc thánh", lại có "căn quả" nên cứ cha truyền con nối sống trong chùa.

Ông cụ thân sinh của bà Cậy cũng là thầy cúng có tiếng của người Mường. Ngay từ khi còn nhỏ, bà thường theo cha đi lễ cúng khắp nơi nên những bài kinh, bài cúng và cung cách hành lễ bà đều thuộc làu. Bà Cậy cho biết:

"Nhiều người ở địa phương thấy chùa lắm lộc đã tranh làm sãi nhưng không ai làm được, làm sãi phải có "căn quả" thì mới xong". Nói rồi bà bảo, chùa Tác Đức là nơi "trấn yểm" cho núi Chùa. Chùa không chỉ thờ Phật, mà còn thờ "cô - cậu", thờ hổ rừng.

Nên khách thập phương còn mang cả trứng và thịt sống vào dâng lễ.


Bà Cậy bên cây táo hàng trăm năm tuổi.

"Không phải tôi tiếp tay cho mê tín nhưng thực sự, nhiều người thành tâm lên chùa xin gì được nấy. Hằng năm, họ đều gặp tôi, hỏi thăm mới biết những sự dữ - lành mà họ đã gặp ứng với điềm báo gieo quẻ ở chùa", bà Cậy cho hay.

Theo bà Cậy, dịp đầu năm có lịch hằng năm là ngày "Cơm Đe" (ngày mừng Rượu cái của người Mường xã Lạc Thịnh - PV) thì khách đổ về đông vô kể.

"Tác Đức là một cổ tự nổi tiếng, được nhân dân sùng kính với những câu chuyện linh thiêng. Có chuyện tôi được chứng kiến, có câu chuyện thì để kiểm chứng không phải đơn giản. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về mặt tín ngưỡng tôn giáo, chúng tôi vẫn phải đảm bảo không để xảy ra nạn mê tín dị đoan. Đồng thời, luôn tôn trọng và tạo điều kiện để khách thập phương được thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng".
Ông Dương Văn Biên (Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Thịnh)

Theo Trần Hòa - Quách Dương - SK&ĐS


Âm lịch

Ảnh đẹp