15/04/2012 20:56 (GMT+7)
Số lượt xem: 365461
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Vào lúc 0 giờ 36 phút ngày 2/4/2012 vừa qua, Đại lão Hòa thượng Bổn Hoán - Hội trưởng danh dự Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc đã an tường thị tịch tại chùa Hoằng Pháp - Thâm Quyến, hưởng thượng thọ 106 tuổi, 84 hạ lạp. Nhục thân Đại lão Hòa thượng được tôn trí tại Pháp đường Chùa Hoằng Pháp.


14 giờ cùng ngày, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc tổ chức "Pháp hội cao tăng liên phẩm hồi hướng Trưởng lão Bổn Hoán - Hội trưởng danh dự Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc thị tịch" tại chùa Quảng Tế - Bắc Kinh, do Trưởng lão Truyền Ấn Hội Trưởng HHPG TQ chủ trì Pháp hội.

8 giờ ngày 5/4/2012, Long trọng cử hành Pháp hội cung tống kim quan Đại lão Hòa thượng Bổn Hoán đến Sơn Trà phía sau chùa Hoằng Pháp làm lễ trà tỳ. Chư sơn Trưởng lão và hơn một nghìn danh tăng thuộc Phật giáo Hán truyền, Nam truyền, Tạng truyền đến từ trong và ngoài nước, cũng như hàng vạn cư sĩ Phật tử, tình nguyện viên… cùng tham dự.

Sơ lược tiểu sử Đại lão Hòa thượng Bổn Hoán

Trưởng lão Bổn Hoán Pháp danh Tâm Kiền (心虔), pháp hiệu Bổn Huyễn (本幻), cũng gọi là Bổn Hoán (本焕). Họ Trương, tên là Chí Sơn, sanh ngày 21/9/1907, trong gia đình bần nông tại thôn Trương Loan, Tân Châu, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.

Năm lên 7 học trường tư thục, siêng năng hiếu học, được hun đúc bởi tư tưởng Nho giáo Mạnh Tử, đặt nền móng văn hóa vững chắc. Nhân phụ thân qua đời mà bỏ học, đến học việc tại tiệm tạp hóa đường Thương Phụ ở địa phương. Bởi người vợ của ông chủ kiền thành tin Phật, thường dẫn Chí Sơn đến chùa Báo Ân trong vùng thắp nhang lễ Phật. Đồng thời, hằng ngày đối mặt với Quốc gia, trong nước thì nổi loạn. ngoài nước thì xâm lược, chính phủ mục nát, xã hội tối tăm, hiện thật công lý bị khép kín, chí xuất trần lúc này manh nha trong tư tưởng.

Ngày 15/1/1930, Trưởng lão 20 tuổi, thắng duyên thành thục quyết chí xuất gia, được Pháp sư Truyền Thánh chùa Báo Ân cạo tóc, ban pháp danh là Bổn Huyễn. Từ đây, mặc áo vải thô đi giày cỏ, sống cuộc đời tu hành khắc khổ

Ngày 8/4/1930, Pháp sư Truyền Thánh nhận thấy đệ tử mình chuyên tâm khổ tu, phá lệ đưa ngài đến lễ đại lão Hòa thượng Trì Tùng - chùa Bảo Thông, Vũ Xương thọ giới cụ túc. Từ đây bắt đầu cuộc đời xuất gia thanh tĩnh tự tu, rộng độ chúng hữu tình hơn 80 năm.

Là một bậc Tôn sư của Phật giáo hiện đại, Trưởng lão Bổn Hoán luôn lấy thân mình làm tấm gương cho tứ chúng noi theo. Người đã hấp thụ văn hóa truyền thống Trung Quốc, chẳng những tinh thông Phật học, mà đạo tâm kiên cố, giới luật càng tinh nghiêm, tự thân yêu cầu nghiêm ngặt, khắc khổ tu hành mấy mươi năm cũng như một ngày, được tứ chúng tôn kính. Thiền sư Lai Quả và Đại sư Hư Vân là hai vị Thiền sư nổi tiếng trong Phật giáo cận đại, đích thân tôi luyện. Trưởng lão Bổn Hoán lễ Thiền sư Lai Quả làm thân giáo sư, đắc pháp nơi Đại sư Hư Vân, và là truyền nhân đời thứ 44 của chánh tông Lâm Tế. Trưởng lão được các danh sư chỉ điểm, học rộng nghe nhiều, trên tâm pháp thiền tông được chọn làm bậc đốn siêu thân chứng. Một đời Trưởng lão thành tựu phẩm chất cao quý, đạo nhãn viên minh, nhân cách cao thượng.

Thời kỳ tu đạo, học đạo và hành đạo:

- Năm 1930, bái Thiền sư Lai Quả - chùa Cao Mân Dương Châu làm thầy y chỉ. Thiền sư Lai Quả nhận thấy ngài thiền tâm tỏ sáng, công phu định lực thâm sâu, nhận làm đệ tử. Với tâm thiết tha cầu đạo, học đạo, 7 năm chưa hề rời khỏi sư môn.

- Năm 1934, sau khi tham gia 8 lần đả thiền thất, lại liên tục 5 lần đả Sinh tử thất, ngày đêm kiên trì thiền tọa không ngủ nghỉ. Để ngăn ngừa ngủ gật, ngài bắt chước phương pháp "Đầu huyền lương" của người xưa, tức là lấy sợi dây dùng một đầu cột dưới cằm, một đầu cột trên xà nhà, khổ tu tĩnh tọa. Hòa thượng Lai Quả vô cùng khen ngợi, và cho đảm đương những chức vụ trọng yếu như Thị giả, Duy na, Đường chủ... Bấy giờ, ngài đã trở thành vị Tăng chấp sự trẻ tuổi nhất chùa Cao Mân.

- Tháng 2/1937, Trưởng lão phát đại nguyện đi tham học và triều bái đạo tràng Bồ tát Văn Thù tại Ngũ Đài Sơn - Sơn Tây. Từ Dương Châu qua Vũ Hán ngồi tàu hỏa đến huyện Bảo Định, tỉnh Hà Bắc. Từ Bảo Định đến dưới Ngũ Đài Sơn, hơn 300 km chiều dài, ngài kiên trì ba bước một lạy, bất chấp gió mưa, một ngày có thể lạy được 3 hoa lý (1 hoa lý: 500 m), trải qua 4 tháng 15 ngày đã đến Ngũ Đài Sơn, ngài vẫn tiếp tục ba bước một lạy, triều bái năm đỉnh núi Đài. Toàn lộ trình là 600 hoa lý, tổng cộng hơn 22 vạn lạy, chịu đựng sự khó khăn lao nhọc, hai chân sưng to, đầu gối chai dày như tổ kén, nhưng trong lòng tràn đầy niềm hỷ lạc. Sau an trú tại chùa Bích Sơn (còn có tên là Quảng Tế Mao Bồng 广济茅蓬).

- Tháng 9/1939, 32 tuổi, ngài được vinh dự đảm nhận chức vụ Giám viện đời thứ ba chùa Bích Sơn, quản lý tự viện. Đồng thời nối pháp Đại lão Hòa thượng Quảng Tuệ, kế thừa pháp mạch Lâm Tế, tục Phật tuệ mạng.

- Tháng 10/1942 - 7/1945, bế quan 3 năm tại chùa Thê Hiền, tụng đọc Đại Tạng kinh hơn 100 quyển và liên tục phổ thí Du già diễm khẩu một nghìn đàn, siêu độ chiến sĩ trận vong kháng Nhật.

- Năm 1946, Trưởng lão đến an cư kiết hạ tại chùa Tịnh Độ - huyện Manh, Sơn Tây. Trong thời gian này, ngài đã chích đầu lưỡi lấy máu làm mực, viết "Lăng Nghiêm Kinh" 10 quyển; "Địa Tạng Kinh" 3 quyển; "Kim Cang Kinh và "Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm"... 19 quyển kinh văn, tổng cộng hơn 20 vạn chữ, ban đêm liên tục phổ thí Du già Diễm khẩu hàng trăm đài, siêu độ chư vong linh. Đến nay còn bảo tồn quyển "Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh" 5952 chữ, và làm thời khóa hằng ngày. Những bộ kinh viết bằng máu này đã trở thành tài liệu giảng dạy quý báu để giáo dục tín chúng và nâng cao sự tín ngưỡng cho hàng tín đồ. 

- Tháng 3/1947, để bảo tồn Hoa Nghiêm Kinh Tự Tháp - văn vật trân quý hiện còn trong Tàng Bảo Lâu Ngũ Đài Sơn, Trưởng lão rời chùa Bích Sơn - nơi đã khổ tu 10 năm, lần lượt triều bái Viện Di Đà - Bắc Kinh, Cư Sĩ Lâm - Thiên Tân, đem Hoa Nghiêm Kinh Tự Tháp đến hạ viện chùa Phổ Tế - Thượng Hải, giao cho hai sư huynh đệ Thọ Dã và Pháp Độ bảo trì.

-Tháng 1/1948, nhân mẫu thân bị bệnh, Trưởng lão từ Thượng Hải trở về chùa Báo Ân - Tân Châu, Hồ Bắc. Một mặt lo thang thuốc cho mẹ, một mặt cúng thí Du già 100 đài cầu tiêu tai diên thọ cho mẹ. Sau khi mẫu thân qua đời, liền thiết kế linh đường bên phần mộ của mẹ, đốt cánh tay làm nến, ngày đêm tụng "Kinh Địa Tạng Bồ tát Bổn Nguyện", thủ hiếu 49 ngày.

- Tháng 7/1948, Trưởng lão nhận lời mời của Đại sư Hư Vân - cao tăng cận đại Trung Quốc, đến chùa Nam Hoa - Thiệu Quan, tỉnh Quảng Đông. Chùa Nam Hoa là đạo tràng hoằng dương "Nam Tông Thiền Pháp" của Lục Tổ Huệ Năng, cho nên gọi là Tổ Đình. Nơi đây, Trưởng lão được Đại sư Hư Vân truyền pháp mạch, trở thành truyền nhân đời thứ 44 tông Lâm Tế. Đại sư Hư Vân đem tên Bổn Huyễn (本幻) đổi thành Bổn Hoán. (本焕).

- Ngày 8/4/1949, Trưởng lão thăng nhậm chức vụ Phương trượng chùa Nam Hoa. Năm này, Đại sư Hư Vân thọ 111 tuổi, từ chùa Vân Môn đi bộ hàng trăm dặm để đưa Trưởng lão thăng tòa.

- Tháng 7/1958, Trưởng lão không may bị cầm tù một cách oan uổng, nhờ vậy mà khiến cho Ngài tránh khỏi thảm họa "Cách mạng Văn hóa", trong nhà tù vẫn kiên trì tu hành không giải đãi. Như Đại sư Hám Sơn xưa kia bị bắt sung quân ở Lĩnh Nam, tuy cởi áo ca sa, nhưng thiền tâm vẫn không giảm, đã trở thành tấm gương sáng chói cho hàng tu sĩ noi theo.

- Tháng 3/1980, sau khi đại hội toàn quốc nhiệm kỳ 3 lần thứ 11 của đảng Cộng sản, án oan của Trưởng lão được minh oan triệt để, cuối cùng trở về sơn môn. Lúc này, ngài đã 73 tuổi.

- Cũng năm 1980, Chính phủ huyện Nhân Hóa lễ thỉnh Trưởng lão khôi phục chùa Biệt Truyền - núi Đan Hà, huyện nhà. Chùa Biệt Truyền sáng lập cuối thời nhà Minh (năm 1663), hưng vào đầu nhà Thanh, bị hủy vào năm Dân Quốc. Sau khi Trưởng lão đến núi Đan Hà, đối mặt với cảnh tượng tàn phá đau thương, tượng Phật bị hủy hoại, chùa hoang phế, không thể ngăn đôi dòng lệ. Trải qua bốn năm khổ công lao tác, quyên góp hơn 900 vạn tiền Tệ (nhân dân tệ), trùng tu điện đường trên khuôn viên hơn 5000 m2, tu sửa những văn vật trọng yếu như tháp Phù Đồ, mộ của Đại sư Đàm Qui (1614-1680) ...

- Tháng 3-10/1986, cố Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo TQ - Triệu Phác Sơ cùng với ông Diệp Tuyển Bình - Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông tiền nhiệm, khi đến thị sát chùa Biệt Truyền, đánh giá cao công đức trùng tu của Trưởng lão.

- Tháng 12/1986, Trưởng lão đã 80 tuổi, được Hiệp hội PG TQ và Cục Tôn giáo tỉnh Quảng Đông, lễ thỉnh ngài thủ nhiệm Phương trượng chùa Quang Hiếu - Quảng Châu, đồng thời đảm đương trọng trách trùng tu chùa Quang Hiếu.

- Tháng 12/1989, cử hành nghi thức đặt đá trùng tu chùa Quang Hiếu. Đến tham dự có Phó chủ tịch Hiệp thương chính trị - Trần Tử Bân; ông Quách Vinh Xương - Phó bí thư tỉnh ủy... và Hội trưởng HHPG tỉnh cùng Trưởng lão Bổn Hoán đích thân động thổ. Trưởng lão đã trút hết tâm huyết, tinh lực tu sửa chùa Quang Hiếu, trú tích tại đây 10 năm, thu hồi cho chùa các khu vực bất động sản diện tích hơn 3.1 vạn m2, mở rộng, xây dựng, kiến tạo diện tích 1.5 vạn m2, tổng đầu tư hơn 800 vạn tệ. Trải qua 10 năm gian khổ, chùa Quang Hiếu đã trở thành ngôi cổ sát Phật giáo nổi tiếng.

- Năm 1990, để mở rộng đạo tràng Phật giáo duy nhất trong Đặc khu chùa Hoằng Pháp (Đặc khu chỉ có trong 4 thành phố Thâm Quyến, Hạ Môn, Chu Hải và Sán Đâu), Trưởng lão xây dựng văn phòng thành lập ban chủ nhiệm, đồng thời tuyển chọn 13 vị Pháp sư chùa Biệt Truyền đến phụ trách việc hoằng dương Phật pháp. Từ đây, chùa Hoằng Pháp thắp sáng ngọn nến truyền đăng của Phật Tổ, mõ sớm chuông chiều, Pháp âm vang dội, truyền bá khắp dân gian.

- Tháng 12/1995, Trưởng lão 88 tuổi, trùng tu Tứ Tổ Chánh Giác Tự. Thiền tự Chánh Giác do Thiền sư Đạo Tín (580-651) - Tứ Tổ Thiền Tông sáng lập vào năm thứ 7 Đường Võ Đức (624 CN), có lịch sử lâu đời cách nay hơn 1400 năm, tuy nhiều lần tu sửa, nhưng vẫn bị hủy hoại vào cuối triều Thanh, chỉ còn lại điện Tứ Tổ và mấy gốc bách cổ. Nhờ sự ủng hộ của các cấp chính quyền, nhân sĩ các nơi tương trợ, tháng 12/1995 khởi công trùng kiến Thiền tự Chánh Giác, đến tháng 6/2000 hoàn thành, chỉ hơn thời gian 4 năm, đã xây dựng xong điện đường tăng phòng... khoảng hơn 1 vạn 3 nghìn m2, hơn 45 vạn tệ. Để truyền bá tông phong Tứ Tổ, vào tháng 12/1999, Trưởng lão đã sáng lập đặc san "Chánh Giác", hoằng dương văn hóa Phật giáo, phụng hiến xã hội, tạo phước nhân gian.

- Tháng 11/1996, Trưởng lão đã 89 tuổi, Trong suốt cuộc đời hành đạo, hóa đạo, trùng kiến đạo tràng, ngài thấy ni chúng xuất gia không có nơi để an thân tu học, trong lòng bi thiết, bèn phát nguyện trùng tu đạo tràng ni chúng Liên Khai Tịnh Tự - Nam Hùng, Quảng Đông. Ngày 8/11/96 khởi công động thổ Đại Hùng Bảo Điện, đến tháng 12/1999 lạc thành, diện tích xây cất khoảng hơn 7000m2, hơn 2500 tệ.

- Tháng 3/1999, Trưởng lão 93 tuổi. Khai sơn Châu Cơ Cổ Hạng (nơi hội tụ văn hóa Trung Nguyên & văn hóa Lĩnh Nam), tân kiến Thiền tự Đại Hùng, - ngoại thành Quảng Đông, diện tích khoảng 45563m2. Hiện đã xây xong Đại Hùng Bảo Điện, Đầu Sơn Môn, lầu chung cổ, khách đường và Công đức đường... Sau khi kiến lập xong Thiền tự Đại Hùng, sẽ trở thành một trong những ngôi Tòng lâm lớn nhất miền Nam Quảng Đông.

Thời kỳ tham phương:

Trưởng lão Bổn Hoán rất xem trọng việc đem văn hóa Phật giáo Trung Quốc truyền bá cho tín đồ hải ngoại, hơn 10 năm nay, đã từng đi tham quan, viếng thăm Âu Mỹ và các nước Đông Nam Á như:

- Từ tháng 7/1993 đến tháng 7/1999, đã hai lần đến Hồng Kông viếng thăm chùa Bảo Liên và Chí Liên Tịnh Uyển, cùng với các Pháp sư Giác Quang, PS Vĩnh Tinh, PS Kiếm Chiêu, PS Trí Tuệ... ngoài giao lưu về tình hình phát triển văn hóa Phật giáo hai bờ, gia tăng tình hữu nghị, ngài còn khai thị giảng "Thiền Tông Dụng Công Chi Đạo" tại Chí Liên Tịnh Uyển.

- Tháng 7/1993, Trưởng lão đến Australia giảng dạy phương pháp cụ thể về tu thiền cho tín chúng Cư Sĩ Lâm tại Melbourne (thành phố lớn thứ hai của Australia).

- Tháng 4/1995, viếng Thái Lan được quốc vương Thái Lan tiếp đãi.

- Tháng 5/1995, nhận lời mời của các Pháp sư Đài Loan, PS Huy Thiền chùa Ngộ Tịnh và PS Chân Đạo, PS Đạo Minh chùa Đại Giác đến Đài Loan, tham quan các ngôi đại Tòng lâm: Trung Đài Thiền Tự, chùa Linh Tuyền. Thời gian này, ngài đã truyền pháp mạch Lâm Tế cho Đại sư Duy Giác và chùa Đại Giác. Sau đó, truyền trao Thiền qui chùa Linh Tuyền, biên tập thành quyển "Thiền Đường Khai Thị", hiện nay trở thành quy phạm cho người học thiền trong chốn Tòng lâm.

- Tháng 6/1996, viếng thăm các nước: Đức, Pháp, Luxembourg, Bỉ, Hà Lan, Ý, Đan Mạch, Tòa Thánh Vatican, mỗi nơi ngài đến, đều được sự hoan nghinh nồng nhiệt từ các tín hữu.

- Tháng 8/1998, Tham quan Nhật Bản.

Trưởng lão Bổn Hoán trọn cả cuộc đời hành thiện tứ phương, từ bi giúp đời, đối đãi mọi người không phân biệt địa vị, cũng bất luận là giàu sang nghèo hèn đều bình đẳng như nhau, cho nên mỗi ngày thiện nam tín nữ đều đến viếng thăm lễ bái không dứt. Đặc biệt là lễ Phật đản, những tháng hè nhân số càng đông, mồng 1 và ngày 15 hàng tháng, tín chúng trên 10 vạn.

Hoạt động từ thiện:

Trưởng lão Bổn Hoán thường đem tâm từ bi khoan dung để đến với chúng sanh, nhiệt tình với lợi ích chung của xã hội, từ những năm 1990, ngài đã nhiều lần dẫn đầu chư tăng chùa Hoằng Pháp tham gia hoạt động quyên góp tiền và vật liệu, để hỗ trợ các khu vực thảm họa thiên tai các nơi trên toàn quốc, hỗ trợ các dự án "Công trình Hy vọng" và sự nghiệp phúc lợi xã hội của những người tàn tật:

- Tháng 8/1998, lũ lụt khu vực sông Trường Giang, Trưởng lão đích thân đi đầu trong việc quyên góp 100 vạn nhân dân tệ cho khu vực Tam Hiệp, dẫn chúng đệ tử vận động nâng tổng số hơn 70 vạn tệ.
- Xây dựng trường tiểu học Hoán Hưng tại Phúc An, Phúc Kiến
- Xây dựng trường tiểu học Hoán Tân và Y viện Kiện Dân tại Lý Tập, Tân Châu, Hồ Bắc.
- Tư trợ "Ích Dân Toại Đạo" (đường hầm lợi ích cho dân) tại Huỳnh Mai, Hồ Bắc và Trung tâm Phụ nữ nhi đồng Quảng Châu

- Trong nhiều thập kỷ, Trưởng lão chuyên xây cất trường học, dựng lập Y viện, giúp người nghèo cứu người khốn khổ, sửa cầu bồi lộ, quyên góp hàng nghìn vạn tệ.

- Năm 2003, thời kỳ đại dịch SARS, quyên tặng 130 vạn cho Bộ Nội vụ Quốc gia
- Tháng 5/2003, phát tâm quyên tặng 32 vạn cho 12 trẻ em khuyết tật cần phẫu thuật tim tại viện Phúc Lợi Thâm Quyến
- Tháng 12/2005, tặng 100 vạn cho "Diễn đàn Phật giáo Thế Giới" tổ chức tại Hàng Châu vào tháng 4/2006.
- Từ năm 2005 đến 2007, dù tuổi hạc đã cao (99 đến 101 tuổi), nhưng trí tuệ linh mẫn, Trưởng lão vì lòng từ bi, ích người lợi vật vẫn không ngừng hoạt động kêu gọi, quyên góp cho xã hội, cho đồng bào, cho các sinh viên nghèo khó, cho các bệnh nhân... hàng vạn tệ.

Hoạt động xã hội tuy là việc quan trọng, nhưng trước sau Ngài vẫn thực hiện chuẩn tắc tu hành với phương châm: "không vì tìm cầu sự an lạc cho mình, mà nguyện giúp chúng sanh lìa khổ được vui". Là bậc long tượng trong Pháp môn, là bậc đống lương của Phật giáo, là cây cao bóng cả cho hàng hậu học, hoằng pháp lợi sanh cho hàng tín chúng. Ngài luôn là một bậc mô phạm, giới luật nghiêm minh làm tấm gương cho tăng tục noi theo.

Để phát triển sự nghiệp Phật giáo Trung Quốc, để xây dựng một xã hội hài hòa, ngài đã có sự cống hiến trọng đại, được chính phủ nhân dân đánh giá cao, là điển phạm sáng chói của Phật giáo Trung Quốc, là bậc tôn túc Thiền môn được tín chúng Phật giáo trong và ngoài nước tôn sùng và quý kính tôn xưng là "Thái sơn Bắc đẩu trong Phật môn".

Tôn dung Trưởng lão Bổn Hoán - Hội Trưởng danh dự Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc

Chúng đệ tử hộ tống kim quan Đại lão Hòa thượng đến nơi trà tỳ

Hàng vạn người tống tiễn Kim Quan Đại lão Hòa thượng đến nơi trà tỳ

Cờ phướn che mờ mặt nhật

Vạn người tiễn bậc chân tu

Trưởng lão Truyền Ấn - Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc (thứ 2 từ phải sang trái); Trưởng lão Giác Quang - Hội trưởng Hội Liên hiệp PG Hồng Kông (thứ 2 từ trái sang phải)

Một phút mặc niệm. (từ phải sang trái): Bà Lôi Vu Lam - Phó tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông; ông Chu Minh Quốc - Phó Bí thư tỉnh Quảng Đông; ông Vương Tác An - Cục trưởng Cục sự vụ Tôn giáo Quốc gia; Trưởng lão Truyền Ấn - Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc; Trưởng lão Giác Quang - Hội trưởng Hội Liên hiệp PG Hồng Kông.

Cung kính tiễn Người về Bảo sở

Ông Vương Tác An - Cục trưởng Cục sự vụ Tôn giáo Quốc gia tuyên đọc điện chia buồn của Chủ tịch Hiệp Thương Chính trị toàn quốc - Giả Khánh Lâm, kiêm Thường ủy Cục Chính trị Trung Ương, truyền tải những lời ai điếu của Phó Thủ tướng Quốc Vụ Viện - Hồi Lương Ngọc, kiêm Ủy viên Cục Chính trị Trung Ương.

Bà Lôi Vu Lam - Phó tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông tuyên đọc lời chia buồn của ông Uông Dương - Bí thư tinh ủy tỉnh Quảng Đông, kiêm Ủy viên Cục Chính trị Trung Ương; ông Chu Tiểu Đan - Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông.

Bà Vương Đức Minh - Phó Bí thư thành phố Thâm Quyến tuyên đọc lời chia buồn của ông Trương Cao Li - Bí thư thành phố Thiên Tân, kiêm Ủy viên Cục Chính trị Trung Ương; ông Lý Bằng Trung - Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hồ Bắc

Trưởng lão Tịnh Huệ - Phó Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo TQ, Phương trượng chùa Tứ Tổ, Huỳnh Mai

Trưởng lão Truyền Ấn - Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc

Pháp sư Ấn Thuận - Phương trượng chùa Hoằng Pháp đáp tạ thâm ân

Đúng 10 giờ ngày 5/4, Pháp hội trà tỳ nhục thân Đại lão Hòa thượng Bổn Hoán tại Sơn Trà phía sau chùa Hoằng Pháp. Những sợi khói trắng cuộn vòng lan tỏa trên không - Từ nay bậc chân tu khả kính đã tự tại nhàn du nơi miền Cực Lạc, để lại sự tiếc thương cho hàng tứ chúng đệ tử nơi cõi Ta bà.

http://www.phattuvietnam.net/quocte/18581.html


Âm lịch

Ảnh đẹp