02/11/2012 09:25 (GMT+7)
Số lượt xem: 100257
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ninh Bạc, người một thời được cả Trung Quốc thừa nhận là "đệ nhất thần đồng" nhưng nay lại chọn cửa Phật làm chốn nương thân. Có người nói, Ninh Bạc muốn quên đi cái danh hiệu đã cướp mất của anh tuổi thơ hồn nhiên.


Những năm 70 của thế kỷ trước, báo chí Trung Quốc không hẹn mà cùng công nhận Ninh Bạc là "đệ nhất thần đồng" của nước này.

Năm 2 tuổi, Ninh Bạc đã đọc thuộc lòng hơn 30 bài thơ trong tuyển tập thơ Mao Trạch Đông; năm 3 tuổi, Ninh phân biệt được các con số từ 1 đến 100; năm 4 tuổi đã biết hơn 400 chữ Hán.

Tài năng kinh động phó thủ tướng

Trí thông minh vượt trội giúp Ninh được cha mẹ cho đi học sớm khi mới 5 tuổi. Một năm sau đó, cậu bé bắt đầu say mê đọc cuốn “Khái luận về Trung y học” và những sách nói về thảo dược dành cho… sinh viên Đại học Y.

Khả năng “phân tâm nhị dụng - chia tâm mà dùng” của Ninh cũng được báo chí nhiều lần thử nghiệm và công nhận: Ninh khi mới 8 tuổi đã có thể vừa đánh cờ vây vừa đọc vanh vách các chương trong truyện Thủy Hử. Ninh Bạc cũng biết ngâm thơ, làm thơ khi 9 tuổi.

Lịch sử Trung Quốc ghi nhận thiếu niên đầu tiên được đặc cách vào đại học khi mới 14 tuổi là Ninh Bạc. Đó là năm 1977, năm mà tài năng của Ninh Bạc đã đến tai phó thủ tướng Trung Quốc khi ấy là ông Phương Nghị.

Chuyện bắt đầu từ lá thư của một giáo sư đại học ở Giang Tây viết gửi đến phó thủ tướng Phương Nghị để nói về tài năng của Ninh Bạc. Phó thủ tướng Trung Quốc xem xong, trả lời ngắn gọn: Nếu là sự thực, nên đặc cách cho vào đại học.

Sau này, tuy Ninh Bạc từ chối nói về bức thư được cho là đã thay đổi cuộc đời anh, nhưng vị giáo sư từng thừa nhận trên mặt báo: “Tôi rất đau khổ vì lá thư ấy. Nếu để Ninh Bạc học xong cấp 3 rồi thi đại học như những học sinh khác, có lẽ cậu ấy đã không phải đi tu”.

Ninh Bạc khi còn nhỏ đã rất giỏi toán

Một năm sau khi được phó thủ tướng Trung Quốc phê chuẩn việc đặc cách, Ninh Bạc vượt qua kỳ thi và được vào học tại Đại học Khoa học kỹ thuật Trung Quốc. Báo chí nước này khi đó gọi Ninh là “thần đồng của các thần đồng”.

Thời đó, còn một tin tức thuộc dạng giật gân như sau: Ninh Bạc trong lần được gặp phó thủ tướng Phương Nghị đã cùng ông Phương chơi cờ vây. Sau hai ván, vị phó thủ tướng thua sạch cả hai trước cậu bé thần đồng.

Tỉnh Giang Tây thậm chí còn có cả một bộ phim tài liệu về Ninh Bạc, cảnh phim nổi tiếng nhất đến nay vẫn còn trong trí nhớ của nhiều người, là khi Ninh Bạc dẫn đầu cả nhóm học sinh cùng tuổi đi dạo dưới ánh trăng, sau đó Ninh chỉ tay lên trời và chỉ vị trí các chòm sao cho bạn bè.

Cảnh phim đầy ẩn ý của tỉnh Giang Tây được giải thích là: người Trung Quốc xưa nay rất thích những tài năng như trong truyền thuyết là “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”.

Hình tượng Ninh Bạc được tô vẽ hết sức tốt đẹp, đến mức người ta gọi anh là “Thần đồng hoàn hảo”. Báo chí khắp các tỉnh Trung Quốc viết về Ninh, còn tại các gia đình, người ta rất hay nói với con cái: “Nhìn Ninh Bạc mà xem, rồi nhìn lại chính mình mà so sánh, học hỏi”.

Xuống tóc đi tu

Vì sao Ninh Bạc, “thần đồng của các thần đồng” lại quyết định nương nhờ nơi cửa Phật? Bản thân Ninh Bạc nói rằng anh “yêu thích Phật giáo và muốn dành cả đời nghiên cứu những giáo lý nhà Phật”.

Tuy nhiên, báo chí Trung Quốc cho rằng sau quyết định gây chấn động dư luận năm hồi năm 2002 còn rất nhiều điều để bàn.

Theo điều tra của tờ Thẩm Dương ngày nay, chính sự gượng ép trong nền giáo dục Trung Quốc, cụ thể là Đại học Khoa học kỹ thuật nước này đã đẩy thần đồng đi quá “giới hạn chịu đựng của một con người”.

Theo những tài liệu được công khai với báo chí, sau một năm học ở Đại học Khoa học kỹ thuật, Ninh Bạc nói anh không thích bất cứ chuyên ngành nào ở đây. Thay vào đó, Ninh muốn sang học khoa Thiên văn học ở Đại học Nam Kinh.

Đệ nhất thần đồng Trung Quốc nay trở thành nhà sư

Tuy nhiên, hiệu trưởng Đại học Khoa học kỹ thuật từ chối đề nghị chuyển trường của Ninh, ông phê vào đơn xin chuyển trường của Ninh 6 chữ: Ký lai chi, tắc an chi (Đã đến đây thì hãy học ở đây).

Tờ Thẩm Dương ngày nay cho rằng lý do ông hiệu trưởng làm vậy vì không muốn “nhả” một sinh viên nổi tiếng cả nước cho trường khác. “Nếu đồng ý, dư luận trong nước sẽ đặt câu hỏi với nền giáo dục trong trường, cấp trên đánh giá, sinh viên đồn đoán vv... nhiều lý do khiến ông hiệu trưởng từ chối mong ước của Ninh Bạc”, tờ Thẩm Dương ngày nay dẫn lời một chuyên gia giáo dục.

Bị từ chối, Ninh đành chọn một môn học mà ít sinh viên ở trường theo đuổi: Chiêm tinh học. Sau khi ra trường, Ninh được giữ lại làm giảng viên, kỷ lục thứ hai anh lập được tại Trung Quốc: Giảng viên trẻ nhất đất nước với tuổi đời là 19.

Nhưng đây cũng là kỷ lục cuối cùng của anh. Từ đó về sau, cuộc đời của Ninh được một số tờ báo nói là “bi kịch”.

Ít lâu sau khi làm giảng viên, năm 1982, Ninh Bạc bắt đầu có những biểu hiện lạ thường. Anh ba lần đăng ký thi nghiên cứu sinh, nhưng cả ba lần đều bỏ cuộc khi đặt chân đến cửa phòng thi.

“Ninh Bạc không bao giờ nói lý do, nhưng chắc chắn cái danh tiếng “Đệ nhất thần đồng” khiến anh sợ thất bại, sợ bị chê cười: Thần đồng mà cũng thi trượt”, mạng tin Sina dẫn lời bạn bè của Ninh.

Sau lần đó, Ninh từ chối mọi cơ hội thi cử, học hành, anh chỉ chú ý nghiên cứu Phật giáo. Đến năm 2002, Ninh ly dị vợ và đi tu tại một ngôi chùa ở Ngũ Đài Sơn và gần như không bao giờ tiếp xúc báo chí mà chỉ tối ngày tụng kinh và giảng kinh cho những nhà sư trẻ.

Vợ cũ của Ninh, cô Trình Lục Hoa năm xưa cũng là một trong số những người hâm mộ Ninh. Trình từng nhiều năm liền viết thư làm quen, hẹn gặp rồi mới trở thành người yêu và vợ của Ninh. Cô nói: “Chuyện cũ đã qua rồi, tôi không muốn nhắc đến nữa. Tôi sẽ cố gắng làm theo điều Ninh dặn con chúng tôi: Hãy cố gắng để làm người bình thường chứ đừng làm thần đồng”.

Theo Văn Việt - NNVN


Âm lịch

Ảnh đẹp