26/10/2012 10:30 (GMT+7)
Số lượt xem: 122189
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

(HDPT) - Thiền sư Vinh Tây (Myōan Eisai) (1141 – 1215) vị Thiền sư Nhật Bản, thuộc tông Lâm Tế, dòng Hoàng Long. Ông được xem là vị Tổ khai sáng Thiền tông tại Nhật Bản.


 Sư đến Trung Quốc hai lần và, ông cũng là thầy đầu tiên của Đạo Nguyên Hi Huyền, người khai sáng dòng Thiền Tào Động tại Nhật. Và cũng là vị tổ sư của Trà Nhật Bản.

Vào thế kỷ XII, hai nước Trung - Nhật vẫn chưa hề có mối quan hệ bang giao chính thức thế nhưng việc giao thương buôn bán giữa hai nước, việc qua lại giữa tăng nhân thì càng nhiều, những cao tăng Nhật tới Trung để học tập sau đó quay về tổ quốc hoằng dương phật pháp ngày càng nhiều.

Thiền sư Vinh Tây là một trong những người đó. Vinh Tây vì muốn nghiên cứu Phật pháp mà hai lần sang nhà Tống, trong lần thứ hai ông tham bái Hư Am Hoài Xưởng hoà thượng ở chùa Vạn Niên được truyền thừa cho pháp mạch tông Lâm Tế Hoàng Long, sau đó quay về và phát triển thành dòng thiền tông chính của Nhật Bản.

Thiền sư Vinh Tây sau khi từ Tống quay về nước tận tâm hoằng dương Phật pháp, dưới sự thúc đẩy không ngừng của ông Thiền tông ngày một phát triển mạnh mẽ, về sau có không ít các các thiền sư Trung Quốc qua Nhật Bản càng làm cho tông Lâm Tế ngày một vững mạnh nên Vinh Tây còn được tôn làm thiền sư sơ tổ của phái thiền Lâm Tế Nhật Bản.

Thông tuệ siêu quần, chuyên tâm khổ học

Thiền sư Vinh Tây sinh ra trong một gia đình mộ đạo tại Bị Trung (bây giờ là Okayama), học hỏi Phật pháp từ nhỏ. 8 tuổi theo cha đọc sách Câu Xá, Bà Sa những kinh sách uyên bác thâm sâu, 11 tuổi theo Tịnh Tâm thượng nhân chùa An Dưỡng.

Năm 14 tuổi. Có người từng cười ông rằng: Ông tuy có tài biện luận giỏi giang, đáng tiếc là lại vừa lùn vừa xấu. Vinh Tây trả lời rằng : Vua Thuấn ở huyện Xích, Án Anh tể tướng nước Tề, chưa từng nghe nói ai là người cao cả. Những người này nghe xong cũng tự lấy làm hổ thẹn.

 
Thiền sư Vinh Tây (Myōan Eisai) (1141 – 1215) vị Thiền sư Nhật Bản, thuộc tông Lâm Tế, dòng Hoàng Long.

Vinh Tây biết rằng mình quá thấp mà hơi ngượng ngùng nên tự phát nguyện công tu tập để thay đổi điều đó. Trước khi ông lên đàn lễ thì đã tự đo chiều cao của mình ở cây trụ trước điện, lễ đàn xong xuôi thì thấy dường như thân mình đã cao hơn trước không ít.

Năm 19 tuổi theo sư tới Tỉ Duệ sơn tu học giáo nghĩa Thiên Thai tại Kinh Đô (Kyōto), trung tâm của Thiên Thai tông tại Nhật Bản. Sư chú tâm học hỏi tất cả những lí thuyết căn bản của Thiên Thai tông và cả Mật giáo của tông này (Thai mật) trong thời gian ở tại đây.

Vào Tống cầu pháp, Diệp Thượng tổ sư

Vinh Tây tuy đã học rất sâu kinh tạng thế nhưng vẫn cảm thấy chưa đủ. Được biết Thiền tông ở Trung Quốc rất thịnh hành, chính vì thế năm ông 28 tuổi sư có ý định đi vào Trung Nguyên. Ông đi thuyền tới tới Minh Châu.

Sau đó tới Thiên Thai sơn đi lễ thánh tích, gặp được rất nhiều điều kì lạ. Mùa thu năm đó có hạn lớn, quận chủ liền mời Vinh Tây cầu mưa, trong lúc lập đàn tràng, thân thể của Vinh Tây toả ra ánh sáng tới tận trời xanh một lúc sau thì mưa lớn đổ xuống.

Do trừ được hạn hán nên quận chủ liền phong tặng danh hiệu Thiên Quang. Người đời còn gọi là Thiên Quang tổ sư. Lần sang Trung Quốc đầu tiên (1168) đã mang đến cho Sư một ấn tượng về Thiền tông tại đây.

Chuyến du học này kéo dài không lâu (7 tháng) và kết quả chỉ là những bài luận của Thiên Thai tông tại Trung Quốc mà Sư mang trở về quê nhà. Sư đem sách dâng cho Tăng chính. Tăng chính khen rằng: Nay người nếu đem được giáo lí này mà truyền bá thực là công đức vô lường vậy!

Vinh Tây về nước cho tới lần thứ hai vào Tống với thời gian chừng hơn 20 năm, một mặt kết hợp thực tiễn và nghiên cứu giữa mật giáo và thiền giáo. Một phương diện nữa trong thời gian đó ông còn đi truyền thụ pháp hội quán đỉnh và viết các sách vở mật giáo.

Sư tuy là người kiêm tu thiền và mật thế nhưng lúc này ông chuyên sâu hơn về mật giáo. Ông tiếp nhận quán đỉnh của nhiều vị đại sư. Do Vinh Tây ở Diệp Thượng phòng nên còn xưng tụng là phái Diệp Thượng.

Lần 2 vào Tống, Thiền pháp đông truyền

Tới năm 47 tuổi, Vinh Tây quay lại Tống hi vọng có thể từ đường Trung Quốc đi tới Ấn Độ. Tháng 2 năm đó ông vượt biển tới được Lâm An (Hàng Châu) gặp gỡ với An Phủ thị lang, dâng tấu rằng muốn được đi qua Ấn Độ nhưng tri phủ lấy lí do là quan ải không thông nên từ chối, Vinh Tây không có cách nên đành đi tới Thiên Đài sơn ở Xích Thành, theo học với Hư Am Hoài Sưởng thiền sư.

Hư Am thiền sư là đệ tử đích truyền của phái Lâm Tế Hoàng Long, cũng là bậc thiền môn trưởng lão. Qua bao nhiêu thời gian chuyên tâm tu tập ở đó mới thực sự đạt được chứng ngộ. Sau đó mới được thiền sư Hư Am ấn khả và truyền thừa tông pháp chính tông của Thiền pháp.

Có lần sư sai người lấy một cành cây bồ đề do thiền sư Đạo Thuỵ trồng đưa cho thương thuyền mang về Nhật Bản. Khi đó Ông nói: Nước ta còn chưa có giống cây này, hãy thử trồng một cành để nghiệm chứng cho thiền phái của ta, nếu như cành cây mà không sống được thì đạo của ta không được thịnh đó.

Cây đem về trồng cành lá xum xuê, sáu năm sau vào tiết xuân phân liền chia nhánh từ cây gốc qua Đông Đại Tự, vài năm sau lại chia nhánh trồng ở Kiến Nguyên Tự, hai cây ở đây tới giờ vẫn đang còn xum xuê cành lá.

Sau đó ông từ biệt thiền sư Hư Am để quay về nước, Hư Am truyền thụ Bồ Tát giới, pháp y, ấn thư, bát, toạ cụ, bảo bình, tích trượng, phất trần và các pháp cụ khác giao cho Vinh Tây cố gắng giữ gìn, về nước để khai thị cho chúng sinh.

Hoằng dương thiền pháp

Vinh Tây Về nước đúng lúc Hộ bộ thị lang đang xây dựng chùa chiền nhân đó liền mời Vinh Tây ở lại trụ trì để giáo hoá, sư ban phát thiền quy, lúc đầu mới chỉ có hơn mười người, chẳng lâu sau thì tăng chúng ngày một đông.

Năm sau Vinh Tây mở ra rất nhiều giảng đàn truyền bá giới luật, mở tự viện, chế định thiền quy, tuyển thuật kinh luận dần dần càng được sự chú ý của các bậc đại sư trong nước.

Vinh Tây sau khi vào kinh truyền bá thiền tông, dẫn tới chuyện đố kị của tăng đồ các tông phái cũ. Trong đó có Lương Biện tìm cách xúi giục tăng đồ tấu lên triều đình cuối cùng dẫn tới lệnh cấm thiền tông. Theo Diên bảo truyền đăng lục ghi chép Hoàng đế hạ chiếu lệnh để hỏi, sư đáp rằng:

“Thiền tông của nước ta không phải ngày nay mới có, ngày xưa các vị truyền giáo đại sư đã có truyền phép trực chỉ nhân tông của Thiền tông.

Lương Biện ngu muội viết những điều xằng bậy. Thiền tông nếu đã là điều sai thì các vị truyền giáo là sai, các vị truyền giáo là sai thì phép của phái Thiên Thai cũng là không có, thế nếu Thiên Thai đã không có rồi thì có gì để mà cự tuyệt? Có thể thấy rằng tăng đồ không hay được ý của tổ sư!”

Đương thời có những người hiểu biết, nghe được lời của Thiền sư biết là người đức cao lại có tài học, nên lại chung tay sức giúp đỡ để tuyên dương thiền pháp. Sư lại xây dựng Vạn Thánh Tự, kẻ tham thiền ở khắp nơi đều tới, thanh danh ngày càng vang dội. Đây là một hình thức thiền viện đầu tiên của Nhật Bản.

Sư tuyển ba cuốn Hưng Thiền hộ quốc luận đây là cuốn sách thiền đầu tiên của Nhật Bản, nói tới Thiền rất quan trọng đối với quốc gia. Phật pháp và vương pháp cùng hỗ trợ cho nhau, chủ chương Phật giáo tới cùng cực là thiền. Lại viết một cuốn Xuất gia đại cương, nói về những thiên chức của tăng nhân.

Năm đầu Chính Trị, do sự công kích càng ngày càng mạnh mẽ, Vinh Tây liền chuyển tới Liêm Thương (Kamakura) tới bái yết mạc phủ tướng quân là Nguyên Thực Triêu, cũng may được mạc phủ tín nhiệm.

Năm sau nhân gặp pháp hội Nguyên Thực Triêu lễ thỉnh Vinh Tây làm đạo sư, con cái về sau cũng quy y, hiến đất xây chùa về sau gọi là Thọ Phúc Tự, được sự ủng hộ của mạc phủ mà Thiền pháp cũng được truyền rộng hơn.

Thuỷ tổ trồng trà – Trà thiền nhất vị

Tuy thời kỳ Nại Lương đã có người mang trà tới Nhật Bản nhưng hoàn toàn không thịnh hành. Sư đem cây trà từ Tống về trồng ở Thánh Phúc Tự, lại tặng cho nhiều người, chẳng lâu sau cây càng được truyền bá rộng rãi, sư nhờ đó cũng được người đời xưng tụng là thuỷ tổ của Trà Nhật Bản.

Thời Tống nhờ thiền tông lưu hành rộng rãi mà uống trà cũng trở thành một thú vui, vừa giúp người ta tỉnh táo, giải khát lại chữa được bệnh tật nên thiền lâm dần dần dấy lên phong trào uống trà. Nghi lễ của việc uống trà đi kèm với hành pháp trở thành một.

Tư tưởng Trà thiền nhất vị do chính Vinh Tây đưa Trà phong của Tống vào Nhật Bản. Xây dựng phong tục tu trà ở trong các thiền viện cũng là do công đức của thiền sư. Vào cuối đời sư lại tuyển một cuốn sách là Ngật trà dưỡng sinh kí.

Năm Kiến Bảo thứ 2 Vinh Tây dâng trà lên chữa trị được bệnh nhiệt cho Nguyên Thực Triêu, từ đó phong khí uống trà cũng thịnh hành trong dân gian hơn.

Sư cổ suý thiền tông, đề cao tinh thần nghiên cứu thiền, xây dựng nên học phong một thời. Về sau không ít ít các thiền sư do bất mãn với chính quyền của nhà Nguyên sang Nhật Bản nên các thiền phái trở nên phát triển, công đức của Vinh Tây càng lớn lao.  

Năm Kiến Bảo thứ nhất, sư nhận chức Tăng Chính, tới năm Kiến Bảo thứ 3 Thọ Phúc Tự được xây dựng xong, cùng mùa hè năm đó sư hơi có bệnh, rồi thị tịch. ông thị tịch vào năm 75 tuổi pháp lạp 63 tuổi.


Theo:  Nhị Giang

http://huongdanphattu.vn/news/Phat-giao-va-doi-song/Chuyen-ve-thien-su-Vinh-Tay-ong-to-tra-Nhat-Ban-5495/


Âm lịch

Ảnh đẹp