22/04/2012 20:40 (GMT+7)
Số lượt xem: 90432
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tọa lạc trên trên núi Long Đọi, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam) là ngôi chùa cổ Long Đọi Sơn hay còn có tên chữ là Sùng Thiên Diên Linh. Đây là ngôi chùa cổ mang đậm dấu ấn qua các thời kỳ lịch sử mà có thể nhiều người chưa biết tới.


Chùa cách thành phố Phủ Lý (Hà Nam) khoảng 8 km về hướng Bắc. Tương truyền, chùa Long Đọi Sơn nằm trên thế đất Cửu Long, bởi lẽ toàn cảnh núi Đọi trông xa giống như một con rồng đất lớn nằm giữa một dải đất rộng bằng phẳng của vùng chiêm trũng, đầu núi Đọi hơi nhô cao về hướng Thăng Long. Đứng trên đỉnh núi có thể nhìn thấy 9 con đường, sông chạy về giống như 9 con rồng. Mắt rồng là 9 cái giếng hiện nằm xung quanh dãy núi Đọi trong các khu dân cư, dưới chân núi.

Theo sử sách ghi lại, chùa Long Đọi Sơn do vua Lý Thánh Tông và Vương Phi Ỷ Lan chủ trì xây dựng từ năm 1054. Đến đời Lý Nhân Tông, vị vua này tiếp tục xây dựng và xây tháp Sùng Thiện Diên Linh vào năm 1121.

Đến đầu thế kỷ XV, khi giặc Minh xâm lược nước ta, chùa bị phá hủy nhiều. Mãi tới cuối thế kỷ XVI vào khoảng 1591, nhân dân địa phương mới sửa sang, trùng tu lại ngôi chùa.

Chùa Long Đọi Sơn nhìn từ cổng vào

Đường lên chùa với hơn 300 bậc đá uốn lượn hình con Rồng

Tam quan chùa Long Đọi Sơn

Đường lên hai bên cổng để tới chùa chính, xen lẫn nét rêu phong cổ kính

Tấm bia đã trải qua hàng trăm năm, kỷ vật quý giá của chùa

Cây đào tiên có tuổi thọ đã trăm năm tuổi trong khuôn viên chùa

Vào năm Tự Đức thứ 13, Chùa được trùng tu sửa sang tiền đường, thượng điện, nhà tổ, gác chuông…Đến năm 1864, chùa tiếp tục được trùng tu hành lang, đúc tượng Dị Lặc, đúc khánh đồng và đúc khánh đá do sư tổ đời thứ 5 là Thích Chiếu Trường chủ trì xây dựng hoàn chỉnh.

Hai bên chùa là 18 gian hành lang thờ thập bát La Hán. Ngay ngõ vào là hai dãy nhà đắp cảnh thập điện. Ngoài ra, chùa còn có nhà tổ, nhà khách, tăng phòng… tất cả có tới khoảng trên 100 gian phòng.

Khu lăng mộ tổ

Quang cảnh bên ngoài chùa chính

Chùa Long Đọi Sơn là một trong số ít những ngôi chùa hiện này còn lưu giữ được nhiều hiện vật mỹ thuật thời Lý có giá trị. Nổi bật trong đó như bia Sùng Thiện Diên Linh cao hơn 2,5m, rộng hơn 1,65m, dày 0,3m. Bệ bia là khối đá hình chữ nhật dài 2,4m tạc hình hai con rồng uốn khúc. Mặt bia được chia làm hai nửa, tạc hình hai con rồng, đuôi ở đoạn sau, xoắn thành 4 khúc. Đây là một trong số ít những bia thời Lý còn đến tận bây giờ.

Ngoài những tác phẩm thời Lý, chùa Long Đọi Sơn vẫn còn lưu giữ rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật ở các giai đoạn sau như: Tượng Quan Âm Thị Kính, tượng Dị Lặc bằng đồng nặng 1 tấn đúc vào 1864, toàn bộ pho tượng được đặt vào thế ngồi thoải mái…bộ mặt được diễn tả thành công thể hiện sự no đủ, vui tươi...

Chiếc chuông đồng linh thiêng treo trong gian phòng trước dãy bàn thờ

Bàn thờ Tổ Đường

Chùa Long Đọi Sơn đã trải qua nhiều lần trùng tu, bên cạnh những kiến trúc pho tượng cũ, các kiến trúc pho tượng mới cũng được sắp đặt kỳ công và giữ được nét cổ kính lâu đời của ngôi chùa. Đã gần 1.000 năm qua chùa Long Đọi Sơn cùng với Đất nước, con người Việt Nam chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử và vẫn đứng sừng sững giữa đất trời làm rung động lòng người, thu hút khách tham quan du lịch.

Bảo tàng cổ vật giá trị trong chùa Long Đọi Sơn

Giờ đây chùa Long Đọi Sơn là một quần thể kiến trúc khang trang, với khuôn viên xây dựng rộng hơn 10.000 m2 , giữa diện tích rừng rộng hơn 1ha. Hệ thống đường lên từ cổng chùa dưới chân núi Đọi lên đến Tam Quan được xây bậc tam cấp bằng bê tông đá cứng với khoảng 317 bậc uốn lượn nhiều khúc tựa như con rồng đang nằm nghỉ bên sườn núi.

Ngắm cảnh đẹp từ Chùa Long Đọi Sơn xuống vùng đồng bằng dưới chân núi

Trong những năm qua, lễ hội Tịch Điền được phục dựng lại sau khi đã thất truyền hơn 100 năm, trong lễ hội Tịch Điền diễn ra vào đầu tháng giêng (âm lịch) hàng năm với nhiều nghi thức tôn nghiêm…Đây là dịp để du khách chiêm ngưỡng vẻ uy nghiêm của chùa Long Đọi Sơn.

Nguyễn Hải - Duy Tuyên (Dân Trí)


Âm lịch

Ảnh đẹp